Chương 30
Phạm Ngũ Lão phá tuyến tiếp quân lương
Đỗ Khắc Chung liều mình sang sứ giặc…
Chương 30
Phạm Ngũ Lão phá tuyến tiếp quân lương
Đỗ Khắc Chung liều mình sang sứ giặc
Ô Mã Nhi đang cho thuyền vượt Lục Đầu giang, thấy một đoàn thuyền quân Việt từ phía sông Thiên Đức ngược lên, khi đến gần mới nhìn rõ trên chiếc thuyền long phụng đi đầu có cắm lá cờ đại thêu một chữ Trần rất lớn. Tổng quản Trương Hiển nói:
– Đây chính là quân của vua Nam lên tiếp ứng cho Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp. Đánh tan được đạo quân này thì An Nam nằm gọn trong tay thái tử điện hạ rồi.
Triệu Tu Kỷ nói:
– Đúng như vậy. Quân ta hãy cố gắng đánh trận này bắt được vua Nam, không còn lo gì không giầu sang phú quý.
Các tướng đều nói:
– Chúng tôi xin hết lòng.
Ô Mã Nhi liền cử Trương Hiển làm tiền đội. Trương Hiển hăng hái đem bọn thuộc tướng là Ân Khuông Cái, Lý Vĩnh Tường, Trương Vạn Vinh, Lưu Hoa dẫn thuỷ đội xông lên.
Bên quân Việt, thượng hoàng Trần Thánh tông cùng nhà vua Trần Nhân Tông dong thuyền tiến lên. Bên Tả có Nhân Đức vương, tướng quân Nguyễn Khoái, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn. Bên hữu có Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, thần xạ tướng quân Nguyễn Chế Nghiã, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng. Tá Thiên vương Trần Đức Việp, Văn Túc vương Trần Đạo Tái đứng hầu bảo vệ hai vua. Đạo quân tiên phong do Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, và vị tướng trẻ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chỉ huy. Trung Hiến hầu Trần Dương, Văn Chiêu hầu Trần Lộng đoạn hậu. Khi còn cách quân Nguyên chừng hai dặm, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản xin nhà vua cho đánh. Thượng hoàng Trần Thánh tông gọi Quốc Toản đến dặn:
– Ta phải thân đến đây là có ý nhử giặc vào sâu trong đất ta để tiện cho Hưng Đạo vương thực hiện kế sách. Ngươi ra đánh hãy nhử cho chúng tiến càng nhanh càng tốt.
Quốc Toản vâng mệnh, tách một trăm binh thuyền lên giao chiến. Ô Mã Nhi thấy tướng Việt còn trẻ mà có vẻ rất kiêu dũng dẫn một đoàn én thuyền lướt như bay trên mặt sông tiến tới, hỏi các tướng:
– Ai dám ra đánh với tên tướng kia?
Tổng quản Trương Hiển nói:
– Để tôi ra đánh với chúng.
Ô Mã Nhi dặn:
– Ngươi mang quân ra nhử cho chúng đuổi. Ta sẽ đem đại binh vây lại, thằng ranh con này khó mà sống được.
Trương Hiển vâng lệnh tiến lên. Thuyền hai bên tiến sát vào nhau. Quân lính dùng cung tên bắn nhau chí tử. Bỗng Trương Hiển hô quân tháo lui. Quốc Toản cười lớn, nói:
– Biết cái mẹo nhử của chúng mày rồi nhưng tao cũng không có sợ.
Nói xong cầm cây giáo vẫy một nhát, toàn đại đội tiến lên. Ô Mã Nhi trông thấy, cười sằng sặc bảo:
– Đúng là cái đồ trẻ ranh, trúng kế của ta rồi.
Liền cho các thuyền dãn cả ra lấy lối cho Trần Quốc Toản tiến vào. Trần Quốc Toản biết ý, cho thuyền dừng lại. Ô Mã Nhi thấy Quốc Toản ngừng đuổi mới cho quân thúc trống xông ra đánh. Quốc Toản quay thuyền chạy. Phía dưới, hai vua cùng các tướng cũng từ từ
quay thuyền chạy xuôi dòng về Thiên Đức. Trương Hiển hô quân đuổi miết. Em họ Trương Hiển là Trương Vạn Vinh đi thuyền nhẹ xông lên bắt Quốc Toản. Quốc Toản đi ở thuyền cuối cùng, đợi Trương Vạn Vinh đến gần mới giương cung bắn một phát. Mũi tên trúng giữa trán, Trương Vạn Vinh rơi xuống sông, chết. Hai vua Trần cho thuyền từ từ chạy vào sông Thiên Đức rồi về sông Phú Lương1. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi cũng cứ lẵng nhẵng đuổi theo đến bến Bồ Đề. Việc này tạm dừng ở đây, sau sẽ quay lại.
Bây giờ xin nói về đạo quân của tướng Phạm Ngũ Lão. Khi trước ở ải Nội Bàng, Hưng Đạo vương cho Phạm Ngũ Lão mang năm nghìn quân đi ém trong rừng, dặn rằng:
– Quân giặc mang bốn năm mươi vạn quân sang đánh ta, thành Nội Bàng này đương nhiên không thể ngăn được chúng, chỉ có cách nhử cho giặc vào sâu trong đất ta rồi ngăn không cho tiếp quân tiếp lương, giặc đông quân càng chóng vỡ. Thế nào Thoát Hoan cũng phải lập tuyến tiếp quân tiếp lương từ biên giới xuống. Ngươi mang quân ém trong rừng, đợi đại binh chúng qua rồi, đánh phá những đồn ải dọc đường mà cướp lương thảo. Đấy chính là kế triệt đường lương Sở2 vậy. Thời gian càng kéo dài ra cái khí hăng ban đầu của chúng càng nhụt đi. Khi đó ta sẽ liệu cho chúng. Làm nổi việc ấy, công của ngươi lớn lắm.
Phạm Ngũ Lão nhận lệnh mang quân vào khu rừng cách Lộc Bình ba mươi dặm lập trại, thường cử thám binh đi dò la tình hình quân Nguyên, trừ hôm giao chiến với bốn tướng Nguyên để cứu Lương Uất thì chưa đánh một trận nào. Hôm nghe tin quân Nguyên đánh Nội Bàng rất gấp, tiểu Đô Hồ Văn Thắng nói:
– Tướng quân mau mang quân về cứu Nội Bàng không đức ông3 nguy mất.
Tiểu Cao Lỗ Vương Thanh cũng nói:
– Không thể để mất Nội Bàng. Mất Nội Bàng là coi như mất cánh cửa để cho giặc tự do vào nhà rồi.
Phạm Ngũ Lão nghiêm giọng nói:
– Không những mất Nội Bàng mà ta còn bỏ cả Vạn Kiếp lẫn Thăng Long nữa. Những điều đó nằm cả trong sự trù liệu lớn lao của đức ông. Các anh sao biết được. Ta đã nhận lệnh ém quân ở đây là có chủ định cả, dù đổ núi, cháy rừng cũng không thể làm khác được. Các anh nhớ kĩ lấy. Ai manh động làm hỏng việc lớn phải xử theo quân luật.
Bọn Vương Thanh, Văn Thắng, Phạm Bình nghe nói vậy không dám kêu ca gì nữa nhưng thấy giặc đi qua mà không được đánh, ngứa ngáy chân tay lắm. Rồi tin Nội Bàng thất thủ, Vạn Kiếp cũng đã rơi vào tay giặc. Khắp các trại chỗ nào cũng toàn nói chuyện chiến sự. Phạm Ngũ Lão nói:
– Như thế là chúng ta sắp có việc rồi đây.
Chúng tướng vẫn chưa hiểu thế nào. Các đội thám binh được cử đi ngày càng nhiều. Một hôm Phạm Ngũ Lão gọi Vương Thanh, Đoàn Hoa, Phạm Bình, Văn Thắng đến, nói:
– Nay giặc đã lập xong tuyến cấp quân lương từ Khả Lan Vi4 qua Lộc Bình xuống đến Nội Bàng. Lương thảo của chúng tập trung ở cả ba nơi này, ta dùng kì binh cướp lấy, đại quân của chúng sẽ thành ma đói cả lũ.
Văn Thắng nói:
– Ta nên chiếm lấy Lộc Bình thì toàn tuyến của chúng sẽ tắc nghẽn ngay.
Vương Thanh nói:
– Như thế cũng không được. Ta chiếm Lộc Bình ắt quân giặc sẽ lập tuyến khác. Quân chúng đông, việc lập một tuyến tiếp lương chẳng khó khăn gì.
Phạm Ngũ Lão gọi mọi người lại gần bức địa đồ bằng da khô, nói:
– Các anh đều nói đúng cả, chính vì vậy mà mấy hôm nay ta mới phải cử nhiều thám binh đi như thế. Hiện nay Lý Bang Hiến đang ở Khả Lan Vi nhận hàng tiếp tế từ Nguyên sang. Lưu Thế Anh ở Nội Bàng tập kết hàng để chuyển tiếp về phía trước. Thành Lộc Bình do Mã Thạch, Chu Lương đóng giữ. Cách phía Đông Lộc Bình ba mươi dặm là trại Kỳ Đà có ba trăm quân, tướng chỉ huy là Chu Hoành. Đi tiếp về phía Đông là đèo Khâu Cấp. Có một viên tướng Tây Lương là Bàng Siêu đóng ở đấy. Giữa Khả Lan Vi với Lộc Bình có ấp Mã Độ là cái kho trung chuyển. ấp này có năm trăm quân dưới sự thống lĩnh của Nam Cung Tất Hoạt. Người bảo vệ cho các xe lương trên đường vận chuyển là Nam Cung Năng cùng với Tôn Kỷ. Chiều nay hai viên tướng ấy đã vận lương đến Lộc Bình. Bây giờ các vị hãy nghe cho rõ đây. Đoàn Hoa nhận lệnh.
Đoàn Hoa bước lên. Phạm Ngũ Lão nói tiếp:
– Anh mang năm trăm quân, canh hai đêm nay đánh chiếm trại Kỳ Đà. Nhưng phải nhớ hai điều cấm: “không được reo hò, không được dùng lửa”.
Đoàn Hoa vâng lệnh bước ra. Phạm Ngũ Lão gọi Vương Thanh:
– Anh mang ba trăm quân phục ở phía Đông trại Kỳ Đà năm dặm. Quân Nguyên trong trại chạy ra thì bắt lấy, chớ để tên nào chạy thoát về Khâu Cấp.
Vương Thanh lĩnh binh đi ngay. Phạm Ngũ Lão gọi Phạm Bình, nói:
– Anh mang ba trăm quân phục cách phía Tây trại Kỳ Đà năm dặm. Có tên quân Nguyên nào chạy ra đó phải bắt hết, không để chạy về Lộc Bình. Đúng canh tư truyền lệnh của ta cho Đoàn Hoa và Vương Thanh cứ…thế này mà làm.
Phạm Bình vâng lệnh đi ngay. Lúc ấy Phạm Ngũ Lão mới cùng Văn Thắng mang quân đi đánh ấp Mã Độ. Bấy giờ vào khoảng đầu canh một, trời tối lại mưa lất phất, rét lắm, quân Nguyên ở ấp Mã Độ vào cả trong trại đốt củi sưởi, mỗi cổng chỉ còn vài lính canh. Nam Cung Tất Hoạt đang hú hí với cô gái trẻ vừa bắt được ở một bản gần đấy. Bọn thuộc hạ quây quần uống rượu cho đỡ rét, ai cũng cho là quân Việt đã bị đẩy hết xuống phía Nam rồi nên chẳng nghĩ gì đến chuyện đề phòng. Đầu canh hai, Phạm Ngũ Lão cho lính bí mật đến vọng gác, dùng tên thuốc độc bắn chết mấy lính canh rồi Văn Thắng thúc quân ba mặt đánh vào, chỉ để ngỏ cửa Tây. Quân Nguyên bị bất ngờ, không biết quân Việt ở đâu đến, nhiều ít thế nào, bỏ chạy tứ tung. Quân Việt đuổi theo chém giết tơi bời. Nam Cung Tất Hoạt đang ngủ trong trướng, có lính vào báo quân Việt đã đánh vào trại rồi, vội vã mặc được mỗi miếng giáp hộ tâm, cầm mâu, lên ngựa phóng ra, thấy chỗ nào cũng tràn đầy quân Việt. Một tướng tuỳ tùng nói:
– Ba cửa đã bị vây chặt, chỉ có cửa Tây không có quân Nam.
Nam Cung Tất Hoạt nói:
– May cho ta lắm. Các ngươi hãy theo ta ra cửa Tây, chạy về Khả Lan Vi.
Mấy chục dũng sĩ tháp tùng Nam Cung Tất Hoạt cùng chạy. Vó ngựa khua dồn làm náo động cả rừng đêm. Chạy được chừng năm sáu dặm bỗng thấy phía trước có đuốc lửa, Nam Cung Tất Hoạt ngỡ là Lý Bang Hiến đến cứu mới gia roi thẳng tới, không ngờ vừa đến nơi nhìn rõ một tướng Việt cưỡi ngựa cầm giáo đứng chờ. Tướng Việt ấy quát:
– Nam Cung Tất Hoạt xuống ngựa hàng mau. Ta là Phạm Ngũ Lão đợi ở đây đã lâu rồi.
Nam Cung Tất Hoạt nghe nói Phạm Ngũ Lão, sợ tái cả mặt nhưng nghĩ không còn cách nào nên liều múa mâu xông vào đánh, mới được một hiệp bị Ngũ Lão đâm cho một giáo xuyên từ nách lên cổ, lăn xuống ngựa chết. Số quân lính chạy theo, kẻ bị giết, kẻ bị bắt không sót một người. Lúc ấy Văn Thắng cũng đã cho quân đánh giết sạch bọn lính Nguyên còn lại trong ấp. Phạm Ngũ Lão vào ấp cho quân thay y giáp, mặc giả làm lính Nguyên, tức tốc hành quân về Lộc Bình.
Trong khi Phạm Ngũ Lão và Văn Thắng đánh chiếm Mã Độ. Đoàn Hoa, Vương Thanh, Phạm Bình cũng chiếm được trại Kỳ Đà, bắt sống được Chu Hoành. Phạm Bình nói:
– Phạm tướng quân lệnh cho chúng ta giả làm quân Nguyên đánh vào cửa Đông Lộc Bình.
Ba người cho quân cải trang làm lính Nguyên, đem theo Chu Hoành đến Lộc Bình, đã quá canh tư. Vương Thanh bắt Chu Hoành gọi cửa. Quân canh trên thành nhìn xuống, trong ánh đuốc mờ mờ nhận đúng là quân mình nhưng cũng hỏi:
– Sao hôm nay đến nhận lương sớm thế?
Chu Hoành nói:
– Quân ta đã chiếm được Vạn Kiếp, đang tiến về Thăng Long nên cần rất nhiều lương thảo. Thái tử điện hạ truyền lệnh cho chúng ta phải lo gấp.
Quân Nguyên nhận đúng tiếng Chu Hoành mới ra mở cổng. Quân Việt ùa cả vào chém giết. Quân Nguyên thua to, bỏ cổng thành chạy cả vào trong doanh báo động thì cổng Tây cũng có quân Việt tiến vào. Hai bên đánh nhau đến lúc trời rạng sáng. Mã Thạch, Chu Lương liệu thế không thể giữ nổi mới cùng nhau chạy ra cửa Tây, gặp ngay Phạm Ngũ Lão. Hai tướng Nguyên đánh nhau với Ngũ Lão. Ngũ Lão múa thương đánh rát một trận, đâm chết Mã Thạch ngay tại cổng thành. Chu Lương hoảng hốt bỏ chạy. Vương Thanh trông thấy, bắn một phát. Mũi tên xuyên qua lưng sang ngực, Chu Lương rơi xuống ngựa, chết. Nam Cung Năng đánh với Đoàn Hoa, bị Hoa lừa miếng chém một nhát mất cánh tay phải, bỏ chạy. Phạm Bình trông thấy ném một mũi dao trúng lưng, Nam Cung Năng chết. Đoàn Hoa đuổi Tôn Kỷ vào một nghách nhỏ, chẳng may bị một viên đá trên tường thành rơi trúng người, ngã ngựa. Tôn Kỷ cầm giáo quay lại đâm. Vương Thanh trông thấy, bắn một mũi tên tin ngay vào mặt Tôn Kỷ. Tôn Kỷ chết. Vương Thanh chạy lại đỡ Đoàn Hoa, máu đã chảy ướt đẵm vai áo. Vương Thanh cởi áo buộc vết thương cho bạn mới biết Đoàn Hoa là con gái. Đoàn Hoa nói:
– Anh đã nhìn thấy thân thể của tôi rồi, có lẽ đó là duyên phận trời định cho ta nhưng mong anh chớ lộ ra ngoài. Xin hẹn với anh đến ngày hết giặc.
Từ hôm ấy Vương Thanh cùng Đoàn Hoa càng thân thiết lắm, trong quân cũng không có ai nghi ngờ gì. Phạm Ngũ Lão trong một đêm chiếm được thành Lộc Bình với trại Kỳ Đà, ấp Mã Độ mà tuyệt nhiên không có tin gì lọt đến các nơi khác, giờ Thìn ngày hôm ấy gọi Vương Thanh đến, dặn:
– Nay ta chiếm được Lộc Bình mà quân giặc chưa hề biết, nhân cơ hội này mang quân đánh lấy Khả Lan Vi, giao cho ngươi một nghìn năm trăm quân ở lại giữ thành. Ngươi hãy chia ba trăm quân đến giữ trại Kỳ Đà phòng quân Nguyên ở Khâu Cấp tới.
Phạm Ngũ Lão nói xong, lệnh cho các tướng tức tốc mang quân đánh Khả Lan Vi. Đoàn Hoa bị thương nên được ở lại Lộc Bình cùng Vương Thanh giữ thành, vì thế hai người càng có dịp gần gũi nhau hơn. Phạm Ngũ Lão chọn hai người có hình dạng hao hao như Nam Cung Năng và Tôn Kỷ, đánh một đoàn xe trâu bên trên chở toàn quân lính phủ kín bằng rơm, lại có Chu Hoành đi cùng, thẳng tiến tới Khả Lan Vi gọi mở cổng thành. Khi ấy đã qua giờ Ngọ, quân lính trên thành trông đúng là quân mình mới mở cổng thành cho vào. Vừa qua khỏi cầu treo, Chu Hoành hét to lên:
– Quân Nam đấy, không phải quân ta đâu.
Phạm Bình thấy vậy ném một mũi dao giết chết Chu Hoành. Quân Nguyên vội đóng cửa thành nhưng không kịp. Văn Thắng ở xe đầu đã cầm đoản đao xông lên chém xả vào đám quân Nguyên giữ cổng. Phía sau quân Việt reo hò ùn ùn tiến vào. Lý Bang Hiến ở trong doanh nghe thấy có tiếng ồn ào, vội mặc giáp lên ngựa, cầm đôi giản sắt xông ra, thấy quân Việt đã tràn ngập trong thành. Thuộc tướng là Lâm Vĩnh Thanh nói:
– Quân giặc đã tràn vào khắp trong thành. Xin tướng quân hãy theo cổng Bắc chạy về Tư Minh.
Hai người liền dẫn bọn tàn tốt nhằm hướng Bắc chạy. Phạm Ngũ Lão từ xa trông thấy, rượt tới. Lâm Vĩnh Thanh nói với Lý Bang Hiến:
– Tướng quân cứ chạy, để tôi ngăn quân Nam cho.
Phạm Ngũ Lão vờ đánh một đòn từ trên xuống. Lâm Vĩnh thanh giơ đao lên đỡ, thế là hở nách, liền bị xiên một giáo từ nách lên cổ, ngã xuống ngựa. Vĩnh Thanh chết, Lý Bang Hiến cũng đã chạy sang bên kia biên giới, Phạm Ngũ Lão liền quay về. Tướng quân Lương
Uất cùng chúa động Nguyễn Thế Lộc đang đuổi đánh bọn tàn binh quân Nguyên chạy vào rừng. Đến chiều các tướng mang quân vào cả trong thành. Quân Việt lần này đánh Khả Lan Vi, chiếm được không biết bao nhiêu là lương thảo, trâu ngựa. Ngày hôm sau Phạm Ngũ Lão giao lại cửa ải cho tướng quân Lương Uất trấn giữ, còn mình đem quân về hướng Đông, trước khi đi, dặn Lương Uất và Nguyễn Thế Lộc rằng:
– Các ông nên cho dân binh chuyển hết lúa gạo vào trong rừng, chớ để quân Nguyên đến cướp lại.
Nguyễn Thế Lộc liền đem hai nghìn dân binh cùng các xe trâu, ngựa chuyển hết lương thảo vào rừng sâu, chỉ để một số cho quân lính đủ dùng chừng một tháng rồi cùng Lương Uất trù liệu việc đặt lại các giàn tên, bẫy đá phòng khi phải đánh nhau với quân giặc từ Tư Minh đến ứng cứu. Phạm Ngũ Lão kéo quân về đóng ở Lộc Bình, hôm sau chỉ đem một nghìn quân ăn mặc như quân Nguyên, trống dong cờ mở, kiệu rước nghễu nghện thẳng tới Khâu Cấp. Quân Nguyên trong ải hỏi quân nào? Quân Việt trả lời:
– Hoàng thượng Đại Nguyên liên tiếp nhận được tin báo tiệp nên cử quan khâm sai sang uý lạo ba quân. Các tướng trấn ải dọc đường phải ra nghênh tiếp.
Bàng Siêu nghe báo vậy, nói với các tướng:
– Từ hôm quân ta chiếm được Vạn Kiếp tới nay mới có mấy ngày, lẽ nào tin đi nhanh như thế? Đây hẳn có sự gian dối gì chăng?
Phó tướng là Lã Kiều nói:
– Quân Nam đã chạy hết về Đại La, ta còn sợ gì nữa. Vả lại không tiếp sứ của nhà vua, nhỡ sau này chúng về tâu bậy lên hoàng thượng, ta tránh sao khỏi tội. Chi bằng tướng quân cứ lên thành hỏi cho rõ nguyên do.
Các tướng đều nói:
– Lã phó tướng nói rất đúng. Bọn khâm sai, sứ giả là hay tâu bậy lắm. Mình vất vả ở chốn sa trường chẳng tiếc máu xương, chỉ cần chúng nói láo một câu bao nhiêu công lao sổ toẹt hết.
Bàng Siêu nghe theo mới lên mặt thành nhìn ra, thấy đúng là quân Nguyên, hỏi lớn:
– Triều đình đã biết quân ta chiếm được Vạn Kiếp chưa?
Quân ở ngoài nói vào:
– Chưa! Nhưng tin chiếm được Ôn châu, Lộc Bình, Động Bản thì biết rồi nên mới có quan khâm sai sang cổ vũ binh lính. Tướng quân hãy mau ra nghênh đón quan khâm sai.
Bàng Siêu nghe có lý, lại nhận rõ các cờ hiệu mới dẫn chúng tướng mở cổng thành ra đón. Phạm Ngũ Lão ngồi trên ngựa, chỉ ngọn giáo, quát:
– Bàng Siêu là một tên tiểu tướng mà chậm trễ nghênh đón đại quan. Võ sĩ đâu, bắt lấy hắn.
Quân sĩ ập vào trói gô Bàng Siêu lại. Lã Kiều cùng các tướng thấy vậy định bỏ chạy vào trong thành nhưng không kịp. Bọn Phạm Bình, Văn Thắng cho quân xông tới trói nghiến hết cả. Phạm Ngũ Lão vào ải cho dẫn bọn Bàng Siêu, Lã Kiều đến, nói:
– ở đây không có quan khâm sai nào cả. Ta chính là Phạm Ngũ Lão, tướng nước Việt. Ai theo hàng ta, sẽ được sống, kẻ nào chống lại quyết giết không tha.
Bàng Siêu nói:
– Ta đã là tướng nhà Nguyên, quyết chết vì vua Nguyên chứ đâu có theo hàng bọn man di các ngươi. Ta đã bị bắt, muốn chém muốn giết gì cứ việc.
Phạm Ngũ Lão nghiêm nét mặt, nói:
– Ngươi nói vậy mà không biết xấu hổ sao. Ngươi đã là tướng nhà Tống, sao không chết vì vua Tống mà lại hàng quân Nguyên. Nay ngươi muốn tỏ ra mình là kẻ chí trung chí hiếu chỉ có cách hàng Đại Việt, đánh lại quân Nguyên, báo thù cho nhà Tống, rửa nhục cho tổ tông. Đó mới thật là người có lòng trung hiếu vậy.
Bàng Siêu vội sụp lạy nói:
– Lời tướng quân khác chi mặt trời xua tan đêm tối, mở mắt cho tôi. Xin được làm tên lính vác giáo bên cạnh tướng quân.
Bọn Lã Kiều và các tướng đều xin hàng. Năm trăm quân Nguyên không có chủ tướng, bỏ binh khí xin hàng cả. Phạm Ngũ Lão nói:
– Nay các ngươi đã theo hàng Đại Việt, nên gắng sức lập công báo thù cho nước Tống. Để vong linh tổ tôn các ngươi ở dưới suối vàng cũng được ngậm cười, để con cháu các ngươi mai sau không phải tủi hổ vì các ngươi. Khi nào quét sạch giặc Thát, ta sẽ trình lên Hưng Đạo vương xét theo công trạng tâu vua ban phẩm hàm cho. Như vậy cũng không sợ chi không có tiền đồ.
Quân lính mới hàng đồng thanh dạ dạ ran cả cửa ải. Bàng Siêu nói:
– Tiếp liền đây là trạm Ngưu Đầu. ở đấy có hai anh em Hạ Hầu Phong, Hạ Hầu Vân đóng giữ, đều là bạn thân của tôi. Tôi xin sang bảo họ ra hàng.
Phạm Ngũ Lão liền tiến quân về trạm Ngưu Đầu rồi cho Bàng Siêu vào trại Nguyên dụ hàng. Bàng Siêu đến nơi, Hạ Hầu Phong mời vào trong trướng nói chuyện. Hạ Hầu Phong nói:
– Bàng huynh đến đây có phải muốn anh em tôi ra hàng Đại Việt không?
Bàng Siêu nói:
– Chúng ta vốn là người Tống, chỉ vì quân Nguyên gây nạn binh đao đến nỗi nước mất nhà tan, mẹ cha ly tán, theo làm tôi tớ cho chúng mãi hoá ra giúp kẻ cừu thù giết hại giống nòi, chi bằng hãy theo Đại Việt đánh lại quân Nguyên rửa thù cho nước cũ có hơn không?
Hạ Hầu Phong nói:
– Tôi cũng có ý ấy từ lâu, hiềm nỗi không có người tiến dẫn. Nay Bàng huynh đã đến đây, thật là may cho tôi lắm.
Hai người đang nói chuyện, Hạ Hầu Vân ở sau tấm bình phong bước ra nói to lên rằng:
– Hai anh có ý phản Nguyên. Tội ấy to lắm. Ta phải bắt các anh trình lên Lưu tướng quân mới được.
Hạ Hầu Phong khóc bảo:
– Em ơi! Cả nhà ta hơn một trăm người cũng vì quân Nguyên mà kẻ chết người trốn đi, ly tán hết cả. Anh em ta có chút võ nghệ thì bị bắt vào phục dịch trong quân. Vậy mà ta không mưu sự trả thù, còn sống trên thế gian này làm gì nữa. Nếu em cứ quyết lòng theo người Nguyên, hãy để anh chết trước mặt em.
Nói xong rút kiếm định tự sát. Hạ Hầu Vân vội nói:
– ấy là em nói chơi vậy chứ có đâu muốn hại hai anh. Chính em cũng muốn giết sạch bọn người Thát báo thù cho cha chúng ta.
Hai anh em nhà Hạ Hầu liền theo Bàng Siêu ra hàng Phạm Ngũ Lão. Hạ Hầu Vân nói:
– Hai trại gần đây là Bạch Thử do Hứa Dĩ giữ và Kim Kê do Quách Ngung giữ. Hai người này đều là bạn học với tôi từ thủa nhỏ. Để tôi viết thư bảo họ ra hàng.
Hứa Dĩ, Quách Ngung được thư của Hạ Hầu Vân, đều tình nguyện đến hàng, giao nộp đầy đủ lương thảo, quân cụ, được Phạm Ngũ Lão thu nạp đối đãi tử tế. Ngày hôm sau Phạm Ngũ Lão kéo thẳng đến vây chặt Động Bản. Tướng Nguyên giữ Động Bản là Vệ Mộ Sơn Điêu và Lưu Thiện Khánh đóng chặt cửa thành chống giữ. Phạm Ngũ Lão cho Bàng Siêu đến cổng thành gọi hàng. Bàng Siêu nhìn lên thấy Vệ Mộ Sơn Điêu và Lưu Thiện Khánh mới gọi to rằng:
– Ta nói cho quân tướng trong thành biết, các đồn ải từ Khả Lan Vi về đây đều đã bị tướng quân Phạm Ngũ Lão thu lại rồi. Mấy chục vạn thạch lương cũng mất hết. Quân Việt đi đến đâu các tướng giữ ải theo hàng đến đấy. Đó chính là thuận theo đạo trời phạt quân cường khấu vậy. Nay Thoát Hoan, A Lý Hải Nha mang mấy chục vạn quân vào sâu đất Việt, người thiếu gạo bánh, ngựa thiếu rơm cỏ, lúng túng chẳng khác nào cá ở trong lưới. Sớm muộn chi cũng chuốc lấy bại vong. Các ngươi muốn cứu thân, chỉ có mở cửa dâng thành, chớ chết uổng mạng thay cho quân Mông Thát.
Lưu Thiện Khánh nghe nói vậy mới hô quân tân phụ làm phản, mở cửa thành ra hàng, hoá ra quân trong thành tự hại lẫn nhau. Vệ Mộ Sơn Điêu giết chết được Lưu Thiện Khánh nhưng cửa thành đã mở toang rồi. Quân Việt ùa cả vào. Quân tân phụ người Hán đều theo hàng hết chỉ còn lại số ít tướng lĩnh người Thát chống cự, đều bị giết sạch. Vệ Mộ Sơn Điêu dùng cây đao cực lớn đánh nhau với Phạm Ngũ Lão, bị Ngũ Lão đâm một nhát, mũi thương xuyên từ nách hữu sang nách bên tả, lăn xuống ngựa chết. Phạm Ngũ Lão sai an táng cho Lưu Thiện Khánh, lấy đá đục tấm bia, khắc hàng chữ tống tướng trung lương lưu thiện khánh chi mộ. Các tướng người Hán trông thấy tấm bia, nghĩ đến nước cũ và thân phận của mình, ai cũng cảm động sa nước mắt và ca ngợi Phạm Ngũ Lão là người trượng nghĩa. Lấy xong Động Bản, Phạm Ngũ Lão tức tốc hành quân đến Nội Bàng. Lúc này Lưu Thế Anh đã được một số quân sĩ thoát chết về báo mất Động Bản, liền mang quân ra ngoài thành nghênh chiến. Bàng Siêu nói với Phạm Ngũ Lão:
– Tướng quân để tôi ra thuyết phục hắn đầu hàng.
Phạm Ngũ Lão cho đi, Bàng Siêu ra ngựa nói với Lưu Thế Anh:
– Tướng quân cũng là tướng nhà Tống. Nhân dịp này sao không quay giáo báo thù cho chủ cũ mà lại theo làm tôi tớ mãi cho bọn cường Hồ?
– Thiên hạ là thiên hạ chung, ai có đức thì được. Ta thà làm tôi cho người Hồ còn hơn đứng dưới cờ của bọn Nam man.
Lưu Thế Anh nói xong múa ngọn kích sắt đánh Bàng Siêu. Bàng Siêu hoa đao đánh lại. Hai tướng đánh nhau chừng năm sáu hiệp, Bàng Siêu bị Lưu Thế Anh đâm một nhát kích chết lăn xuống ngựa. Hạ Hầu Phong múa giáo xông ra cũng bị Lưu Thế Anh đâm chết nốt. Lưu Thế Anh dẫn quân Nguyên đánh tràn sang. Phạm Ngũ Lão nói:
– Thằng này nói không chịu nghe, lại cậy sức làm càn. Ta phải nện cho nó một trận thật cẩn thận mới được.
Nói xong ra ngựa ngăn Lưu Thế Anh lại. Lưu Thế Anh trông thấy Phạm Ngũ Lão, nhớ đến hôm ở đường đi Khâu Ôn bị vụt một cán giáo suýt gẫy tay, sợ quá ù té chạy về thành. Quân Nguyên ngơ ngác không hiểu ra sao cũng hùa nhau bỏ chạy bán mạng. Lúc đã vào thành rồi, phó tướng là Nhạc Thành Chương hỏi:
– Quân ta đang thừa thắng đánh sang, sao tự nhiên tướng quân lại chạy về?
Lưu Thế Anh nói:
– Các ngươi không biết đấy thôi. Phạm Ngũ Lão khoẻ không khác gì Điển Vi, Hứa Chử1khi xưa, tài dùng binh khó có người bì kịp. Hôm ở Khâu Ôn ta cùng ba tướng nữa đánh với hắn mà còn suýt bị mất mạng. Hôm nay chả chạy cho nhanh để nó tương cho bỏ bố ấy à.
Các tướng nghe nói, ai cũng lè lưỡi lắc đầu khiếp sợ. Nhạc Thành Chương hăng hái nói:
– Tướng quân sao lại đề cao Phạm Ngũ Lão quá thế. Tôi nghe nói có khoẻ thì chẳng có khôn. Để xem đêm nay hắn làm trò gì.
Phạm Ngũ Lão thấy Lưu Thế Anh chạy mất mới gọi Phạm Bình, Văn Thắng lại bảo:
– Hai ngươi mỗi người hãy đem năm trăm quân ra phục ở hai quả đồi ngoại vi, đêm nay khi nào thấy có lửa cháy ở làng Biên Trú hãy cho quân vào cướp thành.
Lại gọi Lã Kiều dặn:
– Gần cửa Đông thành có một eo núi tên là cửa Miêu Nhi. Ngươi mang một nghìn quân phục ở đấy. Khi nào thấy quân Nguyên thua chạy về, đổ quân ra mà đánh.
Các tướng ai mang quân đi ngả ấy, Phạm Ngũ Lão đem số quân còn lại lui về phía Đông. Trong thành, Lưu Thế Anh đang cùng các tướng bàn cách chống đỡ chợt có thám binh về báo Phạm Ngũ Lão đem quân về làng Biên Trú cắm trại. Lưu Thế Anh nói:
– Phạm Ngũ Lão dùng binh rất là tắc quái. Không hiểu sao chúng không cắm trại vây thành mà rút đi xa thế?
Nhạc Thành Chương nói:
– Đây chắc hẳn Phạm Ngũ Lão không đủ quân vây thành, sợ đêm chúng ta xuất binh cướp trại nên mới phòng thế thôi. Đợi đêm quân Nam ngủ say, ta đến đốt trại thật, chúng chỉ có ra tro cả lũ.
Các tướng đều cho lời bàn ấy là phải, Lưu Thế Anh vẫn còn trù trừ chưa quyết. Một chốc lại có đội thám binh về báo quân Việt nấu cơm ăn xong, ngủ cả trong trại. Các tướng đều nói:
– Đây chính là dịp ta hạ cái danh hão của Phạm Ngũ Lão. Tướng quân chớ hồ nghi làm gì.
Tướng Phương Nguyện Ba tình nguyện đi tiên phong. Lưu Thế Anh thấy các tướng đồng thanh nói vậy, canh hai đêm ấy mới quyết dẫn quân đi cướp trại. Đêm đầu Xuân mưa lất phất, gió rét tê người. Quân Nguyên cờ cuốn trống im, lặng lẽ tiến đến Biên Trú thấy trong thôn chẳng có động tĩnh gì. Phương Nguyện Ba nói:
– Rét thế này bọn quân Nam ngủ say phải biết. Ta đánh thốc vào, chúng trở tay không kịp.
Lưu Thế Anh ngăn lại nói:
– Không được! Phạm Ngũ Lão rất nhiều gian kế, không phải là kẻ hớ hênh. Sự im lặng đáng ngờ lắm.
Nhạc Thành Chương nói:
– Tôi xin đem quân vào trước. Tướng quân ở ngoài hiệp ứng cho, dẫu quân kia có mưu kế gì cũng không đáng sợ.
Phương Nguyện Ba nói:
– Để tôi đi cùng, giúp ông một tay.
Lưu Thế Anh nói:
– Không được! Chỉ để một mình Nhạc Thành Chương mang năm trăm quân vào làng, còn các tướng sẵn sàng đợi lệnh.
Nhạc Thành Chương cầm giáo dẫn năm trăm quân vào làng, thẳng đến nơi đóng trại của quân Việt, thổi bùi nhùi phóng hoả. Ngọn lửa bốc cao ngút trời mà chẳng thấy ai chống cự, hoá ra đó chỉ là một dãy trại không người. Nhạc Thành Chương biết là mắc mưu vội hô quân rút lui, bỗng nghe một tiếng pháo nổ rồi Hạ Hầu Vân, Quách Ngung, Hứa Dĩ cùng mang quân đánh ra. Nhạc Thành Chương cắm cổ chạy. Lưu Thế Anh thấy lửa trong thôn cháy ầm ầm lại nghĩ có đánh nhau to, liền thúc quân tiến vào, vừa lúc gặp Nhạc Thành Chương hộc tốc chạy ra. Nhạc Thành Chương đang hoảng hốt lại thấy Phạm Ngũ Lão phi ngựa tới chặn đường liền phóng giáo đâm chết. Quân sĩ vội hô lên rằng:
– Quân ta đánh nhầm nhau rồi.
Nhạc Thành Chương cho lính soi đuốc nhìn kĩ tướng vừa bị đâm chết hoá ra không phải Phạm Ngũ Lão mà là Phương Nguyện Ba. Lưu Thế Anh sực nghĩ ra, bảo:
– Thôi chết! Phạm Ngũ Lão lừa chúng ta đến đây để hắn tới cướp thành. Mau quay về cứu ngay.
Nói xong tức tốc dẫn binh quay lại nhưng đi chưa xa đã thấy phía trước đuốc sáng như ban ngày. Trong ánh lửa nhìn rõ một tướng cưỡi ngựa ô truy, tay cầm giáo dài quát to lên rằng:
– Lưu Thế Anh xuống ngựa hàng mau. Phạm Ngũ Lão đợi ở đây lâu rồi.
Lưu Thế Anh bủn rủn chân tay không biết chạy đi đâu. Nhạc Thành Chương thấy vậy bảo:
– Tướng quân chớ ngại. Ta cứ đánh. Chưa chắc chúng làm gì nổi đâu.
Nói xong múa giáo xông vào đánh nhau với Phạm Ngũ Lão. Lưu Thế Anh hô quân đánh tràn lên. Quân hai bên hỗn chiến trong đêm đến tận canh tư. Nhạc Thành Chương đánh giáo giỏi lắm, Phạm Ngũ Lão không sao hạ được mới vờ đâm một nhát vào nách. Thành Chương quay ngoắt ngọn giáo gạt ra. Ngũ Lão bất ngờ giở cán thương vụt một nhát cực mạnh vào cánh tay trái Thành Chương, nghe tiếng xương gãy đánh rắc. Thành Chương đau quá kêu thét lên, phóng ngựa chạy mất. Phạm Ngũ Lão không đuổi theo mà đi tìm Lưu Thế Anh nhưng chẳng thấy đâu. Hoá ra Lưu Thế Anh đã chạy khỏi vòng vây, nghe phía sau có tiếng gọi:
– Lưu tướng quân cứu tôi.
Khi ấy trời vừa rạng sáng, Lưu Thế Anh quay lại nhìn, thấy Nhạc Thành Chương đang thất thểu chạy tới. Hai người dẫn mấy trăm tàn tốt chạy về núi Miêu Nhi định vào cửa Đông nhưng vừa đến cánh rừng thưa, có một tướng dẫn quân ra chặn đường, nhìn kĩ đích thực là Lã Kiều. Nhạc Thành Chương gãy tay không thể đánh nhau được. Lưu Thế Anh vừa sợ vừa mệt, nhìn Lã Kiều, nói:
– Ngươi vốn là thuộc tướng của ta, sao nỡ bức bách chủ cũ quá vậy?
Lã Kiều khoanh tay nói:
– Tôi với tướng quân đúng là có cái tình chủ tớ khi xưa. Tướng quân với nhà Tống cũng có nghĩa vua tôi. Vậy sao tướng quân không nghĩ đến việc báo thù cho chúa. Nếu tướng quân về hàng Đại Việt để cùng đánh quân Nguyên, mưu việc phục hưng nước cũ, giải thoát cho muôn dân khỏi cảnh lầm than, tôi lại xin cắp giáo theo hầu, quyết chẳng dám vô lễ. Còn như tướng quân chỉ một lòng theo quân cường Hồ, không nghĩ gì đến nước cũ, tôi đành có lỗi với tướng quân vậy.
Lưu Thế Anh thấy Lã Kiều nói năng sắt đá như vậy mới dẫn quân về cổng Bắc. Lã Kiều không muốn cạn tình, để cho Lưu Thế Anh đi mà không đuổi. Lưu Thế Anh cùng Nhạc Thành Chương đi đến cổng Bắc, nhìn lên gọi mở cổng, ngờ đâu thấy ngay hai tướng Việt là Văn Thắng, Phạm Bình chõ xuống nói:
– Chúng ta đã vào thành từ đêm cơ. Nếu các ngươi xuống ngựa đầu hàng, ta mở cửa thành đón vào, còn có ý đánh nhau, ta mang quân ra tiếp ngay đây.
Lưu Thế Anh, Nhạc Thành Chương sợ quá, trốn theo đường rừng ra bãi sông, cướp được mấy chiếc thuyền chài, cùng nhau trốn đến Vạn Kiếp với Thoát Hoan.
Phạm Ngũ Lão từ khi ra quân đánh đâu thắng đấy, quét sạch quân Nguyên từ biên giới đến Nội Bàng, thu được cơ man là lương thảo, quân cụ, xe ngựa không biết bao nhiêu mà kể, liền sai người đưa thư đến Hải Đông báo cho Hưng Đạo vương biết, quân tướng nhà Nguyên nghe tên, thảy đều khiếp vía không dám coi thường.
Đây nói Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha cho hai cánh quân của Bột La Hợp Đáp Nhi và Ô Mã Nhi đi rồi, định ở lại Vạn Kiếp một thời gian để luyện tập thêm quân thuỷ. Bỗng có tên tiểu tốt vào báo tướng Lưu Thế Anh ở Nội Bàng đến. Thoát Hoan cho vào. Lưu Thế Anh dẫn Nhạc Thành Chương vào tướng doanh khóc lóc trình rằng:
– Suốt một dải từ Khả Lan Vi đến Nội Bàng đều bị Phạm Ngũ Lão đánh chiếm hết rồi. Chúng tôi liều chết chống giữ nhưng không thể được. Lương thảo, ngựa nghẽo, quân cụ bị chúng cướp sạch. Lý Bang Hiến chẳng thấy đâu, không biết sống chết thế nào.
Thoát Hoan nghe báo hầm hầm nổi giận, quát võ sĩ lôi Lưu Thế Anh ra chém. A Lý Hải Nha can rằng:
– Việc để mất đồn trại, quân lương tuy là một tội lớn nhưng xét cho cùng cũng tại tôi không biết có Phạm Ngũ Lão lọt lại đằng sau. Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh không phải là đối thủ của hắn. Xin thái tử điện hạ tha cho Lưu tướng quân một lần.
Thoát Hoan nghe vậy mới tha cho Lưu Thế Anh, nói:
– Ta đã vài lần nghe nói đến Phạm Ngũ Lão, không ngờ y gớm ghê đến thế.
A Lý Hải Nha nói:
– Phía sau có Phạm Ngũ Lão, chúng ta không nên ở lại đây lâu. Phải cấp tốc hành quân qua miền Bắc Giang cướp lấy lúa gạo mới có lương thực nuôi quân.
Thoát Hoan lập tức truyền lệnh cho các tướng hành quân bằng đường bộ, đi đến làng bản nào cũng giết người, đốt phá cướp bóc tận không. Phàm to nhỏ, cái gì ăn được đều lấy đi tất.
Đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi theo đoàn thuyền của vua Trần dọc sông Thiên Đức vào sông Phú Lương, tiến thẳng đến Đông Bộ Đầu, nhìn xuống hạ lưu thấy thuyền chiến quân Việt có tới hàng nghìn chiếc đậu dày đặc cả mặt sông. Trương Hiển nói:
– Quân lực của vua Nam chưa bị tổn thất gì. Thuyền bè của chúng nhiều như lá rừng. Ta đóng quân ở đây nhỡ chúng tiến đánh khó mà chống giữ. Chi bằng mang quân về tả ngạn đóng trại chờ đại binh đến là hơn.
Ô Mã Nhi nghe theo liền lui về tả ngạn cho quân lên bờ hạ trại. Hôm ấy là ngày mười hai tháng giêng năm ất Dậu (17-2-1285).
Lúc bấy giờ Trung Thành vương đã từ đường Khâu Ôn rút về, đứng bên cạnh Thượng hoàng Trần Thánh tông và Nhân tông hoàng đế, nói:
– Nay tiền đội quân giặc đã tiến đến đây mà đại quân của chúng còn ở xa. Xin hoàng thượng cho quân tiến đánh làm nhụt nhuệ khí của chúng đi.
Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng nói:
– Quân giặc đến đây đóng cả trên bờ lẫn dưới sông, nhiều ít thế nào ta chưa biết thì đánh làm sao. Nếu được một người can đảm dám sang dò tình hình giặc rồi xuất quân mới chắc giành được phần thắng.
Nhân tông hoàng đế nói:
– Ô Mã Nhi là kẻ hiếu sát. Ai dám đi sứ bây giờ?
Các quan còn im lặng, chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung bước lên tâu:
– Thần hèn mọn bất tài nhưng xin được đi1.
Nhà vua mừng, khen rằng:
– Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế1.
Thượng hoàng nói:
– Việc đi sứ lần này là vào nơi hang hùm nọc rắn chưa biết thế nào. Ngươi hãy về từ giã vợ con rồi chiều đến chịu mệnh.
Đỗ Khắc Chung trở về thuyền mình, mặt buồn rười rượi không nói năng gì. Người thiếp yêu là nàng Ngọc Tú thấy vậy hỏi:
– Quan chi hậu đi chầu vua về cớ sao buồn bã vậy?
Ngọc Tú vốn trước đây là ca nhi ở phường Yên Hoa. Đỗ Khắc Chung cùng Trần Khánh Dư nhiều lần đến chơi, thấy nàng xinh đẹp, cả hai người đều đem lòng yêu mến. Khánh Dư thật thà mà Khắc Chung nhiều mưu mẹo nên nghĩ cách chuộc nàng về làm thiếp cho riêng mình. Nay nghe Ngọc Tú hỏi vậy, Đỗ Khắc Chung nói:
– Hôm nay ta nhận mệnh của nhà vua sang trại giặc. Ô Mã Nhi là kẻ bạo tàn, ngại rằng nếu ta không về để nàng rơi vào tay người khác, chẳng phải đáng buồn lắm sao.
Ngọc Tú nghe nói vậy, liền rút thanh kiếm treo trên vách thuyền đưa lên cổ, định tự sát. Khắc Chung vội giằng lấy bảo:
– Ta còn ở đây, vì sao nàng phải quyên sinh như vậy.
Ngọc Tú khóc nói:
– Em may được quan lớn thương yêu, ân huệ đã dày. Nay quan lớn vì nước, chẳng quản thân mình, xông pha vào nơi hàm lang miệng cọp. Em chết để quan lớn yên lòng ra đi vì việc nghĩa, thân cỏ sen này đâu dám tiếc làm chi.
Đỗ Khắc Chung ôm Ngọc Tú vào lòng, bảo:
– Ôi đáng quý thay lời vàng ngọc của kẻ nữ nhi. Nhưng nhỡ ta trở về được mà vắng nàng, liệu nỗi buồn ấy còn lớn đến đâu.
Nói xong, sai a hoàn rót rượu, hai người cùng uống. Đỗ Khắc Chung lại cầm cây kiếm gõ vào mạn thuyền làm nhịp, hát với Ngọc Tú:
Gắng trèo lên ngọn núi cao
Không người rót chén rượu đào mời ta
Vườn xưa thương cúc nở hoa
Ai đem đoá ngọc gửi ra chiến trường1.
Chiều hôm ấy thượng hoàng cùng vua Trần Nhân tông cho Đỗ Khắc Chung cầm thư đi sứ sang trại Ô Mã Nhi để dò xét tình hình nhưng trong thư lại nói trá là cầu hoà. Đỗ Khắc Chung đến nơi, trời đã tối. Ô Mã Nhi ngồi trong tướng doanh, vênh vang đập án, quát:
– Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ sát thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm.
Đỗ Khắc Chung không hề đổi sắc mặt, cứ tự nhiên đáp:
– Chó nhà cắn người không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ thích chữ đó thôi. Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần cũng có thích chữ đây2.
Khắc Chung nói xong, kéo cánh tay áo lên cho Ô Mã Nhi xem, thấy hai chữ Sát Thátvừa to vừa đậm. Ô Mã Nhi nói:
– Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao2?
Khắc Chung nói:
– Hiền tướng không theo cái cách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa tín thư trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau. Người ta nói: Thú cùng thì cắn lại, chim cùng thì mổ lại huống chi là người 2.
Ô Mã Nhi thấy Đỗ Khắc Chung ứng đối chững chạc không chút sợ hãi như vậy thì tức quá, gào lên:
– Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành. Quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi sẽ yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu như cứ chấp nê thì chỉ trong khoảng khắc núi sông sẽ thành bình địa, vua tôi sẽ ra cỏ nát2
Đỗ Khắc Chung nói:
– Quốc vương tôi biết như thế nên mọi việc đã trù liệu đâu vào đấy cả rồi.
Ô Mã Nhi thấy không làm sao đè bẹp được ý chí của Đỗ Khắc Chung nên mới đưa đi xem doanh trại thuỷ bộ, khoe quân lực mạnh mẽ để doạ rồi cho về ngay trong đêm. Khắc Chung đi khỏi, Ô Mã Nhi nói với các tướng:
– Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống hạng Chích, không nịnh ta lên hàng Nghiêu, mà chỉ nói “chó nhà cắn người”, giỏi ứng đối. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được2.
Triệu Tu Kỷ nói:
– Vậy sao ta không giết quách hắn đi cho xong.
Ô Mã Nhi liền gọi bốn tướng Giả Tê, Giả Ngưu, Tưởng Long, Tưởng Hổ đem hai mươi thuyền nhẹ đuổi theo Đỗ Khắc Chung, bắt được là giết luôn. Thuyền của Đỗ Khắc Chung chỉ có bốn người chèo, cứ từ từ mà đi, mới được vài dặm đã thấy thuyền quân Nguyên buồm căng, chèo khua, đèn đuốc sáng rực, đuổi rất gấp, trên mỗi thuyền đều có hàng chục tay cung. Lính Nguyên hô vang:
– Giết giết.
Nghe ghê cả người.
Thật là:
Vừa thoát ra ngoài nơi hang cọp
Lại rơi vào miệng lũ cá kình
Đỗ Khắc Chung đã thành công lớn trong chuyến đi này nhưng không biết có về được không? Xin mời bạn đọc tiếp ở chương 31 xem kết cuộc ra sao.
1 Phạm Ngũ Lão lúc này chưa phải là tướng của triều đình nhà Trần, ông mới chỉ thuộc hàng gia tướng trong đạo quân riêng của Hưng Đạo vương. Tuy nhiên, vì biết ông là người có tài nên Hưng Đạo vương vẫn giao cho những nhiệm vụ lớn.
1 Sông Phú Lương: Một tên khác của sông Hồng thời bấy giờ.
2 Triệt đường lương Sở: Sở Bá vương Hạng Vũ đánh nhau với Hán Cao Tổ Lưu Bang, bị Bành Việt chặn mất đường tiếp lương nên nhiều lần khốn đốn.
3 Đức ông: Chỉ Trần Hưng Đạo đại vương
4 Khả Lan Vi: Cửa ải sát liền biên giới.
1 Điển Vi, Hứa Chử: Hai viên dũng tướng khoẻ nhất của Tào Tháo thời Tam Quốc.
1 ĐVsktt.
1 Lời dịch phóng tác bài thơ Tư Trường An Cố Viên của Sầm Tham đời Đường, phiên âm nguyên văn nhưsau:
Cưỡng giục đăng cao khứ
Vô nhân tống tửu lai
Dao liên cố viên cúc
Ưng bang chiến trường khai.
2 Theo ĐVsktt.
Đ.T