Đất Việt trời Nam- Tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành – Chương 23

Đan Thành

Gái giả trai Đoàn Thị tòng quân

Gần nói xa Quốc Khang lừa giặc..

Đan Thành

Gái giả trai Đoàn Thị tòng quân

Gần nói xa Quốc Khang lừa giặc

Nhân Tông nhận được thư của Hưng Đạo vương, mừng lắm, nói:

– Có kế hay đây rồi! Hôm nay nếu không còn việc gì thì các khanh cứ về đi, chỉ một mình trung đại phu Trần Phủ1 ở lại, trẫm bàn việc.

Các quan thấy vậy không hiểu ra sao nhưng cũng lần lượt ra về, ai lo việc nấy. Lúc ấy nhà vua mới gọi Trần Phủ lại gần, đưa cho một phong thư, bảo:

– Trẫm cho khanh đem thư này theo sứ Nguyên sang Hồ Quảng. Khanh cứ như, thế như thế mà nói.

Trần Phủ tâu:

– Thoát Hoan đòi ta giúp quân, giúp lương chỉ là cái cớ thôi. Thần e rằng nói như vậy sao chúng chịu.

– Trẫm biết! Nhưng ta nói thế cũng chỉ là lấy cớ để không giúp quân, lương cho chúng. Điều căn bản khanh phải nắm cho được chính xác ngày tháng chúng tiến binh rồi báo về.

– Thần hiểu rồi.

Trần Phủ theo đoàn sứ Nguyên sang Hồ Quảng gặp Trấn Nam vương Thoát Hoan. Thoát Hoan ngồi ngất ngưởng trên ngai cao, giơ tay vuốt ria nhưng vì vương còn rất trẻ nên chưa có sợi ria nào, mới chỉ là một mớ lông tơ lún phún hai bên mép. Chẳng biết vương đắc chí hay vì thấy hành vi của mình ngộ nghĩnh nên mỉm cười. Nhưng cái sứ mệnh nặng nề mà vua cha trao nhanh chóng thức tỉnh thái tử. Thoát Hoan lấy giọng vương giả, nói với Trần Phủ:

– Vua tôi An Nam nhà ngươi thật là to gan. Việc quân lương phụ vương ta đã có chỉ cho các ngươi từ năm ngoái, sao không chịu tuân mệnh.

Trần Phủ nói:

– Lệnh của thiên triều, nước Việt tôi đâu dám không tuân. Nhưng hiềm nỗi nước tôi đất hẹp, dân nghèo, lương thực trong nước ăn còn không đủ, nói chi chuyện tích góp, đường xá nhỏ bé gập ghềnh, không tiện cho việc hành quân, dù có đem dân phu đi khai phá sửa sang thì mười năm chắc gì đã xong chứ đừng nói một năm. Nay nhà vua của chúng tôi sai tôi mang thư sang đây dâng lên thái tử, xin hoãn cho một năm nữa, nước Nam tôi mang hết quân dân tu sửa đường xá để binh xa, kị sĩ có thể hành quân qua được.

Thoát Hoan cười khẩy, nói:

– Thôi được! Việc đã khó khăn như thế, để ta mang quân sang giúp vua tôi nhà ngươi vậy. Ngươi cứ về đi, ta mang quân tới ngay đây.

Thoát Hoan nói xong, liền truyền các tướng tiến binh. Trần Phủ quay về dịch quán gọi người tâm phúc tới, dặn:

– Ngươi tới ngay phố Tiên Dược, ngõ Trương Cơ tìm một người là thần y Đào Thế Quang, đưa cho ông ta tấm thẻ này, rồi dẫn về đây.

Lúc ấy Đào Thế Quang giả làm thầy thuốc, sang dò tình hình quân Nguyên ở Hồ Quảng đã nhiều năm, nhận được tín thẻ liền đi ngay. Trần Phủ nói:

– Quân Thát bắt đầu phát binh. Tôi muốn đưa tin ấy thật nhanh về triều đình. Đại phu có cách gì giúp không?

Thế Quang nói:

– Quân hầu viết ngay một bức thư, chọn người tin tưởng cầm đi. Tôi cho gia nhân tâm phúc đưa tắt qua đường rừng, nội trong năm ngày sẽ đến được chỗ tướng quân Lương Uất ở

ải Lạng Châu. Từ đấy đến đại bản doanh Nội Bàng, đi ngựa trạm chỉ nửa ngày là tới. Còn quân hầu cứ từ từ đi sau để chúng khỏi nghi ngờ.

 

Hưng Đạo vương nhận được tin Thoát Hoan đã xuất binh, liền cho lính hoả tốc báo về Thăng Long, đồng thời cử các tướng mang quân đi tăng thêm lực lượng cho những nơi hiểm yếu. Vua Trần Nhân tông họp triều thần, nói:

– Thoát Hoan đã bắt đầu tiến binh, ta nên làm thế nào?

Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc nói:

– Tình thế đã đến nước này, sao hoàng thượng không bắt chước hậu chủ nhà Thục Hán1 để tránh hoạ lưu huyết cho trăm họ có hơn không?

Hàn lâm đại học sĩ Lê Văn Hưu nói:

– Không thể được! Giặc chưa đến quan ải đã khuyên vua đầu hàng. Tôi thần như vậy có khác gì Bá Hi, Tần Cối2? Việc trước mắt xin quan gia tuyển mộ thêm quân, cử người huấn luyện để có thể bổ sung cho những nơi khiếm khuyết. Thoát Hoan đã tiến binh xuống thì Toa Đô dù chiếm được Chiêm Thành hay không, cũng phải vòng lên phối hợp, kẹp nước ta vào giữa, vì thế cần đưa thêm quân vào miền Hoan, ái để chặn lại, không cho chúng hợp với nhau.

ích Tắc nói:

– Nước ta dân ít, trai tráng trong thôn bản đã vào lính hết rồi, lấy đâu ra nữa mà tuyển mộ. Lời quan hàn lâm học sĩ chính là con đường đưa cả nước vào lò lửa vậy.

Thượng thư Nguyễn Hiền nói:

– Chiêu Quốc vương nói sai rồi. Nếu hoàng thượng lấy phương châm bách tính giai vi binh3 thì lo gì thiếu quân thiếu người.

Nhân tông hỏi:

– Muốn thực hiện bách tính giai vi binh, phải làm thế nào?

Nguyễn Hiền tâu:

– Làng có già làng, bản có già bản, đó chính là trí tuệ của muôn dân. Xin hoàng thượng cho họp hội nghị bô lão trong cả nước, nhất định những người già sẽ cho nhiều lời hay.

Nhân tông nói:

– Tốt lắm! Tốt lắm!

Đầu tháng chạp năm ấy ( 01-1285 ), thượng hoàng Trần Thánh tông triệu tập hội nghị bô lão toàn quốc để bàn kế phá giặc. Trời cuối Đông, mưa rét, gió bấc thổi  hun  hút. Nhưng các già  bản, già làng đều về hội đủ trong điện Diên Hồng. Thượng hoàng Thánh tông hỏi:

– Nay giặc Thát mang năm mươi vạn quân sang xâm lược nước ta. Thượng hoàng cùng nhà vua mời các bô lão về đây, muốn hỏi các bô lão xem nên hoà hay nên đánh. ý các bô lão thế nào cứ nói thật lòng.

Thượng hoàng vừa nói dứt lời, các bô lão muôn người như một, không ai bảo ai, cùng giơ tay nói lớn:

– Đánh!

Lời nói đanh thép của muôn người mà như phát ra từ một miệng. Thượng hoàng cùng nhà vua tươi cười, nói:

– Tốt! Tốt! Vạn nhân đồng nhất khẩu4. Thế này lo gì không phá nổi giặc.

Thượng hoàng chỉ một cụ râu tóc trắng như tơ gai nhưng da dẻ vẫn hồng hào, hỏi:

– Lão bá tên họ là chi, năm nay bao nhiêu tuổi rồi, ở đâu ta ?

Ông lão đứng lên khoanh tay cúi đầu làm lễ, tâu:

– Muôn tâu thượng hoàng! Thảo dân họ Phạm tên Hữu, năm nay tám mươi mốt tuổi rồi. Quê thảo dân ở châu Hạ Hồng.

Thượng hoàng ồ lên một tiếng, nói:

– Có phải là quân dược hiệu uý đó không? Năm Nguyên Phong chính lão đã buộc vết thương ở tay cho ta. Năm nay giặc sang, lão định thế nào?

– Tâu thượng hoàng! Thảo dân đã cho ba cháu nội vào lính. Nếu giặc mò tới quê hương, cả nhà thảo dân xin liều chết giữ làng, giữ xóm.

Thượng hoàng cảm động nói:

– Đáng quý thay tấm lòng phụ lão, tóc bạc hết rồi mà khí phách chẳng kém khi xưa. Ta mong tất cả các bô lão sau khi ở hội nghị về, hãy noi gương quân dược hiệu uý đây, động viên con cháu lên đường đánh giặc. Nơi nào giặc tới phải quyết tử chiến, không được đầu hàng.

Cả hội nghị cùng hô vang:

– Sát Thát! Sát Thát! Sát Thát!

Sau hội nghị, ai nấy đều thích lên cánh tay hai chữ Sát Thát. Thượng hoàng cùng nhà vua ban sắc chỉ đến từng địa phương trong cả nước:“ Phàm các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải tử chiến. Nếu sức không địch nổi, được phép lánh vào rừng núi, không được hàng giặc”.

 

Lúc bấy giờ trai tráng làng Cao Duệ nghe tin giặc Thát sang, ai cũng muốn tòng quân đánh giặc. Nhưng nhiều bậc cha mẹ nghĩ đến những cảnh chớ trêu như bác cựu chiến binh Đoàn Sĩ Hiệp, lại căm giận cha con Vĩ Thố, Vĩ Thử cùng bọn quan huyện Hà Phương nên chưa cho con em vào lính. Bọn trai tráng thấy thế, không đứng đâu ngồi đâu yên, suốt ngày gọi tìm nhau bàn mưu tính kế để làm sao cha mẹ ưng cho vào lính. Phạm Quang nói với bố:

– Thầy cho con đi đợt này đi. Ba em nhà chú Minh đi hết từ đợt trước rồi.

Phạm Anh bảo:

– Không phải thầy không muốn cho con đi. Đến thầy cũng muốn đi đây này. Nhưng cứ nghĩ mình ra trận chẳng quản sự sống chết thế mà lúc về lại bị bọn chánh, lý đè nén hắt hủi như bác Hiệp kia có ức không? Để xem lần này thằng Dương con nhà xã Thử nó có đi không?

– Thế nhỡ nó trốn, thầy không cho con đi chắc?

– Không phải không cho đi nhưng từ từ xem ông mày, mấy ông Bằng đi dự hội nghị bô lão về thế nào đã.

Trong khi cả làng ồn ã chuẩn bị cho đợt tuyển lính cuối năm, trong nhà xã quan Nguyễn Vĩ Thử cũng rối lên về việc đón một vị khách quý. Thịt gà, thịt lợn đã có đủ nhưng Vĩ Thử vẫn sai mấy gia nhân xuống ao đánh cá mè to lên làm gỏi. Số là Vĩ Thử sợ cậu con giai quý duy nhất là Nguyễn Vĩ Dương vào lính phải ra tiền đồn, mà không đi thì dân xã nói rác tai nên mới nghĩ ra một kế, mang lễ vật lên nhờ huyện quan Hà Phương tìm chỗ giúp. Vừa may, Hà Phương cũng mới tìm được cho công tử út Hà Vinh một chỗ bờ xôi ruộng mật, làm tuần giang trưởng giáp1, chuyên đi bắt những kẻ buôn hàng quốc cấm trên sông, vừa có thể dễ dàng kiếm chác mà mọi khoản bổng lộc được hưởng theo chế độ nhà binh, khi có giặc tới không phải giao chiến, chỉ việc báo lên cấp trên là được. Ai vào đội quân này coi như dán chữ phúc ở bụng, đeo chữ thọ trên đầu, cầm chữ lộc trong tay rồi. Hôm nay Hà Vinh nhận lời về chơi rồi tuyển Vĩ Dương đi luôn. Hà Vinh vốn được nuông chiều từ nhỏ nên sớm học cái vẻ dương dương của hầu hết các cậu ấm danh gia thế phiệt. Cậu đi chậm, đầu ngẩng nghênh nghênh, tay phe phẩy chiếc quạt đồi mồi, nói năng kiểu cách như một người học vấn cao sâu. Không biết võ nghệ của cậu đến đâu nhưng khi nào cũng đeo kè kè bên  mình một thanh đoản kiếm chuôi sừng khảm vàng bóng loáng, lại lòng thòng một chùm tua đỏ. Bọn Vĩ Dương, Vũ Hàm cùng nhau xun xoe chạy theo nghe Hà Vinh nói chuyện, với một vẻ ngưỡng mộ chân thành, không khác gì mấy chú vịt con chiêm ngưỡng cậu ngỗng bộp. Hà Vinh thấy vậy càng ra vẻ khụng khiệng, làm bộ làm dạng y như một bậc kì nhân lọc lõi trải đời. Nhưng đến khi vào chiếu tổ tôm thì Hà Vinh mới thật sự làm cho các vị hào lý cùng các bậc đàn em vừa kinh hãi vừa kính phục, vì không ai biết cậu làm cách gì  mà ù liền năm ván. Ai nấy tấm tắc khen công tử tuổi trẻ tài cao. Nhưng cậu bảo:

– Cánh quan binh hải khẩu, hàng giang ai cũng chơi như  thánh cả, tôi chỉ là học trò tập tọng thôi. Đ… mẹ! Lại được con bát vạn rồi.

Đến đây thì các vị chức sắc hầu bài sướng quá, vì câu chửi tục được phát ra từ cái miệng xinh xắn của cậu ấm ngon đến như vậy. Còn bọn Vĩ Dương, Vũ Hàm coi câu chửi tục ấy hay như một câu danh ngôn vì nó làm cho cậu ấm có vẻ chan hoà gần gũi với mình hơn.

 

Con chim chích choè nhảy qua nhảy lại trên ngọn tre ngả xuống ao đình, ngay cạnh nhà bác thương binh Nguyễn Văn Điền, rồi nhảy lên một cành cao, vô tư ngửa cổ hót từng hồi dài. Nó không biết phía bên kia bờ ao có mấy cậu con trai rình nghe. Đó là Nguyễn Văn Hương con bác Nguyễn Văn Điền, Mai Văn Sử con bác Mai Văn Tự và cả cậu Phạm Quang con bác Phạm Anh nữa. Phạm Quang chỉ tay lên chỗ con chim đậu, thì thầm với hai bạn:

– Tổ của nó ở trên ấy đấy, ba con nhé, chưa vỡ bụng cứt. Sáng nay tớ vừa trèo lên.

Văn Hương bảo:

– Tao biết rồi. Đừng có trèo lên nữa đấy. Để khi nào lớn, bắt cho mỗi thằng một con.

Văn Sử bảo:

– Nghe chim hót thích thật nhưng bắt chim non thì  sợ lắm.

Phạm Quang hỏi:

– Sợ gì?

– Bà tao bảo, bắt chim non là mẹ nó chửi cho đấy.

Văn Hương hỏi:

– Thật thế á? Nó chửi thế nào?

– Thật chứ. Nó chửi thế này này:

 

Thằng què thằng quặt

Mày bắt con tao

Mày ra bờ ao

Mà nghe tao chửi

Thằng què thằng quặt!

Phạm Quang láu lỉnh lè lưỡi chế nhạo:

– Leo ơi! Sợ quá nhỉ. Nhưng vài hôm nữa vào lính rồi, làm sao mà bắt chim được đây. Phải đấy! Về thôi, xem ông tớ đi hội nghị trên kinh về chưa.

Ông cụ Bằng cùng ông cụ Hữu về đến nhà, trời đã xế chiều. Mấy nhà trong xóm kéo sang hỏi chuyện kinh thành, hỏi tình hình giặc Thát. Phạm Quang không biết từ đâu chạy bổ về, nhao vào ôm lấy ông, hỏi dồn:

– Ông ơi! Cho cháu đi lính chứ? Nhà vua cho đánh chứ ông? Trên kinh thành có vui không ông?

Ông cụ Hữu vuốt chòm râu bạc, gật đầu, cười nói:

– ừ ừ! Đánh chứ! Đánh chứ. Các cháu được vào lính hết, vui lắm vui lắm.

Bọn con trai nghe vậy, nhẩy quấng cả lên vì sung sướng. Mai Văn Tự bảo:

– Không cho con đi đánh giặc thì có tội với đất nước, mà cho con đi thì căm bọn cường hào trong huyện trong làng.

Cụ Hữu bảo:

– Đánh giặc là việc chung của toàn dân. Phải động viên cho các cháu nó đi bác ạ. Chẳng lẽ vì bọn sâu mọt trong xã trong huyện mà bà con lại để mặc cho đất nước bị quân ngoại bang giày xéo hay sao?

Mấy người hàng xóm cùng nói:

– Cụ Hữu dạy rất phải! Cụ Hữu dạy rất phải! Không thể để bọn dợ Hồ giẵm nát mồ mả cha ông được!

Bọn con trai vào lính cả, làng Cao Duệ vắng vẻ hẳn đi. Con chích choè vẫn cao giọng hót, không biết rằng mấy cậu khán giả của nó đã ra mặt trận hết rồi. Bác cựu chiến binh Đoàn Sĩ Hiệp nói với vợ:

– Bu em đẻ được mỗi con Hoa, thành ra lần này giặc Thát đánh sang, nhà mình thiệt thòi, không có ai đi lính đánh giặc.

Bác Hiệp gái nói:

– Ôi dào ôi! Rõ là! Đánh giặc như thày em, ai cũng bảo là gan góc có công, thế mà được chút bổng lộc gì đâu. Đau ốm khổ vợ khổ con thôi chứ ai ngó tới, vẫn còn mơ đánh giặc nữa ư?

– U em nói thế mà nghe được! Đành rằng ân huệ của nhà vua cũng còn có chỗ bất cập. Mà mình đâu phải vì bổng lộc mới đi đánh giặc. Thử  hỏi cứ để quân Thát nó chiếm mất nước thì u em có được yên thân ở bên chồng bên con thế này không, hay bị nó bắt sang bên Tàu rồi? Chỉ tiếc con Hoa là con gái, không được vào lính chứ võ nghệ nó thua gì bọn con trai. Tôi xem đường đao của nó dứt khoát mà kín đáo lắm. Hôm trước nó múa bài mai hoa song kiếm, sư thầy khen nức nở.

– Ôi giời ôi! Bố con nhà ông tai quái lắm. Con gái con đứa võ vẽ làm gì, không khéo ngã gẫy chân què cổ ấy chứ.

– Bu mày thật quá là là là! Con trai vào lính hết, con gái cũng phải tập võ nghệ, nhỡ giặc đến còn phải giữ làng chứ.

Hai vợ chồng bác Hiệp đang nói chuyện, Hoa đi thăm ruộng dưa ở ngoài đồng về, cô để cái cuốc bên cạnh chuồng gà, nói với bố mẹ:

– Dưa nhà mình năm nay lên tốt lắm thày bu ạ. Chiều nay không phải tát nước, con đi tập võ ở sân chùa.

Bác Hiệp gái bĩu môi nói:

– Rõ là rau nào sâu ấy. Bố chị còn đang tiếc chị không phải là con trai để đi lính kia kìa.

Bác Hiệp gái không ngờ, nghe câu ấy mắt cô con gái sáng lên như nhận được ánh hào quang từ một nơi sâu xa huyền bí nào rọi tới. Cô cười rất tươi làm hai lúm đồng tiền lõm hẳn vào, nói:

– Hay là thày bu cho con vào lính?

Bác Hiệp bảo:

– Thầy đâu có không cho nhưng con là phận gái, ai người ta nhận.

– Con mặc giả trai. Nhất định không ai biết.

Bác Hiệp gái bảo:

– Cả cái xã này, ai còn lạ gì mày mà giả với dối. ở nhà mà lo cầy cấy, thày mày ốm đau luôn.

– Không bu ạ! Con giả trai sang châu Bắc Giang người ta nhận ngay. Nghe nói bên ấy có tướng quân Phạm Ngũ Lão đang rèn lính mới. Nhất định con xin vào được.

Bác Hiệp trai bảo:

– ừ phải đấy, nếu con quyết chí đi thì thày không giữ nhưng điều cốt yếu là phải đánh được giặc, chớ để vướng chân người khác. Chắc thày bu rồi thế nào cũng được tự hào về con.

Bác Hiệp gái thấy hai cha con Đoàn Thị một lòng như vậy, không dám nói gì, chỉ đưa tay áo lên chấm hai hàng nước mắt. Bác Hiệp trai bảo:

– Bu mày sao thế nhỉ?… Quyết như thế mai phải đi ngay cho kịp khoá luyện binh. Con nó lớn rồi, trưởng thành đi ra ngoài cho cứng cáp, mừng cho nó mới phải chư…ứ!

Tuy nói cứng vậy nhưng những tiếng cuối cùng, bác hiệp trai cũng không giấu được vẻ xúc động. Bác Hiệp gái bảo:

– Cha con ông đã quyết thế rồi, tôi còn nói gì được nữa. Chỉ thương con bé thân gái dặm trường.

Đêm ấy, bác gái không ngủ, ngồi vá lại tất cả quần áo cho con, gói thành một gói. Bác Hiệp trai cũng trằn trọc, gà gáy sang canh trở dậy, thắp hương khấn lầm rầm rồi với cây kiếm trên bàn thờ xuống, rút ra khỏi vỏ. Lưỡi thép còn sáng bóng, ánh lên trước đĩa đèn dầu lạc. Ngắm kĩ cây kiếm từ mũi đến đốc xong, bác tra lại vào vỏ. Gà gáy dồn. Bác gái nấu cơm đã chín. Hoa cũng dậy rồi, cô rửa mặt, búi tóc ngược lên đỉnh đầu, buộc thêm một băng vải giữ cho chặt, mặc quần áo, quấn xà cạp, trông chẳng khác gì một chàng trai tuấn tú. Bác Hiệp bảo con:

– Bây giờ trời sắp sáng, con đi đi thì vừa. Đây là thanh kiếm năm xưa thày dùng đánh giặc, nó là vật quý nhất trong nhà, nay thày cho con, mong con hãy hiểu ý thày.

Đoàn Thị Hoa đưa hai tay nhận thanh kiếm. Bỗng cô ôm lấy người cha, oà khóc như đứa trẻ, không nói lời nào. Tuy vậy bác Hiệp hiểu hết nỗi lòng con gái. Bác gỡ tay Hoa ra, bảo:

– Thôi đi đi kẻo trời sắp sáng.

Bác Hiệp gái khoác gói đồ cùng nắm cơm lên vai con. Bác đưa Hoa ra đến tận cổng làng. Phút chia tay với mẹ, Hoa nín lặng, cô không dám nói câu gì vì sợ cất lời lên sẽ không cầm được nước mắt. Cô không muốn mẹ cô buồn. Bác Hiệp gái cũng hiểu như vậy, bảo con gái:

– Đi đi con.

Hoa nhìn vào mắt mẹ lần cuối rồi buông tay chạy vút lên con đê đầu làng, thanh kiếm đập nhè nhẹ trên lưng. Trông cô như một thiếu niên hiệp khách lãng du trên con đường vạn dặm. Mẹ cô đứng im nhìn hút theo cho đến khi mặt trời nhuộm những đám mây phía Đông thành một màu hồng rực.

 

Đây nói chuyện năm trước (đầu năm 1283) Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang nhận chỉ đem quân đi cứu Chiêm Thành, dặn con trai thứ là Chương Hiến hầu Trần Kiện mang một nghìn quân, nói phao lên là ba vạn, chương cờ hiệu Tĩnh Quốc đại vương, cứ mỗi ngày đi ba mươi dặm lại đóng trại nghỉ, khi nào đến ái châu thì dừng lại giữ thành. Còn mình đi thẳng xuống phía Nam, huy động hai vạn quân miền Hoan, ái, La Sơn1, Bố Chính2, cùng năm trăm chiến thuyền, vượt biển đi thẳng vào đất Chiêm.

Toa Đô chiếm được cảng Thư Mi Liên3 mà không tổn hại gì, vui mừng khôn xiết, một mặt báo tin thắng trận về triều, một mặt để thân vương Giảo Kỳ ở lại giữ Chiêm Thành cảng còn mình mang quân đi đánh Đại Châu, vẫn lấy Hắc Đích làm tiên phong. Thân vương Giảo Kỳ nói:

– Nguyên soái đem quân đánh Đại Châu, cần phải đề phòng có quân An Nam đánh úp.

Toa Đô cười, nói:

– Nay thái tử sắp được cử làm nguyên soái đem quân xuống phương Nam, An Nam phải lo phòng giữ không thể có nhiều quân cứu Chiêm. Thám binh mới báo về, vua An Nam cho Trần Quốc Khang mang một nghìn quân đi cứu Chiêm Thành nhưng lại nói khoác lên là ba vạn để ra oai, cứ đi ba mươi dặm lại nghỉ. Như vậy chúng muốn vào đến đây ít nhất cũng mất sáu tháng, khi ấy chúng ta đã nuốt xong Chiêm Thành từ lâu, còn đâu mà cứu nữa.

Giảo Kỳ lại nói:

– Người phương Nam dùng binh hay lừa dối, biết đâu một nghìn quân ấy chỉ là nghi binh. Còn đại quân của chúng tiến theo đường khác thì sao?

Toa Đô nói:

– Điều ấy không phải tôi không nghĩ tới, nhưng quân Nam muốn vào đây chỉ có hai đường. Nếu đi đường thuỷ, tất phải dùng thuyền lớn, mà thuyền lớn của chúng hiện nay tập trung cả ở Vân Đồn. Nếu chúng đi đường bộ bao giờ đến được, dẫu có chục vạn quân, ta cũng không phải lo gì. Các ông cứ giữ chắc lấy cảng này, đợi tôi phá xong Đại Châu, bắt sống vua Chiêm rồi ta cùng tiến lên phía Bắc.

Toa Đô nói xong, truyền lệnh tiến binh. Trời đã vào cuối Đông, không có mưa mà nắng nóng, không giống như thời tiết phương Bắc. Lính Thát hành quân vất vả, nhiều người không chịu được sự bức bối, cởi bỏ cả áo giáp khoác lên vai mà đi. Mấy hôm sau đến phía ngoài thành Đại Châu hạ trại.

Khi ấy trong thành Đại Châu, quân Chiêm do Chế Tâm Đô chỉ huy không ra đánh, đóng kín cổng thành cố thủ, chờ viện binh của Đại Việt. Vua Chiêm cùng các tướng Chế Cơ Hà, Tra Diệp, Bố Bà Ma Các mang cả triều đình về Nha Hầu. Toa Đô thấy vậy liền họp các tướng, nói:

– Quân ta tiến đến đây nhưng quân Chiêm không ra đánh, vua của chúng sợ hãi chạy đến Nha Hầu. Ta muốn đem quân đánh Nha Hầu trước để bắt vua Chiêm.

Phó soái Lưu Khuê nói:

– Tướng giữ Đại Châu là Chế Tâm Đô, rất nhiều mưu kế. Hắn không ra đánh là muốn chờ quân ta trễ nải rồi mới thừa cơ đột kích. Nếu nguyên soái mang quân lên Nha Hầu e hắn sẽ đuổi theo. Vả lại quân chủ lực của Chiêm tập trung cả ở Nha Hầu, ta không nhanh chóng phá được chúng mà bị Chế Tâm Đô chặn mất đường về chẳng nguy lắm sao.

Hắc Đích nói:

– Lưu tướng quân nói rất phải. Nguyên soái muốn đánh Nha Hầu, nên để phó nguyên soái giữ ở đây, kiềm chế không cho Chế Tâm Đô ra khỏi thành mới chắc thắng được.

Toa Đô nghe theo, cho Lưu Khuê ở lại, dặn:

– Tôi mang quân đánh Nha Hầu. Ông đóng ở đây, không đánh nhưng các trại phải giữ nguyên. Lập thành cầu nối giữa Nha Hầu với Chiêm Thành cảng. Cần phải nghi binh để hư chương thanh thế, làm cho Chế Tâm Đô tưởng ta nhiều quân, không dám ra đánh.

Lưu Khuê nhận lệnh giữ một nghìn lính ở lại ngoài thành Đại Châu, cho quân chặt cây làm thêm trại lán, bện người bằng cỏ mặc áo lính cầm giáo đứng gác để đánh lừa Chế Tâm Đô. Còn Toa Đô cùng Hắc Đích mang đại quân đến Nha Hầu đánh thành.

Đại tướng giữ Nha Hầu là Chế Cơ Hà nói:

– Quân Nguyên đã theo chúng ta đến đây là chúng muốn bắt bằng được đại vương cùng triều đình, không ra đánh chờ chịu trói cả hay sao?

Chế Ưng cũng nói:

– Đại tướng nói rất phải. Khi trước tôi để mất Chiêm Thành cảng, nay xin làm tiên phong ra đánh giặc, lập công chuộc tội.

Bố Bà Ma Các nói:

– Không được! Nay quân giặc vừa đến, khí thế đang hăng. Bên ngoài ta lại chưa có quân cứu viện, ra đánh tất không thể thắng được. Tướng quân cứ giữ cho vững thì hơn.

Chế Ưng nói:

– Đợi quân cứu viện, biết đến bao giờ. Nên biết tự lấy sức mình mà chống giặc mới được, chớ nên bắc nồi đợi thịt săn của người khác.

Tra Diệp nói:

– Tôi cũng muốn ra đánh lắm nhưng hãy tạm đợi thêm vài ngày nữa, thế nào Chế Năng cũng về, khắc có quân cứu viện.

Các tướng còn đang tranh cãi, vua Chiêm chưa biết tính thế nào bỗng có nội thị vào báo Chế Năng đã về. Nhà vua vội cho vào yết kiến. Chế Năng quỳ nói:

– Xin đại vương cùng chư vị không phải lo gì nữa. Quân cứu viện do Tĩnh Quốc đại vương thống lĩnh sắp tới nơi rồi.

Nhà vua hỏi:

– Quân Việt bây giờ ở đâu?

– Tâu đại vương! Quân Việt đã vượt qua vịnh Cam Thuỷ1, đổ bộ lên phía Bắc Cát sơn rồi, nội trong ba ngày nữa sẽ đến đây.

Vua Chiêm liền xuống chỉ cho đại tướg Chế Cơ Hà chỉnh đốn quân mã, sau ba ngày sẽ ra đánh giặc, cho Chế Năng trở lại gặp Trần Quốc Khang để bàn kế hoạch phối hợp tác chiến. Quốc Khang nói:

– Quân Nguyên tập trung cả ở Nha Hầu, tất ở Đại Châu quân lực không mạnh. Nay tôi đem quân đi đường tắt đánh úp doanh trại của chúng ở Đại Châu, cắt chúng ra làm hai đoạn, Toa Đô sao còn dám vây Nha Hầu nữa. Ông Mau quay lại Nha Hầu nói với tướng quân Chế Cơ Hà khi nào thấy quân Nguyên rút, đem binh ra đuổi đánh tất được.

Chế Năng quay ngay về Nha Hầu nói rõ ý của Quốc Khang. Chế Cơ Hà liền phân công các tướng: Chế Ưng làm tiền đội tiên phong, Tra Diệp làm Tả đội, Chế Năng làm Hữu đội, tự mình nắm trung quân, đợi khi nào quân Nguyên rục rịch rút, mở cửa thành xông ra đánh.

Quốc Khang cho quân đi đường tắt đến phía Bắc thành Đại Châu, thấy doanh trại quân Nguyên đóng san sát đến mấy dặm, cờ xí ngay ngắn, lính gác nghiêm chỉnh. Liền gọi các tướng đến dặn:

– Quân giặc không phòng bị, ta nên đánh gấp, đánh đến trại nào đốt ngay trại ấy, quân chúng tất rối loạn.

Bộ tướng là Lê Trừng hỏi:

– Quân chúng đông mà canh phòng nghiêm chỉnh thế kia, sao đại vương lại bảo là không phòng bị?

– Đánh xong ta sẽ nói cho mà rõ.

Quốc Khang nói xong, cầm cây cờ lệnh phất một nhát. Quân sĩ ào ào xông lên, đánh vào trại Thát mà chẳng thấy ai chống đỡ. Trương Phúc nói:

– Trình đại vương! Toàn là trại không. Chúng ta mắc mưu rồi.

Quốc Khang cười bảo:

– Bọn Thát chỉ có một ít quân ở đây thôi, làm gì có mưu mà đòi mắc. Cứ đánh đi.

Lưu Khuê khi ấy đang nghỉ trưa trong trướng, bỗng thấy quân reo bốn mặt, vội ra xem thì ôi thôi, lửa đã cháy khắp nơi, vội cắp đao lên ngựa dẫn quân xông ra. Quốc Khang cầm cây cờ màu vàng phất một nhát, mấy nghìn cung thủ cùng bắn. Khuê không thể nào thoát ra được, vội tìm đường quay sang hướng Đông chạy về Chiêm Thành cảng. Chế Tâm Đô ở trên thành thấy doanh trại quân Nguyên bốc cháy, lại nhìn thấy cờ Đại Việt, biết có quân ngoại viện, liền cho lính mở cửa thành xông ra đuổi đánh quân Nguyên. Hơn nghìn quân của Lưu Khuê kẻ chết, kẻ bị thương, bị bắt, số còn lại theo chủ tướng chạy tháo thân về Chiêm Thành cảng. Quốc Khang khua chiêng thu quân, Chế Tâm Đô mời vào thành mở tiệc mừng công. Quốc Khang nói:

– Đây mới chỉ là trận đánh nhỏ, chưa có gì đáng gọi là mừng, đợi giải vây xong cho thành Nha Hầu, khi ấy xin tuân lệnh. Tướng quân hãy ở lại giữ kinh thành, phòng bọn Lưu Khuê quay lại, để tôi đi cứu Nha Hầu.

Nói xong liền chia tay Chế Tâm Đô, đưa quân đến Nha Hầu. Lúc đi đường Lê Trừng hỏi:

– Doanh trại quân Nguyên nghiêm chỉnh như vậy, vì sao vương công biết không có phòng bị.

Quốc Khang nói:

– Doanh trại đã đóng nhiều quân tất phải có kẻ qua người lại, canh phòng có thay phiên đổi gác, bếp phải có khói, ngựa phải có người đi cắt cỏ. Đằng này chờ đến mấy canh giờ mà chả thấy động tĩnh gì. Chẳng lẽ quân tướng bọn chúng ngủ trừ bữa à? Mẹo nghi binh này chỉ lừa được Chế Tâm Đô chứ lừa ta sao nổi.

Các tướng nghe nói đều chịu là phải.

 

Toa Đô đang thúc quân đánh gấp thành Nha Hầu nhưng quân Chiêm không ra đánh, bỗng có thám mã về báo:

– Lưu Khuê thua trận chạy về Thư Mi Liên rồi. Quân An Nam đang tiến đến Nha Hầu giải vây cho vua Chiêm.

Toa Đô nghe báo, thất kinh, nói:

– Chẳng lẽ quân An Nam độn thổ đến đây ư?

Nói xong, truyền lệnh cho Hắc Đích rút quân. Chế Cơ Hà ở trên thành nhìn thấy quân Nguyên rút lui, liền nổ một tiếng pháo, mở tung cả bốn cửa thành, kéo quân ra đánh. Quân Nguyên sợ hãi tháo chạy, lại nghe phía trước có quân Đại Việt, Toa Đô liền bắt mấy người dân bản xứ đưa chạy qua con đường nhỏ phía Nam thành Đại Châu, đi suốt đêm đến quá trưa hôm sau về tới Chiêm Thành cảng. Bọn Giảo Kỳ, Lưu Khuê ra đón vào thành, kiểm điểm quân số mất quá nửa. Toa Đô cầm tay Giảo Kỳ, nói:

– Bởi tôi không nghe lời điện hạ nên mới có trận thua này.

Giảo Kỳ nói:

– Chúng ta chỉ còn vài nghìn quân, một số bị thương, trời lại nóng nực thế này, ở lại đây lâu không được, đánh sang Đại Việt tất bị truy đuổi, vượt ra biển thế nào cũng gặp hải thuyền quân Việt chặn đánh. Nguyên soái nên mau viết bản tấu về triều đình, xin nhà vua cho thêm viện binh.

Toa Đô nghe theo, viết tấu, sai người vượt biển đưa về Nguyên. Vua Nguyên nhận được tin Toa Đô đại bại ở Chiêm Thành, mùa hè năm ấy (1283) lệnh cho bình chương chính sự hành tỉnh Kinh Hồ là A Lý Hải Nha điều một vạn năm nghìn quân người Hán với hai trăm chiến thuyền đi tăng viện cho Toa Đô,  các tướng Ô Mã Nhi, Hốt Đô Hồ, Lưu Quân Khánh làm thống lĩnh, tức tốc đi ngay. Nhưng lúc bấy giờ các tỉnh miền Hồ Quảng đang có loạn. Một số nghĩa sĩ của nhà Tống nổi lên chống lại quân Nguyên, đánh cướp các châu huyện, làm đường sông và đường bộ đều bị tắc nghẽn. Đạo quân đi tiếp viện cho Toa Đô đến hết năm vẫn không xuất phát được. Các đoàn sứ sang Đại Việt mượn đường, mượn quân đều về không cả. Hốt Tất Liệt thấy vậy, liền sáp nhập hành tỉnh Kinh Hồ vào hành tỉnh Chiêm Thành, giao cho A Lý Hải Nha làm bình chương chính sự, lệnh cho phải dẹp loạn để lấy đường cho bọn Ô Mã Nhi mang quân đi. Vì thế mãi đầu năm Chí Nguyên thứ hai mươi mốt nhà Nguyên (1284), bọn Ô Mã Nhi mới lên đường được.

Lại nói bọn Toa Đô, Giảo Kỳ chỉ còn có vài nghìn quân, bị vây khốn ở Thư Mi Liên gần một năm trời, lương ăn cạn kiệt, trên bộ quân Chiêm vây hãm, dưới biển thuyền chiến của Quốc Khang tuần tiễu khoá chặt. Toa Đô muốn đánh nhưng sợ ít quân, muốn về lại lo không đi thoát, cố thủ thì chẳng còn gì để ăn mà quân tiếp viện càng mong càng mất. Tình thế thật vô cùng bi đát. Toa Đô trong cơn túng quẫn không biết làm thế nào, mới sai quân đắp một cái đàn quay ra hướng Đông rồi lên thắp hương khấn rằng:

– Tôi là Hữu thừa nguyên suý Toa Đô, vâng chỉ hoàng đế nhà Đại Nguyên, mang quân đi chinh phạt phương Nam, chẳng may bị vây khốn ở nơi này, lòng thành thắp ba nén hương thơm, quay mặt về Đông cầu sự linh ứng của Ngao Quảng long vương trợ giúp, mai sau được thành công xin lập miếu thờ ở nơi cửa bể, khấn vái quanh năm. Cung thỉnh! Cung thỉnh! Thượng hưởng! Thượng hưởng.

Đêm ấy Toa Đô còn đang lơ mơ chưa ngủ hẳn, bỗng cảm thấy như đất trời vần vũ, gió thổi vun vút. Trên tầng không có một ông lão râu tóc bạc trắng dài tha thướt quện lẫn vào mây, đầu có đôi sừng nhỏ, mắt tròn, tay dài cầm cây gậy đầu rồng, hạ xuống nói:

– Ta là Đông hải long vương Ngao Quảng đây. Số trời đã định, đất Việt Thường là nơi báo ứng của ngươi. Liệu sớm thì hơn, chớ để mai sau phải hối hận. Vì ngươi có lòng nghĩ đến ta nên ta nói cho mà biết thế.

Toa Đô sợ hãi choàng dậy, không thấy ông lão đâu, bốn bề vẫn yên tĩnh, hôm sau gọi Giảo Kỳ, Lưu Khuê đến, kể cho nghe giấc mơ đêm trước. Giảo Kỳ nói:

– Nguyên soái ban ngày lo nghĩ việc quân nhiều quá nên ban đêm thảng thốt thế thôi. Chuyện mơ mộng có bao giờ lại là sự thực được. Ta cứ cố thủ xem ít ngày nữa viện binh có đến không rồi sẽ liệu.

Toa Đô nói:

– Tôi chỉ sợ chờ mãi ở đây mà viện binh không đến thì nguy lắm, cần phải tính sớm mới được.

Lưu Khuê nói:

– Tôi có một kế chắc chắn cứu được quân ta ra khỏi tình thế bị vây khốn này để giải mối lo cho nguyên soái.

Thật là:

Đại sái còn đang lo sốt vó

Tướng quân sẵn mẹo lại ngứa nghề

Chưa biết Lưu Khuê dâng mẹo thế nào, chương sau xin kể tiếp.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder