
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài “Cây súng và cây bút” viết về trường hợp hy sinh của nhà văn Nguyễn Hồng và truyện ngắn “Đêm điểm cao” của ông in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.
NGUYỄN HỒNG
(1950-1973)
SINH NGÀY 20/11/ 1950. TỐT NGHIỆP KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI. HỌC KHOÁ 4 HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM. VÀO CHIẾN TRƯỜNG: THÁNG 4/1971- BAN TUYÊN HUẤN KHU UỶ KHU 5. SAU CHUYỂN VỀ BAN VĂN HỌC CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN KHU 5. HY SINH NGÀY 3/12/1973 TRONG MỘT CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG ĐỊCH LẤN CHIẾM Ở ĐIỆN XUÂN, ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM, ĐÀ NẴNG. ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG CHIẾN CÔNG HẠNG NHẤT. TÁC PHẨM: MỘT SỐ BÀI KÝ VÀ TRUYỆN NGẮN. GIẢI THƯỞNG: ĐÊM CAO ĐIỂM – GIẢI THƯỞNG CỦA VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI, 1974.
CÂY SÚNG VÀ CÂY BÚT
(Về trường hợp hy sinh của Nguyễn Hồng)
Nguyễn Bảo
Cuối mùa mưa năm ấy, chúng tôi lên đường theo đơn vị vào cuộc chiến đấu mới. Lần này, tôi và Hồng cùng đi Quảng Đà. Mưa sầm sụt. Rừng cây đẫm nước. Tới bên bờ một con suối, cô giao liên dừng lại nói: “Nhiệm vụ của em đã hết. Anh nào đi cánh Bắc, lối này. Về cánh Trung, lối này”. Cô giao liên quay về. Hồng đưa mắt dõi theo cho đến khi màu áo xanh tan biến trong vô số những cây rừng ngút ngát. Tôi sửng sốt khi thấy mặt Hồng chợt đờ đẫn. Chưa bao giờ bạn tôi mang một gương mặt như vậy. Tôi hốt hoảng:
– Có chuyện gì vậy Hồng?
Hồng hơi cúi xuống, giọng chùng hẳn:
– Ở đây chờ chút nhé. Mình phải gặp lại cô bằng được.
Tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, cũng chưa kịp nghĩ xem nên thế nào, Hồng đã mất hút vào rừng thẳm. Chắc là hai người có chuyện gì đó quan trọng lắm. Tài thật, cũng mới biết nhau trong chuyến đi này. Nhưng hình như hai người có sự đồng cảm gì đó. Suốt dọc đường, chuyện của họ nổ như pháo ran. Cuộc chiến còn dài. Đường ra mặt trận cũng còn dài. Có lẽ đây là nơi tương đối yên ổn trước lúc chúng tôi bước vào con đường gian truân nguy hiểm. Tôi mở ba lô giăng võng nằm, chờ Hồng. Nhưng cũng chỉ chừng khoảng mười lăm phút, Hồng quay lại. Mặt cậu chàng thoả nguyện nhưng có vẻ buồn. Tôi đùa:
– Không bị cô nàng cho cái tát vào mặt đấy chứ?
Hồng thật thà:
– Có làm quái gì đâu mà tát với không.
– Không làm quái gì mà thấy cô ta quay lại thì cuống quýt đuổi theo như con chó dái động cỡn. Cũng may là mới đi cùng nhau một buổi đường chứ không ấy à, coi chừng cô nàng ễnh bụng ra như không.
Hồng nhìn tôi, đôi mắt đượm buồn. Tôi chột dạ, cũng chỉ định chọc chút cho vui. Nào ngờ. Chắc tôi đã quá lời. Chắc giữa Hồng và cô giao liên còn có mối quan hệ gì đó.
– Mình không biết cô nàng bỏ chúng ta lại ở chỗ này. Bị hẫng. Đang muốn nói nốt với cô nàng chuyện về Mai. Mà cũng muốn ngắm thêm cô ta chút nữa. Trời ạ! Cô này có những nét giống Mai đến tệ. Cô ấy làm mình nhớ Mai không chịu được. Trước khi lên đường, bọn mình cãi nhau. Mình bảo Mai hãy quên mình đi. Chia tay là đúng rồi. Mình đi thế này, dây vào chuyện yêu thương làm gì cho khổ, biết đâu mà đợi mà chờ. Để cô ấy chết già, chẳng nên. Mình ân hận là cách xử sự có hơi tàn nhẫn…
– Có phải cô gái hôm tớ và cậu gặp nhau ở Bách hoá Bờ Hồ không?
Nhớ hôm hai đứa rủ nhau từ Hà Đông về Hà Nội. Chúng tôi đang đứng trước gian hàng bày bán quần áo, bỗng Hồng thấy một cô gái. Đúng là vóc dáng cũng gần giống với cô giao liên này đây. Hồng lò dò tới phía sau đấm vào vai khiến cô giật nảy người. Hồng cười sởi lởi, cô gái thì nhăn mặt. Hồi ấy, tôi cũng chỉ ngỡ Hồng và cô là anh em đồng hương gì đó.
Hồng nhìn tôi săm soi rồi ồ lên:
– Ô hay! Cậu cũng biết cô ta à?
Tôi nhắc lại chuyện cũ, cố ý pha trò để xua đi không khí buồn nặng lúc này nhưng nét mặt Hồng cũng chẳng vui hơn:
– Đúng đấy, Mai của mình đấy. Cô mới vào đại học được nửa năm thì chúng mình yêu nhau. Hai đứa cùng quê. Biết nhau từ lúc còn cởi truồng, gặp nhau là dính liền. Mọi việc đều suôn sẻ. Bắt đầu trục trặc từ hôm mình xin đi B. Mai khuyên mình nên tính kỹ. Chỉ một năm nữa là hết khoá học. Theo cô, ở lại là trọn vẹn hơn. Học xong đi chiến trường cũng không muộn.
– Vớ vẩn, lúc này mà em còn nghĩ đến sự trọn vẹn thì lạ quá đấy…
Vào đây rồi mới biết mình yêu Mai đến chừng nào. Tất nhiên vì thế mà bảo mình ở lại hậu phương thì không bao giờ. Nhưng lẽ ra cứ bình tĩnh trao đổi đến nơi đến chốn. Mình nóng quá, chưa chi đã vùng vằng bỏ đi. Cơ hội để hàn gắn là bức thư cô gửi ngay ngày hôm sau. Nhưng mình đã bỏ qua. Mai có quan điểm của Mai. Chưa chắc ai đúng ai sai nhưng mình đã không thèm để ý. Trong thư trả lời, mình tỏ ra quá thô thiển. Mình nghĩ, đằng nào rồi cô ấy cũng nghĩ lại, sẽ có một bức thư khác gửi mình. Ai ngờ. Từ đó cho đến nay không có lấy một dòng nào nữa. Một dòng, chỉ một dòng thôi nhưng càng mong càng mất hút. Hôm mình đi, cô ấy cũng không ra tiễn. Thằng bạn của mình nói: Cô tuyên bố với bạn bè: Đừng ai nhắc đến tên của mình trước mặt cô ta.
– Thôi cậu ơi! Đang đánh nhau, hồi ký những chuyện ấy làm gì? Quên ngay đi. Sau hẵng tính. Lằng nhằng. Đa sầu đa cảm đâu phải là tính cách của cậu.
– Nhưng mà khổ. Mình vẫn yêu cô ấy. Mà tại cái cô giao liên kia kìa. Sao lại giống Mai đến thế không biết.
Tôi bụm miệng cười mà nước mắt muốn ứa ra. Gần gũi là vậy mà bây giờ tôi mới nhận ra cái sự lãng mạn quá trời của Hồng. Có lẽ cái lớp ngữ văn của tôi, khi nghĩ về Hồng đã không ai lường tới trường hợp này. Tôi cố pha trò để tạo không khí:
– Như thế là trước khi lên đường đã chấm hết với cô Mai rồi phải không? Hay là ta bắt đầu một cuộc mới bằng cái cô giao liên này vậy. Mình có cảm giác hai người tâm đầu ý hợp. Mới gặp nhau, chia tay đã quyến luyến thế kia. Này không chừng cô giao liên là em iếc gì đó của Mai cũng nên.
Hồng nhoẻn cười – cái cười miễn cưỡng:
– Một cô sinh ra ở xứ Nghệ, một cô sinh ra ở xứ Quảng mà chị với em gì? Không! Chả có chuyện gì cả. Nhưng đúng như cụ Nguyễn Du viết trong Kiều: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.”
Đến lượt tôi và Hồng chia tay, lại cũng chẳng ra sao. Hồng nói ra bao điều gở, thật không nên tý nào. Hồng dúi cho tôi một bức thư, giọng nhưa nhứa nước mắt:
– Thư Mai gửi cho mình nhiều lắm. Tội nghiệp cô ấy. Đọc mà thương cắt ruột. Biết thế này thì chẳng đến với nhau làm gì. Hôm lên đường, mình mang ra đốt sạch. Không hiểu sao vẫn còn sót lại một chiếc. Đây! Cậu đọc đi và giữ lấy. Mình đã thuộc và cất kín trong lòng. – Hồng đưa tay lên ngực trái của mình.
Tôi đọc thư và ngẫm nghĩ: Ơ! Cái cô Mai này rõ là dại dột. Yêu thì yêu chứ ai lại bộc bạch tình cảm một cách đắm đuối đến cuồng dại thế. Hồng vênh vang là phải. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận đây là một bức thư tình hay. Thật sung sướng cho ai là chủ của bức thư. Điều vô duyên là tôi đã giữ bức thư cho Hồng. Sao tôi lại giữ chứ? Ngay trong chuyến đi ấy, bức thư đã tan vèo theo khói thuốc lá. Tôi cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng, đồng đội đang cần giấy phu luya. Nội dung lá thư ư? Bạn tôi đã thuộc lầu, cần gì…
Tôi và Kỉnh, loay hoay mãi vẫn không định được hướng mấy gốc chuối cạnh con suối nọ, chỗ Hồng dừng lại chặn địch. Kỉnh đưa tay khoanh một vòng rộng mênh mông trước mặt và nói rằng hồi còn chiến tranh, đây là một bãi bói tốt ngật kéo từ chân ranh đến chỗ chúng tôi đứng chân. Tuyệt nhiên, bây giờ không còn một dấu tích. Nơi chúng tôi đến chỉ còn là một vùng đất trắng đến nhức mắt. Địch đã cho xe cày ủi đến hai, ba lần. Ngay con suối, không hiểu vì lý do gì chúng cũng đã đổ đất đá lấp bằng. Theo Kỉnh, có ít nhất một tiểu đoàn địch ẩn nấp từ phía chân ranh kia. Đại đội Kỉnh được lệnh bí mật hành quân tới khu vực bãi bói, không cho địch lấn chiếm.
– Chúng tôi được lệnh phải cắm cờ giữ đất. Càng cắm được nhiều cờ, càng giữ được nhiều đất. Thắng lợi của Hiệp định Pa-ri trên lĩnh vực quân sự phải được biểu hiện ở điều này. Trên quán triệt như vậy. Chúng tôi vui không còn gì vui hơn. Trò cắm cờ, xí đất thì nhất định mình không chịu thua thằng địch rồi. Khổ nỗi, chúng tôi đâu có lường tới tình huống thằng địch không chịu ngừng bắn theo thoả thuận của Hiệp định Pa-ri. Có lẽ điều này cũng bất ngờ đối với một số cán bộ chỉ huy cấp trên. Chúng tôi chỉ được quán triệt: Không được nổ súng bất kể tình huống nào. Chúng tôi thực sự hốt khi mới tờ mờ sáng, tiếng súng bỗng vụt dậy phía chân ranh. Tiếng nổ càng lúc càng dầy và gần hơn. Thôi chết cha rồi. Thằng địch không thi hành Hiệp định rồi. Tôi vội vã họp ban chỉ huy bàn phương án. Anh Hồng từ lúc đi với đại đội chúng tôi về Điện Xuân, cuộc họp nào của ban chỉ huy cũng được mời dự. Ý của anh nghiêng về một phía. Hầm hào không chuẩn bị. Trên lại không cho nổ súng, bọn địch thì hung hãn thế kia mà anh khăng khăng đòi đánh bằng được. Anh bảo chúng tôi phải làm gì?
Kỉnh dừng kể, nhìn xoáy vào tôi. Kỉnh trạc tuổi tôi với Hồng. Anh có đôi mắt khá to, trán dô và cằm hơi lẹm, đầy râu. Giọng anh ồm ồm. Tướng mạo anh ra dáng một chỉ huy quân sự – một chỉ huy quân sự nóng nảy. Cái nhìn nôn nã của anh khiến tôi không thể làm thinh.
– Tất nhiên, các anh phải hành động theo chỉ đạo của cấp trên thôi.
– Thế! Ai mà chả trả lời như anh – Kỉnh ra vẻ đắc ý – Vậy mà anh Hồng một mực đề nghị không được rút. Anh bảo: Không có cấp trên nào nói là khi thằng địch nổ súng tấn công thì giơ ngực ra hứng đạn hoặc chuồn cả. Tôi là phái viên của quân khu đây. Chúng ta tổ chức đánh địch ngay, tội vạ đâu tôi chịu. Vùng đất này trước khi kí kết Hiệp định Pa-ri là của ta. Không lý gì để thằng địch cướp ngon ơ như vậy?
Không còn thời gian để tranh cãi, địch đang ở rất gần. Tôi lấy ý kiến ban chỉ huy. Đa số tán thành rút lui. Tôi nhìn thấy mặt anh ấy nhăn nhó đến khổ sở. Anh ấy lắc đầu tỏ ra chán nản. Nếu tôi có băn khoăn là ở chỗ ấy. Tôi thương anh ấy lắm nhưng không làm khác được. Anh không là chỉ huy trực tiếp của chúng tôi. Mọi sự rồi sẽ đổ trên đầu tôi hết. Thấy anh còn nấn ná trong khi đã nghe được cả tiếng gào thét của địch, tôi chạy lại dục. Nhưng anh đã nhìn tôi bằng đôi mắt đang bốc lửa hẳn hoi: Các anh cứ rút, tôi á! Không bao giờ đâu nhé! Mắt anh, giọng anh làm tôi chột dạ nhưng tôi vẫn năn nỉ:
– Sao anh lạ lùng thế. Mình anh ở lại để được cái gì nào?
Giọng anh đanh và sắc lẹm như những viên đạn đã ra khỏi nòng: Sao lại không được gì. Ít ra thằng địch cũng phải trả giá vì sự nuốt lời của nó. Hơn thế, chúng còn phải sáng mắt ra mà nhận một điều nữa: Muốn cướp được, dù một tấc đất của chúng ta, chúng không thể không đổ máu. Suy nghĩ của anh là suy nghĩ của một cán bộ chính trị, suy nghĩ của một người Anh hùng. Cán bộ quân sự chúng tôi thì khác. Trừ những đụng độ bất khả kháng, còn đã dàn quân đánh nhau phải tính kỹ. Đánh mà thương vong lớn lại không giành thắng lợi là thôi. Là người chỉ huy, tôi không muốn xoá sổ đại đội của mình. Ấy là chưa kể việc nổ súng lúc này vi phạm mệnh lệnh của cấp trên.
Kỉnh dừng kể, nhìn tôi như thăm dò. Về sau, thực tiễn đã chứng minh: cái việc ta quá tin vào thằng địch để nó nổ súng cướp đất, cướp dân là sự ngây thơ, sự quá ư thật thà của một lãnh đạo chỉ huy. Tất nhiên, trường hợp này có thể thông cảm với Kỉnh.
– Trong tình huống như anh vừa kể đằng nào cũng phải tổ chức có người chặn địch. Tôi đồ rằng Hồng đã làm việc đó nữa, chứ không chỉ như anh ấy nói. Tôi nói với Kỉnh.
Kỉnh có vẻ trầm ngâm hồi lâu. Hình như anh muốn nhớ lại điều gì. Anh nói:
– Đúng là như thế. Tôi là người cuối cùng rời khỏi trận địa. Con người ta có lúc lạ lắm. Mặc dù rất ngại phải nói với anh một lần nữa, tôi vẫn sấn đến lôi anh chạy. Thật bất ngờ, anh nhìn tôi, nước mắt ngân ngấn. Anh bảo tôi nên ra khỏi đây ngay. Anh ở lại chặn địch. Trong lúc tiếng súng của địch đã át đi tất cả, anh vẫn còn cố nói với tôi: Có gì không phải hãy bỏ quá cho nhau. Nói thật, lúc đó nếu không phải vì nhiệm vụ và trách nhiệm của một đại đội trưởng, tôi đã ở lại với anh… Giọng Kỉnh chợt run, còn khoé mắt vãi ra những giọt nước – Những gì diễn ra sau đó thì anh biết rồi. Một kết cục có thể đoán trước. Nói chung không phải ai cũng làm được như anh ấy.
Tôi gật đầu xác nhận. Tình huống lúc ấy chính thằng địch cũng không muốn đụng độ với ta. Những hứa hẹn về cuộc chiến theo Hiệp định Pa-ri khiến các sĩ quan binh lính của chúng không muốn đổ máu. Đã chĩa súng vào nhau, thương vong cho cả hai phía là không tránh khỏi. Biết đại đội của Kỉnh đứng chân nơi bãi bói, chúng cũng chờn. Nhưng thấy đối phương chấp hành lệnh ngừng bắn, chúng muốn ào tới áp đảo. Quả thật, Hồng ở lại chặn địch thì bộ đội của Kỉnh vẫn an toàn hơn. Hẳn là Hồng cũng nghĩ như thế. Nhưng bất luận thế nào, sự ở lại của Hồng vẫn là một lẽ đương nhiên. Không thể khác được. Chất của Hồng là thế. Hồi còn là sinh viên, chúng tôi thường gọi Hồng là Hồng vệ binh. Những năm ấy, mấy chữ này nói về một lớp thanh niên Trung Quốc, hăng hái xốc vác, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp cách mạng.
Mới học xong năm thứ ba, Hồng đã xung phong vào chiến trường. Chuyến công tác đầu tiên, Hồng đi với đặc công Quảng Ngãi. Hồng vệ binh kể: “Dưới đơn vị quan niệm về cách đi thực tế của bọn mình không ổn. Họ không muốn mình đi chiến đấu. Ức không chịu được. Mình cáu với ban chỉ huy:
– Các anh tưởng chúng tôi không phải là bộ đội chắc?
Tiểu đoàn trưởng bảo:
– Anh là nhà báo, làm sao trườn bò, làm sao cắt rào, chui rào, gỡ mìn…
– Xì… Các anh làm được, chúng tôi làm được, không biết thì học, không biết thì cứ làm theo các anh, có gì đâu.
– Nhưng nhỡ… bom đạn là cấm có trừ ai…
– Giời ơi! Đã ở chiến trường còn sợ nhỡ, mà có ngã xuống cùng các anh còn bằng mấy ngã xuống một mình vì sợ.
Ấy thế là họ đành cho mình vào trận. Cũng bôi lọ nghệ, cũng rà rẩm dò mìn. Không đi đầu, không đi cuối. Mới đi đánh nhau lần đầu, nằm khúc giữa dễ xoay xở hơn. Buồn là phía trên mới cắt được mấy lớp rào đã lộ xoẹt. Ấy thế là đạn, mù mịt. Thôi thì không còn biết thế nào nữa. Cắm mặt xuống đất… ngẩng lên… quái, nhìn trước, nhìn sau không còn ai. Họ vào hay ra đây? Thế là cuống, ra thì không thể. Mình là anh cán bộ quân khu xuống đơn vị, nằng nặc đòi đi với họ, lại viết bài động viên bộ đội chiến đấu nữa chứ, khó khăn: “chuồn”, còn ra cái khỉ gió gì? Thế là bò tới. Bò mãi. Té ra bò vào cũng không phải, bò ra cũng không phải nốt. Lạc hướng. Đâm đầu vào một cái nhà hầm. Chẳng biết của địch hay của ta. Bỗng nghe tiếng cậu liên lạc tiểu đoàn hỏi:
– Ô hay, sao anh lại ở đây?
– Không biết nữa. Thế bộ đội đâu cả rồi?
– Rút từ tám hoánh.
– Trời ạ! Thế mà cứ ngỡ trận đánh vẫn còn… chứ đây là chỗ nào thế?
Té ra là cái trạm phẫu đón thương binh nặng. Hồng vệ binh cười phơ phớ kể tiếp:
– Đấy, thế thì còn viết cái nỗi gì? Chuyến đi này coi như bại.
Đúng là khó viết. Mặt trận phía tôi đi không đến nỗi nhưng để có thể viết được một cái gì đó sôi nổi, hăng hái, khí thế như thủ trưởng chúng tôi mong muốn thì khó thay. Dẫu thế, tôi cũng khuyên Hồng:
– Viết hay không viết sẽ bàn sau nhưng đi thực tế mà đòi rúc rào như cậu là hơi quá đáng. Cũng may chưa có chuyện gì xảy ra. Phía Quảng Đà tớ chỉ ngồi ở sở chỉ huy tiểu đoàn mà đã thấy gai hết cả người. Về Tỉnh đội kể lại, mấy anh đã kêu quá trời.
– Đã thế lần sau “đét” đi với cánh đặc công nữa. Xuống đơn vị, ra trận mà không được đánh đấm như họ thì ở quách quân khu bộ còn hơn.
Tôi yên lặng, bồn chồn lo cho bạn. Biết rằng có nói nữa cũng vô ích. Hồng là vậy. Hồng vệ binh mà lại.
Tôi đã đi tìm Hồng ngay sau khi cơ quan về Đà Nẵng. Các anh Tỉnh đội bảo người có thể cung cấp được những thông tin chính xác là Kỉnh. Sau chiến tranh, những người như Kỉnh còn lại không nhiều. Kỉnh đã giải ngũ về quê. Bận bịu với cuộc mưu sinh sau hậu chiến, lại lướng vướng với lắt nhắt bốn đứa con nhỏ nhưng nghe ý định của tôi, anh bỏ luôn mọi công việc, đi Điện Xuân. Trước khi gặp Kỉnh, tôi và bạn bè đã tới đây vài lần, đã tìm hiểu nhiều người nhưng những điều cần biết vẫn luẩn quẩn đâu đó… Đây là tâm trạng được Kỉnh kể lại khi đã quyết định rút khỏi bãi bói…
Kỉnh đi được vài trăm mét, bỗng nghe một loạt AK nổ giòn. Đáp lại là tiếng AR15 cấp tập, chói chát. Thôi thế là đã rõ: Làm sao Hồng không dính với cái rừng lửa đạn ấy. Trong lòng Kỉnh tràn ngập niềm kính trọng, tiếc nuối nhưng cũng bùng lên một nỗi giận dỗi. Giận thằng địch và giận cả Hồng. Hồng đừng ở lại có được không? Hồng đã làm cho Kỉnh bối rối, khó xử. Ở lại chiến đấu chỉ còn mỗi người – người đó lại là là phóng viên nhà báo. Kỉnh sẽ phải báo cáo cấp trên về trường hợp hy sinh của Hồng sao đây? Cứ ngỡ Hồng đã trúng đạn, Kỉnh đang gục đầu trên báng súng oán thán mình, bỗng lại nghe một loạt AK nổ gắt gặt. Kỉnh đứng dậy, chồm người về phía tiếng súng. Trời ơi! Hồng ngoan cường quá, dũng cảm quá. Không thể biết được cái gì đang xảy ra, sẽ xảy ra. Thương Hồng đến thắt lòng. Giá có nhiều tay súng cùng với Hồng ở lại? Nhưng đơn vị đã rút lên phía bờ sông hết rồi. Bảo toàn lực lượng là đúng nhưng còn mình? Thà không hay gì. Biết anh ấy một mình đang chống chọi với cả một bầy sói mà làm ngơ được sao? Kỉnh đã bước ra khỏi bụi rậm, chỉ cần nghe dù một tiếng AK nổ nữa thôi, anh sẽ tiếp cận ngay về phía ấy. Nhưng không còn. Cả tiếng AR15 cũng im bặt. Như vậy là cuộc chiến đấu đã kết thúc rồi. Những loạt đạn om sòm của địch đã hạ gục Hồng. Điều chắc chắn là bọn địch đã không mấy dễ dàng để làm việc đó.
Tôi sốt ruột hỏi:
– Như vậy là chính anh cũng không biết số phận Hồng sau đó như thế nào?
– Đúng vậy, rất có lỗi với anh ấy nhưng còn biết làm sao? Địch đông gấp mấy chục lần mình. Mục đích của chúng là đánh bật mình ra để chiếm lại vùng đất. Bởi thế, chiếm được rồi, nó không rút. Trong khi đó, chỉ hai ngày sau, cấp trên điều đại đội đến một vùng đất khác. Có tin nói rằng sau khi bắn chết Hồng, bọn địch quẳng xác đâu đó và dân đã chôn cất là không đúng. Bọn địch ở lại cả tháng trời, dân nào có thể vào được. Cũng có tin nói bọn địch bắt được anh, trói gô anh như trói một con lợn kéo về thị trấn bêu anh ở chợ. Tôi nghĩ, đây chỉ là tin lừa đảo của địch hòng bưng bít sự thật. Hồng có súng. Anh chiến đấu gan góc đến vậy, địch dễ gì bắt sống được anh. Ấy là chưa kể chúng rất căm thù Hồng, hai loạt AK của Hồng chắc chắn gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tôi biết khẩu AK của Hồng còn nhiều đạn. Anh mang theo cả một băng dự phòng. Như vậy, nếu không hy sinh hoặc bị thương nặng, thử hỏi thằng địch làm gì đụng được anh?
Những suy đoán của Kỉnh là có cơ sở. Ấy là Kỉnh chưa biết tài sử dụng súng AK của Hồng. Hồi hành quân trên đường Trường Sơn, ở một cự ly rất xa, địa hình rất khó, bằng một phát AK Hồng đã hạ một con nai đang lò dò xuống suối uống nước trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của mọi người.
– Nhiều thằng địch bị ngẻo vì xơi đạn của Hồng thì rõ rồi. Tôi muốn biết khẩu AK cùng Hồng vào trận là của ai? Chúng tôi từ quân khu đi đơn vị chỉ được mang theo súng ngắn.
– Không biết nữa. Khi anh ấy đến, tôi đã thấy trên vai khoác súng AK rồi. Có lẽ anh mượn của Tỉnh đội.
Chợt nhớ bức thư Hồng gửi cho tôi cuối chuyến đi ấy, Hồng hỏi tôi chiến sự ở cánh Bắc, kêu ca hướng Hồng đi buồn không chịu được. Bộ đội quá tin vào những điều địch cam kết, để mất đất, mất dân quá nhiều. Hồng nói đã viết thư cho Tỉnh đội, cho Quân khu, phản ánh tình hình và đề nghị có sự chấn chỉnh… Mấy hôm sau, trong một bức thư khác, Hồng nói là đã thôi hẳn các chuyến đi. Anh đang ở Tỉnh đội đợi tôi cùng về Quân khu. Nhận được thư Hồng, tôi vội rời cánh Bắc. Thời gian công tác của chúng tôi đã hết. Biết Hồng đang đợi, tôi tìm đường về Tỉnh đội. Nhưng rồi tôi đã không thể. Đường đến đó đang bị địch càn. Chao ôi! Sau cái Hiệp định Pa-ri, không biết các nơi thế nào chứ chiến trường của chúng tôi sao lại khốn khổ khốn nạn đến thế. Tôi đành bước theo dấu chân giao liên. Tôi hy vọng Hồng đã về trước. Tôi đã phải dừng lại mấy ngày trên đường vì địch càn… Thật không thể ngờ… Có thể là sau mấy ngày về Tỉnh đội, Hồng lại tranh thủ xuống Đại đội của Huyện. Và lần này, Hồng đã kiếm được khẩu AK đâu đó. Sao mà quá ham đi, sao mà quá ham đánh giặc thế Hồng ơi!
– Anh có biết Hồng đã giết được bao thằng địch hôm ấy – Bất giác tôi hỏi Kỉnh?
– Không! Chỉ có thể biết khi có người lính từ phía bên ấy nói ra. Ước gì có thể gặp được một người trong số họ. Hẳn vẫn có người dấu trong lòng những bí mật về anh ấy. Vấn đề là họ có nói ra hay không?
– Có gì mà không nói. Mọi sự đã an bài. Khó nhất là tìm họ ở đâu.
– Tìm được cũng chưa chắc. Điều này liên quan đến việc họ đã trả thù anh Hồng một cách hèn hạ.
– Còn chuyện đó nữa sao? Tôi mở mắt tròn xoe nhìn Kỉnh.
– Bởi vì sâu đó ít ngày, chúng tôi nhặt được cuốn nhật ký của một người lính phía bên kia. Anh ta mô tả bọn chỉ huy đã ra lệnh cho anh ta phải chặt xác một nhà báo Việt cộng như thế nào. Cảm giác rùng rợn của anh ta khi phải cầm từng khúc xương, mảng thịt ném xuống suối làm mồi cho cá. Hồi đó cạnh chỗ anh ta đứng có một dòng suối.
Tôi cắn chặt răng để khỏi cất lên một lời chửi…
Thương Hồng quá. Thương Hồng biết bao nhiêu khi ngày hôm nay dù sao cũng đã có nhiều trái thơm quả ngọt. Nơi Hồng ngã xuống hôm nào nay là cánh đồng lúa trĩu vàng, là trường học, bệnh viện… Con suối mà địch đã san lấp trắng băng, nay lại được khai thông và dòng nước mát rười rượi đang tuôn chảy dào dạt ấy có hơi thở của Hồng, có sức sống thanh xuân tràn trề nhiệt huyết của Hồng.
Đã tới con nước. Nước Oa của tôi kia. Xa mấy tháng trời rồi mà vẫn thế. Con nước khá sâu nhưng trong lẻo, nhìn thấy cả cát sỏi dưới đáy nên cứ tưởng nó cạn. Con nước này mùa mưa vẫn có người bị cuốn trôi. Mõm cây cụt nhô ra ở bờ bên kia vẫn còn nguyên. Nơi cái mõm cây cụt đó tôi và Hồng vẫn hay ngồi với nhau chuyện gẫu. Tôi mừng và hồi hộp khôn xiết. Một chốc nữa thôi sẽ gặp lại mọi người trong ban. Gặp lại Hồng, con người chưa thấy mặt đã nghe tiếng cười giòn. Vừa bước tới bờ suối chợt thấy Thái Bá Lợi và Nguyễn Trí Huân lội ào xuống nước đón tôi. Ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Bỗng Lợi buông tôi ra sững sờ, giọng hốt hoảng: “Thôi thế Nguyễn Hồng bị rồi.” Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì. Lợi tái mặt, giọng run run. “Mấy bữa nay, thấy anh Trung buồn rượi, sụt sịt. Anh bảo chúng tao gói ghém đồ đoàn của mày và Hồng. Mày về thế này thì chắc Hồng hy sinh rồi.” Không thể, tôi vừa mới nhận được thư Hồng cách đây không lâu. Tôi cãi lại. Đặt ba lô xuống nhà, tôi và Nguyễn Trí Huân chạy vội tới bàn làm việc của Nguyễn Chí Trung. Anh Trung là thủ trưởng tinh thần của chúng tôi. Mở cuốn sổ ghi chép của anh thấy ngay bức điện của Tỉnh đội Quảng Đà gửi lãnh đạo Ban văn học: “Đồng chí Nguyễn Hồng đã hy sinh hồi 6 giờ sáng ngày 3 tháng 12 năm 1973 tại Điện Xuân, Điện Bàn Quảng Đà, trong một trận đánh chống địch lấn chiếm.” Phải! Tất cả chỉ có thế. Bức điện không thể nói gì hơn. Chiến tranh, sự hy sinh là chuyện thường tình.
Mấy ngày sau đó, tôi nhận được một bức thư của Mai gửi cho Hồng. Trời ơi! Một bức thư Hồng chờ đợi lắm đây. Hồng từng ước mong nhận được thư Mai dù chỉ một dòng. Thời gian trôi đi, vẫn là những lá thư của Mai. Chồng lên. Chồng lên mãi. Dày cộp. Ai đọc thư cho Hồng đây. Thủ trưởng chúng tôi bảo nên viết thư báo cho cô ấy biết: Hồng đã hy sinh. Vâng! Để khỏi thấy thêm những bức thư – những bức thư khiến tất cả chúng tôi đau lòng. Tôi sẽ làm việc đó nhưng lần lữa mãi vẫn chưa viết được. Tôi cầm những bức thư nặng trĩu của Mai, nghĩ về cô, hình dung ra cô mà dạ như có muối xát. Không ai muốn viết thư báo cho những người thân yêu của Hồng một tin thế này.
Sau ngày nhận được tin báo tử, Cục Chính trị quân khu tổ chức lễ truy điệu và truy tặng Huân chương chiến công cho Hồng. Đông nghịt. Điều tôi không ngờ là lại gặp cô giao liên đã dẫn tôi và Hồng hôm đi Quảng Đà. Bạn đọc có tin không? Cô buộc một dải khăn tang trên đầu, tay cầm một bó hoa tươi bước thẳng tới bàn thờ đặt ảnh của Hồng. Cô oà khóc trước sự ngỡ ngàng của không biết bao nhiêu người.
Hà Nội, tháng 7 năm 2007
N.B
ĐÊM CAO ĐIỂM
Sở chỉ huy hỗn hợp của hai tiểu đoàn làm nhiệm vụ chốt cao điểm, cắt đường chiến lược giao thông của địch, được đặt trên ngọn đồi mang cái tên Bảy-lẻ-ba. Nó ở cách cụm chốt liên hoàn đứng thế chân vạc trên ba cao điểm 638, 532, 384 chừng non một ki-lô-mét đường chim bay.
Tất cả mọi thứ đều ở sâu trong lòng đất, trừ đài quan sát bố trí trên cây chôm già bị pháo bắn gãy ngọn. Bộ phận trinh sát chỉ huy đã buộc thêm vào thân cây những đoạn gỗ bằng cổ tay để làm thang lên xuống.
Căn hầm chỉ huy đào sâu xuống dưới gốc chôm già. Ở một góc hầm, phía trên nắp, dây điện thoại tua râu mực ra ngoài. Trong hầm luôn sôi lên một không khí tất bật, khẩn trương của những cuộc chiến đấu căng thẳng ở nhiều hướng dội về rất rõ. Tiếng chuông điện thoại đổ hồi dồn dập. Tiếng chân người chạy loạn nhịp ở đoạn hào sâu trước cửa ra vào. Nhưng ồn ã nhất, nổi nhất là tiếng oang oang của đồng chí tham mưu trưởng nặng tai hét lên trong máy. Những chỉ thị, mệnh lênh cho các đơn vị được truyền đi giữa điệp khúc quen thuộc của những người nặng tai. Những tiếng “hả”, “nói lại nghe thử nào” réo lên, cường độ âm thanh không thua những tiếng nói mệnh lệnh quen thuộc khác. Từ các phân đội, người ta trả lời cũng khá to. Họ quen nghe và thích nghe tiếng tham mưu trưởng. Giữa cảnh bom đạn ầm ầm chọn được một người tốt giọng như vậy đâu phải dễ! Dù pháo giã giò ngay trên đầu họ vẫn nhận được mệnh lệnh rất rõ ràng, chính xác.
Thằng tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Chín, trung đoàn Bốn hai thuộc sư đoàn Mãnh hổ Pắc Chung Hy hấp tấp nhẩy lên đống bao cát vung tay thét lính ào lên. Hắn chỉ dừng lại vài ba giây chỉnh đội hình bằng mắt rồi cắm cổ đuổi theo thằng giữ đại liên xách khẩu súng nhẹ nhàng như cầm que củi đang chạy hùng hục trước mặt hắn. Đến lúc này hắn mới hoàn toàn yên tâm. Đây là lần đầu tiên hắn có vẻ tin tưởng vào cấp trên nhất. Lão đại tá trung đoàn trưởng múp míp như một con lợn thiến được lệnh của thằng trung tướng sư trưởng, xuống chỉ huy trực tiếp tiểu đoàn Chín của hắn làm nhiệm vụ giải toả chốt. Năm ngày đêm, tiểu đoàn hắn húc đầu vào cụm chốt liên hoàn thế chân vạc rất lợi hại, không một đại đội nào trong cả bốn đại đội của hắn còn nguyên vẹn. Lần nào lão đại tá cũng đảm bảo với hắn là hoả lực tối đa đã nhổ đến ngọn cỏ cuối cùng trên dãy cao điểm, nhưng rồi lần nào xua lính lên cũng bị nướng ít nhất là dăm ba thằng và không tài nào chiếm được cao điểm, dù chỉ một nửa hay một phần ba… Hôm nay chính hắn được lệnh phải lên với một đại đội được tăng cường hoả lực mạnh để giải toả dứt điểm chốt 638. Buổi sáng hắn cho lính bí mật chui sương làm một mũi thọc lên, không ngờ gặp đối phương đón ngay trên sườn cao điểm. Mất toi hai khẩu đại liên vì đạn chống tăng loại nhẹ. Hắn phải gầm lên trong máy bộ đàm mới thủng tai tên đại tá ở mãi tít sau chỉ huy sở của tiểu đoàn pháo tầm xa. Bởi thế trưa nay mới xin được một trận mưa bom của phi cơ Hoa Kỳ và trọng pháo của tiểu đoàn trợ chiến.
Và chiều nay, khoảng năm giờ khi thấy sương chiều trải xuống dầy hắn đề nghị không cho pháo cấp tập, với lí lẽ: Đối phương đã có cách đối phó hiệu nghiệm nhất với cái chiến thuật áo giáp hoả lực dắt bộ binh. Chính hắn cũng đã thấy chán ngấy cái chiến thuật ầm ĩ mà không có hiệu lực ấy rồi. Gã đại tá đồng ý cho hắn thực hiện kế hoạch mới của hắn và lại khẳng định dứt khoát rằng hoả lực tối đa của phi pháo hỗn hợp Mỹ-Hàn đã quét sạch tất cả công sự chìm nổi của đối phương trong trận oanh tạc và cấp tập khủng khiếp trưa nay.
Hắn dắt lính lên khi mặt đồi còn le lói những tia nắng muộn màng của mặt trời sắp lặn. Vốn thận trọng, hơn nữa tính mạng hắn đang đặt trước những họng súng của một kẻ địch rất đáng sợ và muốn giữ bí mật cho tới lúc đặt chân lên tận đỉnh đồi, hắn cho lính tiến theo kiểu sên leo cột điện. Vì vậy, khi trời đã mọc đủ sao đêm đội hình bao vây bí mật mới tạm ổn định. Hắn đẩy thằng trung uý đại đội phó và hai thằng hạ sĩ lên trinh sát. Hắn khắc khoải chờ đợi và hy vọng. Loạt đạn đầu tiên của ba thằng đi trinh sát dội về lay muốn dứt cuống tim hắn. Tiếp theo liền là tiếng lựu đạn. Bao công sức đổ ra để giành cái thế bất ngờ bỗng chốc đổ cả xuống ao. Hắn chửi thầm thằng đại tá nói dóc. Nhưng rồi hắn ngờ ngợ rằng lực lượng bổ sung của đối phương đã lên cao điểm trước hắn. Tên tiểu đoàn trưởng đâm ra giận cái tính thận trọng đến rề rà mất thời cơ của hắn. Hắn gào lên trong máy ra lệnh cho cả ba cánh phát hoả. Hắn gạt thằng xạ thủ ra, giật lấy khẩu đại liên trút cả cái giận của hắn lên đầu hai thằng đi trinh sát còn sống sót chạy về bằng một loạt đạn ngắn. Làm xong cái việc ấy trong nháy mắt, hắn buông cò. Hằn gờm những con mắt tìm hoả lực của những tay giữ vũ khí chống tăng loại nhẹ của đối phương. Vả lại đây là khẩu đại liên duy nhất còn lại trong tay hắn. Còn gần chục khẩu M79 nhưng hắn cũng không yên tâm hay nói trắng ra là hắn không tin lắm ở cự ly quá gần. Đã có lần, một thằng lính trong tiểu đoàn hắn bị bắn nhầm mà không chết. Quả cối cá nhân chỉ gõ lỗ trán.
Hắn thấp thỏm chờ đợi một ánh chớp của quả lựu đạn chống tăng sẽ nổ ở một nơi nào đó trong đội hình trải hàng ngang của đại đội. Nhưng lọc mãi cái mớ âm thanh náo loạn của nhiều loại súng mà hắn đã nhàm tai, hắn chỉ bắt được những tiếng lựu đạn cách quãng và một vài loạt AK gan góc nhưng lẻ loi, đang ngày một gần hắn hơn. Hắn dè dặt ló cổ lên khỏi những bao cát dưới cùng chỗ mắt nhìn qua lỗ châu mai. Và hắn bỗng nhận ra một cái bóng thấp thoáng sau những mô đất. Cái bóng ấy dừng lại khá lâu sau xác thằng lính hắn đẩy lên trinh sát và cũng chính tay hắn giết. Thằng xạ thủ đại liên cũng đã phát hiện ra kẻ thù, khẩu súng trong tay hắn ngọ nguậy và chúc nòng xuống. Tên tiểu đoàn trưởng liền giơ chân huých mũi giầy vào sườn, nó mới chịu im. Hắn đứng như trời trồng mở to cặp mắt một mí ra nhìn cái bóng nhỏ nhoi lúc ẩn lúc hiện phía trước, không khác gì trẻ em xem trò lạ. Cái bóng vừa vung tay và hắn thấy ở công sự phía phải hắn chớp lên một cái. Tên tiểu đoàn trưởng vẫn đứng yên như bị cái bóng trước mặt thôi miên. Làm xong cái động tác mà hắn cho là ném lựu đạn ấy, hắn thấy cái bóng đột nhiên đổi hướng, trườn thẳng về phía hắn. Khi thấy địch thủ dừng lại cho tay về phía sau, thằng giữ đại liên ngồi ôm đầu và cúi xuống sát mặt đất. Bất ngờ và bằng một động tác thành thạo hết mức, thằng tiểu đoàn trưởng giật phắt khẩu AR15 trên tay thằng liên lạc vẫn đứng như một cái xác không hồn chõ nòng ra ngoài kéo một loạt dài, không cần ngắm. Hắn đã có một “biệt tài” hầu như được cả tiểu đoàn dưới quyền hắn công nhận. Bất kỳ một loạt súng nào may mắn vào tay hắn đều trở thành có mắt! Suốt đời hắn chưa làm một nghề gì, bàn tay hắn chỉ chuyên cầm súng và đã quen cầm súng. Hắn bắt đầu tin lão đại tá nói đúng: Kẻ địch đã bị hoả lực của chúng quét sạch. Cái bóng nằm bất động trước mặt hắn chỉ là một thằng nhóc lọt sàng. Hắn đút súng trả vào tay thằng liên lạc và hạ lệnh tấn công. Đến chỗ mấy cái bao cát mà ba tên được hắn cử đi trinh sát bỏ lại hắn đuổi kịp đội hình nhốn nháo phía trước. Những chớp lửa trước mặt xuất hiện hết sức bất ngờ làm toàn bộ đội hình đại đội của hắn ùn lại, lắm tên quay lại lao đầu trở xuống. Hắn không kịp hiểu chuyện gì vội nằm bẹp xuống quan sát. Từ trên đỉnh đồi, gần chục cái bóng giống như cái bóng mà hắn đã quét gục bằng loạt đạn cực nhanh đang lao thẳng về phía đại đội hắn. Thằng xạ thủ đại liên vừa chạy xuống đến gần hắn thì ngã ập xuống, xác đè lên khẩu súng. Thằng tiểu đoàn trưởng chồm tới chỗ tên lính giữ đại liên, hất xác nó sang bên cạnh nhặt lấy súng lùi lại. Đến chỗ những bao cát hắn vội kê súng lên bệ, nằm bừa lên xác thằng đại đội phó nhầy nhụa máu, nghiến răng xả từng tràng đạn nghe đến nhức óc. Khẩu đại liên vật vã trong tay hắn. Hắn ghì chặt khẩu súng vào vai, mồ hôi xối ra như đánh vật với con ngựa bất kham. Hai thằng xạ thủ phụ đã hoàn hồn mang đạn đến và giúp hắn, kéo xác thằng đại đội phó ra ngoài cho đỡ vướng. Hắn trợn tròn mắt néo chặt lấy cò như sợ buông ra nó sẽ chạy mất. Bàn tay hắn điều khiển khẩu súng thành thạo như một người làm vườn đang tưới hoa. Một màn đạn sàn sạt, rải đều trên mặt đồi. Với lối bắn ấy, không một kẻ nào ngóc đầu lên nổi. Gần như cả đại đội, trừ những thằng bị bắn gục bằng những tràng đạn bất ngờ, đã lần lượt vây quanh hắn thi nhau đổ đạn lên đồi, ghìm chặt lấy kẻ địch bị lọt hẳn trong tầm đạn thẳng của chúng.
Khẩu đại liên sục sạo đủ mọi chỗ mà nó nghi ngờ. Thằng tiểu đoàn trưởng bắn say sưa, tưởng như ngón tay hắn có thể néo chặt lấy lẫy cò đến tận phút chót của đời hắn được. Không thể giấu mặt nữa, hắn xối không tiếc đạn vào những chỗ mà hắn nghi ngờ, lo lắng.
Nhưng sự trừng phạt lại đến với hắn từ một chỗ mà hắn không ngờ.
Hơi ấm của đất và sương lạnh đã lay Đạm dậy. Đạm nhớ ngay đến cái lô cốt có cái miệng đen ngòm đã bắn anh. Nghe tiếng đạn vỗ vào không khí, anh không dám ngửng đầu. Chờ mãi không thấy viên đạn nào găm vào người, anh từ từ nhỏm dậy. Tiếng súng nổ gắt gỏng phía sau. Thằng tiểu đoàn trưởng Nam Triều Tiên găm vào người Đạm khá nhiều đạn. Chỉ một cử động nhỏ cũng khiến anh choáng váng, trán đẫm mồ hôi. Nhưng một điều khác dữ dội hơn đang dày vò anh. Đạm phải bóp chặt quả lựu đạn trong tay mới nén được tiếng khóc khỏi bật ra ngoài. Tiếng súng vồ vập sau lưng anh đang nói lên một sự thật đáng sợ đối với Đạm: Mỏm chốt 638 đã nằm gọn trong tay bọn Nam Hàn. Mảnh đất mà Thông và Nhàn đã đem cả tính mạng mình chặn đứng bước tiến của giặc và giao lại nguyên vẹn cho anh với nụ cười tin tưởng, mảnh đất thấm đến những giọt máu cuối cùng của những người đồng chí thân thiết của anh bây giờ lại lọt vào tay giặc một cách dễ dàng.
Nhưng tiếng súng điên cuồng của chúng cũng thú nhận một điều: ở đó bọn Nam Hàn cũng vẫn đang phải đối phó quyết liệt với một lực lượng nào đó đang có mặt trên chốt. Chỉ nghe toàn một thứ súng của giặc, Đạm hiểu những đồng chí ấy đang gặp khó khăn, bị địch dồn vào một thế bất lợi. Nó nổ sôi lên ríu rít như vẫy gọi. Nhưng Đạm không thể chồm dậy lao lên ngay được. Một cử động nhỏ cũng đòi hỏi phải cân nhắc, tính toán thật tỉ mỉ từng tí một. Anh sẽ phải vượt lên cả chính mình mới lôi nổi cơ thể đầy thương tích lúc này đã trở nên nặng nề và thừa thãi đối với anh. Lắm lúc đất trời trước mặt Đạm quay tròn, chỉ cần nhắm mắt buông tay là lập tức cả người anh bị hút chặt vào vòng quay kinh khủng ấy. Đạm phải dồn hết sức lực còn lại trong từng nhịp tim yếu ớt và chậm chạp vào đôi mắt và cánh tay là hai phần duy nhất trên người anh còn có thể điều khiển theo ý muốn của mình được. Đạm đưa cặp mắt mệt nhọc cố nhìn. Súng đại liên vẫn bắn róng riết từng tràng dài. Nó chỉ cách anh hơn chục bước chân. Ngày thường chỉ cần nhỏm người lên một tí là Đạm có thể bắt hắn câm họng bằng một quả lựu đạn mỏ vịt của Mỹ. Trước mặt anh, nó chập chờn, lắm lúc nhoà đi trong sương như thể nó chạy trốn tận một nơi nào đó, xa lắc…
Những lúc Đạm mệt quá định gục xuống thì tiếng súng lại rồ lên giục giã như một lời nhắc nhở đến nhiệm vụ thiêng liêng mà người trung đội trưởng giao lại và khẩu đại liên lại trở thành mục tiêu của anh. Nó như một khối nam châm cực mạnh hút toàn bộ mọi suy nghĩ, cố gắng của Đạm vào đó. Và Đạm lại kiên nhẫn lê đi từng tí một, hình như mọi động tác của anh đều nằm ngoài sức chịu đựng của một cơ thể.
Còn cách ổ súng năm mét… Còn bốn mét… ba mét… Đạm ghé răng cắn chặt vòng thép và dùng cả hai tay để kéo chốt an toàn, một tiếng “đốp” khô và gọn của mỏ vịt gõ vào kim hoả làm thằng xạ thủ phụ giật mình ngoảnh lại. Đạm đã nhích tới sát nó. Bất chấp cả những đau đớn giầy vò kịch liệt từ những vết thương còn dỉ máu, Đạm đưa hai tay bấu vào tầng hằm bao cát, hư có một sức mạnh kỳ lạ nâng anh dậy. Thằng xạ thủ phụ kinh hoàng nhìn bàn tay Đạm bám lên lớp bao cát trên cùng. Hắn hét lên, dùng cả hai tay hất vội tay anh ra khỏi thành công sự. Thằng tiểu đoàn trưởng quay lại, vừa lúc quả lựu đạn chớp sáng ngay dưới chân hắn.
*
Hầu như không mấy thằng chạy thoát. Trận đánh kết thúc thật bất ngờ. Hoạt giao cho trung đội trưởng Long điều khiển công việc thu nhặt vũ khí địch, phát hiện và sửa chữa lại hầm chốt cũ, đào thêm hầm chốt mới và công sự chiến đấu cá nhân. Anh lùi lũi một mình, nghiêng ngó giữa đám xác lính chết ngổn ngang, tìm kiếm một cách chăm chú, lặng lẽ.
– Báo cáo tham mưu trưởng…
– Hả? Cái gì đấy?
Chợt nhận ra Kiên, chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn được Nghĩa cho đi theo Hoạt, anh mới đổi giọng thân mật hơn:
– Gì đấy cậu?
– Có điện của Hát hát gọi tham mưu trưởng.
Hoạt tất bật bước theo Kiên, lo lắng không biết Nghĩa hỏi gì và anh sẽ báo cáo những gì. Đến căn hầm vừa moi được cửa, Kiên đứng lại ở ngoài cảnh giới, Hoạt cúi đầu chui vào. Căn hầm tối đen, chỉ có tiếng pin sôi rào rào phát ra từ chiếc máy vô tuyến dựng cần ăng-ten ngất nghểu. Hoạt bật lửa châm vào mẩu nến anh mang theo. Ánh sáng làm cho xung quanh tự nhiên rộng rãi hơn. Hoạt sửa lại mẩu nến bị gió đẩy chảy lệch sang một phía, nến chảy nhoè nhoẹt trong cái hốc khoét lõm vào vách hầm. Hoạt ngoắc ống tổ hợp vào tai, cầm mi-crô thổi phù phù như người ăn phải ớt. Từ đầu dây kia, tiếng nói trầm trầm điềm tĩnh của Nghĩa vọng lại. Nghe tiếng chính trị viên, Hoạt bỗng thấy mình vững dạ hơn. Nghĩa báo là đã đứng trên ngọn cây chôm chôm theo dõi trận đánh từ đầu. Bây giờ chỉ yêu cầu Hoạt báo cáo tỉ mỉ những khó khăn và những tình huống phức tạp cơ bản của trận đánh và số địch bị diệt cụ thể.
Hoạt bóp chặt chiếc mi-crô nhỏ xíu trong tay, thét oang oang, như khi anh hạ lệnh xung phong. Không phải là báo cáo mà Hoạt thật sự đang kể lại như kể về giấc mơ mà anh vừa trải qua. Hoạt dồn tất cả sự háo hức vào trong câu chuyện, vào trong lời nói dồn dập. Chỉ những khi nghe Nghĩa thét trả lại trong máy: “- Chầm chậm… thong thả để người ta còn ghi”, Hoạt mới chịu dừng lại, vui vẻ buông một câu khiến cậu trinh sát trẻ đứng gác ngoài cửa hầm cũng phải bật cười khe khẽ:
– Thế vẫn ghi chưa xong hả, rùa?
Hoạt muốn kể hết, kể lại từ đầu, cả những đoạn Nghĩa đã biết.
Sau khi nhận được báo cáo tình hình diễn biến trong ngày ở cụm chốt, trung đoàn điện cho Sở chỉ huy hỗn hợp phải chọn một đại đội trưởng xuất sắc chỉ huy một bộ phận gọn, có sức chiến đấu cao bí mật tập kích chiếm lại chốt 638. Hoạt cố thuyết phục Nghĩa để anh đi với điều kiện không cần thay đổi thành phần của tổ chiến đấu mà Nghĩa đã đồng ý cho đại đội bố trí theo tỷ lệ “ba cũ sáu mới”. Mệnh lệnh hơi đột ngột làm Nghĩa hơi bối rối. Anh điểm lại từng xê một và thấy đại đội trưởng nào cũng đều bị cột chặt với nhiệm vụ của đại đội mình. Đã có hiện tượng địch chuẩn bị mở một đợt phản kích giải toả toàn bộ hệ thống chốt, đặc biệt là cụm chốt liên hoàn trên ba cao điểm kẹp chặt lấy con đường Mười Chín giao thông chiến lược. Có thể nhiều tình huống chưa lường được sẽ xẩy ra. Nếu để Hoạt đi, mọi công việc đều trút lên vai Nghĩa. Mặt khác, Nghĩa lại muốn Hoạt trực tiếp đứng trên chốt với lớp chiến sỹ mới đánh trận đầu để anh xoá đi một công thức rất có hại đang hình thành trong đầu một người tham mưu trưởng tháo vát, táo bạo, giầu kinh nghiệm chiến đấu và tài năng chỉ huy. Đã có lúc Hoạt đề nghị được dẫn một đại đội đánh thốc vào sở chỉ huy tiểu đoàn Chín của trung đoàn Bốn hai Nam Triều Tiên và bảo đảm chắc thắng với điều kiện là anh chỉ lấy từ A phó trở lên. Biết Hoạt liều lĩnh cũng vì anh đang lo lắng đến cháy ruột trước nhiệm vụ tác chiến nặng nề của cả đơn vị. Nghĩa vẫn kịch liệt phản đối lối đánh mạo hiểm theo kiểu dốc túi đó. Đằng sau vấn đề ấy, Nghĩa còn nhận ra ở Hoạt một sự thiếu tin vào chiến sĩ, nhất là lớp chiến sĩ mà toàn bộ con người còn” nguyên vẹn mùi thao trường” ở hậu phương mới bổ sung cho đơn vị. Nghĩa muốn giữ cho Hoạt luôn đứng vững ở vị trí một người chỉ huy có uy tín, trưởng thành từ chiến sĩ. Anh điện trở về trung đoàn. Ý kiến đề nghị của Hoạt được chấp nhận…
Hoạt dẫn bộ đội lên gần đến đỉnh đồi thì tràng tiểu liên cực nhanh và tiếng lựu đạn phá tan cái yên tĩnh của màn đêm. Đôi tai vẫn thường thờ ơ với mọi âm thanh bên ngoài của anh lại có sự thính nhạy đặc biệt với tiếng súng. Và hình như chỉ có giữa tiếng súng, tham mưu trưởng mới thực sự trả lại đầy đủ với cái tên Hoạt của mình. Hoạt bò tới thộp lấy chân cậu trinh sát rồi vượt lên trước và khoát tay ra hiệu cho bộ đội lên theo. Tới đỉnh đồi, Hoạt nấp sau một phiến đá bị mảnh pháo gặm nham nhở, hồi hộp theo dõi cuộc chiến đấu rầm rộ mà bí mật trên chốt. Giữa những ánh chớp nhì nhằng, anh không tài nào nhận được đâu là địch, ta. Nhưng bọn Mãnh hổ vừa xông lên thì Hoạt vung mạnh tay, nhảy chồm dậy kẹp chặt khẩu AK vào nách lao lên trước. Đồng chí chiến sĩ thông tin vô tuyến chạy bên cạnh anh bị đạn, hy sinh. Hoạt dừng lại cúi xuống, vừa kịp gỡ chiếc máy bộ đàm ra khỏi vai đồng chí ấy, Hoạt bỗng nghe từng loạt đạn réo sát sạt trên đầu. Khẩu đại liên xuất hiện bất ngờ đã ghìm cả đội hình của anh đang ở thế cao thuận lợi nhất. Những làn đạn gắt gao và ác nghiệt của nó vờn sát trên mặt đồi, dí chặt mọi người xuống đất. Đạn vãi trước mặt, cắm sau lưng, sạt hai bên sườn. Tiến lên hay lùi lại đều phải tính đến cái chết. Hoạt bóp chặt lấy trán gục mặt xuống đất lặng lẽ thú nhận sự bất lực của mình. Anh tính toán và nhích sang cạnh trung đội trưởng Long, nhờ trao chiếc máy sang cho Kiên rồi thì thào trao đổi. Trung đội trưởng Long lắc đầu vẻ phản đối. Hoạt huých khẽ vào vai Long, gằn từng tiếng trong cổ:
– Đây là mệnh lệnh, đồng chí triệt để chấp hành.
Rồi không đợi Long trả lời, Hoạt bò chếch sang hướng trái, vừa bò vừa đẩy khẩu AK lên trước. Anh đã nghĩ nát óc. Không còn cách nào khác. Anh sẽ bò tách hẳn ra khỏi đội hình, sang một hướng khác rồi từ đó xả từng loạt AK, kéo nòng khẩu đại liên về phía anh, cố gắng tạo một kẽ hở, dù rất nhỏ cho hai khẩu B.41 cùng giập một lúc vào cái ổ súng lợi hại ấy. Có thể giao cái việc đó cho một chiến sĩ. Nhưng Hoạt vốn không quen nhường nguy hiểm cho người khác. Từ ngày lên tham mưu trưởng, công việc chung của một tiểu đoàn đã tước mất của anh cái quyền được xông pha của một người lính trực tiếp cầm súng mà bây giờ anh mới giành lại được. Một điều nữa, trong tổ chiến đấu này, ngoài một xạ thủ B.41 và Long, còn tất cả đều là tay súng mới ra trận lần đầu. Hoạt chưa tin họ có thể vượt qua được bước thử thách quá lớn như thế này. Cũng như anh mới chỉ ngờ ngợ mà không giám tin rằng, trên mỏm đồi không còn một dấu vết cây cỏ này lại còn những người trong tổ chốt cũ sống sót. Mặc dầu Hoạt đã nhận ra ngay từ tiếng lựu đạn đầu tiên và những tràng AK đĩnh đạt chắc chắn và một chuỗi tiếng lựu đạn len lỏi giữa tiếng súng của địch, cuộc chiến đấu ở phía trước đang diễn ra giữa một người đồng chí nào đó với giặc… Và cũng rất bất ngờ, một ánh chớp bừng lên ngay giữa ổ đại liên. Nó chỉ hục hặc thêm mấy tiếng rồi câm bặt. Tiếng nổ ầm vang của trái lựu đạn làm tất cả những họng súng khác của địch đều sững lại ngơ ngác.
Giữa cái phút im lặng đột ngột rất hiếm hoi ấy, tiếng thét xung phong của người tham mưu trưởng dội cả màn đêm dậy…
Trận đánh tiếp theo diễn ra thuận lợi ngoài sức tưởng tượng của Hoạt. Toàn bộ đội hình địch nằm phơi dưới tầm súng bắn thẳng của ta. Bị ném khỏi công sự, cái hùng hổ của những tên lính mang phù hiệu “cọp dữ” bay đâu mất. Đạp lên xác chúng, Hoạt nhằm bóng những tên địch thấp thoáng trong màn sương đục lờ nhờ, xỉa từng loạt đạn ngắn, cộc lốc. Cả tổ chiến đấu trào lên lùa bọn sống sót xuống chân đồi. Hoạt đánh say sưa với cái háo hức của một người lính lần đầu vào trận. Anh thật sự quên mất vị trí chỉ huy của mình. Mặc dầu anh đã hạ lệnh xung phong, nhưng hình như tất cả mọi người, kể cả Hoạt, đều cảm thấy mình đã đánh theo một mệnh lệnh khác: Đó là tiếng lựu đạn dập tắt ổ đại liên quái ác của một chiến sĩ nào đó vừa ném.
Hoạt biết chắc chắn sau khi ném quả lựu đạn, đồng chí ấy đã hy sinh. Vừa dứt tiếng súng, Hoạt vội đi tìm xác đồng chí thật sự là người chỉ huy bộ đội xung phong, xoay chuyển ngược lại tình huống một trận đánh hoàn toàn bất lợi…
– Một đồng chí rất cừ! – Hoạt thốt lên trong máy, không sao giấu nổi sự xúc động lộ ra trong giọng nói hấp tấp vội vàng, có phần hơi khoe khoang về người chiến sĩ mà anh chưa gặp mặt. Dường như trong câu chuyện kể với chính trị viên, Hoạt muốn nhờ Nghĩa nói lại với người chiến sĩ vô danh nào đó đã quyết định cả trận đánh đêm nay và ngã xuống ở những giây phút đầu tiên, lòng biết ơn và khâm phục của Hoạt và những đồng chí có mặt trên chốt đêm nay và ngày mai…
Ngoài cửa hầm loáng thoáng có tiếng ồn ào. Hoạt nghển cổ, hỏi giật, thét cả vào trong máy đang nói chuyện với chính trị viên:
– Chuyện gì đấy, hả?
Một giọng nói trẻ gần như reo:
– Tham mưu trưởng đây rồi, báo cáo…
Hoạt vội vàng tháo ống tổ hợp khỏi tai, nhẩy bổ ra cửa hầm. Từ trong máy vẫn nghe tiếng Nghĩa cũng đang ngạc nhiên: “Cậu định nói cái gì nhỉ?”. Hoạt tưởng địch lại lên lần nữa, hỏi dồn một cục:
– Đâu? Hướng nào? Độ bao nhiêu thằng?
Anh chiến sĩ vừa reo cũng ngớ người trước câu hỏi lạ lùng của Hoạt ấp úng:
– Dạ thằng… thằng gì ạ?
Hoạt ghé sát tai chăm chú. Rồi anh đứng thẳng lên phát nhẹ vào vai cậu lính trẻ:
– Vậy thì… sao lại chí choé với nhau. Thôi ra đào hầm với anh em, ông tướng con.
– Dạ, chúng em phát hiện… báo cáo…
– Hả, nói lại… Phát hiện gì?
– Dạ, chúng tôi tìm thấy một đồng chí.
– Đồng chí, hả? Đâu?
Hoạt chộp lấy hai vai người chiến sĩ mới, lắc lắc hỏi dồn. Anh lính trẻ không nói thêm, quàng dây AK lên vai, bước nhanh về phía ụ bao cát, nơi cậu ta vừa thu được khẩu đại liên. Hai cậu lính mới khác đang ngồi chụm đầu với nhau vội giãn ra nhường chỗ cho tham mưu trưởng. Hoạt lặng lẽ quỳ cả hai chân ghé tai xuống ngực người chiến sĩ nằm yên trước mặt rồi ngẩng đầu, hỏi rất khẽ:
– Tim còn đập không?
– Dạ, báo cáo…
– Có biết đồng chí này ở đại đội nào?
– Dạ, Sáu Mốt. Thằng Đạm… đồng chí Đạm.
Hoạt không nghe hết câu. Anh cúi xuống thấp hơn ngắm rất lâu cái khuôn mặt bầu bầu lem luốc. Đôi mắt người chiến sĩ khép hờ, dường như vừa thiếp đi sau lúc ngắm bầu trời lòng chảo sâu mênh mông, sáng rực hai bờ dải Ngân Hà những vì sao lóng lánh như bạc. Hoạt khẽ nâng đầu người chiến sĩ lên khỏi mặt đất. Hai tay anh gầy chắc như lõi lim, lóng ngóng bế Đạm vào lòng. Anh gửi lòng yêu thương vào trong từng cử chỉ vụng về. Trên tay anh, người Đạm mềm nhũn, âm ấm như một đứa em bé bỏng đang ngủ ngon lành.
– Có đúng là Đạm không?
Hoạt đi rất nhẹ nhàng, thì thầm qua hơi thở tự hỏi mình. Sau lưng anh, cậu lính mới thích góp chuyện lại cất tiếng nói liến láu, cái giọng sôi nổi trẻ trung luôn phải dừng lại để cải chính cách xưng hô:
– Dạ, đúng thằng Đạm… đồng chí Đạm. Em đã xem kỹ bàn tay trái, giữa ngón trỏ và ngón nhẫn có một vết thẹo. Hồi còn huấn luyện ở ngoài kia, hắn đẽo thủ pháo để tập, do chém trượt, y tá đại đội bắt nghỉ tập mất hai ngày. Cùng một tiểu đội với hắn… với… với đồng chí ấy, em biết mà.
Hoạt vẫn bước lững thững. Hầu như Hoạt không biết người chiến sĩ đi sau anh đang nói gì. Đầu óc Hoạt đang mải đuổi theo người chỉ huy đã ném lựu đạn vào ổ súng địch, vạch lối cho Hoạt dẫn đầu bộ đội xung phong diệt gần hết một đại đội Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn mang cái tên thú vật hợm hĩnh hết sức. Đồng chí ấy cũng có cái tên Đạm hiền lành như người chiến sĩ bé bỏng đang ngon giấc trên tay anh.
Hoạt bế Đạm đi thẳng về hầm sáng ánh lửa và đang có tiếng pin sôi trong máy. Ở đó, cả tổ chiến đấu – mà phần nhiều là những chiến sĩ mới cùng vào chiến trường một ngày với Đạm – đang tụ lại. Đằng sau họ là đỉnh đồi khum khum hình một cánh cung lớn đã giương sẵn trên nền trời đầy sao, vẻ chờ đợi, sẵn sàng thách thức với mọi kẻ thù!
Đêm trên cao điểm chậm chạp trôi theo tiếng đều đều khoan thai của con chim “tìm vịt” gọi bầy, vang vọng trên nền sương trắng đục như sữa. Trong màn đêm, những ngọn gió uống no sương vờn trên những cành cây khô xào xạc. Tiếng cuốc đào công sự khẩn trương và cần mẫn vỗ vào lòng đất bồm bộp như tiếng chày giã gạo khuya.
Và từ trong căn hầm sáng ánh nến, bên cạnh chiếc máy ngất nghểu cần ăng-ten, Hoạt đang báo cáo tiếp về diễn biến trận đánh. Tiếng anh đều đặn bình tĩnh và rành rọt lạ lùng. Trong câu chuyện tay đôi với Nghĩa, anh hay nhắc đến tên người đồng chí đã hy sinh cho trận thắng hôm nay. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng anh cười chen vào trong câu chuyện. Nhưng nhiều nhất vẫn là những điệp từ quen thuộc rất dễ mến của người tham mưu trưởng nặng tai…
Mặt trận đường Mười Chín, tháng 11-1972
N.H