Đất Việt trời Nam- Tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – Chương 20

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 20)

Trần Bình Trọng đẹp duyên cùng công chúa Thụy Bảo

Chiêu Văn vương một mình đến sơn động Đà  Giang..

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM(Chương 20)

Trần Bình Trọng đẹp duyên cùng công chúa Thụy Bảo

Chiêu Văn vương một mình đến sơn động Đà  Giang

Trên kia đang nói công chúa Thiên Thụy được tin Trần Khánh Dư đã chết, vô cùng đau đớn, nhảy xuống hồ tự vẫn. Bọn thị nữ theo hầu sợ hãi kêu ầm lên. Mấy chiếc thuyền đang bơi cùng xúm lại cứu, may vớt được nàng lên bờ. Các vương hầu công tử đang du chơi cũng đến an ủi, bọn thị nữ khóc nhễ nhại lúc lâu công chúa mới chịu về cung. Khi nhỏ, công chúa Thiên Thụy rất được thượng hoàng Trần Cảnh cưng chiều, ông cháu thường tỉ tê trò chuyện, công chúa nói những câu ngộ nghĩnh, thượng hoàng thích lắm. Lúc ấy được tin công chúa quyên sinh nhưng không chết, thượng hoàng bảo người hầu đưa đến thăm. Thiên Thụy ôm lấy ông, khóc nói:

– Thượng hoàng ơi! Chú Dư chết rồi, cháu cũng chẳng muốn sống nữa.

Thượng hoàng bảo:

– Chỉ nói nhảm thôi nào. Khánh Dư chưa chết đâu, chỉ có tháng tư sang năm ông chết.

Thiên Thụy cho là thượng hoàng nói đùa, nũng nịu nói:

– ứ! Cháu không cho ông chết! Cháu không cho ông chết.

*

Tháng hai năm Bảo Phù thứ năm (Đinh Sửu-1277) tin từ phương Nam báo về, người nam ở động Nẫm Ba La làm loạn, Thánh tông thân chinh mang quân đi đánh. Ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ tâu:

– Phương Nam là nơi xa xôi, dân chúng ít được sự giáo hoá của triều đình, hoàng thượng đi chuyến này xin lấy ân trạch mà thu phục dân man để họ theo về, làm phên giậu cõi Nam, đó chính là cái phúc dài lâu của nhà Trần ta.

Nhà vua nói:

– Khanh nói rất phải, ta cũng chỉ mong có như vậy. Nhưng nơi ấy là miền tân thổ, dân man hung bạo nếu không đánh nhụt nhuệ khí của chúng đi, khó mà dẫn dụ được.

Thông thị đại phu Trần Phụng Công tâu:

– Thần nghe nói quân man chỉ dựa vào một viên tướng là Trương Xích Hoa, nếu dụ được người này, chúng ắt theo cả.

Nhà vua nói:

– Trương Xích Hoa sức khoẻ muôn người khó địch, nếu không có người tài đâu dễ dụ hắn. Các tướng ai dám lĩnh ấn tiên phong.

Thánh tông vừa nói xong, có một tướng đứng ở cuối võ ban bước ra nói:

– Thần tuy bất tài nhưng xin làm tiên phong. Quyết bắt sống Trương Xích Hoa dâng hoàng thượng.

Các quan nhìn ra, thấy tướng ấy tuổi còn trẻ, mặt mũi đẹp đẽ, đầu đội mũ bịt bạc, khôi giáp gọn ghẽ, phong thái đường hoàng như một vị thiên sứ. Trong đám các quan có người nói:

– Tiểu tướng này kiêu dũng chẳng kém gì Trần Khuê Kình ngày trước.

– Con trai Lê Đại tướng quân chứ ai.

– Đúng là hổ phụ sinh hổ tử chẳng có sai.

Thánh tông cười, nói:

– Ta biết Bình Trọng tài giỏi hơn người nhưng chỉ  e ngươi chưa phải là đối thủ của Trương Xích Hoa.

Bình Trọng tâu:

– Nếu không bắt được tướng giặc, thần xin chịu tội theo quân luật.

Nhà vua thấy Bình Trọng quyết chí như vậy mới chuẩn cho đi tiên phong, chọn ngày hoàng đạo xuất quân.

Bình Trọng là con trai Bảo Văn hầu Lê Tần và công chúa Chiêu Thánh nhà Lý, sinh ra đã khoẻ mạnh khôi ngô, lớn lên được cha truyền dạy võ nghệ, phàm các môn bắn cung cưỡi ngựa đánh giáo đi quyền không môn nào không xuất sắc. Mọi người đều gọi là Cương Thiết tiên đồng.

Lúc bấy giờ đang là mùa Xuân còn gió mùa Đông Bắc nên thuyền đi nhanh, không đầy mười ngày đã vào đến đất phương nam nhưng mưa gió dầm dề, quân nam dựa vào các hang động trên núi thủ thế không đánh. Bình Trọng nghĩ ra một kế, gọi Nguyễn Trình và Phạm Sĩ Viêm đến bàn:

– Trời mưa thế này quân man cố thủ trong động không ra, ta là tướng tiên phong mà không đánh được giặc, còn dám nhìn mặt hoàng thượng nữa ư? Ta đã có mẹo hay, các ngươi phải gắng sức giúp vào mới được.

