Vượt lên những hạn chế khó tránh khỏi, thơ ca những năm đầu Cách mạng tháng 8 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, trân trọng: Là tiếng nói ngợi ca Tổ quốc – Đất nước độc lập, tự do, là nét vẽ tươi màu, đa sắc về cuộc sống mới sinh sôi, nẩy nở, đang tái tạo, phục sinh trong hồn dân tộc, là tiếng lòng thành kính, ngưỡng mộ đối với lãnh tụ kính yêu.
Tiểu luận nhằm tìm hiểu thành tựu thơ ca trong khoảng 16 tháng giữa 2 cột mốc lịch sử (19.8.1945 – 19.12.1946). Bởi khi phân chia giai đoạn văn học nói chung (thơ ca nói riêng) trong tiến trình lịch sử văn học, các công trình nghiên cứu, các giáo trình ở bậc Đại học – Cao đẳng và sách giáo khoa trung học phổ thông hiện hành, không đặt vấn đề nghiên cứu thơ ca (cũng như văn học) nói riêng trong thời gian này. Với một tiêu đề chung “Văn học kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954”. Đây là nguyên do nhiều sinh viên không biết đến một bộ phận văn học, trong những năm đầu sau cách mạng
Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng: “16 tháng giữa hai cột mốc lịch sử. Thời gian ngắn ngủi ấy khó để tạo nên đầy đủ một giai đoạn một chặng đường thơ. Nhưng thơ ca những năm đầu sau Cách mạng tháng 8 đã có những phẩm chất riêng đáng quý -đó là tiếng nói tự do đầu tiên của thơ ca sau những năm dài nô lệ, đó là những năm tháng bản lề mà trong thời điểm này nền thơ ca cách mạng trẻ tuổi được xây dựng nền móng bằng những viên gạch mới hồng tươi”.
Đã qua một thời kỳ thơ ca gói trong những cảm hứng riêng tư, vụn vặt: hoặc tìm trong khoái lạc, đê mê “Say đi em cho lơi lả ánh đèn / Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt” (Vũ Hoàng Chương) ngộ nhận tình yêu là cứu cánh cuộc đời “Làm sao sống được mà không yêu” (Xuân Diệu) hoặc phản ánh một hiện thực bế tắc, quẩn quanh “Gặp buổi tâm tư mối nhện đầy” (Thâm Tâm) con người bị dồn đẩy đến chân tường tuyệt vọng “Tình đời đã cháy đến chân nhang” (Trần Huyền Trân).
Cách mạng tháng 8 thành công, đem đến cho thơ ca những cảm hứng sáng tạo lớn lao, cao cả, giải phóng cho thi sĩ khỏi sự tù túng, bế tắc. Nếu như trước đây, nhà thơ quay lưng với xã hội, hướng nội trong cảm xúc, ôm lấy cái “Tôi” bản ngã, đối lập với cuộc đời đen bạc, ô trọc. Thì bây giờ thi sĩ mở lòng giang rộng cánh tay hân hoan đón nhận không khí thời đại, Xuân Diệu cảm nhận cái tươi mới trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc:
“Có một suối thơ chảy từ gần gũi
Ra xa xôi và lại đến gần quanh
Một suối thơ lá ngọt với hoa lành
Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố”
Cách mạng tháng 8 mang đến nguồn vui được khơi dậy từ một lẽ sống lớn, niềm vui của tự do, độc lập. Niềm vui trong ngày thu tháng 8 với nguồn nội sinh dồi dào, tràn đầy sức trẻ. Trong hân hoan của đất trời giải phóng, Nguyễn Đinh Thi tái hiện niềm vui vươn tỏa khôn cùng của ngày hội dân tộc:
” Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay
Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say
Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây
Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”
Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của đất nước Việt Nam mới, là hình ảnh quần chúng của cách mạng. Từ đây khái niệm “Tổ quốc” “dân tộc” không còn xa xôi, trừu tượng, mơ hồ mà là sắc đỏ, sắc vàng của lá cờ cụ thể. Thâm Tâm cảm nhận “Hồn thiêng khắp hết cõi bờ/ Sáng nay óng ánh trên tơ vải điều” Trong cái say sưa của niềm vui tươi mới của ngày đầu cách mạng, lá cờ tung bay khắp nơi, trong cái bay bổng lạ kỳ của cảm hứng “Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay đẹp quá sao sao ơi” (Tố Hữu)
Vui với duyên đầu cách mạng, bằng nhiệt tình công dân hứng khởi Xuân Diệu tập trung cảm xúc, suy nghĩ, ngợi ca “Ngọn quốc kỳ” – Bài thơ giàu chất tráng ca và hưng phấn cách mạng, lá cờ biểu trưng Tổ quốc – Đất nước – Dân tộc, là hiện thực đường lối chính trị của Đảng:
“Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả
Máu nén lâu từ ấy đã bùng ra
Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa
Trên gốc cũ nẩy một chồi sống mới
Cả anh dũng cũng tưng bừng trở lại
Một trăm năm tan nát tựa sương mù”
Triển khai trên một kênh cảm hứng khác, trong dòng chảy thơ ca những năm đầu sau cách mạng, nhiều nhà thơ hướng tới cuộc đời mới đang phục sinh, tái tạo, hướng tới sự đổi thay trong cuộc sống và những cảnh đời cụ thể. Nhà thơ Thâm Tâm đã một lần thốt lên “Nghệ thuật nằm im ở mộ lòng” nhưng trước sự lôi cuốn của không khí mới, trước sự hấp dẫn của cuộc sống mới, bằng tình cảm gắn bó, yêu thương với cuộc đời, Thâm Tâm cảm nhận nét đẹp tinh khôi trong khung cảnh thu sang:
“Trái hồng trĩu xuống cây rơm
Sáng nay mùa cốm dậy thơm khắp làng
Lúa vươn thân hút ánh vàng
Nguồn tươi vồng nở thu sang tốt lành”
Tuy chưa nhiều vị mặn của mồ hôi cuộc đời trong thơ, nhưng Nguyễn Xuân Sanh dần trở về với nét thực của đời sống. Cách mạng tháng 8 là một hiện thực lich sử kỳ vĩ lan tỏa trong thơ anh, đang chiếm lĩnh, thanh lọc cảm xúc, tạo nên cách viết không cầu kỳ, bế tắc như những vần thơ bí hiểm trước đây, Nguyễn Xuân Sanh viết nên những cảm nhận ban đầu:
“Ta khát vô biên ngọn sóng vang
Ta mừng hội gió lúc lên đàng
Ta hát vô biên trên sách mới
Và trên thế giới đượm Tràng giang”
Cũng là những phong tục, hội hè, đình đám, cũng vẫn là những nét đẹp dung dị của lũy tre, cây đa, bến nước, cũng vẫn là những phiên chợ tết mưa xuân lất phất và cũng vẫn là nông thôn, làng quê. Vẫn là chiếc nón quai thao, những cô yếm đỏ những cụ già râu tóc bạc phơ…Cách mạng tháng 8 trả lại những giá trị văn hóa truyền thống, tích hợp những giá trị mới, Đoàn Văn Cừ nói đến một sức sống mới trong hồn dân tộc được phục sinh, tân tạo:
“Bao thôn nữ hôm qua còn yếm đỏ
Miệng hoa cười tươi tựa ánh bình minh
Hôm nay đều ra khỏi lũy tre xanh
Với dòng máu quật sôi trong huyết quản”
Trần Mai Ninh phát hiện, khám phá một bình diện mới khi viết về Đất nước – Tổ quốc. Đất nước đẹp không chỉ vì thế núi, hình sông hùng vĩ, không chỉ vì màu xanh biển trời, mây nước. Trần Mai Ninh nói đến chất thơ của vùng đất từ Nha Trang ra Quảng Ngãi. Đất nước của những con người sống dậy một sức sống mới khi được làm chủ cuộc đời mình lao vào xây dựng:
“Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất
Căng như đồng
Tay ghì cán cuốc
Tay ghì tay xe
Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao…
Có mối tình nào hơn thế nữa? “
Bên cạnh những chủ đề Đất nước Nhân dân – Dân tộc, Những ngày đầu độc lập, một hình tượng lớn trong thơ gây xúc động trong lòng người đọc, được nhiều nhà thơ tập trung tinh lực ngòi bút, khắc họa bằng những vần thơ có sức lay động sâu xa – đó là hình tượng Bác Hồ. Nhà thơ Tế Hanh có bài “Hồ Chí Minh” dung hội những suy nghĩ của nhà thơ về lãnh tụ, là sự ngưỡng mộ thành kính, Tế Hanh phác thảo chân dung Hồ Chí Minh – Người cầm lái vĩ đại của con thuyền cách mạng dân tộc, với khí phách anh hùng mà vô cùng gần gũi:
“Sáng láng, ôn tồn, thành tâm, quyết chí
Sóng gió khinh, sấm sét chẳng kinh hoàng
Hồ Chí Minh, chỉ là Người có thể
Đưa con thuyền tổ quốc đến vinh quang”
Một thành công khác của Tố Hữu, với “Hồ Chí Minh” được anh viết ngay khi cách mạng thành công trong cả nước (26.8.1945). Đây là sáng tác đầu tiên có giá trị về đề tài lãnh tụ trong thơ ca hiện đại. Vượt lên những hạn chế từ xa mà tưởng tượng về Bác, cách thể hiện còn trừu tượng, hình ảnh và ngôn ngữ còn pha màu lãng mạn dễ nhận thấy ở thời kỳ quá độ cách mạng cho đến mấy năm đầu của cuộc kháng chiến, bài thơ có cái thể rất mới, rất rắn rỏi. Tố Hữu nêu bật ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân tập trung trong con người Hồ Chí Minh, sự gắn bó máu thịt giữa quần chúng và Bác Hồ – Người kết tinh, dung hội nguyện vọng, sức mạnh vĩ đại của giai cấp, dân tộc. Đây là lần đầu tiên hình ảnh lãnh tụ xuất hiện trong thơ bằng dáng nét kiêu bạc của con người:
“Làm tên quân cảm tử đi tiên phong
Đánh trăm trận thề trăm phen quyết thắng
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dẫu mỏi gối, khan hơi
Tim gang thép vẫn tưng bừng lửa chiến”
Cảm hứng thơ giai đoạn này về Bác chủ yếu khởi phát từ tấm lòng chân tình biết ơn, và cảm phục, chưa thấy được hết mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng và những phẩm chất cao quí khác của Người.
Thơ ca những năm đầu Cách mạng tháng 8, ngoài nội dung ngợi ca cuộc sống mới, còn đề cập đến khí thế sôi động của dân tộc chống thù trong giặc ngoài. Bọn cơ hội chính trị Việt quốc – Việt cách dưới sự che chở của thế lực ngoại bang cũng trương cờ, lôi kéo biểu tình, đình công, rút cục thất bại thảm hại, trở thành trò cười cho mọi người. Thơ ca đả kích, châm biếm đã phát huy lợi thế đánh địch, vạch mặt kẻ thù: Với chúng, tổng đình công lại hóa ra tổng… bất đình công, quang cảnh biểu tình do chúng tổ chức quả thật thảm hại:
“Chen nhau đông tựa chùa bà Đanh
Hăng hái như người đang ngái ngủ”
Hưởng ứng một sự kiện chính trị lớn lao: Cuộc tổng tuyển cử toàn dân ngày 06.01.1946 một hướng thơ ca chuyển sang ngợi ca sự kiện chính trị ấy. Tố Hữu “Nhiệt liệt hoan nghênh tổng tuyển cử lần đầu” và anh kêu gọi:
“Tất cả chúng ta cùng nhau đi bỏ phiếu
Hãy cử đúng những người đại biểu”
(Thưa các ông nghị)
Với trường ca “Hội nghị non sông” là sự kết tinh nhiệt tình công dân và cảm hứng lịch sử của nhà thơ Xuân Diệu.
Không khí chính trị trở nên oi bức, phức tạp trước những diễn biến âm mưu đen tối của thực dân Pháp, núp sau quân đội Anh – Ân chiếm lại miền Nam nước ta. Với tầm vông, súng kíp, mã tấu, dao găm niềm Nam đứng lên giết giặc. Những đoàn quân Nam tiến lên đường “Giết giặc” (Tố Hữu) là mệnh lệnh là kêu gọi cứu nước giục giã, thiết tha: “Máu Việt Nam đang chảy/ Đỏ đồng ôi máu yêu/ Miền Nam đang bốc cháy/ Đồng bào ôi lửa thiêu/ Mau mau lên đứng dậy/ Gươm gươm đâu tuốt ra/ Súng súng đâu vác chạy/ Cứu cứu đồng bào ta/ Giết giết quân xâm lược/ Mau xung phong xung phong/ Cờ bay lên cứu nước/ Máu giặc phải thành sông”.
Trần Mai Ninh trong “Nhớ máu” phản ánh khí thế cuồn cuộn dâng trào của những con người vừa có dược thời gian hòa bình ngắn ngũi phải lao vào cuộc chiến đấu mới giành lại độc lập. “Nhớ máu” mang theo tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” và không khí hào hùng của những ngày Cách mạng tháng 8 vừa qua:
“Cả ngàn chiến sĩ
Cả ngàn con bạc, con vàng của Tổ quốc
Sống… trong đáy âm thầm
Mà nắm chắc tối cao vinh dự
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai
Vững tin tưởng nơi oai hùng
Và chiến thắng
Câu Việt Nam dân tộc”
(Nhớ máu)
Không khí chính trị oi bức, phức tạp vì thực dân Pháp ngày càng trắng trợn khiêu khích: Hà Nội – Hải Phòng và nhiều nơi khác… Trước những tội ác man rợ của kẻ thù, sự kiên nhẫn, chịu đựng nào cũng trong một giới hạn, biên độ nhất định. Chính chúng – chứ không ai khác đã thổi bùng lên ngọn lửa hờn căm hàng năm nung nấu. Ngọn lửa đốt nhà, đốt làng, đốt xóm trở thành ngọn lửa hận thù, mất mát, thương đau dội lên đầu chúng:
“Lửa reo, lửa thét…
Lửa xuống cửa ga
Xe tăng giẫy chết
Lửa vào Cát Bi
Máy bay tan tành
Hải phòng khu bảy tay ôm lửa
Một mái nhà thiêu một đạo binh”
Thời điểm này, toàn dân tộc chỉ còn chờ lệnh của lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhất tề xông lên lao vào cuộc kháng chiến vệ quốc trên toàn lãnh thổ. Nhưng từng góc phố, từng ngôi nhà, từng làng, từng xóm, một góc chợ, một bờ đê… chiến lũy đã mọc lên san sát. Mỗi người dân là một chiến sĩ, trong tay là những gì họ có, để có thể tự vệ và chiến đấu.
Những sáng tác thơ ca về chủ đề chiến đấu trước ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) chưa có chiều sâu và bề rộng của phong trào và đội ngũ sáng tác như những năm sau. Điều đó làm cho thơ ca những năm đầu Cách mạng tháng 8 không tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Những hạn chế này, được khắc phục dần dần khi đội ngũ được bổ sung và người nghệ sĩ thật sự đi vào cuộc kháng chiến với một dung dáng vững vàng của người nghệ sĩ – chiến sĩ.
Vượt lên những hạn chế khó tránh khỏi, thơ ca những năm đầu Cách mạng tháng 8 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, trân trọng: Là tiếng nói ngợi ca Tổ quốc – Đất nước độc lập, tự do, là nét vẽ tươi màu, đa sắc về cuộc sống mới sinh sôi, nẩy nở, đang tái tạo, phục sinh trong hồn dân tộc, là tiếng lòng thành kính, ngưỡng mộ đối với lãnh tụ kính yêu. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, thơ ca đã phác thảo được diện mạo đất nước Việt Nam mới, trong những ngày cách mạng giành chính quyền và trước lúc bước vào cuộc kháng chiến “Ba ngàn ngày không nghỉ” (Tố Hữu). Tuy chưa phải là một giai đoạn, một chặng đường thơ ca, nhưng giữa hai thời điểm lịch sử quan trọng của dân tộc có một dòng thơ dào dạt tuôn chảy từ trái tim nhà thơ – công dân, nghệ sĩ – chiến sĩ. Bằng ngôn ngữ, thi ca đã đánh dấu những cột mốc trên hành trình lịch sử dân tộc
Quảng Ngãi 23.5.2002
V.V.K
* Đầu đề do chúng tôi biên tập lại.