
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, dải đất biên cương Tổ Quốc được các thế hệ người Việt nối tiếp nhau gìn giữ, đấu tranh, bảo vệ. Dải đất biên cương ấy là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ca. Nhiều bài thơ giàu chất sống, dồi dào cảm xúc đã cuốn hút, không ít bài khiến trái tim người đọc rưng rưng xúc động. Là nhà giáo, nhà văn giàu tâm huyết với văn thơ, đi tìm và lan tỏa cái hay, cái đẹp của thơ, Nguyễn Thị Thiện tìm đọc, tuyển lựa, viết lời bình cho nhiều thi phẩm đặc sắc về đề tài này. Ấn phẩm “Nơi biên cương Tổ quốc – Thơ và Lời bình” (NXB Hội Nhà văn 2022) của chị vừa ra đời có thể coi như một tuyển tập thơ đầu tiên về biên giới.
Cuốn sách gồm 32 bài thơ và lời bình. Mỗi tác giả, người viết chỉ tuyển chọn một bài tiêu biểu nhất. “Văn chương là sự hợp đàn” kỳ diệu, ấn phẩm là cuộc hội ngộ hiếm có của các tác giả tài danh xưa và nay. Đọc từng trang sách, bạn có dịp biết đến, ôn lại, hoặc hiểu kỹ hơn những áng thơ bất hủ từ “Nam quốc sơn hà” của của Lý Thường Kiệt, “Qủy môn quan” của Nguyễn Du đến “Pắc Bó hùng vĩ” của Hồ Chí Minh. Những thi phẩm đó vừa khẳng định đanh thép cương vực lãnh thổ của nước Nam vừa tái hiện vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của vùng đất nên thơ, nên nhạc, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào dân tộc trong mỗi người. Kế đó phải kể đến những bài thơ nổi tiếng của đội ngũ các nhà thơ gắn bó máu thịt với những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở thế kỷ XX . Thời kỳ chống Pháp, các tác giả tiêu biểu như Tố Hữu với “Lên Tây Bắc”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, Chính Hữu với “Nhật ký biên giới”. Thời kỳ chống Mỹ và cuộc chiến biên giới Tây Nam, tiêu biểu có: Phạm Tiến Duật với “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; Nguyễn Khoa Điềm với “Đất nước” trích trường ca “Mặt đường khát vọng”; Khuất Quang Thụy với “Chiếc gương soi bên buồng lái”, Anh Ngọc với “Cây xấu hổ”, Vương Trọng với “Đường về phum”. Thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, tiêu biểu như: Hữu Thỉnh với “Thư mùa đông”, Nguyễn Bùi Vợi với “Thơ cho con”; Đỗ Trung Lai với “Đêm sông Cầu”; Thanh Thảo với “Tổ quốc”, Dương Soái với “Gửi em ở cuối sông Hồng”, Nguyễn Quang Thiều với “Đêm sân ga”, Đặng Vương Hưng với “Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ”… Người tuyển và bình thơ không chỉ trân quý “những vần thơ lửa cháy” mà còn tâm đắc những vần thơ “tươi xanh” tái hiện cảm xúc, tâm trạng của người thơ trước cuộc sống thường nhật ở vùng biên. Tiêu biểu là các tác giả: Nguyễn Đức Mậu với “Chợ vùng cao”, Trần Đăng Khoa với “Đỉnh núi”; Phạm Minh Tân với “Nhớ Tây Nguyên”, Nguyễn Việt Chiến với “Tổ quốc là tiếng mẹ” v.v… Mặt khác, chị trân trọng các nhà thơ dân tộc thiểu số, những người con của núi như: Lò Ngân Sủn với “Chiều biên giới”, Ngô Bá Hòa với “Những đứa trẻ bản Mây”. Điều ghi nhận nữa là người viết luôn khắc ghi trong tim công lao các liệt sĩ, những người con ưu tú hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước: Chử Thu Hằng với “Vị Xuyên”, Đặng Toán với “Thắp nụ cười Tổ quốc” và Quang Thiên Phú với “Khúc hát ru huyền thoại”… Qua đây ta thấy trong tâm hồn các nhà thơ, nguồn mạch cảm xúc tình yêu đất nước, đặc biệt là tình yêu biên giới dào dạt chảy không bao giờ vơi cạn.
Những sáng tác được tuyển trong tập sách tuy mức độ có khác nhau nhưng đều là những áng thơ hay, bao quát nhiều mặt chủ đề biên giới, chứng tỏ Nguyễn Thị Thiện đã dày công tìm đọc từ nhiều nguồn tư liệu. Mỗi bài bình chị thường chọn ra chính xác những lệ cú – câu thơ hay và cô đọng nhất, những thi nhãn – mắt chữ độc đáo, làm tựa đề cho lời bình và coi đó là cốt lõi để tập trung giảng giải, phẩm bình sao cho cảm xúc dẫn người đọc không chệch ra ngoài quỹ đạo của bài. Chị không chỉ muốn bản thân mà còn mong nhiều, nhiều người nữa hiểu thêm về biên cương đất nước, yêu quý, biết ơn hơn nữa các bậc tiền nhân và các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương. Mỗi con suối, ngọn núi, rừng cây đâu cũng là Tổ quốc, tài sản thiêng liêng vô giá mà ông cha ta trao truyền lại. Mỗi bài thơ được người viết nói rõ nguồn tư liệu, hoàn cảnh ra đời cùng lời bình bài bản, nghiêm ngắn. Với lối viết dung dị, dễ hiểu, có những ý không kém phần tinh tế cùng kỹ năng phân tích, bình giảng tác phẩm văn học của một nhà giáo giàu kinh nghiệm, chị bám sát văn bản, làm nổi rõ cái hay, vẻ đẹp của từng bài thơ theo cách soi chiếu khác nhau, phát hiện vẻ đẹp ngôn từ, sự sáng tạo trong cách lập tứ, cách triển khai các ý thơ, các khổ thơ ở mỗi bài, giúp người đọc đồng cảm qua quá trình tiếp cận văn bản, đồng thời có cơ hội mở rộng cách cảm nhận tác phẩm cho riêng mình. Cuốn sách đã củng cố niềm tin: biên giới mãi mãi là vùng cửa ngõ thiêng liêng, là sự toàn vẹn lãnh thổ và trường tồn của Tổ Quốc, người Việt Nam quyết tâm bảo vệ, không thế lực nào có thể làm thay đổi.
Hy vọng cuốn sách được bạn đọc hào hứng đón nhận và đóng góp những ý kiến quý báu. Trân trọng cảm ơn.
Hải Phòng, mùa thu năm 2022