Tập thơ “Khoảng trời xao xuyến” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2024) là tập thơ in riêng đầu tiên của nhà thơ Đào Thanh Nghị – hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng.
Hầu như tất cả 68 bài thơ trong tập đều thấm đằm nỗi nhớ của tác giả.
Phải là một người đa cảm và tinh nhạy giữa đời thường, Đào Thanh Nghị mới có thể thu hái được những ý thơ , những câu thơ rung lay tâm hồn bạn đọc, khi anh bồi hồi trước cảnh làng quê xưa nghèo đói mà vẫn ấm áp, thân thuộc. Anh khẳng định:
“Miền quê của tuổi thơ tôi
Đủ xao xuyến cả khoảng trời bao la
(Bến đò xưa)
Trong anh đong đầy ký ức tuổi ấu thơ của một cậu bé nông thôn:
“Mặc đông giá lạnh, sương mờ
Ấm lòng vì những giấc mơ ngọt ngào
Vẫn lung linh cả trời sao
Vẫn vườn cổ tích biếc vào bờ tre
Nhớ chang chang nắng trưa hè
Trốn nhà rủ bạn tìm ve, bắt cào
Mong trời đổ trận mưa rào
Ra đồng bắt chấu nép vào rạ rơm
Thu về dịu ngọt nếp thơm
Mẹ vừa nấu chín bát cơm xôi đầy
Run run con đỡ trên tay
Có gì vui thế những ngày tuổi thơ”.
(Tuổi thơ)
Đào Thanh Nghịviết nhiều đề tài. Đồng đất quê hương trong thơ anh như những bức tranh đẹp, gần gũi và sống động. Vẫn con mương, đường làng, triền đê, ruộng lúa, cánh diều vậy thôi mà sao nên thơ và đáng yêu đến thế.Anh khắc họa hình ảnh cha mẹ già làm lụng vất vả, về những người dân quê chất phác, về đám bạn học cùng trang lứa và cả bóng cô thôn nữ ngày thơ từng thầm mơ trộm nhớ.
Thật có lý khi tên tập thơ này là “Khoảng trời xao xuyến”. Hình tượng khoảng trời nhung nhớ ấy đã xuyên suốt cả tập, được tái hiện nhiều lần là khoảng trời ăm ắp hồi ức tuổi thơ của tác giả nơi quê nhà và lớn lao hơn là khoảng trời mênh mông khát vọng tuổi trẻ mà vẫn nặng nghĩa vẹn tình với người thân yêu, với quê hương, đất nước. Đào Thanh Nghị tìm lại khoảng trời ấy là khát khaotrở về tuổi thơ nơi được chôn nhau cắt rốn, được bú mớm, lớn khôn, được học hành chu đáo, để rồi được tự mình lật giở cả dọc dài hành trình cuộc đời đã cố công bươn trải và gắng gỏi vượt lên.
Nhiều khi chẳng có sự làm thơ mà anh cứ kể chuyện nhà mình, làng mình đầy dung dị và lay thức bạn đọc đồng cảm:
“Ngõ nhỏ ngày xưa thấp mái nhà gianh
Nhấp nhô tường rào ngọt lành hoa trái
Những tối sáng trăng vui đùa mê mải
Quên bụng cồn cào, tê tái đêm đông
Bụi hoa giấy gai ngày ấy cha trồng
Cành lá buông lơi bềnh bồng trước gió
Mỗi độ thu về rực màu hoa đỏ
Bậc đá lên thềm còn đó rêu phong
Bao năm cách xa như tạc vào lòng
Ngõ nhỏ thân thương đầy trong ký ức
Tiếng gà gáy vang những đêm thao thức
Leo lét đèn dầu cháy rực ước mơ”.
(Ngõ nhỏ ngày xưa)
Mỗi người có một khoảng trời riêng, nhưng tình yêu góp vào nhau khoảng trời lớn lao hơn để: “Cho chúng mình xao xuyến những mùa giao” (Khoảng trời).
Đào Thanh Nghị viết thơ tình là chủ yếu. Chất lãng mạn, bay bổng làm những câu thơ cũng phiêu diêu hơn. Chỉ thoáng gợn sắc của đất trời cũng đủ khiến anh dâng trào cảm xúc, huống hồ sự chuyển mùa của thiên nhiên quyện vào sự rung động trái tim đầy nhạy cảm đã cho anh bao câu chữ ngọt ngào, tha thiết:
“Ướt đầm ngọn cỏ sương rơi
Nhịp tim gõ thức khoảng trời khát khao.
Hỏi thu đến tự khi nào
Cho ta nhớ vị ngọt ngào đôi môi
Phải thu chênh chếch bên đời
Dành ta mơ áng mây trôi cuối chiều
Mùa về buông một tiếng yêu
Trăm năm buộc sợi chỉ điều mong manh”.
(Thu đến)
Đào Thanh Nghị cũng làm nhiều bài thơ tình. Bằng thủ pháp tự sự, anh kể những câu chuyện tình với bao kỷ niệm êm đềm, với nhiều cung bậc cảm xúcmà chỉ tình yêu mới có. Ngay cả khi thất tình dù thầm kín đớn đau mà không gợn thảm thương, bi lụy, chỉ ánh lên nét nhân văn cao cả:
“Em về bỏ lại mình ta
Ngắm bông cúc tím thành ra sắc vàng
Chòng chành khuyết nửa mênh mang
Vầng trăng hóa chiếc đò ngang giữa dòng
Thôi đành gỡ mớ bòng bong
Ghép cây đa với rêu phong cổng làng
Mộng mơ quyện với nắng vàng
Trời xanh gửi gió biếc hàng tre cong
Em về khép cửa cài song
Ta khâu kín nỗi nhớ mong chưa tròn”.
(Nhủ mình)
Không thể liệt kê ra đây khá nhiều tứ thơ hay, những câu thơ trau chuốt, gợi cảnh, gợi tình ở tập thơ này. Đào Thanh Nghịmê thơ và say làm thơ, ngày đêm trăn trở lựa vần chọn chữ. Đi thăm thú nơi đâu anh cũng ghi lại cảm xúc của mình vào thơ. Đó là miền cao nguyên đá Hà Giang nối nương ngô với mây trời. Đó là miền đồi núi Thái Nguyên còn ấm tình người hồi kháng chiến gian lao. Đó là các tỉnh miền Trung chịu đựng những khốc liệt một thời khói lửa chiến tranh và bao nỗi đau tàn phá qua bão lũ…
Đào Thanh Nghịcòn có một số bài thơ bàn luận chuyện đời, suy ngẫm sự đời và ít nhiều thu nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. Những ngày cả nước gồng mình phòng chống đại dịch Covid -19 hay những dịp mừng kỷ niệm lớn của dân tộc đều cho anh bao ngẫm cảm tích cực, lạc quan.
Đào Thanh Nghịviết nhiều thơ lục bát.Anh khéo vận dụng chất liệu ca dao, giúp cho những câu thơ lục bát của anh trở nên gần gũi, uyển chuyển và có sức cuốn hút, như được chưng cất từ nét mộc mạc thôn dã, sự chân tình của nhà nông và có cả hương vị dân ca đồng bằng Bắc Bộ cộng nét văn hóa đặc trưng miền quê ven sông Kinh Thầy, hòa quyện tính cách mạnh mẽ, nghĩa hiệp mà vẫn đằm sâu của người cửa biển Hải Phòng. Bài thơ “Nhớ mình” và khá nhiều bài khác của anh thể hiện rõ điều đó:
“Người đi khi ấy trăng rằm
Vắng mình, ta giống con tằm cạn tơ
Mình đi, mùa cũng bơ vơ
Dạ ta khắc khoải đợi chờ, mình ơi
Nay vườn xanh dậu mồng tơi
Mong mình về nấu chung nồi canh cua
Quả cà muối xổi đủ chua
Đôi ta chia nửa cho vừa lòng nhau”.
Những năm gần đây đã thấy xuất hiện nhiều tác giả mới trong phong trào sáng tác thơ ở thành phố Hải Phòng. Họ đã khép lại một thời công tác nơi cơ quan, công xưởng, nhưng nay vẫn chưa nghỉ ngơi. Không chỉ làm thêm chút việc nào đó nhẹ nhàng hơn mà họ còn tham gia hoạt động phong trào đoàn thể ở khu dân cư, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngõ hầu tìm bạn tâm giao cùng sở thích và hi vọng đọng lại trong sự động viên đón nhận của người yêu thơ xa gần, họ có chung niềm khao khát trải lòng qua những dòng thơ nên ngày đêm say mê sáng tạo ngôn từ. Nhiều bài thơ ra đời và lác đác được công bố trên các sách báo và các trang mạng xã hội, thậm chí có bài còn đoạt giải thưởng văn học ở địa phương. Đào Thanh Nghị là một cái tên đáng chú ý trong số đó. Tin rằng, thơ Đào Thanh Nghị tiế
p tục sẽ sâu lắng cảm xúc và đậm chất chiêm nghiệm của một đời từng trải.