Đất Việt Trời Nam – tiểu thuyết lịch sử của Đan Thành (tiếp chương35)

Đất Việt trời Nam – Đan Thành
(Tiếp chương 35)…

Đất Việt trời Nam – Đan Thành
(Tiếp chương 35)

Các tướng còn đang bàn, bỗng lính canh vào báo có mấy chục thuyền quân Việt từ cửa Hải Thị kéo đến. Thoát Hoan lập tức lệnh cho Lưu Thế Anh, Phàn Tiếp, Trương Hiển mang binh thuyền ra chặn lại. Ô Mã Nhi giữ thuỷ trại sẵn sàng tiếp ứng. Trương Hiển cho thuyền tiến lên, có bọn Ân Khuông Cái, Lưu Hoa, Sầm Mang cầm binh khí đứng bên. Trên chiếc ưng thuyền đi đầu của quân Việt có một tướng không cầm binh khí, nói to lên rằng:

– Xin đừng đánh! Chúng tôi không muốn theo Nhật Huyên2, đem quân về hàng thái tử.

Lưu Hoa nói:

– Người Nam rất nhiều quỷ kế. Biết đâu có điều gian dối gì chăng. Tướng quân cứ bắt chúng dừng thuyền lại đã.

Trương Hiển nghe theo, nói:

– Các ngươi muốn hàng, hãy cho thuyền dừng cả lại để ta trình thái tử. Ngươi tên là gì?

– Trình tướng quân! Tôi là Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, cha tôi là Vũ Đạo hầu, em trai là Minh Thành hầu, con trai tôi là Minh Trí hầu, con rể là Trương Hoài hầu cùng các tướng Tô Bảo Chương, Trần Đình Tốn, Tăng tham chính mang gia thuộc cộng cả hơn nghìn ngươi theo về với thiên triều.

Trương Hiển, Lưu Thế Anh liền mang Trần Tú Hoãn vào trình trước tướng doanh. Thoát Hoan đập án quát:

– Ta đã mang quân đến đây, sao vua tôi nhà ngươi không chịu hàng sớm đi, nay lại bày ra trò trá hàng này, định lừa ta sao? Võ sĩ đâu lôi ra chém.

Trần Tú Hoãn dập đầu xuống đất khóc lạy mà nói rằng:

– Triều đình bách quan nước tôi vì quan binh thiên triều bức bách quá không thể chống lại được nên phiêu bạt ra biển cả. Tôi nghĩ về với thái tử may ra còn được sống. Thái tử giết chúng tôi, những người khác dẫu có muốn theo về cũng không dám nữa. Vả lại, chúng tôi trá hàng đâu lại mang cả gia quyến vợ con làm gì.

Thoát Hoan nghe nói vậy mới thôi, hỏi:

– Vua Nam bây giờ ở đâu?

– Trình thái tử! Vua Nam mang cả nước chạy ra Hải Đông, cho tôi đoạn hậu vì thế tôi rẽ theo lối cửa Đại Bàng1 vòng về đây được.

– Nếu không đúng như vậy, cả nhà ngươi sẽ bị thiêu sống đấy.

Thoát Hoan nói xong truyền cho Minh Lý Tích Ban quản thúc bọn Trần Tú Hoãn cùng với bọn Trần Kiện. Bao nhiêu thuyền bè thu lại dùng vào việc đuổi theo vua Trần, lại lệnh cho Lý Hằng, Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải đem chiến thuyền ra Hải Đông ngay, bắt bằng được vua Trần. Lý Hằng tập trung hơn sáu trăm chiến thuyền cùng Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải vượt cửa Giao Hải theo bờ bể ngược lên hướng Đông Bắc. Đi đến cửa Đại Bàng, Giảo Kỳ nói:

– Vua Nam mang hàng vạn thuyền bè đi xa tất là không lợi. Biết đâu chúng chả chia ra để lánh vào những vùng ven biển này. Ta cũng nên chia quân lùng sục các nhánh sông hẳn là bắt được người cùng quân lương của chúng.

Lý Hằng nói:

– Nếu vậy điện hạ hãy dùng hai trăm năm mươi đấu hạm2 lùng khắp khu vực ven biển này, bắt hết dân cư thuyền bè, lương thực để dùng cho quân ta.

Giảo Kỳ liền chia binh với Lý Hằng, xông vào cửa Thái Bình, cho Đường Ngột Đải cùng Một Tàng Độc Long, Tổ Đại đem một trăm binh thuyền tiến lên cửa Đại Bàng ra sông Thái Bình vòng xuống gặp nhau ở nơi sông Kẻ Luộc đổ vào sông Thái Bình. Đoàn thuyền của Giảo Kỳ mới tiến vào được mấy dặm, gặp một đoàn thuyền quân Việt chừng hơn trăm chiếc xông ra chặn lại, trên chiếc thuyền đi đầu có lá cờ đại. Một tướng đứng dưới cờ nói to lên rằng:

– Quân Nguyên đi đâu? Ta là Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng đợi ở đây đã lâu rồi.

Nói xong liền nổi trống tiến binh. Giảo Kỳ lệnh cho Một Tàng Yếu Giang, Trịnh Khu tiến đánh. Hai bên đánh nhau mấy canh giờ, quân Việt lui dần về phía trên cửa Luộc, cắm trại phòng thủ. Giảo Kỳ cũng cho thu binh. Trịnh Khu nói:

– Quân Ta đang thắng, sao điện hạ lại thu binh?

Giảo Kỳ nói:

– Binh pháp có nói phàm đánh nhau trên sông, kẻ thuận gió thuận nước sẽ thắng. Nay quân Việt thuận nước mà lui binh. Ta e có mai phục, đợi ngày mai Một Tàng Độc Long, Tổ Đại vòng xuống đánh giáp lại, thế nào cũng bắt được tướng Nam.

Sáng hôm sau Giảo Kỳ cho quân tiến đánh. Trần Văn Lộng đem binh thuyền ra tiếp chiến, bỗng phía sau thuỷ trại quân Việt nổi lửa. Đường Ngột Đải dẫn hai tướng Một Tàng Độc Long, Tổ Đại đánh vào. Quân Việt rối loạn, tan vỡ. Trần Văn Lộng không chống được, sợ hãi, buông vũ khí đầu hàng. Giảo Kỳ có thêm được hơn trăm chiến thuyền cùng lương thực, xuôi ra cửa Thái Bình đi tiếp lên phía Bắc. Đến đêm số quân lính người Việt bảo nhau trốn vào bờ gần hết. Quân Nguyên bắt được một số, Giảo Kỳ cho đem ra biển dìm chết cả chỉ những kẻ thân tín của Trần Văn Lộng không chạy trốn thì được sống. Hải đoàn của Giảo Kỳ lên đến cửa Bạch Đằng, thấy có vài chục thuyền quân Việt đậu ở đấy, định tiến đánh. Bỗng có một chiếc thuyền nhỏ bơi sang. Quân Nguyên vây bắt, thấy trong thuyền có một viên tướng người Việt cùng bốn tay chèo, liền đưa trình Giảo Kỳ. Giảo Kỳ hỏi:

– Hai bên đang giao chiến, ngươi có việc gì tới đây?

Viên tướng ấy quỳ nói:

– Tôi là điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa, mang thư của Chiêu Quốc vương trình lên điện hạ.

Nói xong liền lấy thư ở trong áo trình lên. Giảo Kỳ đọc thư xong, nói:

– Thì ra Trần ích Tắc đợi ta ở đây ư? Ngươi mau quay về bảo y tới đây.

Phạm Cự Địa quay về, một chốc thấy có chiếc thuyền rồng lớn treo cờ long phụng tiến sang. Khi tới gần, Trần ích Tắc khúm núm bước lên chào Giảo Kỳ. Giảo Kỳ cho đón ích Tắc sang thuyền của mình, hỏi:

– Chiêu Quốc đã dâng thư hàng từ lâu, sao còn để ta đuổi tận đây mới chịu tới trình.

ích Tắc nói:

– Tôi thân mang tước vương, trong lúc có chiến sự không thể tuỳ tiện đem gia quyến đi được. Nay nhân việc Nhật Huyên trốn ra Hải Đông, tôi mới lui thuyền lại để chờ quan quân thiên triều. Sau này nếu nhờ quân thiên triều dựng lại nước cũ, ơn ấy như trời như bể, con cháu tôi muôn đời cũng chẳng dám quên. Nguyện mãi mãi làm thuộc quốc của nhà Đại Nguyên.

Giảo Kỳ liền giao cho Một Tàng Độc Long, Tổ Đại năm mươi thuyền chiến, đưa bọn Trầních Tắc, Trần Văn Lộng, Phạm Cự địa, Trịnh Long cùng gia quyến của chúng quay về Thiên Trường trình với Thoát Hoan.

Đây nói đoàn thuyền của vua Trần khi ra khỏi cửa Giao Hải liền hướng lên phía Bắc, tiến thẳng đến cửa biển An Bang1. Vì có thuyền của chúng dân cộng với quan lại các hương ấp ven biển cùng đi, nhiều chiếc cũ nát không thể tiếp tục chèo lái được nữa, nhà vua truyền dừng lại hai ngày để sửa chữa thuyền bè cho dân. Những chiếc nào quá cũ bỏ cả lại, quan binh đưa dân chúng lánh tạm lên vùng ven bờ. Chiều ngày thứ hai có thám hạm về báo hải đoàn quân Nguyên do Lý Hằng thống lĩnh đuổi đã đến gần. Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng nói:

– Thần xin đem thuyền quay lại đánh nhau với chúng.

Thượng hoàng nói:

– Không được! Ta phải đi gấp thôi, chớ để quân Thát tới gần mà lộ mất lực lượng. ý Chiêu Minh vương thế nào?

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói:

– Ta nên chia ra làm hai đoàn mà đi. Đoàn thứ nhất, thần xin hộ tống Thượng hoàng cùng nhà vua ngược Bạch Đằng giang lên Vạn Kiếp hội với Hưng Đạo vương. Đoàn này dùng toàn thuyền nhỏ. Đoàn thứ hai do Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng thống lãnh toàn bộ chiến hạm cùng thuyền ngự, trương cờ xí lên thẳng Tam Trĩ để lừa Lý Hằng. Những thuyền quá cũ nát hãy bỏ cả lại.

Thượng hoàng nói:

– Lời Chiêu Minh rất hợp ý trẫm. Nhưng phải đưa hết dân chúng đi theo, chớ để quân giặc bắt được.

Trần Quang Khải ghé vào tai Trần Quang Xưởng dặn:

– Chú lên đến Tam Trĩ làm thế này. Khu vực ấy có rất nhiều lạch, thuận tiện cho thuyền của ta rẽ vào mà quân Nguyên không biết, lại có nhiều khu đảo kín đáo, nhất là đảo Tam Trĩ. Đảo này được đảo Vạn Hoa2 ôm lấy, Phía Tây có thế đất ven bờ che cho. Từ hướng Nam đi vào rất khó, phải qua một con lạch dài, có nhiều đá ngầm, lúc nước triều xuống, thuyền lớn không

thể đi được. Giặc không dám vào lối này. Chú đem thuyền chiến của ta lấp ở đó. Cử một người tin cậy đem thuyền ngự  cùng mấy chục thuyền nhẹ phục ở phía Bắc đảo Vạn Hoa, khi nào thấy thuyền của quân Nguyên đuổi tới thì trương cờ lên, chạy thẳng đến Ngọc sơn1. Lý Hằng thấy có thuyền ngự thế nào cũng đuổi theo. Quân ta lên đến Mũi Ngọc, tìm nơi kín đáo giấu bỏ thuyền ngự để cho quân Nguyên phải tìm, quân lính lên thuyền nhẹ lựa theo lạch nước mà về. Sau khi Lý Hằng đã đi xa khỏi đảo Vạn Hoa rồi, chú cho quân quay về đây, ngược sông Bạch Đằng lên Lục Đầu giang hội quân với Hưng Đạo vương.

Trần Quang Xưởng cười nói:

– Em hiểu ý vương huynh rồi.

Nói xong liền chia thuyền kéo đi. Bao nhiều thuyền rách nát để lại cả. Trần Quang Khải dùng thuyền nhẹ hộ tống hai vua ngược sông Bạch Đằng đi lên. Khi ấy gặp lúc nước triều xuống, thuyền đi đến bãi Con Hà bị mắc cạn không tiến lên được nữa. Quan quân đành bỏ thuyền đi đường bộ ngược lên. Nhà vua mệt lắm nhưng không dám nghỉ lại, đi đến chiều không ăn uống gì. Thượng hoàng nói với Trần Quang Khải:

– Đi đã xa, hay cho quân dừng lại nấu cơm ăn không binh lính có người lả mất rồi đấy.

Trần Quang Khải tâu:

– Chỗ này không có làng xóm, hai bên toàn là bãi sông, cỏ lác, không có rơm củi, nấu ăn làm sao. Hãy cứ đi cố một lúc nữa đã.

Có một anh lính tốt đứng cạnh đấy, quì xuống nói:

– Đây thuộc xã Hữu Triều Môn. Phía trước cách năm dặm là làng của tiểu binh. Xin hoàng thượng ngự giá tới đấy rồi hẵng nghỉ. Tiểu binh xin đi trước báo cho dân làng lo việc cơm nước.

Thượng hoàng liền cho Văn Túc vương đem lính đi trước cùng người lính ấy. Khi hai vua cùng quan binh tới nơi dân làng đã dọn đủ cơm nước ra sân đình để tiếp đón. Tuy chỉ có những món dưa cà, canh rau cùng với cơm gạo xấu nhưng hai vua ăn cảm thấy ngon miệng. Mọi người ăn uống xong, nhà vua gọi anh lính tốt người làng đến hỏi:

– Nhà ngươi tên họ là chi, trước khi vào lính làm nghề gì để sống?

– Muôn tâu hoàng thượng! Tiểu binh họ Trần tên Lai. Cha mất sớm, chỉ còn một mẹ già ngoài bảy mươi tuổi, trước khi vào lính thường làm nghề chăn trâu đàn để sống.

– Ngươi vào lính thì ai nuôi mẹ cho?

– Tâu hoàng thượng! Tiểu binh nghĩ rằng nước có còn nhà mới còn nên để mẹ ở nhà cho vợ nuôi.

Nhà vua phán:

– Nhà ngươi thật có lòng trung. Trẫm phong cho tước thượng phẩm, kiêm chức tiểu tư xã Hữu Triều Môn.

Trần Lai tâu:

– Dạ! Tiểu binh tạ ơn hoàng thượng. Nhưng tiểu binh không biết lấy cái thượng phẩm để làm gì, còn chức tiểu tư xã, tiểu binh không biết làm quan, cũng chưa từng muốn làm quan bao giờ, chỉ mong sao chóng đánh tan giặc để được về chăn trâu đàn thôi ạ.

Nhà vua nói:

– Nhà ngươi có tấm lòng thành thực như vậy thật đáng khen, trẫm cũng không ép nhưng hãy mang mười lạng bạc này về giao cho vợ phụng dưỡng mẹ già. Sau này hết giặc trẫm sẽ còn ban thưởng.

Nhân tông nói xong, bảo viên cận thị trao cho Trần Lai mười lạng bạc. Lại sai giám quân chép tên vào sổ ghi công. Nhà vua còn đang nói chuyện với quan viên dân xã, có lính vào báo Hưng Đạo vương tới. Các quan nghe vậy thảy đều vui mừng. Hưng Đạo vương đến, quì tâu:

– Thần chậm đến hộ giá, tội đáng muôn chết.

Thượng hoàng nói:

– Khanh có tội gì đâu. Gặp được khanh ở đây là trẫm hết lo rồi. Bây giờ trời đã tối, ta nên cắm trại nghỉ lại đây một đêm rồi mai lên đường.

Hưng Đạo vương nói:

– Đây chưa xa cửa bể là bao, thảng hoặc quân Nguyên lên bộ truy đuổi bằng kị binh, nguy cho ta lắm. Xin mời hoàng thượng hãy cố đi lên hai mươi dặm nữa sẽ có thuyền đón.

Nhà vua liền từ giã dân xã, theo Hưng Đạo vương, đốt đuốc đi ngay trong đêm. Quan đại phu Nguyễn Nhuệ can rằng:

– Hưng Đạo là người có kỳ tài, trong lòng còn mang mối hiềm cũ của An Sinh vương. Nay xa giá đang cơn lận đận nhỡ có bề gì biết làm thế nào?

Các quan đi theo nhiều người cho lời Nguyễn Nhuệ là đúng. Thượng hoàng nói:

– Ta giao quyền tiết chế cho Hưng Đạo là trong lòng đã mười phần tin cậy. Các khanh chớ có lo chi.

Đến khi đi, đường trơn, Hưng Đạo vương lại cầm ngọn giáo của người lính chống làm gậy, đi hộ tống ngay sau ngựa nhà vua, càng làm các quan thêm nghi kị, có nhiều người gườm mắt nhìn. Hưng Đạo vương liền rút mũi giáo đưa cho người lính, chỉ chống cái cán gỗ mà đi. Trên suốt dọc đường còn nhiều việc đại loại như thế nữa. Hôm sau Hưng Đạo vương đến thuyền vua dự buổi thiết triều xong, lúc về nói với Chiêu Minh vương rằng:

– Hai chúng ta đều là trọng thần của triều đình mà ít khi được ngồi cùng nhau để bàn quốc sự. Hôm nay xin mời thái sư sang thuyền tôi, chúng ta nói chuyện.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải liền sang thuyền của Hưng Đạo vương. Trần Quốc Tuấn vốn thích tắm mà Trần Quang Khải lại ngại nước. Lúc ấy đã cuối tháng hai, tiết trời ấm áp, Trần Quang Khải bôn tẩu theo vua mấy ngày không tắm, mùi mồ hôi bốc lên rất khó chịu. Trần Quốc Tuấn bảo:

– Hôm nay để tôi tắm cho thái sư.

Nói xong liền sai người đun nước thơm mang ra đầu thuyền, quây màn, tự tay tắm cho Quang Khải. Quang Khải được tắm sạch sẽ thích quá bảo:

– Chẳng mấy khi được quốc công tắm cho, đã quá.

Binh lính thấy hai vị đại tướng cười nói vui vẻ như thế, cũng cười theo. Một anh nói:

– Thế mà nhiều người bảo Chiêu Minh vương có mối hiềm với Hưng Đạo vương. Cứ xem hai người thế kia đủ biết lời nói ấy thật chẳng có căn cứ gì.

Một anh khác bảo:

– Hai vị ấy mà đồng lòng với nhau thì giặc Hồ ở nước ta lâu sao được.

Lúc sau Trần Quốc Tuấn đang bàn chuyện cùng Trần Quang Khải ở trong lâu thuyền, có quân ngự lâm đến triệu hai người sang thuyền vua để bàn trọng sự. Nhà vua nói:

– Thế giặc rất mạnh, trẫm lại mới nhận được tin bọn Chiêu Quốc vương ích Tắc, Văn Nghĩa hầu Tú hoãn, Văn Chiêu hầu Lộng cùng với các tướng Phạm Cự  Địa, Lê Diễn, Trịnh Long theo hàng giặc rồi, bọn này dẫn đường cho quân Nguyên đánh giết dân ta. Thoát Hoan khác nào hổ mọc thêm cánh. Các khanh có kế sách gì không?

Trần Quang Khải trầm tư suy nghĩ, Trần Quốc Tuấn nghe tin bọn ích Tắc hàng giặc, căm giận bặm môi không nói. Thượng hoàng Thánh tông thấy vậy, hỏi thử:

– Thế giặc mạnh như vậy, hay là ta nghị hoà.

Hưng Đạo vương dựng ngược lông mày, nói:

– Hoà! Hoà tức là hàng. Bệ hạ muốn hàng, trước hãy chém đầu thần đi đã. Dẫu có việc nhất thành, nhất lữ1 đi nữa cũng không thể nghị hoà.

Thượng hoàng tươi cười, nói:

– Có câu nói ấy của khanh, trẫm hết lo rồi.

Quan Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nghe tin ích Tắc hàng giặc lại nghĩ đến một điều khác, nói:

– ích Tắc hàng Nguyên làm tổn thương tiếng tốt của hoàng gia.

Nhà vua hỏi:

– Bây giờ phải làm thế nào?

Quang Khải nói nhỏ với nhà vua rằng:

– Trong quân đã có nhiều lời đồn đại không tốt. Xin nhà vua hãy triệu tập các tướng lĩnh, nói như thế này…tất lòng quân yên định.

Nhà vua nghe theo, liền triệu các quan cùng tướng lĩnh đến dụ rằng:

– Thủa nhỏ, trẫm từng nghe Thái hoàng thái hậu kể rằng: “Trước kia, khi ích Tắc chưa sinh, Thái tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống nói rằng: “ Thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương Bắc”. Đến khi ích Tắc sinh, giữa trán có vết lờ mờ như hình con mắt”. Vậy nay ích Tắc theo người Bắc cũng không có gì là lạ.

Các quan cùng tướng lĩnh người tin người không nhưng câu chuyện ấy cũng truyền đi trong quân doanh. Quân sĩ bảo nhau:

– ích Tắc là người Bắc, cứ về Bắc. Ta đánh giặc, cứ đánh giặc.

Quả nhiên lòng quân yên định trở lại mà không ai biết đó là mẹo của Trần Quang Khải bày cho nhà vua. Trần Quang Khải lại nói với Trần Quốc Tuấn:

– Toa Đô đã mang quân ra Bắc hội với Thoát Hoan. Thế lực của chúng mạnh lắm. Quốc công có kế gì phá giặc?

Trần Quốc Tuấn nói:

– Toa Đô ra hội với Thoát Hoan, quân Nguyên không khác gì đàn vịt dồn vào đoạn ngòi. Ngại rằng miền Hoan, ái của ta tuy quân còn đông tới hơn mười vạn nhưng vừa bị quân giặc tàn phá. Tôi muốn hai vua vào trong ấy khích lệ quân dân khôi phục thôn hương làm ăn, đặng tạo ra sức người sức của cho ta. Vả lại quân Nguyên đã ở cả ngoài này, vua ta vào trong ấy không còn gì phải lo nữa. Làm xong việc này, quân ta tạo được thế hai mặt đánh ép quân Nguyên vào giữa, chúng không muốn tan vỡ cũng không được.

– Quốc công đã tính như vậy sao không tâu với nhà vua.

– Tôi còn chưa chọn được người hộ tống cho hai vua.

–  Tôi đem quân cùng đi với hoàng thượng là được chứ gì?

Quốc Tuấn cả cười, nói:

–  Thái sư nhận cho việc này, tôi còn lo gì nữa.

Hai người liền sang tâu trình với Thượng hoàng Thánh tông. Trần Quốc Tuấn lại điều thêm quân các lộ Hải Đông, Ba Điểm, Vân Trà chọn người khoẻ mạnh làm quân tiên phong vượt biển vào Nam. Các quân được lệnh đều hăng hái, rầm rộ đến tập hợp. Thế quân rất cường phát. Ngày Giáp Tuất, mồng hai tháng ba năm ất Dậu ( 7-4-1258 ), hai vua lên bộ đến Thuỷ Chú1 lấy thuyền theo sông Nam Triệu đi ra rồi vượt bể Đại Bàng vào Thanh Hoá. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải chỉ huy hải đoàn dàn thành hàng dài kéo đi. Trần Nhân tông nhìn quân thế hùng mạnh, hứng khởi làm thơ đề trên mạn thuyền:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan ái do tồn thập vạn binh.

Tạm dịch:

Cối Kê việc cũ (các) ngươi hãy nhớ

Hoan ái hãy còn chục vạn quân.

Trong khi vua Trần đã mang quân vào Thanh Hoá thì Hải đoàn của Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải, sục tìm ở vùng cửa sông Bạch Đằng tới tận ngày Nhâm Ngọ, mồng mười tháng ba (15-4-1285), có thám hạm về báo vua Nam đã vào Thanh Hoá rồi. Một mặt Giảo Kỳ cho người về báo với Thoát Hoan là suýt bắt được vua Nam. Mặt khác, cho thuyền nhẹ đuổi theo hải đoàn của Lý Hằng gọi trở về.

Lý Hằng trúng kế của Trần Quang Khải, đuổi tít lên vùng biển An Bang bắt được hơn trăm thuyền rách của quân Việt bỏ lại, liền cho người về Thiên Trường báo là bắt được mấy trăm thuyền chiến của quân Nam, cũng còn suýt bắt được vua Nam nữa. Khi thuyền quân Nguyên tới phía Bắc đảo Vạn Hoa, thấy thuyền ngự của vua Trần, liền đuổi một mạch lên thẳng mũi Ngọc. Tướng Việt là Trung Hiến hầu Trần Dương liền bỏ thuyền ngự trên bãi cát, theo đường lạch về Hải Đông. Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng để cho quân Lý Hằng đi qua cũng đem thuyền chiến theo sông Bạch Đằng lên hội với quân của hai vua Trần rồi cùng vào Thanh Hoá. Quân Lý Hằng bắt được thuyền ngự không người, chẳng biết quân Việt đi hướng nào, cứ tìm vơ vẩn trên biển mãi tới cuối tháng ba mới gặp được người của Giảo Kỳ, liền đem thuyền quay về Thiên Trường.

Không đuổi được vua Trần, Thoát Hoan họp các tướng, tìm cách tiến đánh. Quân sư A Lý Hải Nha nói:

– Không nên đuổi vua Nam nữa. Điện hạ hãy mang quân về giữ Thăng Long rồi mở rộng địa bàn đánh sang miền Hồng châu, Đằng châu là nơi đất rộng người đông, cướp lấy người và lương thảo cho quân ta.

Khoan Triệt nói:

– Bây giờ không thể nói đến đánh nữa. Tôi e giữ cũng còn khó. Quân ta ở Thiên Trường, Trường Yên đã hết cả lương ăn lại thêm trời mưa rả rích làm nước sông dâng lên ngập lụt, rất là khổ sở. Thuyền bè dùng vào việc tác chiến chẳng đáng bao nhiêu. Không lui binh mau khó mà chống được thuỷ binh của quân Nam.

Lý Hằng nói:

– Các ông bàn thế sai cả. Thái tử nên ở lại đây, cho bộ binh đánh lên vùng Đại Hoàng, thuỷ binh đánh sang Long Hưng, thẳng tới Đằng châu, Hạ Hồng cũng là những nơi đông người nhiều của, thế nào cũng cướp được nhiều lương thảo.

A Lý Hải Nha nói:

– Lý Tả thừa nói cũng có lý nhưng chưa lường hết được toàn cục. Quân ta đóng lại đây mà không đủ thuyền bè nhỡ khi có chiến sự điều binh làm sao? Trần Quốc Tuấn là tay dùng binh quỷ quyệt, thấy quân ta ở mãi hạ lưu, y điều quân cướp lại Thăng Long, có phải hậu phương của ta đi đời không?

Thoát Hoan nói:

– Quân ta ở đây quá xa biên giới, việc thông truyền tin tức với triều đình rất không thuận tiện, đi lại khó khăn, lương thực đã cạn. Ta lệnh cho Nguyên soái Toa Đô trấn giữ Trường Yên, đối phó với thuỷ quân của người Nam, cho quân đánh châu Đại Hoàng1 thu gom lương thảo. Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải đã lên đây hãy theo ta về Thăng Long. Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm nhận lệnh! Hai ngươi lấy ba vạn quân ở lại giữ Thiên Trường, đóng thêm thuyền bè, khi cần kíp có thể tiếp ứng ngay cho các nơi.

Bột La Hợp Đáp Nhi, A Thâm nhận lệnh đi ra. Thoát Hoan lại gọi Lưu Thế Anh, dặn:

– Nơi sông Kẻ Luộc đổ ra Hoàng giang gọi là Hải Thị, thẳng sang hữu ngạn có sông Lỗ, phía dưới cửa sông Lỗ có trại A Lỗ. Ngươi đem một vạn quân đến đấy đóng đồn, khống chế vùng Hải Thị, không cho thuỷ quân của Quốc Tuấn từ sông Kẻ Luộc ra Hoàng giang.

Lưu Thế Anh đem quân đi ngay. Thoát Hoan lại gọi Mã Vinh, Cát Lý Hoa La đến, dặn:

– Ta cho hai ngươi mang năm nghìn quân đi trước, về lập đồn tại Hồng Giang Khẩu2, bảo vệ Thăng Long.

Mã Vinh, Cát Lý Hoa La mang quân đi rồi, Thoát Hoan gọi Mãng Cổ Đài, Triệu Tu Kỷ, Phàn Tiếp đến nghe lệnh:

– Khoảng giữa Thăng Long đến Hải Thị có ba ngôi thành cổ của người Nam xây dựng. Bên tả ngạn là Hàm Tử, Tây Kết. Bên hữu ngạn là Chương Dương. Mỗi ngươi mang năm nghìn quân đến đấy, Triệu Tu Kỷ giữ cửa Hàm Tử, Mãng Cổ Đài đóng ở Tây Kết còn Phàn Tiếp giữ lấy Chương Dương, lập kho  khí giới quân cụ. Từ đấy cung cấp cho các nơi đều thuận tiện. Các ngươi chặn đứt tuyến đường sông, không cho quân của Quốc Tuấn ra vào.

Ba tướng mang quân đi, Thoát Hoan cho gọi Trương Hiển, Phạm Nhan đến, dặn:

– Bên trên Lỗ giang chừng mười dặm là nơi Hoàng giang phình ra, ở giữa sông có bãi cát bồi lớn gọi là bãi Xích Đằng, bên hữu ngạn có Bái Hương. Cạnh Bái Hương là đồn Đại Mang. Hai ngươi đem năm nghìn quân đóng ở đấy. Tuần tiễu trên sông, nối truyền tin tức suốt từ Trường Yên lên Thăng Long.

Thoát Hoan phân phát quân tướng đâu đấy, liền kéo đại binh về Thăng Long, bình chương Nạp Tốc Lạt Đinh đem quân từ bến Bồ Đề đến đón vào thành. Thoát Hoan hỏi:

– Ngươi ở lại đây có tìm được lương thảo gì không?

Nạp Tốc Lạt Đinh thưa:

– Trình điện hạ! Tôi đã nhiều lần mang quân đánh ra các vùng xung quanh nhưng dân Nam làm kế thanh dã, số lương thảo kiếm được chẳng đáng kể gì.

Hôm sau, Thoát Hoan nhận được tín thư của thám binh từ Thanh Hoá báo về, liền họp các tướng thương nghị, nói:

– Vua Nam vào Thanh Hoá tập hợp quân đội lên tới mười mấy vạn người, thế lực rất mạnh, cùng với Trần Khánh Dư ở Hoan châu, Trần Quốc Khang ở Diễn châu ngày đêm tích thảo dồn lương, muốn đánh ra Bắc hợp với quân của Trần Quốc Tuấn, ép quân ta vào giữa. Các tướng có kế gì chống được giặc không?

Minh Lý Tích Ban nói:

– Quân ta tiếng là có tới năm mươi vạn nhưng từ khi vượt khỏi biên giới đến nay trải mấy mươi trận giao tranh lớn nhỏ, số thiệt hại đã gần một nửa mà chưa làm tổn hại được chân nguyên khí của quân Nam. Nay chúng lại nổi lên càng mạnh, thanh thế rất lớn. Điện hạ cáo cấp ngay về triều đình, xin thêm viện binh và lương thảo mới có thể thủ thắng được.

Ô Mã Nhi nói:

– Từ đây về tới triều đình, kể đi lại có nhanh cũng mất hàng nửa năm giời. Quân cứu viện đến được, người Nam nó đã làm thịt chúng ta từ lâu rồi. Chỉ cần chúng giữ vững không ra đánh, quân ta cũng ra ma đói cả. Tôi cho là phải mang ngay quân vào Thanh Hoá diệt hẳn đạo binh của vua Nam đi, một mình Trần Quốc Tuấn ở ngoài này chẳng thể làm gì ta được.

Lưu Khuê nói:

– Ta có mang quân vào Thanh Hoá cũng không dễ đánh được vua Nam. Trần Quang Khải là tướng mưu cơ, trong đó lại còn có Trần Khánh Dư, Trần Quốc Khang đều là tay dũng lược cả. Tôi đã thử sức với họ rồi.

Thoát Hoan quay hỏi A Lý Hải Nha:

– Quân sư có kế sách gì chăng?

A Lý Hải Nha nói:

– Tôi cho lời bàn của các tướng đều phải dùng cả. Trần ích Tắc đã theo hàng, ta nên cho người về xin viện binh và cầu phong cho y làm quốc vương để hiệu triệu dân Nam đi theo chống lại Nhật Huyên, tạo ra cái thế trai cò đấu nhau còn ta làm ngư ông. Khi đã diệt được Nhật Huyên rồi, muốn bóp chết ích Tắc lúc nào chẳng được. Nhưng việc Ô Mã bạt đô nói cũng phải, nên cử ngay nguyên soái Toa Đô đem binh thuyền quay lại Thanh Hoá đánh bắt vua Nam. Không cho chúng gom dồn lực lượng.

Thoát Hoan nói:

– Toa Đô vừa ra ngoài này lại bắt quay vào, ta sợ ông ấy vất vả quá.

Giảo Kỳ nói:

– Toa Đô là người chí trung, tôi quyết rằng ông ấy chẳng oán thán gì đâu. Có điều đạo quân ấy trước đây có hơn mười vạn, trải nhiều trận đánh trên đường đi, nay chỉ còn hơn năm vạn quân, khó mà phá được mười mấy vạn tinh binh của vua Nam.

Thoát Hoan liền gọi Ô Mã Nhi nhận lệnh:

– Ngươi đem sáu mươi thuyền chiến cùng một nghìn ba trăm quân xuống Trường Yên nhập với Toa Đô, tiến thẳng vào ái châu đánh bắt bằng được vua Nam – quay bảo Lưu Khuê – Ngươi hãy vì ta mà cùng đi chuyến này.

– Xin tuân lệnh.

Ô Mã Nhi, Lưu Khuê nói xong đi ngay. A Lý Hải Nha nói với Thoát Hoan:

– Để đánh phá một đạo quân lớn đến mười mấy vạn người mà thái tử chỉ điều thêm có một nghìn ba trăm quân với sáu mươi thuyền thì bõ bèn gì.

Thoát Hoan bảo:

– Biết làm sao được. Ta làm gì có nhiều thuyền đâu. Quân số dàn mỏng chốt giữ từ Trường Yên tới đây còn đang lo quân Nam tiến đánh không biết ứng cứu thế nào.

Toa Đô đang cho quân đánh phá châu Đại Hoàng để cướp bóc bỗng thấy Ô Mã Nhi đem quân tới truyền lệnh, liền giao cho Kê La Liên, Phó Mỹ ba nghìn quân ở lại giữ Trường Yên, còn bao nhiêu lập tức lên đường thừa hành chức nhiệm.

Hắc Đích nói:

– Thái tử thật chẳng công bằng chút nào. Nguyên soái vừa ở trong ấy ra, vất vả bao nhiêu, lại điều ngay vào. Còn những người khác cứ ung dung ở ngoài này, chẳng cần biết đến nỗi khó nhọc của nguyên soái.

Toa Đô trừng mắt quát:

– Ngươi sợ khó nhọc cứ ở lại, làm sao phải nói thế? Ta là tướng chỉ biết thừa hành quân lệnh, chết cũng không từ chứ đừng nói là khó nhọc.

Hắc Đích vừa sợ vừa xấu hổ, vội chuẩn bị lên đường.

Thật là:

Vừa ra xứ Bắc lại vào Nam

Con đường chinh chiến lắm gian nan

Một đời làm lính ngoài muôn dặm

Nguy khốn cũng đành chẳng oán than.

Việc này tạm dừng ở đây, sau sẽ còn quay lại. Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Thoát Hoan cử ai về Nguyên xin Viện Binh.




1 Mũi Ngọc : Núi Ngọc hay Ngọc Sơn, một địa điểm ở sát biên giới Trung Quốc, bãi biển Trà Cổ ngày nay.

2 Tam tòng: Ba điều mà người con gái phải theo là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ởnhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết thì theo con).

1 Sau khi kết thúc chiến tranh lần thứ 3, vua Trần viết biểu thư cho Hốt Tất Liệt có nhắc lại những lời này cùng những hành động tàn ác của Ô Mã Nhi, như một lời thông báo về việc Ô Mã Nhi không thể được dung tha. Hốt Tất Liệt biết vậy nhưng không làm sao được.

2 Nhật Huyên: Chỉ vua Trần.

1 Cửa Đại Bàng: Nay là cửa sông Văn úc.

2 Đấu hạm: Một trong những loại thuyền chiến có thể đánh nhau cả trên sông lẫn trên biển.

1 Cửa biển An Bang: Thuộc khu vực Vân Đồn, Quảng Ninh ngày nay, có cửa sông Chanh đổ ra biển.

2 Đảo Vạn Hoa: Tức đảo Cái Bầu ngày nay.

1 Ngọc sơn: Nay vẫn gọi là núi Ngọc. Mũi đất nhô ra gọi là Mũi Ngọc, khu vực bãi biển Trà Cổ.

1 Nhất thành, nhất lữ: Lấy từ câu “Hữu điền nhất thành, hữu chúng nhất lữ”, chỉ việc vua Thiếu Khang nhà Hạ thua trận đến nỗi đất chỉ còn một thành Luân ấp, quân chỉ còn một lữ (500người) vậy mà sau khôi phục lại được.

1 Thuỷ Chú: Là một bến bên bờ sông Bạch Đằng.

1 Đại Hoàng là tên châu, có sông Đại Hoàng (Hoàng Long) chảy qua. Nay thuộc phần đất tỉnh Ninh Bình.

2 Hồng Giang Khẩu: Có tài liệu cho rằng địa điểm này có thể ở phường Giang Khẩu, phía Đông Bắc thành Thăng Long, giáp với Đông Bộ Đầu.

Đ.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder