Bài thơ này hiện còn lưu trong cuốn “Chơi chữ Hán Nôm, những bài thơ độc đáo” của soạn giả Hải Trung. Tác giả đã đã giới thiệu một bài thơ chơi chữ của Tô Thức (tức Tô Đông Pha) đời Tống có tên là “Trường đình”,
Chúng ta quá quen với cụm từ “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa). Tuy nhiên từ “họa” ở đây được hiểu là bức họa do thơ tạo ra thông qua hệ thống ngôn từ giúp người đọc tưởng tượng được. Ví dụ Nguyễn Du có cặp lục bát miêu tả mùa xuân: Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ; thì đó là bức tranh thiên nhiên mùa xuân toàn bích: trên cái nền xanh của nước non mây núi muôn trùng, điểm nhãn những bông hoa lê như tuyết. Song trên thực tế, thú chơi chữ của các thi sĩ lớn không chỉ là đề thơ tả cảnh, tả tình mà họ còn vẽ chữ thành bức tranh và từ bức tranh chữ ấy tạo nên một bài thơ hoàn hảo, đi qua năm tháng để lưu tồn.
Trường hợp Tô Đông Pha (Thời Bắc Tống) với bài thơ Trường Đình (Vãn thiếu?) là một điển hình.
Bài thơ này hiện còn lưu trong cuốn “Chơi chữ Hán Nôm, những bài thơ độc đáo” của soạn giả Hải Trung. Tác giả đã đã giới thiệu một bài thơ chơi chữ của Tô Thức (tức Tô Đông Pha) đời Tống có tên là “Trường đình”, tuy nhiên có quan điểm cho rằng tên của bài thơ này là Vãn thiếu (Xa ngắm cảnh chiều)? Nếu lược qua cuộc tranh cãi về tên thi phẩm chúng ta có thể tìm thấy những điều lý thú trong cách “vẽ” chữ của Tô Thức.
Xuất xứ bài thơ.
Không ai rõ thực hư xuất xứ của thi phẩm, nhưng theo truyền thuyết còn ghi lại thì bài thơ ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khoảng năm 1082, Ông làm Thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu; có hồi vì chê bai tân pháp mà bị giam vào ngục, rồi biếm đi Hoàng Châu. Trên đường bị áp giải ông nhận được lệnh của Nhà vua xóa tội và cho hồi triều gấp.
Khi hồi triều,Tô Thức mới hiểu sự việc. Đó là Sứ giả nước Liêu cậy tài văn chương ra một bài thơ, đố các triều thần nước Tống hiểu được dụng ý thâm sâu của nó. Khốn nỗi đây là giai đoạn triều đình Tống đang suy vi, nhân tài hiếm hoi, nên không có ai giải được bài thơ của Sứ Liêu. Vì lòng tự tôn dân tộc và chí khí của danh sĩ tài năng, Tô Thức đã “vẽ” ngay bài thơ này và nói với Sứ Liêu rằng “Phú thi diệc dị sự dã, quan thi nan sự nhĩ” (Làm thơ cũng là việc dễ, xem thơ mới là việc khó).”. sau đó ông cầm bút viết liền một mạch 12 chữ trên giấy. Khi nhìn vào “Bức tranh chữ” do Tô Thức “vẽ”, tất cả các quan đều không hiểu gì, còn Sứ Liêu câm bặt.
Thông điệp của thi phẩm :
Bài thơ này “vẽ” theo đề tài miêu tả cảnh chiều điển hình: có khung cảnh thiên nhiên mây núi, sông tráng lệ nhưng u buồn. Hình ảnh con người là ông lão hòa nhập bóng mình vào cảnh, toàn bộ không khí u trầm gợi nhiều liên tưởng. Bức tranh chỉ có 12 chữ, có chữ viết rất dài, có chữ viết ngắn; có chữ viết ngang, có chữ viết nghiêng; có chữ viết quay ngược theo chiều ngang, có chữ viết đảo ngược theo chiều dọc, chữ thì gầy nét… tất cả hầu như phá cách khuôn mẫu chữ quy định.
Bởi vậy, bài thơ không thể đọc bình thường khi nhìn vào từng con chữ. Bởi nếu đọc 12 chữ thì không rõ viết gì:
Đình, ảnh, họa, lão, tha, cung,
thủ, vân, mộ, giang, tiếu, phong
Vả lại do Tô Thức nói là thơ, nên ít nhất phải là bài thơ tuyệt cú 28 chữ theo niêm luật Đường Thi. Vậy phải đọc nghĩa của chữ theo cách vẽ của tác giả, tức là từ hình dáng, kích cỡ của con chữ mà ông vẽ, người đọc phải thêm vào đó các từ có nghĩa hợp lý, đúng vần điệu (trong từng chữ của bộ 12 chữ )… thì mới ghép nối và tạo ra một bài thơ hoàn hảo chuẩn nghĩa.
Về cách viết: Chữ ĐÌNH, viết rất dài, cho nên đọc là TRƯỜNG ĐÌNH; Chữ ẢNH, viết rất ngắn, đọc là ĐOẢN ẢNH; Chữ HOẠ, viết thiếu chữ “nhân”, ở phần dưới, đọc là VÔ NHÂN HOẠ; Chữ LÃO, viết khá to, đọc là LÃO ĐẠI;
Chữ THA, viết ngang, đọc là HOÀNH THA; Chữ CUNG, có bộ “trúc” viết rất gầy, đọc là SẤU TRÚC CUNG; Chữ THỦ, viết quay lại, đọc là HỒI THỦ; Chữ VÂN, nghĩa là mây, trên là chữ “vũ”, dưới là chữ “vân”, do cự li giữa trên dưới khá xa, đọc là ĐOẠN VÂN , nghĩa là đám mây bị đứt đoạn; Chữ MỘ có bộ “nhật” phía dưới viết nghiêng đọc là TÀ NHẬT MỘ; Chữ GIANG viết thành giang, có bộ “công” ở bên trái bị gãy khúc, đọc là KHÚC GIANG; Chữ TIẾU viết đảo ngược. đọc là ĐẢO TIẾU; Chữ PHONG có bộ “sơn” viết nghiêng đọc là TRẮC SƠN PHONG.
Như vậy, công thức đọc chung cho 12 chữ mà thi sĩ Tô Đông Pha đưa ra là: ghép mỗi chữ sau tính từ hoặc cụm từ chỉ tính chất của cách viết chữ đó, trừ trường hợp chữ LÃO ghép ngược thành LÃO ĐẠI chứ không phải “đại lão” (theo Từ Nguyên- cuốn từ điển uy tín của Trung Quốc). Và để đảm bảo có 7 tiếng/câu thì phải có 1 chữ tạo ra 3 âm tiết khi đọc. Với cách đó toàn bài thơ như sau:
Vãn thiếu
Trường đình đoản cảnh vô nhân hoạ,
Lão đại hoành tha sấu trúc cung.
Hồi thủ đoạn vân tà nhật mộ,
Khúc giang đảo tiếu trắc sơn phong.
Dịch nghĩa:
Xa ngắm cảnh chiều
(Dịch giả Nguyễn Tuấn Cường)
Không ai vẽ lại cảnh ngắn về ngôi đình dài,
Ông già kéo ngang cây gậy trúc [khô] gầy.
Ngoảnh đầu [nhìn] nơi trời chiều đã xế bóng [có ] đám mây đứt đoạn,
Đỉnh núi nghiêng in ngược [bóng] xuống dòng Khúc Giang.
Dịch thơ:
Xa ngắm cảnh chiều
Đình dài cảnh ngắn không người vẽ,
Ông lão kéo ngang gậy trúc gầy.
Ngoảnh đầu, mây đứt nơi chiều xế,
Đỉnh núi nghiêng soi Khúc Giang này.
Bản dịch thơ của Hải Trung:
“Đình dài, cảnh ngắn không người vẽ,
Ông lão đi đường kéo gậy qua.
Đầu ngoảnh, chiều tà nghiêng bóng xế,
Non cao in bóng khúc sông nhoà”.
Theo cuốn sách Từ Nguyên, cách chơi chữ trong bài thơ này có tên là “thần trí thể” (thể thần trí) và giải thích rằng: “Thể thần trí: một thể thơ gần với chơi chữ. Do nó có thể làm khởi phát thần trí của người ta nên gọi như vậy”.
Những kiểu chơi chữ này, hiện nay dường như bị lãng quên trong thế giới mà con người luôn phải chạy đua với thời gian. Nhưng chắc chắn nó là một thứ văn hóa đẹp rèn trí thông tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn. Với riêng các thi sĩ thì nó còn là một miền riêng cho sự suy ngẫm về nghệ thuật thi ca.