Hai tướng Nguyễn, Phạm cùng nói:

– Chúng tôi xin nghe lời sai bảo của tướng quân, dẫu nát thịt tan xương nơi sa trường cũng không quản ngại.

– Tốt! Quân man đóng làm hai động, động trước là chính chống với quân ta, động sau tích chứa lương thảo. Nguyễn Trình mang ba trăm quân, giờ Dậu tối nay đốt cho nhiều đuốc tiến đánh. Quân man ra thì lui, khi chúng trở vào lại tiến. Phạm Sĩ Viêm đem năm trăm quân vòng qua con đường phía Bắc vào động sau đánh chiếm lương thảo của chúng nhưng không được đốt phá chỉ giữ lấy hang, không cho quân man có đường quay về là được.

Nói về Trương Xích Hoa suốt đêm phải chống nhau vơi quan binh, không ngủ được, gần sáng lại có tin động trong đã mất, lương thực hết cả, liền gọi các tướng đến bàn. Người nói phải quyết một trận tử chiến, người bảo nên bỏ động chạy sâu vào rừng, cũng có người nói nên hàng triều đình. Đang chưa biết theo ai, có quân do thám về báo quan quân chở rất nhiều lương thảo lên bờ đóng ở phía Bắc núi Mẫu Hầu. Trương Xích Hoa vỗ tay nói:

– Tốt rồi, tốt rồi. Phía Bắc núi Mẫu Hầu là nơi tận địa, trên là núi cao dưới là đầm lầy chỉ có một lối vào, chúng đem lương thảo đến đấy chẳng phải để biếu không cho ta ư. Bây giờ ta đem quân vượt qua núi Bạch Tượng chặn ngang đường của chúng. Khi nào thấy lửa cháy, khói bốc lên dưới núi, tù và thổi vang các ngươi tràn xuống cướp hết lúa gạo đưa về động, không còn lo gì thiếu lương thực nữa.

Trương Xích Hoa nói xong chia quân cho các tướng theo kế thi hành, còn mình đem quân vượt núi Bạch Tượng, đến trưa sang hết bên kia núi chặn ngang con đường độc đạo dẫn vào nơi chứa lương thảo của quân triều đình, cho quân đốt lửa, thổi tù và làm hiệu. Quân nam thấy có hiệu lệnh liền theo đường núi tràn xuống cướp xe lương. Lính triều đình bỏ chạy. Quân nam kẻ vác người bưng chuyển hết lương thực về động chính nhưng vừa về tới nơi đã thấy khắp trong ngoài động toàn là quan binh, lúc ấy mới biết bị lừa. Người nào người nấy rụng rời hết vía vứt cả gạo nước tìm đường tháo chạy. Bỗng một tiếng pháo nổ, cờ quạt gươm giáo dựng lên sáng khắp rừng. Quân nam hết đường đành quì xuống xin hàng cả. Nguyễn Trình ra lệnh thu hết binh khí nhưng không được giết hại ai.

Trương Xích Hoa đang hí hửng cho rằng diệu kế đã thành bỗng có tên tiểu tốt chạy về báo động chính đã bị cướp mất rồi, nam phụ lão ấu trăm nhà đều bị bắt cả, vội vã truyền lệnh rút đi. Bỗng trong rừng trống thúc liên hồi rồi quan binh đổ ra chặn mất đường về. Trương Xích Hoa xông lên trước, trông thấy một tướng cưỡi ngựa kim sa, tay cầm ngọn giáo tam lăng chặn mất đường, liền bảo:

– Tiểu tướng kia tên họ là chi? Mau tránh đường cho ta đi kẻo lại sơi một búa bây giờ.

Tướng kia cười lớn, nói:

– Ta là tiên phong Lê Bình Trọng đây. Nếu ngươi đánh với ta được mười hiệp thì ta tránh đường cho mà đi.

– Triều đình hết người rồi hay sao mà đem cái đồ nhãi ranh ra làm tiên phong. Cho mày nếm thử một búa này.

Nói xong, vung búa xông vào đánh Bình Trọng. Bình Trọng đưa giáo đón đỡ, mới được ba hiệp quay ngựa chạy. Trương Xích Hoa đuổi theo. Hai ngựa sát nhau, Xích Hoa giơ búa chém xuống. Bình Trọng nâng đốc thương gạt một nhát, cây búa văng ra. Xích Hoa chới với, vừa kịp định thần, mũi giáo của Bình Trọng đã tì vào cằm. Xích Hoa vội kêu lớn:

– Tướng quân tha mạng. Tôi xin theo hàng triều đình.

Bình Trọng nói với đám quân man:

– Chủ tướng các ngươi đã theo hàng, các ngươi chớ sợ. Ai muốn theo ta thì theo, ai không muốn hàng cũng về cả động, ta cấp cơm gạo cho rồi muốn đi đâu hẵng đi.

Quân nam thấy tướng triều đình là người có đức liền quì mọp xin theo cả. Bình Trọng liền cho đánh chiêng thu quân về thuyền, vừa lúc đoàn thuyền của nhà vua cũng tới. Bình Trọng đến yết kiến Thánh tông, tâu trình mọi việc, dâng nộp hơn nghìn tù binh. Thánh tông tươi cười phán:

– Bình Trọng còn trẻ mà đã tỏ ra là tướng chí nhân chí dũng chí mưu. Các tướng ai cũng như khanh, trẫm chỉ việc kê cao gối mà ngủ chứ còn lo gì.

Nhà vua nói xong liền truyền chỉ cho mở tiệc khao quân, hôm sau phủ dụ dân nam rồi rút quân về kinh thành, để lại toàn bộ lương thực cho dân chúng, chỉ đem một số tù binh về thưởng cho các vương hầu làm nô bộc còn tha hết. Trương Xích Hoa được theo Bình Trọng làm gia tướng. Từ đấy dân nam ở đất Nẫm Bà La yên định. Mấy hôm sau về đến Thăng Long, nhà vua thiết triều, phán:

– Việc bình man lần này công lao đều thuộc về tướng quân Lê Bình Trọng, trẫm không phải khó nhọc gì. Nay xét thấy họ Lê đã ba đời tận trung báo quốc, trẫm đặc cách ban cho Bình Trọng được mang quốc tính, kể từ hôm nay gọi là Trần Bình Trọng xem như người trong hoàng tộc, phong tước Bảo Nghĩa hầu, cho kết duyên cùng công chúa Thụy Bảo.

Công chúa Thụy Bảo là em cùng cha khác mẹ với công chúa Thiên Thụy, hai năm trước đã gả cho Uy Văn vương Trần Toại. Trần Toại thông minh có tiếng, thường làm thơ lấy bút danh là Sầm Lâu, khi còn ít tuổi đã cho ra đời Sầm Lâu tập được lưu hành, người thời bấy giờ rất ái mộ. Tuy vậy ông không có chí hướng làm quan, chỉ thích giao du sơn thuỷ, trong thơ từng viết:

Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn

Tang ma tế dã thắng phong hầu

Tức là:

Đội nón lá, khoác áo tơi dạo chơi năm hồ còn hơn giữ ấn làm quan

Mặc áo dâu gai dong duổi ngoài đồng nội còn hơn được phong hầu

Hoặc là:

Cổ lai hà vật bất thành thổ

Tử hậu duy thi khả thắng kim

Xin tạm dịch:

Muôn vật trước giờ  ra đất cả

Duy chỉ có thơ mới hơn vàng

Có lần nhà vua hỏi ông hai chữ Quan gia. Ông đáp:

– Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia.

Vua khen kiến thức ông rộng. Kết duyên cùng Thụy Bảo chưa đầy một năm thì Trần Toại mất. Thật đáng tiếc cho con người tài hoa mà bạc mệnh. Thụy Bảo mới mười sáu tuổi đã thành goá phụ nên nhà vua mới đem gả cho Bình Trọng, hẹn đến tháng năm làm lễ thành hôn.

Thượng hoàng Trần Cảnh nghe tin ấy, sai người đến nói với nhà vua: “ hãy cho Thụy Bảo cưới ngay đi, sang tháng tư ta chết”. Hôm sau Thượng hoàng thấy con rết bò trên áo ngự, lấy tay phủi xuống, nghe đánh keng hoá ra là cái đinh sắt, liền sai minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nội quan nghiệm xem điềm lành hay dữ. Mặc Lão tính toán một hồi, tâu:

– Thần thấy một chiếc hòm vuông, bốn mặt đều viết chữ nguyệt, trên hòm có cái kim và chiếc lược.

Thượng hoàng đoán:

– Cái đinh là năm Đinh, chiếc hòm là cái quan tài, bốn chữ nguyệt là tháng tư, cái kim là chui vào, chiếc lược là chữ sơ cũng đọc là xa tức là chia tay với các ngươi. Bây giờ là cuối tháng ba, cứ theo điềm này thì ta không còn sống được mấy ngày nữa.

Nói xong sai nội nhân gọi phường múa rối vào diễn. Phường múa rối có câu hát: “Mau đến ngày mùng một thay phiên”. Thượng hoàng bảo:

– Thế này thì đúng ngày mùng một ta chết đây.

Quả nhiên đúng ngày mùng một tháng tư, thượng hoàng kêu nhức đầu đi nằm, chừng một canh giờ sau đòi ăn cháo. Nội nhân dâng cháo. Thượng hoàng ăn xong thì băng ở cung Vạn Thọ, hưởng dương sáu mươi tuổi.

Lúc ấy công chúa Thiều Dương (con gái thứ của thượng hoàng), vợ của Văn Hưng thượng vị hầu đang ở cữ, nghe tiếng chuông liên hồi, bảo:

– Có thể nào không phải là tin dữ chăng?

Người hầu nói dối là thượng hoàng đã bình phục nhưng công chúa không nghe, cứ vật vã khóc rồi mất. Người trong nước biết chuyện, ai cũng thương công chúa có hiếu.

Ngày mùng bốn tháng mười, táng thượng hoàng ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái tông, tên thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiền Hoà Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu hoàng đế.

Tháng ba năm sau công chúa Chiêu Thánh nhà Lý mất, thọ sáu mươi mốt tuổi. Thánh tông hoàng đế đến viếng, cảm khái nói:

– Đúng là đời người như bóng ngựa qua song. Thái tông và Chiêu Thánh là đôi bạn từ hồi thơ ấu thế mà nay cả hai đã ra người thiên cổ rồi.

Tháng mười năm ấy, Thánh tông họp triều thần, nói:

– Ta năm nay đã gần bốn mươi tuổi, thái tử cũng lớn rồi, cần phải trao quyền bính để khỏi bỡ ngỡ sau này.

Ngày hai mươi hai tháng ấy tuyên chiếu nhường ngôi cho thái tử Khâm tức là Trần Nhân tông. Nhân tông xưng là Hiếu Hoàng, tôn Thánh tông là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng hoàng đế, tôn mẹ Thiên Cảm hoàng hậu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu. Triều thần dâng tôn hiệu nhà vua là Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân hoàng đế.

Quần thần có ngươi bàn nên dâng biểu sang nhà Nguyên cầu phong. Quan thiên chương các đại học sĩ là Trần Cố nói:

– Năm trước Thái tông băng, nước ta đã cho trung thị đại phu Chu Trọng Ngạn, trung lương đại phu Ngô Đức Thiệu sang báo tang. Nhà Nguyên đã không sang viếng lại còn giữ sứ không cho về, rõ ràng là họ ỷ thế nước lớn hiếp nước nhỏ, không kể gì lễ đạo. Vậy thì ta cần gì phải cầu phong.

Chư vệ kí ban Nguyễn Thám bàn:

– Họ không giữ lễ, ấy là trái ở họ. Ta làm căng lên tất tạo cho người Nguyên có cái cớ mà gây chuyện can qua.

Thái uý Trần Quang Khải tâu:

– Nay người Nguyên đã dồn người Tống vào mảnh đất nhỏ như bàn tay, lẽ tồn vong chỉ trong sớm tối. Nhà Tống mất rồi không lý nào người Nguyên  không đánh ta để hả cái giận mấy mươi năm, có cớ hay không cũng chẳng can hệ. Tốt nhất xin hoàng thượng sửa sang chính trị, tích thảo dồn lương, chiêu binh rèn tướng, tu sửa thành trì phòng khi hữu sự.

Triều thần ngươi bàn đi người bàn lại, cuối cùng nhà vua cũng không cử sứ sang Nguyên nữa. Nhà Nguyên thấy nhà Trần không cầu phong, mới cho đoàn sứ bộ Đại Việt của Lê Khắc Phục về nước và cử một đoàn sứ do lễ bộ thượng thư Sài Thung dẫn đầu cùng bọn hội đồng quán sứ  Cáp Lạt Thoát Nhân, công bộ lang trung Lý Khắc Trung, công bộ viên ngoại lang Đổng Doãn sang hạch nhà Trần về việc vua Trần chưa được phong đã lên ngôi và thúc ép vua Trần vào chầu. Khi ấy quân Nguyên đã chiếm được Ung châu nên bọn Sài Thung theo đường Giang Lăng qua Ung châu tới ải Vĩnh Bình để vào Đại Việt nhưng vua Trần đưa thư bắt bọn Sài Thung phải quay về đi đường Vân Nam như thông lệ. Bọn Thung không nghe, đưa điệp sang đòi quan binh nhà Trần lên biên giới đón. Vua Trần cho quan ngự sử trung tán là Đỗ Quốc Kế lên đón. Đỗ Quốc Kế không dẫn bọn Sài Thung theo đường lớn mà cứ xuyên rừng đi. Bọn Thung phải đi xa lại trèo đèo leo núi, bao nhiêu xe kiệu vứt đi hết, vất vả muôn phần.

Sài Thung đến Thăng Long, hống hách nạt nộ, đưa chiếu thư của Hốt Tất Liệt đòi Trần Nhân tông  phải thân sang chầu, còn doạ : Nếu trái ý thì hãy sửa thành, chỉnh quân mà đợi đại quân của ta. Trần Nhân Tông chẳng theo một yêu cầu nào của Hốt Tất Liệt, chỉ cho mở tiệc đãi sứ ở điện Tập Hiền. Sài Thung bất mãn không dự. Sau bữa đó nhà vua không tiếp sứ. Bọn Sài Thung muốn nói gì thêm chỉ giao dịch với thái uý Trần Quang Khải, lâu ngày không được công trạng gì đành xin về nước. Hôm tiễn sứ về nước, Trần Quang Khải làm bài thơ tặng Sài Thung:

Tiễn ngài mà dạ bâng khuâng

Ngựa xăm xăm bước về đường quê vua

Bắc Nam tình những từ xưa

Cạn ly chủ khách tiễn đưa trường đình

Vừa thôi đã khuất dặm xanh

Tiếc khi đối ẩm chút tình ca ngâm

Bao giờ gặp lại cựu nhân

Cầm tay chuyện nước chuyện dân thái bình.

Bọn Sài Thung về nước, Trần Nhân tông cử Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế làm sứ thần cùng sang theo để khước từ mọi đòi hỏi của nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt giận dữ không cho sứ Đại Việt trở về.

Trong khi cho bọn Sài Thung sang hăm doạ Đại Việt, Hốt Tất Liệt lệnh cho bọn Trương Hoằng Phạm và Lý Hằng tiến đánh miền đất cuối cùng của nhà Tống. Tháng mười một năm ấy (1278), Trương Hoằng Phạm cùng Lý Hằng đem quân đánh miền ven biển. Quân Tống tan vỡ. Thừa tướng nhà Tống là Văn Thiên Tường bị bắt, quân Nguyên dụ dỗ mua chuộc nhưng ông không chịu quy phục. Trong thời gian bị giam, ông đã viết nên tác phẩm bất hủ Chính khí ca. Sau ba năm giam cầm, ông bị quân Nguyên giết hại.

Tháng sáu năm Kỷ Mão (1279) Trương Hoằng Phạm, Lý Hằng tiến đánh Nhai sơn. Tướng Tống giữ Nhai sơn là Trương Thế Kiệt chỉ huy quân lính cố thủ nhưng chống không lại. Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống Triệu Bính lúc ấy mới sáu tuổi, nhảy xuống biển tự tử. Trương Thế Kiệt và quân lính, quan lại, cung nhân cũng trầm mình theo hơn mười vạn người. Xác chết trôi đầy mặt biển, dạt vào đất Đại Việt. Người Đại Việt thương tình chôn cất tử tế. Từ đấy nhà Nguyên chiếm đóng toàn bộ Trung Quốc.

Nhà Tống mất, Đại Việt đứng trước hoạ xâm lăng không thể tránh khỏi. Nhà vua cùng triều đình mải lo toan việc binh bị. Bọn tham quan đục nước béo cò vơ vét của dân khiến nhiều người oán thán. Chúa động Đà giang là Trịnh Giác Mật lãnh đạo thổ binh đứng lên khởi nghĩa, đánh giết bọn quan châu, quan huyện, thanh thế ngày một lớn. Quan binh xứ ấy chống không lại, làm sớ tâu về triều đình.

Trần Nhân tông họp triều thần, bàn kế dẹp loạn. Quan thẩm hình viện Đặng Ma La tâu:

– Mấy năm nay triều đình mải lo phòng giữ biên thuỳ, lơi lỏng việc giám sát các địa phương. Bọn quan lại các châu huyện nhiều kẻ nhân đấy tác yêu tác quái, sách nhiễu dân chúng khiến họ cực khổ quá mà nổi lên. Xin hoàng thượng tìm cách vỗ về để trăm họ được yên chứ không nên chinh phạt.

Các quan đều cho lời bàn ấy là phải. Nhân tông hỏi:

– Vậy các khanh hãy chọn cho trẫm một người có thể đảm đương được công việc này.

Trương Xán tâu:

– Thần trộm nghĩ, việc này phi Chiêu Văn vương Nhật Duật ra thì không ai gánh nổi.

Nhân tông nói:

– Quan thị lang bàn rất hợp ý trẫm.

Nhà vua nói xong, truyền lệnh cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi chiêu hàng. Trần Nhật Duật vốn tính thông minh từ nhỏ, thích đọc sách, ngao du sơn thuỷ, học tiếng nước ngoài và tiếng các dân tộc. Ông nói được nhiều thứ tiếng, hiểu tập quán của nhiều dân tộc, lúc ấy nhận lệnh đi chiêu hàng, không lấy quân của triều đình, chỉ mang thuộc hạ của mình đến Đà giang, cho quân cắm trại lại rồi viết một bức thư bằng tiếng Mường gửi cho Trịnh Giác Mật, khuyên ông ta nên về hàng. Trịnh Giác Mật nhận được thư, họp các đầu lĩnh lại bàn. Các tướng đều nói:

– Quân của Nhật Duật ít, quân ta đông. Xin chủ tướng cho đánh một trận diệt sạch chúng đi.

Giác Mật nói:

– Chúng ta vốn không có ý chống lại triều đình, chỉ vì căm giận thói tham ác của bọn quan châu quan huyện nên bất đắc dĩ phải nổi dậy thôi. Nay trong thư Chiêu Văn vương đã nói rõ nhà Nguyên đang rình rập nước ta. Nếu muôn dân bách tính không hợp sức đồng lòng sao chống được giặc mạnh. Liệu anh em ta có chịu làm tôi mọi cho bọn giặc Hồ không?

Mọi người đều nói:

– Bất cộng Hồ binh, không làm tôi mọi cho bọn người  Hồ.

Giác Mật nói tiếp:

– Nếu không muốn làm tôi mọi cho người Hồ thì chỉ có về với triều đình để cùng đánh giặc. Ta nghe nói Chiêu Văn vương là người ân uy tài đảm, nhân chuyến này muốn thử xem có đúng không.

Các đầu lĩnh nói:

– Chủ công nói rất phải. Nếu quả thật tướng triều đình là người tài giỏi thì ta theo, còn không ta giữ lấy trại, mai sau dẫu phải liều chết với giặc mạnh cũng cam.

Trịnh Giác Mật liền viết một phong thư, cho người đưa đến quân doanh của Trần Nhật Duật, bày tỏ lòng thành và đại ý nói nếu Nhật Duật dám một mình một ngựa lên sơn trại thì Mật sẽ hàng. Nhật Duật nhận được thư, hôm sau đem năm sáu tiểu đồng  theo  hầu, không  mặc giáp, không  đeo gươm, chỉ cầm cây quạt ngà phe phẩy, ung dung đi lên sơn trại. Các tướng can :

– Người man không biết lễ nghi, lại hung bạo. Xin vương công chớ tin lời chúng.

Nhật Duật nói:

– Ta đâu phải không biết câu Binh tắc khả yếm trá, nhưng không mạo hiểm sao chúng chịu phục mà theo về, vả lại nếu nó thất tín giáo giở, triều đình còn có vương khác đến.

Nói xong, bảo quân hầu cứ việc tiến lên. Khi đến trước trại của Trịnh Giác Mật, quân Mường bủa vây bốn phía. Người nào người nấy mặt mũi tô vẽ hung tợn, tay lăm lăm gươm sắc giáo dài chĩa cả vào. Nhật Duật mặt không biến sắc, chỉ mủm mỉm cười đi thẳng đến tướng doanh. Trịnh Giác Mật ra mời. Nhật Duật trèo lên nhà sàn nói chuyện với Mật bằng tiếng Mường. Mật sai quân hầu dọn tiệc. Nhật Duật điềm nhiên bốc xôi ăn rồi cùng Mật uống rượu bằng mũi, không hề gượng gạo. Quân Mường thấy thế thích quá cười ầm cả lên. Trịnh giác Mật bảo bọn chúng:

– Chiêu Văn vương chính là ân chủ của chúng ta. Các ngươi không quì lạy còn đợi gì nữa.

Quân Mường bỏ hết gươm giáo, quì lạy liên hồi. Nhật Duật bảo thôi không phải lạy nữa, cho mọi người cùng dự tiệc. Đêm ấy đốt lửa nhảy múa, chủ khách say khướt đến sáng hôm sau. Khi tỉnh rượu, Giác Mật nói với các đầu lĩnh:

– Ta đã hàng triều đình, hôm nay theo ân chúa về kinh bái kiến thánh thượng. Các ngươi ở lại lo việc trồng cấy, chăn nuôi, canh cửi đợi ta chầu vua xong sẽ về cùng săn bắn hái lượm, chớ có lơ là.

Quân Mường vâng dạ tuân theo. Ngay ngày hôm ấy Nhật Duật cho nhổ trại ban sư. Khi về đến kinh thành, vương đem Trịnh Giác Mật cùng vợ con thân quyến của y vào chầu nhà vua. Nhân tông vui vẻ nói:

– Khanh đi chuyến này không mất một mũi tên mà bình xong được Đà giang, thật không phụ sự uỷ thác của trẫm.

Nhà vua nói xong truyền ban thưởng cho Nhật Duật, lại bảo Trịnh Giác Mật:

– Trẫm nghe ngươi yêu mến dân chúng, ghét bọn tham quan, thế là tốt nhưng không nên mỗi lúc lại khởi binh làm loạn.

Trịnh Giác Mật xấu hổ lạy tạ xin tha tội. Vua tiếp:

– Nay ngươi đã thực lòng về với triều đình, thế là biết bỏ đường tối mà theo chính đạo, trẫm đâu nỡ bắt tội. Trẫm muốn phong cho ngươi chức quan, lưu lại làm việc ở kinh thành, ngươi có ưng lòng không?

Giác Mật tâu:

– Đội ơn hoàng thượng tha tội. Thần vốn sinh ra ở chốn lâm tuyền, quen với mây ngàn gió núi. Đô hội không phải là chỗ hợp với những kẻ chân đất như thần. Xin hoàng thượng cho thần về quê sống đời sơn dã cùng mường động.

Nhà vua thấy Trịnh Giác Mật có bụng thành thật, liền ban thưởng vàng lụa rồi cho về, chỉ lưu con trai của Mật là Trịnh Tú ở lại kinh đô, giao cho Chiêu Văn vương nuôi dạy lại ban cho tước thượng phẩm, bảo vào trông nom ao cá. Vợ Trịnh Giác Mật tuy là người Mường nhưng đã từng có thời sống chung với người xuôi nên học được tính khôn ranh, lúc ở triều về bảo chồng:

– Ông thật ngớ ngẩn không chê vào đâu được. Người ta mất tiền để đến kinh thành còn chả được, ông lại xin về rừng. Đúng là cái đồ dại có đuôi ra.

Trịnh Giác Mật bảo:

– Mẹ mày thật buồn cười. Ai cũng đòi về kinh thành cả thì ai ở quê đây? Núi rừng rộng rãi thênh thang chả sướng thì thôi lại muốn kéo nhau về nơi đô hội toàn người với bụi. Muốn thở cũng không dám thở mạnh nữa.

– Bây giờ nhà đất đắt như vàng, ông hẵng tạm nhận chức quan, được ban nhà, ban đất sau này không ở bán đi cũng khối tiền, làm sao cứ phải chối đây đẩy. Chỉ được cái sĩ diện, làm ra bộ quân tử lắm chỉ được cái tiếng hão, khố rách áo ôm suốt đời chứ báu gì. Cứ làm quan đã ai bỏ tù đâu mà sợ.

– Trời ơi! Chưa làm quan đã tham như mụ rồi cũng tù thật chứ chẳng chơi.

– Ông cứ nói thế chứ. Quan tham mà phải đi tù có mà nước An Nam này các quan đi tù vợi.

– Mụ tưởng ai cũng như mụ chắc.

– Tôi chẳng biết nhưng nếu quan không tham lấy đâu ra mà ai cũng xây lắm nhà lầu nhà gác thế?

Chỉ vì chuyện ấy mà vợ chồng Trịnh Giác Mật xích mích suýt bỏ nhau.

Chiêu Văn vương nuôi Trịnh Tú chu đáo hết lòng nhưng Trịnh Tú cũng không quen sống ở chốn kinh thành, mấy tháng sau xin về. Chiêu Văn vương vào triều tâu với nhà vua. Quan đại hành khiển Nguyễn Giới Huân nói:

– Triều đình giữ Trịnh Tú ở lại là để cha nó không dám làm càn. Nay tha nó về sao khống chế được nữa.

Chiêu Văn vương nói:

– Tôi tin Trịnh Giác Mật không phải là kẻ tráo trở.

Nhà vua nói:

– Ta cũng cho là như vậy. Vả lại Trịnh Giác Mật là dân mà biết theo điều phải, lại có lòng ái quốc. Triều đình không tin dân thì vững sao được. Thôi! Cứ cấp tiền bạc cho nó về.

Trịnh Tú được về mường, sướng như chim bằng về núi nhưng lại bị mẹ mắng cho một trận ngập đầu:

– Mày thật giống bố mày, rõ cái đồ dại nó có dòng. Con ơi là con, ngu ơi là ngu. Chịu khó làm quan một thời gian lại chẳng giầu to hay sao. Thật tiếc công tao đẻ ra mày.

*

Lại nói bọn Sài Thung về Nguyên, đi đến Ung châu, Thung nói với đoàn sứ của Trịnh  Đình Toản:

– Ngày nay nhà Tống mới bị diệt trừ, dư đảng của chúng còn nhiều, sợ đi đường có điều sơ sảy. Các ngươi ở lại đây đợi lệnh, để ta về trước tâu với thiên tử đã.

Sài Thung nói xong liền về Đại Đô (Bắc Kinh) tâu trình kết quả đi sứ. Hốt Tất Liệt giận dữ đập án thét:

– Thế này ra bọn người Nam không coi ta ra gì. Ta muốn khởi binh chinh phạt An Nam.

Các quan ở khu mật viện đều can:

– An Nam  tuy nhỏ nhưng không phải là nơi dễ đánh. Muốn bình định xứ ấy phải chuẩn bị chu đáo lắm mới được. Xin hoàng thượng đánh Phù Tang trước. Khi Phù Tang đã về ta thì Việt, Chiêm hai xứ ấy còn có gì đáng kể.

Hốt Tất Liệt nghe theo kế ấy, bèn cử A Thích Hãn làm chánh tướng, Phạm Văn Hổ làm phó tướng đem mười vạn quân, hơn một nghìn thuyền chiến đi đánh Phù Tang. Lại lệnh cho các tướng đóng ở thuộc quốc Cao Ly đem năm vạn quân trợ giúp. Tháng tám năm ấy (1281) mười vạn quân Thát của A Thích Hãn và Phạm Văn Hổ đổ bộ lên đất Phù Tang, tiến vào Ngũ Long sơn, chưa gặp sự kháng cự của quân địa phương đã bị ngay một trận bão lớn, thuyền bè xô va vào nhau vỡ tan tành. Bọn tướng lĩnh tranh lấy thuyền còn tốt trốn về đất liền, bỏ mặc mười vạn quân trên đất Phù Tang bị người bản địa tiêu diệt hoàn toàn.

Trong khi cử quân đội đi đánh Phù Tang, Hốt Tất Liệt cho đưa sứ thần Đại Việt là Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế đến Đại Đô quở trách nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua gì, liền nổi giận đùng đùng, sai đặt vạc dầu để luộc sứ An Nam. Trịnh Đình Toản cùng Đỗ Quốc Kế không hề sợ hãi, cởi tuột quần áo, nói:

– Chẳng mấy khi được vua Nguyên tắm cho chúng ta.

Hốt Tất Liệt càng bực tức, thét:

– Người Nam các ngươi là giống mọi  rợ, chẳng lẽ không biết sợ chết ư?

Trịnh Đình Toản vẫn điềm nhiên nói:

– Chết là cái tai hoạ lớn nhất đối với con người, ai chả sợ nhưng sợ đến vong gia nhục quốc thì không.

Hốt Tất Liệt gầm lên:

– Đã thế ta cho quân đến san phẳng thành Đại La xem vua tôi nhà ngươi làm thế nào.

Đỗ Quốc Kế nói:

– Đất nước của kẻ ngoại thần này vốn nhỏ, không ưa chuyện chiến chinh nhưng nếu một khi thiên tử đem quân đến thì đâu dám trái ý mà không đưa người ra nghênh tiếp.

Hốt Tất Liệt quát:

– Vua tôi các ngươi dám đem một dúm quân châu chấu chống với đại binh thiên triều sao?

Quốc Kế nói:

– Chống lại thiên triều, người Việt chúng thần đâu dám nhưng vạn bất đắc dĩ thì việc năm Bảo Hựu diễn lại chưa biết thế nào. Chỉ tiếc những kẻ ngoại thần này không còn sống đến ngày ấy để xem mà thôi.

Hốt Tất Liệt đập án, nói:

– Được! Ta cho các ngươi sống đến ngày ấy mà xem.

Nói xong truyền cho cất vạc dầu đi, lại lệnh cho quần thần bàn việc đánh phương Nam. Các quan tâu rằng quân ta đang đánh Phù Tang chưa biết được thua thế nào, không nên chinh phạt phương Nam vội. Xin hoàng thượng hãy cử một đoàn sứ sang dụ, bắt bằng được vua An Nam sang chầu, nếu nhà Trần kháng chỉ thì sang năm ta chỉnh đốn lại binh mã rồi hẵng ra quân cũng chưa muộn. Hốt Tất Liệt nghe theo, liền bắt Trịnh Đình Toản ở lại còn Đỗ Quốc Kế cho về, cử  một sứ  bộ  do Lương Tằng dẫn đầu sang Đại Việt.

Mùa Đông năm ấy bọn Lương Tằng sang đến Thăng Long đưa thư của vua Nguyên. Trong thư toàn những lời đe doạ và vẫn những yêu sách cũ, đòi vua Trần phải vào chầu, cống nộp người và vật phẩm quý. Có đoạn như sau: Nếu quả không thể tự thân tới được thì phải lấy vàng thay người, hai hạt chân châu thay mắt và lấy thêm hiền sĩ, phương sĩ, con trai, con gái, thợ nghề mỗi loại hai ngươì để thay cho thổ dân. Nếu không, hãy tu sửa thành trì để đợi phán xét.

Vua Trần Nhân tông họp triều thần bàn việc bang giao với nhà Nguyên. Thượng thư Nguyễn Hiền nói:

– Nhà Nguyên xưa nay vẫn ỷ thế nước lớn đòi dâng nộp cống phẩm và buông lời hăm doạ, thủ đoạn không có gì mới. Chi bằng ta cứ kệ họ rồi cử một đoàn sứ bộ sang chối cả đi là xong.

Quan đại phu Trần Phụng Công nói:

– Nhà Nguyên đòi ta dâng cống phẩm chỉ là cái cớ để gây sự, nếu ta không theo, ắt họ cất quân ngay.

Quần thần còn đang bàn bạc, có tin của Lê Khắc Phục và Đào Thế Quang cùng báo về: “Người Nguyên đang ráo riết tập trung quân ở vùng Kinh Hồ, mượn tiếng đi đánh Chiêm Thành nhưng thực ra là muốn xâm phạm nước ta”.

Thái phó trình quốc công Phạm Văn Tuấn nói:

– Nhà Nguyên ngày nay vừa đánh Phù Tang thất lợi, muốn đánh ta cũng chưa thể cất quân ngay được. Các đạo quân Kinh Hồ đều là quân tân phụ của nhà Tống cũ, muốn dùng được cũng phải ổn định mất vài năm. Xin hoàng thượng kíp cho luyện tập quân mã, đóng thêm thuyền chiến, phòng bị các cửa biển nghiêm ngặt, quân Nguyên  há dễ làm gì ta nổi.

Trần Nhân tông nghe theo liền viết biểu văn từ chối, sai Trần Di ái (Trần ải), Lê Mục, Lê Tuân sang sứ Nguyên. Bọn Trần Di ái đến Đại Đô, vào chầu vua Nguyên, khúm núm quì lạy xưng thần và dâng biểu văn. Hốt Tất Liệt sai người đọc xong, đập án thét:

– Vua An Nam năm lần bảy lượt thoái thác chiếu mệnh, thật chẳng thể dung tha. Ta nay trước chém bọn Trần Di ái, sau đem binh đánh An Nam, quyết bắt sống vua tôi họ Trần về trị tội mới nghe.

Trần Di ái nghe vậy sợ hết hồn, lạy van rối rít xin tha mạng. Bỗng có một người bước ra tâu:

– Nay nước ta vừa mất hơn chục vạn quân ở Phù Tang mà bọn dân Tống cũng nổi lên khắp nơi. Xin thánh thượng hãy khoan dùng binh. Thần có một kế này, đất phương Nam dẫu không đánh cũng thuộc về ta. Vua tôi nhà Trần chỉ còn cách bó tay chịu trói mà thôi.

Thật là:

Quân ngoài biển rộng vừa chết nghỉm

Tướng trong cung cấm lại dâng mưu

Chưa biết người vừa nói là ai, mưu kế ra sao. Chương sau xin nói rõ.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder