Dòng văn học thị trường phát triển mạnh ở Việt Nam – Bài của Lam Thu

Những tác phẩm văn học mang nặng tính giải trí dần chiếm lĩnh thị trường và thu hút ngày càng nhiều cây bút trẻ.. Những tác phẩm văn học mang nặng tính giải trí dần chiếm lĩnh thị trường và thu hút ngày càng nhiều cây bút trẻ.

 

Nhà văn Phan Việt là người đồng sáng lập, thực hiện “Cánh cửa mở rộng” – tủ sách chọn dịch nhiều tác phẩm có giá trị trên thế giới. Trong một bài trả lời VnExpress gần đây, Phan Việt nhận định: “Việt Nam có sự nổi lên dần dần của dòng văn học thị trường. Nó là kiểu sách mà phương Tây đã phát triển từ lâu. Nó dành cho một phân khúc độc giả lớn trong xã hội, là những người đi làm vất vả cả ngày; họ chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, giải trí mà người ta có thể đọc trên tàu điện ngầm, khi nằm phơi nắng ngoài biển, hoặc đọc cho dễ ngủ”. Phan Việt cũng cho rằng: “Tôi nghĩ là càng ngày số người viết cho dòng này ở Việt Nam sẽ càng nhiều và số người đọc cũng càng nhiều”.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú – Phó tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội –người hàng ngày tiếp nhận nhiều tác phẩm văn học gửi về, cho biết: “Hiện nay nổi lên một xu hướng mới trong văn học, đó là chú trọng tới tính giải trí. Những người viết tác phẩm dạng này ý thức được rõ tính giải trí đó”.

Đội ngũ những người viết văn học giải trí ngày càng đông và được trẻ hóa.

Cơ chế xuất bản liên kết cùng sự phát triển của thị trường đã giúp việc phát hành sách thể loại này ngày càng nhiều và càng đông tác giả mạnh dạn in sách. Nếu trước đây, mỗi tác giả mới gặp nhiều khó khăn để có cơ hội in sách, thì hiện tại việc xuất bản đã dễ dàng hơn. Không cần phải được giải ở cuộc thi viết nào đó, hoặc có tác phẩm quá xuất sắc, một tác giả mới với tác phẩm giải trí hoàn toàn vẫn có thể được mời chào mua bản quyền xuất bản. Bên cạnh các tác giả trẻ với những tản văn, truyện ngắn được ưa thích như Gào, Anh Khang, Iris Cao… còn nhiều người viết trẻ góp phần phong phú thêm cho thị trường xuất bản bằng tác phẩm văn học giải trí.

Một số tác giả trẻ cũng gặt hái được những thành công về mặt thương mại với thể loại này, như Hân Như với Chỉ có thể là yêu, Điều bí mật; hay Born với Nếu như yêu, 7 ngày để nói anh yêu em, Tìm lại yêu thương ngày xưa… Các tác phẩm này đều có sự hấp dẫn, lôi cuốn, được đông đảo bạn đọc yêu thích; một số còn được dựng thành phim truyền hình với lượng rating cao, như phim chuyển thể từ Chỉ có thể là yêu tạo được hiệu ứng tốt khi phát sóng trên VTV3 cuối năm 2013.

Lượng độc giả của văn học giải trí cũng ngày càng nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu của người đọc, một số công ty sách cho ra đời nhiều thương hiệu phát hành dòng sách văn học thị trường. Trong khi các đầu sách của dòng hàn lâm, các tác phẩm khó đọc thường được in với con số khiêm tốn là 2.000 bản thì nhiều đầu sách giải trí có lượng in lớn hơn. Chị Nguyễn Thị Việt Hà – Giám đốc điều hành công ty sách Văn Việt, đơn vị sở hữu ba thương hiệu sách văn học trẻ, hầu hết là sách văn học giải trí – cho biết, nhu cầu của văn học trẻ đang rất mạnh: “Hầu hết đầu sách xuất bản ra thị trường đều được độc giả đón nhận với trung bình khoảng 5.000 bản in/đầu sách. Nhiều cuốn thậm chí còn đạt số phát hành ấn tượng với hơn 10 nghìn bản in/đầu sách, và đây chưa phải là những con số cuối cùng”.

Hội sách TP HCM lần thứ tám đưa ra danh sách các cuốn bán chạy nhất, trong đó có nhiều cuốn tản văn, viết về những vấn đề yêu đương, nhẹ nhàng, lãng mạn. Không những thế, tại bảng xếp hạng sách bán chạy của một số đơn vị kinh doanh cho thấy phần lớn các cuốn đứng top đầu đều thuộc dòng văn thị trường.

Sự phát triển của dòng văn học thị trường có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực nhất định.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú nói: “Đối với sự phát triển của văn học, thì xu hướng thịnh hành tác phẩm giải trí, thị trường là tốt. Vì một nền văn học lành mạnh phải đa dạng, nhiều dòng”.

Tác giả Thủy Anna, Phó giám đốc Công ty sách Limbooks, cho rằng văn học thị trường hiện nay thành công bởi tìm được sự đồng cảm: “Thực ra văn chương đòi hỏi điều gì? Ai là người trả lời những câu hỏi ấy? Văn chương phải mang tính thời đại ư? Tôi rất sợ những điều quá to tát. Tôi đọc nhiều tác phẩm văn học trong nước, nước ngoài, và điều khiến tôi nhớ nhất: ‘Một tác phẩm đạt yếu tố là văn học, nghĩa là nó phải chạm đến tim độc giả của lứa tuổi đó, của thời đại đó'”.

Văn học thị trường đang được nhiều độc giả tìm đến. Tuy cho rằng sự phát triển của dòng sách thị trường là xu hướng tốt cho sự đa dạng của nền văn học nhưng nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng đưa ra cảnh báo: “Tác phẩm thị trường có thể đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ có thể làm nền, mà không thể làm đỉnh của văn học. Bởi thế, nếu dòng này tồn tại, thống trị thị trường trong thời gian dài, được bạn đọc tôn sùng thì đó là điều đáng báo động”.

Nhà văn Thiên Sơn – người từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – cũng chung quan điểm. Anh cho rằng một tác phẩm lớn, tồn tại và mang giá trị lâu dài cần phải gắn với các vấn đề lớn lao của xã hội, của thời đại.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra quan điểm về việc đọc văn học thị trường: “Đọc sách văn học thị trường tôi không cho là thưởng thức. Thưởng thức là phải những tác phẩm lớn, có giá trị và nghệ thuật, có tính hướng thiện và giáo dục. Sách văn học thị trường nên xếp vào loại giải trí, đọc cho thư giãn, cho vui”.

Ông cho rằng văn học thị trường nếu số lượng quá nhiều và ngày càng lớn mạnh sẽ lấn át các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao. “Tiếc thay hiện nay vì lợi nhuận, có những nhà xuất bản và công ty sách lao vào làm sách thị trường rẻ tiền, lá cải. Cũng đúng thôi, cơ chế thị trường nên có cung thì có cầu. Nhưng cũng không nên quên rằng nếu chúng ta kích cầu kiểu này thì rất nguy hiểm. Quan điểm của tôi là: ta là cái ta đọc, ta nghe” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông cũng đưa ra lời khuyên với độc giả: “Người biết đọc sách là người biết phân loại sách. Tức là biết chia sách ra những nhóm khác nhau. Và quan trọng hơn, cần biết loại bớt, hay loại hẳn những cuốn sách chưa cần đọc hay không nên đọc ra khỏi tủ sách của mình, khỏi não mình”.

L.T

(Nguồn Vn Express)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder