Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai

Bài thơ nổi tiếng của ông là bài thơ “Đêm sông Cầu”, sau này được nhạc sỹ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát  chinh phục nhiều trái tim thính giả, đó là nhạc phẩm ” Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Cuộc hành trình của thi phẩm từ thơ đến nhạc mang số phận kỳ lạ đầy thú vị.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai, tên thật: Đỗ Trung Lai ông sinh  năm: 1950 tại  Mỹ Đức – Hà Tây.  Nhà thơ từng là Phó tổng biên tập báo Tiếng nói Việt Nam. Đỗ Trung Lai có nhiều tác phẩm, trong đó tiêu biểu là; – Đêm sông Cầu (1990); Anh em và những người khác (1990);  Đắng chát và ngọt ngào (1991). Tác giả đã đoạt Giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng (1994).

Bài thơ nổi tiếng của ông là bài thơ “Đêm sông Cầu”, sau này được nhạc sỹ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát  chinh phục nhiều trái tim thính giả, đó là nhạc phẩm ” Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Cuộc hành trình của thi phẩm từ thơ đến nhạc mang số phận kỳ lạ đầy thú vị.

vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu.

 

Đỗ Trung Lai

Đêm sông Cầu

Anh qua sông Hồng, sông Đuống
Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu
Không biết ở nơi em ở
Êm êm một khúc sông Cầu

Tiếng một con tôm búng nước
Vó bè ai cất sau lưng
Sao giời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống cả mặt sông

Con sông của người quan họ
Suốt đời nước chảy lơ thơ
Em ơi! Em là cô gái
Từ lâu anh đợi anh chờ

Em là cô Tấm thảo hiền
Đến giữa đời anh trẩy hội
Tình đã trao nhau êm đềm
Mà vẫn mắt nhìn bối rối

Sông Cầu khi đầy khi vơi
Chảy ngang qua câu quan họ
Ướt đầm vạt áo bao người
Vạt thương ướt cùng vạt nhớ

Em nói nhẹ như hơi thở
Anh nghe để nhớ suốt đời:
Giữ tình yêu như giữ lửa,
Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

Tình yêu có từ phương em
Đi qua tháng năm chờ đợi
Tình yêu cũng từ phương anh
Lửa rừng bồn chồn góc núi

Tình yêu có từ hai ta
Chẳng đủ gần mà giận dỗi
Nhà xa, mặt trận càng xa
Gặp nhau lần nào cũng vội

Ngày mai chắc là nhiều nắng
Nên sao giăng khắp trên đầu
Ngày mai trấn miền ải Bắc
Tựa lưng vào đêm sông Cầu.

 

Nhà thơ Đỗ Trung Lai tâm sự về Đêm sông Cầu – Trích cuộc phỏng vấn của Hoàng Đức Nhã

Nhắc đến Đỗ Trung Lai, giới văn nghệ sỹ thường nhắc ngay đến bài thơ “Đêm sông Cầu”. Phải chăng đó là bài thơ ông tâm đắc nhất?

Nó là 1 trong những bài thơ tôi tâm đắc nhất. Nhưng lại là bài thơ có nhiều kỉ niệm nhất đối với tôi.

Đó là bài thơ ngắn đầu tiên của tôi. Còn trước đó, tôi chỉ toàn làm thơ dài, viết kịch bản, trường ca…Khi đưa cho anh Phạm Tiến Duật đọc 1 số bài thơ dài của tôi, anh gật gù khen được. Nhưng anh bảo tôi rằng sở trường của tôi phải là thơ ngắn. Và anh đã thách đố tôi viết 1 bài thơ ngắn cho thật hay, thật đặc sắc. Lời thách đố đã được tôi hoàn thành trong 1 tuần và được đăng lên trang nhất báo Văn nghệ. Bài Đêm sông Cầu ra đời như thế.

– Là bài thơ mang đậm “chất” Kinh Bắc. Trong khi ông lại là người Hà Đông, Hà Nội. Phải chăng vì lí do gì đó đặc biệt?

Đó là bài thơ tôi viết cho người tôi yêu, và là vợ tôi bây giờ. Cô ấy là người Bắc Ninh vì vậy mà cô ấy mang đậm những nét văn hóa của người con gái Kinh Bắc xưa.

Hơn thế nữa, từ nhỏ tôi đã rất say mê những câu chèo, những câu hát quan họ…và cũng chính vì thế mà vùng đất được coi là cái nôi của văn hóa Bắc Bộ này đã ám ảnh tôi rất nhiều, đặc biệt là khi sáng tác.

– Bài thơ đó đã được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng “Tình yêu bên dòng sông quan họ”?

Đêm sông Cầu ra đời được 1 năm thì cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát Tình yêu trên dòng sông quan họ. Và việc phổ nhạc cũng rất đỗi tình cờ.

Hôm đó nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đến nhà anh Phan Lạc Hoa chơi. Lúc đó anh Tạo đang rất nổi tiếng với bài hát “Làng quan họ quê tôi” phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Nhà hết chè, anh Hoa chạy đi mua, trong thời gian chờ bà chủ gói chè, anh Hoa cầm tờ báo văn nghệ lên đọc và bắt gặp bài thơ “Đêm sông Cầu” của tôi. Thế là anh vội vã chạy về và nói với anh Tạo: “Tôi có bài đối trọng với bài hát của anh rồi”. Và 1 tuần sau bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Bài hát được ca sỹ Thanh Hoa thu đĩa năm 1982.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder