Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát

BBT Vanhaiphong.com nhận được tin nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát, một cộng tác viên tích cực của trang web đã qua đời. Mai Ngọc Phát sinh năm 1959, tại Kim Sơn – Ninh Bình. Ông nghiên cứu và sưu tầm tiền cổ Việt Nam, chủ biên Đặc san Vietnam Numismatics. Ngoài ra, ông say mê nghiên cứu văn hóa, văn học, đặc biệt hứng thú với sáng tác của bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ông từ trần lúc 10g30 ngày 15/6/2020 sau cơn đột quỵ ở tuổi 62. Trước đó vài ngày, ông mới kịp đọc bản bông cuối cùng cuốn sách của mình, có tên “Hồ Xuân Hương – tài năng và bí ẩn” do Nhà sách Tao Đàn kết hợp với Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách được họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn minh họa. Nay sách đã in xong.  BBT vô cùng thương tiếc và xin gửi lời chia buồn tới gia đình nhà nghiiên cứu Mai Ngọc Phát, nhà thơ Mai Văn Phấn. VHP xin được đăng tải bài viết Ghi chú thêm về thơ hồ Xuân Hương của ông trong cuốn sách trên như lời vĩnh biệt, nén tâm nhang trước vong hồn ông.  

Nhà thơ Hồ Xuân Hương, một hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của bà luôn mang đến cho bạn đọc sự quyến rũ, hấp lực, cùng hàng loạt những câu hỏi khó lý giải ở bất kỳ thời đại nào. Những bí ẩn cần giải mã này càng thôi thúc những người yêu mến tác phẩm của bà khơi thêm nhiệt huyết để sưu tầm, tiếp tục nghiên cứu, cùng phân định một số bài thơ truyền tụng trong dân gian mang tên bà. Có lẽ sau đại thi hào Nguyễn Du, hiếm có tác phẩm văn học nào có sức sống mãnh liệt, lâu bền như thơ Hồ Xuân Hương ở nước ta.

Sức quyến rũ của thơ Hồ Xuân Hương được bắt nguồn từ một tài năng xuất chúng và độc đáo. Tư tưởng và thi pháp thơ ấy đã tạo ra một hệ hình thẩm mĩ khác biệt trong thời đại của bà và cả sau này. Hệ hình thẩm mĩ trong thơ Hồ Xuân Hương đã tác động trực tiếp vào dòng chảy thơ Việt giai đoạn trung – cận đại và hiện đại, hối thúc nảy sinh những thi pháp mới, khuynh hướng mới. Trong ý nghĩa xã hội, thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương luôn thách thức cái nhìn đạo đức truyền thống. Bà đã góp phần làm thay đổi tâm lý, tính cách của người Việt xưa và nay, thôi thúc họ dám đấu tranh, biết sống tự do hơn, bình đẳng, hạnh phúc hơn.

Tài năng của nữ sĩ trước hết cần được khẳng định, Hồ Xuân Hương đã tác tạo một giá trị thẩm mĩ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học nước nhà, kể cả văn học thế giới. Thơ bà là tiếng nói khảng khái, đấu tranh trực diện và quyết liệt chống lại bất công đối với phụ nữ, lên án những hủ tục hà khắc, bất bình đẳng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội. Tác phẩm của bà thường xoáy sâu vào ngóc ngách những éo le của thân phận phụ nữ, dường như hướng đến nỗi bi ai sầu khổ mang đậm giới tính. Nhà thơ cũng là người đưa nghệ thuật trào phúng thơ Nôm lên đỉnh cao bằng ngôn ngữ tinh xảo, phúng dụ, trào tiếu… Hồ Xuân Hương cũng là tác giả tiên phong canh tân thơ chữ Nôm nhằm xóa đi dấu vết Đường Thi, Tống Thi trong thơ Việt Nam trung đại. Đồng thời, bà đã đưa thơ Nôm gần gũi với ngôn ngữ ca dao dân ca, tục ngữ, phương ngữ, cũng như cách nói thông tục thường ngày của người Việt.

Thơ Hồ Xuân Hương được tác thành từ những mẫu gốc, hay còn gọi cổ mẫu (archétypes). Những mẫu gốc trong thơ bà bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, một tín ngưỡng tôn thờ sự sinh sôi nảy nở của thiên nhiên, con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Đáng chú ý hơn từ văn hóa Nõ Nường, biểu tượng sinh thực khí nam và nữ có ảnh hưởng sâu đậm trong những bài thơ chữ Nôm của bà. Hồ Xuân Hương đã vận dụng thành công những biểu tượng phồn thực trong nghệ thuật phúng dụ, để lại những bài thơ đầy thách thức và khêu gợi.

Thơ và cuộc đời Hồ Xuân Hương luôn hàm chứa những bí ẩn cần được giải mã. Cuộc đời truân chuyên, nhiều éo le duyên phận đã thử thách bà, nhưng cũng cho bà những trải nghiệm quý giá để viết những tác phẩm thực sự giá trị, độc đáo nhất là mảng thơ chữ Nôm. Mảng thơ này có sức sống bất diệt, được lan truyền rộng khắp trong nhân gian. Một số câu thơ chữ Nôm của bà đã trở thành khẩu ngữ, phương ngữ trong cuộc sống sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.

Trong hình mẫu thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, ta thấy còn tồn tại những dị bản khác nhau. Mỗi dị bản lại gắn với những giai thoại về cuộc đời, về những mối tình éo le đầy trắc trở của bà. Một số bài thơ đậm chất phong tình, quá táo bạo, thậm chí bị cho là “dâm và tục” được người đời gắn cho tên tuổi của bà. Để xác định những văn bản thơ ấy có đích thực của Hồ Xuân Hương hay không, tôi thiết nghĩ các cơ quan nghiên cứu văn hóa, văn học cần có những dự án cấp quốc gia, tổ chức các hội thảo, khảo cứu để sớm có một văn bản thơ chính thức mang tên bà.

Thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch sang các ngôn ngữ quốc tế, như tiếng Anh, Ba Lan, Trung Quốc, Bun-ga-ri, Nga, Pháp, Phần Lan, Ru-ma-ni, Séc, Slô-va-kia, Tây Ban Nha… Các dịch giả trong và ngoài nước đã vượt qua rào cản văn hóa bản địa, hiểu được ngôn ngữ thơ ca trung đại Việt Nam để chuyển dịch đầy đủ nội dung văn bản gốc tiếng Việt. Điều ấn tượng với tôi hơn cả, là các dịch giả đã truyền tải được tinh thần, hồn cốt thơ Hồ Xuân Hương sang ngôn ngữ mới. Dĩ nhiên, đó là một thách thức không nhỏ cho bất cứ ai đã hoặc muốn cống hiến khả năng, tâm sức của mình trong những bài thơ phồn tạp, đậm dấu ấn cá nhân và bí ẩn của Hồ Xuân Hương.

Nhà thơ, dịch giả Hoa Kỳ John Balaban, người từng dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh, đã xuất bản tập thơ “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương”. Cuốn sách này tôi đã nói ở bài trước[1]. John Balaban đã hóm hỉnh dẫn câu thơ tinh nghịch, đáo để của Hồ Xuân Hương khi có người gọi đùa ông là kẻ “dám xông vào hang để bắt hùm!”:

“Này này chị bảo cho mà biết

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”

(Trách Chiêu Hổ)

Dịch giả dũng cảm dám xông vào hang “bắt hùm” ấy đã nêu nhận xét thú vị và sâu sắc khi bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của ông được ấn hành tại Hoa Kỳ: “… độc giả tiếng Anh lại chưa bao giờ gặp điều gì giống như hương vị của bà cả. Thêm vào đó, truyền thuyết về cuộc đời long đong của bà như một người vợ lẽ, những quan niệm văn hóa về duyên và nợ ba sinh, những ngụ ý tục tĩu trong việc dùng cả cách nói lái và từ nghĩa kép tưởng tượng, cũng như cấu trúc phức tạp của thể thơ Đường luật đã làm say mê độc giả Hoa Kỳ” .

Thơ Hồ Xuân Hương là một “kết cấu vẫy gọi”  (Wolfgang Iser). Tôi mượn tinh thần thông diễn học của Wolfgang Iser để nêu nhận xét tổng quan về thơ Hồ Xuân Hương. Đối chiếu lý thuyết vừa nêu với những bài thơ của Hồ Xuân Hương cho thấy, văn bản thơ của bà vừa đáp ứng được thói quen thẩm mĩ của người đọc, vừa như chống lại để kích thích họ tìm hiểu và tiếp tục khám phá. Xin dẫn hai câu thơ trong bài “Chùa Hương Tích” của Hồ Xuân Hương để thấy sức lôi cuốn và hấp dẫn của thơ bà. Nó khêu gợi bạn đọc cùng sáng tạo, cùng ngập chìm trong cái dở dang, trớ trêu của hoàn cảnh bài thơ này:

“Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại

Rõ khéo trời già đến dở dom”

Những định đề trong “kết cấu vẫy gọi” cho thấy tính phúng dụ và phương pháp tạo nghĩa trong thơ Hồ Xuân Hương đã giúp bạn đọc mở rộng biên độ tưởng tượng cũng như tăng chiều kích những giới hạn của hiện thực. Bạn đọc được tự do sáng tạo nên chính mình trong những bài thơ của bà, thoát khỏi những trói buộc của ngôn ngữ, tâm lý, tập quán bản địa mang tính lịch sử.

Thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương cho chúng ta hình dung đầy đủ diện mạo, vóc dáng thi sĩ của bà. Những bài thơ chữ Hán của bà thể hiện sự uyên bác, tinh tế, đôi lúc đượm buồn, đặt cạnh những bài thơ chữ Nôm phóng khoáng, tinh nghịch, trào tiếu… Điều ấy làm tôi liên tưởng tới cặp phạm trù âm-dương, cặp phạm trù chính yếu của triết học cổ đại. Ở đây, âm và dương được nhìn nhận như một thể thống nhất, đối lập và liên hệ với nhau. Xin viện dẫn đại cương, trời ở trên là dương, đất ở dưới là âm. Những thuộc tính của dương gồm màu sáng, bên ngoài, mùa xuân hạ, ôn nhiệt, động, hưng phấn… Còn thuộc tính của âm gồm màu tối, phía trong, mùa thu đông, tĩnh, ức chế…

Từ góc độ tiếp nhận văn bản văn học, thơ Hồ Xuân Hương gợi cho tôi nhớ tới bức tượng vị thần sáng tạo Brahma[2] trong Ấn Độ giáo. Tượng thần Brahma có bốn mặt; ở Indonesia, tượng có tám mặt. Như vậy, mỗi nhà nghiên cứu, phê bình văn học có thể tiếp cận tác phẩm Hồ Xuân Hương từ một hoặc hai “diện tướng” của bà. Họ có thể tiếp cận thơ bà từ góc nhìn văn hóa dân gian, từ phân tâm học, hiện sinh, hậu hiện đại, thi pháp học, phong cách học, diễn ngôn học, tu từ học, hoặc từ phê bình tiểu sử, nữ quyền luận…

Thời gian qua đi và mọi điều sẽ đổi khác. Thơ Hồ Xuân Hương luôn nằm ở hướng mở cho các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, cũng như những người yêu thích tác phẩm của bà. Do sức sống mãnh liệt và bí ẩn của tác phẩm nên mỗi đối tượng tiếp cận đều tìm được chân dung Hồ Xuân Hương cho riêng mình, song hành cùng thời đại mình. Hồ Xuân Hương, thi sĩ tài năng, bản lĩnh và bí ẩn mãi là niềm tự hào của dân tộc chúng ta. 

M.N.P 

 

[1] Xem bài “Hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương”.

[2] Theo Ấn Độ giáo, thần Brahma là đấng sáng tạo, Vishnu là đấng bảo hộ, Shiva là đấng hủy diệt. Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder