Đan Thành
ĐOẠT SÁO CHƯƠNG DƯƠNG, CHIÊU MINH ĐÁNH TAN PHÀN TIẾP
THU LẠI THĂNG LONG, TRUNG THÀNH LỪA ĐUỔI THOÁT HOAN…Đan Thành
ĐOẠT SÁO CHƯƠNG DƯƠNG, CHIÊU MINH ĐÁNH TAN PHÀN TIẾP
THU LẠI THĂNG LONG, TRUNG THÀNH LỪA ĐUỔI THOÁT HOAN
Trước khi nói đến trận đánh ở Thăng Long, xin mời độc giả hãy đến với đạo quân của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Hải đoàn của Chiêu Minh vương có năm vạn quân, cuối tháng tư đi từ Thanh Hoá ra thẳng cửa Giao Hải, ngày mồng hai tháng năm lên tới Hải Thị. Hưng Đạo vương ra đón về đại doanh ở A Lỗ, nói:
– Thái sư ra đúng lúc lắm. Tôi đang rất mong.
Chiêu Minh vương hỏi:
– Quân giặc ở Trường Yên, Thiên Trường đã bị nhà vua diệt gọn. ở đây Quốc công định thế nào?
Hưng Đạo vương nói:
– Quân giặc ở A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử đã quét sạch rồi. Trương Hiển ở Đại Mang theo hàng, nay có thêm người của Chiêu Văn ở đấy trấn giữ. Quân ta đang vây chặt Chương Dương và Thăng Long. Giặc đã mất hết nhuệ khí lại thêm đói khổ lâu ngày tất không chống nổi quân ta. Thoát Hoan thế nào cũng bỏ chạy. Tôi xin quay lại Vạn Kiếp bày trận đón bắt chúng. Việc còn lại ở đây xin nhờ thái sư liệu giúp.
Chiêu Minh vương nói:
– Quốc công cứ về Vạn Kiếp. Tôi dẫu không tài cán gì cũng xin làm nốt phần việc ở đây.
Hưng Đạo vương lại nói nhỏ với Chiêu Minh vương:
– Tôi đồ rằng Thoát Hoan bỏ chạy, thế nào cũng đưa tin cho Toa Đô. Thái sư nên phục binh bắt lấy kẻ đưa tin. Chỉ giữa tháng này thế nào Toa Đô cũng quay lại. Khi ấy thái sư dùng Trương Hiển làm mồi để nhử Toa Đô vào bẫy, nhất định diệt được.
Chiêu Minh vương nói:
– Tôi hiểu ý quốc công rồi.
Ngay chiều hôm ấy, Hưng Đạo vương để lại tất cả quân lính cho Chiêu Minh vương điều vát, chỉ mang Yết Kiêu với một nghìn lính hộ vệ theo sông Kẻ Luộc ra sông Thái Bình về Vạn Kiếp. Hưng Ninh vương Trần Tung đem quân đến đón về đại doanh.
Sáng hôm sau mồng ba tháng năm năm ất Dậu (07/6/1285), thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tiến quân đến thẳng Chương Dương, ra lệnh đánh thành! Quân sĩ bốn mặt rầm rập tràn lên. Tiếng pháo nổ, tiếng ngựa hí, quân reo, trong chốc lát thành Chương Dương chìm trong khói bụi mịt mù.
Trong khi Chương Dương đang bị đánh gấp, ở Thăng Long Thoát Hoan liên tiếp nhận được tin mọi nơi thất thủ, hao binh tổn tướng, liền gọi A Lý Hải Nha đến thương nghị, nói:
– Đúng là Trần Quốc Tuấn đang ở sông Cái. Tôi không nghe ông nên phòng tuyến mới vỡ thế này. Ông điều ngay một vạn quân xuống giúp Phàn Tiếp giữ bằng được Chương Dương.
A Lý Hải Nha nói:
– Quân Nam tập trung ở ngoài thành đến mấy chục vạn. Không biết chúng tiến đánh ta lúc nào. Nếu đem quân ra ngoài tất bị vây đánh ngay, không thể đi được. Xin thái tử gọi Lý Hằng mang binh thuyền trở về, vạn nhất không giữ nổi thành còn có thuyền mà sang sông.
– Ta đã cho người đi gọi Lý Hằng, Tôn Hựu rồi, chỉ trong hôm nay hay sáng mai là về đến đây thôi. Cứ giữ lấy cầu phao không lo gì đường rút, lệnh cho Mã Vinh ở Hồng Giang khẩu đem quân về hợp với Khoan Triệt, giữ Đông Bộ Đầu. Cho Triệu Tu Kỷ đi Chương Dương, nếu không đi được hãy quay về cũng không sao. Ta còn giữ được Chương Dương, quân Nam còn phải dè chừng không dám làm quá.
Triệu Tu Kỷ nhận lệnh đem một vạn quân kỵ bộ xuống Chương Dương. Quân Việt ở Triều Đông nhìn thấy liền vào tướng doanh báo. Chiêu Thành vương định đem quân chặn đánh. Chiêu Văn vương nói:
– Chương Dương bây giờ đã bị Chiêu Minh phá tan rồi. Bọn này có xuống dưới ấy cũng thành một đám cô quân mà thôi, không cần phải đánh. Chúng đang hoang mang, ta nên đánh thành ngay đi có hơn không.
Chiêu Thành vương nói:
– Chiêu Văn nói đúng lắm. Tiến binh ngay đi. Cứ bắc pháo lôi thanh mà giã vào, cha con chúng nó nát như tương ngay.
Trung Thành vương nói:
– Không nên bắn pháo. Kinh thành có nhiều nhà cửa cung đài, bắn pháo lôi thanh vào tan nát hết. Xin chư vương xét câu ném chuột còn e vỡ ngọc. Tôi nghĩ dùng xung xa phá cửa thành cùng thang mây trèo lên là hơn.
Chiêu Thành vương nói:
– Khi nào đánh vào cổng Thăng Long thành mới dùng xung xa, còn đánh ở vòng thành Đại La, dùng lôi thanh pháo mà bắn rồi cho quân tràn lên mới nhanh được
Các tướng nghe theo, liền phát lệnh công thành. Trung Thành vương, Chiêu Thành vương vây đánh Đại La; Chiêu Văn vương, Nguyễn Khoái đánh Đông Bộ Đầu. Quân thuỷ, quân bộ hai đường ép tới. Quân Nguyên trong thành ném đá, ném lửa, bắn tên ra cản lại, trong chốc lát khói lửa trùm lên doanh trại quân Nguyên. Trên mặt luỹ Đại La tên bay, kiếm múa, một trận sát phạt đẫm máu suốt mấy canh giờ.
Triệu Tu Kỷ xuống gần tới Chương Dương, bỗng thấy phía trước có một đội kỵ mã tiến đến như bay, liền dàn quân nghênh chiến. Khi đạo quân mã ấy đến gần, nhìn kĩ hoá ra là Phàn Tiếp cùng Bột La Hợp Đáp Nhi. Triệu Tu Kỷ hỏi:
– Chư tướng sao lại chạy về đây?
Phàn Tiếp mệt quá, thở hồng hộc, không trả lời ngay được, chỏ tay về phía sau ra hiệu quân Việt đang đuổi tới. Nhiều lính Nguyên không còn đủ sức ngồi trên mình ngựa, ngã lăn xuống đất ngất lịm. Triệu Tu Kỷ nói:
– Các vị chớ ngại. Để tôi ngăn chúng lại.
Lúc này Phàn Tiếp mới hơi hoàn hồn, vừa thở vừa nói:
– ối giời ơi! Mong gì chặn chúng. Chạy đi cho mau không nó đến giã cho mấy loạt pháo lôi thanh chả bét nhè cả lũ bây giờ.
Triệu Tu Kỷ đã biết thế nào là pháo lôi thanh, nghe nói thế, hiểu rõ cơ sự ở Chương Dương rồi, hỏi:
– Giảo Kỳ điện hạ đâu?
Bột La Hợp Đáp Nhi lắc đầu, trả lời:
– Giời ơi! Pháo nó bắn dữ quá. Khói bụi mịt mù, không nhìn thấy gì. Mỗi người chạy tan tác mỗi nơi. Không biết điện hạ chạy về hướng nào.
Các tướng còn đang nói chuyện, lại thấy Chúc Hoạt ôm Hạ Tổ Huy máu me be bét khắp người, cùng ngồi trên một con ngựa chạy tới gọi:
– Các tướng quân cứu chúng tôi với.
Triệu Tu Kỷ cho lính đỡ hai người xuống, Hạ Tổ Huy đã chết từ bao giờ. Triệu Tu Kỷ hỏi:
– Ngươi có thấy Giảo Kỳ điện hạ đâu không?
Chúc Hoạt nói:
– Lúc quân Nam bắn pháo, tôi còn nhìn thấy điện hạ nhưng khi quân chúng đánh ùa vào thành, không biết ngài chạy về hướng nào. Tôi nhìn trước sau thấy quân ta chết hết cả mới chạy ra cổng Bắc, gặp Hạ Tổ Huy bị thương kêu cứu, vội nhảy xuống ôm lên ngựa chạy về đây, không ngờ máu ra nhiều chết mất.
Quân Nguyên nghe nói đều sởn da gà. Triệu Tu Kỷ liền ra lệnh cho lính quay về Thăng Long. Phía sau đã nghe tiếng quân Việt rầm rầm đuổi tới. Quân Nguyên ba hồn bẩy vía lên mây, co giò ù té chạy.
Chiêu Minh vương vào thành Chương Dương, gọi Trần Quốc Thành, Nguyễn Truyền đến, bảo:
– Hai ngươi đem quân truy bắt tàn binh giặc Nguyên đang tháo chạy.
Hai tướng vâng lệnh đi ngay. Chiêu Minh vương lại truyền lệnh cho Văn Túc vương Trần Đạo Tái cùng Nguyễn Khả Nạp đem quân chữa cháy rồi kiểm điểm các kho tàng. Chương Dương vốn được Thoát Hoan cho xây dựng thành một căn cứ hậu cần lớn, chi viện cho toàn tuyến sông Cái từ Trường Yên lên đến Thăng Long nên hệ thống kho tàng ở đây rất là rộng lớn. Văn Túc vương khiểm điểm xong, thu được cung tên, gươm giáo, quân cụ nhiều không kể xiết, chất chồng như núi. Chỉ có kho lương thực là trống rỗng chẳng còn đáng bao nhiêu. Về sau trong bài thơ mừng công, Chiêu Minh vương viết câu mở đầu Đoạt sáo Chương Dương độ chính là như vậy.
Lúc trước Giảo Kỳ, Một Tàng Độc Long, Tổ Đại thấy pháo quân Việt bắn dữ quá, quân doanh bốc cháy hết cả, lính tuỳ tùng, ngựa nghẽo trúng đạn tật lê chết gần hết, lính Việt đã tràn vào thành, mới dắt díu nhau dẫn mấy trăm quân đánh mở đường chạy ra bờ sông, lấy thuyền giấu trong bãi lau từ hôm trước, tìm đường trốn về Thăng Long. Hoài Văn hầu trông thấy, liền cho khinh thuyền đuổi theo. Lúc sau quân Việt đuổi gần kịp, Một Tàng Độc Long bảo với Tổ Đại:
– Ông bảo vệ điện hạ chạy gấp đi để tôi chặn quân Nam lại cho.
Nói xong dẫn năm, sáu đấu thuyền quay lại đánh nhau với Trần Quốc Toản. Quốc Toản hô quân vây chặt lấy rồi bắn tên sang. Quân Nguyên ít không thể địch được, chết sạch cả dưới sông, chỉ có thuyền của Một Tàng Độc Long cố bơi chạy trốn. Quân Việt hò reo đuổi miết. Một Tàng Độc Long không chạy được nữa, bị Quốc Toản nhảy sang đâm một giáo, lăn xuống sông chết. Quân Việt lại đuổi theo mấy chiếc thuyền của Giảo Kỳ. Tổ Đại thấy nguy, nói:
– Điện hạ hãy trốn xuống bãi lau gần bờ dứa dại kia, tôi đem thuyền nhử quân Nam đuổi ra xa rồi quay lại đón điện hạ sau vậy.
Nói rồi hô lính chèo sát vào mé bãi lau cho Giảo Kỳ lặng lẽ trườn xuống nước lội sâu vào trong núp dưới bờ dứa dại. Tổ Đại lại cho thuyền bơi ra giữa dòng. Quốc Toản không biết Giảo Kỳ đã trốn nên cứ đuổi theo thuyền của Tổ Đại. Tổ Đại vốn là tay giỏi lội nước, cửi hết giáp trụ, đợi thuyền quân Việt đến gần bắn sang, mới giả vờ ngã xuống nước, lặn một hơi vào bờ lau, nằm yên không dám thở mạnh. Hoài Văn hầu đuổi kịp đám quân Nguyên, cho quân bủa vây giết hết cả, bắt lấy thuyền quay về. Tổ Đại trong bờ lau nhìn thấy hết, cứ nằm im đợi quân Việt đi qua, đến khi mặt sông trở lại yên lặng mới lóp ngóp lội đi tìm Giảo Kỳ, khi đến gần bờ dứa dại, nghe tiếng gọi khe khẽ:
– Tổ Đại! Tổ Đại. Bản vương ở đây.
Tổ Đại nghe đúng tiếng Giảo Kỳ mới lội đến. Chủ tớ gặp được nhau mừng mừng tủi tủi. Giảo Kỳ mếu máo nói:
– Ta những tưởng không còn gặp được nhà ngươi nữa.
Tổ Đại vốn là kẻ có bản lĩnh, an ủi:
– Điện hạ chớ lo. Đợi đến tối tôi đưa điện hạ lên bờ rồi tìm về Thăng Long.
Giảo Kỳ nói;
– Khắp mọi nơi chỗ nào cũng thấy toàn quân Nam, liệu có đi thoát không!
– Đêm tối trời, ta cứ men theo bờ sông mà lên, thế nào cũng tới nơi.
– Nhưng mà ta đói quá, từ sáng đến giờ chưa có tí gì vào bụng, lại ngâm nước mãi thế này bợt hết cả người ra rồi, chắc gì chịu nổi đến tối đây.
Chủ tớ đang than thở lại thấy trên mặt sông đoàn thuyền chiến của quân Việt nối nhau ngược nước đi lên. Quân sĩ dô hò chèo thuyền, tiếng vang xa đến mấy chục dặm. Trên chiếc ưng thuyền cỡ lớn có treo cờ hiệu Chiêu Minh vương. Giảo Kỳ hốt hoảng nói:
– Chết rồi! Trần Quang Khải đem quân lên đánh Thăng Long, thái tử cùng quân sư nguy mất.
Tổ Đại nói:
– Quân ta ở Thăng Long, Đại La, Đông Bộ Đầu còn nhiều. Chưa chắc quân Nam đã làm gì nổi.
Hưng Đạo vương về đến Vạn Kiếp, nhận được tin Chiêu Minh vương đã phá xong Chương Dương đang tiến đánh Đại La, bảo Hưng Ninh vương rằng:
– Chiêu Minh vương đem quân đánh Thăng Long, nhất định Thoát Hoan không thể giữ được. Thế nào y cũng gọi quân từ Thiên Đức về cứu, như vậy sẽ gây khó khăn cho việc quân ta công thành. Vương huynh hãy đem quân đến cửa Đại Than, cùng với Hưng Nhượng vương lại tiến đánh sang phía Nam Thiên Đức, khiến Tản Đáp Nhi Đải không dám điều quân về cứu Thăng Long.
Hưng Ninh vương nhận lệnh đi ngay. Quốc Tảng trước đã tiến đánh tuyến Thiên Đức, hẹn đến ngày hai chín thàng tư rút quân về giữ cửa Đại Than. Lúc này thấy Hưng Ninh vương đến, bàn rằng:
– Lý, Tôn hai người ấy nhận được tin Thăng Long bị đánh thế nào cũng quay về. Ta nên bất ngờ đánh gấp tất chúng trở tay không kịp, mà chẳng dám kéo nhau về Thăng Long nữa.
– Cháu nói đúng lắm. Cháu tiến quân lên, để bác tiếp ứng cho.
Hưng Nhượng vương nghe theo liền tiến quân vào sông Thiên Đức.
Tản Đáp Nhi Đải khi trước mang một vạn quân sang đóng tướng doanh bên bờ Nam sông Thiên Đức, lúc bị Hưng Nhượng vương đánh, không chống nổi phải cầu cứu về Bồ Đề và Thăng Long. Thoát Hoan cho Tôn Hựu, Đường Ngột Đải mỗi người mang năm nghìn quân qua cầu phao theo đường bộ đi cứu viện. Lý Hằng nhặt nhạnh thuyền bè cũng mang năm nghìn quân theo cửa sông Thiên Đức đánh xuống. Đúng ngày hai mươi chín tháng tư, các cánh quân cứu viện tới nơi, thấy quân Việt đã về giữ cửa Đại Than ba ngày sau cũng không tiến đánh. Lý Hằng ít thuyền không dám đuổi theo. Còn Đường Ngột Đải, Tôn Hựu chỉ có quân bộ đành đứng trên bờ nhìn, không làm gì được. Nạp Tốc Lạt Đinh thấy vậy, mang quân quay lại Bồ Đề. Tôn Hựu, Đường Ngột Đải tìm nơi cao ráo đóng quân, chỉ có Lý Hằng lập thuỷ trại trên mặt sông. Tản Đáp Nhi Đải đóng quân doanh trên bờ, sai hai thân tướng là Tiết Hà, Hứa Phụ mỗi người mang năm trăm quân đóng hai đồn ngoại vi để đón đánh quân Việt, lại sai Tiết Hồ đem một trăm kỵ sĩ đi tuần trên toàn tuyến để canh chừng. Trưa ngày mồng Ba tháng Năm, Tôn Hựu nói với các cận tướng là Cát Tô Viên Phúc, Lễ Chính, Hạ Lợi rằng:
– Sắp đến ngày tết Đoan Dương1, mong sao Khuất Nguyên phù hộ cho. Ta vốn là người nước Sở, vậy mà chẳng có cái gì để cúng tế ông ấy. Các ngươi thử vào mấy làng gần đây xem có vớ được con gà con vịt nào không.
Cát Tô Viên Phúc nói:
– Bây giờ đi tìm thức ăn trong làng không khác gì đi xuống Diêm phủ. Đi nhiều tất trại bỏ trống, đi ít ăn tên thuốc độc của quân Nam. Xin tướng quân chớ nghĩ đến việc đó làm gì.
Quân tướng còn đang nói chuyện, bỗng lính vào báo có thư của thái tử điện hạ gửi tới. Tôn Hựu mở thư đọc, hoá ra là lệnh của Thoát Hoan gọi Lý Hằng, Tôn Hựu cấp tốc quay về cứu Đại La. Tôn Hựu liền cho lính mời Đường Ngột Đải, Lý Hằng đến tướng doanh của Tản Đáp Nhi Đải bàn việc. Lý Hằng nói:
– Thái tử đã triệu thì Đại La chắc là nguy lắm, ta phải về thôi.
Tôn Hựu nói:
– Quân Nam ở đây chỉ đánh nghi binh. Tôi với Lý tướng quân về Đại La, các vị ở đây chỉ cần giữ vững bờ Nam, chúng cũng không làm gì được. Nếu gay go quá, báo cho Nạp Tốc Lạt Đinh mang quân xuống cứu.
Tản Đáp Nhi Đải nói:
– Tôi sợ quân Nam đến đánh ngay bây giờ đấy. Năm sáu vạn quân của Nạp Tốc Lạt Đinh với hơn vạn quân của tôi và tướng quân Đường Ngột Đải khó mà giữ nổi.
Tản Đáp Nhi Đải vừa dứt lời đã nghe tiếng pháo nổ vang rền ở phía đồn ngoại vi. Lát sau hơn chục lính Nguyên chạy về báo:
– Đồn thứ nhất đã mất rồi. Tiết Hà bị pháo bắn chết. Quân Nam đông không biết bao nhiêu mà kể.
– Tôn tướng quân ở lại đây để cùng ngăn quân Nam. Tôi mang binh thuyền về cứu thái tử.
Lý Hằng nói xong, xuống thuyền quay về Thăng Long. Tản Đáp Nhi Đải, Tôn Hựu, Đường Ngột Đải cùng mang lính ra chống với quân Việt. Lúc bấy giờ Hưng Nhượng vương đã chiếm xong đồn thứ nhất, giết được Tiết Hà, đang đánh đồn của Hứa Phụ, thấy ba tướng Nguyên dẫn quân tràn xuống. Hưng Ninh vương liền hô lôi thanh pháo bắn lên. Đạn nổ vang trời. Đám ngựa chiến của Tôn Hựu bị thiệt hại nặng phải lùi lại. Quân Việt ùa lên bờ ném mã phong pháo. Tản Đáp Nhi Đải chống không lại, vội nhổ trại lên đóng trên cánh đồng cách xa bờ sông, cùng Tôn Hựu, Đường Ngột Đải lập luỹ phòng giữ, không dám ra đánh nữa.
Quay lại Thăng Long và Đông Bộ Đầu. Trung Thành vương, Chiêu Thành vương đã vào được La Thành vì thế Khoan Triệt ở Đông Bộ Đầu bị cắt rời khỏi sự chỉ huy của Thoát Hoan. Nhưng Khoan Triệt là tướng từng trải chiến trận, lắm thủ đoạn tác chiến, lại đông quân đóng ở một căn cứ vững chắc không kém gì trong thành nên quân Việt chưa thắng được, đánh nhau mãi đến chiều. Quân hai bên cùng chết hại nhiều lắm. Đầu giờ Thân1 Chiêu Minh vương về đến nơi. Nguyễn Khoái nói:
– Tôi xin lên phá tan cầu phao, quân chúng tất rối loạn.
Chiêu Minh vương ngăn lại, nói:
– Không được! Ta không dám bắn vào trong thành mà quân chúng cứ cố giữ không biết đánh đến bao giờ mới được. Phải nhử chúng ra ngoài mà đánh nên chớ phá cầu phao.
Nói xong sai Trần Thông đem quân đánh lên thành. Quân Nguyên trong thành bắn tên, ném đá chống trả dữ dội. Quân Việt không sao vào thành được. Văn Túc vương ở dưới sông thấy có mấy chục thuyền quân Nguyên từ thượng nguồn bơi xuống, lá cờ hiệu trên chiếc thuyền đi đầu có một chữ Lý, liền xin đem quân đến đánh. Chiêu Minh vương nói:
– Đây là Lý Hằng về cứu Thoát Hoan. Ngươi cùng Hoài Văn hầu đem quân lên, chỉ phá hết cầu phao là được. Khi giao chiến phải giả thua, mở một đường cho Lý Hằng vào thành với Thoát Hoan.
Văn Túc vương hỏi:
– Phụ vương vừa bảo không phá cầu cơ mà?
Chiêu Minh vương nói:
– Thoát Hoan không có thuyền, ta để cầu cho nó chạy. Nay Lý Hằng đem thuyền về đây, ta phá cầu đi làm ra vẻ không muốn chúng chạy ắt chúng sẽ chạy.
Trung Thành vương nói:
– Tôi cho Thoát Hoan, A Lý Hải Nha đều muốn chạy cả nhưng chưa kẻ nào dám nói ra miệng thôi. Ta chỉ việc châm ngòi thì cái ý muốn tháo chạy tất bùng lên ngay.
Chiêu Thành vương hỏi:
– Vương định châm ngòi thế nào.
– Nếu mượn Triệu Trung được mươi người lính Tống, việc này chẳng có khó gì.
Chiêu Minh vương liền mời Trần Nhật Duật và Triệu Trung tới, nói:
– Trung Thành vương muốn mượn mươi người lính Tống để thực hiện mưu kế. Mong hai người giúp cho.
Trần Nhật Duật đưa mắt nhìn Triệu Trung. Triệu Trung biết ý, nói:
– Chỉ cốt đánh được giặc Nguyên, vương công muốn mượn bao nhiêu tôi cũng ưng lòng.
Nói xong liền giao cho Trung Thành vương mười người lính Tống. Trung Thành vương cho mười người ấy thay y giáp quân Nguyên, lại lấy máu trên những xác chết bôi nhiều chỗ trên người, dặn:
– Các ngươi hãy đến con đường từ Hồng Giang khẩu dẫn vào thành, nằm rải rác ở đấy. Khi Lý Hằng đi qua, giả như bị thương kêu cứu để theo vào trong thành, đến đêm tung tin thái tử muốn rút quân về bên kia sông để cho lính Nguyên kháo nhau đến tai Thoát Hoan là được.
Lý Hằng khi ấy đang từ cửa sông Thiên Đức xuôi xuống, thấy quân Việt phá mất cầu phao, liền tiến đánh. Văn Túc vương, Hoài Văn hầu cùng đưa quân ra nghênh chiến rồi giả vờ thua, cho thuyền bơi xuống hạ lưu. Lý Hằng sang bến Hồng Giang khẩu, trời đã nhá nhem tối. Quân Việt không tấn công thành nữa mà lui về nghỉ ở Đại La và bến Triều Đông. Lý Hằng để lại ba nghìn quân cho Dịch Thụ, Bão Thúc Nguyên giữ thuyền, còn mình cùng Âu Dương Cừ mang hai nghìn lính vào trong thành, dọc đường đi thấy rải rác mấy lính Nguyên kêu cứu. Âu Dương Cừ gắt:
– Chúng may đứa nào đi được, theo cả vào thành. Đang mệt bỏ bố thế này chẳng lẽ lại còn khiêng chúng mày đi chắc.
Mấy lính Nguyên đang kêu khóc thấy nói vậy liền đứng dậy tập tễnh theo vào thành mà không bị ai hỏi gì cả.
Bấy giờ trời đã gần tối, Trung Thành vương, Chiêu Thành vương cho quân nghỉ trong thành Đại La, bỗng thấy có tiếng xôn xao ngoài cửa phía Nam. Chiêu Thành vương lên luỹ xem hoá ra là Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp đem quân quay về. Chiêu Thành vương cho quân bắn pháo, ném đá ra. Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp biết Đại La đã mất, cho quân lùi lại, phía sau lại có Trần Quốc Thành, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền đuổi tới. Quân Nguyên tiến thoái lưỡng nan. Phàn Tiếp nói:
– Ta chạy ra Đông Bộ Đầu xem có kiếm được thuyền bè gì không.
Triệu Tu Kỷ nghe theo liền dẫn quân chạy ra Đông Bộ Đầu. Quân Nguyên hành quân từ sáng đến giờ, người ngựa đều mệt mỏi lại không đủ ăn nên rớt lại đằng sau rất nhiều, bị quân Việt bắt được. Hai tướng tới được Đông Bộ Đầu, trời đã tối một lúc, không thấy quân Việt vây đồn. Khoan Triệt đang cùng Đường Phụng Nguyên, Đổng Nhạc, Nhan Tiết Bá, Phương Vạn Lợi bàn cách chống giữ. Lính canh vào báo. Khoan Triệt liền ra đón vào, hỏi:
– Quân ta ở dưới ấy thế nào?
Phàn Tiếp nói:
– Mất hết cả rồi. Suốt từ Trường Yên lên đến đây không còn sót đồn nào. A Thâm tử trận Mãng Cổ Đài chạy đâu không rõ.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Kể cũng lạ, đồn này chơ vơ gần bãi sông mà quân Nam chưa chiếm mất ư?
Khoan Triệt nói:
– Ông không trông từng đống xác lính hai bên chồng chất lên nhau đấy sao. Chúng đánh suốt từ trưa đến tối. Chúng tôi vất vả lắm mới giữ nổi nhưng thiệt hại đến hàng vạn quân sĩ. Ngày mai chúng cũng đánh kiểu này, không chắc có còn trụ vững được.
Triệu Tu Kỷ nói:
– Muốn trụ vững phải lập đồn ngoại vi, giữ vững liên hệ với trong thành để hai bên chi viện cho nhau.
Khoan Triệt nói:
– Không được đâu. Chỉ có đồn lớn như ở đây mới có thể giữ vững được. Lập đồn nhỏ là làm mồi cho hoả khí của chúng ngay.
Phàn Tiếp nghe nói đến hoả khí, sợ hết hồn, không dám nói gì nữa. Các tướng còn đang bàn, quân hầu đã dâng lên món thịt ngựa hầm nhệu nhạo. Triệu Tu Kỷ hỏi:
– Không còn tí bánh, tí bột nào ư? Xót ruột quá.
Khoan Triệt nói:
– Ba bốn ngày nay chúng tôi toàn ăn vã thịt ngựa thôi. Lương thực hết sạch cả rồi. Quân lính nhiều người không chịu được, sinh ra kiết lỵ lại chẳng có thuốc mà chữa.
Phàn Tiếp nói:
– Chết thật! Tình thế đã đến nước này, không nên ở lại đây làm gì nữa. Chúng ta nên vào thành xin với thái tử cho về bên kia sông trong khi còn chưa quá muộn.
Khoan Triệt nói:
– Tôi cũng nghĩ đúng như ông nhưng bình chương quân sư cứ muốn trụ lại.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Lão ấy cũng muốn chạy bỏ mẹ lên rồi nhưng cứ sĩ! Rồi các ông thấy, nếu lui binh ắt lão chạy trước cho mà xem. Tốt nhất bây giờ chúng ta cùng vào khuyên thái tử lui quân về bờ Bắc, sự thể thế nào rồi sẽ liệu sau.
Khoan Triệt, Phàn Tiếp nghe theo, bốn người cùng vào thành.
Lúc bấy giờ trống đã điểm canh hai. Thoát Hoan đang ngồi bàn việc với A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Lưu Thế Anh, có quân vào báo:
– Binh lính khắp nơi trong thành rục rịch lui quân. Họ nói là lệnh của thái tử như thế. Các trại xôn xao chộn rộn lắm.
Thoát Hoan nói:
– Ta đâu có ra lệnh như vậy.
Lại có lính vào báo các tướng ở Đông Bộ Đầu muốn vào cầu kiến. Thoát Hoan cho vào. Lý Hằng nói:
– Quân lính đồn đại lung tung hẳn là phải có nguyên cớ gì đây.
A Lý Hải Nha nói:
– Để tôi cho người đi tra xét xem kẻ nào dám đồn bậy lung lạc lòng quân, chém đi mới được.
Vừa khi ấy bốn tướng Khoan Triệt, Phàn Tiếp, Bột La Hợp Đáp Nhi, Triệu Tu Kỷ bước vào, nói:
– Bình chương quân sư không cần phải tra xét ai. Chúng tôi cho rằng lời đồn trong quân doanh là rất có lý. Ai dám nói thẳng ra điều ấy, phải được thưởng công mới đúng.
A Lý Hải Nha chỉ vào bốn người, nói:
– Các ngươi nói như vậy là nghĩa làm sao.
Bột La Hợp Đáp Nhi nói:
– Quân ta nay đã hết sạch lương thực, vũ khí, binh tướng hao hụt quá nửa mà chẳng có lấy một người bổ sung. Quân Nam ngày càng mạnh. Tôi thiết nghĩ người hay lo xa như quân sư phải biết rõ nên làm thế nào rồi còn gì! Xin thái tử kíp sang sông mới kịp được.
Thoát Hoan buồn bã nói:
– Tình thế đã như vậy, quân sư cũng không nên cố chấp làm chi nữa. Lời các ông ấy nói đều đúng cả. Ta cũng đã nghĩ đến chước này nhưng chưa tiện nói ra thôi. Cứ rút sang bờ bắc rồi tính sau vậy nhưng phải đợi đến sáng xem Giảo Kỳ điện hạ có về không đã.
Lý Hằng nói:
– Đã đi thì canh tư phải ra khỏi thành mới kịp chứ đến sáng quân Nam lại tiến đánh, ta đi sao được nữa. Vả lại cầu phao đã bị phá, thuyền ít, phải chở nhiều chuyến mới hết quân được.
Thoát Hoan nói với Lý Hằng:
– Vậy ngươi quay ngay về Hồng Giang khẩu điều hết thuyền đến Đông Bộ Đầu đợi ta ở đấy.
Lý Hằng vội quay lại Hồng Giang khẩu. Hai người lính Tống lại theo ra rồi trốn về báo với các tướng Việt, tám người còn lại chờ khi nào quân Nguyên mở cửa Bắc chạy ra là cũng mở cửa Nam cho quân Việt tràn vào.
Chiêu Minh vương được tin ấy, nói:
– Khi nào thuyền giặc ra đến giữa sông, vây lại mà đánh. Riêng Trung Thành vương thấy cửa Nam mở, xông ngay vào đuổi quân Nguyên ở trong thành ra, không cho chúng kịp đốt phá cung thất của ta. Hoàng thượng có chỉ dụ từ trước hễ đánh đêm, phải cẩn thận vì quân của Chiêu Văn vương có nhiều người Tống tiếng nói khó phân với người Thát, chớ có nhầm.
Các tướng đồng thanh dạ ran. Chiêu Minh vương lại gọi Trần Quốc Toản đến, bảo:
– Thoát Hoan thua, thế nào cũng chạy qua châu Bắc Giang để lên ải Lão Thử. Ta sợ một mình Minh Hiến vương không chặn nổi chúng. Hoài Văn hãy mang quân đi đường tắt tới sông Như Nguyệt, bên bờ Bắc có ngọn núi Tam Tằng nhìn xuống bến sông. Quân Nguyên thế nào cũng sang ở chỗ ấy. Ngươi phục binh phía sau núi, cắm cho nhiều cờ khắp các cánh rừng gần đấy làm nghi binh, khi nào thấy quân chúng sang đến giữa sông, tung quân ra mà đánh, nhất định thắng to nhưng chớ ham quá, miễn sao lùa chúng về lối Vạn Kiếp là được.
Hoài Văn hầu nhận lệnh, dẫn quân đi ngay trong đêm. Canh tư đêm hôm ấy Thoát Hoan ra lệnh:
– Lý Hằng, Phàn Tiếp đem thuyền nhẹ bảo vệ thượng hạ mặt sông, đánh cản quân Nam. Mã Vinh, Cát Lý Hoa La, A Lý chỉ huy các thuyền lớn chở quân sang sông. Quân sư A Lý Hải Nha cùng Bột La Hợp Đáp Nhi, Triệu Tu Kỷ đem thuyền lương đi đội một sang trước, tin ngay cho Nạp Tốc Lạt Đinh biết để tiếp ứng. Lưu Thế Anh đem quân đốt hết cung thất của vua Nam rồi cùng ta đi đội hai. Khoan Triệt đội ba, đánh chặn quân Nam trên bờ, khi nào quân lính sang hết mới được đi.
Các tướng nhận lệnh ra thành, lên thuyền sang sông. Cổng Bắc vừa mở, quân Nguyên ùa nhau ra thành. Ai cũng muốn đi cho nhanh, chẳng ra hàng lối nào nữa. Lại nghe phía cổng Nam rộn lên tiếng ngựa hí, quân reo. Lính Việt ùa vào chém giết. Quân Nguyên chỉ mải rút lui không ai có lòng chiến đấu, cắm cổ chạy. Lưu Thế Anh không kịp đốt cung điện, cho lính mở cửa Đông đánh ra, may thay cửa Đông không có quân Việt nên Lưu Thế Anh hộ vệ cho Thoát Hoan ra được khỏi thành. Không đầy một canh giờ, quân Việt đã hoàn toàn chiếm được Thăng Long. Trung Thành vương sai bọn Lê Kim Thắng, Nguyễn Thạch Lượng đem lính đi chữa những nơi bén lửa, thu dọn cung thất.
Trời đã gần sáng, đằng Đông ửng lên một màu hồng rực rỡ. Trong chốc lát những đám mây được ánh sáng nhuộm thành màu vàng lửa. Quân Nguyên dồn lại ở Đông Bộ Đầu đến hàng chục vạn người. Mới chỉ có đội một của A Lý Hải Nha sang được sông. Thoát Hoan vừa xuống thuyền, từ phía hạ lưu hàng nghìn thuyền quân Việt chèo lên. Lính Việt hô to:
– Dô! Dô!
– Đánh, Đánh!
– Sát Thát! Sát Thát!
Rồi trên bộ, quân Việt từ trong thành Đại La kéo ra không biết bao nhiêu mà kể, người người cùng thét vang:
– Bắt lấy Thoát Hoan.
Thoát Hoan sợ ríu cả lưỡi, giục Lưu Thế Anh:
– Sang sang sang đò mau!
Những lính Nguyên chưa xuống được thuyền sợ hãi quá, bám víu lung tung khiến thuyền tròng trành, nhiều cái bị nước tràn vào gần chìm. Lưu Thế Anh rút kiếm quát:
– Các ngươi buông tay ra không ta chém.
Lời Lưu Thế Anh chìm nghỉm trong những tiếng gào khóc cùng tiếng pháo lôi thanh của quân Việt bắt đầu bắn vào. Quang cảnh ở Đông Bộ Đầu lúc này không khác gì chốn Diêm La địa phủ. Thuyền của Thoát Hoan ra được một đoạn, ngửa nghiêng suýt lật. Lưu Thế Anh trợn mắt chém sả vào đám lính Nguyên bám theo. Nước sông nhuốm máu đỏ ngầu.
Chiêu Thành vương, Chiêu Văn vương thúc quân đánh lên. Lý Hằng, Phàn Tiếp cố chết đánh cản nhưng không lại. Thuyền quân Nguyên tan vỡ. Lính Nguyên chết đuối, kêu gào thảm thiết. Lưu Thế Anh cầm mộc che tên cho Thoát Hoan, lại nhờ có Lý Quán đem vài thuyền nhẹ hộ vệ mới bơi thoát sang bờ bên kia. Triệu Trung, Giả Cương, Phó Tường, Mã Phi Thái cùng đuổi theo nhưng Lưu Thế Anh đã đỡ Thoát Hoan lên bờ rồi. Mã Phi Thái cố đánh lên. Quân của Nạp Tốc Lạt Đinh nhất loạt bắn chặn lại. Phi Thái trúng hơn chục mũi tên, chết ngay trên bãi sông. Quân Việt vội đưa xác Thái lên thuyền chèo về. Chiêu Văn vương trông thấy, khóc nói rằng:
– Mã Phi Thái là đệ tử của Hứa thần tiên giao cho ta. Nay để chết ở chiến trường, ta thật có lỗi với ông ấy lắm.
Phó Tường nói:
– Hứa Tôn Đạo há lại không biết tử sinh ở chốn sa trường là chuyện thường tình hay sao? Xin vương công chớ có lo phiền.
Chiêu Văn vương nói:
– Các ngươi cùng ta vào sinh ra tử, nay bỗng cách biệt âm dương, ta cầm lòng sao được. Vả lại Mã Phi Thái còn trẻ mà có tài, có dũng, không đáng tiếc lắm sao.
Lúc bấy giờ Văn Túc vương cho quân liên tiếp bắn pháo lôi thanh vào đám quân Nguyên đang nhốn nháo ở bến Đông Bộ Đầu. Các tướng Nguyên không thể chỉ huy được binh lính nữa. Duy có Khoan Triệt vẫn bình tĩnh nói với Đường Phụng Nguyên, Đổng Nhạc rằng.
– Ta cùng các ngươi phải liều chết đánh chặn quân Nam để toàn quân sang sông, chớ phụ sự uỷ thác của…
Khoan Triệt chưa nói hết câu, một quả pháo nổ ngay cạnh Đường Phụng Nguyên. Phụng Nguyên ngã nhào xuống đất, chết cả người lẫn ngựa. Nhan Tiết Bá người bê bết máu từ đâu chạy tới, nói:
– Phương Vạn Lợi tử trận rồi. Tướng quân mau sang đò kẻo quân Nam đánh đến nơi.
Nhan Tiết Bá nói xong, lăn ra tắt thở. Khoan Triệt bảo Đổng Nhạc:
– Ngươi xuống thuyền đi. Quân chưa sang hết, ta dẫu chết cũng không rời khỏi nơi này.
Nói xong múa cây thiết kích vun vút xông vào đánh cản quân Việt một cách tuyệt vọng. Văn Túc vương thấy Khoan Triệt quá hung hãn mới giương cung bắn một phát. Mũi tên xuyên đúng giữa ngực, Khoan Triệt rống lên một tiếng kinh thiên động địa, ngã nhào xuống ngựa. Đổng Nhạc thấy chủ tướng đã chết mới gọi đám lính thân tín chạy xuống cướp thuyền của đám lính khác, bơi đi. Mấy nghìn lính Nguyên mắc lại bên bờ Nam không thuyền, không tướng, đành bỏ gươm giáo, dập đầu xin hàng cả.
Thoát Hoan sang được sông, A Lý Hải Nha, Nạp Tốc Lạt Đinh đến đón nói:
– Thái tử nên đóng đại bản doanh ngay ở đây để đối phó với quân Nam.
A Lý Hải Nha nói:
– Nơi này không phải là chỗ đóng đại doanh được. Quân Nam có thể tiến sang vây đánh ta bất cứ lúc nào, nên rút về nơi giáp giữa sông Phú Lương với sông Thiên Đức mà đóng, có thể tiến thoái đều thuận tiện.
Thoát Hoan nghe theo mới về nơi ấy đóng doanh. Sai các tướng kiểm điểm quân mã, khí giới, lương thảo để liệu đường ứng phó.
Bên kia sông, thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đem quân vào Thăng Long, một mặt cho tu sửa thành trì cung thất, mặt khác hội các tướng bàn việc tiến đánh sang bờ Bắc, truy đuổi Thoát Hoan, nói:
– Quân ta nhanh chóng vào được Thăng Long là nhờ các tướng sĩ ai ai cũng hết lòng đánh giặc, trong đó phải kể đến mưu kế của Trung Thành vương. Nay giặc chạy sang bờ Bắc, chẳng khác chi con thú cùng đường. Các tướng hãy cùng ta tiến quân dồn chúng về Vạn Kiếp là nơi Hưng Đạo vương phục binh.
Chiêu Thành vương nói:
– Thoát Hoan thua nữa tất không dám về lối Vạn Kiếp. Tôi cho thế nào y cũng chạy theo đường Lão Thử.
Chiêu Văn vương nói:
– Hưng Đạo vương đã đón ở Vạn Kiếp, thế nào chúng cũng về đấy, không sai được. Chư vương chẳng thấy khi bắt đầu đem quân xuống Hải Thị, Hưng Đạo nói chỉ trong mười ngày là đuổi được Thoát Hoan ra khỏi Thăng Long. Lúc ấy nhiều người còn chưa tin. Nay quả nhiên mới có tám ngày Thoát Hoan đã phải chạy rồi. Như thế đủ biết Hưng Đạo vương tính toán mọi việc đều chu đáo lắm. Ngả về Lão Thử đã có Minh Hiến vương, Hoài Văn hầu chặn rồi. Quân Nguyên có muốn qua cũng không đi được.
Các tướng đều cho lời Chiêu Văn vương là rất thấu tình đạt lý. Chiêu Minh vương nói:
– Chiêu Văn nói đúng lắm. Các tướng ai về trại ấy, chuẩn bị sẵn sàng, đầu giờ Thìn ngày mai phát lệnh tiến binh.
Thật là:
Quân đi rung đất
Thuyền chảy chật sông
Một trận quét quang màn mây xám
Nguyên chúa sao còn mộng cuồng ngông
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Chiêu Minh vương dồn Thoát Hoan, A Lý Hải Nha về Vạn Kiếp như thế nào.
————————————————————–
1 Tết Đoan Dương: Ngày 5 tháng 5 âm lịch, còn gọi là tết Đoan Ngọ, ngày giỗ của trung thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là người viết tác phẩm Sở từ nổi tiếng.
1 Khoảng 16h00.
Đ.T