VHP: Giới thiệu đôi nét về
1- Tác giả thơ Nguyễn Huy
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương
Quê: Thọ Xuân, Thanh Hóa
Đã xuất bản:
– Giữa hai đợt sóng ( thơ – NXB Thanh niên – 2004 )
– Đi về phía mặt trời ( thơ – NXB Hội nhà văn – 2005 )…
VHP: Giới thiệu đôi nét về
1- Tác giả thơ Nguyễn Huy
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương
Quê: Thọ Xuân, Thanh Hóa
Đã xuất bản:
– Giữa hai đợt sóng ( thơ – NXB Thanh niên – 2004 )
– Đi về phía mặt trời ( thơ – NXB Hội nhà văn – 2005 )
– Gió sang mùa ( thơ – NXB Hội nhà văn – 2006 )
– Bến nước thứ mười ba ( thơ – NXB Hội nhà văn – 2018 )
· 2- Người bình thơ: Nguyễn Thanh Huyền – Sống và làm việc tại Hà Nội
– Đã xuất bản tập thơ “Vườn Xuân – 2017 NXB Hội nhà văn và 12 tập thơ in chung cùng nhiều thơ, truyện ngắn, bài bình in báo tỉnh và TW
CUỘC TÁI HÔN THUẦN KHIẾT “BẾN NƯỚC THỨ MƯỜI BA” VÀ ĐÔI BỜ ẢO THỰC
Phận gái xưa như chiếc thuyền chòng chành sóng, cập “bến trong” được nhờ, mắc cạn “bến đục” tự chịu, gặp quân tử thì hạnh phúc còn nên duyên với phàm phu khổ một đời. Bến đỗ của người con gái xuất giá có bến trong, bến đục ứng với những vế “có” của người chồng an hưởng về địa vị xã hội, về nghề nghiệp, về tuổi tác mà người ta nói, ám chỉ “ mười hai bến nước”. Còn trong thơ của nhà thơ Nguyễn Huy ta bắt gặp “Bến nước thứ mười ba”. Một bến nước trong tưởng tượng hay hiện hữu, một bến nước của hoài cổ hay lãng sinh. Một bến nước của cái tôi trữ tình “tái hôn thuần khiết” hay bến nước của sóng lòng da diết khôn nguôi vắt từ miền quá khứ thánh thiện nối với những khát khao mong mỏi trên cái “bờ” của ảo thực…
Tôi cứ ngỡ sau “ Gió sang mùa” tập thơ được Hội nhà văn xuất bản năm 2006 thì nhà thơ Nguyễn Huy sẽ “gác bút” ở ẩn, an nhàn với hoa trăng, để mặc ngoài tai những bi, ai, hỉ, nộ. Mặc cho dòng đời “nhiễu nhương”, yểm bùa vào ai đó thánh lên điệu ai oán, sầu bi… nhưng không, sau mười hai năm ứng với “hơn” một thập kỷ hồn thơ cháy “Giữa hai đợt sóng”, “Đi về phía mặt trời” thì “Bến nước thứ mười ba” ra đời. Hóa ra sự ngắt quãng không tiếp tay cho sự đứt rời, Cái tạm dừng cho “thai nghén” đơm nhụy, khai hoa được mãn nhãn, viên mãn hơn! Sự ra đời “Bến nước thứ mười ba” có khoảng cách quá lâu, quá dài so với tập thơ kế trước, mặc cho “ngọn lửa”với thi ca vẫn ngày đêm âm ỉ. Sự xuất hiện của “Bến nước thứ mười ba” như một minh chứng cho hồn thơ Nguyễn Huy: dù cuộc sống có thế nào chăng nữa, có “bẩy nổi, ba chìm”, có “đầu tắt, mặt tối” hay “phú quý thọ khang ninh” thì đến một “ngưỡng” nào đó, một thời điểm nào đó “cái đập” kia sẽ “tức nước vỡ bờ” để cho những yêu thương “trở lại”, cho “mặc tưởng” như đã “li hôn với thơ” nay được “tái hôn” một cách đẹp nhất, trong trẻo nhất,thuần khiết nhất như vốn nó đã vậy, phải vậy…Bởi thế Tôi bảo “Bến nước thứ mười ba” là bằng chứng cho lần “tái hôn thuần khiết” của nhà thơ Nguyễn Huy với thơ ca đương đại.
“ Tình sinh cảnh hay cảnh sinh tình” nói như nào cũng đúng của quy luật “nếu thì” và càng đúng hơn ở cái tâm tình thi sĩ. Chính sự “thương vay”, thương người, thương mình mà thi sĩ hay vô tình “tự giăng lưới bắt mình, tự sa lưới chính mình giăng” để những liên tưởng bị xoắn xít, những “đòn” gậy ông đập lưng ông sao “dễ thương, sao tình” đến vậy!
“Đường tình mấy nẻo chia phôi
Mười hai bến nước lở bồi nắng mưa
Em bến nước thứ mười ba
Xót đau dòng lở văng ra bãi chiều
…
Mấy phương đò gẫy cánh buồm lạc sông.
…
Mười hai bến nước lở bồi
Bến mười ba một em ngồi thở than
Biển chiều một bóng bơ vơ
Mười ba bến nước… một bờ em đau.” (trong Bến nước thứ mười ba )
… “bến nước thứ mười ba” là sự khéo léo trong cách dùng từ đặt tiêu đề, trong cách liên tưởng ví von ẩn vào tượng thanh, tượng hình để ngầm định thân phận cá thể “em”, “em nào đó” mà nhà thơ đã gặp trên đoạn đường trùng phùng, hạnh ngộ, “em nào đó” hay chính “cái tôi” mà nhà thơ liên tưởng, ký thác, “vơ vào” dưới “bóng nơm, úp sọt” của người mẹ “phận số” bủa vây, điều này có thể lắm chứ?! Rồi để cảm thấu thực thể “người đời” “chìm, nổi” hay “ cái tôi” thao thiết với đời, với thơ ca cũng “lậnđận, nổi chìm”.
“ Nghe tiếng khóc của em thổn thức
Mà thương mình dang dở khác chi đâu” ( Trong Em cứ hẹn… nhưng em đừng đến nhé )
Người ta nói “ nhiều thứ đã tràn đầy thì thơ xuất hiện” , thơ nhiều khi là tâm trạng giãi bày, là tiếng lòng thở than, là áng mây chiều thương vay lãng đãng bay, thơ là hiện thân của cuộc sống cá thể, của sự vật, hiện tượng, của “đồng sàng dị mộng” xung quanh. Nhà thơ hóa thân, thương vay vào cảnh đời, tình đời một cách “khít, đóng”, sao cho tròn vai nhất và khi độc giả đọc, cảm thấy rưng rưng hay “tưng tửng” phấn khích, vì đã nhìn thấy một phần mình trong muôn sắc màuở đó, lúc đấy thơ thành công và nhà thơ đã “diễn” tròn vai
“Tháng giêng mê mải đi tìm
Mảnh đời phiêu dạt nổi chìm ai hay” ( trong Tháng giêng )
… Thi thoảng “ở đâu đó” ta bắt gặp một “dáng hình tênh tênh”, nhẹ nhàng, thoăn thoắt. Một đôi mắt sáng trong, đôi khi thăm thẳm diệu vợi. Một nụ cười rất duyên, cái duyên “nổi” lôi cuốn và làm người đối diện tin cậy và ấm lòng… đích thị là thi sĩ mang tên Nguyễn Huy. Đời sống và con người trong veo là vậy, được nhiều người cảm mến, ấn tượng là vậy. Nhưng một số người bảo trong thơ Nguyễn Huykhông khít bóng đời thường. Còn tôi thì tiếp lời: đó cũng là một lẽ thường, và cái khác ở “hồn thơ” sao thơ Nguyễn Huy buồn, “buồn tênh” đến vậy
“Người đi bỏ lại giao thừa
Câu kinh lỡ nhịp… đường xưa lỡ chiều.” ( trong Không đề 1 )
… có lẽ “thơ vận vào người, duyên chữ nó vận vào người” hay đời người là đời thơ, để cho “Khúc cảm thu” ngân lên mủi lòng, đau đáu, xa xót đến vậy
Chỉ là tôi đó bạn ơi
Vai đeo túi gió một đời lang thang
Một đời lòng những đa mang
Tôi mang tiếng kẻ tội đồ
Bỏ em ở lại bến bờ khổ đau
Tôi còn nợ một đêm sâu
Lúa non thẹn với mùa ngâu đổ về
Tôi còn mang nợ câu thề
Tháng năm dang dở mà tê tái lòng
Hóa ra cười đó mà trong lòng chưa hẳn đã vui, cuộc sống một thoáng hư hao mà day dứt, hối lỗi trùng điệp. Có thể “đời người như bóng câu qua cửa sổ” và thuyết giáo “cho đi để nhận về” luôn như chiếc áo “tàng hình” vận vào đời người, nên cười tươi cho cuộc sống bớt ngột ngạt, sầu bi… nhưng những phút lắng lòng chỉ có “ta với ta”, “ta” mới hiểu “ta” hơn cả, để người bạn tri kỉ là “thơ” xuất hiện cho ta “thỏa lòng”
“Một mình uống một mình say
Buồn này nhắm với rượu này thế thôi
Mấy câu lục bát không lời
Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều” ( trong Hình như)
Hay như trong bài “Màu đêm” nhà thơ viết:
Có thể em sẽ đi về phía không nhau
Bỏ lại mùa yêu theo mùa lá rụng
Ngọn gió thổi vào lòng buốt giá
Âm thầm mái tóc nhuộm màu đêm
Ta cùng đi trên con tàu thời gian
Em rẽ xuống bên đường một ga xép
Tôi lại đi những tháng ngày mải miết
Màu thời gian nhuộm tóc đã bao lần
… Phải “thời gian có họ với ai đâu”. Chính thời gian trôi tuần hoàn, lặng lẽ, nhuần nhuyễn, không có khái niệm “khứ hồi” để một “miền yêu” trong nuối tiếc được “trở về bằng thơ”
“Rồi một ngày ta trở lại dòng sông
Chiếc cầu mới giăng ngang miền ký ức
Con đò nhỏ theo dòng đời xuôi ngược
Bỏ lại chiều sông Luộc đứng bơ vơ” ( trong Trở lại con đường ta đã đi qua )
Và nữa,
“Ngày trở về gió thổi bạc triền đê
Viên sỏi trắng đáy sông giờ bao tuổi
Đã trôi mất cả phần đời nông nổi
Hạt cát nào neo giữ tuổi thơ tôi?” ( Trong Ngày về trên sông Chu)
Nhân vật trữ tình bị giăng mắc những hối thúc, trở trăn, những câu hỏi như đợt sóng “nhàu ăm nước” cứ dềnh lên thúc vào thành “bến” khi một “bờ em đau”
“Nửa đời còn nợ ái ân
Nửa đời lạc nẻo phù vân cõi người
Mây trôi bèo dạt cuối trời
Nghêu ngao ngọn gió không lời dửng dưng” ( bài Lục bát không đề )
… Nhớ về làng quê, nhớ về những thân thương gần gũi, những “hôi hổi” của trời thương nhớ… giờ xa vời vợi
Con vô tình sao biết mẹ cô đơn
Đời bơn trải mới nhớ về làng cũ
Khi biết thương yêu, lối chiều bước vội
Thì mẹ đã xa rồi trong mòn mỏi đợi con! ( bài Những tháng năm đời mẹ )
Và với “em”, bóng hình không thể thiếu trong thi phẩm trữ tình, trong đời trần ân ái, nồng say, bịn dịn
“Phố núi một ngày vắng em
Thung lũng chiều hập bóng
Lối về ngơ ngác giọt sương đêm” ( bài Phố núi chiều hè )
Hay:
“Chẳng thể đi hết cùng em những ngày xuân đất Bắc
Chiều nay đứng lặng trước sông thương
Con sóng vỗ giữa đôi dòng trong đục
Tôi còn nợ tôi trước những nẻo đường” ( bài Tôi còn nợ )
… Phải, chỉ có hai dòng nước “trong” và “đục” mà thôi, nhưng “bến dừng, bến đợi, bến chờ, bến để “khế ước” đời mình có “rất nhiều bến”. Đây chỉ là cách nói của một cái “tôi” có chủ định, chính kiến trong khát khao, mong mỏi những điều tốt đẹp ở phía trước… mặc dù ở quá khứ có dở dang, dang dở, có “nợ”, có hao khuyết thiếu hụt tình đời, tình người đi chăng nữa thì “cái tôi” đã biết “tìm về”, biết “hối lỗi”, biết đúng sai, tự “vạch áo cho người xem lưng” thì “cái tôi” đó rất đáng trân trọng, rất đẹp, rất thuần khiết. “Cái tôi” trở về để “tái hôn” lại với những “được, mất” đã qua…
“ Nhặt giọt nắng chiều còn vương dấu tay anh ghì siết
Ướp nụ hôn đầu anh trao trong hương ngát dã quỳ” ( trong Có một tình yêu cao nguyên )
… Trong tập thơ “Bến nước thứ mười ba” ta bắt gặp một giọng thơ rất trẻ, trẻ hơn tuổi người thơ rất nhiều. Những câu thơ long lanh sương sớm, những câu thơ ánh màu tươi mới, trẻ trung. Những câu thơ đa nghĩa, sâu nghĩa, trừu tượng, ẩn hóa mang màu sắc “bùa mê”
“Tháng giêng lộc biếc vườn quê
Bùn non níu bước người về phố xa
Em gái gùi hàng xuống chợ sớm nay
Giọt nắng trinh nguyên ngời trên ánh mắt
Đêm thao thức giữa đại ngàn đổ thác
Bập bùng cồng chiêng
Cháy hồn du khách với Tây Nguyên” ( trong Với Tây Nguyên )
Hay,
“Lòng còn mắc nợ Tây Nguyên
Ngấn bùn đất đỏ loang trên giấc nằm” ( trong bài Nợ )
Những câu thơ mang thần thái thông tuệ trong cách nhìn đa khối hình mà đọc lên Tôi rất thích:
“Đọc câu lục bát không lời
Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều. ( trong bài thơ Hình như ). Câu thơ hay quá, triết lý, sâu xa quá và cũng đau quá. Nếu bình thường chỉ đọc hai câu thơ “Đọc câu lục bát không lời / Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều.” theo ngữ ngôn thì thật phi lý bởi “ta hiểu rõ: Đã “đọc”, đã “khẩu vang” rồi thì phải có “lời”, có từ ngữ và người nghe được là dụ ý truyền tải. Vậy sao “Đọc câu lục bát không lời”. Mà nếu “không lời” thì sao có “kết quả”, “hệ lụy” “Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều”. Vậy hãy thông suốt cùng Tôi theo dòng chảy cảm xúc và trong tứ, ngữ và luận điệu thơ của bài thơ “Hình như” này:
Hình như người có nỗi buồn
Rưng rưng tìm lại ngọn nguồn sông Thương
Mấy mùa nắng gội, mưa tuôn
Soi vào trong đục đôi đường hôm nay
Nắng chiều đã nhạt màu mây
Lối về lá đã rụng đầy bến sông
Lạnh lùng ngọn gió chiều đông
Dửng dưng một tiếng thu không cuối ngày
Một mình uống một mình say
Buồn này nhắm với rượu này thế thôi
Đọc câu lục bát không lời
Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều”
Vậy đó: Câu thơ “Cười lên một tiếng… buồn rơi đáy chiều…” thật hay, thật triết lý quá, đúng quá. Nó đúng cho cái “lẽ đời: đôi khi nhìn thấy vậy mà không phải vậy, đôi khi run cầm cập mà lòng ấm áp hơn bao giờ hết, đôi khi khóc đó mà trong lòng nở hoa hương sắc… và đôi khi “chết” mà lại là sự tái sinh rạo rực… “Cười” đó mà “buồn” da diết… và để tình đời, tình người như “tảng băng trôi”. Phần “băng” mà ta nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ so với phần “băng” chìm dưới mặt nước và những gì ta nhìn thấy chưa hẳn là “mười mươi”, chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ của bản chất sự vật hiện tượng mà thôi. Vì vậy, đôi khi ta nói, “đóng đinh” cho nó là “thực” thì nó là “thực”, nói là “ảo” thì nó là “ảo”… cuộc sống “vẫn ngoan” như vốn nó “không hư” mà… Liệu có thể?!
.. Thi sĩ như kẻ bị “đầy ải” cho những buồn vương trên lộ trình kiếm tìm hạnh phúc. Đôi khi niềm hạnh phúc đó như “lộc ma chơi” của ngày rằm tháng bảy.. đau lắm mà cũng hạnh phúc lắm… Bước chân qua những nẻo đường, những dấu chân “mòn, quên” để hồi sinh bao kỉ niệm, bao hạnh phúc. Tập thơ “Bến nước thứ mười ba” trải qua hành trình “xuyên khứ”về cùng “Những bông mây trên bầu trời Đồng Nai, Có một chiều Tam Đảo, Về Làng, Có một tình yêu Cao nguyên, Đà Lạt những ngày tôi trở lại, Đêm Phương Nam…” Bằng lời thơ nhẹ nhàng, dung dị. cái dung dị, gần gũi như chính cách sống con người nhà thơ vậy. Chính sự giản dị tâm hồn người đã như chuyển thể sang mảng thơ trữ tình tự sự… đã “phổng phao” thành “Bến nước thứ mười ba” như mong đợi trong bến bờ ảo thực… Cái hay, cái độc đáo nằm ở sự chủ định đó.
“Bến nước thứ mười ba” như một “ranh giới” riêng của tình đời, tình người mà ở đó ta thấy một nhân vật trữ tình, một Nguyễn Huy giàu lòng trắc ẩn, đa mang đang “cắt cứa” vào thẳm sâu của lòng son sắc, tự vấn cái tình để cho “bầu trời hồi khứ” được giăng mắc…
… đời người ngắn lắm chỉ “quấn” trong “nợ vay, vay trả” nên khi đã làm được những điều mong mỏi, hay đã trả được “nợ đời”. Ở đây Tôi muốn nói “hồn thơ” Nguyễn Huy đã trả được “nợ thơ” sau mười hai năm “thai nghén”, mà “vụ trả nợ” này như một lần “tái hônthuần khiết giữa đôi bờ ảo thực”.
Mùa Hạ 2018
N. T. H