Gửi lời chào lớp Một” là một bài thơ đã từng có mặt trong sách giáo khoa (Cấp 1) từ những năm 60 của thế kỷ XX. Nếu so sánh về thi pháp, về sự cách tân… với những vần thơ ngày nay thì thấy ngôn từ và cấu tứ của nó vô cùng giản dị, giản dị tới mức mộc mạc
vanhaiphong- “Gửi lời chào lớp Một” là một bài thơ đã từng có mặt trong sách giáo khoa (Cấp 1) từ những năm 60 của thế kỷ XX. Nếu so sánh về thi pháp, về sự cách tân… với những vần thơ ngày nay thì thấy ngôn từ và cấu tứ của nó vô cùng giản dị, giản dị tới mức mộc mạc. Có điều, sự giản dị ấy cứ ngân rung mãi và một điều kỳ lạ là không ít những người thuộc tuổi lục tuần vẫn còn thuộc đôi câu của bài thơ này; quả là “Cái hay không nằm trong ý tưởng sâu xa mà là đánh động được những tình cảm trong trẻo, tơ non của tuổi học trò”. Nhân năm học mới sắp đến, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài thơ “Gửi lời chào lớp Một”, tác giả Hữu Tưởng và bài bình của Phạm Khải
Hữu Tưởng
Gửi lời chào lớp Một
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Chào bảng đen, cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên.
Chào cô giáo kính mến
Cô sẽ xa chúng em
Làm theo lời cô dạy
Cô sẽ luôn ở bên.
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước
Ngẫm ra, nghề dạy học có cái gì đó tựa nghề lái đò. Khi con đò đã qua sông, hành khách lên bờ thì người lái đò lại quay trở lại bờ bên này để đón một lớp khách mới. Khi người giáo viên phải xa các học sinh của mình để tiếp tục làm quen và dạy bảo các bạn nhỏ khác, cái tâm trạng vui buồn đan xen cộng với biết bao xốn xang ấy- thật không dễ diễn tả.
Tương tự vậy, các bạn nhỏ- đặc biệt là các nhân vật trong bài thơ của tác giả Hữu Tưởng, những học sinh vừa qua giai đoạn lớp Một- cũng có những tâm trạng không bình lặng. Vì lớp Một là lớp đầu tiên của quá trình học tập, nơi tụ hội, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Chia tay với lớp Một, các bạn có cái ngỡ ngàng của một cậu bé mới lớn, bộ quần áo đang mặc phải thay và nhường cho các em, cái ngỡ ngàng bâng khuâng vì phải xa lớp cũ, nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó với mình. Vừa mới đó, chỉ một năm trước:
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
làm sao mà không xao xuyến, bâng khuâng? Nhưng nhớ về lớp cũ, các bạn nhỏ trong bài thơ đã biết nhớ về những kỉ niệm rất cụ thể. Đó là bảng đen, là cửa sổ, nơi thu hút cái nhìn của các bạn lúc thầy cô lên lớp và trong những phút nghỉ giải lao. Đặc biệt, nơi đó còn gắn với cô giáo kính mến, người gần gũi, gắn bó với các bạn suốt một năm học.
Tuy nhiên, cái chia tay của các bạn lớp Một “năm nay lên lớp hai” không nhiều bịn rịn như sự chia tay của các anh chị cuối cấp, khi ra trường, vì chia tay ở đây là chia tay với lớp, với bàn ghế cũ, với cô giáo, không phải là chia tay với bạn bè cùng học. “Tất cả! Chào ở lại” cơ mà. Không khí chia tay, bài thơ có cái gì đó rộn ràng, vui vẻ, các bạn nhỏ của chúng ta cũng tỏ ra hãnh diện, hãnh diện trong câu nói:
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên.
Bài thơ cũng có nhiều tiếng “đồng thanh” lắm. Điệp khúc “Lớp Một ơi! Lớp Một” lặp lại đầu, cuối bài thơ nghe vang vọng tiếng đồng thanh tập thể. Bài thơ cũng lao xao nhiều tiếng chào xen kẽ giữa các khổ thơ, thể hiện không khí của giai đoạn chuyển lớp.
“Gửi lời chào lớp Một” là một bài thơ rất giản dị. Cái hay không nằm trong ý tưởng sâu xa mà là đánh động được những tình cảm trong trẻo, tơ non của tuổi học trò. Bản thân lứa chúng tôi và những anh chị trên đó, trước đó từng được học bài thơ, đều cảm thấy xúc động mỗi khi nhớ lại bài thơ này. Bài thơ đi thẳng vào trái tim non trẻ, để lại dư âm trong suốt cuộc đời họ. Sách giáo khoa rất cần những bài thơ có tính chất giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn như thế.
Phạm Khải
(chọn bình)