Đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật trẻ – Vừa yếu, vừa thiếu hụt

Hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, bản lĩnh nghề nghiệp, ngại va chạm, chưa thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng.

Hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, bản lĩnh nghề nghiệp, ngại va chạm, chưa thực sự bám sát đời sống sáng tác đa dạng.

Thiếu hụt lực lượng, bản lĩnh chuyên môn

Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Những người trẻ viết lý luận phê bình VHNT khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Vì chưa thực sự hòa mình vào thực tiễn, trong tác phẩm phê bình của các cây bút trẻ rất dễ bắt gặp những cách diễn đạt dài dòng, tầm chương trích cú, chưa đi vào cốt lõi vấn đề cần giải quyết. Trong khi đó, một số cây bút lý luận phê bình  trẻ đang có những biểu hiện xa rời chuẩn mực, dẫn đến có quan điểm lệch lạc trong nhìn nhận, đánh giá một số vấn đề của đời sống VHNT nói chung.

Một số nhà phê bình đổ lỗi cho lý luận phê bình  VHNT không phát triển là do VHNT đang trầm lắng, bởi sáng tác có phát triển thì phê bình mới phát triển, khi các sáng tác đặt ra những vấn đề về thân phận con người mà phê bình văn học quan tâm. Tuy nhiên nhà phê bình Phùng Gia Thế lại cho rằng: đó là quan niệm nhầm lẫn, vì một nền sáng tác dù èo uột cũng vẫn là cơ sở cho phê bình văn học phát triển. Phải coi phê bình văn học là một bộ phận, song hành cùng văn học, để phản biện, đối thoại sòng phẳng, chứ không phải là ăn theo văn học, chỉ ca ngợi. Người nào ngại bị chê, sợ va chạm thì không nên làm phê bình, vì khi phê bình văn học, là đối diện với văn bản, chứ không phải với tác giả và tiểu sử. Điều mà cây bút phê bình Ngô Hương Giang đặt ra, rất đáng để quan tâm: “Không sợ một nền phê bình văn học yếu và thiếu, mà chỉ sợ một nền phê bình văn học không trung thực”.

Tại đây, ngay cả lực lượng viết trẻ cũng thừa nhận điều này. Rằng lâu nay, lực lượng trẻ viết lý luận, phê bình đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghệ thuật. Hiện ngay cả các hội chuyên ngành Trung ương cũng rất khó tìm được các cây bút lý luận, phê bình trẻ nổi bật ở các chuyên ngành nghệ thuật.

Bên cạnh đó, có tình trạng vừa nghiên cứu, tìm hiểu vừa ứng dụng những lý thuyết VHNT của nước ngoài, dẫn tới tình trạng còn nhiều công trình thiếu độ nhuần nhuyễn, chiều sâu và tính thuyết phục. Vì thế, trong hoạt động lý luận, phê bình VHNT của những người trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo. Theo PGS.TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, nguyên nhân dẫn đến những thực trạng này là do công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian.

Cần xây dựng cơ chế đào tạo, hoạt động, đãi ngộ phù hợp

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận định: Sở dĩ có tình trạng này là những người trẻ làm công tác phê bình lý luận, phê bình VHNT chưa đủ tình yêu, nhiệt huyết với nghề. Bởi chất lượng đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình VHNT không chỉ trông chờ vào chất lượng đào tạo ở hệ thống trường học, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực vượt khó của mỗi cá nhân. Thu nhập của người làm công tác lý luận, phê bình hiện quá thấp. Cũng theo ông Vinh, trách nhiệm xã hội của những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT là phải phát huy tốt vai trò của người đồng hành, định hướng thẩm mỹ cho công chúng trong hưởng thụ sản phẩm văn nghệ.

Theo đó, giải pháp nâng cao chất lượng lý luận phê bình VHNT được đặt ra tại hội nghị là tập trung rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình; khôi phục lại các mã ngành đào tạo lý luận, phê bình; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, hiện đại; tăng cường đào tạo các học viên có nền tảng triết học, mỹ học cũng như có vốn ngoại ngữ tốt. Nhà nước cần giành kinh phí cần thiết đề hằng năm gửi đi đào tạo cử nhân và nghiên cứu sinh về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại một số trường, viện nghiên cứu nổi tiếng của Tây Âu, Bắc Âu, Nga, Úc…

Để giúp đỡ đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ, các đại biểu đã bàn luận, nêu ra nhiều ý kiến tâm huyết như: thành lập một Hiệp hội các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật riêng, tách ra khỏi các Hội sáng tác; đầu tư kinh phí xuất bản các công trình nghiên cứu ở trường đại học và viện nghiên cứu; quan tâm hơn đến các cây bút lý luận, phê bình ở các địa phương; tăng chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho các bài viết và công trình lý luận, phê bình có chất lượng…

 

Thủy Nguyên

Nguồn Báo HP điện tử

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder