Suốt tháng nay, dịch dã thế, mà thấy thiên hạ vẫn ồn ào chuyện “văn mẫu”. Người ta thi nhau sỉ vả “văn mẫu”, hăng nhất là các nhà văn nhà thơ. Cả ông Thượng thư Bộ học cũng kêu gọi tẩy chay “văn mẫu”. Tôi cũng ghét “văn mẫu”, muốn chống “văn mẫu”, nên vắt tay lên trán thử nghĩ xem “văn mẫu” là gì, nó ở đâu chui ra và liệu có chống lại nó được không?
Khái niệm “văn mẫu” ở ta bây giờ có nghĩa riêng, nó được dùng để chỉ những bài văn làm sẵn dành cho những đề thi có sẵn, học trò chỉ cần học thuộc để chép lại là có thể thi đỗ. Nhiều người còn nhớ, vào niên học 1989 – 1990, Bộ giáo dục tổ chức biên soạn bộ sách “Đề thi đại học” ở tất cả các môn thi. “Đề thi đại học” môn văn khi đó có chừng 200 đề, chia thành 2 tập. Sách “Đề thi” này kèm theo cả đáp án vạch đủ các ý chính cần có cho bài làm. Mà người ra đề và làm đáp áp tuyền là Giáo sư đầu ngành, ví như Giáo sư Hà Minh Đức, cố Giáo sư Phan Cự Đệ, Giáo sư Nguyễn Đình Chú… Cho nên, sau khi có bộ sách “Đề thi”, các lò luyện thi đại học trong cả nước mọc lên như nấm. Dựa vào đáp án có sẵn do các Giáo sư đầu ngành vạch ra, nhiều ông giáo, bà giáo viết chưa thành câu cũng thi nhau biên soạn ào ào sách luyện thi với những bài làm sẵn dành cho những đề có sẵn. Vào các hiệu sách, thấy chỗ nào cũng bầy đầy ắp sách “văn mẫu” với đủ loại tên gọi: “Luyện thi môn văn”, “Để học tốt môn văn”, “Văn mẫu luyện thi đại học”… Bây giờ, không cứ thi đại học, mà kỳ thi nào, ở lớp học nào cũng có đề ra sẵn với những bài văn làm sẵn. Thử lên mạng, vào “Google”, quý vị sẽ tìm được ngay các sách: “Đề thi học kỳ 2 lớp 8 môn văn năn 2021, mới nhất”, “Đề thi thử vào lớp 10 môn văn năm 2021, có đáp án”, “Bộ đề thi học kỳ II, lớp 8 môn văn, 8 đề”, “TOP 50 đề thi vào lớp 10 môn văn 2020 – 2021”… So với những năm 1990, giờ chỉ có một điểm khác: số lượng đề thi đã được hạn chế tối đa, quanh đi quẩn lại, chỉ còn vài chục đề thôi.
Thực ra, ở dạng bất thành văn, “văn mẫu”, tức là những bài văn làm sẵn dành cho những đề thi có sẵn, đã định hình từ rất lâu, trước khi có sách “Đề thi và đáp áp” do Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn (1989 – 1990). Nó được định hình trong sách giáo khoa và bài giảng của các thầy cô giáo ở cả phổ thông, lẫn đại học. Còn nhớ hồi học lớp 10, tức lớp 12 bây giờ (năm 1965), để chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III, thằng bé 17 tuổi khi ấy, tức là tôi bây giờ, chỉ học thuộc lòng chừng mươi bài giảng của các thầy cô về mươi tác phẩm văn học Việt Nam trước và sau cách mạng tháng Tám. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, tôi vẫn chưa quên bộ đáp án cần phải viết trong bài cho từng đề thi nếu gặp. Tỉ như gặp đề ra về văn học hiện thực phê phán thì phải chứng minh, tác phẩm, như “tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hay “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, vừa là bản cáo trạng đanh thép xã hội thực dân phong kiến, vừa là lời tố khổ chân thành cho cuộc sống tủi nhục của người nông dân. Đề về thơ Tố Hữu thì phải khẳng định “Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam”. Gặp đề về thơ Bác thì phân tích kiểu gì rồi cũng phải rút ra kết luận sáng tác của Người là tiếng nói của bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” và là sự kết hợp tuyệt vời giữa “chất thơ và chất thép”, giữa “vẻ đẹp cổ điển và hiện đại”. Đề ra yêu cầu phân tích nhân vật trong tác phẩm văn xuôi Cách mạng thì phải có đủ 4 ý làm nên 4 phẩm chất của hình tượng: “yêu” (yêu quê hương đất nước) – “căm” (căm thù phong kiến đế quốc) – “chiến” (chiến đấu dũng cảm) – “lạc” (sống lạc quan) v.v…
Trong đời đi học và đi thi, tôi không thể nào quên được những kỉ niệm rất vui về lần thi tuyển nghiên cứu sinh vào mùa hè năm 1976, khi nào có dịp sẽ kể hầu quý vị, giờ chỉ thuật lại vắn tắt. Đại để nó cũng giống như mọi kì thi: đề có thể đoán trước, làm bài, trả lời càng đúng ý thầy, lại biết viết văn thật réo rắt, cứ như là lời tâm đắc của mình, thì điểm càng cao! Đề cương dự thi nghiên cứu sinh của tôi do cố Gíao sư Lê Đình Kỵ hướng dẫn. Thầy hướng dẫn tôi làm đề cương về đề tài: “Phương pháp luận nghiên cứu văn học rút ra những bài viết của V.I. Lenin về L. Tolstoi”. Ba năm sau Phạm Quang Long đi thi, Thầy lại hướng dẫn ông bạn tôi làm đề cương đúng cái đề tài như thế. Rốt cuộc, sang Liên xô, cùng vào làm luận án ở Bộ môn Lịch sử văn học Nga của Khoa Ngữ văn Đại học tổng hợp Leningrad, cả tôi và Phạm Quang Long, đứa trước đứa sau, đều phải đổi đề tài, tôi chọn phê bình Nga nửa cuối thế kỉ XIX, Phạm Quang Long viết về N.G. Chernyshevski. Ngành văn học phải thi ba môn: triết, lí luận văn học và văn học Việt Nam. Môn triết do Giáo sư Trần Nghĩa phụ đạo kiến thức. Thầy giảng ba vấn đề. Tôi chỉ ghi nhớ hai, khi thi, Thầy cho đúng hai câu hỏi như thế, vậy là “trúng quả”! Hội đồng bồi dưỡng kiến thức, chấm thi môn lí luận văn học và văn học Việt Nam gồm cố Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (Chủ tịch), Giáo sư Hà Minh Đức và cố Giáo sư Phan Cự Đệ. Những ngày đất nước mới thống nhất, Thầy Đức và Thầy Đệ thường xuyên phải vào Nam “khai tâm” cho đám giáo sư và sinh viên bị Mỹ – Ngụy “nhồi sọ”, nên không mấy khi có mặt ở Hà Nội. Thành thử chỉ còn mình thầy Nhị phụ đạo cho chúng tôi. Lớp học là căn phòng rộng chừng 6 mét vuông trong căn hộ nhà Thầy ở Kim Liên. Tất cả có 5 người: Lộc Phương Thủy, Lê Thành Nghị, Cao Đức Tiến, Võ Minh Tuấn và tôi. Sau này, trừ tôi và Võ Minh Tuấn suốt đởi phọt phẹt làm ông giáo, ba vị kia đều thành “nguyên khí quốc gia”, “giường cột” của nền văn nghệ và giáo dục nước nhà. Năm trò, Thầy nữa là sáu, ngồi trong căn phòng 6 mét vuông, Thầy dùng micro giảng bài. Chiếc micro Liên Xô, Thầy nói là các bạn Trường Gorki gửi tặng, chạy pin, mà pin đã cũ, nghe tiếng trầm tiếng bổng, tiếng được tiếng mất, thỉnh thoảng lại ré lên buốt hết cả tai. Thầy kể chuyện nhiều, giảng bài ít, vì chỉ xoay quanh hai trọng tâm mà Thầy đã viết hết cả ra sách: phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và thơ Hồ Chí Minh. Thi vấn đáp, Thầy Đức và Thầy Đệ hỏi tôi đúng câu về hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi trả lời đúng như giáo trình các thầy viết: “hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác ưu việt nhất của nhân loại, nó công khai tính đảng, phản ánh hiện thực chân thực, cụ thể – lịch sử theo xu thế phát triển cách mạng để giáo dục lí tưởng cộng sản cho quần chúng lao động”. Thi văn học Việt Nam, Thầy Nhị hỏi đúng câu về thơ Bác. Tôi lại đưa rất nhiều dẫn chứng để phân tích và chứng minh đúng như lời thầy giảng: “Thơ Bác là đỉnh cao của thi ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong thơ Người, hiện thực đời sống không phát triển từ thấp đến cao, mà đi từ hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác”. Thi xong, tôi thở phào nhẹ nhõm, vì môn nào cũng trúng đề, đề nào cũng viết đúng ý thầy. Kết quả, tôi đỗ, mà điểm đỗ rất cao, trong mấy người, chỉ thua mỗi Lộc Phương Thủy.
Tôi kể lại cuộc thi tuyển nghiên cứu sinh nói trên để quý vị thấy “văn mẫu” trong nhà trường chỉ là cái bóng “văn mẫu” của cả nền nghiên cứu phê bình nước ta. Mà “văn mẫu” trong nghiên cứu phê bình văn học thì lúc nào cũng đi sóng đôi với “văn mẫu” trong sáng tác văn nghệ.
Trong nhà trường có đề thi và đáp án cho sẵn. Từ sau 1945, cả thơ văn lẫn nhạc họa, cũng chỉ có hai đề tài cho sẵn là đề tài chiến tranh và đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội! Đề tài nào cũng phải viết bằng cảm hứng ngượi ca. Cả thế giới bước vào vào nền văn nghệ ấy đều được đúc vào ba hình tượng: cha anh minh, mẹ tổ quốc và chúng con anh hùng. Chuyện gì cũng phải được kết thúc bằng “ta thắng địch thua”, địch là “thú vật”, “ta đây là người”. Còn nhớ, một lần tôi hỏi Nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn phần đầu hay thế, sao kết thúc gượng gạo vậy? Ông nói, ở ta “phải viết văn như bốc thuốc, bệnh nào cũng phải tiền công, hậu bổ”. Nghĩa là tất cả đều phải viết đúng theo đáp án của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Suốt một thời gian dài, những tác phẩm trật đáp án, viết không đúng “văn mẫu” của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, kiểu như Phá vây của Phù Thăng, Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Vào đời của Hà Minh Tuân, hay Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, tác giả của chúng đều bị trừng trị cho tới tận thân bại danh liệt.
Mà suy cho cùng, thì “văn mẫu” trong nhà trường, trong nghiên cứu phê bình, hay trong sáng tác cũng đều chui ra từ đường lối văn nghệ của Đảng ta. Đường lối ấy được định hình từ bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo năm 1943. “Đề cương…” ghi rõ:
“Công việc phải làm:
- tranh đấu về học thuật, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta; triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche), v.v…; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng.
- tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng v.v… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng)”.
Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ chịu dậm chân tại chỗ! Có thời bao cấp kinh tế, xua cả nước vào hợp tác xã, làm ruộng “ăn điểm” chứ không có thóc để ăn, thì sẽ có lúc người ta “phá rào”, “khoán chui”. “Văn mẫu” cũng thế! Hơn 2500 năm, văn học cổ – trung đại toàn thế giới nhất loạt “thuật nhi bất tác”, sáng tác theo những khuôn mẫu có sẵn, để rồi từ nửa sau thế kỉ XVIII, chủ nghĩa lãng mạn phá tung hết, từ hệ hình thi pháp cổ truyền, thi pháp thể loại, văn nghệ chuyển qua thi pháp tác giả, thi pháp của cá tính sáng tạo.
Ở Việt Nam, “văn mẫu” hiện thực xã hội chủ nghĩa trùm kín văn đàn được nửa thế kỉ, đến năm 1987, Nguyễn Minh Châu dõng dạc tuyên bố: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Loạt bút kí Tiếng đất của Hoàng Hữu Cát, Người đàn bà quỳ của Lê Văn Ba, Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang và nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu là những sáng tác đầu tiên “phá rào” văn mẫu. Đến khi xuất hiện loạt kịch của Lưu Quang Vũ, chùm ba bài thơ Đánh thức tiềm lực, Tổ quốc … nhìn từ xa, Kim mộc thủy hỏa thổ của Nguyễn Duy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, hay loạt truyện ngắn và tiểu thuyết “3.3.9 [Những mảnh hồn trần]” của Đặng Thân thì thành trì “văn mẫu” một thời bị phá sạch trơn. Ngay cả Tố Hữu, trong tập Tiếng đờn, cũng chia tay với hiện thực xã hội chủ nghĩa!
Cùng với sáng tác, từ những năm 1980, nghiên cứu, phê bình văn học của ta cũng ngán ngẩm loại “văn mẫu” lấy xã hội học dung tục làm điểm tựa, nên nhiều người đã tìm tới thi pháp học, phân tâm học, kí hiệu học và các hướng tiếp cận hiện đại khác. Cho nên bây giờ việc xã hội lên tiếng chống lại “văn mẫu” trong nhà trường là bước đi tất yếu.
Tôi tin, giờ đây chỉ cần Bộ Giáo dục và đạo tạo thay đổi cách ra đề thi theo hướng mở hơn, chắc chắn bước đầu sẽ thu được một số kêt quả khả quan. Nhưng xung quanh chuyện này, tôi nghĩ, những ai quan tâm tới giáo dục, cũng không nên kì vọng nhiều quá kẻo rồi lại thất vọng. Cứ thử nhìn sang đời sống của văn học nghệ thuật thì rõ thôi! Trước 1991, những nhà văn nhà thơ từng đổi mới sáng tác quyết liệt nhất đều không phải là những tác giả được hệ tư tưởng chính thống của nhà nước trọng vọng. Những nhà thơ cương quyết viết theo lối khác, cả gan thách thức lối viết quen thuộc, truyền thống lâu nay, như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Hoàng Hưng, Dương Tường, hay Nguyễn Viện, đành trải chiếu ra chỗ khác làm sân chơi dành riêng cho mình và cho một công chúng riêng. Sáng tác của Nguyên Ngọc, hay Nguyễn Duy thậm chí còn bị đưa ra khỏi sách giáo khoa vì những lí do mà dẫu cho kẹo, thì Hội nhà văn và cơ quan công quyền cũng chẳng dám công khai tuyên bố. Học trò làm luận văn, luận án về sáng tác của nhóm “Mở miệng” có thể bị tước bằng như chơi! Nói như thế để thấy, việc thay đổi đề thi, hay đề tài luận văn, luận án cũng chẳng phải dễ, không phải muốn đổi thế nào thì đổi. Thay đổi đề thi đã khó, thay đổi đáp án càng khó hơn! Vì “định hướng xã hội chủ nghĩa”, hệ tư tưởng cộng sản và mĩ học Mác – Lenin vẫn là đáp án có sẵn dành cho bất kì đề thi nào. Cứ thử ra đề phân tích thơ Tố Hữu mà xem! Giả dụ có đứa học trò nào bạo gan viết rằng thơ Tố Hữu là thơ tuyên truyền, thơ “nhà binh”, thơ tụng ca đảng và lãnh tụ, xa lạ với đời tư của con người, nên không có sức sống lâu bền, tôi thách Hội đồng tuyển sinh nào dám cho điểm cao đấy! Lại nữa, 90% học trò học văn bây giờ chủ yếu là học để đi thi. Tôi còn biết chắc, trong gia đình 90% giáo viên của ta bây giờ hoàn toàn không có thư viện riêng. Họ cũng dạy văn chủ yếu là để học trò đi thi. 90% học sinh ấy chưa chắc đã tán thành bỏ “văn mẫu”. 90% giáo viên ấy cũng chưa chắc đã phấn khởi, khi Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định hủy bỏ “văn mẫu” và các loại sách hướng dẫn giảng dạy.
Thực tế hiện nay, như đã nói, những nhà văn nhà thơ muốn đổi mới văn nghệ thực sự đành phải trải chiếu ra khu vực ngoại biên làm sân chơi riêng. Thực tế cũng chứng tỏ, những ai muốn đổi mới thi cử, xóa bỏ hoàn toàn “văn mẫu”, cũng chỉ có cách là cho con cháu đi du học nước ngoài. Tôi thấy người ta gọi thế là “tị nạn giáo dục”!
Cho nên, đoạn tuyệt với “văn mẫu”? Hay lắm!
Nhưng không dễ đâu/.
Tháng Chín, đầu niên học 2021 – 2022
LN