Kiệt Tấn là một trong những cây bút nổi bật của văn học miền Nam trước 1975 và văn học Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Ông là một trong không nhiều nhà văn sinh ra, trưởng thành ở vùng đất Tây Nam Bộ có tên tuổi trên văn đàn. Tác phẩm của ông luôn thấm đẫm phong vị riêng của văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long, dù ông đang sống xa Tổ quốc. Vì vậy, Kiệt Tấn được nhiều nhà nghiên cứu văn học thừa nhận là “Nhà văn miệt vườn” xuất sắc, thể hiện tinh tế “khí hậu” riêng có của vùng sông nước miền Tây trong sáng tác của mình. Truyện dài của Kiệt Tấn là một tác phẩm tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước Tây Nam Bộ như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh mà ông mang theo suốt cuộc đời .
1. Kiệt Tấn là một trong những cây bút nổi bật của văn học miền Nam trước 1975 và văn học Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Ông cũng là một trong không nhiều nhà văn sinh ra và trưởng thành ở vùng đất Tây Nam Bộ có tên tuổi trên văn đàn. Sáng tác của Kiệt Tấn luôn thấm đẫm phong vị riêng của văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù ông đang sống xa Tổ quốc. Vì vậy, Kiệt Tấn được nhiều nhà nghiên cứu văn học thừa nhận là “Nhà văn miệt vườn” xuất sắc thể hiện tinh tế “khí hậu” riêng có của nông thôn vùng sông nước miền Tây trong tác phẩm của mình. Truyện dài Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn là một tác phẩm tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước Tây Nam Bộ như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh mà ông mang theo suốt cuộc đời.
2. Không phải ngẫu nhiên khi đọc Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn, độc giả cho dù không sinh ra ở miền Tây Nam Bộ, thậm chí chưa có cơ hội đến thăm mảnh đất này dù chỉ một lần nhưng đều có thể “nghe hơi thở miền Nam sống dậy… cảm nhận nhiều điều và sung sướng khôn nguôi”(1). Sở dĩ Lớp lớp phù sa mang lại cho bạn đọc khoái cảm thẩm mỹ mạnh mẽ, sâu sắc như vậy bởi dưới ngòi bút tài hoa của Kiệt Tấn – một “nhà văn miền Nam chính hiệu”, chúng ta được ngược dòng thời gian đắm mình trong không gian của vùng sông nước Thới Lai, Cờ Đỏ, Bình Thủy với thiên nhiên vừa thơ mộng, lãng mạn vừa dữ dội, khắc nghiệt và con người vừa phóng khoáng, bao dung, nhân hậu, vừa nghị lực, rắn rỏi, quyết liệt, phi thường… Bao trùm lên tất cả là một nền văn hóa sông nước ẩn chứa nhiều vẻ đẹp độc đáo, bí ẩn, huyền diệu không thể lẫn với bất cứ một miền quê nào khác. Mặc dù Kiệt Tấn cho rằng: “Những nhân vật và chuyện kể trong Lớp lớp phù sa giờ đây đã trở thành cổ tích” nhưng văn hóa vốn là “cái còn lại sau tất cả những gì đã mất”, cho nên cũng như Cửu Long giang miệt mài ngày đêm bồi đắp phù sa, tiếp thêm sinh lực cho con người và vạn vật, những trang văn của Kiệt Tấn càng theo độ lùi của thời gian càng ánh lên chất ngọc quý giá bồi đắp tinh thần cho con người, bởi ở đó lấp lánh những hằng số giá trị văn hóa của một vùng đất phương Nam mà không phải ở nơi nào cũng có.
Với Lớp lớp phù sa Kiệt Tấn đã phục dựng nguyên trạng trạng thái văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ ở một thời một đi không trở lại – đó là thời kỳ khẩn hoang “kéo dài từ những năm 1920, trước thời kỳ chiến tranh chống Pháp từ 1945 đến 1954”(2). Đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng gian khổ, nhọc nhằn mà người nông dân trên mảnh đất này phải đánh đổi, gìn giữ sự sinh tồn bằng nhiều mồ hôi và nước mắt thậm chí cả xương máu của mình. Trên nền của hoàn cảnh mưu sinh đầy nguy hiểm, lam lũ, cơ cực, vất vả đó, lớp lớp thế hệ những người con sinh ra trên quê hương sông nước Cửu Long vẫn bền bỉ, âm thầm, lặng lẽ nối tiếp nhau vừa làm ăn, sinh sống vừa bồi đắp, dựng xây làm phong phú thêm những nét văn hóa của xứ sở sông nước, miệt vườn. Có thể nói, sâu đậm trong tiềm thức của Kiệt Tấn, miền quê Thới Lai, Cờ Đỏ, Bình Thủy là cả một Tây Nam Bộ thu nhỏ bởi ở đó tập hợp đầy đủ những nét độc đáo nhất của đời sống văn hóa tinh thần và đời sống văn hóa vật chất của con người xứ sở sông nước này.
Các nhà nghiên cứu văn hóa thừa nhận, nói đến văn hóa sông nước là nói đến một nền văn hóa nước đa dạng, “do địa hình cư trú là vùng sông nước nên ở đây mọi thứ đều phải thích nghi với nước: từ thực vật, động vật đến con người”(3). Thiếu nước thì sẽ không có sự sống, không có văn hóa, văn minh sông nước. Tuy nhiên, vai trò của nước đối với con người, thiên nhiên ở những vùng điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ khác nhau. Tây Nam Bộ – một vùng sông nước kênh rạch điển hình nhất của dải đất Việt Nam hình chữ S. Từ thuở khai thiên lập địa, sông nước đã song hành cùng đời sống con người nơi đây trên mọi phương diện. Con người đã tận dụng nước để đi lại, để làm ra hạt lúa, vừa chống chọi đối phó với sức mạnh của nước vừa hài hòa, giao lưu chung sống cùng với nước.
Sinh ra và được nuôi dưỡng trong chiếc nôi văn hóa sông nước nên cũng như nhiều người con của quê hương miền Tây, Kiệt Tấn mang nặng trong tiềm thức của mình hình ảnh quê hương với một hệ giá trị văn hóa sông nước, hệ giá trị này được thể hiện cụ thể qua thế giới nghệ thuật của Lớp lớp phù sa với những con người, sự vật, sự việc và thiên nhiên sống động – tất cả kết tinh bản sắc đặc thù của văn hóa sông nước Tây Nam Bộ.
Như tên gọi của tác phẩm, bao trùm trong thẳm sâu ký ức về miền quê sông nước của tác giả là những dòng sông với lớp lớp phù sa cuồn cuộn chảy. Hình ảnh sông nước tự thân nó len lỏi khắp mọi mặt của đời sống con người miền Tây. Có lẽ chính vì vậy nên trong suốt chiều dài Lớp lớp phù sa, hình ảnh con người cùng chiếc thuyền, chiếc ghe lênh đênh trên sông nước trở đi trở lại nhiều lần. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh: “chú Ba ngưng mái dầm một chút chờ cho chiếc ghe cà dom lớn xẻ dòng nước đục băng qua trước mặt chiếc xuồng ba lá của mình (…). Chiếc ghe cà dom nghinh ngang kình càng, sơn đen với hai tròng mắt đỏ trắng ngó trừng xuống dòng phù sa cuồn cuộn, bợn đất lợn cợn như huyết cầu phăng phăng trong dòng máu đang chảy xiết”(4); và kết thúc tác phẩm là hình ảnh “Chín Xuân chống mái dầm trên đầu cầu dừa, xô chiếc xuồng ba lá ra giữa dòng. Từng đợt sóng nhỏ còn thấm lạnh sương đêm đập vào mạn xuồng lắp tắp (…). Một giọng hò tưởng chừng đã tắt lịm khi trăng xế, mà rồi lúc nào cũng vẫn lênh đênh trên dòng phù sa ngầu đục lũ cuốn điệp trùng”(5). Tận dụng dòng chảy của nước để đi lại, kênh rạch được coi là “lộ”, là “đường”, cư dân miền sông nước vốn dùng thuyền, ghe làm phương tiện vận tải trên sông, cho nên hình ảnh chiếc thuyền, chiếc ghe được Kiệt Tấn nhắc đến trong tác phẩm như một người bạn thân thiết, gắn bó gần gũi với mọi sinh hoạt của con người. Nơi nào trên sông nước Tây Nam Bộ cũng ghe, thuyền hoặc làm nhà ở, hoặc để đi chợ buôn bán…
Bối cảnh tự nhiên Tây Nam Bộ đã tạo nên tính cách văn hóa của con người miền Tây. Chính vì vậy người miền Tây sinh ra trên sông nước và khi nhắm mắt xuôi tay cũng gắn bó với sông nước quê hương. Không phải ngẫu nhiên, trong Lớp lớp phù sa Kiệt Tấn đã dụng công khắc họa đậm nét hai hai cảnh tượng: cảnh nhân vật thím Ba vật vã sinh nở đứa con đầu lòng và cảnh chú Tư chết đau đớn, thảm thương dưới lòng sông thân thuộc của quê hương. Thông qua những cảnh tượng này, người đọc có thể thấu hiểu nhiều điều về cuộc sống và tính cách văn hóa của con người miền sông nước Cửu Long.
Ở cảnh tượng thứ nhất, người “đờn bà” miền sông nước trong hồi trở dạ sinh con được nhà văn miêu tả cặn kẽ, tỷ mỉ. Bắt đầu là hình ảnh vợ chú Ba mang thai “tròm trèm có bảy tháng” nhưng đã “đau bụng đẻ rên hừ hừ. Cánh sông quá lớn tách rời cù lao với đất liền, mặt nước vang dội tiếng quạ quang quác kêu chiều. Trời sắp chạng vạng (…)”, tiếp đó cơn đau của thím Ba mỗi lúc một tăng: “Thím Ba nằm dã dượi, đau càng lúc càng dồn thúc (…) thím ôm bụng cắn răng (…) tóc sút ra dã dượi, mặt mày xanh lét”. Trong giờ phút cấp bách, ranh giới của sự sinh tử đó, vợ chồng chú Ba vẫn lênh đênh chống chọi trên sông nước, mù mịt hơn khi màn đêm bắt đầu buông xuống: “Cù lao bên kia biệt mù không ngó thấy, ngoại trừ vệt xanh của rặng cây trong ánh sáng nhá nhem. Dưới sức khuấy động của dầm bơi, xuồng phăng nước ồ ồ. Nước đang lớn, sông càng rộng thênh thang. Nước tứ bề, nước lênh láng. Những cánh chim đen trên cao bay lượn…”(6). Rồi cuối cùng, sau bao đau đớn tưởng muốn chết đi của người mẹ và bao mong đợi, lo âu thấp thỏm cực điểm của người cha một chú bé con đã chào đời: “Tiếng oe oe lại ré lên tiếp theo tiếng bà mụ. Chú thấy đau nhói ở rún mình như bị cây đinh nhọn xốc vô. Lại có tiếng lép bép, oe oe rồi tiếng chân lẹp bẹp. Cửa chòi chợt bật tung ra … chú sướng ran, máu dồn lên đầu rần rần, chú đứng chết trân tại chỗ”(7). Cuộc vượt cạn của “người đờn bà” sống nơi miền sông nước được tái hiện trong một hoàn cảnh ẩn chứa đầy nguy hiểm, bất trắc. Mọi sự diễn ra tự nhiên, tất cả chỉ đợi vào sự may rủi của số phận, không có một sự hỗ trợ nào của y học và nền văn minh vật chất. Nhưng cuối cùng sức mạnh sinh tồn của con người đã chiến thắng. Tiếng khóc chào đời của cậu bé “sanh non” giữa một không gian mênh mông, cô quạnh đã khiến tất cả vỡ òa cảm xúc…
Bút lực tài hoa của Kiệt Tấn đã giúp bạn đọc nhiều thế hệ được trải nghiệm cùng cư dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ khoảnh khắc khó khăn nhưng cũng vô cùng hồi hộp, thiêng liêng – đó là giây phút chào đón một con người ra đời đặt trong thử thách nghiệt ngã của hoàn cảnh mênh mông sông nước. Có thể nói, xung quanh việc thím Ba sinh nở – Kiệt Tấn đã tái hiện một bức tranh chân thực nhất khái quát về hiện thực đời sống hoang sơ của cư dân Tây Nam Bộ thời khẩn hoang mở cõi, gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về điều kiện sống vô cùng gian khổ và ý chí của những con người khởi nguồn làm nên văn hóa trên mảnh đất này…
Xung quanh sự việc sinh nở của thím Ba, người đọc cũng cảm nhận được tình cảm gắn kết gia đình của con người sống nơi sông nước. Đó là tình cảm vợ/chồng, cha/con, ông/cháu ấm áp yêu thương. Họ đùm bọc, giúp đỡ chia sẻ nhau lúc khó khăn. Chi tiết chú Ba lo âu tột bậc trong cơn trở dạ sinh của vợ, chú chỉ “ước gì chú rặn tiếp được cho vợ một hơi dài” và “chú sướng ran, máu dồn lên đầu rần rần, chú đứng chết trân tại chỗ” khi con trai cất tiếng khóc oe oe, hoặc chi tiết ông Đương (ba ruột chú Ba) nghẹn ngào, xúc động khi đến thăm cháu “…chòm râu hoe bạc run run dưới sự cảm xúc. Nước mắt ông lại trào ra”(8), ông ân cần hỏi thăm con dâu, và “suy nghĩ tìm cảm hứng đặt tên cho thằng cháu đích tôn”, lo chuyện cho người giúp con trai gặt lúa để con có thời gian chăm vợ con mới sinh… là những chi tiết khiến người đọc xúc động bởi văn hóa ứng xử, cách biểu lộ tình cảm trong gia đình của con người vùng sông nước: giản dị, mộc mạc và chân thành, sâu sắc. Dường như ở những người nông dân miệt vườn này sự trân quý Con người được đặt lên trên hết – đó là nền tảng nhân văn, là truyền thống văn hóa gia đình quý báu mà con người vùng sông nước miền Tây ngay từ thuở sơ khai lập nghiệp đã có ý thức xây dựng, giữ gìn.
Ở cảnh tượng thứ hai, sự việc chú Tư “bị chết chìm” trong lúc đánh bắt cá kiếm sống trên sông nước quen thuộc cũng được tác giả dành cho những tình cảm đặc biệt. Chỉ những người đã từng đồng cam cộng khổ cùng cư dân sông nước miền Tây như Kiệt Tấn mới có thể thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, gian nguy trong công cuộc mưu sinh của đồng loại. Nhà văn hình dung cảnh chú Tư “chết bất tử” vì “bị kẹt chà”- đó là cái chết vô cùng thương tâm: “Chà là những nhánh cây và tàu dừa cắm dưới đáy sông cho có bóng mát để dụ cho cá vô ở. Khi ước chừng đã có nhiều cá vô ở trong đám chà, muốn bắt cá, người ta đóng đăng (một loại sáo tre), vây quanh đám chà. Chờ cho nước ròng, lấy nơm ra mà chụp và bắt cá. Chắc chú tư đã lặn xuống dỡ chà trong lúc nước lớn, bất ngờ tóc chú sút ra quấn vô nhánh cây cắm dưới đáy sông gỡ ra không đặng cho nên mới ra nông nỗi…”(9). Chú Tư ra đi bỏ lại vợ và “năm đứa con nheo nhóc… nhà lại nghèo quá” vợ chú Tư nức nở than khóc, trong bi kịch gia đình bối rối chỉ còn biết tính nước “lấy chiếu quấn lại nhờ bà con lối xóm… họ… họ chôn dùm ở chỗ đất còn… còn bỏ hoang”(10).
Sông nước miền Tây ban cho con người miền Tây nhiều ưu ái đúng như câu hò mà Kiệt Tấn đã đặt làm lời đề từ cho mở đầu thiên truyện: Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá (ờ ớ) tôm… Đánh bắt tôm cá và các loài thủy sản để sinh sống là công việc thường nhật của người dân vùng sông nước. Điều kiện tự nhiên của môi trường cư trú khiến con người phải thích nghi, chú Tư cũng như nhiều người dân khác đã cần mẫn làm ăn, sáng tạo cách đánh bắt cá mà chỉ thấy ở riêng vùng Tây Nam Bộ. Sông nước cho con người sự sống nhưng cũng chính sông nước tiềm ẩn nhiều bất trắc, nguy hiểm, nó cũng có thể bất ngờ cướp đi sự sống, cướp đi tất cả những gì của con người bao công sức xây đắp suốt một đời…
Dân gian thường nói “trong cơn hoạn nạn mới tỏ lòng nhau”. Trong thiên truyện này, xoay xung quanh cái chết đột ngột, thảm thương của chú Tư và hoàn cảnh cơ cực của gia đình chú, nhà văn Kiệt Tấn đã tô đậm một nét tính cách văn hóa vô cùng đáng trân trọng của con người miền Tây: tinh thần nhân ái, hào hiệp và trọng nghĩa.
Người đọc Lớp lớp phù sa không thể không xúc động trước ứng xử của chú Ba – một người đàn ông miền Tây nghèo khó nhưng luôn sống bao dung và giàu tình cảm. Trước tình cảnh bất hạnh, bi kịch đáng thương của gia đình chú thím Tư, chú Ba thấy “ruột quặn đau, cổ họng thắt gút… trái tim trĩu nặng thương xót, buồn rầu, xen lẫn căm hờn phẫn uất”(11); Chúng ta không thể không lặng người trước hành động đầy ân nghĩa của chú Ba: quyết định dành “món tiền khiêm nhường, chắt bóp từ bấy lâu nay, dành dụm sắm đồ cho vợ con ăn Tết” để mua hòm chôn cất chú Tư. Trong lòng người đàn ông này, không phải không diễn ra những dằn vặt, xót xa khi nghĩ đến nỗi thất vọng và “nét mặt buồn xo của vợ”, sự mếu máo, khóc lóc tội nghiệp của con nhỏ khi mình trở về tay không và cái Tết của gia đình chỉ có “rau canh đạm bạc”. Nhưng cuối cùng, lòng thương người, tấm chân tình chia sẻ cùng những con người khốn khổ đã khiến chú Ba “không đành dạ”. Trong lòng chú chỉ biết nghĩ cho người khác: “Một người biết mến thương chỗ mình chôn nhau cắt rún, biết quyến luyến cuộc đất nơi mình sanh sống cả đời, thì chẳng nhẽ nào khi nhắm mắt, lại trở về với bốn bề đất đó trong một manh chiếu rách. Làm sao không khỏi ân hận trong lòng?”(12).
Trong quan niệm của chú Ba, con người khi sống gắn bó với quê hương thì khi trở về với đất luôn xứng đáng được tôn trọng bởi những gì họ đã sống, đã dâng hiến cho cuộc đời. Suy nghĩ và hành động dứt khoát của người đàn ông miền Tây này xuất phát từ nền tảng quan niệm văn hóa tốt đẹp của dân tộc, “nghĩa tử là nghĩa tận”, “lá lành đùm lá rách”. Tây Nam Bộ xưa vốn là đất của dân tứ xứ, những con người ban đầu không quen biết nhau, nhưng chính vì ai cũng thân cô thế cô đến từ mọi miền làm ăn sinh sống trong mênh mông sông nước nên hình thành nhu cầu tương trợ lẫn nhau. Ở đây, trong hoàn cảnh này, cái đáng nể phục là “lá rách đùm lá rách hơn”… Vào khoảnh khắc gian nan bi kịch nhất của cuộc sống, họ đã dám lặng lẽ hy sinh, chia sẻ cho nhau tấm lòng, tình cảm chân tình quý báu mà không có tiền bạc nào có thể đo đếm được. Trong nhiều sự lựa chọn, người Tây Nam Bộ luôn lựa chọn cách hành xử văn hóa mang tính nhân văn nhất. Suy tư của chú Ba giản dị nhưng mang giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc; hành động của chú Ba nghĩa hiệp, khảng khái, coi trọng nghĩa tình – đây chính là những nét tính cách văn hóa đặc sắc nhất, mang đầy cá tính của con người miền sông nước Tây Nam Bộ.
Trong tác phẩm, người đọc rất thú vị với nhân vật Lão Thần Y (ba ruột của thím Ba) – đây là một nhân vật đặc biệt mang nhiều sắc màu huyền thoại. Ông luôn luôn thoắt ẩn, thoắt hiện trong gia đình. Sự xuất hiện của ông ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào cũng mang lại cho mọi người niềm tin hy vọng, nhất là khi sự sống và cái chết chỉ là một đường biên mỏng manh. Cuộc sống ngao du hành hiệp của Lão Thần Y để chẩn bịnh và hốt thuốc cứu giúp mọi người mang bóng dáng của người anh hùng trượng nghĩa. Lão Thần Y có cách sống bộc trực, thẳng thắn, thích làm theo ý mình, sống đúng với con người thật của mình. Ông thương vợ, thương con và quý cháu hết lòng. Sự có mặt của ông luôn “khiến cho mọi hiềm khích, gay cấn vặt dịu xuống”((13). Lão Thần Y như vị cứu tinh trong đời sống cộng đồng vùng sông nước. Trong một mùa “trời chợt trở nắng hạn” và “bệnh thiên thời vụt bộc phát tại Cờ Đỏ và các vùng lân cận, lây tới tận Thới Lai. Con nít ỉa mửa một buổi là chết liền. Chết rất nhiều” ((14). Lão Thần Y đã “lớp lội bộ, lớp bơi xuồng đi chẩn thuốc đến tận cùng các nơi hẻo lánh. Lần nào về nét mặt lão cũng ưu tư. Lão thức rất khuya để chuẩn bị dược thảo gói trong những bịch nhỏ. Trong vòng nửa tháng đã thấy gò má lão hốc hác, mắt thâm quầng”(15). Cuối cùng Lão Thần Y bị lây bệnh, nhưng không còn thuốc để chữa trị bệnh cho chính mình, bởi lẽ như ông nói với vợ: “Thuốc tôi chẩn cho bà con hết rồi bà ạ”(16). Lão Thần Y từ biệt cõi trần một cách nhẹ nhõm, thanh thản: “Lão rửa mặt sạch sẽ, lên giường nằm”((17). Lão Thần Y đi vào cõi vĩnh hằng khiến cho bao người “ngùi ngùi thương tiếc một bậc danh y tài ba, đức độ”(18). Như dòng sông lớn chở nặng lớp lớp phù sa, bồi đắp cho bờ bãi ngàn đời xanh tốt, Lão Thần Y đã sống một cuộc đời xứng đáng để mọi người kính nể, trân trọng, là biểu tượng của tinh thần nhân ái và mãi mãi bất tử trong tình cảm của lớp cháu con: “Đối với thằng Phát, ngoại nó không thể nào chết được”(19)… Lão Thần Y phải chăng là một tượng đài tôn vinh những anh hùng vì nghĩa quên thân – là dấu ấn sâu sắc của nét đẹp văn hóa luôn tiềm tàng trong lớp lớp thế hệ con người miền Tây Nam Bộ.
Môi trường sông nước miền Tây tôi luyện cho con người ý chí và tinh thần can đảm chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn sinh. Trong Lớp lớp phù sa, Kiệt Tấn đã yêu thương, lo âu và chia sẻ đến tận cùng với thân phận những con người bé nhỏ trước bao mối nguy hiểm khôn lường của sông nước mênh mang: “Dòng phù sa vụt cuốn chìm đứa nhỏ… đứa nhỏ hụp sâu dưới mặt nước âm u mất dạng. Dòng phù sa rùng mình khép kín, cuốn tròn vặn xoáy, dợn uốn nao nao rồi tiếp tục thủy trình thường nhựt của mình, như không hề có chuyện gì xảy ra”(20). Dòng phù sa dưới sự miêu tả của ngòi bút Kiệt Tấn vụt biến thành một kẻ sẵn sàng giết người tàn bạo, lạnh lùng, vô tình, vô cảm… có thể bắt gặp trong tác phẩm rất nhiều cảnh con người vùng sông nước đối diện với sức mạnh khôn lường của chính sông nước khiến người đọc sởn da ốc, thắt lòng thắt ruột… nhưng trường đoạn tái hiện cảnh thím Ba- một người phụ nữ mong manh, yếu đuối một thân một mình giao chiến quyết liệt với dòng nước hung dữ ẩn náu muôn “hồn thủy quái trầm nghịch từ đời đời kiếp kiếp”(21) để cứu mạng sống của cậu con trai mình quả là một trường đoạn giàu kịch tính, để lại trong bạn đọc ấn tượng sâu sắc về sự can trường, dũng cảm, linh hoạt của người đàn bà Tây Nam Bộ: “Ra tới bờ kinh, bóng tối đã nhá nhem. Chạng vạng rớt xuống thiệt lẹ. Ngó cầu ván, ngó lục bình trôi mà liệu sức nước chảy, người đàn bà chạy theo dòng nước ước đoán cấp tốc. Rồi linh tính của người mẹ khiến cho thím Ba định ngay được con mình đang trôi tới đúng chỗ này đây. Thím Ba nhảy ùm xuống dòng phù sa đục ngầu sẫm tím. Vừa chúi đầu xuống nước. Người đàn bà quơ hai tay ra phía trước đụng ngay vật gì trơn nhớt, nhưng vật đó dội liền ra khỏi tầm tay, người đàn bà nín hơi nhoài người theo, với tay níu được cườm chưn của con mình. Người đàn bà kéo đứa nhỏ về phía mình, tay kia bợ cổ đứa nhỏ trồi lên đúng lúc vừa mãn hơi nín, sặc sụa, ho rũ…”(22). Trong thời điểm khẩn cấp, dễ bấn loạn tinh thần nhất, người đàn bà lam lũ, bé nhỏ của miền quê Tây Nam Bộ đã bộc lộ rõ sự bình tĩnh, quyết đoán thông minh, nhạy bén, rất quyết liệt và mạnh mẽ để gìn giữ lại những gì thuộc về hạnh phúc cuộc đời mình.
Trở đi trở lại trong tác phẩm là hình ảnh thím Ba gắn bó với sông nước quê hương: trở dạ sinh nở trên sông, vui đùa, tắm táp cho con trên sông nước, giành giật quyết liệt từ sông nước sự sống của cậu con trai mà thím mang nặng đẻ đau, ngóng chờ chồng đi xa trở về theo mỗi mùa trăng miền sông nước. Người đàn bà này gắn bó cùng sông nước với những kỷ niệm ám ảnh cả một đời: “Cơn mơ dữ không dứt ra được kể từ buổi tối khủng khiếp khắc sâu tâm khảm đó. Thím đã chứng kiến hai cái chết được hồi sinh bên hai dòng phù sa chung nguồn, cái chết của má mình bên kinh Cờ Đỏ, và cái chết của con mình bên con rạch Bình Thủy. Những dòng nước mặn mà đã thu hồi hơi thở do mình ban phát, để rồi lại hoàn nguyên sức sống bồi hồi muôn thuở cho muôn loài muôn vật, độ lượng bao dung, từ bi hỉ xả”(23). Suốt chiều dài Lớp lớp phù sa, hình ảnh ấn tượng nhất là thím Ba – ở thím dường như hội tụ đầy đủ nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Tây Nam Bộ nói riêng: Dịu dàng, thủy chung, đảm đang, khéo léo, chu đáo, thương chồng con hết mực nhưng khi cần rất nghị lực, mạnh mẽ và can đảm đến phi thường… Thiên nhiên sông nước miền Tây đã tôi luyện cho người phụ nữ miền Tây chất vàng ròng của tâm hồn và lý trí để một mình trụ vững giữa cuộc đời, nuôi dạy con thơ dại khi chồng luôn biền biệt xa nhà vì sự mưu sinh.
Có thể thấy rất rõ, trong Lớp lớp phù sa dưới ngòi bút tái hiện hiện thực của Kiệt Tấn, với tập quán sinh sống và gắn bó với sông nước, bắt đầu giây phút cất tiếng khóc chào đời của mỗi cư dân Tây Nam Bộ thì đồng thời cũng là khoảnh khắc họ bắt đầu một hành trình sống độc lập, đầy bản lĩnh cùng không gian tứ bề sông nước. Trong sự bủa vây của nước, đối mặt với những thử thách ngặt nghèo đặt ra đối với cuộc sống, người dân miền Tây chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: phải bền bỉ, nhẫn nại chịu đựng và kiên cường hành động. Phải chăng tồn sinh trong một môi trường thiên nhiên sông nước vừa êm đềm, thơ mộng, vừa dữ dội, hoành tráng, đầy bí hiểm nên con người Tây Nam Bộ định hình, phát triển những nét tính cách văn hóa độc đáo mà không phải con người ở nơi nào cũng có – đó là vẻ đẹp vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn, ngang tàng, khí khái, vừa nhân hậu bao dung, phóng khoáng?!
Tất cả những nét tính cách văn hóa của con người miền Tây đều được Kiệt Tấn ghi nhận sinh động trong chân dung của nhiều nhân vật thuộc các thế hệ trong Lớp lớp phù sa – đó là những con người với những cái tên rất Nam Bộ: Lão Thần Y, Thím Ba, chú Ba, chú Tư, cô Hai Ngọc Lan, thầy Bang biện mậu, cô Hai Hường, cậu Út, Ba Song Phi, Năm Thẹo, chú Chín, Sáu Huê Lầu, Bảy Đãi, bé Phát, bé Sơn… Trong tâm thức của nhà văn, chân dung những người nông dân Tây Nam Bộ chính hiệu hiện lên sống động. Gắn cùng mỗi cái tên là mỗi số phận, mỗi cuộc đời riêng biệt, không ai sống hộ và chết hộ được ai tuy trong số họ nhiều người được gắn kết với nhau trong đời sống bởi các mối quan hệ: vợ chồng, anh chị em ruột, cha con, ông cháu, bà con lối xóm. Cho dù là người miền Tây thuộc thế hệ nào, sông nước vẫn luôn là nguồn sống, là nơi tiếp thêm sức mạnh để con người bồi đắp yêu thương với chính thiên nhiên sông nước và con người xứ sở này. Chính vì vậy, con người miền Tây luôn hòa hợp cao độ với thiên nhiên sông nước, chấp nhận sống cùng sông nước như người bạn tâm giao.
Tâm thức văn hóa sông nước Tây Nam Bộ khiến văn chương Kiệt Tấn tràn ngập hình ảnh thiên nhiên lãng mạn, thơ mộng, giàu sức sống gắn bó với sinh hoạt đời thường sinh động, với những phong tục, tập quán giàu bản sắc văn hóa vùng miền, đó là không khí đón Tết Nguyên Đán, là những phiên chợ nổi chất ngất sản vật mà quê hương miệt vườn ưu ái dâng tặng cho con người xứ sở: “Trời đã sáng hẳn. Vừng kim ô chói rọi trên mặt nước lóa chóa. Chim nhạn dập dìu trên nhánh nước mênh mông, gọi bầy lao nhao, cắn mổ giành mồi, tranh la xao xác. Những cánh nhạn trắng xòe ra chở nắng tươi tốt, đảo vòng trong không khí ẩm mát, chốc chốc lại bất thần chúi xuống mặt sông xớt một con cá vẩy bạc óng ánh, rồi vỗ cánh bay vút lên hớn hở, rộn ràng. Ghe lớn, ghe nhỏ từng đoàn túa ra dòng thủy lưu lợn cợn phù sa, chở khẳm trong khoang ghe hang hóa, đồ ăn, vải vóc, trái cây, tuôn về chợ Phong Điền, chợ Cần Thơ, chợ Cái Răng…”(24); “Trời bắt đầu đi vào tháng Chạp, gió bấc thổi lạnh từ bờ kinh, mang theo mùi bùn đất và hương vị Tết nhứt lâng lâng, lãng đãng. Cột mai trước nhà lất phất lá mới, màu lá xanh mướt ửng chút nâu non hòa theo âm hưởng của đất trời. Đêm rộn rã tiếng chày giã nếp để chuẩn bị làm bánh tét, làm xôi cho ba bữa Tết”(25); Lúc này gần Tết, trong chợ người ta lui tới ì ì. Ghe chở khẳm dưa hấu đổ lên đệm lát bày bán khắp nơi. Nào pháo đỏ, nào vải vóc, nào bánh mứt, nào liễn đỏ, nào vịt quay, nào bông hoa, mọi thứ hương vị tạp nhạp trộn lẫn nhau hang hăng thành không khí đặc biệt của ngày Tết, gây cho người cái cảm giác ngất ngây lạ lung mà chỉ dịp xuân về mới có”(26). Quả là chỉ có ở miền Tây mới có những chợ nổi sầm uất, phong phú sản vật miệt vườn đến thế!
Hình ảnh vầng trăng và không gian đêm miền sông nước trở đi, trở lại trong tác phẩm như một chứng nhân chứng kiến bao cảnh đời, cảnh người, buồn có, vui có, hạnh phúc có, bất hạnh có: “Trăng thôn quê lên cao, tỏa ánh sáng tình tứ dịu hiền trên đồng ruộng đang thiếp ngủ. Nhạc dế run đều đều bốn phía, thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi tiếng vạc ăn đêm chợt thốt kêu, để rồi sau đó lại tiếp tục hoài cảm êm đềm bản trường canh dạ khúc”(27); “Bên kia sông, trăng đầu hôm bắt đầu nhô lên, một vùng hào quang ửng sáng mờ tỏa tiếp giáp với lùm tre và nóc nhà lá thẳng thớm. mọi âm thanh xào xạc đã im… Đêm thôn dã chìm trong tịch mịch”(28); “Nắng chiều phả hơi thở vàng trên những ngọn cau xòe lá mướt xanh tươi tốt. Chim cu từng bầy bay về ổ kêu gọi nhau láo nháo. Một cánh cò trắng mỹ miều chậm rãi bay lượn ngang tha thướt, người đàn bà ngoái cổ ngó theo cho tới lúc vệt trắng khuất mất…”(29); “Nước trong kinh đang lớn. Sóng nhỏ cuốn dờn dợn đục ngầu một mầu đất. Nhiều cụm lục bình và một than chuối còn tươi rói nhấp nhô trên mặt kinh, Bên kia song vọng qua tiếng vịt bầy cạp cạp vang dội trên mặt phù sa vặn xoáy, và bờ kinh đất bồi ẩm sốt trong nắng chiều vạm vỡ. Một chiếc xuồng chở thùng hộp và keo hũ lỉnh kỉnh lướt ngang, người con gái đầu quấn khăn choàng cất tiếng rao trong leo lẻo trên dòng nước bợn đục…”(30).
Dưới cái nhìn của Kiệt Tấn, thiên nhiên sông nước miền Tây như có linh hồn, những người dân xứ sở này hơn ai hết đều hiểu quê hương và con người nơi mình sống một cách sâu sắc. Cho dù có đi phiêu bạt đâu đó xa quê hương, linh giác tinh tế vẫn mách bảo họ nhiều điều kỳ diệu về quê nhà mà chỉ có thể lắng nghe, cảm nhận được từ sâu thẳm trong tâm thức của mình… Tính cách văn hóa này giúp họ sống hòa thuận với nhau, cùng chung sức khai hoang lập ấp. Với sự nỗ lực đó, mảnh đất hoang vu thuở nào nay đã trù phú, rừng hoang đã rẫy, với những cánh đồng bát ngát xanh tươi. Thiên nhiên ngày càng đem đến cho con người ở đây nhiều nguồn lợi. Từ đó họ càng thêm tự hào và yêu quý mảnh đất này. Và họ còn thể hiện tình cảm cũng như tấm lòng mình với đất nước với một phong cách rất riêng mang đậm bản tính của người vùng sông nước Cửu Long. Đó là lý do giải thích tại sao các câu ca dao, những bài hát ra đời tại nơi đây thường đưa chúng ta phiêu du đến một vùng đất trù phú, một địa bàn khá rộng và nổi tiếng giàu có về muôn vàn sản vật…
Có thể thấy, dấu ấn văn hóa sông nước Tây Nam Bộ phổ suốt chiều dài thiên truyện Lớp lớp phù sa cho thấy bản thân Kiệt Tấn đã thấu hiểu và khắc ghi sâu đậm trong tâm thức của mình một tình yêu quê hương xứ sở miệt vườn thiết tha, da diết. Điểm đặc biệt độc đáo của thiên truyện này là tác giả sử dụng nhiều những câu hò, câu vè, câu ca vọng cổ man mác mênh mang sông nước thấm đẫm tinh thần, tâm hồn người Tây Nam Bộ để hoặc làm đề từ cho mỗi chương, hoặc xen kẽ giữa những đoạn miêu tả. Đó là những câu hò cho thấy một Tây Nam Bộ nhiều lúa gạo: Hò ơ Cái Răng, Ba Láng, Vàm Sáng, Phong Điền/ Anh có thương em thì cho bạc tiền/ Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê; Một Tây Nam phú sản vật sông nước: Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá về đồng ăn cua; Câu hò cho chúng ta hình dung về một sông Cửu Long mang tới nguồn tôm cá dồi dào, góp phần hình thành nên kho ẩm thực đa dạng và đặc sắc của miền sông nước. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa… đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi…; hương vị đặc biệt của món canh chua cá lóc do thím Ba nấu chắc chắn sẽ để lại dư vị sâu đậm trong lòng bạn đọc: “Canh chua cá lóc có trứng cá nổi màng màng trên mặt tô lớn khi múc ra. Canh chua cá lóc nấu với giá, bạc hà và ngò om là ngón tuyệt kỹ của thím”(31). Hoặc bạn đọc cũng không thể không nhớ món “cá ngát nấu canh chua bắp chuối, thưởng thức với cá rô mề chiên dầm nước mắm tỏi ớt, hoặc cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng, là ăn cơm quên thôi!”. Cũng là cơm gạo nhưng cách nấu cơm của người đàn bà vùng sông nước thật lạ: “…Thím buông nắm gạo ra, vốc một nắm khác lên tiếp tục chà rửa. Gạo vo nhả chất cám trộn lẫn với nước thành màu trắng đục(…) bận thứ hai, thím chỉ vo gạo sơ sài để khi nấu lên, nước cơm chắt ra còn giữ được mùi vị béo béo, và hương thơm ấm phổi của gạo mới tỏa ra theo khói nóng. Nếu khéo chụm lửa, cơm cháy ở dưới đáy nồi khi cạy ra sẽ hấp dẫn một màu vàng lườm chớ không nám đen”(32). Những món ăn giản dị với cách chế biến riêng, mang hương vị khác lạ của đồng quê miền sông nước được hồi tưởng, miêu tả tỷ mỉ, cặn kẽ nhiều lần trong tác phẩm minh chứng một điều: dù xa quê bao năm nhưng những dư vị của những món ăn vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn tác giả – những món ăn mang giá trị văn hóa – kết đọng bao ân tình của con người sông nước miền Tây với cuộc sống…
Khi tiếp nhận Lớp lớp phù sa, nhà nghiên cứu – biên khảo văn học Nguyễn Văn Lục đã có cảm nhận xác đáng: “Chất miệt vườn bàng bạc trong từng trang giấy, từng nhân vật, từng cảnh đời. Ngậm ngùi có, diễu cợt có. Xót xa có, thương tâm có, tình nghĩa có, rộng lượng, hào phóng có. Rộng lượng, hào phóng, tay chơi, những thứ đó đi khắp ba miền tìm mỏi cổ cũng không có đâu. Không có là không có.”(33). Đúng là như vậy, trong Lớp lớp phù sa, bên cạnh nhân vật là những người nông dân thuần phác, đôn hậu như thím Ba, chú Ba, thím Tư, chú Tư… người đọc cũng không thể quên những “tay chơi” kiểu Tây Nam Bộ như ông Đương, Ba Song Phi, Bảy Đãi, Năm Thẹo. Xây dựng những nhân vật này, có lẽ Kiệt Tấn muốn khắc họa thêm một nét tính cách văn hóa riêng biệt của chủ thể văn hóa Tây Nam Bộ – họ vốn có gốc là những người nghèo khổ, những kẻ trộm cướp, tù tội bị truy nã, nhưng gạt sang một bên những gì “bùn đất” của giới giang hồ tứ chiếng, tất cả họ đều là “những con người đầy bản lĩnh, mạnh mẽ, ngang tàng, những con người dương tính nhất trong số những người Việt Nam âm tính”(34). Những màn mãi võ điêu luyện, thần diệu, đầy ám ảnh của ông Đương được Kiệt Tấn say sưa tái hiện tỷ mỷ khiến người đọc không thể không thán phục, ngưỡng mộ, tài nghệ võ thuật của người đàn ông Tây Nam Bộ này như một sự kết tinh đỉnh cao của nghệ thuật võ thuật – một trong những nét văn hóa lâu đời đầy tự hào của cư dân miền Tây Nam Bộ nói riêng và đất phương Nam nói chung. Chính võ thuật khiến những con người như ông Đương, Ba Song Phi sống khí phách, “trọng nghĩa khinh tài”, đó là những con người đầy cá tính và bản lĩnh, sẵn sàng dấn thân hành động vì việc nghĩa “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Họ coi cái chết vì nghĩa nhẹ tựa lông hồng, răn mình theo phương châm sống “kiến ngãi bất vi dõng dã”của “những tay hảo hớn sống ngang tàng/ Trái tim hào hiệp bao trời đất/ Bốn biển anh em rượu rót tràn”…
Đọc Lớp lớp phù sa, bên cạnh văn hóa võ thuật không thể không nhắc đến văn hóa yêu của người Tây Nam Bộ. Trong những câu hò dân gian truyền tụng, chúng ta bắt gặp phong cách yêu bộc trực, cuồng nhiệt của con người sống nơi thiên nhiên hoang dã, hào phóng. Những người đàn ông và những người đàn bà có một phong cách yêu bộc trực, quyết liệt: Dao phay cứa cổ máu đổ không màng/ Chết thời chịu chết chứ buông nàng không buông (…) Nhái kêu chiều xế dưới mương/ Thiếp nay đà an phận còn thương nỗi chàng…; hoặc tình yêu thắm thiết, thủy chung: Sao hôm còn đợi sao mai/ Chồng mà xa vợ hỏi ai không buồn?… Gió đưa bụi cúc ngã bụi sả tàn/ Nương theo chéo áo con bạn vàng/ Dầu sanh dầu tử mình nàng mà thôi…
Trong Lớp lớp phù sa xoay quanh mối tình tay ba của ba người trẻ tuổi: Hường, Bảy Đãi, Ba Song Phi, nhà văn viết về tình yêu và sex tài hoa Kiệt Tấn đã cho người đọc thấy chân dung tinh thần trọn vẹn của con người miền sông nước qua cách yêu. Những nhân vật của Kiệt Tấn và cách yêu của họ được xây dựng thống nhất theo quan điểm của tác giả – ông tôn thờ tình dục như một thứ quyền năng thuộc về văn hóa. Là một người sinh ra và hưởng trọn vẹn bầu khí quyển văn hóa miệt vườn Kiệt Tấn cho rằng: “Tình dục là hơi thở của cuộc sống… tình dục ban cho ta hơi thở đầu tiên và tình dục cũng cho phép ta ban hơi thở kế tiếp”(35). Nhà văn đề cao ý nghĩa văn hóa của tình dục theo cách của ông – một người thấm đẫm chất “ngang tàng” rất Tây Nam Bộ: “Sự tiến hóa đã xui khiến đất trời bày ra âm dương, đực cái, nam nữ, đàn ông, đàn bà, lấy tình dục làm phương thức sinh sản. Nếu bây giờ đột nhiên tình dục biến mất trên mặt đất này thì sẽ có rất nhiều loài tắt thở, trong đó có phe ta: loài người”(36). Xuất phát từ quan điểm nhân bản, nhân văn tiến bộ, phóng khoáng về tình dục như vậy cho nên trong Lớp lớp phù sa Kiệt Tấn đã xóa bỏ những ngăn trở trong khuôn khổ của “luân lý, đạo đức” thường thấy trong văn chương cũ. Trong tác phẩm của Kiệt Tấn, nhân vật những người trẻ tuổi của ông như Hường, Ba Song Phi, Bảy Đãi trên đường đi tìm hạnh phúc được ông cho trải nghiệm sống và yêu một cách tự do, đầy nhiệt tình, nhiệt hứng trong cảm giác khát vọng dâng tràn của những con người mới lớn trước đời sống tình yêu và tình dục. Họ hiện lên trong tác phẩm là những con người vùng miệt vườn trong sáng, thơ ngây, nông nổi, hồn nhiên, đắm đuối, mê muội. Kiệt Tấn không ngại ngần, dè dặt những cấm kỵ trong chữ nghĩa như nhiều người khác, ông đi “tới bến” xới lật, bùng vỡ những góc cạnh sâu thẳm nhất trong con người. Có lẽ là người con thứ thiệt của mảnh đất Tây Nam Bộ, được uống suối nguồn dân gian tươi mát, tinh khôi, tắm đẫm hồn mình trong câu hò, điệu hát về tình yêu của con người xứ sở nên Kiệt Tấn đã tiếp thu xuất sắc dòng văn học dân gian, góp phần khắc họa đậm nét hơn tính cách văn hóa yêu của người miền Tây Nam Bộ: Yêu với tất cả bản năng sống, liều lĩnh cháy hết mình, bộc trực và cũng chân thành, bao dung hết mình.
3. Đặc trưng độc đáo của nền văn hóa Tây Nam Bộ đã được đánh giá cao trong một công trình nghiên cứu gần đây của Pascal Bourdeaux (Đại học Sorbonne Paris): “Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thực sự cất cánh nhờ những người Việt tiên phong năng động (…) đến khai hoang vùng đất rừng đầy dịch bệnh tật và ma quỷ, chinh phục các đầm lầy, thiết lập thôn ấp, và kiến tạo nên một nền kinh tế đa dạng và một xã hội hỗn dung tách rời khỏi khuôn mẫu truyền thống của Việt Nam”(37). Với tất cả tình yêu máu thịt của mình đối với quê hương miền Tây, Kiệt Tấn đã phục dựng và tôn vinh qua Lớp lớp phù sa một thời kỳ lịch sử của thế hệ cha ông với những con người đầy cá tính, đã góp phần tạo lập ra một khu vực văn hóa tiên phong với những giá trị văn minh sông nước độc đáo – Dấu ấn văn hóa trong Lớp lớp phù sa giúp chúng ta thấu hiểu hơn về vùng đất Tây Nam Bộ với con người và thiên nhiên mang những giá trị văn hóa vùng miền khác biệt mà không có nơi nào có – đó là những giá trị vĩnh hằng cho dù sự tiếp biến văn hóa vẫn đang tiếp tục như nó đã từng tiếp biến.
Tính cách văn hóa con người miền Tây Nam Bộ không phải ngẫu nhiên mà có, nó vốn là sản phẩm của văn hóa sông nước, là kết quả của tính chất địa – văn hóa, được hình thành, xây dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ, qua hàng trăm năm lịch sử. Nhà văn Kiệt Tấn bằng sự trải nghiệm từ cuộc đời mình đã tái hiện sinh động, hấp dẫn những nét đặc sắc của tính cách văn hóa con người sông nước miền Tây. Phả chất tươi rói của đời sống vào ngôn ngữ nhân vật, người đọc như đang được đối thoại, gần gũi cùng những người nông dân miệt vườn mộc mạc, chân tình. Lớp lớp phù sa cho chúng ta phiêu du cùng tác giả trở về miền quê hương nơi chôn nhau “cắt rún” của ông để cảm nhận và suy ngẫm về một nền văn hóa nước phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc, sắc màu… và để lắng nghe trong sâu thẳm nỗi niềm tâm sự, những khát vọng thầm kín nhất của những con người sống ở nơi đây. Kiệt Tấn đã sống xa quê hương gần nửa thế kỷ – quãng thời gian đời người đủ để cho người ta có thể “xóa ký ức”. Tuy nhiên, với Kiệt Tấn hình như thời gian càng lùi vào dĩ vãng thì tâm thức văn hóa quê hương Tây Nam Bộ càng sống dậy mạnh mẽ trong ông, điều này chứng tỏ sức cuốn hút của vẻ đẹp và giá trị văn hóa Tây Nam Bộ đối với Kiệt Tấn nói riêng và những người con sống xa đất nước nói chung là không nhỏ. Khát vọng bình dị được trở về quê hương Tây Nam Bộ kể cả khi đã “rời xa cõi tạm” luôn là niềm đau đáu khôn nguôi trong tâm thức của người con xa xứ: Nắng Hậu Giang, mưa Tiền Giang/ Nuôi tôi khôn lớn phù sa vàng/ Mai tôi về đất xin em rắc/ Xuống con sông Cửu nhúm tro tàn… (Kiệt Tấn – Mưa Tiền Giang, Nắng Hậu Giang)./.
_______
Chú thích:
(*) Kiệt Tấn, Lớp lớp phù sa, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2011.
(1), (2), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31), (32), (33), Kiệt Tấn, 2011, Lớp lớp phù sa, (Truyện dài), Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, 2011. tr.492, 11, 14, 488-489, 22, 23, 32, 56, 280, 280, 280, 284, 173, 180, 180, 183, 224, 225, 272, 273, 138, 166, 384, 225, 237, 215, 219, 361, 214, 493,
(3), (34). Trần Ngọc Thêm, 2013, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM. Tr.139, 225,
(35), (36). Kiệt Tấn, 2011, Người em xóm học, Nxb. Thời Đại, TP.HCM, tr.678
C.T.H