Đất Việt trời Nam- Tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – Chương 22

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM  Chương 22

Đan Thành

Trần Quốc Tuấn nhận quyền tiết chế

Phạm Ngũ Lão bàn chuyện binh nhung…

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM  Chương 22

Đan Thành

Trần Quốc Tuấn nhận quyền tiết chế

Phạm Ngũ Lão bàn chuyện binh nhung

Đây nói thượng vị hầu Trần Lão từ khi ở hội nghị Bình Than về, trong lòng buồn bực. Người gia thần của Lão tên là Khoáng thấy vậy hỏi:

– Vì sao từ khi đi dự hôi nghị về, quân hầu lại buồn bã như vậy?

Trần Lão nói:

– Ta đã có kế hay phá giặc dâng lên nhưng nhà vua không dùng, lại đi tin lời một kẻ tội đồ làm nghề bán than. Chẳng lẽ triều đình hết mất người tài rồi sao?

– Quân hầu nên thảo biểu văn dâng lên, nói rõ ý của mình.

– Ta đã nói hết lời rồi, tả biểu thì ăn thua gì. Thật tức chết.

– Tôi có thể làm quân hầu hả giận mà nhà vua cũng phải hồi tâm nghĩ lại.

– Ngươi có cách gì cứ nói ta nghe.

Khoáng nói:

– Nay quân Nguyên lăm le ngoài cõi, bọn tham quan từ hương ấp đến kinh thành nhân cơ làm mưa làm gió. Ân điển của hoàng thượng về đến thôn bản đã bị bớt xén, thay đổi méo mó đi rồi. Bài bạc, đĩ điếm mặc sức phơi ra đầy đường đầy phố. Trần Khánh Dư khi xưa làm quan đã nổi tiếng là tham, dâm thô bỉ, giờ lại được trọng dụng, mọi sự rối ren sẽ như cỏ có gốc mọc khắp mọi nơi sao mà dọn cho hết được. Chúng dân rất là oán thán. Như vậy còn mong gì chuyện toàn dân liên thủ. Hoàng thượng chỉ lo việc chống giặc mà không lo diệt ác trừ gian bên trong, khác nào gan ruột thối ruỗng mà đánh phấn tô son, mặc áo mới rồi bảo là mình khoẻ mạnh. Quân hầu nên mang những điều này viết thành một bức tâm thư gửi lên. Thế nào hoàng thượng cũng phải động lòng.

– Không được! Những điều ấy nếu hoàng thượng nghe ra thì không sao nhưng hoàng thượng không nghe hoá ra ta mắc tội phỉ báng triều đình, mất mạng chứ chả chơi.

– Cái cốt yếu là những lời này đến được tai hoàng thượng. Muốn người không biết ai viết, ta đừng kí tên nữa.

– Dẫu không kí tên nhưng nhà vua truy người đưa thư, sao không ra?

Khoáng cười, nói:

– Việc ấy khó gì. Ta đem bức thư bí mật dán lên cổng thành, quân lính tất phải tự mang vào chứ đâu cần người đưa thư.

Trần Lão ngẫm nghĩ rồi nói:

– Ta cũng chỉ vì lo cho vận nước mà phải dùng hạ sách này. Thôi được! Ngươi cứ thế mà làm.

Khoáng liền viết bức thư nặc danh, giao cho người đầy tớ, bảo bí mật dán ở cổng thành. Người  đầy tớ vừa dán lên, bị lính canh trông thấy đuổi bắt được, đem cả người lẫn thư nộp cho đô trưởng Thân Văn Khoai. Văn Khoai xem thấy những lời trong bức thư tuy có ý chê bai triều đình nhưng những việc nêu ra trong thư đêù đúng sự thật, mới định tha người dán thư. Vừa lúc quan hàn lâm học sĩ Đinh Củng Viên đi tới, nói:

– Làm thư nặc danh nói xấu triều đình, tội thật là nặng. Tha cho ngươi thì dễ nhưng biết đâu ngươi chả là quân gian tế của ngoại bang. Hãy giam vào nhà lao, để ta cầm tờ thư này vào tâu với hoàng thượng.

Tên đầy tớ sợ hãi khóc, dập đầu xin tha. Văn Khoai thương tình, nói:

– Đúng là tội rất nặng nhưng xét ra người viết thư này cũng chỉ vì lo cho vận nước mà thôi. Xin quan hàn lâm lượng thứ cho hắn được không ạ?

Đinh Củng Viên nói:

– Việc nước mỗi người có chính kiến riêng của mình. Ai cũng bày tỏ bằng cách viết bừa thư nặc danh thế này thì loạn mất. Ta cũng chỉ vì lo cho nước nên quyết tìm cho ra vụ này. Ngươi cứ giam hắn lại đợi lệnh.

Củng Viên nói xong, cầm mảnh lụa đi thẳng vào triều tâu với nhà vua. Nhân tông truyền cho bộ hình tra xét. Tên đầy tớ bị đánh đau quá không chịu được, phải khai hết mọi sự. Nhà vua lập tức cho bắt cả nhà Trần Lão đến chịu tội. Các quan thấy Trần Lão là trung thần chỉ vì nóng vội làm liều nên xin vua tha cho tội chết, bắt nộp phạt một nghìn quan tiền, đầy đi làm lính. Tên Khoáng là gia thần của Lão, xui chủ làm bậy, chủ mưu mọi sự phải xử tội lăng trì ở chợ Đông cho chúng dân cùng biết. Tên đầy tớ phải phạt đánh hai mươi côn, bắt dọn chuồng ngựa suốt đời.


*


Đây nói quan hữu thừa binh bộ nhà Nguyên là Toa Đô đem hải thuyền đi đánh Chiêm Thành. Mùa Đông thuận gió, đi suốt ngày đêm, cuối tháng mười một năm Chí Nguyên thứ mười chín nhà Nguyên (12-1282) đến Chiêm Thành cảng. Phó soái Lưu Khuê hiến kế:

– Quân ta mới tới, khí thế đang hăng, đêm nay đổ bộ lên bờ đánh lấy đất giữ chân, tất thắng.

Toa Đô nghe theo, gọi tiên phong Hắc Đích lại dặn mưu kế rồi cho đi. Đêm ấy mây mù giăng dày mặt biển, trời hơi lạnh. Quân Chiêm trên các chòi canh  thấy có thuyền bán rượu, rủ nhau mua uống, không ngờ những thuyền bán rượu đều của Hắc Đích cử đến. Trong rượu có thuốc mê, quân canh uống vào lăn ra ngủ như chết. Lúc ấy bọn bán rượu mới đốt lửa lên làm hiệu. Thuyền quân Nguyên tiến sát vào cảng mà quân Chiêm không hề hay biết. Hắc Đích thúc quân đánh lên. Quân Chiêm hoảng hốt không dám chống đỡ, bỏ chạy nhốn nháo. Tướng Chiêm giữ cảng là Chế Ưng thấy động, ra xem thì quân Nguyên đã vào thành rồi. Chế Ưng không kịp mặc giáp, bỏ quân sĩ, một mình một ngựa chạy về Nha Hầu. Ba nghìn quân Chiêm giữ cảng chạy vỡ tan tành. Toa Đô chiếm được Chiêm Thành cảng, cho quân nói phao lên rằng mình có mười lăm vạn quân, quyết làm cỏ đất Chiêm và viết thư đòi vua Chiêm tới hàng. Vua Chiêm họp triều thần. Các tướng đều xin đánh. Có một người bước ra hiến kế:

– Quân Nguyên mạnh, quân ta yếu. Toa Đô là danh tướng, rất giỏi dùng binh. Một mình nước ta khó đương đầu với y. Xin đại vương cho người sang Đại Việt cầu cứu. Nếu có thêm ngoại viện thì không lo gì nữa.

Các tướng nhìn ra, người hiến kế chính là Tra Diệp. Đại tướng Chế Cơ Hà bước ra nói:

– Việc ấy quyết không nên làm. Ta không cầu cứu, chỉ phải chống với quân Nguyên thôi, nếu có quân Việt vào, ai biết lòng dạ người Việt thế nào. Như  vậy  chẳng  hoá ra đuổi sói cửa trước rước hùm cửa sau  ư ?  Vả lại nước Việt lo giữ mình không xong, có đâu còn đi cứu chúng ta.

Đại thần là Chế Năng bước ra tâu:

– Vua Đại Việt là người khoan nhân đại độ, nhất định sẽ cứu nước ta. Hơn nữa Đại Việt cứu ta còn vì Đại Việt nữa, nếu nước ta mất tất nhà Nguyên từ hai đầu đánh dồn lại, nước Việt ắt nguy. Xin đại vương cho sứ đi ngay.

Chế Cơ Hà quắc mắt quát:

– Nước Việt còn đang muốn cho quân Nguyên mượn đường để đánh ta kia. Chế Năng, Tra Diệp năm xưa sang sứ  Đại  Việt đã muốn xin ở lại làm nội thần, biết đâu hai người ấy chả thông mưu với quân Việt. Đại vương quyết không nên nghe lời họ.

Vua Chiêm nhìn quan đại phu Bố Bà Ma Các, hỏi:

– ý khanh thế nào?

Bố Bà Ma Các vừa đi sứ Đại Việt về, biết rõ người Việt không có ý giúp Nguyên đánh Chiêm, tâu rằng:

– Quả thật có việc người Nguyên muốn mượn đường nước Việt sang đánh nước ta nhưng người Việt biết đó chính là kế mượn đường diệt Quắc nên không cho. Thần nghĩ khắp thiên hạ không có nơi nào dám quyết chống Nguyên như người Việt. Lời bàn của Chế Năng và Tra Diệp là cách giải cứu duy nhất cho nước ta.

Vua Chiêm nói:

– Ta cũng cho là như vậy. Nhưng nên cử ai đi sứ bây giờ.

Chế Năng bước ra nói:

– Thần xin đi!

Chế Năng sang Đại Việt, vào chầu vua Trần Nhân Tông, nói rõ tình thế nguy ngập của Chiêm Thành, xin nhà vua phát binh cứu viện. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc tâu:

– Nguyên mạnh, Chiêm yếu. Ta giúp Chiêm chống Nguyên là tự rước họa vào mình. Xin hoàng thượng đuổi Chế Năng về.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Việt và Chiêm như môi với răng. Môi hở thì răng lạnh. Hoàng thượng muốn giữ được nước, nhất định phải cứu Chiêm.

Nhà vua nói:

– Lời Chiêu Minh vương nói rất phải nhưng nên cử ai đi cứu Chiêm bây giờ.

Quang Khải nói tiếp:

– Phương Nam là nơi trọng địa, cần có có một đại tướng trấn giữ mới an tâm. Thần nghĩ, nên cử Tĩnh Quốc vương đi cứu Chiêm, sau đó rút về trấn giữ miền Hoan, Ái thì không còn phải lo gì nữa.

Vua Trần nghe theo lập tức cử Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang điểm binh đi ngay. Quốc Khang tâu:

– Toa Đô vây Đại Châu rất gấp. Ta đem quân từ miền ngoài vào phải đi mất mấy tháng e nước xa không cứu được lửa gần. Xin hoàng thượng cho lấy quân Hoan, Ái đi cứu Chiêm rồi đưa quân Bắc vào bổ sung cho cánh quân phía Nam.  Như vậy mới có thể tạo được thế bất ngờ đối với quân Nguyên.

Nhân Tông khen phải liền cho Quốc Khang lấy hai vạn quân Hoan, Ái đi cứu Chiêm Thành, lại cử Trần Khánh Dư đem quân vào giữ phương Nam. Mùa Thu năm ấy (1283), trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương đang ở Hồ Quảng báo về: Vua Nguyên được tin Toa Đô đã chiếm xong Chiêm Thành cảng, đang vây Đại Châu, đã cử thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, cùng với bình chương A Lý Hải Nha đem năm mươi vạn quân sắp tiến xuống biên giới nước ta. Vua Trần liền họp triều thần, nói:

– Người Thát lăm le xuất quân xuống miền biên giới, việc chiến chinh đã ở ngay cửa ngõ. Trẫm muốn chọn một người có đủ tài cán, lãnh quyền tiết chế điều vát quân dân chống giặc. Các khanh hãy mau tiến cử người tài cho trẫm.

Quan ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ tâu:

– Thần cho rằng nước ta có hai cái cột chống nổi giời, đó là Chiêu Minh vương Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Xin quan gia chọn lấy một.

Triều thần người cho là nên chọn Hưng Đạo Vương, người cho là nên chọn Chiêu Minh vương. Nhà vua hỏi Trần Chu Phổ:

– Khanh cho rằng nên chọn ai?

Chu Phổ tâu:

– Thần xin chọn Hưng Đạo Vương.

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc biết Hưng Đạo Vương là người tài, lại muốn khoét sâu mối hiềm khích giữa Quốc Tuấn với Quang Khải, nói:

– Không thể chọn Quốc Tuấn được.

Nhà vua hỏi:

– Sao vậy?

Ích Tắc tâu:

– Xưa cha Quốc Tuấn khi lâm chung, dặn lại những lời phản nghịch. Ai biết lòng dạ Quốc Tuấn thế nào. Thần nghĩ nên chọn Chiêu Minh vương, hoặc gọi Tĩnh Quốc vương về. Vả lại, Thái tử Thoát Hoan cũng thật lòng muốn giao hảo với nước ta để đánh Chiêm Thành nên mới thả các đoàn sứ của ta bị giữ từ trước tới nay về…

Nhân Tông cười, ngắt lời Chiêu Quốc vương, bảo:

– Trẫm hiểu ý khanh rồi.

Quan thị lang Trương Xán tâu:

– Thần nghĩ Chiêu Minh Vương là người tài cao, học rộng thông hiểu kinh thư, nên chọn.

Lúc ấy Quang Khải mới nói:

– Thần, văn chương không bằng Chiêu Quốc, thao lược không thể so với Hưng Đạo, trộm nghĩ người mà hoàng thượng cần dùng chính là Hưng Đạo Vương vậy.

Nhân Tông vui vẻ nói:

– Lời Chiêu Minh Vương thật là vàng ngọc.

Nói  xong liền truyền cho Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng đem hai nghìn quân ra bến Triều Đông đắp một tướng đài cao hai trượng. Chọn ngày hoàng đạo, vua xuống chỉ cho các vương hầu mang quân thuỷ bộ đến duyệt.

Mặt trời vừa lên khỏi vệt mây phía Đông, xe nhà vua đã đến. Trăm quan sắp hàng thứ tự theo hầu, cờ phướn kéo một hàng dài. Trên nóc tướng đài là lá cờ đại bay phần phật, bốn hướng cắm nhiều cờ xanh đỏ đen trắng, bên trong cắm năm lá cờ vàng. Xung quanh có lính của Bảo Nghĩa hầu đứng canh. Nhà vua bước lên tướng đài, truyền Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn lên nhận mệnh. Nhà vua nói:

– Người Việt Thường ta dựng nước từ thủa Hồng Bàng đã mấy nghìn năm. Vận nước có khi cường khi nhược nhưng chưa bao giờ thiếu kẻ anh hùng. Đất Việt Trời Nam thiên thư định rõ. Giặc Bắc phương nhiều lần gây hoạ can qua nhưng con dân Đại Việt chưa bao giờ chịu uốn gối làm tôi mọi cho bầy diều cú, trẻ nhỏ làng Gióng phất cờ đánh giặc, Trưng  vương tỏ mặt nữ nhi, Ngô vương Quyền khêu sóng Bạch Đằng giang dìm quân Nam Hán. Chiến tích nghìn xưa kể không sao hết. Nay quân cường Hồ ỷ thế tướng mạnh quân đông gây việc binh nhung. Trẫm ngày đêm lo tìm người hiền tài giúp nước, thấy Hưng Đạo đại vương văn võ kiêm toàn, gồm thâu thao lược. Trẫm trao cho khanh quyền tiết chế ba quân, kiếm ấn nguyên nhung. Khanh hãy vì giang sơn xã tắc, vì trăm họ thần dân, chọn tướng rèn quân, trổ hết thần tài đánh tan giặc dữ, chớ phụ lời uỷ thác của trẫm.

Hưng Đạo vương quì nhận kiếm ấn, thề hết lòng phụng sự giang sơn. Buổi lễ đang diễn ra long trọng bỗng phía xa có một đạo quân ước hơn nghìn người tiến đến như một cơn lốc. Đi đầu là một tướng trẻ tuổi cùng với lá cờ đỏ thắm lấp lánh sáu chữ vàng “phá cường địch báo hoàng ân”. Bình Trọng phi ngựa ra xem rồi quay lại tâu với nhà vua, đó là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Quốc Toản đến nơi, xuống ngựa bái lạy nhà vua xin được đi đánh giặc. Nhà vua nói:

– Mới có một năm mà khanh đã lớn thế này rồi ư? Xem ra trẫm không bằng lòng cũng không được nữa rồi.

Quốc Toản sướng quá quên cả tạ ơn, hô lớn:

– Phá cường địch báo hoàng ân!

Quân sĩ của các vương hầu tưởng đó là hiệu lệnh, cùng hô vang:

– Phá cường địch báo hoàng ân! Phá cường địch báo hoàng ân!

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nghiêm mặt nói:

– Quốc Toản trẻ tuổi mà ngông cuồng, dám làm náo loạn buổi hành lễ. Xin hoàng thượng chém đầu để giữ nghiêm quân lệnh.

Nhà vua nói:

– Hưng Đạo vương đã là quốc công tiết chế. Việc trong quân do tiết chế toàn quyền khu xử.

Hưng Đạo vương tâu:

– Thần thấy sự có mặt của Quốc Toản làm tăng thêm khí thế ba quân trong buổi lễ. Tướng lĩnh quân dân ai cũng như Quốc Toản thì lo gì không đánh tan quân Thát.

Nhà vua khen:

– Quốc công tiết chế xét việc như vậy, trẫm còn gì để nói nữa đây.

Nhà vua nói xong truyền cho Hưng Đạo vương chỉ huy quân thuỷ bộ duyệt binh. Đại vương đứng trên tướng đài cầm lá cờ lệnh phất một nhát. Các vương hầu hàng nào đội ấy lần lượt tiến lên.

Sau cuộc duyệt binh, Trần Hưng Đạo mang quân về đóng ở Vạn Kiếp.



Trời tang tảng sáng, sĩ tốt xôn xao trước quân doanh. Ai nấy chỉ tay về hướng Đông. Vầng thái dương bị che khuất bởi một vệt mây dài. Phía trên đám mây phẳng căng, đỏ hừng lên như vệt máu loang trên mặt tường thành. Người lão bộc của Hưng Đạo vương nói với mấy chàng lính:

– Mây thành giăng dài thế này tất trong năm nay có việc chinh chiến. Hẳn giặc Thát xâm phạm nước ta.

Mấy chú lính trẻ láu táu hỏi:

– Sao lão biết được như vậy?

Người lính già cài lại chiếc hốt trên búi tóc củ hành bạc trắng, nói:

– Năm Nguyên Phong cũng mây thành thế này, mùa Đông giặc Thát sang. Lúc ấy bác cũng trẻ như các cháu đây, à không năm nay bác đã gần sáu mươi tuổi thì khi ấy bác đã ngoài ba mươi rồi. Bác đi theo quốc công từ bấy đến nay ngót ba mươi năm rồi còn gì.

– Thế năm Nguyên Phong ta đánh Thát thế nào hở lão?

– ừ thì ngồi cả xuống đây bác kể cho mà nghe.

– Lần này Thát đến lão còn đánh giặc được không?

Người lính già cười:

– Được chứ sao không. Liêm Pha tám mươi vẫn cầm đao lên ngựa. Hoàng Trung ngoài bảy mươi, giương cung ba tạ. Ta so với hai ông ấy còn trẻ chán.

Mấy cậu lính cười ầm cả lên. Trong tướng doanh, Hưng Đạo vương đã dậy, bảo anh lính túc vệ pha trà. Anh lính dâng trà lên nhưng lại nói:

– Đêm qua đức ông thức khuya, hãy nghỉ thêm chút nữa cho đỡ mệt ạ!

– Ta không mệt. Ngoài kia có chuyện gì mà nói cười vui vẻ thế?

– Dạ! Trình đức ông! Đó là lão bộc đang kể chuyện đánh giặc năm Nguyên Phong cho binh lính nghe nên họ cười.

Quốc Tuấn nói:

– Ông lão binh này vẫn giữ cái tật như hồi còn trẻ, cứ ngồi đâu vui chuyện là nói cười quên giời quên đất. Nhưng cũng láu lỉnh lắm, toàn nói việc của người khác, còn mình vô khối chiến công nhưng cấm bao giờ lão kể. Thôi kệ lão! Ngươi đi gọi cho ta Yết Kiêu cùng Dã Tượng lại đây.

Người lính vâng lệnh đi ngay. Lát sau hai người gia thần là Yết Kiêu và Dã Tượng cùng tới. Hưng Đạo đang đọc cuốn Tư Mã binh pháp đến thiên Nghĩa của thiên tử, thấy hai người đến liền bỏ cuốn sách xuống án thư, nói:

– Các ngươi theo ta đã lâu, tình thân như thủ túc. Nay ta có việc muốn hỏi, các ngươi nghĩ như thế nào thì cứ thực lòng mà nói không phải gượng ép gì cả. Dẫu nói đúng sai ta cũng không bắt tội.

Yết Kiêu, Dã Tượng cùng nói:

– Chúng thần đội ơn tri ngộ của đại vương, dẫu tan xương nát thịt cam đành, có đâu lại dám không thành thật.

Hưng Đạo chậm dãi nói:

– Khi xưa cha ta lâm chung có dặn mai sau phải giành lấy ngôi cao cho dòng đích tử. Nay ta thống lĩnh ba quân chính là thời cơ đó. Các ngươi nghĩ có nên chăng?

Yết Kiêu, Dã Tượng nghe hỏi vậy bất ngờ quá, nhìn nhau rồi cùng quì xuống thưa:

– Đại vương đã phú quí rồi, còn chúng tôi thề đến già vẫn làm gia nô, không muốn làm như thế, để tiếng xấu ở đời.

Quốc Tuấn thấy hai người có lòng trung nghĩa như vậy cảm động khóc, nói:

– Nước nhà đang cơn nguy biến, nếu thần tử ai ai cũng có lòng trung trinh như các ngươi chẳng phải là phúc cho xã tắc lắm sao!

Hôm sau Quốc Tuấn cho gọi người con trai lớn là Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn đến, hỏi:

– Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?

Hưng Vũ vương trả lời:

– Thưa cha! Việc ấy dẫu khác họ cũng không nên làm, huống chi là cùng một họ.

Quốc Tuấn cho gọi người con trai thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng đến cũng hỏi như vậy. Quốc Tảng bước lên thưa:

– Tống Thái tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.

Quốc Tuấn quắc mắt thét:

– Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.

Nói  xong, rút kiếm chém Quốc Tảng. Quốc Nghiễn vội đỡ lại, xin cha tha chết cho Quốc Tảng. Quốc Tuấn nhất định đòi giết Tảng. Quốc Nghiễn dập đầu xuống nền nhà đến chảy máu, khóc lạy xin chịu tội thay cho em, Quốc Tuấn mới tha cho nhưng bắt Tảng mang quân ra giữ cửa biển Vân Đồn, không có lệnh không được về, lại dặn Nghiễn:

– Mai sau ta chết, đậy nắp quan tài xong rồi mới được cho Quốc Tảng vào viếng.

Chuyện ấy về sau có người nói ra, các vương công nghe được đều một lòng nể sợ Quốc Tuấn. Tháng bảy năm ấy (1284), Hưng Đạo vương ước với các vương hầu sang tháng tám làm cuộc tổng duyệt binh trên bến Đông Bộ Đầu, để Hưng Vũ vương ở lại giữ Vạn Kiếp, lúc đi dặn bọn gia tướng là Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng:

– Ta lên kinh lần này sẽ đi bằng đường bộ qua lộ Hải Đông lên châu Thượng Hồng, muốn xem việc tuyển quân các nơi ấy ra sao. Đây là vùng nhiều của đông người, các ngươi mang quân đi qua không được phiền nhiễu chúng dân. Kẻ nào trái lệnh phải xử theo quân luật.

Tháng bảy mưa ngâu, đường đất lầy lội. Dã Tượng nói:

– Trời mưa không dứt, lại có gió lạnh. Quốc công nên xuống ngựa đi kiệu cho đỡ vất vả.

Hưng Đạo vương nói:

– Ta vất vả, chả lẽ người khác không vất vả hay sao mà còn kiệu ta?

Dã Tượng lại nói:

– Quốc công là tim óc của ba quân. Có đâu ba quân lại không vì quôc công mà xả thân.

Hưng Đạo nói:

– Ta là tướng mà tránh nơi mưa gió, sao có thể khiến quân sĩ xông pha vào lửa đạn. Thôi ngươi đừng nói nữa.

Quá trưa, trời tạnh. Đoàn quân đang đi bỗng chùn lại. Phía trước có tiếng ồn ào. Hưng Đạo sai Nguyễn Chế Nghĩa phi ngựa lên xem có chuyện gì. Chế Nghĩa quay lại nói:

– Trình quốc công! Phía trước có một tráng sĩ ngồi giữa đường đan sọt, quân lính đuổi đi không được. Bị chọc một giáo vào đùi đến chảy máu, tráng sĩ ấy vẫn không nói gì.

– Lạ thật! Các ngươi để đó ta xem.

Hưng Đạo nói xong liền đến chỗ tráng sĩ kia, hỏi:

– Đùi nhà ngươi đang chảy máu, sao cứ để vậy, không biết đau ư?

Lúc ấy tráng sĩ mới ngẩng đầu, bái Quốc Tuấn một bái, nói:

– Kẻ bần dân đang nghĩ mấy câu trong binh pháp nên không biết đại vương đi qua. Xin đại vương tha tội.

Quốc Tuấn thấy khẩu khí tráng sĩ khác với người thường, mới truyền cho ba quân dừng lại, hỏi:

– Tráng sĩ tên họ là chi, gia sự thế nào?

Tráng sĩ thưa:

– Kẻ bần dân họ Phạm, tên là Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng đây, song thân đã sớm về trời, nhà nghèo nên phải làm nghề đan sọt kiếm sống.

Hưng Đạo vuốt chòm râu, gật đầu hỏi tiếp:

– Thường ngày tráng sĩ có được học hành chi không?

– Trình quốc công! Khi xưa thân phụ đã từng đỗ cống sinh, không được gọi ra làm quan, ở nhà dạy học nên kẻ bần dân cũng được học hành đôi chữ.

– Khi nãy tráng sĩ nghĩ câu gì trong binh pháp mà mải mê đến vậy?

– Trình đại vương! Đó chỉ là vài ý nghĩ thiển cận của kẻ quê mùa này thôi ạ.

– Xã tắc hưng vong thất phu hữu trách. Tráng sĩ nghĩ thế nào cứ mạnh dạn nói ta nghe?

Phạm Ngũ Lão thấy Quốc Tuấn ân cần như vậy mới nói

– Giặc Thát xâm lấn nước ta, tướng mạnh quân đông, thế như gió bão. Nước ta đất hẹp, dân ít lại nghèo. Cái thế thiểu chúng đã rõ ràng, ta phải dùng kỳ binh mà chống mới thủ thắng được.

– Tướng Nguyên đều là những kẻ tinh thông binh pháp, ta làm thế nào mà dùng kỳ binh.

– Hai bên đối luỹ giữ nhau, đều muốn dùng mưu mô đánh lừa đối thủ. Mấu chốt để giành phần thắng nằm cả trong một chữ biến mà thôi. Nhanh bạo thì thắng, chậm trễ tất thua.

Hưng Đạo tươi cười nói:

– Tráng sĩ nói rất phải. Vậy điểm cốt yếu của phép dùng binh là gì?

– Trình quốc công! Điểm cốt yếu của phép dùng binh là trọng lễ và trọng lộc. Trọng lễ thì chí sĩ quy tụ. Trọng lộc thì nghĩa sĩ coi thường cái chết.

Hưng Đạo nói:

– Ta nghe nói người xưa không dùng thưởng phạt mà giữ được ổn định, vậy thì lễ và lộc còn được việc gì đây?

– Không thưởng không phạt mà ổn định là quân thần thánh. Chỉ có vua Ngu tận dụng đức hạnh mới làm được như vậy. Nhà Hạ chỉ thưởng mà không phạt là nhờ giáo dục đến nơi đến chốn. Nhà Thương chỉ phạt mà không thưởng là dựa vào việc uy hiếp bách tính. Đến nhà Chu thì đạo đức đã suy thoái nhiều nên phải dùng cả thưởng lẫn phạt. Thời nay nên dùng lễ để giáo hoá ba quân, lấy lộc để khích lệ tướng sĩ. Tuy nhiên không dùng tiền của để sai khiến người hiền vì người có nghĩa không chết vì kẻ bất nhân, người có trí không bày mưu cho phường ngu muội.

Hưng Đạo lại hỏi:

– Theo tráng sĩ, dùng binh kị nhất điều gì?

– Thưa đại vương! Điều kị lớn nhất của phép dùng binh là do dự. Nhưng việc binh là việc lớn của quốc gia, quan hệ đến sống chết của dân, mất còn của đất nước không thể không xét kỹ.

– Ta dùng kỳ binh đánh địch, tác chiến phải cần thế nào?

– Phép dùng binh là nghệ thuật dối lừa, phải giấu kín khả năng. Muốn tiến lên thì vờ rút đi, muốn đánh gần phải vờ đánh xa. Thế đánh không ngoài kỳ chính thực hư. Kỳ chính thực hư sinh ra nhau, xoay vần biến hoá không ngừng không dứt, ai mà biết hết được.

Hưng Đạo hỏi:

–  Người làm tướng phải như thế nào?

– Thưa đại vương! Người làm tướng lúc bình an phải lo khi biến động, lúc quẫn bách không rối trí, gặp nguy nan không rời bỏ ba quân.

– Người làm tướng phải kiêng nhất điều gì?

– Trình đại vương! Người làm tướng có nhiều điều phải kiêng nhưng gói ghém lại trong một chữ tham. Thấy lợi nhỏ quên cái hại lớn, dễ bị đối phương lừa nhử, dễ bị kẻ gian mua chuộc.

– Làm sao mà biết được kẻ tham?

– Kẻ tham trong lòng chứa đầy sự ham muốn nhưng ngoài mặt làm ra vẻ thanh liêm, giả làm người tốt để lấy tiếng, trộm cắp của công bố thí cho kẻ khác để làm ơn riêng khiến cho tốt xấu mịt mờ, ăn mặc sang trọng khoe mẽ, nét mặt lúc nào cũng làm ra vẻ trịnh trọng để mong được người khác kính nể hòng tiến chức thăng quan. Nhưng thực ra đó chính là đầu mối của đạo tặc.

Hưng Đạo lại hỏi:

– Rèn luyện quân sĩ điều gì là cần nhất ?

– Trình quốc công! Việc luyện binh cần nhất phải làm cho quân sĩ tự tin ở mình. Toàn quân liên thủ trăm người như một.

– Làm thế nào cho quân lính tự tin.

– Muốn quân lính tự tin, kỷ luật phải nghiêm, ban lệnh phải rõ ràng. Cấm nghặt việc bói toán dị đoan trong quân doanh. Binh lính mà tin điều bói toán thì hoang mang nghi ngờ, đã hoang mang nghi ngờ tất không hết lòng chiến đấu. Đó chính là căn nguyên của sự bại trận.

Quốc Tuấn hài lòng lắm, cười nói:

– Những lời tráng sĩ nói ra đều là điều cốt tử của binh gia. Thật không hổ danh người đọc sách thánh hiền. Nay ta muốn mời tráng sĩ về triều dể cùng lo việc lớn của nước nhà, tráng sĩ nghĩ thế nào?

Phạm Ngũ Lão khoanh tay cúi đầu nói:

– Đội ơn đại vương có lòng thu nạp nhưng kẻ bần nhân này còn ba người anh em kết nghĩa, thường ngày luyện tập côn quyền, thề cùng tòng quân giúp nước, lẽ nào lại bỏ đi một mình.

– Ba người ấy so với tráng sĩ thế nào?

– Thưa đại vương! Ba người ấy mỗi người có một biệt tài nên được dân làng gắn cho mỗi người một biệt danh chứ không vô dụng như kẻ hèn này đâu ạ.

Quốc Tuấn bảo Ngũ Lão dẫn đường vào làng. Lý trưởng cùng các hào mục ra đình đón. Lát sau dân làng kéo cả đến. Ba gã trai làng cùng Phạm Ngũ Lão bái chào đại vương. Quốc Tuấn bảo Ngũ Lão giới thiệu từng người. Ngũ Lão chỉ mấy anh đứng bên, nói:

– Trình quốc công! Anh này họ Vương tên Thanh, có tài bắn nỏ trăm phát không sai phát nào nên dân làng gọi là tiểu Cao Lỗ Vương Thanh. Anh này là Nguyễn Văn Thắng có thể vật ngã ba người cùng một lúc nên dân làng gọi là tiểu Đô Hồ Văn Thắng. Còn anh này là Phạm Bình có thể cầm mũi dao ném vào mục tiêu cách xa trăm bước không sai phát nào nên dân làng gọi là tiểu Thác Đao Phạm Bình.

Hưng Đạo vương vỗ tay nói:

– Tốt! Tốt.

Rồi đưa cả bốn người về kinh. Dân làng mở cờ gióng trống tiễn đưa. Suốt dọc đường đi, Hưng Đạo vương cho Phạm Ngũ Lão ngồi cùng xe, hai người bàn luận việc binh, say sưa mấy ngày không dứt.


*


Tháng tám mùa Thu, nắng như dát vàng trên con đường lớn dẫn vào đại doanh. Quân sĩ của các vương hầu hàng nào đội ấy nghiêm trang trước tướng đài. Doanh trại san sát theo dọc triền sông. Trại nào cũng treo vô số cờ hiệu cờ lệnh rực rỡ suốt mấy chục dặm. Tướng đài treo một lá cờ đại cực lớn. Những vị tướng lĩnh đều cưỡi ngựa đứng trước hàng quân của mình. Lính truyền tin, lính hoả bài phi ngựa như bay đến những hàng quân phía xa để truyền mệnh lệnh. Dưới nước, thuyền lớn thuyền nhỏ giăng kín mặt sông. Một rừng cột buồm ngạo nghễ chĩa thẳng lên trời. Bỗng vang lên một tiếng cồng, tất cả tướng lĩnh quân sĩ đều im lặng. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn bước lên tướng đài, hai hàng giáp sĩ đi theo hộ vệ. Đại vương cầm cây cờ lệnh màu xanh, vẫy hai nhát. Đó là tín hiệu đại vương gửi lời chào đến toàn quân. Mọi người cùng hô vang:

– Ba quân sẵn sàng đợi lệnh đại vương.

Hưng Đạo đại vương nói lớn:

– Hỡi ba quân tướng sĩ! Giặc Thát đang lăm le xâm phạm cõi bờ. Ta cùng các ngươi thân mang trọng trách vua trao, có lẽ đâu chịu để giang sơn bị giày xéo dưới vó ngựa của quân cường khấu, dù nát thịt tan xương cũng phải đánh tan lũ giặc Hồ. Vậy ta làm bản hịch văn này, các ngươi nghe đây mà dốc một lòng cùng ta đem thân mình ra đền ơn nước.

Đại vương nói xong, có một viên quan cầm bản hịch văn, hướng loa về phía ba quân, cao giọng đọc:

– Ta từng nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát Cao Đế. Do Vu giơ lưng chịu giáo, che cho Chiêu vương. Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ. Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước. Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây của Vương Thế Sung. Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không nghe nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước thời nào không có. Giả sử các bậc đó cứ khư khư  theo thói nhi nữ thường tình thì cũng chết uổng nơi xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách để cùng bất hủ với đất trời?

Các ngươi vốn nòi võ tướng không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi ! Việc đời trước hãy tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Thát mà nói:

Vương Công Kiên là người thế nào, tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào mà lấy thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu chống lại quân Mông Kha đông hàng trăm vạn, khiến cho sinh linh bên Tống đến nay còn đội ơn sâu. Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, tỳ tướng của ông là Cân Ty Tư lại là người thế nào mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt.

Huống chi ta cùng các ngươi, sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp lúc gian lao, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác lệnh Hốt Tất Liệt, đòi ngọc lụa để thoả lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam vương thu bạc vàng để vét của kho có hạn. Thật khác nào ném thịt cho hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!

Ta từng tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa được xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi bộ thì ta cho ngựa, đi thuỷ thì ta cho thuyền, lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, khi ở nhà thì cùng nhau vui cười, so với Vương Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, cũng chẳng kém gì.

Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tường triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm, hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, mải mê vườn ruộng, quyến luyến vợ con vì lòng ích kỷ, hoặc mê làm giầu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc say tiếng hát. Nếu giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà sống không thể đâm thủng được áo giáp, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh. Dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý ngàn vàng khôn chuộc, vả lại vợ bìu con dín việc quân cơ trăm sự nghĩ sao. Tiền của tuy nhiều, khôn mua được đầu giặc; chó săn tuy khoẻ khó đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không làm cho quân giặc say chết, tiếng hát hay không làm cho quân giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi ta đều bị bắt, đau xót biết nhường nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất. Chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị người khác bắt đi. Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị bới đào. Chẳng  những thân ta kiếp này chịu nhục, trăm đời sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. Lúc bấy giờ các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?

Nay ta bảo các ngươi cho rõ: Nên nhớ chuyện “đặt mồi lửa vào dưới đống củi” làm nguy, lấy điều “kiêng canh nóng thổi cả rau nguội” làm răn. Hãy huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Như vậy chẳng những thái ấp của ta mãi mãi lưu truyền mà bổng lộc của các ngươi cũng đời đời được hưởng. Chẳng những gia quyến ta yên ấm gối chăn mà vợ con các ngươi cũng bách niên giai lão. Chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ mà ông cha các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm. Chẳng những thân ta kiếp này đắc chí mà các ngươi trăm năm sau tiếng thơm vẫn còn. Chẳng những danh hiệu ta lưu truyền mãi mãi mà họ tên các ngươi cũng được sử sách lưu thơm. lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không?

Nay ta chọn binh pháp các nhà soạn thành một quyển, gọi là binh thư yếu lược. Các ngươi nếu biết chuyên tâm rèn tập theo lời ta dạy thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy thì trọn đời là cừu thù.

Vì sao vậy? Vì giặc Mông Thát là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, thế là quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc, khiến cho sau khi dẹp giặc, muôn đời để nhơ thì còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa? Cho nên, ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ lòng ta.

Lời hịch vừa dứt, tất cả quân sĩ cùng hô lớn:

– Sát Thát! Sát Thát! Sát Thát!

Hưng Đạo vương tươi cười nói:

– Các ngươi đã quyết lòng như vậy, thích ngay lời ấy vào tay.

Nói xong, đại vương xắn áo, sai ngươi lấy kim và mực thích hai chữ Sát Thát vào cánh tay bên Hữu. Tất cả tướng lĩnh cùng sĩ tốt nhất loạt làm theo. Mặt trời lên cao chiếu ánh vàng rực rỡ. Suốt một dải ven sông hừng lên sắc cờ và mầu áo lính. Khí thiêng sông núi như bốc lên đến tận trời xanh.


*


Trấn Nam vương Thoát Hoan cùng bình chương A Lý Hải Nha chuẩn bị tiến binh, đưa thư đòi triều đình nhà Trần phải cấp cho quân sĩ hai mươi vạn thạch lương cùng năm vạn quân tinh tráng để đi đánh Chiêm Thành. Trần Nhân Tông họp triều thần vấn kế. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc vốn muốn thông mưu với quân Nguyên, đứng ra tâu:

– Năm trước ta đem quân giúp Chiêm chống lại với thiên triều, như thế là có lỗi. Nay quân thiên triều đã đến ngoài cõi, hoàng thượng nên thuận theo may ra mới tránh được búa rìu của thượng quốc.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải bước ra, nói:

– Quyết không thể được. Hoàng thượng để cho giặc Hồ vào là chúng giở mặt ngay. Chi bằng lệnh cho Hưng Đạo vương đem quân chặn giặc từ miền biên giới thì hơn.

Trần Ích Tắc nói:

– Nay Trấn Nam vương thái tử đem năm mươi vạn quân đi qua. Nước ta tất tận già trẻ lớn bé bất quá cũng chỉ có vài trăm vạn dân, cứ mười người lấy một người làm lính may ra được hai chục vạn quân là cùng, chống sao được với thái tử. E rằng việc ấy chỉ như đem dân đen thiêu trên lửa đỏ mà thôi. Xin hoàng thượng nghĩ cho kĩ kẻo một khi xảy ra sự chẳng lành, ngọc nát vàng phai tội ấy muôn đời khôn rửa.

Người nói đi, người nói lại cuối cùng hàn lâm học sĩ Đinh Củng Viên nói:

– Hưng Đạo đại vương nay đã nắm quyền tiết chế ba quân. Xin quan gia vời ông ấy về kinh hỏi xem nên làm thế nào.

Nhà vua nghe theo, lập tức sai sứ đến ải Nội Bàng mời Hưng Đạo vương . Vương nói với sứ giả:

– Ông mang thư này trình lên hoàng thượng, ắt có kế hay. Ta đang bận công việc bố phòng không thể về triều trong lúc này được.

Sứ giả mang thư về trình. Nhân Tông xem xong tươi cười nói:

– Tốt! Tốt!

Rồi cho đốt thư ngay, không để ai được biết.

Thật là:

Trong triều đàm luận lời cao thấp

Ngoài ải đặt bày mẹo sâu nông


Không biết bức thư của Hưng Đạo vương viết những gì mà bí mật đến vậy. Xin kể tiếp ở chương sau.

(còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder