vanhaiphong: Như trong phần “Thay lời Tựa” của chương đầu truyện dài “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” có nói: Khi thiên ký sự phát ra, khách văn chen vào đọc chỉ mấy ngày đã đông đến hàng trăm. Có văn sỹ Đình Kính, cũng người An Biên, đọc thấy thích thú, bèn hưởng ứng viết thêm vào một chương phụ cho câu chuyện.”…
Vậy nhân dịp này chúng tôi xin đăng lại phụ chương ấy, có tên “Đi tìm Mao Tôn Úc” cùng ảnh tác giả Đình Kính
vanhaiphong: Như trong phần “Thay lời Tựa” của chương đầu truyện dài “Chuyện ly kỳ về Mao Tôn Úc” có nói: Khi thiên ký sự phát ra, khách văn chen vào đọc chỉ mấy ngày đã đông đến hàng trăm. Có văn sỹ Đình Kính, cũng người An Biên, đọc thấy thích thú, bèn hưởng ứng viết thêm vào một chương phụ cho câu chuyện.”…
Vậy nhân dịp này chúng tôi xin đăng lại phụ chương ấy, có tên “Đi tìm Mao Tôn Úc” kèm với ảnh tác giả.
Đọc xong phần đầu cái truyện về Mao Tôn Úc của Bão Vũ, cũng bắt chước người xưa mà đét mạnh vào đùi, buột ra: Giỏi! Không may đó là đùi cô bồ mới nhặt được lúc chiều, đang vắt qua người. Không mảnh vải che thân, nàng vùng dậy, té tát: “Đồ bạo dâm”, rồi mặc quần áo, rầm cửa, phóng khỏi phòng. Không sao, lúc này thì lão Mao Tôn Úc của Bão Vũ có giá hơn, đáng được để tâm hơn. Chẳng rõ vì cớ gì tôi đâm khoái con người này. Nhưng nhất quyết không phải vì gã mang dòng máu Mao Tôn mà muốn kết thân làm sang.
Tôi nhao lên quán cơm Trần Nhương. Chủ quán và tôi quen thân đã khá lâu, từ thời còn cùng nhau tập tọng đọc kinh dich và học chữ Hán. Và cũng vì võ vẽ vài ba từ Hán, nên để khác các quán khác, Trần tiên sinh mới treo trước cửa cái biển viết chữ ngược, tạo ấn tượng: “Trần Nhương.Cơm” (như người ta vẫn gọi: “Nguyễn phu nhân”, “Phan tướng quân” cho oai). Đã vậy lại học đòi bỏ dấu cho ra vẻ thời thượng mà thành ra trannhuong.com.
Quán đông khách. Toàn các văn nhân thi nhân còn trẻ. Chỉ cút rượu nhạt và vài ba hạt lạc nhưng họ nói hăng lắm. Họ vung tay đưa nhau lên sao Hỏa. Toàn những từ to tát, lạ hoắc mà dân tỉnh lẻ như tôi có nghe cũng như bò nghe sấm, chẳng hiểu gì. Trong khi chờ Trần Chủ quán, tôi im như hạt thóc, kéo vành mũ sát mũi, ti hi mắt ngưỡng mộ quan sát.
– Làm thơ, tiêu chí hàng đầu của tại hạ là để tán đàn ông. – Một nữ sĩ nói.
– Thế còn sex?
– Sex là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Thiếu yếu tố sex, mất thơ.
– Đó phải chăng là tuyên ngôn?
– Nào, cạn!
Ở bàn xế đó, có một vị đã trên lục tuần, mặc áo tía cố tình ngồi khuất, nhưng tôi biết ngài rất chăm chú nghe. Chẳng rõ đấy có phải Trưởng Thựơng Văn Hào lừng danh khắp nước Vạn Xuân cùng kinh thành Đại La. Nếu đúng thì tôi quả có quý nhân phù trợ. Chẳng hẳn ai cũng may mắn được nhìn thấy tận mắt con người đáng kính này. Đám văn sĩ thi sĩ trẻ chắc mải tung hê nhau nên không biết có núi thái sơn đang ở cạnh.
Một lát sau Trần Nhương từ đâu về. Lão kéo tôi vào phòng trong. Đang nóng lòng muốn biết tin về tiên sinh họ Mao thì Nhương chủ quán đa tình lại bíu lấy mà không thôi kể về mối tình lãng mạn của mình trong quán cơm bình dân nào đó. Khổ, được một cô gái trẻ cho sờ sẹt núm vú non mới nhú, cứ cho rằng đỏ như son thì có gì lạ mà lão nhặng lên. Như cả đời, ngoài vợ ra chưa được chạm vào da thịt người đàn bà nào khác.
– Còn trinh nhé!
– Hiểu rồi! Khổ lắm, nói mãi… Này, cái ông Mao Tôn Úc, người bình văn bình thơ tuyệt vời ấy đã từng ăn dầm ở dề trong quán đi về hướng nào?
– Mà nàng cũng làm thơ đấy.
– Hướng Bắc hay hướng Nam?
– Không, sau bữa cùng nhau lên Đại Lải và đã dành hết cho nhau, trở về Hà Nội, nàng chia tay ta và bay sang Đức, lấy chồng Tây.
Trần tiên sinh buồn bã gạt nước mắt, khóc thút thít…
– Trời ơi ! Cái cô nàng vú nhọn mông to của bác lấy chồng Tây hay chồng Tàu, mặc xác. Tôi hỏi nhà phê bình văn chương họ Mao đi về hướng nào?
– Thế hử ! Việc đó thì chú phải hỏi Bão Vũ, ta làm sao biết.
– Bão Vũ đã chẳng viết : “Mao Tôn Úc khóc rống lên, tát vào mặt mình mấy cái cực mạnh đến chảy máu miệng rồi quỳ xuống nói với Nhương Tác Nghiệp: Ta đã cố kìm chế mà vẫn làm hại tới ân công. Hãy tha tội cho ta. Xin nhận ba lễ này, hẹn kiếp sau báo đáp.
Rôì đứng lên gạt nước mắt rảo bước đi về hương Tây. Chẳng mấy lúc đã khuất dạng sau gò phế thải chất cao như núi của kinh thành” .
– Phải, nhớ rồi. Mao tiên sinh đã đi về hướng Tây.
– Có đúng hướng Tây? Mao tiên sinh từ phương Bắc xuống cơ mà.
– Bão Vũ viết rõ là hướng Tây.
– Đi bộ?
– Đuổi theo vẫn kịp. Có việc gì quan trọng?
– Không phải ghế của mình thì đừng ngồi vào.
Tôi vọt ra khỏi quán, di chuột, hướng về phía mặt trời lặn. Cũng bắt chước Mao tiên sinh khi hành phương Nam, ngày đi đêm nghỉ. Có điều không phải ăn trái cây, uống nước suối. Tôi có đô la. Nhưng cũng vì trong túi xủng xẻng tiền Mỹ mà suýt mất mạng. Có hai kẻ đánh hơi được túi tôi có mùi tiền khi tôi nghỉ chân ăn cơm tại DÊ LẨU THỊT BÒ TÁI PHỞ THẬP CẨM NGŨ MÓN QUÁN, liền lẻn theo. Chờ tôi tới bìa rừng, chúng dí dao vào gáy. Tôi van xin hết lời, cuối cùng đành mang tất cả đô la và vàng góp nhóp được mấy chục năm qua đang lận trong người ra để đổi lấy mạng. Nghĩ cũng còn may.
Khi tôi đói lả, một mình chơ vơ trong rừng chiều thì thấy phía trước le lắt ánh đèn. Mừng quá, bèn rảo cẳng xăm xăm bước tới. Đó là một ngôi quán nhỏ, lợp lá rừng. Đọc hàng chữ nơi tấm biển treo trước cửa :Quán Văn. Cơm, còn mở ngoặc giải thích rõ “Quán nữ sĩ dành cho khách văn chương cơ nhỡ” thì cả mừng. Tôi hiểu ngay đây là quán cơm dành cho mình, liền tự tin đi vào.
Chủ quán đứng lên tươi cười chào. Chắc nàng đang buồn. Đó là một thiếu nữ còn rất trẻ, đẹp, thoáng nhìn đã có cảm tình và nét gì đấy hết sức ấn tượng. Khi ngọn đèn được vặn to, tôi giật mình: Hình như tôi đã gặp người này đâu đó. Một lát mới sực ra. Nàng chính là nhân vật nữ trong truyện ngắn com bui.com (Cơm Bụi. com) đồng thời cũng là người yêu lý tưởng đáng tôn thờ của Trần tiên sinh. Tôi có phần ngạc nhiên, Trần Nhương khoe rằng nàng đi lấy chồng Tây mãi bên Đức, sao lại tới chốn hoang lạnh này mở quán? Biết đây là kẻ đã tạo ảo tưởng về tình yêu cho ông Trần, song tôi làm bộ ngơ ngác như không biết gì và khiêm tốn cám ơn vì đang thất cơ, đói rét thì gặp được chiếu manh.
Mỗi bận gặp trường hợp tương tự, tôi thường meo lên cho ông chủ quán cơm. Nhưng lần này thì mặc. Cứ để con người ngây thơ cả tin ấy say sưa với mỗi tình ảo lãng mạn của lão mà sống nốt quãng đời còn lại. Biết bị lừa, Trần tiên sinh dại dột không giữ được bình tĩnh, nhất định cáu lên mà giật đổ quán cơm của mình. Lúc đó văn nhân Hà thành lấy đâu ra chốn tụ bạ?
Chờ chủ quan định vị, tôi rụt rè nói rằng cũng đã nho nhe viết văn và có vài ba cái gương người tốt được đăng trên báo xã, vậy đã được gọi là khách văn chương chưa? Nữ sĩ cười độ lượng:
– Cái danh là ở tự ta phong cho ta, không cốt ở tác phẩm.
Rồi chủ quán xởi lởi tự giới thiệu mình là thi sĩ thuộc thế hệ tự phong 8.x.
Tôi thở phào. Vậy đích thị tôi đã được xếp vào khách của quán. Vui, tôi quên cả mệt, bèn sốt sắng:
– Thưa, nữ sĩ mở quán đã lâu, vậy xin cho hay, nữ sĩ đã gặp một người họ Mao, danh phê đi qua đây?
– Ngưòi Tầu ?
– Phải, một văn nhân từ Trung nguyên sang.
– Rác rưởi!
– Bên ấy họ có những nhà văn, nhà thơ rất đáng nể.
– Văn nhân đùa tôi đấy à?
Hình như tôi đã nghe cách nói kiểu nay ở đâu đó. Đúng, nhớ rồi, của ông Hán học người Đức trên báo Văn nghệ .
– Thưa người của thế hệ 8 x đáng tôn vinh, còn nước Vạn Xuân ta, xin phép hỏi, nữ sĩ đã đọc những ai?
– Họ có gì đáng để đọc!
-Vậy…
– Xin lỗi, hãy để tôi khoản đãi văn nhân cho đúng phép tắc và tiêu chí của quán rồi ta tiếp tuc đàm đạo văn thơ.
Chủ quán mang ra một chiếc đĩa bằng sứ rất đẹp, trên đó chỉ có duy nhất một hạt đậu nành bé bằng đầu đũa và một cốc nước suối, đặt trước mặt tôi:
– Xin mời dùng bữa.
Tôi hẫng hụt như rơi xuống hố. Nhưng cố ghìm. Đã là văn nhân nữ sĩ sao giống hạng phàm phu tục tĩu. Khi tự nguyện đi theo con dường văn thơ, đã mang danh văn nhân thi nhân, phải cao khoát, khác đời. Nghĩ vậy, mặc dù dạ dày sôi réo, tôi cũng cố rặn một nụ cười:
– Thưa, nữ sĩ đánh giá thế nào về thế hệ mình?
– Không gì khác hơn, đó là tương lai văn chương người Việt ta vậy. Thế hệ chúng tôi có cốt cách riêng. Mời văn nhân vừa dùng bữa vừa nghe thơ cho khoái khẩu:
Chiều khè (chắc nữ sĩ muốn tả màu vàng buổi chiều, là tôi mạo muội nghĩ thế)
cành nghiêng
chơi vơi lá
Nguyệt thực tư duy
Xanh xao con chữ
Quán nhỏ buông
Thỗn thện vú
Sương giăng suy nghĩ
Đom đóm đường
trượt chân sáng tác
Tai nạn
Thuần khiết thơ…
Đen
Đỏ
Vàng
Lỡ hẹn tượng trưng
Hoa cau cuống…
Trước cửa nhà tôi ở đát An Biên (Hải Phòng), tôi đã thuê người treo tấm biển với dòng chữ rõ to Giày dép và thơ xin để ở ngoài. Vậy mà có kẻ bỏ qua. Thơ vẫn bị lọt vào nhà. Tôi bèn nghĩ ra một cách. Ra chợ mua gần chục cái gạt tàn thuốc lá bằng sứ, chồng xếp nơi bàn uống nước. Các thi nhân tới chơi, nếu có ý định phô thơ, nhìn thấy cũng chờn chợn. Không ai muốn phải đi cấp cứu. Từ đó tôi thoát. Vậy không rõ kiếp trước tôi đã phạm tội gì mà nay bụng đói tay run vẫn phải làm bộ chăm chú nghe nữ sĩ 8x nghêu ngao thơ, như thể nhìn thấy Hoàng đế cởi truồng mà vẫn phải gật gù tán thưởng quần áo đẹp. Mao Tôn Úc ơi là Mao Tôn Úc, tiên sinh giờ này đang ở chốn nào vậy?
Nữ sĩ vẫn chưa buông tha, vẫn say sưa:
Vê tròn bản năng
ý thức vuông
tam giác tình.
háng
đùi
giọt
giọt
nhuâỳ nhụa yêu
hoài niệm cảm xúc
anh
em
nhóp
nhép
thân gầy…
Tôi nóng ran tứ chi. Mồ hôi vã ra, từng giọt từng giọt lăn từ trán xuống má.
Thi nhân 8.x lại ngỡ tôi cảm động mà khóc, nên thôi đọc. Nhanh chóng trở về với con người đời thường, nàng cũng oà khóc rồi ỏn ẻn:
– Anh ơi, quán cô đơn lắm, không hẳn lúc nào cũng gặp được tri âm tri kỷ. Đêm nay anh ở lại đây với em nhé. Ngày mai em phải lấy chồng Mỹ rồi. Người Việt trước hết phải dùng đồ Việt.
Tôi choáng. Đây không phải Trần Nhương khù khờ nhé! Nghĩ vậy, tôi giả bộ xin phép ra ngoài rửa chân tay, nhân đó chuồn vội. Tôi ấn chuột, thả hồn về hướng Tây, nơi có đức Phật ngự . Và Mao tiên sinh cũng đang đi về hướng đó.
Tôi có gặp được nhà lý luận phê bình danh tiếng Mao Tôn Úc không, và cuộc đàm đạo văn chương diễn ra thế nào, chờ phần tiếp theo Chuyện li kỳ về Mao Tôn Úc của Bão Vũ lên mạng mới viết tiếp được.
Đ.K