Trong truyện của Bảo Ninh, tất cả đều giản dị, bình dị, chuẩn mực, cân đối, cổ điển. Tôi gọi sự thể hiện cuộc sống như thế là “tân cổ điển” của văn chương. Ở đây ta bắt gặp những cách thể hiện quen thuộc của các tác gia cổ điển. Họ lọc cuộc sống qua tâm hồn nhân ái của mình, điềm đạm nói với người đọc rằng: cuộc đời, theo ý tôi, nó là như thế đó.
Với gần 500 trang sách, hơn 30 truyện – ký, “Tác phẩm chọn lọc” của Bảo Ninh đã đưa người đọc đi qua biết bao cảnh đời, tình người cảm động, xót xa, cay đắng nữa – những cảnh đời hết sức bình dị…
Tôi nóng lòng mong cuộc chiến tranh ấy đến
Như mong điều tốt đẹp nhất trên đời(**)
Năm 1954, đầu năm 1955 tôi còn ở Quảng Nam, miền Nam. Đúng là như người vẫn nói, dù một nhà văn có trí tưởng tượng phong phú đến đâu, cũng không tưởng tượng nổi tấn thảm kịch lịch sử đã xảy ra sau ngày đình chiến. Khủng bố trắng, khủng bố đẫm máu, bằng những hình thức buộc đá dìm sông, bỏ tù – tra tấn rồi vờ thả ra, bắn chết, bắn bỏ hàng trăm người ở đập Vĩnh Trinh, ở Cây Cốc – Chiên Đàn…
Tất cả nhằm vào những người kháng chiến cũ, những đồng bào yêu nước trong 9 năm chiến đấu chống Pháp… Sau mấy năm, gần như toàn bộ những đảng viên Cộng sản bị tiêu diệt (chỉ còn khoảng 5% – theo một thống kê). Cuộc giết chóc man rợ trong tố cộng, diệt cộng rồi lăm le Bắc tiến ấy được cổ vũ. Và có một nhà thơ nổi tiếng thời Thơ Mới, Bắc di cư vô Sài Gòn, đã viết:
Sẽ có ngày ta về lại Thủ đô
Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ
Những người yêu nước bị trói tay vì Hiệp định Genève. Liên Xô, Trung Quốc đều ngại Mỹ, không ủng hộ ta chống Mỹ. Ta vừa ra khỏi chiến tranh, còn bao thương tích trên mình; miền Bắc còn nghèo xơ xác, “động binh” không dễ. Cũng như năm 1945-1946, ta muốn hòa bình, đã hết sức nhân nhượng, “nhưng càng nhân nhượng giặc Pháp càng lấn tới”… Chính phủ Pháp lúc bất giờ có ý thương lượng, nhưng những phần tử thực dân cực đoan ở Đông Dương không muốn thế, và cuối cùng cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương nổ ra và kéo dài.
Lần này nữa, mãi đến 1959-1960, đấu tranh vũ trang mới được coi là hợp pháp. Người bị giết đã được vùng lên nổ súng. Không phải cứ phải giơ tay không chịu trói, chịu giết.
Bảo Ninh đã là lính bộ binh trong cuộc chiến chống Mỹ từ năm 1969 đến 1975 toàn thắng, một giai đoạn chiến anh khốc liệt nhất, ở một chiến trường khốc liệt nhất – Tây Nguyên.
Những trải nghiệm của một người lính chiến trong một thời gian dài như thể, đủ để anh viết lại những ký ức về chiến tranh đã ngấm vào hồn, vào máu thịt. Rất nhiều trang trong Nỗi buồn chiến tranh của anh là sự trải nghiệm ấy. Nhưng cũng phải có tài năng văn chương, phải có câu văn hay, phải có tài mô tả, dàn dựng… Các yếu tố cần và đủ của một nhà văn thực sự, Bảo Ninh đều có.
Nhiều trang xúc động, sâu sắc nhưng cũng nhiều trang “rợn người”. Anh viết vào một thời hậu chiến khủng hoảng sâu sắc, nghiêm trọng, toàn diện, từ dư chấn của Liên Xô sụp đổ đến khủng hoảng kinh tế – xã hội sau hàng chục năm bị trói trong một mô hình kinh tế sai lầm. Chỗ đứng nhìn của Bảo Ninh về cuộc chiến đã qua là chỗ đứng nhìn từ “khủng hoảng” ấy. Cho nên, từng trang từng trang của cuốn truyện là những cơn mưa rừng dai dẳng của Tây Nguyên, bầu trời mù xám, mốc meo, bộ đội thì chán nản, ngã lòng, đào ngũ…
“Cứ chém giết nhau mãi như thế này thì hoại hết cả tình người”- đây là lời của một anh bộ đội “tiêu cực”. Cái chất “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” hiện lên khá rõ, ít thấy đâu giặc Mỹ xâm lược và cũng chẳng có tia nắng hy vọng nào. Tất cả gần như tuyệt vọng, kể cả tình yêu đầu đời (giữa Kiên và Phương) cũng bị nhấn chìm và tan nát thảm hại trong và sau chiến tranh.
Nhà văn có lòng xót thương sâu thẳm đối với con người, nhưng đồng thời người đọc cũng yêu cầu anh phải có tầm của nhà tư tưởng, của sử gia; công bằng và độ lượng với cả lịch sử.Và một khi, anh thay mặt nhân dân mình, đồng đội mình ra mắt người nước ngoài ở khắp thế giới, thì trách nhiệm – lương tâm anh lại càng lớn. Điều này thiết tưởng chẳng cần nói nhiều. Vì vậy mà Nỗi buồn chiến tranh gặp nhiều phản ứng xuất phát từ sự đau lòng của người trong cuộc. Nhất là khi cùng với tiểu thuyết này, có một số nhà văn gieo rắc luận điểm “trong mọi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân đều bại”; hay cho rằng cuộc chiến ấy là “vô ích”, “tốn nhiều xương máu quá”, “đáng lẽ phải đi con đường khác con đường Hồ Chí Minh – đi con đường Phan Châu Trinh chẳng hạn”, “đây chỉ là cuộc chiến tranh ý thức hệ – nội chiến; cuộc chiến mà mỗi bên đều “đánh thuê”” v.v…
Tôi tin rằng, Bảo Ninh chẳng liên quan gì đến các luận điểm nguy hiểm ấy. Nhưng cũng có kẻ đã cố tình “chơi con bài” Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh. Vì vậy, văn Nỗi buồn chiến tranh vẫn là điệu nghệ, nhiều âm vang, chở nặng suy tưởng, nhưng đọc xong vẫn thấy tiếc cho một tài năng, một cái nhìn. Sau này, anh đã có lần từ chối một kịch bản phim truyện từ Mỹ, chắc là kịch bản ấy đã lợi dụng Nỗi buồn chiến tranh theo cách nhìn và sự dàn dựng lại của kịch bản và đạo diễn.
***
Bảo Ninh – Tác phẩm chọn lọc lần này chủ yếu là truyện ngắn. Những ký ức về cuộc chiến. Những éo le, những đau khổ, những vết thương không phương hàn gắn của những cuộc đời đi qua chiến tranh. Một cách mô tả, một cái nhìn đã bình tĩnh hơn sau nhiều năm tháng.
Với gần 500 trang sách, hơn 30 truyện – ký, Bảo Ninh đã đưa người đọc đi qua biết bao cảnh đời, tình người cảm động, xót xa, cay đắng nữa – những cảnh đời hết sức bình dị. Và nhà văn như muốn nhắn gởi: cuộc sống trong chiến tranh khốc liệt như thế đó, nhưng cái đọng lại vẫn là tình người, là lòng thương, là con người với muôn vàn xót xa, gợi lên trong những người đang sống một ý niệm về lòng khoan dung, lòng trắc ẩn, về lương tâm… Rằng để đi đến được chiến thắng, để có ngày hôm nay không còn bom đạn, chết chóc mà có bầu trời xanh và hoa cho các bạn, chúng tôi – những nhân vật của anh nhờ anh nói hộ – đã có những cảnh đời như vậy đấy!
Một nỗi buồn, một nỗi xót xa thấm đượm những trang sách. Những số phận rất khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự mất mát trong chiến tranh. Có điều là nỗi buồn ở đây không tuyệt vọng mà có hiệu ứng thanh lọc con người, làm cho nó “người” hơn một chút. Đó có lẽ là ý nghĩa cao nhất của những trang truyện.
Đứng về mặt dựng truyện mà nói thì không phải truyện nào cũng như truyện nào, và có truyện rất hay, có truyện còn sơ sài, có những chủ đề thấm thía, nhưng cũng có những chủ đề cần nghĩ thêm. Chẳng hạn Gió dại. Cái không khí, cái chất liệu là độc đáo. Nhưng cái chủ đề “trong cuộc huynh đệ tương tàn – chúng ta chỉ là con sâu cái kiến – nhưng ôi, chúng ta, chính chúng ta đây – một thời chúng ta cũng có – một quê hương và một mối tình” qua bài ca của cô ca sĩ phía bên kia – Diệu Nương – và cái chủ đề “chúng tôi đã bắn chết những người báo trước hòa bình, vậy mà hòa bình vẫn đến”… là những “trữ tình ngoại đề” của thiên truyện, cũng cần phải được cân nhắc lại.
Từ Nỗi buồn chiến tranh tiểu thuyết – đến Tác phẩm chọn lọc truyện ngắn là một sự đổi khác trong nghệ thuật viết. M.Bakhtin có nói rằng, thể loại là nhân vật chính của văn học. Luận điểm đó cần được hiểu như thế nào? Thể loại phản chiếu cách nhìn, cách khái quát cuộc đời, nó tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật của một thời đại văn học (thời đại truyện Nôm và Truyện Kiều, chẳng hạn), nó phát sinh, phát triển và tiêu vong trong lịch sử văn học.
Với những dung lượng khác nhau, với những cách tiếp cận, miêu tả tâm lý nhân vật, cách chiếm lĩnh cuộc đời khác nhau, tiểu thuyết và truyện ngắn đều là văn xuôi, nhưng các thao tác nghệ thuật là khác nhau. Tiểu thuyết có vẻ tự do hơn, rộng rãi hơn… trong cách dẫn dắt, thể hiện…, nhưng truyện ngắn thì phải nén chặt cuộc sống vào trong một “văn bản tối thiểu”, sự chọn lọc chi tiết đời sống khắc nghiệt hơn, nhịp truyện, lời văn cũng phải nhanh hơn…
Mỗi thể loại đều có cái gọi là “thiên tài của thể loại” mà nhà văn phải thiện nghệ mới sử dụng được nó hiệu quả tối đa. Không phải cứ viết được tiểu thuyết rồi là dễ dàng viết truyện ngắn. L.Tolstoi viết Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina… những sử thi của đời sống Nga, lại không đọ được A.Tchekhov, I.Bunhin trong thể loại truyện ngắn. Cũng như vậy, Balzac tiểu thuyết không so với Maupassant truyện ngắn. Mỗi người có tài năng riêng.
Tôi không bàn về nghệ thuật tiểu thuyết của Nỗi buồn chiến tranh. Nhưng quả thật là nó hơi “khó vào” với số đông độc giả chưa quen với cách thể hiện một tâm trạng u uẩn, hơi “Tây”, có phần lòng vòng (có người cho là viết theo kiểu “dòng ý thức”!)… Còn những truyện ngắn của Bảo Ninh lại viết khác. Cốt truyện “kỳ”. Văn chương cổ điển phương Đông rất coi trọng cái kỳ: “dũ xuất dũ kỳ” (càng xuất hiện, phát triển càng thấy kỳ lạ). Cốt truyện Truyện Kiều là kỳ. Cuộc đời, số phận của Kiều là kỳ.
Truyện ngắn Bảo Ninh đặt nhân vật vào trong cơn giông bão của cuộc chiến, không thiếu những “màn” ly kỳ. Câu chuyện trong Thời tiết của ký ức, mối tình trong chia ly, chia cắt, tù ngục… của ông Phúc và Quỳnh, là một ngẫu nhiên đau đớn của số phận, của định mệnh…, rất ly kỳ.
Không hiểu làm sao vào cái năm 54, 55, 58… chia cắt đất nước ấy, Bảo Ninh hãy còn bé (anh sinh năm 1952) mà anh lại có vốn ký ức để dựng lại được những ngày tàn thu, ảm đạm buồn của câu chuyện, tạo cho nó một sức tác động gần như là vật chất đến người đọc. Một khả năng tưởng tượng và nắm bắt đời sống nội tâm của nhân vật, nắm bắt cái thần của đời sống, và thể hiện nó bằng một sự lan truyền cảm xúc rất giỏi.
Một câu chuyện của một người ở phía bên kia, viên chức của Mỹ, và của một cô gái Hà Nội – cùng ở phía bên kia, nhà khá giả, Quốc dân đảng… Đó là những nhân vật bé nhỏ, thảm thương trong cơn lốc cuộc chiến, và Bảo Ninh lắng nghe từ trong quá khứ xa vọng về một tình thương cảm con người… Nếu họ là những người khác, tràn đầy ý thức, sức mạnh và lý tưởng thì không nói làm gì, nhưng đây là những “con người bé nhỏ”, những người rất dễ dàng bị lãng quên…
Nhân vật Định, bạn của Phúc về sau đi B, là một nguyên lý mỹ học khác, là cái ánh sáng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng soi vào cái ảm đạm của số phận con người. Hà Nội lúc không giờ, Lá thư từ Quý Sửu, Trại Bảy chú Lùn, Đêm trừ tịch, Hữu khuynh, Hỏa điểm cuối cùng… và nhiều truyện khác nữa, đều hay, trước hết ở cốt truyện – ở cái “sơ đồ trần thuật”, ở cái kỳ lạ và bí ẩn của số phận con người…
Thông qua những câu chuyện đó, Bảo Ninh làm sống lại cuộc chiến dưới một chủ nghĩa nhân văn: lòng xót thương của tác giả, của chúng ta nữa, với những con người rất đỗi bình thường, những con người bị cuốn vào cuộc chiến lớn lao, bi tráng. Như lời của tác giả, đó là “Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng vì nghĩa lớn, thời của tình yêu và của lòng quả cảm” (tr.454).
Trong truyện của Bảo Ninh, tất cả đều giản dị, bình dị, chuẩn mực, cân đối, cổ điển. Tôi gọi sự thể hiện cuộc sống như thế là “tân cổ điển” của văn chương. Ở đây ta bắt gặp những cách thể hiện quen thuộc của các tác gia cổ điển. Họ lọc cuộc sống qua tâm hồn nhân ái của mình, điềm đạm nói với người đọc rằng: cuộc đời, theo ý tôi, nó là như thế đó.
Cuộc đời rất thương, rất xót và rất đẹp, nó xứng cho ta nghĩ ngợi, khắc khoải về nó, yêu thương nó. Không phải vì nó cao quá, sang quá, tuyệt vời quá mà vì nó bình dị. Cái bình dị mà ít người để ý… Và nhà văn soi vào đó ngọn đèn của lương tâm mình. Và như thể tác giả không cần đến “văn chương” – đến sự sắp đặt, đến sự “làm dáng”, cách điệu, kỹ thuật… Tất cả đều tự nhiên như cuộc sống. Và văn chương hay nhất là quên văn chương, quên kỹ thuật văn chương đi, không làm văn chương mà có văn chương… “Bình dị là bà chị của tài năng”, A. Tchekhov nói.
Tôi rất thích truyện Ngôi sao vô danh. Cái nhân vật ông lão gác ghi nhà ga heo hút Mã Phu Tàu ở miền núi Quảng Bình ấy là một sáng tạo của Bảo Ninh. Bên cạnh ông cụ, có Giang, cô cháu, trẻ trung, thơ ngây, hy vọng… là một chút đối nghịch, bổ sung. Và cuộc chia biệt đột ngột vì hành quân gấp của những người lính và cô 30 năm trước. Và bây giờ nhìn qua cửa sổ toa tàu, anh lính vẫn thấy lại ngôi sao xanh biếc trên nền trời mà cô gái đã chỉ cho anh đêm ấy. Bao giờ Bảo Ninh cũng có những đoạn văn như thơ, nhưng rất tự nhiên, thường nằm ở cuối câu chuyện. Nó nâng văn xuôi trong câu chuyện lên, phả vào nó một vùng cảm xúc ấm áp, xao lòng…
Bảo Ninh không làm thơ, nhưng văn anh ẩn chứa một chất thơ đích thực, một chất thơ được gạn lọc từ những thân phận người và chan hòa vào trong một thiên nhiên buồn, thường là một ngày tàn thu mưa lạnh… Tôi thấy hết sức gần gũi với chất liệu, ý tưởng, tâm trạng… trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng. Đây là “chủ đề Pháp” trong văn chương Việt Nam. Hình như sau truyện ngắn Người đầmcủa Thạch Lam, thì đây là một truyện ngắn xuất sắc, lực lưỡng hơn, thâm trầm hơn về chủ đề ấy trong văn học.
Tôi mới vừa đọc lại Paris chốc lát của K.Pautovski. Lòng yêu mến văn chương,văn hóa Pháp của nhà văn Xô Viết thời ấy (1957) thật cảm động. Ở Việt Nam, có những người sành tiếng Pháp, ưa hầu hết những gì của Pháp, mà chỉ là Pháp thôi – có những “bóng ma thân Pháp cuối cùng” như lời thú nhận của xừ Bôn – nhân vật chính. “Tôi có hai mối tình… Quê hương tôi và Paris”.
Nhưng, cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp đã cắt ngang tình yêu ấy, đã làm tan nát cuộc đời của nhân vật và cả cuộc đời của những người chiến sĩ du kích thủ đô bị tàn sát dưới bàn tay tên Philip… Và cả Sophie, cô thiếu nữ người Pháp xinh đẹp, với tiếng đàn vĩ cầm tuyệt diệu… Nhưng trời ơi, “đấy là tiếng vĩ cầm của quân xâm lược, sự thật là như thế, làm sao nghĩ cho khác được” (tr.237).
Bảo Ninh đã làm người đọc ưu tư, xao xuyến… Anh đã làm thức dậy trong tôi những cảm xúc đã bị lãng quên từ lâu lắm khi tiếp xúc với những tác phẩm văn chương đích thực…
***
Mấy lời từ nãy đến giờ chẳng qua là những ý nghĩ vội vàng sau khi đọc sách. Tôi không có thời gian để ngẫm nghĩ sâu hơn, kỹ hơn về thế giới văn chương này. Vả lại, đây là viết cho một tờ báo, đúng hẹn, cấp kỳ…
Tôi với Giáo sư Hoàng Tuệ, thân phụ của nhà văn Bảo Ninh, vốn là chỗ quen thân. Tôi xem ông như là thầy, là anh, là bạn vong niên: không lần nào vào TP Hồ Chí Minh mà ông không gặp tôi, trò chuyện… Ông nói với tôi về Nỗi buồn chiến tranh của con ông: nó cũng rất tự hào về chiến thắng, anh xem ở đoạn…
Tôi hiểu là ông thương quý đến thế nào Bảo Ninh, đứa con trở về từ chiến trận, viết văn hay, sử dụng tiếng Việt điệu nghệ. Cái tiếng Việt mà ông nghiên cứu, giảng dạy say mê. (Ông là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học). Bề ngoài, ngành nghiên cứu “khô, khó, khổ” ấy của ông khó có điều gì có thể truyền mạch văn cho con trai ông. Cái quan trọng có lẽ là một truyền thống trí thức. Cuộc đời đầy bí ẩn, ai mà lý giải cho hết được…
Khi viết những dòng này về Bảo Ninh, tôi lại nhớ dáng ông, trong chiếc quần soọc màu vàng nhạt những năm gian khó ấy. Ông than với tôi: “Tôi nghèo lắm, ông ơi!”.
Lời than ấy của một giáo sư ngữ học lỗi lạc, tôi nghe vang vọng lại từ một thời chưa xa, bay lướt qua những trang truyện của Bảo Ninh hôm nay.
___________
(*) Bảo Ninh – Tác phẩm chọn lọc (NXB Phụ Nữ, Hà Nội – 2011)
(*) Thơ Sándor Petőfi (1823-1849), nhà thơ Hungary.
Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn/Van-hoc/Ly-luan-phe-binh/doc-truyen-ngan-Bao-Ninh.aspx