Để có tác phẩm dày hơn 500 trang khổ 14,5 x20,5 này, Lê Xuân Đức đã dành tròn 40 năm chuyên tâm nghiên cứu và thẩm bình…
Đây không phải là tác phẩm duy nhất của nhà giáo – nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Xuân Đức viết về thơ ca Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay ông đã có 11 tác phẩm viết về thơ Bác như Đến với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nxb. Giáo dục), Thi hứng thêm nồng (Nxb. Quân đội nhân dân), Đọc thơ Bác Hồ (Nxb. Thanh niên), Lời bình 79 bài thơ của Bác Hồ (Nxb. Văn học), Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (Nxb. Văn học), Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (Nxb. Văn học), Nay ở trong thơ (Nxb. Văn học), Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh (Nxb. Văn học), Nhật ký trong tù và lời bình (Nxb. Văn học), Đọc thơ Hồ Chí Minh (Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật) và Ngục trung nhật ký – Thẩm bình (Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật).
Ngần ấy tác phẩm đã nói lên được phần nào tình cảm và sự trân trọng của Lê Xuân Đức đối với Con Người và thơ ca Hồ Chí Minh. Đã có không ít người viết về cuộc đời sự nghiệp, phẩm chất tài năng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh cũng như thơ ca của Người. Nhưng với Lê Xuân Đức, theo tôi nghĩ, dấu ấn ông để lại với bạn đọc gần xa, trong nước và ngoài nước trước hết ở sự tâm huyết và tính hệ thống rất cao mà tiêu biểu là tác phẩm Ngục trung nhật ký – Thẩm bình.
Để có tác phẩm dày hơn 500 trang khổ 14,5 x 20,5 này, Lê Xuân Đức đã dành tròn 40 năm chuyên tâm nghiên cứu và thẩm bình toàn bộ 133 bài thơ bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký. Khởi đầu từ năm 1973 và tạm thời kết thúc vào năm 2013, đó quả là một quãng thời gian không ngắn với một cuốn sách thẩm bình thơ. Tính khoa học, tính nghệ thuật thể hiện rõ ràng trong công trình này và đó chính là giá trị không thể không ghi nhận khi đọc Ngục trung nhật ký – Thẩm bình của Lê Xuân Đức.
Ngục trung nhật ký, như chúng ta đã biết là tập nhật ký bằng thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh. Năm 1942, Bác Hồ từ Việt Bắc sang Trung Quốc với tư cách là người lãnh đạo Việt Nam Độc lập đồng minh Hội trong tổ chức Đồng minh quốc tế chống phát xít để gặp yếu nhân ở Trùng Khánh thì bị chính quyền Trung Hoa dân quốc bắt giam tại Túc Vinh.
Túc Vinh khước sử dư mông nhục,
Cố ý trì diên ngã khứ trình;
Gián điệp hiềm nghi khôngniết tạo,
Bả nhân danh dự bạch hy sinh.
Dịch nghĩa:
Phố tên Túc Vinh mà khiến ta mang nhục,
Cố ý làm chậm trễ hành trình của ta;
Bày đặt ra trò tình nghi gián điệp,
Không dưng làm mất danh dự của người.
Thế là, trải qua mười bốn trăng tê tái gông cùm (thơ Tố Hữu), tức 377 ngày, Hồ Chí Minh bị giải đi giải lại và bị giam qua 30 nhà tù ở tỉnh Quảng Tây cho đến ngày 10 tháng 9 năm 1943 mới được thả tự do.
Hạnh ngộ anh minh Hầu Chủ nhiệm,
Nhi kim hựu thị tự do nhân;
Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ
Thâm tạ Hầu công tái tạo ân.
Dịch nghĩa:
May mắn gặp được chủ nhiệm họ Hầu sáng suốt,
Mà nay ta lại là người tự do;
Nhật ký trong tù chấm dứt từ đây,
Cảm tạ khôn xiết công ơn tái tạo của ông Hầu.
Trong những năm tháng bị tù đày cơ cực ấy, dù tự nhận lão phu nguyên bất ái ngâm thi (già này vốn không thích ngâm thơ), Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhật ký bằng 133 bài thơ với 2.700 chữ, trong đó có 125 bài tứ tuyệt, 8 bài thuộc các thể loại khác như ngũ ngôn, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt liên hoàn và độc đáo là có một bài chỉ có đầu đề (bài thứ 100 Liễu Châu ngục).
Đã có rất nhiều người đánh giá về Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, trong tọa đàm khoa học “Kỷ niệm 70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức cũng có nhiều ý kiến khẳng định lại, khẳng định thêm, nhấn mạnh những giá trị về nội dung và nghệ thuật của Ngục trung nhật ký. Chất thép và chất tình trong Ngục trung nhật ký như Hoàng Trung Thông đã viết Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình được làm sáng tỏ thêm rất nhiều. Còn Lê Xuân Đức, một thành viên được mời dự tọa đàm, trong cuốn sách này cũng đã khẳng định: Tập thơ Ngục trung nhật ký ra đời đã trở thành một hiện tượng văn học đặc biệt. Đến nay tập thơ đã được tái bản nhiều lần, được dịch và phổ biến ở một số nước. Nhiều công trình nghiên cứu, phân tích, tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau với những cách thức khác nhau của các tác giả trong và ngoài nước, nhưng đều cùng một mục đích tìm hiểu, khám phá cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của thơ Bác; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngục trung nhật ký trong kho tàng thơ ca Việt Nam; rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hiện tại. Tất cả đều chung một nhận định: tập thơ Ngục trung nhật ký bất hủ mãi mãi cùng thời gian năm tháng.
Việc nghiên cứu và thẩm bình 133 bài trong Ngục trung nhật ký là cách khẳng định thiết thực nhất, nhiều thuyết phục nhất về sự bất hủ của tác phẩm độc đáo này. Phân tích thơ, bình giải thơ để chỉ ra cái hay, cái đẹp vốn có của tác phẩm nằm ngay trong chính tác phẩm chứ hoàn toàn không phải là sự tô hồng ngợi khen quá lời. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các bài thơ không phụ thuộc vào vị thế xã hội của tác giả. Văn bản vẫn là điều kiện số một, quan trọng nhất để thẩm bình. Nghĩa là nó phải chịu sự soi chiếu khắt khe của người đọc, nghiên cứu và viết bài bình. Tuy nhiên, trong quá trình soi chiếu tác phẩm, nhà phê bình không thể không đặt nó trong bối cảnh xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, không gian sáng tạo của tác phẩm và cả phẩm chất trí tuệ của người làm thơ. Tôi nghĩ, Lê Xuân Đức trong khi đọc và thẩm bình 133 bài thơ của Ngục trung nhật ký đã tuân thủ đúng phương cách làm việc như thế. Thứ tự các bài thẩm bình trùng khớp với thứ tự sắp xếp các bài thơ trong Ngục trung nhật ký; điều này làm cho chúng ta được theo chân Bác, được đồng trải nghiệm Mười bốn trăng tê tái gông cùm/ Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc/ Mà thơ bay cánh hạc ung dung (Tố Hữu).
Trước và sau khi đọc Ngục trung nhật ký, điều rất may mắn với Lê Xuân Đức là ông đã có những chuyến đi điền dã để được hiểu sâu hơn, chuẩn xác hơn về thơ của Người. Quan niệm sau đây đã chi phối quá trình nghiên cứu và thẩm bình thơ trong Ngục trung nhật ký của Lê Xuân Đức: Tiếp cận thơ Hồ Chí Minh, vấn đề đầu tiên được đặt ra là, làm sao để hiểu đúng, hiểu trúng thơ Bác, bởi thơ Bác giản dị, dễ hiểu nhưng hàm súc, tinh tế, ẩn nhiều ý tưởng, lung linh nhiều mặt nhiều chiều. Trên văn đàn, có một thực tế, một số nhà phê bình, nghiên cứu, nhà thơ… khi thẩm bình, đánh giá thơ Hồ Chí Minh, đã hiểu không đúng, suy diễn, áp đặt chủ quan, hoặc vì một lẽ khách quan nào đó chi phối… nên đã, hoặc thu hẹp, hoặc quá mở rộng hình tượng, ý nghĩa và giá trị thơ Hồ Chí Minh nên kết quả đem lại không như mong muốn, cái cần tới thì chưa tới, hoặc có trường hợp lại đi quá đà, quá xa đối tượng mà mình cần xác định, nghĩa là không đạt được cái có thực – chân thực – hiện thực của thơ Hồ Chí Minh. Đấy chính là tính khoa học trong đọc, nghiên cứu, thẩm bình thơ Bác trong Ngục trung nhật ký mà Lê Xuân Đức đã đạt được trong tác phẩm này.
Với nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình Lê Xuân Đức, bình thơ là phải cố gắng tìm cho được cái thần của bài thơ. Cái thần là hồn cốt làm nên bộ mặt tinh thần của bài thơ. Theo như ông nói thì nắm được cái thần là nắm được cái mã số, cái chốt, cái chìa khóa để thưởng thức, phân tích thẩm bình bài thơ. Nói như người xưa: đọc thơ không dừng lại ở cái bì phu, cái bên ngoài, cái phần nổi dễ thấy mà phải đi vào cái cốt tủy, cái bên trong, cái phần lắng lại và phải nắm được cái thần, cái phần tinh túy nhất của bài thơ.
Bình thơ Ngục trung nhật ký là phải tìm được cái thần lung linh hay tiềm ẩn trong những bài thơ cụ thể của Hồ Chí Minh. Việc này có cái dễ và có cái khó, rất khó của nó. Bởi như ta đã nói ở trên, thơ Hồ Chí Minh giản dị dễ hiểu nhưng lại rất hàm súc, tinh tế, ẩn chứa nhiều ý tưởng, nhiều chiều nhiều tầng. Đấy là thơ của một Con Người có tư tưởng và tâm hồn lớn. Xin lấy một ví dụ để chứng minh cho điều vừa nói. Thẩm bình bài Nạn hữu xuy địch (Người bạn tù thổi sáo) có đoạn Lê Xuân Đức viết: Hai người bị nạn cầm tù trở thành bạn hữu của nhau. Một người nhớ nhà, nhớ quê; một người nhớ nước, gặp nhau cộng hưởng trong tiếng sáo nhớ quê hương. Một khuê phụ ở xa, rất xa muôn dặm quan hà vọng nghe tiếng sáo, bước lên một tầng lầu. Ba con người ở hai cảnh ngộ, hai không gian dồn tụ nỗi nhớ sầu thương tê tái… Lê Xuân Đức cũng không ngần ngại chỉ ra cái hạn chế của những bản dịch đã làm vơi khuyết cái hay của nguyên văn câu thơ: Sau chi tiết nghe rất thực, người nghe cảm thấm âm thanh đang chuyển của tiếng sáo: Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu; chuyển rồi lại chuyển mà vẫn không thoát ra khỏi nỗi thê lương, sầu muộn. Rất đáng tiếc, cả hai bản dịch năm 1960 và năm 1983 của Nhà xuất bản Văn học đều bỏ mất một từ chuyển: – Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu; – Âm chuyển thê lương, điệu tái tê; Hai chất liệu của âm nhạc để diễn tả tâm trạng, phản ánh đời sống là thanh và điệu với sự biến hóa không cùng của nó. Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu. Trong hai bản dịch chỉ đưa được một từ chuyển vào thơ dịch, vậy là người dịch đã đánh rơi mất một phần tâm trạng, chưa bộc lộ hết được chuyển rồi lại chuyển mà vẫn không ra khỏi điệu sầu tái tê…
Rõ ràng, cách thẩm bình như vậy vừa đúng (chính xác) vừa hay (nghệ thuật). Lê Xuân Đức bình thơ Bác không theo cái kiểu rập khuôn, muôn bài như một hay tán dương tùy tiện. Mỗi bài thơ có một hoàn cảnh, không gian thời gian ra đời riêng và nó chứa đựng tâm trạng không giống nhau của người làm. Nói chính xác hơn nó có một không gian nghệ thuật riêng mà người thẩm bình thơ giỏi giang, tinh tế phải thấu hiểu. Rất nhiều trường hợp trong cuốn sách này, Lê Xuân Đức đã làm được điều đó. Ông đã thẩm bình thơ Hồ Chí Minh đúng theo cách nghĩ của mình: quá trình thẩm bình một bài thơ là quá trình tiếp xúc trực tiếp tác phẩm, cũng là quá trình tiếp xúc nhận biết cuộc sống, là quá trình đọc văn bản tác phẩm, tìm hiểu nội dung và những thủ pháp nghệ thuật để lĩnh hội cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của tác phẩm, cũng là cái hay cái đẹp của cuộc sống. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố chủ quan, vào năng lực cụ thể của chủ thể thẩm bình. Cho nên, phân tích một tác phẩm văn học không thể khuôn vào một đường ray nhất định. Có thể nói: có bao nhiêu tác phẩm sẽ có bấy nhiêu cách phân tích, thẩm bình.
Ta bắt gặp cách tiếp cận thơ phong phú và đa dạng của Lê Xuân Đức khi thẩm bình thơ Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký. Có bài dài (bình bài Đề từ; Nhập Tĩnh Tây huyện ngục – Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây; Tảo – Buổi sớm; Nạn hữu xuy địch – Người bạn tù thổi sáo…) có bài ngắn (bình bài Ngọ hậu – Quá trưa; Trung thu…). Có bài người bình đi kỹ hơn vào phần tư tưởng nội dung nhưng có bài lại đào sâu vào nghệ thuật. Khá độc đáo là hầu hết đầu đề các bài bình thơ đều được tác giả lấy một câu thơ trong các bài của Bác để đặt cho nó. Ví dụ: Túc Vinh mà để ta mang nhục (bình bài Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu – Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh); Còn lại trong tù khách tự do (bình bài Nhập Tĩnh Tây huyện ngục – Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây); Trong ngục bỗng nghe khúc nhớ quê (bình bài Nạn hữu xuy địch – Người bạn tù thổi sáo); Đáng khóc mà ta cứ hát tràn (bình bài Bệnh trọng – Ốm nặng)…
Giọng bình của Lê Xuân Đức điềm đạm, đằm thắm, chắc chắn nhưng vẫn đầy ý, đầy tình, nó không bay bổng véo von mà thực sự cuốn hút, tạo được tin cậy ở người đọc. Đọc các bài bình của Lê Xuân Đức ta thấy rõ vốn tri thức, hiểu biết về thi ca và cuộc sống của ông. Có những bài bình ông đem đối chiếu so sánh thơ Bác với thơ người khác từ đó rút ra những cái mới, cái hay trong thơ Người (điển hình là bài bình tác phẩm Đề từ).
Tóm lại, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, Ngục trung nhật ký – Thẩm bình của Lê Xuân Đức đã có đóng góp lớn trong việc khẳng định những giá trị lâu bền của Ngục trung nhật ký. Cuốn sách dày dặn này là kết quả nghiên cứu đầy công phu và tâm huyết của tác giả. Bốn mươi năm cho một cuốn sách thẩm bình thi ca là quãng thời gian không mấy ngắn và điều đáng trân trọng hơn là Lê Xuân Đức không hề đóng khung khép kín với những gì mình đã có mà luôn cầu toàn, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe góp ý để sách có thể hoàn thiện hơn khi được tái bản. Các bài bình thơ của ông cũng luôn ở kiểu gợi mở để mong được đón nhận những đàm luận của bè bạn gần xa về một tác phẩm độc đáo gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và với cả nền văn học Việt Nam hiện đại. Giá trị lớn nhất của Ngục trung nhật ký – Thẩm bình theo tôi là ở đó. Tinh thần lao động khoa học – nghệ thuật bền bỉ và nhiệt huyết của nhà giáo – nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Xuân Đức đã được đền đáp xứng đáng
Đồng Xa, cuối Thu năm 2013
N.H.Q
(Nguồn vannghequandoi.vn)