Hoài Khánh, một nhà thơ đất Cảng, nhưng cứ như tôi nghĩ, nếu không bị kém mắt thì anh đã là một họa sỹ tài hoa.Đọc thơ anh, tôi luôn ngạc nhiên trước sức tưởng tượng phong phú như của một chàng họa sỹ vẽ phong cảnh bằng thơ mà gửi gắm bao niềm tâm sự xa xăm. Tập thơ Đi cùng thương nhớ của anh có 112 trang, 57 bài thơ đúng bằng cái tuổi gầy guộc của anh: 57. Trong 57 bài thơ có mươi bài là thơ tự sự về triết lý nhân sinh, nhân tình thế thái. Hơn 40 bài thơ còn lại là nhật ký những chuyến đi với các trường cảm xúc khác nhau. Tôi ngạc nhiên về sức đi và sức viết của anh. Bắt đầu từ tập thơ đầu “Bé Kim Giây” (NXB Hải Phòng- 1991) đến nay, Đi cùng thương nhớ là tập thơ thứ 8. Mấy năm nay, tôi biết, đôi mắt của Hoài Khánh kém đi nhiều, dường như chỉ còn nhìn thấy bóng. Ấy vậy mà thơ anh luôn rực rỡ sắc màu của đất trời cùng cỏ cây hoa lá, in đáy mắt người thơ!Hoài Khánh yêu đất đai, yêu con người chân thành và nồng hậu. Men lãng mạn thơ Hoài Khánh được ủ trong một trái tim khỏe khoắn đến mãnh liệt:
“Bỗng rơi ào một cơn mưa
Đường đồi đất đỏ như vừa xoay nghiêng”
(…) Chòm râu thưa nhuốm nhọc nhằn
Áo nâu, guốc mộc bút quằn quại đau
(Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng)
Ngoài ra, tập thơ còn 5 bài viết về các danh nhân văn hóa khác. Ta thấy Hoài Khánh đặc biệt đồng cảm với tiền nhân nỗi dau nhân thế. Đồng cảm đến nỗi khó phân biệt là ngòi bút Nguyên Hồng quằn quại đau hay là ngòi bút Hoài Khánh đang quằn quại như những phận người lam lũ trong di cảo Nguyễn Du:
Run run chén rượu nhạt nhòa
Rưới lên mộ đẫm chiều tà Nghi Xuân
(Bên mộ cụ Nguyễn Du)
Chén rượu hay là chén lệ đầy thương cảm trước một Đại thi hào đau nỗi đau của Thập loại chúng sinh? Anh đồng cảm với Tú Xương – nhà thơ Thành Nam: chỉ với hai câu thơ súc tích, anh đã làm bật lên cái gai góc của một hồn thơ vất vả:
Hồn xưa hòa với gió mây
Bóng hình khuất dưới bụi cây xương rồng
(Viếng mộ cụ Tú Xương)
Trong tâm Hoài Khánh tiếng thơm hay danh tiếng của một con người đều có gốc rễ từ đời thường. “Về nơi Bác đã sinh ra”, “Dâng hương đền Trần”,hay“Thăm đền quan lớn Tuần Tranh” anhđều có cảm nghĩ khá đồng nhất: “Thánh thiêng ngay giữa đời thường/ Thiêng từ một nắng hai sương thiêng về”. Thế nhưng,cái kết của tư duythật bất ngờ, anh trở lại với đời thường: “Hư danh ế ẩm chợ đông/ Chẳng bằng hạt đỗ ẩn lòng bánh gai”.Chiều sâu của câu thơ ở nơi tâm linh và từng trải của người viết.
Hoài Khánh, với tôi, không phải là một nhà thơ “viết bằng trực cảm”! Mỗi bài thơ, dù có mô tả cảnh vật, con người, điệu hát Đúm đầu xuân hay điệu xòe người Thái đều không phải bằng “trực cảm” mà làvị mặn của những hạt muối trắng tinh khiết chắt từ vũ trụ mênh mông“Chưa kịp vơi tủi buồn / Sao đã đầy buồn tủi…/ Hồn lên mây rong ruổi / Xác đọng lại lung linh” (Muối).Ngắm hoa hồng anh tâm sự “Hoa hồng nào cũng héo/ Chỉ còn cỏ luôn tươi” (Với hoa hồng).Các bài thơ “trực cảm” mà không “trực” chút nào, chỉ đầy ăm ắp “cảm”.
Buổi sáng ở biển, sờ lên mái đầu sương của mình mà tự diễu:
Triệu năm biển vẫn chưa già
Bạc đầu ngọn sóng mãi là trẻ con
(Buổi sáng ở biển)
Ngắm bãi Đá Nhảy, tác giả“định viết đôi dòng ất ơ / ngại vòm trời xanh đoạn tuyệt…đá tuềnh toàng vẫn nên thơ”.Về miền cát trắng gió Lào, anh tự hỏi: “Có ai cùng hóa thân thành cát/ Gió hồn nhiên xóa dấu chân người” (Chơi ở cồn cát Quang Phú). Trước dòng Nhật Lệ, ngắm trời đất bằng con mắt của thơ,nhà thơ bỗng thốt lên: “Vòm trời bỗng ửng má hồng/ Cửa sông như gái cưới chồng tối qua”.Đọc mấy câu thơ như thế ai mà chẳng muốn đến ngắm cửa sông Nhật Lệ một sớm mai về. Tâm hồn người thơ vi vu “trong rừng thông bản Áng”:“Mộc Châu bốn bề sáng láng/ Gió thơm như gái chưa chồng”.“Lên chùa Kim Sơn Bảo Thắng”, anh chìm vào“Bóng từ bi xanh biếc tới mênh mông”. Tôi cũng ước được theo chân anh đi hội Mường Lò để ngắm trăng sao nơi các cô gái Thái “giấu ngôi sao trong huyền bí váy đen/ ủ vầng trăng giữa nồng nàn áo cỏm” (Gặp cô gái Thái trong hội Mường Lò)
Đi chùa là một đề tài hay gặp trong thơ của nhiều nhà thơ đất Việt. Hoài Khánh có vô tình không khi chọn chùa “Vĩnh Nghiêm”để gửi một chữ“tình” ướt nắng: “Gác chuông đội cả nắng hồng/Ngã ba Phượng Nhãn mênh mông gió trời/Sông Thương mắt biếc ai cười/ Tôi mê đắm giữa dòng người Hội La” (Thăm chùa Vĩnh Nghiêm).
Mênh mông gió nắng, mê đắm dạt dào. Mỗi câu thơ tưới đẫm lòng người bằng một thi pháp dung dị nhưng điêu luyện. Có cái gì đó vừa như đam mê, vừa như buông bỏ:“Tôi thành chú ngựa si cuồng / Hí vang trước mảnh trăng suông cuối trời” (Chơi thuyền trên hồ Tuyền Lâm) và “Buông bỏ hết những ưu phiền sầu não / Trầm tư cùng dãy núi Hoàng Liên”(Lên chùa Kim Sơn Bảo Thắng).Hoài Khánh khát khao được buông bỏ: “Mong cho năm tháng thảnh thơi / Nhẹ vơi cơ cực quãng đời cuối thu / Đường xa còn lắm sương mù / Gập ghềnh giảm bớt, oán thù nhạt tan” (Lên chùa Hang). Cuộc đời cơ cực – như tác giả tự nhận, đau khổ như những ngọn roi gió quất mòn núi đá: “Núi bao nhiêu gió thì gầy / Đêm bao nhiêu nhớ thành ngày biết yêu” (Tản mạn Sa Pa). Tiễn bạn thơ anh mong ước: “mỗi dịp thu về lại sáng một vầng trăng”. Muốn vậy thì “bỏ mặc những giao lưu dở hơi, những lời khen vờ nông nổi/Để nhẹ lòng bước về phía chân mây” (Tiễn bạn thơ lên trường). Tuy nhiên con đường đời người thơ ấy chẳng bằng phẳng chút nào mà lên dốc xuống đèo:“Dẻo dai mấy chặng đường đi / Xuống đèo lại nhớ những khi lên đèo” (Trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ). Từ trong rực rỡ bình minh Hoài Khánh cồn cào nhớ thương về mỗi hoàng hôn thẳm sâu kỷ niệm “đi cùng thương nhớ”: “Tôi đi về xuôi/Nhớ thương lại ngược” (Một thoáng Tuyên Quang). Cái cuộc đời đầy ngang trái “Chợ Mường Lò nằm thẳng / Nhiều đường phố vắt ngang”(Đừng ai quên đây nhé).Anh nhận ra, hình như, chả có gì và chả có ai đáng trách cả, cứ chấp nhận mùa đông giá rét đi, rồi mùa xuân sẽ trả lại những gì mùa đông cướp mất: “Điều cần nhớ – vẫn nhớ/ Chuyện đáng quên – chưa quên / Thảo nào Lập Xuân sớm / Trông đâu cũng thấy hiền”(Năm mới gặp bạn cũ).
Hoài Khánh đi nhiều, viết khỏe. Đến mỗi miền đất, anh đều để lại dấu chân mình bằng một hai bài thơ thú vị. Ít có bài dở. Dù phiêu bồng cùng mây nắng của bốn phương trời, trong sắc không củamười phương Phật,anh vẫn dành cho những người thân thiết những tình cảm thương yêu nhất. Hoài Khánh không quên bóng hình người vợ thân yêu lúc “Em chìm khuất giữa cơn mơ / Cánh tay buông thõng đôi bờ âm dương”. Cái chữ “âm dương” không phải ngôn từ cao siêu gì nhưng được tác giả đặt đúng chỗ cần phải đặt nên đọc lên nghe thấy tim mình đau nhói!Anh trở nên “hoang mang giữa chốn đông người / tránh sao gió độc rối bời nhân sinh” (Nhớ phút em xa).Anh “nhặt lá bàng cháy đỏ / thất thần chiều nghĩa trang” (Viếng em chiều cuối năm). Tình yêu ấy không bao giờ chết mà là nguồn thơ không cạn, cứ cháy lên“thổn thức gọi em bằng lời của gió / nhớ leng keng tàu điện chở Thu buồn” (Gửi thu xưa). “Xin đừng/Cô lẻ/Dở chừng/Nhịp thơ”(Lạc Thủy). Hoài Khánh ngẫm nghĩ về cái tuổi “tri thiên mệnh” của mình nhẹ nhàng đến chua xót:“Cái có, cái chưa rồi cũng qua mau / Sẽ có một ngày bị đẩy vào bóng tối / Ai vô tâm vì mình mà xin lỗi / Thắp ngọn nến hồng đánh dấu mốc bình yên” (Viết cho tuổi mình). Hỡi ôi Hoài Khánh! Một ngọn nến hồng lại là cái “dấumốc bình yên” ư? Cay đắng quá! Lúc anh cảm thấy bình yên là lúc này ư:“Đến khi sương bủa vây chiều/Mới hay hoang phí quá nhiều ban mai” (Bên hàng phượng vĩ)
Hoài Khánh chẳng hoang phí gì cả.Người thơ ấy đã tiêu xài tinh thần của mình trong“cái mơn mởn lúa thì con gái/cái nồng nàn hơi thở lúc trăng lên” (Bên sông Giá),dưới“Vòm hoa sữa dậy thì cương nụ / Hương phố xưa thơm ngực áo căng đầy” (Gửi thu xưa).Anh vẫn tự an ủi: “Vui thì đi đón bình minh / Buồn thì tay nắm tay mình xót xa / Mong ngày mai giống hôm qua / Mỉm cười gửi hết thiết tha lên trời”(Dạo phố Thủy Hoa). Người ta mong ngày mai đẹp hơn ngày qua, còn anh chỉmongngày mai giống hôm qua đã là mãn nguyện lắm rồi! “Gió mùa đông bắc đưa tang / Tôi vĩnh biệt mọi hư danh không ăn được / Hung táng hết những nhỏ nhoi ao ước / Vùi sâu bóng đêm bao run rẩy lá vàng” (Hỏi đêm). Mơ đến cái “dấu mốc bình yên” được người đời vô tâm xin lỗi thắp lên bằng “một ngọn nến hồng”, chẳng có gì để người thơ ấy phải tiếc nuối, bởi đã tu tâm đến độ : “Gió chiều vừa đẩy trăng lên / Tôi nhòe tím giữa bốn bên chuông chùa” (Vào chùa Hàn Sơn).Trí tưởng tượng thật kỳ diệu của người mất thị lực này đã đưa ta vào cõi Phật, nhưng vẫn lãng đãng cùng trăng vàng, gió tím…
Gấp lại Đi cùng thương nhớ, chả hiểu vì sao, tôi bỗng nhớ thương cung đàn Kiều văng vẳng tự ngày xưa: “Rằng hay thì thật là hay / Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.Cảm ơn Nhà thơ Hoài Khánh với một tập thơ xanh màu lá, trắng màu mây, vàng trăng và tím tiếng chuông chùa nhạt nhòaánh hoàng hôn chiều cuối thu, xếp bằng “đá tuềnh toàng cũng nên thơ” – góp đẹp dâng đời.
Hải Phòng, mùa phượng đỏ năm 2020
- Đ. T