Đan Thành
Thoát Hoan chia sáu đạo tiến đánh Nội Bàng
Quốc Tuấn theo hai đường lui về Vạn Kiếp…
Đan Thành
Thoát Hoan chia sáu đạo tiến đánh Nội Bàng
Quốc Tuấn theo hai đường lui về Vạn Kiếp
Đang nói chuyện A Thâm bị trúng tên độc đau đớn tưởng chết, quân lính đưa lên xe kéo về trại nhưng chưa đến nơi mặt mũi A Thâm đã tím tái không nói được nữa. Bỗng thấy giữa đường có một ông già hình thù cổ quái, ăn mặc theo kiểu đạo sĩ, chống cây đầu xà tiên1, phía đầu cây gậy buộc một cái hồ lô nhỏ, vừa đi vừa hát một điệu hát cổ của người Đại Lý. Một lính Nguyên tiến lên nói:
– Chúng ta đang vội. Lão đạo sĩ này mau tránh ra để xe đi.
Ông già nói:
– Đi đâu mà vội?
– Phó tướng của chúng ta bị tên của người man, phải mang về trại điều trị. Lão có lui ra không ta cho một giáo đi đời bây giờ.
Ông già cười khà khà, nói:
– Từ đây về đến bến sông phải đi mất mấy canh giờ, tướng quân chả chết từ lâu hay sao. Hãy để xuống gốc cây kia ta xem thế nào.
Quân Lính nghe vậy liền khiêng A Thâm để vào gốc cây. Ông già xem vết thương xong, bảo:
– Còn cứu được. Hãy cho ta một ít nước ra đây.
Quân lính lấy bát múc nước đưa tới. Ông già dốc từ hồ lô ra một viên thuốc màu xanh nhạt, bóng như sà cừ thả vào bát nước, đổ cho A Thâm uống, lại lấy mấy chiếc lá rừng nhai đắp vào vết thương. Lát sau A Thâm mở mắt thều thào hỏi:
– Ta chết rồi ư? Lão là tiếp dẫn thần trong ma giới phải không?
Ông lão cười, nói:
– Bây giờ tướng quân có muốn chết cũng không được nữa. Hôm nay tướng quân chỉ trúng tên ngũ xà đại độc chứ chưa phải là tên kích thống nên còn chữa được.
– Vì sao lão biết tường tận như vậy?
– Ta vốn là người Đại Lý, hai mươi bảy năm trước theo Cốt Đãi Ngột Lang thống tướng sang đánh An Nam, chẳng may bị lạc đường. Khi thống tướng thua chạy, ta không theo về kịp nên ở lại đây. Bởi chưng các chiến hữu của ta nhiều người chết vì tên độc của người Nam nên suốt từ bấy tới nay ta để tâm tìm xem những chất độc trong các mũi tên ấy là gì nên mới hiểu được đôi điều như vậy.
A Thâm hỏi:
– Ngũ xà đại độc là như thế nào?
– Ngũ xa đại độc là nọc của năm loại rắn: Hổ mang chì, hổ trâu, mai gầm, cạp nia và hổ lửa trộn với nhau tẩm vào đầu mũi tên. Người nào trúng phải chỉ trong vài canh giờ là nọc độc chạy vào tim không thể cứu được nữa. Ta đã bỏ ra suốt hai mươi năm mới tìm được bài thuốc giải cho chất độc này.
– Thế chất kích thống khác như thế nào?
– Chất kích thống ghê gớm hơn nhiều. Ta cũng chưa tìm ra cách chữa. Chỉ biết ai trúng phải đau đớn không thể nào chịu nổi, trong một canh giờ là mặt mũi sưng phù rồi ngạt thở mà chết.
Quân lính nghe ông già nói vậy, ai cũng rùng mình. Ông già lấy ra một viên thuốc khác đưa cho A Thâm, dặn:
– Canh ba đêm nay tướng quân uống viên thuốc này nữa, không còn gì phải lo. Ta đi đây.
A Thâm nói:
– Xin mời ông lão đi theo trong quân để giúp giùm binh lính.
– Đã từ lâu lão làm thuốc cứu người, không còn muốn nhìn thấy cảnh binh đao nữa rồi.
Ông lão nói xong bỏ đi, A Thâm đưa biếu vàng bạc cũng không nhận.
Xin trở lại nói chuyện Tháp Hải Tán Lý ở Nội Bàng, đi sứ ngông nghênh được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cho ăn một trận đòn gần chết, cắp đít về vội nhưng trong lòng căm tức lắm mới trình với Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha rằng:
– Trần Quốc Tuấn rất là vô lễ, không những đánh tôi mà còn nói rất nhiều điều khinh mạn triều đình, sỉ nhục hoàng thượng. Thái tử điện hạ cùng bình chương quân sư nhất định phải đánh hạ Nội Bàng để bắt hắn chịu tội.
Thoát Hoan nghe nói vậy, khí tức uất lên không chịu được, quát lớn:
– Trần Quốc Tuấn giỏi giỏi! Để ta xem gan mật nhà mi bằng sắt hay đồng.
Nói xong liền lệnh cho A Lý Hải Nha điều quân đánh thành. A Lý Hải Nha thấy mưu kế của mình chẳng ra trò trống gì, lại trót huênh hoang với các tướng là nhất định Trần Quốc Tuấn phải chạy vội nên có ý ngượng mặt, nói:
– Tôi muốn điều quân làm sáu đạo đánh thành nhưng e rằng các tướng không phục.
Thoát Hoan nói với các tướng:
– Ta đã giao toàn quyền điều vát ba quân cho bình chương quân sư. Bất kỳ kẻ nào trái tướng lệnh đều bị chém.
Lúc ấy A Lý Hải Nha mới lên tướng đài điều động các tướng, gọi:
– Đội thứ nhất, đại tướng Minh Lý Tích Ban, tham nghị Phàn Tiếp mang hai vạn quân đánh vào cửa Đông.
Đội thứ hai, vạn hộ tướng quân Nghê Nhuận, vạn hộ tướng quân Triệu Tu Kỷ mang hai vạn quân đánh vào cửa Tây.
Đội thứ ba, bạt đô đại tướng Ô Mã Nhi, đại tướng Tản Đáp Nhi Đải mang hai vạn quân đánh cửa Bắc.
Đội thứ tư, vạn hộ tướng quân Tôn Hựu, vạn hộ tướng quân Mãng Cổ Đài mang hai vạn quân đánh những quả đồi ngoại vi.
Đội thứ năm, vạn hộ tướng quân Lưu Thế Anh, vạn hộ tướng quân Lý Bang Hiến lắp đặt các cỗ thần lôi trọng pháo chờ lệnh
Đội thứ sáu Hữu thừa Khoan Triệt, đại tướng Lý Hằng giữ thế trận, sẵn sàng tiếp ứng.
Các đội đều lĩnh binh đi ngay. A Lý Hải Nha lại sai Lý Quán đem quân dựng một cái đài thật cao để cùng với Thoát Hoan lên xem đánh trận.
Đây nói đội thứ nhất do Minh Lý Tích Ban cùng Phàn Tiếp đánh cửa phía Đông. Từ làng Biên Trú đến cửa Đông thành Nội Bàng phải đi qua một eo núi gọi là cửa Con Mèo (Miêu Nhi môn). Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn từ hôm ở Khâu Cấp về đã cho đặt ở đây rất nhiều nỏ liên châu và bẫy đá, lại tuyển một nghìn tay nỏ thiện xạ cho nấp hai bên eo núi. Minh Lý Tích Ban vừa dẫn quân đến cửa núi, thấy có một tướng Việt mặt đẹp như hoa, giáp bạc, ngựa trắng, đeo cây cung màu mã lão, cầm ngọn trường thương dẫn mấy nghìn quân đứng chắn ngang đường, nói rằng:
– Tướng giặc kia định dẫn quân đi đâu? Mau để hết ngựa lại rồi ta cho đi.
Minh Lý Tích Ban nói với thủ hạ:
– Quái! Sao trong quân Nam lại có một gã mặt mũi như học trò thế này?
Bộ tướng là Giã Lợi Giao Đài nói:
– Tôi nghe nói Trần Quốc Tuấn có người con là Trần Quốc Nghiễn đẹp trai lắm, chắc là người này. Tôi xin ra bắt nó.
Nói xong liền múa đao ra đánh với Quốc Nghiễn. Giã Lợi Giao Đài vốn là một dũng sĩ rất là khoẻ nên có phần cậy sức coi thường, bị Quốc Nghiễn lừa miếng đâm cho một giáo trúng
vào yết hầu lăn xuống chết. Quốc Nghiễn thuận tay túm lấy cương ngựa của Giao Đài, dắt về trận rồi quay ra nói:
– Ta đã bảo là chỉ thích chơi ngựa thôi. Các ngươi nộp hết ngựa, ta cho đi. Tên nào muốn đánh nhau cứ trông gương thằng này.
Quân Nguyên thấy Trần Quốc Nghiễn kiêu dũng quá, đều lè lưỡi lắc đầu. Phàn Tiếp nói với Minh Lý Tích Ban:
– Thằng này phách lối quá. Để tôi đánh với nó mới được.
Nói xong hoa kích xông ra đánh. Quốc Nghiễn múa giáo cự lại. Hai tướng đánh nhau mấy chục hiệp không phân thắng bại. Phàn Tiếp thấy không hạ được Quốc Nghiễn mới giả vờ gác giáo lên lưng ngựa bỏ chạy rồi lén lấy cây cung cầm trên tay. Quốc Nghiễn không biết, đuổi dấn đến. Phàn Tiếp bắn một phát. Quốc Nghiễn nghe tiếng dây cung, nằm nép sau cổ ngựa. Mũi tên bay vụt qua cắm vào một thân cây cổ thụ. Quốc Nghiễn thấy mũi tên Phàn Tiếp bắn ra vừa to vừa dài cũng ghê ghê mới không đuổi nữa, quay ngựa trở lại. Minh Lý Tích Ban thấy Quốc Nghiễn quay về liền thúc quân đánh ào lên. Quốc Nghiễn dẫn quân chạy vào eo núi. Minh Lý Tích Ban đuổi một lúc không thấy quân Việt đâu, trong lòng nghi hoặc, dừng lại nói:
– Quái! Chẳng lẽ bọn người Nam có phép tàng hình à?
Còn đang ngơ ngác thì nghe trên sườn núi nổi lên một hồi tù và rồi hai bên tên bắn xuống như trấu vãi. Quân Nguyên sợ hãi chạy tháo lui, lại thấy gỗ đá lăn xuống ầm ầm. Minh Lý Tích Ban suýt bị đá đè chết, được các tuỳ tướng lấy mộc che cho chạy ra khỏi cửa rừng, bỏ lại vô số quân sĩ chết trong eo núi.
Trong khi đội quân Nguyên thứ nhất đánh nhau ở cửa Con Mèo, đội thứ hai do Nghê Nhuận cùng Triệu Tu Kỷ đang hành quân sang cửa phía Tây. Triệu Tu Kỷ nói:
– Chúng ta đánh cửa Tây phải đi đường xa, nếu không đi nhanh lên không kịp cùng đánh với các đội khác.
Nghê Nhuận nói:
– Ông mới bị thương, vết thương còn chưa khỏi hẳn, đi nhanh e không được.
Triệu Tu Kỷ xua tay nói:
– Không sao! Không sao! Đây là chốn sa trường chứ đâu phải là buồng dưỡng bệnh. Không thể vì một mình tôi mà làm nhỡ việc lớn.
Nói xong thúc quân đi nhanh hơn. Đang đi bỗng có một tướng Việt đem quân từ ngọn đồi phía Bắc xuống chặn đường. Triệu Tu Kỷ hăng hái tiến lên hỏi:
– Nhà ngươi tên họ là chi? Muốn chết hay sao mà dám cản đường ta?
Tướng Việt nói:
– Minh Hiến vương Trần Uất chính là ta. Ngươi biết rồi, xuống ngựa hàng mau, đừng để phải dùng binh khí.
Triệu Tu Kỷ cười ha hả, nói:
– Ngươi là một tên tiểu tướng của xứ An Nam, có tài cán gì mà đòi ta phải hàng?
– Vậy hãy xem mũi giáo của ta đây.
Hai Tướng xông vào đánh nhau hơn ba mươi hiệp chưa phân thắng bại. Tôn Hựu, Mãng Cổ Đài mang quân đến. Mãng Cổ Đài nói:
– Để tôi giúp Triệu tướng quân một tay.
Nói xong hoa đao đánh vào trận. Trần Uất không đánh nổi hai tướng Nguyên, liền mang quân lên giữ trên núi, lại bị Tôn Hựu, Mãng Cổ Đài đến vây, phải cố đánh mở đường máu chạy về thành. Nghê Nhuận, Triệu Tu Kỷ cắt rời được các ngọn đồi ngoại vi phía Tây Bắc của quân Việt, không cho liên lạc với trong thành nữa. Quân việt trên các quả đồi ấy phải đi đường tắt trong rừng rút về Bãi Tân rồi vào cửa Nam thành. Hai tướng Nghê, Triệu cho quân tấn công vào cổng Tây nhưng cổng này có Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện cùng gia tướng của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô chống giữ, không sao phá được. Lính Nguyên bị thương tổn rất nhiều đành lùi lại đóng quân trong cánh rừng thưa để vây quân Việt.
Tại cổng Bắc, lúc bấy giờ Ô Mã Nhi cùng Tản Đáp Nhi Đải cũng cho quân đánh phá suốt mấy canh giờ nhưng quân Việt bắn tên bắn đá ra, không thể nào chiếm được luỹ. Ô Mã Nhi mới nghĩ ra một cách, gọi bọn thuộc tướng là Nạp Hải, Tôn Lập Đức đến, nói:
– Hai ngươi mang năm trăm quân vào rừng, chặt thật nhiều nứa đan thành những phên rộng rồi chồng ba bốn phên lên, cho lính mười người khiêng một phên đi trước chắn tên, chắn đá. Binh lính đi sau cầm đoản đao đánh lên, nhất định chiếm được cổng thành.
Bọn Nạp Hải, Tôn Lập Đức y kế thi hành, quân Nguyên tiến sát được vào chân thành. Trên thành, tướng Việt là Đoàn Thai,Dã Tượng,Trương Bảo thấy vậy liền sai lính đốt những bó rơm tẩm dầu vứt xuống. Khói bụi bốc lên mù mịt. Các phên nứa của quân Nguyên cũng bén lửa cháy rần rật. Quân Nguyên bị bỏng nhiều lắm lại phải lùi ra, khi ấy trời đã về chiều. Hôm đó chính là ngày hai mươi sáu tháng chạp năm Giáp Thân ( 01-2-1285)1.
Thoát Hoan, A Lý Hải Nha ở trên đài cao quan sát thấy quân Nguyên đánh mãi chẳng thu được kết quả gì mới gọi Lưu Thế Anh đến, nói:
– Ngươi đem trọng pháo tập trung bắn vào cửa thành phía Bắc. Chỉ cần phá tan một cổng thành là quân ta làm chủ được tình thế.
Lưu Thế Anh nói:
– Nay quân ta và quân Nam ở ngay sát nhau. Muốn dùng pháo phá cổng thành, quân ta phải lùi xa ra ngoài. Chuyển được mấy vạn quân trong một khoảng đất hẹp thế này trời cũng tối lâu rồi, pháo không thể bắn được nữa. Chi bằng ta cho quân lùi lại nghỉ ngơi chuẩn bị. Rạng đông ngày mai nổ pháo, mọi việc sẽ thuận lợi hơn.
Thoát Hoan, A Lý Hải Nha nghe theo cách ấy, lệnh cho các đội cắm trại tại chỗ, nấu cơm ăn. Riêng đội của Ô Mã Nhi, Tản Đáp Nhi Đải đánh cổng Bắc cho quân lùi vào các cánh rừng thưa chờ lệnh.
Sáng sớm hôm sau hai bảy tháng chạp năm Giáp Thân ( 02-02-1285) Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến cho quân đặt mười hai khẩu thần lôi trọng pháo chia làm bốn nhóm châu cả vào cổng thành phía Bắc, đúng giờ Mão châm ngòi khai hoả.
Lúc bấy giờ anh lính Cao Kều cùng các chiến hữu đang tuần phòng bỗng thấy từ phía trận địa quân Nguyên phát ra một loạt tia chớp, kèm theo là những tiếng nổ ì ùng rồi vô số viên đá hình tròn như quả dưa bay đến rơi trên mặt thành, xì khói. Trong giây lát những viên đá ấy nổ như tiếng sét, phá vỡ một mảng tường, mảnh đá bắn tứ tung làm nhiều lính Việt bị thương. Trận phi lôi kéo dài trong một canh giờ. Quân Việt trúng mảnh đạn nhiều lắm. Cổng thành bị vỡ toang. Tiếng pháo vừa dứt, Ô Mã Nhi, Tản Đáp Nhi Đải xua quân xông vào. Nạp Hải, Tôn Lập Đức hăng hái lao lên trước. Đoàn Thai, Trương Bảo dẫn quân đánh rát một trận đẩy được quân Nguyên ra khỏi luỹ. Hai bên đều hao tổn rất nhiều binh lính. Anh lính Cao Kều bị trúng một mảnh đạn đá, ruột lòi ra lòng thòng, một tay ôm bụng, một tay vẫn cầm thanh kiếm thép xông lên nhưng vì máu ra nhiều, kiệt sức nằm gục bên giàn lệ chi pháo. Xác quân Nguyên chồng chất lên xác quân Việt trong một khoảng đất rộng trước cổng thành. Khi ấy ở cửa Đông cũng đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa cánh quân của Trần Quốc Nghiễn với đội quân của Minh Lý Tích Ban, Phàn Tiếp. Quốc Nghiễn không giữ được eo núi Con Mèo, đem quân về cố thủ ở cửa Đông thành. Cửa phía Tây, Nghê Nhuận, Triệu Tu Kỷ cho quân bắc thang trèo lên. Hưng Trí vương Quốc Hiện hô lính lấy đòn gỗ đẩy các đầu thang đổ xuống làm quân Nguyên chết chồng đống lên nhau.
Vào khoảng đầu giờ Tỵ, Hưng Đạo vương đi quan sát các trận địa. Đoàn Thai nói:
– Cổng thành đã bị vỡ, nếu quân Nguyên tiếp tục bắn pháo vào, ta khó lòng chống nổi. Xin vương công đem quân về giữ Vạn Kiếp. Tôi nguyện ở lại chặn quân giặc.
Hưng Đạo vương nói:
– Việc ấy ta đã trù liệu đâu vào đấy cả rồi. Đúng đầu giờ Mùi sẽ đi.
Trương Bảo nói:
– Tôi xin ở lại cản giặc với Đoàn tướng quân.
– Sau khi ta mang đại quân đi, các ngươi không cần theo, hãy đem quân vào rừng, chọn thời cơ đánh vào hậu binh của chúng.
Hưng Đạo vương nói xong liền sai anh lính truyền tin đưa lệnh cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện đi đường thuỷ về Trà Hương2, Yên Sinh3, Minh Hiến vương Trần Uất đi đường bộ về hai xứ Na Sầm4, Long Nhãn5 điều thêm quân lên Vạn Kiếp. Ba vị vương đi rồi, trời đã sang chiều, Hưng Đạo vương mới cùng Nguyễn Địa Lô ra khỏi thành nhằm hướng đường núi mà đi. Dã Tượng nói:
– Yết Kiêu chưa thấy đại vương thì nhất định chưa dời thuyền.
Hưng Đạo vương mới bảo các tướng:
– Vậy ta hãy đến Bãi Tân.
Khi đến nơi, thuyền của các vương hầu đã đi hết chỉ còn đội thuyền của Yết Kiêu cắm sào đợi ở đấy. Các tướng cùng quân sĩ vừa xuống hết thuyền thì hai tướng Nguyên là Tôn Hựu, Mãng Cổ Đài cũng đem kị binh đuổi tới. Yết Kiêu chỉ huy đội thuyền bơi ra giữa sông. Quân Nguyên chạy trên bờ bắn tên theo nhưng không làm gì được. Trời gần tối, Tôn Hựu, Mãng Cổ Đài đem quân quay trở lại. Thực ra Tôn Hựu và Mãng Cổ Đài đánh ở vòng ngoài, cứ thấy quân Việt là đuổi, không biết đạo quân vừa xuống thuyền có Hưng Đạo vương. Yết Kiêu cho thuyền từ từ xuôi dòng mà đi. Sương xuống lạnh, trên trời cao bỗng vang lên mấy tiếng hạc kêu. Hưng Đạo vương đứng ở mũi thuyền ngắm hình thế sông núi, cảm khái nói:
– Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ có sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chỉ là chim thường thôi.
ở Nội Bàng chỉ còn laị Đoàn Thai, Trương Bảo cùng hơn một nghìn lính cảm tử nhưng cờ xí vẫn giữ nguyên. Quân Nguyên thấy trên thành yên tĩnh, ngờ là có mưu kế nên không dám tiến vào. Ô Mã Nhi thấy vậy nói:
– Trong thành chẳng còn quân lính gì đâu. Quân Nam bị thần lôi trọng pháo của ta bắn chết hết rồi. Trần Quốc Tuấn làm kế không thành đây. Các ngươi hãy cùng ta xông vào, bây giờ nhất định bắt được Trần Quốc Tuấn.
Ô Mã Nhi nói xong tuốt thanh đoản đao ra khỏi vỏ, hoa lên lấp loáng, xông thẳng vào cổng thành, quân sĩ lốc nhốc theo sau, đến sát chân luỹ cũng không thấy quân Việt chống cự. Tản Đáp Nhi Đải, Nạp Hải, Tôn Lập Đức dẫn quân tràn vào, vừa qua khỏi đống xác binh lính ở trước cổng, nghe một hồi tù và nổi lên, tên nỏ bắn ra như mưa rào. Quân Nguyên đổ xuống không biết bao nhiêu mà kể, tốp đi đầu chạy tháo lui. Ô Mã Nhi múa tít thanh đoản đao, gạt tên rơi lả tả, lại chém liền ba bốn lính Nguyên đang chạy trở lại, nói:
– Hãy vì hoàng đế Đại Nguyên, xông lên. Kẻ nào muốn tháo lui hãy trông mấy thằng này.
Quân Nguyên vì thế không dám lùi lại nữa, liều chết xông tới. Trương Bảo thấy quân Nguyên đã vào nhiều, múa thiết côn lao ra đánh chặn. Cây côn bay vù vù. Nhiều lính Nguyên dính đòn nằm lăn lóc. Trương bảo đang tả xung hữu đột, gặp gay Ô Mã Nhi lao đến ngăn lại. Hai tướng đánh nhau túi bụi một hồi không phân thắng bại. Tản Đáp Nhi Đải trông thấy, rút cung đặt tên, nhằm thật đích xác, bắn một phát trúng ngay vào giữa mặt Trương Bảo. Ô Mã Nhi chém bồi một nhát nữa, Trương Bảo chết. Đoàn Thai dẫn số quân còn lại theo cửa Nam chạy vào rừng. Lúc bấy giờ Minh Lý Tích Ban, Nghê Nhuận cũng đã tiến vào cửa Đông và cửa Tây. Các tướng tung quân đi bắt quân Việt và tìm lương thảo nhưng trong thành sạch banh chẳng có gì. Đến một củ khoai, hạt gạo quân Việt cũng mang đi cả. Minh Lý Tích Ban, Nghê Nhuận đón Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha vào thành.
Bấy giờ Đoàn Thai đã mang quân vào rừng nhưng sợ quân Nguyên đuổi theo Hưng Đạo vương, liền nghĩ ra một kế, sai quân đem rất nhiều cờ hiệu treo khắp các khu rừng trên những ngọn núi thấp gần đấy, riêng lá cờ có chữ Trần to nhất treo tận sườn núi cao. Sáng hôm sau Thoát Hoan, A Lý Hải Nha cùng các tướng đang bàn định việc hành quân xuống phía Nam, có quân về báo Trần Quốc Tuấn đem quân đóng trên núi. A Lý Hải Nha dẫn các tướng ra xem, thấy khắp núi đồi chỗ nào cũng có cờ quân Việt liền cười lớn, nói:
– Trần Quốc Tuấn ra ngoài đóng quân là chết với ta rồi. Triệu Tu Kỷ hãy mang một vạn quân đánh quả đồi bên tả. Minh Lý Tích Ban mang một vạn quân đánh quả đồi bên hữu. Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu, Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến bốn tướng, mỗi người mang năm nghìn quân đánh lên sườn núi có lá cờ đại kia. Khoan Triệt, Mãng Cổ Đài, Ô Mã Nhi, Lý Hằng mỗi người lĩnh năm nghìn quân đợi lệnh. Nghê Nhuận, Phàn Tiếp giữ thành.
A Lý Hải Nha tưởng là Hưng Đạo vương đóng quân trên núi thật nên mới bài binh bố trận công phu như vậy. Ai ngờ Triệu Tu Kỷ, Minh Lý Tích Ban đem hai vạn quân đánh lên hai ngọn đồi mà chẳng thấy quân Việt đâu, liền cho quân lùng tìm khắp nơi nhưng cũng không được việc gì, đành đem quân về ra mắt A Lý Hải Nha, kể lại mọi việc. A Lý Hải Nha tỉnh ra nói:
– Chắc Trần Quốc Tuấn chạy chưa xa nên mới bày ra trò này để đánh lừa chúng ta. Phải gọi ngay Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu, Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến quay lại dồn quân tiến xuống phía Nam.
Lính truyền tin vào đến sườn núi, thấy bốn tướng đang thúc quân đánh lên. Quân Việt ở trên bắn tên nỏ, lăn gỗ đá xuống, quân Nguyên không sao lên được. Tản Đáp Nhi Đải nói với người lính truyền tin:
– Ngươi về nói với bình chương quân sư ở đây nhiều quân Việt lắm. Đúng là có Trần Quốc Tuấn.
Người lính truyền tin trở về nói đúng như vậy. A Lý Hải Nha cười vang, nói:
– Trần Quốc Tuấn khôn ngoan lắm, để hai quả đồi không lừa ta. Xem phen này ngươi chạy đi đâu.
Nói xong gọi Minh Lý Tích Ban, Triệu Tu Kỷ, Lý Hằng, Khoan Triệt mang thêm quân giúp bọn Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu vây núi. Tám viên đại tướng Nguyên cùng lùa quân lên đen cả sườn núi. Đoàn Thai cho quân chống trả kịch liệt đến chiều không còn tên nỏ, gỗ đá nữa. Quân Nguyên tiến vào, hai bên sáp trận. Mấy trăm quân Việt bị giết cả. Đoàn Thai một mình đánh nhau với ba tướng Nguyên không nổi, bị Tôn Hựu bắt được1. Mãi đến chiều tối, tám viên tướng Nguyên mới dẫn được Đoàn Thai về ra mắt Thoát Hoan và A Lý Hải Nha. A Lý Hải Nha thấy trên người Đoàn Thai đầy máu me mới sai lính cởi trói, lấy quần áo khác ra thay. Đoàn Thai nói:
– Khắp đất Việt này chỗ nào chả nhuộm máu quân Nguyên. Các ngươi thay một bộ y phục phỏng có ích gì. Muốn giết ta thì cứ giết, chớ có bày trò mua chuộc mà nực cười.
Thoát Hoan, A Lý Hải Nha biết không thể dụ dỗ được Đoàn Thai liền thét lính đem ra chém. Đoàn Thai không hề run sợ, mắt mở trừng trừng, vươn cổ đón lưỡi đao.
Đêm cuối năm rét như kim châm trên mặt. Trời không trăng sao. Xa xa từng đoàn thuyền chiến lướt đi như những con thoi trên mặt sông, để lại phía sau vô số vệt nước dài khuấy vỡ bóng đèn đuốc từ các lâu thuyền hắt xuống. Tiếng hò dô, tiếng quát lính của các vị chỉ huy làm run rẩy màn sương mỏng giăng trên mặt sóng. Hai hôm nay không biết bao nhiêu binh lính, thuyền chiến của các vị vương hầu từ Nội Bàng kéo về đây. Mặt sông che kín thuyền và cờ. Những người lính cuối cùng đã có mặt theo sự trù liệu cho một cuộc lui binh của Hưng Đạo đại vương. Trên đất Vạn Kiếp chỗ nào cũng thấy toàn binh lính cùng dân phu. Cô Da Trắng đứng ở mom sông từ lúc trời còn sớm, ngóng về phía những đoàn thuyền đang
lướt qua, căng mắt tìm hình bóng Cao Kều. Bao nhiêu chàng lính vẫy tay chào cô, bao nhiêu lời nhắn gửi mà không cần người nghe thực hiện. Chiếc thuyền cuối cùng chỉ còn là một cái chấm nhỏ khuất vào bạt lau ở phía cuối dòng…Trời tối dần không có Cao Kều. Da Trắng vẫn đứng. Trong con tim cô chưa tắt niềm hy vọng. Anh sẽ về! Bất giác cô ôm tay vào bụng, trong đó vẫn còn giọt máu của anh. Cô nhủ thầm hết giặc sẽ tìm về quê anh, chắc ông bà nội thương cháu lắm. Sương xuống! Nhiều hạt sương bay trong hơi lạnh kết lại với nhau thành mưa bụi. Có ai đang đến sau cô, Da Trắng quay lại, hoá ra là Mắt Tròn. Hai người con gái trong đêm tối mưa rét đứng sát vào nhau nhìn theo đoàn thuyền chở đầy chiến binh đến nơi đồn trú. Những chàng trai của họ không về. Bóng đèn đuốc tan vỡ dưới sông, ánh lên như những cây kiếm thép chồng chéo vào nhau giữa chốn sa trường. Những mảnh ánh sáng ấy cũng xa dần, nhỏ mãi nhỏ mãi rồi tắt hẳn như niềm hi vọng nhỏ nhoi của hai cô gái. Mắt Tròn ôm lấy vai Da Trắng. Cả hai chị em không ai nói câu gì. Trống sang canh. Đêm khuya. Lạnh!
Hưng Đạo vương về đến Vạn Kiếp từ chiều hôm trước. Ngày mai đã là ba mươi tết. Ông muốn cho binh lính ăn một cái tết đàng hoàng trước khi vào trận đọ sức tàn khốc với giặc Thát. Các đội dân phu ba bốn hôm nay bận túi bụi về việc đồ xôi, chưng bánh. Những chiếc xe trâu chở đầy muối, gạo, bánh, trái kẽo kẹt theo nhau ra tiền đồn. Nơi ấy có các chàng lính trẻ đang chờ. Đội lính làng Cao Duệ đóng trên núi Vạn Kiếp, anh lính tốt Mai Văn Sử vừa quấn lại xà cạp vừa nói với bạn:
– Này Phạm Quang! Không biết tổ chích choè ở bụi tre cạnh ao đình con nó biết bay chưa nhỉ. Giá có một con chơi, thỉnh thoảng nó hót cũng vui.
Phạm Quang láu lỉnh bảo:
– Cậu sợ bắt chim lắm cơ mà. Nó còn chờ cậu đánh giặc xong về rồi mới tập bay đấy. Mai là ba mươi tết rồi, nhớ nhà quá đi mất. Chắc ông tớ đang chẻ lạt gói bánh chưng.
Nguyễn Văn Hương cầm ngọn giáo từ ngoài bước vào, nói:
– Giặc đã chiếm được Nội Bàng, chẳng bao lâu chúng xuống đến đây. Chắc gì cái tết này được ăn yên với nó.
Văn Sử bảo:
– Không ăn yên thì nó làm chó gì mình. Cùng lắm đến một tay cầm bánh chưng ăn, tay kia cầm giáo chọc cho chúng nó mỗi thằng một nhát vào rốn chứ gì.
Ba anh em đang nói chuyện vui vẻ, anh thập trưởng về, nói:
– Chiều nay là có bánh chưng ăn rồi nhé. Xe của các bác dân phu đang trên đường chở đến đây, đủ cả giò chả, dưa cải, hành nén nữa. Tha hồ mà sực. Ăn tết xong đánh giặc cho khoẻ hử.
Phạm Quang hỏi:
– Không biết bọn Thát nó ăn tết bằng cái gì nhỉ?
Văn Sử nói:
– Chúng nó hành quân hộc tốc có cái chó gì mà ăn. Ta cứ chén no bụng chờ nó đến nện cho một mẻ hộc máu mũi ra.
Nguyễn Văn Hương hỏi anh thập trưởng:
– Trận này đánh lớn lắm phải không anh? Nghe nói Hưng Vũ vương, Hưng Nhượng vương đã mang quân từ Trà Hương, Bàng Hà về đến đây rồi, Hưng Trí vương đang từ Yên Sinh lên, còn Minh Hiến vương đã mang quân từ Na Sầm, Long Nhãn về trấn ở Bắc Giang. Quân thế lên đến mấy chục vạn có phải không anh?
Anh thập trưởng vui vẻ trả lời:
– Như thế là cậu nắm được quân tình hơn tôi rồi còn gì.
Phạm Quang trêu bạn, nói:
– Hoài mất của! Núi thái sơn trước mặt mà không biết. Giá Hưng Đạo đại vương lấy cậu lên làm mưu sĩ mới phải. Vàng ngọc sáng choé thế này mà chịu vùi trong cát mãi.
Mấy cậu lính đang nói chuyện bỗng im bặt vì có một cô gái chừng mười tám mười chín tuổi xuất hiện. Cô gái cũng quấn xà cạp như lính, búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đội nón rộng
vành như kiểu người Tống, mặt tròn trắng với đôi mắt sáng lóng lánh, tay quay quay chiếc roi bò, bước những bước dài rắn rỏi vào lán, nói:
– Chào các cậu lính. Cậu nào là thập trưởng ra nhận hàng tết để em còn đi kẻo muộn.
Anh thập trưởng chừng hai ba hai bốn tuổi, thường ngày chững chạc lắm nhưng hôm nay trước một cô gái trẻ lại tỏ ra lúng túng, đưa ra hai chiếc rổ sề, đỏ mặt nói:
– Có cái gì chị cứ bỏ cả vào hai cái rổ này rồi chúng tôi ra lấy.
Cô gái thấy anh chàng thập trưởng gọi mình bằng chị, bụm môi cười, cầm hai chiếc sề ra xe. Mấy anh lính trẻ nghến cổ nhìn theo. Phạm Quang tinh nghịch bảo bạn.
– Mắt chi mà liếc sắc như gai xương rồng bà1, xuyên thủng tim cả lũ rồi hả? Không ra nhận hàng định nhịn hay sao?
Lúc ấy mấy anh em mới như bừng tỉnh, chạy ra khiêng hai rổ đầy bánh, trái, thức ăn về lán. Cô gái bước lên xe, một tay vẫn quay quay chiếc roi bò, tay kia giật sợi dây thừng, giục:
– Ruých ruých! Đi.
Con bò gò mình kéo chiếc xe, bước đi một cách nặng nề chậm chạp. Mấy cái miệng lính trẻ lúc này mới ngớp theo, tranh nhau nói như những kẻ ba hoa lõi đời lắm:
– Thập trưởng nhà ta bị cái đuôi bò của cô dân phu bắt hồn sao ấy.
Anh thập trưởng thật thà thú nhận:
– Đẹp! Đẹp! Giọng nó ngọt như khoai chạy nhựa.
– Thế sao lúc nãy anh không nói gì?
– Ba hồn bảy vía lên mây cả còn nói cái khỉ gì nữa.
Phạm Quang nháy mắt với Văn Sử, nói:
– Thật tớ cũng chưa từng thấy con mẹ nào nó đẹp đến thế, đúng là tiên cũng phải gọi bằng cụ.
Đám lính làng Cao Duệ còn tán mãi về vẻ đẹp của cô gái dân phu. Trong khi đó không biết cô ta đã đi phân phát thức ăn đến những đồn ải nào rồi.
Sau khi chiếm được Nội Bàng, giết xong Đoàn Thai, Thoát Hoan họp các tướng, nói:
– Nhân khi ta vừa thắng, quân sư nên đốc quân đánh ngay, quân Nam ắt không thể chống đỡ kịp.
Minh Lý Tích Ban bước ra thưa:
– Quân ta tuy chiếm được ải nhưng qua hai trận Động Bản, Nội Bàng quân thế có phần suy giảm. Binh lính thương vong kể hàng chục vạn. Nhiều người bị chạm đao thương tên đạn, không đủ thuốc chạy chữa, kêu khóc, oán thán rất là thảm thiết. Xin thái tử điện hạ trù liệu việc chỉnh đốn lại quân ngũ rồi hãy tiến binh mới nắm được phần chắc thắng.
Tản Đáp Nhi Đải nói:
– Không nên như vậy! Bây giờ đang là mùa Đông, rất thuận tiện cho việc quân ta hành binh, nhanh được ngày nào hay ngày ấy, ở lại trùng trình, cơ hội e lỡ mất.
Ô Mã Nhi, Tôn Hựu cùng bước ra thưa:
– Chúng tôi xin lĩnh một đội tiên phong đi trước. Điện hạ cùng quân sư chỉnh đốn đại binh rồi đi sau, đôi đường đều trọn vẹn cả.
Thoát Hoan gật gù có vẻ ưng lòng. Lưu Thế Anh bước ra nói:
– Như thế lại càng không nên.
Thoát Hoan hỏi:
– Vì sao vậy?
Lưu Thế Anh thưa:
– Phía trước là đồn Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn cho đóng ở đấy một lực lượng rất mạnh, lại là nơi sông ngòi chi chít, thử hỏi kị binh, bộ binh của ta hành quân thế nào. Đánh Nội Bàng mà ta đã phải dùng toàn lực, đưa một đội tiền quân vào Vạn Kiếp có khác chi hiến thịt thơm cho hổ đói.
Ô Mã Nhi vểnh hàm râu rậm, quát:
– Lưu tướng quân khinh ta thế ư? Ta chỉ cần một nghìn chiến binh là có thể đuổi được quân Nam ra khỏi Vạn Kiếp, bắt sống Trần Quốc Tuấn cho coi. Không tiến ngay đi, đợi đến bao giờ.
Thoát Hoan quay sang hỏi A Lý Hải Nha:
– Quân sư có chủ định gì không?
A Lý Hải Nha từ nãy vẫn ngồi bóp trán suy nghĩ, bây giờ nghe Thoát Hoan hỏi mới nói:
– Tôi nghe các tướng bàn, ai cũng có lý cả nhưng thực ra trước mắt chúng ta đang có hai việc lớn. Xin điện hạ quyết cho.
Thoát Hoan nói:
– Đó là hai việc gì? Quân sư cứ nói.
– Trình điện hạ! Việc ổn định quân tình là rất thiết yếu. Muốn làm được việc ấy nhất định phải có được sự tiếp ứng của triều đình. Đường vận lương, tiếp quân xa đến mấy nghìn dặm nếu ta không lập các đồn trạm chuyển tiếp, không thể đảm bảo cho lương thảo đi được đến nơi. Hai là từ đây xuống Vạn Kiếp đến Đại La sông ngòi chằng chịt, không có thuyền, làm sao chuyển quân. Vì thế phải kíp sai thợ đóng thuyền thật gấp, lại phải sai lính lùng bắt thuyền bè của người Nam, tuyển chọn những kẻ thuộc sông nước vùng này làm hướng đạo sinh.
Thoát Hoan nói:
– Quân sư trù tính thật chu đáo. Hai việc này đều rất quan trọng, cần chọn những tướng giỏi đảm nhận mới yên tâm được.
A Lý Hải Nha gọi:
– Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến hai ngươi đem lính lập trại suốt từ đây đến Tư Minh. Cứ ba mươi dặm lập một trại quân, sáu mươi dặm lập một trại ngựa. Trại nhỏ dùng ba trăm quân, trại lớn dùng năm trăm quân đóng giữ. Sau này đại quân ta đi đến đâu lập trại tiếp đến đấy.
Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến vâng lệnh đem quân đi ngay. A Lý Hải Nha lại gọi Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ ra nhận lệnh:
– Hai ngươi đem một vạn lính thợ ra bãi sông, mở xưởng đóng thuyền, chặt tre nứa đóng bè, hẹn trong bảy ngày phải có đựợc ít nhất ba trăm thuyền bè để quân ta sang sông.
Ô Mã Nhi, Triệu Tu Kỷ nhận lệnh, một mặt cho Giả Ngưu, Giả Tê mang quân vào rừng chặt tre, gỗ ra bãi sông đóng thuyền bè, mặt khác cử Nạp Hải, Tôn Lập Đức đem một nghìn quân đi bắt thuyền chài lưới của dân quanh vùng. Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha đang bàn tính phương cách đánh vào Vạn Kiếp, có tên lính vào báo:
– Trình thái tử điện hạ cùng bình chương quân sư! Những quân lính bị thương của đạo quân tân phụ đang kêu khóc đòi đựơc trở về.
Thoát Hoan nói:
– Bây giờ đưa chúng về nước mất rất nhiều lính làm phu khiêng cáng, đưa chúng đi theo thì không có quân lương đâu mà nuôi nổi. Hay ta tạm lập một trại ở đây để thu nhặt các thương phế binh?
A Lý Hải Nha nói:
– Như thế ta đã thiếu lương lại phải nuôi hàng vạn người ăn không ngồi rồi. Những kẻ trọng thương trước sau gì cũng chết. Chi bằng giết quách đi cho chúng đỡ đau đớn là xong.
Thoát Hoan nói:
– Giết bọn chúng không khó gì nhưng sợ lòng quân oán vọng.
A Lý Hải Nha nói:
– Điều đó thật dễ. Lý Hằng cũng là người Hán, điện hạ cứ giao việc này cho y nhất định mười phần êm đẹp, chẳng bận gì đến thái tử.
Thoát Hoan liền gọi Lý Hằng đến, nói:
– Đội binh của ngươi hãy đem những kẻ trọng thương chôn cả đi cho chúng đỡ khổ chứ để đau đớn kêu khóc thế thương tâm lắm.
Lý Hằng hoảng hốt nói:
– Tôi đem chôn sống binh lính người Hán, sao chịu nổi những lời nguyền rủa của binh sĩ.
A Lý Hải Nha ghé vào tai Lý Hằng nói nhỏ:
– Ngươi làm tướng mà không biết quyền biến, phải sai kẻ khác đi làm chứ, ngươi vác mặt ra đấy làm gì.
Lý Hằng lui ra, gọi thuộc tướng là tổng bả Giản Nghiã đến ra lệnh:
– Ngươi đem một nghìn quân ra bãi sông, đào mười hố lớn, sâu hai trượng, đẩy hết những kẻ trọng thương xuống đấy mà chôn đi.
Giản Nghĩa vâng lệnh đi ngay. Những kẻ thương tích bị đẩy xuống hố kêu khóc vang cả núi rừng. Cảnh tượng thật là hãi hùng, đất trời cũng phải tối tăm. Triệu Tu Kỷ đang chỉ huy quân sĩ đóng thuyền gần đấy, trông thấy một người bạn cũ trong số binh lính sắp bị chôn, vội phi ngựa vào tướng doanh gặp Thoát Hoan, nói:
– Điện hạ muốn dùng thuỷ quân, nhất định phải trọng dụng một người.
Thoát Hoan khi ấy đang cầm tách trà nóng, lơ đãng hỏi:
– Người nào vậy?
– Dạ! Người đó họ Nguyễn, tên là Bá Linh, Quê ở Phúc Kiến. Cha Bá Linh ngày trước thường buôn bán với người Nam. Mẹ y là người An Nam, một hôm nằm mộng tình tự với giao long, sau sinh ra y. Bá Linh lớn lên rất thích nghề sông nước, có tài bơi lặn, đi ngầm dưới đáy sâu như loài thuồng luồng. Lại biết phép hô mây thổi mù, làm mưa gọi gió rất là linh nghiệm, không những thế còn làu thông kinh sử, tên Bá Linh chính là do đó mà ra. Trước đây y về kinh ứng thí đã đỗ tiến sĩ, sau mắc tội phải giam tử ngục. Bá Linh tình nguyện đi lính để lập công chuộc tội.
– Có người giỏi như vậy sao bây giờ ngươi mới tiến cử
– Tôi với hắn xa nhau đã lâu, vừa nãy thấy trong đám quân Hán Nam1 sắp bị đem chôn. Điện hạ muốn dùng người này, phải đến cứu ngay kẻo không kịp.
Thoát Hoan liền lên ngựa ra bãi chôn người. Quân lính sắp bị chôn bỏ, trông thấy, khóc lóc kêu xin rất là thảm thiết nhưng Thoát Hoan cứ lờ đi. Hai người đến chỗ khi nãy Bá Linh đứng, tất cả đã bị lấp đất lên rồi. Thoát Hoan liền lệnh cho viên đô trưởng bắt lính bới tất cả lên để tìm. Rất nhiều kẻ bị chôn khi bới lên vẫn còn thoi thóp thở, lúc lâu sau tìm được Bá Linh, y đã rũ ra như một cái xác, không còn chút sinh lực nào. Thoát Hoan lệnh cho thắng xe ngựa đưa Bá Linh về quân doanh cứu chữa, còn tất cả những kẻ khác lại chôn xuống như cũ. Tiếng kêu khóc nguyền rủa làm Thoát Hoan tối tăm mặt mũi. Triệu Tu Kỷ lấy vạt áo lau những vết đất cát trên mặt Bá Linh nhưng không thấy y động cựa gì, sờ tay lên mũi cũng không thấy thở. Thoát Hoan giục tên lính đánh xe:
– Đi mau nữa lên. Người này mà chết mất thì thật đáng tiếc thay.
Thật là:
Muốn làm mưa gió trên đất Việt
Nào ngờ quân tướng phải chôn nhau.
Muốn biết Thoát Hoan có cứu được Nguyễn Bá Linh không, xin mời xem chương sau sẽ rõ.
1 Đầu xà tiên: Gậy đầu rắn.
1 Sự kiện quân Nguyên đánh vào Nội Bàng, sử của ta ( ĐVsktt ) ghi là ngày 26 tháng chạp, sách An Nam chí lược của Lê Trắc ghi 27 tháng chạp, có nhiều ý kiến thắc mắc nhưng thực ra đều đúng vì sử ta ghi ngày quân Nguyên bắt đầu tấn công còn An Nam chí lược ghi ngày quân nguyên vào được Nội Bàng.
2 Vùng Kim Thành, Hải Dương ngày nay.
3 Vùng Đông Triều, Quảng Ninh và Kinh Môn, Hải Dương ngày nay
4 Vùng Lục Ngạn, Bắc Giang ngày nay.
5 Vùng Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay.
1 Nguyên sử chép: Đánh Nội Bàng bắt được một chức quan An Nam là đại liêu ban Đoàn Thai.
1 Xương rồng bà: Một loại cây xương rồng thân bản dẹp như bàn tay, hoa màu vàng, gai nhỏ trắng ngà có thể dài 2-3cm cực kì sắc nhọn.
1 Quân Hán Nam: Một tên gọi khác của quân Tân Phụ, tức quân người Hán mới theo nhà Nguyên.
Đ.T