Đât Việt trời Nam -Tiểu thuyết lịch sử của ĐAn Thành. Chương 13

(Chương 13)

Nhà vua xét công thưởng tướng sĩ

Chiêu Thánh gạt lệ lên xe hoa…

(Chương 13)

Nhà vua xét công thưởng tướng sĩ

Chiêu Thánh gạt lệ lên xe hoa

Đang nói Cốt Đãi Ngột Lang sa vào nơi mạt địa, không có đường tiến, chẳng có đất lui, trong cơn cùng quẫn định rút gươm tự sát. Đoàn Hưng Trí bước lên giữ lấy thanh gươm, nói:

– Thống tướng chớ vội lo, tôi có cách này may ra thoát – quay lại bảo đám binh lính – Đây đã gần đất ta rồi, đằng nào cũng khốn, không liều mà đánh, chịu chết hết cả hay sao?

Nói xong đem bọn quân Bắc Thoán lên đầu, dẫn Cốt Đãi Ngột Lang và Hoài Đô vượt núi chạy suốt hai hôm thoát được về bên kia biên giới. Binh lính theo sau bị quân của Hà Bổng bắn chết đầy rừng. Đám quân đoạn hậu chết gần hết, chỉ có A Truật cùng vài chục lính Bạch Man tắt rừng chạy thoát. Mấy ngày sau Cốt Đãi Ngột Lang về đến Mã Quan, kiểm điểm sĩ tốt còn không đầy năm nghìn người mà phần lớn đều bị thương cả, mới thề rằng:

– Đời ta không bao giờ trở lại đất phương Nam này nữa.

Về sau Cốt Đãi Ngột Lang làm đến tể tướng nhà Nguyên, đánh cướp nhiều nơi nhưng suốt gần ba mươi năm không dám đem quân sang Đại Việt. Mỗi lần Hốt Tất Liệt nói đến đánh Giao Chỉ, Cốt Đãi Ngột Lang đều lấy cớ trong nước còn chưa ổn định gàn đi.

*

Trong khi các cánh quân Đại Việt tiến đánh Đông Bộ Đầu, Trần Quốc Tuấn mời Thái tông lên đài cao ở bến Triều Đông quan sát mặt trận. Khi thấy kinh thành bốc cháy, quân Thát bỏ chạy, Thái tông liền truyền khẩu dụ cho thái sư Trần Thủ Độ đem quân vào thành dập lửa, cứu các cung điện, lầu gác, chữa cháy giúp dân. Ngay chiều hôm ấy nhà vua đem trăm quan về Thăng Long lo việc sửa sang cung thất. Mấy trăm thợ giỏi được triệu đến cùng quan binh làm gấp ngày đêm để kịp đón tết.

Ngày hôm sau dân thành Đại La bồng bế nhau về, tiếng cười tiếng nói tíu tít khắp phường to ngõ nhỏ. Thóc lúa, của cải đào lên, đâu đâu cũng rộn rã chuẩn bị đón xuân. Chị cả Thìn đặt gánh xuống sân, bảo cu Long:

– Chạy bố chúng nó hết rồi con ạ. Từ nay mẹ con mình lại được ở nhà. Mai mẹ  mua cá nấu bún cho con ăn.

Cu Long hỏi:

– Giặc chạy hết sao bố chưa về hả mẹ.

– Con ngoan đi, vài ngày nữa tết thế nào bố cũng về.

– A! Tết bố về, lại dạy con tập võ.

Bên kia bờ rào, bà cụ Hải bảo cô con út:

– Con xem gạo, đỗ đã đủ chưa. Tết này anh mày nó về, làm nhiều nhiều bánh chưng một chút. Thằng ấy là chúa ăn của nếp.

Chị tư Phúc lấy cái nơm úp con gà trống hoa, bảo hai đứa con:

– úp con gà vào đây, vài hôm nữa bố về làm thịt cúng giao thừa.

Vừa nói, chị vừa nhìn ra cổng, biết đâu nhỡ anh về! Tự nhiên má chị đỏ lên. Tuy đã hai con nhưng chị còn trẻ và đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên hơi hớ hênh, dư tràn sức sống và sự khát khao ham muốn rất người. Ngoài đường có tiếng chào hỏi xôn xao. Ai đó nói:

– Gớm! Trên Nhật Tân năm nay hoa đẹp ơi là đẹp!

Những ngày giáp tết, trời ấm dần lên. Tiết xuân như thổi vào cỏ cây vạn vật một luồng sinh khí. Hôm nay là mùng một tết, khắp các ngả đường dẫn vào hoàng cung rực rỡ vô số những ngọn minh đăng nối tiếp nhau đủ các màu. Từ canh năm, anh lính tốt Thân Văn Khoai đã trở về nơi gác cũ bên cổng hoàng thành. Cạnh đấy có gốc đào già cháy dở trồi lên mấy chiếc mầm rất mập với vài cái nụ nhỏ xíu xinh xinh. Những hạt mưa li ti nhảy múa tung tăng, tranh nhau hôn lên mấy nụ đào be bé. Chân cổng phía bên kia không phải là Thái Công Bình, người lính tinh nhanh ấy nằm lại trên chiến trường Bình Lệ, anh đã hoà đời mình vào những giọt mưa xuân làm xanh tươi lá cành của quê hương xứ sở, thay vào đó là anh lính tốt Nguyễn Văn Lai mới được tuyển từ đội lính của phủ Thiên Trường lên. Trong trận Đông Bộ Đầu, Nguyễn Văn Lai có công giết được ba lính Thát, dường như đứng lâu anh ta không chịu nổi, cứ ngọ ngà ngọ ngoạy có vẻ khó chịu lắm, lúc sau quay sang hỏi Văn Khoai.

– Ngày nào cũng phải đứng gác thế này hả anh?

– Là lính giữ hoàng thành chỉ có đứng gác chứ làm gì nữa.

– Ôi! Thế thì chán quá. Tính tôi thích bơi lội chạy nhảy, bây giờ đứng như tượng suốt ngày chịu sao nổi anh ơi, giờ giấc nghiêm ngặt không cựa vào đâu được, hơi tí là bị phạt ngay. Thế mới biết người ta bảo gần lửa rát mặt, biết vậy cứ ở đội thuyền cho xong.

Văn Khoai cười bảo:

– Nhưng về đây đã được ăn ngon, mặc đẹp, lâu dần sẽ quen. Cậu không thấy làm lính hoàng cung là danh giá à? Khối người mơ chẳng được đấy.

– Danh giá thì có nhưng bó buộc lắm. Chả trách con chim trong lồng ăn uống đầy đủ ngon lành thế nhưng hở cửa là bay đi, chẳng cần ngoảnh cổ nhìn lại. Giặc chạy hết rồi, có lẽ ăn tết xong tôi xin về quê cày ruộng giúp thầy tôi. Binh đâu phải là nghiệp hả anh.

Hai anh em đang nói chuyện, từ điện Kính Thiên nổi lên một hồi trống dài, tiếp theo là tiếng pháo nổ. Cả hoàng cung như được nâng lên trong tiếng pháo. Trời sáng dần ra, đằng Đông rực lên màu hồng phơn phớt của ánh tảo minh, bóng đêm và mưa bụi lùi về phía cuối trời. Tiếng pháo ran lên trên các phố La thành rồi lan ra khắp nơi trong Đại La thành

Trăm quan đã tề tựu trước sân điện Kính Thiên. Đúng giờ Mão, nhà vua mặt rồng tươi tốt bước lên điện. Triều thần quì lạy tung hô vạn tuế. Thái tông giơ tay vẫy, miễn lễ cho mọi người. Ngài nói:

– Ơn nhờ linh khí giang sơn, hồng phúc của tổ tiên cùng sự chung sức đồng lòng của muôn dân trăm họ, đã đánh đuổi được giặc Thát ra khỏi biên thuỳ. Nhân dịp tân xuân, trẫm có lời chúc trăm quan cùng bách tính người người an khang, nhà nhà thịnh vượng, đặng làm cho Đại Việt ta thành một nước phú cường.

Nhà vua vừa dứt lời, từ quan đến lính cùng tung hô:

– Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế.

Hoàng thành vang ầm trong nhịp trống, tiếng người. Dân Đại La nhất loạt hô theo:

– Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế…

Tiếng hô lan qua bãi ngô, theo dòng Nhị hà mang niềm phấn khích đến tận ngõ nghách của các xóm làng. Đợi cho bầu không khí lắng lại, nhà vua nói tiếp:

– Trẫm xin tỏ lòng tri ân tới các gia đình quan lại, sĩ phu, tướng lĩnh, binh lính cùng muôn dân có người thân đã anh dũng xả thân trong cuộc chiến vừa qua vì sự trường tồn của giang sơn xã tắc. Sự cống hiến đó thật là lớn lao, dẫu đem núi Yên Tử mà so cũng không thể nào sánh được.

Giọng nhà vua nghẹn lại, người xúc động nghĩ đến các chiến binh đã vì núi sông, vì người mà ngã xuống. Các triều thần cùng tướng lĩnh, binh sĩ cũng im lặng, một sự im lặng thành kính trang nghiêm trong đau thương mất mát. Bầu không khí như chìm hẳn xuống. Giây lâu nhà vua mới nói tiếp:

– Cho dù tổn thất đó thật lớn lao nhưng người Đại Việt đã chiến thắng vinh quang. Trẫm mong các khanh, tất cả thần dân Đại Việt của trẫm hãy cùng trẫm chung sức chung lòng xây dựng lại cơ đồ, làm oai linh dòng giống Lạc Hồng ngày càng rạng tỏ.

Nhà vua vừa ngừng lời, trăm quan cùng binh lính lại đồng thanh tung hô :

– Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!

Nhà vua tiếp:

– Có được chiến thắng đó là nhờ các khanh từ quan lại đến nông phu đã cùng trẫm lo mối lo của xã tắc, gánh gánh nặng của giang sơn, thật đáng khen lắm lắm. Ai cũng có công, ai cũng đáng thưởng, người đầu tiên phải kể đến là Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung.

Viên quan thị độc hô to:

– Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung lĩnh chỉ.

Bà Dung quì trước sân rồng. Nhà vua nói:

– Trong khi trẫm cùng triều thần đem quân chống giặc ở ngoài, Thiên Cực công chúa đã lo cho hoàng tộc và trăm họ lánh về Thiên Trường, không để quân Thát bắt người cướp của, đó là công lớn thứ nhất. Khi tạm lánh ở Hoàng giang khanh đã giữ gìn hoàng thái tử, các cung phi, các công chúa cùng vợ con tướng lĩnh có được cuộc sống bình ổn không bị giặc cướp, vì thế hậu phương ta yên định, đó là công lớn thứ hai. Trong khi ta đang cần quân dụng để đánh giặc, khanh đã chiêu mộ dân binh, quyên góp đồ binh bị gửi ra mặt trận, đó là công lớn thứ ba. Đàn bà làm được như thế thật chẳng hổ danh con cháu Trưng vương. Do những công lao to lớn đó, trẫm phong khanh danh hiệu Linh Từ quốc mẫu; xe kiệu, mũ áo, quân hầu đều ngang với hoàng hậu.

Linh Từ bái lạy tạ ơn lĩnh chỉ. Ai cũng bảo:

– Thật là xứng đáng.

Viên thị độc gọi:

– Tướng Trần Khánh Dư lĩnh chỉ.

Trần Khánh Dư bước ra qùi trước sân rồng. Nhà vua phán:

– Trần Khánh Dư tuổi trẻ mà anh dũng mưu cơ, thừa lúc quân giặc sơ hở, đánh úp cướp được nhiều lương thảo làm cho quân Thát sớm lâm vào tình cảnh khốn đốn. Công ấy không phải nhỏ. Trẫm phong cho tước hầu.

Trần Khánh Dư bái tạ nhận chỉ đứng dậy. Thái tông nói tiếp:

– Trẫm muốn nhận khanh làm thiên tử nghĩa nam. ý khanh thế nào?

Khánh Dư vội quì lạy tạ ơn rằng:

– Đội ơn hoàng thượng ưu ái. Nhi thần thật cảm kích, đâu dám không tuân.

Từ đấy Trần Khánh Dư được đối xử như một hoàng tử. Quan thị độc hô tiếp:

– Quan đại phu Lê Tần nhận chỉ.

Lê Tần quì lạy. Thái tông phán:

– Lê Phụ Trần đánh giặc có công, nguy nan không rối trí, mưu lược anh hùng, biết lấy nhàn chờ đánh nhọc. “Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”. Nay trẫm phong khanh làm ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu, cho kết duyên cùng công chúa Chiêu Thánh. Hẹn ngày nguyên tiêu mở hội thành hôn.

Lê Tần cùng các quan ngơ ngác không hiểu nhà vua nói gì nhưng cũng không ai dám hỏi. Thái tông tiếp lời:

– Có những người được phong khen, hôm nay vắng mặt ở đây, bộ lễ có trách nhiệm chuyển sắc chỉ của trẫm đến bản thân hoặc gia đình họ. Đó là Hà Bổng chủ trại Quy Hoá có công tập kích đánh tan tàn quân giặc. Hôm nay là ngày tết, dân ta được yên vui nhưng ông ấy vẫn còn đuổi quân Thát ở miền biên giới. Công lớn ấy thật đáng ghi cho muôn đời mai hậu noi theo. Trẫm phong cho tước hầu, cử làm tướng trông coi động Quy Hoá. Đó là Phùng Lộc Hộ, đánh giặc từ khi chúng mới vừa đặt chân tới Bạch Hạc, không cho chúng bắt người cướp của, bảo vệ được bách tính, chẳng may lâm trận tử vong. Trẫm truy phong là Lân Hồ Đô Thống đại vương,  xây miếu thờ ở quê làng Đồng Bảng, huyện Tùng Thiện. Trẫm lại ban tám chữ lớn “ nam thiên tráng khí, Bắc khấu hàn tâm”, khắc vào bức hoành đặt thờ trong miếu. Những người mệnh vong trong lúc cùng đánh giặc được phối hưởng, quanh năm khói hương thờ phụng. Đó là bảy anh em họ Lỗ, đứng đầu là Lỗ Định Sơn ở Tam Dương, toàn gia địch chiến, đánh giặc cả khi chúng đến lẫn lúc chúng rút chạy, gây cho quân Thát nhiều tổn thất. Cùng rất nhiều tướng sĩ có công, sau này sẽ được lần lượt ban thưởng. Những gia đình binh lính trận vong, thương tật được cấp tiền bạc. Những người tham gia đánh giặc đều được ban thưởng, cho về thăm nhà. Tuyên bố đại xá thiên hạ, chỉ riêng những kẻ hàng giặc thì không được tha.

Nhà vua vừa dứt lời, tiếng tung tung hô vạn tuế ầm vang như sóng dậy khắp trong ngoài kinh thành. Tan buổi triều, người ta ôm nhau mà khóc mà cười. Ai nấy hoan hỉ bảo rằng:

– Vua ta thật là đấng minh quân.

Cái tết này không ai sung sướng hơn chị cả Thìn. Đúng tối giao thừa, anh cả Thìn về đến nhà, vừa đặt khăn gói xuống đã ôm lấy cu Long hôn lấy hôn để. Chị cả Thìn bảo chồng:

– Em đã đun nước nóng, nhà đi tắm đi. Thay áo thay khố ra để em giặt rồi vào ăn cơm.

Anh cả Thìn âu yếm nhìn vợ. Đêm ấy hai người trò chuyện, nói sao hết tình ái ân của đôi vợ chồng lâu ngày mới được gặp nhau. Chị sờ lên mặt anh, bảo:

– Mình đen quá, mà chân tay cứng như gỗ lim vậy.

– Không thế thì sao đánh được giặc.

– à! Em chưa hỏi. Chú Sơn con bà Hải mấy chú tư Phúc có về không?

Anh cả Thìn không trả lời, chỉ buông một tiếng thở dài. Dưới ánh sáng lờ mờ của đĩa đèn dầu lạc, chị thấy anh nhìn trân trân vào một điểm nào đó trong khoảng tối trên mái nhà. Chị lay người anh, hỏi:

– Hay có chuyện gì rồi hả thày em.

Anh cả Thìn như tỉnh lại, nói:

– à à! Không có gì! Mai anh sang bên ấy chúc tết. Các chú ấy chưa về được. Khuya rồi, ngủ đi.

Chị cả Thìn thấy anh nói vậy, không dám hỏi nữa, kéo chăn đắp cho con rồi ôm lấy tấm ngực lực lưỡng của chồng, nằm yên. Anh Thìn trằn trọc không ngủ, đầu óc căng căng. Ngày mai gặp mọi người, nói chuyện thế nào, dịp đầu xuân anh không thể là con chim mang về tin dữ.

Sáng mùng một, chị cả Thìn dậy sớm, lẳng lặng làm thịt gà sắp mâm cỗ cúng, chị không muốn đánh thức anh, sợ anh mệt. May thay, sáng ra ai nấy đều hướng về những tấm cáo thị dán khắp nơi trong thành, người ta còn mải kéo nhau đi xem đốt pháo và tung hô vạn tuế. Những nhà có người thân chưa về lại càng hăng hái đi để nghe tin tức con em nên dù anh cả Thìn có không đến chúc tết cũng không ai trách cứ. Buổi chiều, nỗi mong chờ hi vọng đã biến dần thành đám mây u ám ngày càng nặng trĩu treo lơ lửng trên những mái nhà có người đi lính chưa về. Họ tìm đến những người trở về từ mặt trận để hỏi thăm. Gần tối, chị tư Phúc rủ bà cụ Hải sang chơi chúc tết nhà anh cả Thìn. Chị cả Thìn đon đả ra chào khách. Cụ Hải vui vẻ nói:

– Năm mới sang mừng tuổi anh chị năm nay giầu bằng ba bằng bốn năm ngoái. Bố cháu về đâu rồi, xem có khoẻ không nào.

Anh Thìn trong nhà chạy ra:

– Cháu chào bà, chào cô Phúc. Mời bà, mời cô vào trong nhà xơi nước. Cháu chúc bà năm nay khoẻ bằng ba bằng bốn năm ngoái, chúc cô Phúc ăn gia làm nên bằng ba bằng bốn năm ngoái.

Những lời chúc tụng như một công thức đã cũ nhưng không thể thay đổi. Bà cụ Hải thắp mấy nén nhang cắm lên ban thờ. Chị tư Phúc thở dài, nói:

– Không hiểu nhà em thế nào mà hôm nay chưa được về. Bác có gặp nhà em không?

Anh cả Thìn bảo:

– Cứ vui vẻ cho con ăn tết đi đã, lính tráng trận mạc biết đâu mà đợi. Chắc cũng chỉ mấy ngày nữa…

Cả Thìn dừng giữa câu nhưng anh cảm thấy hài lòng vì đã nói được tự nhiên và rành rẽ đến thế. Bà cụ Hải cũng họa vào:

– Phải đấy! Cứ vui vẻ ăn tết cái đã, biết thế nào mà đợi.

Chị tư Phúc bảo:

– Tết nhất, nhà người ta vui vẻ; nhà con, chòng chọc ba mẹ con, chán chả muốn ăn uống gì bà ạ.

Bà cụ Hải bảo:

– Thằng Sơn nhà tôi cũng chả có tin tức gì – Bà quay đi, lấy khăn chấm lên mắt, đổi giọng, nói tiếp – Nhưng thôi! Biết thế nào mà lo, mà có lo cũng chả được việc gì, cứ đợi ít ngày nữa thế nào rồi cũng lần lượt được về.

Chị tư Phúc bảo:

– Thôi! Năm sớm sang mừng tuổi hai bác. Bà con mình về đi. Biết đâu nhà con mấy chú Sơn chả ở nhà rồi.

Hai người ra về, đường phố đã tối, rẽ vào ngõ, chỉ có cây duối già đứng đợi trong mưa bụi.

*

Từ tối hôm qua, các chùa trong thành Đại La như hấp thu được nhịp thở của mùa xuân, tất cả cùng sống dậy. Chùa Bảo Quang đông nghịt người đến lễ. Tiếng chuông ngân như xoa dịu nỗi đau nhân thế và mở lối cho muôn vạn linh hồn thoát khỏi đường mê. Khói hương nghi ngút bay ra ngoài tam bảo, trùm lên những cây đại già trầm mặc suy tư. Chiêu Thánh từ hôm lánh giặc trở về, chưa ra khỏi tam quan. Nàng cùng tăng ni thu dọn gạch ngói vỡ, dựng lại những bức tượng đổ, chiều chiều thắp hương trong bảo tháp nơi cất giữ di cốt phụ hoàng. Từ khi thái sư Trần Thủ Độ và mẹ nàng đón chị Thuận Thiên vào cung, nàng dọn ra ở hẳn chùa này thấm thoắt đã hai mươi năm, chỉ có một mình A Nhi đi theo bầu bạn sớm chiều. Mấy năm trước, Chiêu Thánh định gả A Nhi cho một anh lính tứ sương nhưng A Nhi không chịu, nguyện ở vậy hầu hạ Chiêu Thánh đến trọn đời. Dễ có đến hơn mười năm Thái tông Trần Cảnh không gặp lại Chiêu Thánh. Chị Thuận Thiên bây giờ đã thành người thiên cổ nhưng ngọn lửa yêu thương trong lòng Chiêu Thánh đối với hoàng thượng đã tắt từ lâu. Thời gian đầu đôi lần hoàng thượng đến thăm nhưng nàng lánh mặt, lâu sau hoàng thượng không tới nữa. Chiêu Thánh yên trí rằng hình ảnh của nàng cũng đã phai mờ trong trí nhớ quân vương. Nàng có thể dùng quãng đời còn lại toàn tâm lo việc thờ  phụng  người  cha  đáng  thương  và  xấu số  của  mình. Tuy  không chính thức xuống tóc nhưng trái tim nàng đã ưu du cõi tam muội từ lâu. Có lẽ vì vậy mà tâm hồn nàng trở nên thảnh thơi thư thái, những vết thương nơi cõi lòng theo tháng năm dần kín miệng. Tết năm nay, giặc Thát bị đánh tan, trăm họ nao nức vui cười, Chiêu Thánh cũng như thấy mình trẻ lại, nàng lao vào công việc hàn gắn thương tích trên mặt đất, không biết điều đó cũng làm cho khuôn mặt nàng bớt đi dấu vết bi thương. Mặt đất, mặt người sắc xuân đang trở lại. Ai biết trong lòng vị công chúa bốn mươi tuổi đời đang nghĩ những gì. Hôm nay là mùng một tết, mùa xuân tô lên những cành bưởi, cành hồng một màu xanh mới. Chiêu Thánh mặc áo đại lễ đang đứng đốt giấy tiền trước bảo tháp Huệ Quang, A Nhi từ ngoài chạy về kéo nàng vào trong phòng, nói nhỏ:

– Có tin này không biết có nên nói để công chúa biết hay không!

– ồ! A Nhi, em làm sao vậy? Có chuyện gì mà phải ngập ngừng. Năm mới như vậy là không may mắn rồi.

– Công chúa ơi! Chuyện này chưa biết là may hay không đây – ghé sát vào tai Chiêu Thánh – Hoàng thượng nói gả công chúa cho Bảo Văn hầu Lê Tần.

Chiêu Thánh lãnh đạm nói:

– Hoàng thượng gả ai cho ai có việc gì đến ta.

A Nhi ngơ ngác:

– Ơ! Nhưng gả chính công chúa cơ mà.

– Ô kìa! Năm mới mà sao A Nhi lẩn thẩn thế? Chính công chúa hay phụ công chúa cũng đã sao?

A Nhi lắc đầu quầy quậy hỏi:

– Thế công chúa đồng ý lấy Lê hầu hay sao.

– Công chúa nào? Sao lại hỏi ta?

– Chính công chúa Chiêu Thánh chứ còn công chúa nào nữa!

Chiêu Thánh dường như đã hiểu ra, trợn mắt hỏi:

– Ta? Chính ta? Gả ta cho Lê Tần? Em làm sao thế, có ốm không mà nói bậy bạ vậy?

Chiêu Thánh vừa nói vừa sờ tay lê đầu A Nhi. A Nhi thanh minh:

– Em không có nói bậy bạ. Dân khắp thành Đại La đều biết vậy. Đâu đâu người ta cũng kháo nhau nguyên tiêu này ăn mừng công chúa Chiêu Thánh thành thân với tướng quân Lê Tần. Có lẽ chỉ chốc nữa Linh Từ quốc mẫu sẽ đến đây.

Chiêu Thánh lặng im giây lâu mới nói:

– Dù sao ta vẫn còn là vợ của hoàng thượng, có lẽ nào lại như thế.

Chiêu Thánh đang nghi hoặc, ngoài cổng chùa có tiếng ồn ào. Ai đó nói:

– Linh Từ quốc mẫu giá lâm.

Lời nói của A Nhi đã được xác nhận. Chiêu Thánh bưng mặt khóc:

– Ôi thân ta sao quá gian truân! Trời ơi! Nhà vua sao có thể làm những chuyện thương phong bại tục như vậy được. Mà cũng đúng thôi, anh chị em lấy nhau không kể luân thường, vua cướp vợ thần, em cướp vợ anh chẳng kiêng đạo lý, đã dám cướp vợ người thì cũng có thể đem vợ mình ra làm phần thưởng cho kẻ khác lắm chứ. Không việc hủ bại nào không xảy ra ở chốn cung đình.

*

Lê Tần từ lúc ở triều về, ngồi đứng không yên, không hiểu sao hoàng thượng lại ban cho cái ân trạch oái oăm như vậy, chưa biết nên xử trí thế nào bỗng gia nhân vào báo có quan trung minh tự Lưu Miễn đến thăm. Lưu Miễn vốn xuất thân khoa bảng, cùng Vương Giát đỗ đầu trong khoa thi thái học sinh năm Thiên ứng Chính Bình thứ tám (Kỷ Hợi-1239), được phong tước minh tự bổ làm an phủ sứ lộ Thanh Hoá, lúc ấy đang có việc ở kinh thành. Miễn học sâu biết rộng lại thích giao du hào kiệt, được Lê Tần quý trọng, hai người thường qua lại với nhau, tình bạn bè rất là tương đắc. Hôm ấy ngày đầu năm, biết chuyện của Lê Tần, Miễn đến mừng. Lê Tần vội mời vào. Miễn nói:

– Nhân tiết tân xuân, tôi xin có lời mừng Lê huynh đắc sự công danh, lại yên bề gia thất.

Lê Tần nói:

– Chính vì cái sự yên bề gia thất ấy mà tôi đang sầu khổ muôn phần chứ có gì đáng mừng đâu!

–  Hà cớ chi mà Lê huynh phải sầu khổ?

– Từ khi phu nhân của tôi lâm trọng bệnh về với tổ tiên, đã hơn hai mươi năm chưa khi nào tôi vương nghĩ tới chuỵên tục huyền, nguyện ở vậy một đời làm kẻ trung tình. Nay hoàng thượng ban cho cái sự lạ này, một là lỗi đạo quân thần, hai là không còn thủ tiết được với người vợ quá cố, ba là họ Lê nhà tôi đã có lời nguyền bất cộng đới thiên cùng họ Lý, tôi đâu dám chung thân với công chúa họ Lý bao giờ, vì thế mà trong lòng sầu muộn.

Lưu Miễn cười lớn, nói:

– Tôi vẫn kính trọng Lê huynh là người tài cao học rộng, sao vẫn giữ những chính kiến hẹp hòi quá như vậy. Ba nỗi khổ của huynh giải có khó gì.

– Xin Lưu huynh chỉ rõ cho.

Lưu Miễn nói chậm rãi:

– Thứ nhất về đạo quân thần huynh không có lỗi. Chiêu Thánh ra khỏi hoàng cung hai mươi năm nay, tình nghĩa với hoàng thượng không khác gì người dưng nước lã. Từ khi hoàng thượng giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa, đã coi nàng không còn là vợ nữa rôì. Hôm mới về kinh, tình cờ nhà vua đi qua chùa Bảo Quang, trông thấy Chiêu Thánh trong sân có phần khoẻ mạnh xinh đẹp hơn xưa, người nói: “Ta phải trả lại tuổi xuân hạnh phúc cho nàng”. Kết duyên cùng Chiêu Thánh, huynh đã giúp vua trả được món nợ đó vậy. Thứ hai, huynh muốn làm kẻ trung tình, vậy chữ hiếu huynh để vào đâu? Trong tất cả các tội bất hiếu, tội không chịu sinh con cái để dòng giống tuyệt tự tuyệt tôn là nặng nhất, mà nay huynh vẫn chưa có con. Vả lại huynh là đấng nam nhi đại trượng phu, khư khư ôm mối trung tình với người đã khuất há chẳng phải thói thường của đám quần thoa, không sợ thiên hạ người ta cười ư? Ba là lời nguyền của họ Lê với họ Lý, thánh nhân dạy oán cừu nên cởi không nên buộc. Thiên hạ nay đã về nhà Trần, huynh còn oán thù ai. Triều đại nào có thịnh lại chả có suy, vượng như Chu, cường như Tần, thịnh như Hán, minh như Đường rồi cũng đều có ngày chung cục. Khi cái cũ đã suy tàn cái mới cường mỹ ắt phải thay thế, âu cũng là thuận tự nhiên. Chẳng lẽ cứ để cho một triều đại suy đồi với ông vua bạo ngược trị vì mãi, muôn dân bách tính sẽ ra sao? Sứ mạng của huynh là phải giải lời nguyền. Cuộc hôn nhân này chính là sự hoá giải lời nguyền ấy. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà thánh thượng lại sắp đặt như vậy. Chắc là người đã hao tâm tổn lực lắm. Kẻ nông cạn sao hiểu chỗ khuất khúc ấy.

*

– Thôi! Nghe mẹ đi con, hãy về trong phủ để còn sắm sửa, vài ngày nữa nhà trai người ta có cơi trầu đưa sang. Nhà vua làm thế này cũng là vì lòng tốt, muốn chăm lo cho hạnh phúc của con.

Linh Từ quốc mẫu cố ngọt nhạt dỗ dành nhưng điều đó chỉ làm cho Chiêu Thánh càng thêm bực bội, tủi cực. Nàng nói trong nước mắt:

– Thôi! Bà đừng nói nữa. Bà hãy về với ông chồng thái sư của bà đi. Tôi biết tỏng cái sự chăm lo của họ Trần nhà bà đối với tôi rồi. Vâng! Chính vì cái sự chăm lo quá chu đáo ấy đã biến tôi từ một hoàng đế thành hoàng hậu, rồi từ hoàng hậu thành công chúa, đến nay cái phận công chúa cũng không còn. Các người muốn tôi phải làm thê thiếp cho một tên đầy tớ của họ Trần nhà các người. Lòng tốt của nhà vua, thật là phát buồn nôn lên được. Bà về đi! Mang luôn cả cái lòng tốt của họ Trần nhà bà về cho tôi được yên.

Linh Từ vẫn dịu dàng, một vẻ dịu dàng đầy sự nhẫn nại và tình thương của mẹ đối với con gái. Bà nói:

– ừ thì mẹ hẵng về nhưng con cũng cần nghĩ lại. Việc này chỉ mang đến điều tốt đẹp cho con đấy thôi.

Chiêu Thánh không nói. Linh Từ đứng dậy đi ra, lên kiệu về phủ. ChiêuThánh bảo A Nhi:

– Em lau sạch chỗ bà ấy vừa ngồi cho ta.

A Nhi ân cần đến ngồi bên Chiêu Thánh, nói:

– Em nghĩ quốc mẫu nói cũng phải. Tình duyên với nhà vua coi như đã dứt, công chúa nên lo cho bản thân, chẳng nên suy nghĩ nặng nề quá làm gì. Nàng Ly Cơ xưa chẳng đã từng hối hận đó sao. Còn tiết hạnh ư? Người đời chỉ lấy mỹ tự mà doạ nhau chứ có tiết hạnh thật thì nàng Tuyên Khương nước Vệ, nàng Chân Thị nhà họ Viên, nàng Dương Văn Nga nhà Đinh và cả Linh Từ quốc mẫu nhà ta nữa biết trốn vào đâu. Thế mà họ vẫn được thiên hạ tôn kính đó thôi.

Chiêu Thánh nhăn mặt nói:

– A Nhi ơi! Chồng ta vẫn sống sờ sờ ra kia. Ta vẫn là vợ đương kim hoàng thượng.

A Nhi than:

– Trời ơi! Thật khổ thân công chúa. Em cứ nghĩ làm vợ hờ của một ông vua thà làm vợ thật của anh đốn củi còn không đến nỗi mất phần chăn gối.

*

Rằm tháng giêng, dân thành Đại La ăn tết nguyên tiêu cũng là lẽ thường nhưng năm nay nhà vua cho mở hội hoa đăng mừng công chúa Chiêu Thánh cải giá mới là chuyện lạ. Suốt từ tối, hồ Lục Thuỷ san sát những đèn. Nào dân, nào lính, nam thanh nữ tú áo khăn rực rỡ kéo nhau đi nườm nượp, cười nói ồn ào. Trên trời cao chị Hằng bẽn lẽn nhìn trộm thế gian rồi lại kéo chiếc khăn mây mỏng che vội khuôn mặt ủ dột còn hoen vệt ướt của những ngày mưa gió. Một chàng trai đi bên cô gái, cao hứng nói:

– Hôm nay trời còn nhiều mây nhưng trăng đẹp quá. Lâu lắm mới lại thấy trăng, suốt cả mùa đông bị mây che khuất.

Cô gái bảo:

– Trăng đẹp thật nhưng cứ lẩn vào mây như người xấu hổ ấy. Người ta bảo còn biết xấu hổ là vẫn còn nhân cách phải không anh?

–  Ai mà biết được lòng dạ trăng già.

Tiếng nói của đôi trai gái chìm giữa những âm thanh ồn ào của đám người đang hò hét xem trò tạp kĩ. Trong quán rượu, bàn nào cũng đầy những lính, nhà hàng phải bày bàn ghế ra cả ngoài hè cho khách ngồi. Một bàn trong góc có ba anh lính, một anh mặt trắng, một anh có râu và một anh mắt xếch. Anh mắt xếch hỏi anh mặt trắng.

– Nghe nói hôm nay trong dinh quan ngự sử bận lắm cơ mà? Sao cậu đi chơi được.

Anh mặt trắng thở dài nói:

– Cưới vợ thì ai chả bận. Anh có biết suốt mười ngày hôm nay mấy anh em chúng tôi khổ sở thế nào không? Từ sáng đến tối chỉ khiêng kiệu ra lại khiêng kiệu vào, tập mỗi cái việc khiêng kiệu cô dâu mà không nổi. Hôm nay xong việc mới được đi chơi đấy chứ.

Anh có râu bảo.

– Khiêng kiệu cô dâu thì làm gì khó khăn đến thế… ừ! Mẹ kiếp, chai rượu này như có mùi khê.

Anh mặt trắng tiếp:

– Khê đâu mà khê. Rượu cũ nó thế… Người bảo kiệu công chúa phải khiêng bốn đòn, người lại nói cải giá chỉ khiêng hai đòn thôi. Tập đi tập lại cho đến sáng nay vẫn còn nửa hai nửa bốn. Các anh không biết chứ, khổ nhất là ngày hôm nay, lúc đi đón dâu mà mặt chú rể buồn như đưa đám.

Anh mắt xếch bảo:

– Quái! Cái bố Lê Tần nhà ta quá nửa đời người còn ngấm ngố đến thế. Đánh giặc rõ hăng mà lấy vợ lại ra chiều e ấp. Đúng là người cổ.

Anh có râu dằn cạch cái chén vại xuống bàn, nói:

– Mẹ kiếp không vớ được tay ông!

Mấy anh em cùng cười. Anh mặt trắng nói tiếp:

– ối giời ơi! Đến cái đận đón cô dâu ra kiệu mới khốn nạn chứ. Khóc khóc, mếu mếu nước mắt nước mũi đầm đìa, làm cứ như ăn vạ. Lại còn chết ngất mấy lần. Đành phải cho cả một thị nữ vào kiệu ngồi để giữ. Đáng lẽ chỉ khiêng một người hoá khiêng hai. Cái con thị nữ nó béo như nặc nô, nặng bỏ cha bỏ mẹ đi được.

Anh có râu bảo:

– Cái đám cưới này kể ra trái lễ, nhưng chắc rồi chẳng ai hạnh phúc bằng họ cho mà xem.

Anh mắt xếch nói:

– Lễ mấy chả nghĩa. Thời nay ai còn hơi đâu nghĩ đến cái thứ xa xỉ phẩm ấy nữa. Biết thế nào mà chắc hạnh phúc mới không hạnh phúc.

Anh có râu cả quyết:

– Chắc chứ. Tôi cứ đánh cuộc với các cậu mười ăn một đấy.

– Cuộc thì cuộc, mấy khi vua gả chồng cho vợ. Uống nhanh lên xong rồi còn đi hát cô đầu. Chưa bao giờ nhiều ả đào xinh tươi đến thế.

– ố ồ! Bọn con hát bây giờ có giá ra phết. Một cô đào non còn hơn mười vị tiến sĩ… Rượu khê thật lại cứ bảo không.

– Không khê đâu… Đúng là đánh giặc xong tha hồ lắm chuyện hay ho.

Thật là:

Kẻ trong tiệc cưới đang buồn khổ

Người ngoài quán rượu lại hân hoan

Mời bạn đọc tiếp chương sau xem đôi vợ chồng ấy có hạnh phúc hay không.

Đ.T

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder