Đón xuân bằng cả tấm lòng: Hoài Khánh giới thiệu tập thơ “Đón xuân” của tác giả Xuân Thanh

Có nhiều cây bút trong phong trào sáng tác thơ Hải Phòng những năm gần đây. Họ đang vất vả kiếm sống ngay giữa nội thành, hoặc còn bươn bả ngoài đảo xa hay vừa thảnh thơi bên ruộng đồng ở các huyện ngoại thành. Cóngười còn đang công tác, có người đã nghỉ hưu. Họ chung niềm say mê sáng tạo ngôn từ, khao khát trải lòng qua những dòng thơ mà ngõ hầu tìm bạn tâm giao cùng sở thích và hi vọng đọng lại trong sự động viên đón nhận của người yêu thơ xa gần.Lê Xuân Thanh là một người làm thơ trong số đó.

Khi 15 tuổi, Lê Xuân Thanh từ Nam Định ra Hải Phòng ở với anh cả vừa học văn hóa vừa học nghề vẽ truyền thần. Thành phố Cảng sôi động của những năm kiến thiết sau ngày hòa bình lập lại đã nuôi dưỡng tâm hồn chàng trai trẻ ham khám phá cuộc sống lao động và mơ mộng trước vẻ đẹp của thành phố rực đỏ trời hoa phượng nở mỗi độ tháng 5 về và của người cửa biển ăn sóng nói gió. Hải Phòng nên thơ và cho ông làm thơ.

Không phải ngẫu nhiên Lê Xuân Thanh đặt tên tập thơ của mình là “Đón xuân” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2020). Ông có tới hơn chục bài thơ xuân.Mừng Xuân Đinh Dậu 2017 – năm con Gà, ông viết bài thơ ” Xuân sang” với cách mở tứ khá ý nhị:

Tiếng gà gọi sớm xuân sang

Ước mơ nở rộ hoa vàng đó em…

Hương xuân man mát quanh thềm

Nhạc xuân thánh thót êm đềm du dương

Câu kết lại càng ý nhị hơn “Xuân sang vạn vật như mình với ta ». Ông viết về hương xuân, về màu nắng mật ong, về những loài hoa và vượt lên cảnh sắc xuân tươi ấy là những lời thơ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, non sông giàu đẹp. Chẳng rõ mùa xuân mang thơ đến với ông hay chính tiếng lòng ông đón xuân sang cho những ý thơ phát khởi.Đó cũng là lúc để người làm thơ khai bút, gửi gắm tâm tình với thời khắc giao hoan của đất trời. Hầu như mỗi khi Tết đến, Lê Xuân Thanh đều có thơ. Ông không dừng lại ở việc miêu tả cảnh sắc mùa xuân với trời mây, hoa lá, mà còn thể hiện tình cảm của mình trước sự tươi mới của đời sống, sự giàu mạnh của đất nước, rồi từ đó bày tỏ nỗi niềm bản thân về tình người, về việc đời hoặc đơn thuần chỉ là cảm nhận trước cái cựa mình của chiếc lá non, sự hé mở của một loài hoa đón chào mùa xuân đang tới.

Lê Xuân Thanh mê thơ và say làm thơ ngay từ khi còn là một anh cảnh sát giao thông ở thành phố Hải Phòng. Còn nhớ, năm 1961 Lê Xuân Thanh được tuyển dụng vào trường Công an. Tốt nghiệp ra trường, ông được điều  động về công tác ở Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ và đường sắt thuộc Công an thành phố.Do năng nổ hoạt động, nhiệt tình công tác, lại bám sát địa bàn, giỏi nghiệp vụ chuyên môn, nên từ tháng 4 năm 1975, Lê Xuân Thanh được Ủy ban Nhân dân thành phố trưng dụng sang làm thư ký cho Ban chỉ đạo : “An toàn giao thông và quản lý đô thị Hải Phòng. Đáng chú ý là, từ năm 1980 đến năm 1985, Lê Xuân Thanh làm Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Thành phố về : “Đưa giáo dục luật giao thông và môi trường đô thị” vào học đường từ mẫu giáo đến hết cấp III. Thời kỳ này, Lê Xuân Thanh đã cùng 2 thầy giáo dạy văn là Văn Chân và Nguyễn Quốc Khánh sáng tác hàng trăm bài thơ, câu chuyện, rồi biên soạn thành 4 tập sách, in hàng vạn cuốn, chuyển đến các trường làm tài liệu tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và giữ gìn trật tự, vệ sinh đô thị. Cùng thời điểm này, Lê Xuân Thanh đã kết hợp với họa sĩ Thọ Vân và thầy giáo Văn Chân sáng tác tranh truyện : “Bọ Ngựa và Cua Càng” in trên 5 nghìn cuốn, phát hành tới các trường mẫu giáo để các bé thơ nắm bắt những hiểu biết sơ giản về Luật giao thông đường bộ khi mới ở độ tuổi mầm non. Đề tài do ông làm Chủ nhiệm được nghiệm thu và thành công tốt đẹp có sự giúp đỡ tích cực của nhà giáo Mai Đắc Lượng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hải Phòng. Những bài thơ của ông viết ra chủ yếu nang mục tiêu tuyên truyền nên ngôn từ dễ hiểu, có khi hơi đơn giản.

Sau này, Lê Xuân Thanh viết nhiều đề tài, nhưng có lẽ sâu nặng nhất vẫn thuộc về đề tài quê hương. Đồng đất quê hương trong thơ ông như những bức tranh đẹp, gần gũi và sống động. Vẫn con mương, đường làng, triền đê, ruộng lúa vậy thôi mà sao nên thơ và đáng yêu đến thế.Bài thơ “Nơi thương nhớ nhất” khắc họa hình ảnh quê hương mà ông mang theo suốt cuộc đời, có những câu dồn nén cảm xúc và sự liên tưởng  khá thú vị:

Cánh cò bay lả bay la

Dung dăng nâng giấc mơ hoa thuở nào

Đồng quê trải thảm ca dao

Sông sa lững thững luồn vào giấc mơ

Ông khẳng định : “Cuộc đời dù phải đi xa/ Nơi thương nhớ nhất vẫn là quê hương”. Những câu thơ của Lê Xuân Thanh như được chưng cất từ nét mộc mạc thôn dã, sự chân tình của nhà nông và có cả hương vị dân ca đồng bằng Bắc Bộ cộng nét văn hóa đặc trưng miền quê ven biển, chằng chịt đê điều, ô trũng, nơi ông cách đây ngót 80 năm được sinh ra, là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thăm quê, ông làm thơ về ngôi trường làng Hoành Nha,.đã nâng cánh ước mơ tuổi thơ, về cửa sông Ba Lạt, cồn Tầu, về bao kỷ niệmcủa cậu bé Lê Xuân Thanhkhi còn nhỏ ở quê nhà, về cả bóng cô thôn nữ thuở trăng non:

Ao làng một mảnh gương vuông

Bên bờ liễu rủ vấn vương mời chào

Mắt em thăm thẳm khắc vào

Trời thu trong vắt khác nào đáy gương

(Ao làng quê tôi)

Lê Xuân Thanh sinh ngày 3/3/1942. Cái tuổi cầm tinh con ngựa khiến ông chẳng chịu yên vị một chỗ. Năm 2000,tuy được hưởng chế độ hưu trí, nhưng ông không hề nghỉ ngơi. Biết ông là một cán bộ hăng say công tác và yêu thích sáng tác thơ ca, năm 2005 Đảng ủy – chính quyền phường Cầu Đất đã mời ông nhận làm Chủ tịch Hội người cao tuổi kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của phường cho đến nay. Gần đây, ông còn là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ quận Ngô Quyền.

Lấy thơ làm niềm vui tuổi già nhưng ông không sa vào lối thơ ngâm vịnh, thù tạc, trò chơi chữ nghĩa. Ông viết về tình cảm vợ chồng, người thân trong gia đình, bạn bè, về Hải Phòng thân yêu một cách chân thành. Ông chịu đi thực tế và viết theo cách trực cảm, tức cảnh sinh tình. Viết về cây hoa gạo cổ ở cổng đền Mõ, ông cứ để cảm xúc trải ra thành câu chữ:

Tung khắp trời sợi nhớ vấn vương

Sợi nhớ sợi thương gửi vào lòng đất

Tơ đã rắc qua bao mùa được mất

Mang tình người gửi vào không gian…

Cây cổ thụ chứng nhân lịch sử

Trải dài Trịnh Mạc tới nay

Cây mộc mạc bên Chúa Bà nhân hậu

Hoa vẫn đỏ hồng như ngọn đuốc đang bay.

(Cây gạo đền Chúa)

Lê Xuân Thanh viết về hoa Đà Lạt, chùa Trấn Quốc – Hà Nội, chùa Keo – Thái Bình, biển Vũng Tàu và nhiều nơi trong nước. Và đây là cảnh chùa bên sông Hương:

Ra về gặp một cơn mưa

Tháp chùa tỏa sáng như vừa rắc hoa

Chuông chùa Thiên Mụ ngân xa

Điểm vào tiềm thức mãi là Huế xưa

(Chùa Thiên Mụ)

Có thể còn nhận ra nhiều ý thơ đầy xuân sắc của một tác giả bước sang tuổi 80.Mùa xuân là nấc thang cuộc đời mỗi người.Sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới càng trở nên thiêng liêng hơn đối với những ai giàu trải nghiệm và am tường sự đời. Một mùa xuân thơm hoa thắm lávẫn tràn về trên những bài thơ mới của ông Lê Xuân Thanh.

HK

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder