Hoài Văn hầu thọ thương dưới núi Tam Tằng1
Trấn Nam vương vỡ quân trên sông Nam Sách2…
Hoài Văn hầu thọ thương dưới núi Tam Tằng1
Trấn Nam vương vỡ quân trên sông Nam Sách2
Sáng mồng năm tháng năm năm ất Dậu (09/6/1285). Chiêu Minh vương sai Trung Thành vương ở lại giữ Thăng Long còn các tướng đều tiến đánh sang bờ Bắc, lấy Nguyễn Khoái làm tiên phong, Chiêu Thành vương làm tả đội, Chiêu Văn vương làm Hữu đội, Nguyễn Khả Lạp, Trần Thông, Nguyễn Truyền đều làm hiệp ứng, còn tự mình đi trung quân có Trần Quốc Thành hộ vệ. Trần Quốc Thành nói:
– Thoát Hoan chạy đến Bắc Giang, trong cơn cùng quẫn thế nào cũng cố chết mà phá vây cho bằng được. E rằng Minh Hiến vương và Hoài Văn hầu không cản nổi chúng. Thái sư nên cho thêm người lên đấy giúp họ.
Chiêu Minh vương nghe theo lời ấy mới gọi Văn Túc vương Trần Đạo Tái đến dặn:
– Con hãy mang quân lên thẳng sông Như Nguyệt giúp Hoài Văn chặn giặc. Nhớ là phải cắm nhiều cờ nghi binh để chúng không dám sang sông.
– Phụ vương cứ yên tâm.
Văn Túc vương nói xong đem quân đi ngay.
Xin quay lại hai ngày về trước, tức là ngày mồng ba tháng năm với vị thân vương nhà Nguyên là Giảo Kỳ đang lận đận tìm đường chạy trốn. Lúc bấy giờ trời gần tối, quân Việt đã đi qua được một lúc. Giảo Kỳ bảo Tổ Đại:
– Quân Nam đi hết lên Thăng Long rồi. Ngươi xem trên bờ có chỗ nào kín đáo thì lên thôi chứ ta ngâm nước không quen, mệt lắm, chỉ muốn nôn.
Tổ Đại nói:
– Cách đây không xa có cánh rừng thưa. Để tôi dìu điện hạ lên đấy kiếm cái gì ăn rồi tìm đường về Thăng Long.
Chúa, tôi lóp ngóp bò lên bờ, lựa theo các bụi cây lẩn nhanh vào cánh rừng thưa. Giảo Kỳ mệt quá gục xuống nằm lả, không đi được nữa, Tổ Đại sờ người thấy lạnh toát, mới cởi bỏ bớt y giáp, bảo:
– Khổ thân điện hạ! Đói quá đây mà. Điện hạ nằm tạm ở gốc cây này để tôi đi kiếm xem có cái gì ăn được không.
Nói xong vơ cỏ làm đệm cho Giảo Kỳ nằm rồi xách kiếm đi. Trời tối dần. Giảo Kỳ nằm lại một mình, vừa mệt vừa sợ, nghĩ mình là một thân vương, có quân có tướng hẳn hoi mà nay phải nhịn đói nằm một mình ở góc rừng thế này, không biết có sống được mà về quê hương hay không, càng nghĩ càng tủi, nước mắt tràn qua khoé mi lăn xuống nệm cỏ, từ sâu trong cổ bật ra tiếng nấc nghẹn ngào. Lúc sau Tổ Đại đem về một tảng thịt, thấy Giảo Kỳ thổn thức, gọi bảo:
– Điện hạ cố nuốt vài miếng thịt cho nó tỉnh lại đã. Không có lửa, ta ăn sống vậy. Bây giờ phải vững vàng lên, chứ bi lụy là hỏng hết việc.
Giảo Kỳ nói:
– Đau đớn quá Tổ Đại ơi. Ta có hàng vạn binh mã trong tay mà nay phải chui lủi nhục nhã thế này sao không đau lòng cho được.
Tổ Đại nói:
– Vẫn biết là như vậy nhưng bây giờ phải ăn tí để lấy sức đã. Tằng tổ Thiết Mộc Chân khi xưa mới chín tuổi đã mồ côi cha, bị Thoát Lý Hốt Đài cướp hết cơ nghiệp thế mà rồi dựng nên được đại đế quốc đấy thôi.
Giảo Kỳ nghe theo, cố nuốt mấy miếng thịt, hỏi:
– Ngươi tìm đâu được của quý này thế?
– Thiếu gì đâu. Ban chiều ngựa của quân ta chết đầy đường kia kìa.
– May quá nhỉ! Không thì chúng ta chết đói mất!
Giảo Kỳ, Tổ Đại lần mò trong rừng hết một ngày nữa mới về đến gần Thăng Long nhưng trông chỗ nào cũng chỉ thấy thuyền bè, doanh trại quân Việt, Trên mặt thành cắm toàn cờ Việt. Cờ Nguyên bị vứt xuống chân tường, người ngựa chạy qua dẵm nát bét nhè từ bao giờ. Tổ Đại nói:
– Có lẽ thái tử đã về bên kia sông rồi.
Giảo Kỳ nói:
– Trên mặt sông toàn thuyền quân Nam, làm sao sang được bây giờ.
Tổ Đại nói:
– Bên kia sông có tiếng pháo nổ, quân reo. Chắc hai bên đang đánh nhau to. Ta sang sông bây giờ không thể được, đợi đến tối tôi tìm thuyền đưa điện hạ sang.
– Đến tối nhỡ thái tử đem quân đi xa nữa, bao giờ ta mới gặp được đại quân. Như thế chẳng nguy lắm hay sao?
– Đành vậy chứ biết làm thế nào.
Giảo Kỳ suy nghĩ một lúc, nói:
– Tục ngữ có câu dê đội lốt hùm, đó là lẽ thường xưa nay. Bây giờ ta làm ngược lại, quân Nam sẽ không ngờ tới.
Tổ Đại gãi đầu, nói:
– Tôi ngu muội chậm hiểu. Xin điện hạ nói rõ ra xem cái kế hùm đội lốt dê nó như thế nào?
– Thế này nhá! Ngươi có trông thấy xác lính hai bên chết chồng đống lên nhau ở bờ sông kia không. Ta chỉ việc chọn lấy hai bộ y giáp quân Nam mặc vào rồi kiếm thuyền sang sông, chắc thoát.
Tổ Đại nói:
– Thân vương quả là bậc thánh, trong lúc cùng bí thế này mà không rối trí, vẫn nghĩ ra được diệu kế đến vậy.
Chủ tớ liền lần ra bãi sông kiếm được hai bộ quần áo lính Việt mặc vào. May thay lại còn thấy mấy chiếc thuyền cũ của quân Việt bỏ lại. Tổ Đại tát hết nước ra, lấy đất bùn trộn với giẻ rách chít vào những chỗ rỉ nước, xong xuôi bảo Giảo Kỳ:
– Mời điện hạ lên thuyền. Ta sang sông.
Giảo Kỳ nói:
– Chúng ta phải kéo thuyền lên thượng nguồn mà sang mới tránh được chỗ đang giao chiến.
– Tôi nghĩ đây là chỗ sang sông an toàn nhất, lẫn với quân Nam không ai để ý. Tách riêng lên thượng nguồn chúng nghi ngờ đem khinh thuyền đuổi theo thì biết làm sao.
– Ngươi cạn nghĩ quá. Chúng mà đuổi theo ta càng dễ thoát.
– Điện hạ nói vậy, mạt tướng chẳng hiểu ra sao cả.
– Được! Cứ đi đi. Quân Nam đuổi ta khắc có cách khu xử.
Tổ Đại trong lòng bối rối nhưng vẫn kéo thuyền lên chỗ vắng ở thượng nguồn, chèo sang. Nguyễn Truyền trông thấy cho ngay ba chiếc thuyền nhẹ đuổi theo. Lúc gần đến nơi mấy lính Việt hỏi:
– Các ngươi là quân nào mà lại đi lẻn lên đây.
Giảo Kỳ nói:
– Chúng tôi là quân của tướng Triệu Trung cử đi do thám quân Nguyên.
Lính Việt nghe giọng nói trọ trọe, tưởng là quân người Tống của Triệu Trung thật, mới quay về báo lại. Nguyễn Truyền cho người đi hỏi Triệu Trung biết không phải, lại cho quân đuổi theo nhưng không kịp nữa. Giảo Kỳ đã sang được sông rồi. Tổ Đại thấy vậy nói:
– Thảo nào các tướng đều nói điện hạ mẹo mực không kém gì Gia Cát ngày trước.
Giảo Kỳ nói:
– Gia Cát cái gì. Chính nhà ngươi bảo ta phải vững vàng lên đấy chứ. Biến cho mau không quân Nam nó quay lại đuổi thì ra bùn luôn.
Đây nói Thoát Hoan đem quân sang bờ Bắc sông Phú Lương, cắm trại đóng trên vùng đất Gia Quất, sai Nạp Tốc Lạt Đinh rải quân trên bờ sông để chống nhau với quân Việt. Phàn Tiếp, Lưu Thế Anh giữ cửa sông Thiên Đức. Sáng ngày mồng sáu tháng năm năm ất Dậu (10/6/1285), Thoát Hoan họp hội đồng tổng doanh bàn cách đối phó với quân Việt. Mọi người vừa yên vị, có lính vào báo Giảo Kỳ đã về. Thoát Hoan mừng quá, nói:
– Giảo Kỳ đã về! Như vậy hội đồng tổng doanh chỉ thiếu có Khoan Triệt.
Nói xong cho mời Giảo Kỳ đến ngay. Giảo Kỳ vừa vào đến nơi đã nói:
– Trời ơi! Tôi tưởng thái tử đã đem quân về đến Tư Minh rồi.
A Lý Hải Nha hỏi:
– ý điện hạ muốn thái tử lui binh ư?
Giảo Kỳ nói:
– Đến nước này mà mọi người còn mơ hồ vậy ư. Thế quân Nam ngày một lên. Quân ta ngày càng suy yếu, lương thực hết sạch, tướng sĩ chết không có người thay thế, ngựa nghẽo khí giới mười phần, hao hụt đến tám chín. Không về cho nhanh, ở đây chờ quân Nam nó đến trói cả lũ hay sao. Tôi vừa ở bên kia sông, trên bờ dưới nước chỗ nào cũng có doanh trại quân Nam. Lực lượng của chúng có tới mấy chục vạn người, chưa kể hai đạo quân của Nhật Huyên với Trần Quốc Tuấn. Quân ta có còn được đến mười lăm vạn không. Ta đem một đám quân đói khổ đánh với mấy chục vạn quân no đủ của chúng liệu thắng hay thua?
A Lý Hải Nha nói:
– Những điều điện hạ nói đều đúng cả, nhưng ta còn đạo quân của nguyên soái Toa Đô. Chẳng bao lâu nữa Minh Lý Tích Ban cũng sẽ đem quân tiếp viện, có gì phải lo lắm đâu.
Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
– Lời Giảo Kỳ điện hạ nói rất có lý. Tình thế của chúng ta không thể trụ vững vài ba ngày chứ đừng nói chi đợi hai cánh quân kia.
Các tướng còn đang bàn, Triệu Tu Kỷ, Lý Quán đi kiểm điểm quân lương về báo lương thực chỉ đủ ăn đến hết ngày mai. Thoát Hoan nói:
– Đã đến nước này, ta không nên ở lại đây lâu. Các tướng bàn xem rút quân về đường nào cho tiện.
Đại tướng là Lý Hằng nói:
– Thái tử muốn lui binh nên đi theo đường qua châu Bắc Giang lên ải Lão Thử, tuy có xa hơn chút ít nhưng dễ đi, lực lượng quân Nam cũng không nhiều, ta không phải vất vả ứng phó.
Giảo Kỳ nói:
– Qua sông Như Nguyệt lúc này chính là vào tử lộ vậy. Trần Quốc Tuấn dùng binh rất là biến hoá, thế nào cũng cho phục quân ở đấy đón đánh quân ta. Chưa biết chừng y đã quay về đấy rồi cũng nên. Theo tôi, một mặt thái tử viết thư cho Toa Đô mang quân vượt biển về Khâm Châu để tránh bị đơn độc rơi vào trận thế của quân Nam. Mặt khác, nên cho đạo quân của bình chương Nạp Tốc Lạt Đinh về Vân Nam trước, còn quân ta đi theo đường Vạn Kiếp, Nội Bàng.
A Lý Hải Nha nói:
– Lời Giảo Kỳ điện hạ nói rất đúng. Quân thám thính của ta trở về đều nói bên bờ Bắc sông Như Nguyệt quân Nam đông vô kể, cờ quạt cắm rợp cả mấy khu rừng, còn đường Vạn Kiếp vắng vẻ, quân Nam thưa thớt lắm.
Lý Hằng cười, nói:
– Các ông chinh chiến già đời rồi mà không biết đó là mẹo nghi binh sao. Tôi dám đoan rằng nơi có nhiều cờ quạt không phải là chỗ đông quân. Còn đằng kia chúng làm ra vẻ không phòng bị gì để nhử quân ta vào nơi mai phục đó thôi. Còn nữa! Thái tử lui binh lần này, chẳng bao lâu sẽ quay lại, nên cho Toa Đô quay vào Ô, Lý phục sẵn ở đấy, sau này đỡ tốn công đi lại xa xôi.
Thoát Hoan nói:
– Lý tướng quân nói đúng lắm. Ta sẽ về theo đường Lão Thử. Ai có thể đem thư cho nguyên soái Toa Đô được đây.
Giảo Kỳ nói:
– Đường vào xứ Thanh vượt qua rất nhiều sông sâu, rừng rậm, phải là người khoẻ mạnh tinh nhanh, bơi lội giỏi mới đảm đương được.
Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
– Trong quân của Lý Quán có nhiều người ở vùng biển. Thái tử nên hỏi ông ấy ắt có người dùng được.
Thoát Hoan nghe theo, gọi Lý Quán đến hỏi. Quán nói:
– Quả là trong quân tôi có nhiều binh lính bơi lội giỏi nhưng đặc biệt có hai người là Vương Khuông và Lã Quỳnh vừa tinh khôn vừa có sức khoẻ lại tài bơi lặn không chê vào đâu được. Giao việc này cho chúng không còn lo gì nữa.
Thoát Hoan liền chọn hai người ấy, dặn dò cẩn thận cho đi đến chỗ Toa Đô đưa thư, lại lệnh cho Nạp Tốc Lạt Đinh lập tức mang quân theo đường cũ về Đại Lý, còn tự mình thống lĩnh đại binh rút theo đường Bắc Giang, lấy Triệu Tu kỷ, Đường Ngột Đải làm tiền đội mang theo hai đạo binh của Mã Vinh, A Lý đến sông Như Nguyệt bắc cầu phao. Tôn Hựu, Tản Đáp Nhi Đải, Lưu Thế Anh được giao chặn hậu. Thoát Hoan lĩnh trung quân có A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ, Phàn Tiếp, Lý Hằng, Lý Quán, Cát Lý Hoa La cùng đi làm tham mưu và hiệp ứng.
Đường Ngột Đải, Triệu Tu Kỷ mang quân đi trước đến sông Như Nguyệt, thấy nước sông trong vắt, lững lờ trôi. Gió nhè nhẹ. Sóng lăn tăn phản chiếu ánh nắng mùa hạ chói loà. Lính Nguyên đều nói:
– Phong cảnh ở đây sao mà thanh bình rực rỡ thế, y như chẳng có chinh chiến bao giờ.
Triệu Tu Kỷ nói:
– Các ngươi nói đúng đấy. Trông thanh bình nhưng đời Tống Hi Ninh năm thứ mười, Quách Quỳ, Triệu Tiết hao binh tổn tướng không ít ở đây. Ta thấy sự yên lặng này đáng nghi lắm, chưa chừng chúng phục binh ở bên kia đấy.
Đường Ngột Đải hô quân chặt tre gỗ trong rừng đóng bè bắc cầu phao. Lính Nguyên đang nóng bức được lội xuống sông, thích lắm, lại thấy bên bờ Bắc vẫn im như tờ, chỉ xa xa trên triền núi có bóng cờ bay nên chẳng ai nghĩ đến chuyện đề phòng chi hết. Chẳng mấy chốc cầu phao đã bắc xong nhưng Đường Ngột Đải là người cẩn thận không dám mạo hiểm đưa tiền đội qua sông mà chờ bọn Thoát Hoan đến cùng vượt sang một thể.
Thoát Hoan khi ấy bắt đầu chuyển binh, thình lình nghe thấy pháo nổ dậy trời rồi quân Việt từ cửa Đại Than theo sông Thiên Đức đánh lên đông không biết bao nhiêu mà kể. Thì ra Hưng Đạo vương nhận được tin thám binh báo về quân Nguyên lên bắc cầu phao ở sông Như Nguyệt, biết Thoát Hoan muốn chạy, mới lệnh cho Hưng Ninh vương, Hưng Nhượng vương tiến quân đánh gấp. Quân Nguyên ai cũng muốn về cho nhanh, không có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đánh nhau, người nào người nấy co giò chạy bán mạng, đội ngũ tán loạn. Hậu quân của Nạp Tốc Lạt Đinh chưa rút hết cũng sợ hãi, theo đường Quy Hoá giang tếch thẳng. Tản Đáp Nhi Đải chỉ huy hậu đội đánh cản quân Việt, bị trúng ngay một viên tật lê vào vai phải, máu chảy đầm đìa, cánh tay thõng xuống không sao đánh nhau được nữa, phải bỏ chạy. Lưu Thế Anh thấy tình thế nguy ngập quá mới bảo Phàn Tiếp, Lý Hằng:
– Các ông bảo vệ thái tử đi cho nhanh để tôi cùng Tôn tướng quân cản quân Nam cho.
Nói xong, cùng Tôn Hựu quay lại liều chết đánh nhau với quân Việt. Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ cắm đầu cắm cổ nhằm hướng sông Như Nguyệt mà chạy, mặc cho hậu đội bị đánh tơi tả.
Lúc bấy giờ thái sư Trần Quang Khải từ sông Phú Lương đánh lên, thấy quân Nguyên chạy đã xa mới lệnh cho các tướng thu binh trở về. Trần Thông thấy vậy nói:
– Sắp bắt được Thoát Hoan, sao thái sư lại không đuổi nữa?
Thái sư nói:
– Chúng chạy lên trên ấy là chui đầu vào rọ rồi. Không cần phải đuổi nữa, ta quay về còn một vị khách phải tiếp.
– Thái sư bận tiếp khách cứ quay về, để chúng tôi đuổi bắt Thoát Hoan.
– Vị khách này quan trọng lắm. Ta muốn các ngươi cùng tiếp cho chu đáo.
Chiêu Thành vương nói:
– Không có khách nào quan trọng bằng việc bắt Thoát Hoan lúc này. Xin thái sư cho quân đuổi gấp.
Thái sư cười, nói:
– Ta chỉ sợ nói tên vị khách này ra, các ông đều muốn quay lại ngay thôi.
– Xin thái sư cho biết vị khách ấy là ai?
– Toa Đô!
Các tướng nghe vậy đều ồ lên, bảo:
– Thái sư trù liệu chu đáo, chúng tôi đâu dám không tuân. Ta mau quay về thôi.
Thoát Hoan đến sông Như Nguyệt, thấy bên kia im ắng quá, sinh nghi nói:
– Bờ bên kia im lìm. Ta sợ có phục binh thật.
Phàn Tiếp nói:
– Để tôi lên giúp Đường Ngột Đải, Triệu Tu Kỷ mang tiền đội sang sông, nếu có phục binh, ta chia quân ra đánh cũng không sợ gì.
Thoát Hoan nghe theo, cho Phàn Tiếp, Đường Ngột Đải, Triệu Tu Kỷ mang tiền đội sang sông. Lúc bấy giờ trời đã sang chiều, quân Nguyên vì nóng bức quá, nhiều người không muốn đi cầu phao mà cho ngựa lội ùa xuống nước bơi sang, lại bảo nhau ít thấy ở đâu có con sông nước chảy hiền hoà đẹp đẽ thế này, tội gì không tắm. Ba tướng Nguyên vừa đi đến giữa cầu, bên bờ Bắc một tiếng pháo nổ rồi bên tả có một đạo quân việt từ dưới núi Tam Tằng đánh ra. Đi đầu là một tướng trẻ tuổi đẹp như thiên thần, cưỡi con ngựa trắng như tuyết nhuốm. Một tráng sĩ theo sát, phất cao lá cờ có sáu chữ màu vàng PHÁ CƯỜNG ĐỊCH, BÁO HOÀNG ÂN. Quân Nguyên nhiều người biết đấy là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, sợ thất thần. Bên hữu lại thấy một tráng sĩ cưỡi ngựa kim sa vung ngọn giáo dài dẫn quân xông tới thét:
– Giặc Nguyên định chạy đâu. Ta là Trần Quốc Thành tướng nước Việt đợi ở đây đã lâu rồi.
Hai tướng Việt dàn quân trên bờ, bắn xuống như mưa. Quân Nguyên chết hại không biết bao nhiêu mà kể. Nước sông Như Nguyệt vốn trong xanh bỗng ngầu lên màu máu đỏ. Triệu Tu Kỷ bị trúng liền mấy mũi tên, lăn xuống nước chết, không vớt được xác. Phàn Tiếp, Đường Ngột Đải cố chết dẫn quân đánh lên, giao phong dữ dội với quân Việt. Lý Hằng, Lý Quán, Cát Lý Hoa La cũng thúc quân đánh sang. Quân Việt lùi về chân núi Tam Tằng. Quân Nguyên vừa chiếm được tuyến bờ sông lại thấy trên thượng nguồn một đoàn thuyền mấy trăm chiếc đang vun vút lao xuống. Quân Việt trên thuyền lăm lăm cung nỏ, miệng hô: Đánh! Đánh. Trên chiếc ưng thuyền đi đầu phấp phới lá cờ hiệu Minh Hiến vương Trần Uất. Từ cánh rừng thưa phía tả núi Tam Tằng nổi lên ba hồi cồng dài, rồi một đạo quân Việt nữa kéo ra, đi đầu là Văn Túc vương Trần Đạo Tái, phía sau có một chiếc đài cao. Trên đài phấp phới lá cờ hiệu của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Lý Hằng, Phàn Tiếp, Đường Ngột Đải trông thấy đều sợ mất mật, kêu:
– Thôi chết! Hoá ta Trần Quốc Tuấn ở đây thật. Mau quay về bờ Nam trình với thái tử để rẽ sang đường Vạn Kiếp.
Các tướng Nguyên tranh nhau chạy mau về bờ Nam. Chỉ có Phàn Tiếp dám cho quân vừa bắn trả vừa lui. Các tướng Việt cùng hô quân đánh ép lại. Trần Quốc Toản hăng hái xông lên đầu, đâm ngã mấy lính Nguyên đang tháo chạy, bỗng khựng lại, lăn nhào xuống đất. Lê Ương, Phạm Thắng, Giang Biền xúm vào cứu. Hóa ra Hoài Văn hầu trúng một mũi tên vào sườn bên hữu. Mũi tên cắm sâu đến ba bốn thốn1. Lê Ương rút mũi tên ra thì đầu sắt ba cạnh mắc lại bên trong. Các tướng liền đặt Hoài Văn hầu lên xe đưa về hậu trại cứu chữa.
Phàn Tiếp vừa quay trở lại được bờ Nam, thuyền của Minh Hiến vương Trần Uất tiến đến húc đứt cầu phao. Quân Nguyên rơi xuống sông chết đuối rất nhiều, kêu la inh ỏi vang xa đến mấy dặm, hơn ba nghìn quân mã mắc lại bên bờ Bắc đều bị quân của Trần Quốc Thành, Trần Đạo Tái giết sạch. Mười vạn quân Nguyên không biết chạy vào đâu, ùn lên bên bờ Nam sông Như Nguyệt. Về sau có người lính tốt làm bài thơ rằng:
Như Nguyệt trong xanh bỗng đỏ ngàu
Người ngựa nhấn chìm dưới đáy sâu
Nam thiên tráng khí lừng bốn cõi
Nguyên binh mười vạn biết về đâu.
A Lý Hải Nha bên bờ Nam được thể nói:
– Đã bảo mà! Tôi với Giảo Kỳ điện hạ nói rồi. Thế nào Trần Quốc Tuấn cũng phục binh ở đây. Các ông không nghe mới khốn khổ thế này. Thôi quay ngay về Vạn Kiếp mà đi không nó đem quân chặn ở đấy, ta còn chết nữa.
Thoát Hoan không biết làm thế nào, đành lệnh cho các tướng chạy tạt sang đường Vạn Kiếp. Chạy được một lúc, Giảo Kỳ bảo:
– Tôi xem phía sau không có quân Nam, hình như chúng chỉ chặn đánh chúng ta chứ không đuổi.
A Lý Hải Nha nói:
– Thế mới chết đấy. Phàm đã ít quân đuổi tất nhiều quân chặn. Tôi e rằng đườg này cũng bị chúng nó phục mất rồi.
Giảo Kỳ nói:
– Tôi cũng nghĩ đúng như ông. Hay là bây giờ trời đã về chiều mà đường còn dài. Ta cho quân nghỉ lại giữa đồng nấu ăn qua đêm, mai đi tiếp.
Lý Hằng nói:
– Ta đóng trại lại nhỡ quân Nam đến vây đánh, chống sao nổi.
A Lý Hải Nha nói:
– Không! Cứ theo ý Giảo Kỳ điện hạ là đúng. Quân Nam chỉ đánh chúng ta ở nơi sông lạch, rừng rậm chứ chưa bao giờ chúng dám đánh ở chỗ đồng trống thế này. Cứ cho quân nghỉ ngơi lấy sức đã.
Tản Đáp Nhi Đải bị thương vỡ bả vai đang nằm trong cáng, nói:
– Quân Nam không đánh ở nơi đồng trống với chúng ta là vì chúng ngại kỵ binh của ta mạnh. Thái tử muốn nghỉ lại phải để một nửa quân kỵ sẵn sàng tác chiến.
Thoát Hoan nghe theo, cho quân dừng lại nghỉ nấu ăn. Ngựa cứ ba con thì hai con được nghỉ ăn cỏ còn một con để nguyên yên cương, sẵn sàng xung trận. Lưu Thế Anh, Mã Vinh chỉ huy đội trực chiến số một. Phàn Tiếp, A Lý chỉ huy đội trực chiến số hai. Đường Ngột Đải, Lý Quán chỉ huy đội trực chiến số ba. Lý Hằng, Cát Lý Hoa La, Tôn Hựu cùng các tướng khác đợi lệnh.
Đây nói Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản được đưa từ bến sông về hậu trại, đầu mũi tên còn mắc ở trong người, máu ra nhiều đau đớn lắm. Quan quân dược đến xem, nói:
– Nếu đầu tên không phạm vào phủ tạng, chỉ việc lấy dao khoét thịt moi ra rồi đắp thuốc vào, chừng trăm ngày là khỏi, nhưng nếu phạm vào phủ tạng, tính mạng quân hầu quả thực nguy thay.
Quốc Toản mệt lắm, sắc mặt trắng bợt, mắt lim dim, môi khô tái, nói rất khẽ. Quan quân dược phải nghé sát tai vào mới nghe rõ:
– Mệnh ta đã có trời định. Ông cứ khoét thịt lấy đầu tên ra, chớ có ngại.
Lại gọi Phạm Thắng, Lê Ương, Giang Biền đến dặn:
– Các ngươi theo ta đánh giặc, chẳng quản vào sinh ra tử, cùng đứng dưới cờ, tỏ hết lòng trung. Nay chẳng may ta có đi trước thì các ngươi đem quân về theo với Tá Thiên vương Đức Việp để bảo vệ nhà vua.
Các tướng cùng rơi nước mắt, nắm tay Trần Quốc Toản mà rằng:
– Quân hầu rồi sẽ bình phục thôi mà.
Quốc Toản nhếch mép cười, nói:
– Ơ kìa! Ta đã sao đâu mà các ngươi phải khóc. Quân dược! Ông làm việc đi chứ!
Quan quân dược cho Trần Quốc Toản uống ba viên thuốc màu nâu đen nhỏ bằng hạt ngô. Lát sau Quốc Toản ngủ thiếp. Bấy giờ quan quân dược mới lấy con dao nhọn bằng thép chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng cực sắc, hơ lên ngọn lửa, khoét vào cạnh sườn Quốc Toản một lỗ sâu, lấy ra cục máu đọng, lại thò chiếc kìm nhỏ xíu vào gắp đầu mũi tên lôi ra, nhìn qua nhìn lại, nói:
– Thôi hỏng rồi! Mũi tên xé rách lá gan.
Nghe nói vậy, mặt các tướng đều tái bợt. Lê Ương nóng nảy nói:
– Ông phải làm thế nào đi chứ, chẳng lẽ để hầu tướng chết sao?
– Vâng! Những gì còn có thể làm được, tôi làm hết sức rồi đây.
Giọng quan quân dược kìm nén nghẹn ngào như sắp bật khóc. Quốc Toản vẫn nằm thiêm thiếp. Trông chàng lúc này không có vẻ gì của một vị tướng can trường mà hoàn toàn giống một đứa trẻ đang lạc vào miền thần tiên của những giấc mơ. Lúc sau thuốc mê tan hết, Quốc Toản tỉnh dậy hỏi:
– Quan quân dược đã lấy đầu tên ra cho tôi chưa?
– Đầu tên đã lấy ra rồi. Bây giờ hầu tướng chỉ việc uống bài thuốc Bát tiên trấn huyết thang1 rồi nằm nghỉ.
Quốc Toản lại hỏi?
– Tôi phải nằm thế này bao lâu mới khỏi?
– Nhanh thì trăm ngày, chậm phải hàng năm.
Quốc Toản than:
– Trời ơi! Lâu thế ư. Lúc ấy quân Thát đã chạy hết rồi. Ta không còn cơ hội giết giặc nữa sao?
Quan quân dược nói:
– Giặc chạy càng sớm càng vui chứ sao.
Quốc Toản thở dài bảo:
– Đúng! Dân mình càng đỡ khổ. Chỉ tiếc ta không còn có dịp lập công đền ơn nước nữa rồi.
Thoát Hoan nghe theo Giảo Kỳ, cho quân cắm trại nghỉ ở giữa đồng, quả nhiên không bị quân Việt tiến đánh. Sáng sớm hôm sau cho quân nhổ trại, theo hướng Bắc đi lên. Đường Ngột Đải dẫn bọn Mã Vinh, A Lý đi tiên phong, lên thẳng sông Nam Sách bắc cầu phao. A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ cùng Tổ Đại cũng đi trong đội quân ấy.
Lúc bấy giờ Minh Hiến vương Trần Uất đã xuôi dòng mang quân về hợp với Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện phục ở đoạn sông trên. Có quân do thám về báo quân Nguyên đang bắc cầu phao để sang sông. Gia tướng của Trần Uất là Hồ Sĩ Bàng nói:
– Lúc này ta đem quân đến đánh, bọn chúng trở tay không kịp.
Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện nói:
– Các ngươi cứ sẵn sàng. Quốc công đã dặn khi nào thấy trên lầu thành Vạn Kiếp phất lá cờ đỏ mới được tiến đánh.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng đứng trên lầu thành Vạn Kiếp đã trông thấy hết. Linh Lang vương2 nói:
– Quân giặc bắt đầu sang sông. Xin quốc công cho đánh.
Hưng Đạo vương nói:
– Chưa được! Đây mới chỉ là đội tiền quân. Cứ để cho chúng qua sông đi đã.
Yết Kiêu nói:
– Đức ông thường dạy chúng con là giặc sang đến giữa sông thì đánh cơ mà.
Hưng Đạo vương cười, nói:
– Phép chung trong chiến trận là như vậy, đó là lúc giặc đang tiến đánh ta. Nay chúng mải mê rút chạy, cần phải quyền biến. Giặc chưa sang được sông, thế nào cũng cẩn thận đề phòng nhưng khi thấy có một số đã qua được bên kia mà không có chuyện gì, lập tức sinh trễ nải phòng bị, chỉ cốt ùa qua cho mau. Khi ấy ta tiến đánh, chúng còn hàng ngũ đâu mà chống đỡ nữa.
Các tướng nghe vậy mới vỡ lẽ, đều chịu là phải.
Đường Ngột Đải đưa hết được A Lý Hải Nha, Giảo Kỳ cùng tiền đội sang sông, cho người lùng sục phía trước không thấy có quân Việt mới quay lại đón bọn Thoát Hoan cùng đại quân sang. Thoát Hoan hỏi:
– Ngươi đã cho lùng kĩ phía trước chưa?
Đường Ngột Đải nói:
– Tôi đã cho tìm khắp cả, không thấy có một tên quân Nam nào. Đúng là Trần Quốc Tuấn ở bờ Bắc sông Như Nguyệt chưa về kịp. Bình chương quân sư cùng Giảo Kỳ điện hạ đi trước xa rồi. Mời thái tử lên đường ngay cho.
Thoát Hoan hạ lệnh đại quân sang sông. Đường Ngột Đải cầm cây kích sắt, cưỡi con ngựa xích kim đi trước dẫn đường, mới ra gần giữa cầu, nghe một tiếng pháo nổ. Quân Việt bốn mặt reo hò tiến đánh. Hưng Trí vương, Minh Hiến vương từ thượng nguồn trông thấy trên thành phất cờ, liền dẫn binh thuyền đánh xuống. Hưng Ninh vương từ cửa Lục Đầu đánh lên. Linh Lang vương, Yết Kiêu dẫn quân từ trong thành Vạn Kiếp đánh ra. Hưng Đạo vương đem quân tiếp ứng. Tên bay, pháo nổ như mưa như bão. Thoát Hoan trông thấy cờ hiệu của Trần Hưng Đạo, bối rối nói:
– ở sông Cái có Hưng Đạo vương, bên bờ Bắc Như Nguyệt có Hưng Đạo vương, lại ở đây cũng có Hưng Đạo vương. Quân Nam nó lấy đâu ra lắm Hưng Đạo vương đến thế.
Quân Nguyên không biết làm sao, xô nhau chạy trốn qua cầu. Thoát Hoan, Đường Ngột Đải, Lý Hằng, Lý Quán đi phía trên vừa sang được bờ Bắc thì cầu phao đứt. Mấy vạn quân Nguyên rơi xuống nước, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Lưu Thế Anh, Phàn Tiếp, Tôn Hựu, Bột La Hợp Đáp Nhi bơi được sang sông nhưng không tìm thấy Thoát Hoan, mạnh ai nấy chạy mỗi người một nơi. Số quân Nguyên còn lại bên bờ Nam bị quân Việt đánh dồn xuống sông, chết hại đến bảy tám phần. Cát Lý Hoa La chưa chạy kịp, đang tìm đường trốn, có một tướng Việt đuổi tới quát lên rằng:
– Tướng giặc chạy đâu. Có Linh Lang vương nước Việt đến đây.
Cát Lý Hoa La quay lại giao chiến, bị Linh Lang vương chém một nhát bay đầu. Linh Lang vương chém được Cát Lý Hoa La, nhặt lấy thủ cấp treo lên cổ ngựa rồi thúc quân xông vào đám quân Nguyên. Lính Nguyên trông thấy Linh Lang vương dữ tợn quá, dạt cả xuống sông bơi đi, bị binh thuyền của quân Việt bắn chết vợi, chỉ có rất ít sang được bên kia sông. Năm sáu vạn xác lính Nguyên chồng chất lên nhau làm nước sông ứ lên không chảy được.
Trận đánh trên sông Sách về sau thường gọi là trận Vạn Kiếp. Sử sách nhà Nguyên cũng không giấu nổi thất bại ê chề cay đắng này.
Thoát Hoan, Đường Ngột Đải, Lý Hằng, Lý Quán sang đến bên kia sông liền hô quân sĩ cắm đầu cắm cổ chạy. Lúc sau đường rẽ làm hai ngả. Thoát Hoan hỏi các tướng:
– Đường ở đây rắc rối thế này, ta biết chạy về hướng nào đây?
Lý Quán nói:
– Đường này một ngả đi đến phía Bắc ải Nội Bàng, còn ngả kia men theo phía Nam đến Miêu Nhi môn rồi cùng nhập vào làng Biên Trú thẳng lên Động Bản. Đường phía Bắc rộng rãi dễ đi nhưng sợ có quân Nam phục binh. Thái tử nên chọn đường hướng Nam hơn.
Đường Ngột Đải nói:
– Không được! Khi xưa Mạnh Đức, Vân Trường1 đều chọn đường nhỏ mà chạy nên mới khốn. Ta cứ đi theo đường lớn, nếu có đánh nhau cũng dễ bề tiến thoái.
Lý Hằng cũng nói:
– Có thể bình chương quân sư đi theo đường lớn nên đã chạy xa rồi.
Thoát Hoan nghe theo mới giục quân đi vào con đường lớn phía Bắc. Đi được một đoạn đã xa, không thấy quân Việt đuổi, phía trước cũng chẳng có phục binh. Trời sang chiều mà quân lính chưa ai được ăn miếng gì vào bụng. Nhiều người vừa đi vừa rút nõn cỏ nhai cho đỡ đói. Thoát Hoan vã cả mồ hôi, chỉ muốn lả đi, mới bảo các tướng cho quân nghỉ bên khe nước, giết thịt ngựa ăn tạm. Quân lính lấy cây khô chất lên đốt cháy đùng đùng, nướng thịt ngựa ăn. Có người mệt quá, nằm lăn ra bãi cỏ. Thoát Hoan bảo:
– Quái lạ! Đoạn đường dài hiểm trở thế này mà sao quân Nam không phục binh nhỉ.
Vừa dứt lời, nghe một hồi tù và dài, tiếp theo là tiếng pháo nổ liên thanh. Quân Việt hai bên bất ngờ đổ ra, bên tả có một tướng cưỡi ngựa bạch, mặt đẹp, mắt sáng, lưng đeo cây cung màu mã não, tay cầm trường thương tiến đến như bay. Tướng ấy đi đến đâu, quân Nguyên chết rạp xuống đến đấy. Lý Hằng nói:
– Tôi biết tên tướng này. Nó là Trần Quốc Nghiễn, con trai trưởng của Trần Quốc Tuấn, quả thật là con dòng cháu giống. Để tôi ra chặn nó.
Lý Hằng chưa kịp xông ra, phía bên hữu vang lên tiếng voi gầm. Dã Tượng dẫn đầu đoàn voi chiến xông ra. Đường Ngột Đải hoảng hốt kêu lên:
– Thôi bỏ bố rồi! Tượng binh của quân Nam đấy. Biết điều chạy cho mau.
Nói xong thúc ngựa chạy miết, không dám chờ Thoát Hoan nữa. Lý Hằng nói với Lý Quán:
– Ngươi cùng Điền Vu, Bão Thúc Nguyên bảo vệ thái tử đi trước, để ta cùng Dịch Thụ, Âu Dương Cừ chặn quân Nam cho.
Nói xong múa đao ra cản Quốc Nghiễn. Lý Quán dẫn Thoát Hoan cùng bọn tàn binh chạy về ải Khả Ly. Lý Hằng vừa đánh vừa chạy. Quân Nguyên bị đàn voi chiến của Dã Tượng quật chết nhiều lắm. Trời gần tối, Lý Hằng theo kịp Thoát Hoan. Lý Quán nói:
– Đây đã đến ải Khả Ly, không biết trên ải có nhiều quân Nam không?
Lý Hằng nói:
– Quân ta cũng còn đến hơn năm vạn nhưng hầu hết đã bị thương, lại vừa đói vừa mệt, nếu phải giao chiến chỉ làm mồi cho quân Nam.
Thoát Hoan đang không biết làm thế nào để qua được ải, thấy phía sau có hai viên tướng dẫn khoảng gần nghìn quân chạy tới. Thoát Hoan tưởng quân Việt đuổi theo, cho Lý Quán dẫn bọn Điền Vu, Bão Thúc Nguyên ra chặn lại. Hai tướng kia chạy tới gần, hoá ra là Tiết Hồ, Hứa Phụ tuỳ tướng của Tản Đáp Nhi Đải. Thoát Hoan hỏi:
– Tản Đáp Nhi Đải đâu?
Tiết Hồ, Hứa Phụ khóc nói:
– Thê thảm lắm thái tử ôi. Tướng quân tôi vì vết thương sưng tấy, đau đớn không đi được, bị voi ngựa của quân Nam xéo chết dọc đường rồi.
Thoát Hoan khẽ kêu lên:
– Trời ơi! Không ngờ tướng quân Tản Đáp Nhi Đải mà phải chết thảm đến như vậy.
Lý Hằng nói:
– Bây giờ có thương khóc cũng không được ích gì. Trời sắp tối rồi, ta lên ải thôi. Các ngươi cố vượt qua được ải này thì không còn gì phải lo nữa.
Hứa Phụ nói:
– Quân Nam đang giăng bẫy chờ chúng ta trên ải, giờ lên đó có khác gì chui đầu vào cối cho chúng giã. Tôi có biết một con đường tắt ngang núi, phải đi qua đấy mới thoát được.
Điền Vu nói:
– Quân ta đông đến năm sáu vạn người, đi tắt qua núi vất hết ngựa nghẽo gươm giáo hay sao, sang bên kia lấy gì mà đi. Nhỡ gặp quân Nam, đánh nhau tay không hay sao? Bình chương quân sư đã qua được ải chắc trên ấy không có quân Nam. Thái tử cứ cho tôi lên thử xem thế nào. Nếu đi được, tôi phất lá cờ vàng, mời thái tử cứ việc qua ải, nếu quân Nam trấn giữ rồi, tôi quay xuống để Hứa tướng quân dẫn mọi người theo đường tắt qua núi vậy.
Thoát Hoan nghe nói có lý, cho Điền Vu mang lính lên ải dò la, lại bảo các tướng rằng:
– Ta chỉ sợ Phạm Ngũ Lão phục binh ở đây, hẳn là phải tận mạng mất.
Thật là:
Tướng mạnh quân đông đi vênh vác như hùng như hổ
Chủ chạy tớ chuồn về chui rúc tựa cáo tựa cầy
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Thoát Hoan có gặp Phạm Ngũ Lão trên ải hay không.
1 Núi Tam Tằng ở phía bờ Bắc sông Như Nguyệt.
2 Sông Nam Sách là đoạn hạ lưu của sông Thương, gần thành Xương Giang.
1 Thốn: Đơn vị đo chiều dài thời cổ. Mỗi thốn có độ dài khoảng 4cm.
1 Bát tiên trấn huyết thang là bài thuốc cầm máu rất hiệu nghiệm, gồm tám vị thuốc sau: Cẩu tích 10đồng cân, bạch cập 3 đồng cân, đỗ trọng 3 đồng cân, huyền sâm 5 đồng cân, hoè hoa 2 đồng cân, cát căn 5 đồng cân, cam thảo 3 đồng cân, hoài sơn 5 đồng cân, lấy thêm 7 đến 9 ngọn cỏ nhọ nồi làm thang,đổ ba bát nước đun lấy một bát mà uống. Những người tỳ vị hư suy không nên dùng.
2 Có tài liệu nói Linh Lang vương là em Trần Thánh tông. Điều này còn nghi vấn.
1 Mạnh Đức (Tào Tháo), Vân Trường (Quan Vũ), hai nhân vật thời Tam Quốc bên nước Trung Hoa.
Đ.T