Đêm hành quân qua phà Long Đại – Vũ Đình Văn

Vũ Đình Văn sinh tháng 2 năm 1951 tại Hà Nội, quê quán: xã Đại thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vũ Đình Văn nhập ngũ tháng 12 năm 1971 khi đang học năm thứ ba khoa Văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông phục vụ trong binh chủng tên lửa thuộc quân chủng PKKQ.

vanhaiphongVũ Đình Văn sinh tháng 2 năm 1951 tại Hà Nội, quê quán: xã Đại thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vũ Đình Văn nhập ngũ tháng 12 năm 1971 khi đang học năm thứ ba khoa Văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông phục vụ trong binh chủng tên lửa thuộc quân chủng PKKQ.  Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị sau đó trở ra miền Bắc để tham gia chống lại cuộc tập kích của không quân Mỹ vào Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông hy sinh ngày 27/12/1972 tại trận địa tên lửa ở xã Đồng mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Vũ Đình Văn bắt đầu làm thơ từ khi đang học phổ thông và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã kịp để lại khá nhiều bài thơ.

Đêm hành quân qua phà Long Đại

(Thơ Vũ Đình Văn)

Đêm ấy, đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại
Bom nổ chậm rình ở hai đầu bãi
Pháo sáng lập lờ vòng quanh
Mặc quân thù cứ xuống bến đi anh
Nước Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm
Tiếng côn trùng không kêu làm đêm đi rất chậm
Càng hay cho nhiều chuyến phà sang
Xe chở đá làm đường
Lầm lầm như gấu
Sáng mặt người xuống khe tìm chỗ giấu
Chờ qua cửa khẩu đêm nay
Đoàn xe hàng đi nấp trong cây
Xuống phà lần chót
Bọn xích chúng tôi sốt ruột
Kêu rầm rù rung cả đồi mua
Đêm rất xanh chẳng ai đi đèn rùa
Người lái xe chiến trường trăng trong đôi mắt
Chở nặng, rú ga, leo dốc
Tời giùm một chiếc xe lầy
Ở nơi sống chết từng giây
Càng đẹp thêm tình đồng đội.
Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại
Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi
Nơi trao tay mình tiền phương hậu phương
Nơi ấy ngã ba chiến trường
Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn
Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng
Nơi mở đường đưa máu chảy về tim
Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm
Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến
Thấy những xe hàng nôn nao ra tiền tuyến
Và những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn
Tự nhủ lòng mình hãy tỉnh táo nhiều hơn
Quyết canh giữ những con đường cho mãi mãi
Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại


Qua phà Long Đại… nhớ Văn

Đó là câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tưởng nhớ người bạn thơ của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã viết bài thơ ở bến phà gánh chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh chống Mỹ.

Còn với tôi, bài thơ “Đêm hành quân qua phà Long Đại” của nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn là một kỷ niệm không bao giờ quên…

Lại nhớ ngày nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Nhuận Cầm về Hà Nam chuẩn bị cho một số cảnh quay trong bộ phim anh viết về trẻ em. Hôm đó, đoàn làm phim về làm việc với các đồng chí lãnh đạo UBND xã Lam Hạ để chuẩn bị thực hiện cảnh quay người thả đó tôm bên sông ven đường sắt – khu cầu đen (thuộc địa bàn xã Lam Hạ). Đoàn muốn chính quyền địa phương giúp đỡ về công tác an ninh.

May mắn cho tôi là khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm làm việc với Chủ tịch xã xong, khi anh bước ra, tôi tranh thủ gặp được nhà thơ để chia sẻ câu chuyện về bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại” ngày tôi công tác ở Trạm thư B (Bố Trạch, Quảng Bình). Lính quân bưu chúng tôi có nhiệm vụ chuyển toàn bộ thư từ các chiến trường miền Nam và của Quân khu IV ra Bắc.

Hoàng Nhuận Cầm tưởng tôi là người cùng đơn vị với Vũ Đình Văn. Anh phấn khởi lắm và cảm ơn tôi nhớ tới người bạn của mình.

Thực ra tôi không phải người cùng đơn vị với Vũ Đình Văn, cũng không phải bạn bè. Tôi chỉ muốn kể lại với Hoàng Nhuận Cầm câu chuyện nhỏ này:

Năm 1972, tôi và một số đồng chí trong đơn vị C10 quân bưu có nhiệm vụ nhận toàn bộ thư ở các chiến trường miền Nam gửi ra. Trong đó có cả thư của các nhà văn, nhà thơ gửi bài ra đăng báo ở Hà Nội, như: Cao Tiến Lê, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn, Quang Hà, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Thanh Quế, Trần Hữu Tòng, Phạm Đức, Quang Chuyền, Vũ Bão… đều qua tay chúng tôi đóng gói gửi ra Bắc.

Một lần, trong khi đang ngồi soạn thư cùng anh em, đồng chí Q. (một chiến sĩ trẻ mới được bổ sung về trạm) bỗng xin phép tôi ra ngoài. Tôi nhìn thấy Q bỏ một lá thư vào túi quần. Khoảng mười lăm phút sau, Q. vào xin phép soạn thư tiếp.

Từ ngày tôi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thư B và nhận di vật tử sĩ, tôi rất nghiêm khắc trong công việc nên mọi thư từ không để thất lạc. Các chiến sĩ quân bưu đã phải trải qua bao bom đạn, nắng mưa mới có hàng vạn lá thư về đến trạm. Nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trên đường công tác. Sau khi đồng chí Q. vào làm việc, tôi hỏi:

– Lúc nãy đồng chí cầm theo lá thư ra ngoài, sao không thấy mang vào?

Q. đỏ mặt, nói: “Em có mang gì ra ngoài đâu!”. Thấy tôi thái độ cương quyết, Q. phải nhận và nói: “Nói thật với anh, em có người anh ruột đi B mấy năm nay không có tin tức gì. Em bóc lá thư ra thì không phải”.

Tôi hỏi: “Thế lá thư ấy đâu?”.

Q. nói: “Em xem xong, xé vứt ở vườn sắn sau nhà!”.

Tôi bắt Q. ra lấy. Thì ra đó là lá thư có bài thơ của Vũ Đình Văn gửi ra dự thi cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ.

Đó là bài thơ “Đêm hành quân qua phà Long Đại”. Tôi đọc vài lượt rồi nhanh chóng dán lại, đóng gói gửi theo chuyến hàng ra sân bay Đồng Hới ngay chiều hôm ấy.

Tình cờ khoảng gần cuối năm ấy, tôi được đọc tờ báo Văn nghệ thấy có bài thơ “Đêm hành quân qua phà Long Đại” của nhà thơ Vũ Đình Văn. Bài thơ không phải sửa một câu, một dấu phẩy, được giải khuyến khích!

Cuối trang báo Tòa soạn có ghi chú: “Tác giả bài thơ sẽ không có mặt trong lễ trao giải thưởng. Anh đã hy sinh trong trận đánh trả máy bay B52 của giặc Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm…“.

Vũ Đình Văn – theo Hoàng Nhuận Cầm cho biết – là bộ đội tên lửa. Anh có tập thơ in chung với Hoàng Nhuận Cầm: “Thơ tuổi 20”. Nhiều bài rất xúc động. Tôi tiếc thương nhà thơ liệt sĩ và có chút kỷ niệm về bài thơ của anh, nay xin chép nguyên văn bài thơ này để quý vị và các bạn cùng cảm nhận và cũng là nén tâm nhang của tôi gửi anh nơi chín suối.

Qua bài viết này, tôi xin nhờ quý báo chuyển tới gia đình nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn lời kính thăm sức khỏe…

Tôi biết ở Lệ Thủy, Quảng Bình đã có cây cầu Long Đại bền đẹp, không còn dấu vết chiến tranh, nhưng vẫn là chứng tích anh hùng của dân tộc, một bến phà gánh chịu nhiều đạn bom, mất mát hy sinh. Nếu có thể, nơi ấy đặt một tượng đài chiến thắng. Và nếu có thể, xin được khắc ghi bài thơ nổi tiếng của nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn ở đó. Tôi có cảm nhận đây là bài thơ ý nghĩa nhất, hay nhất viết về Quảng Bình trong những năm chiến tranh.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder