Tin vui đến với văn giới Việt Nam: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi), vừa nhận Giải thưởng văn học Quốc tế CHANGWON KC dành cho nhà văn có độ tuổi từ 50 đến 65 với những đóng góp cho văn học Hàn Quốc và quốc tế. Cùng lúc nhà văn Nguyễn Ngọc/Tư nhận Giải thưởng LITERATURPREIS 2018 (Giải thưởng do LITPROM – Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt, CHLB Đức, bình chọn). Có thể nói dự án có tính chiến lược Quảng bá văn học/văn hóa Việt Nam ra thế giới của Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến từng bước thận trọng và vững chắc. Kết quả từ ít đến nhiều, từ trước mắt đến lâu dài. Đây chính là một “kênh” đặc trưng để thực hiện giao lưu văn hóa trong thời đại hội nhập và phát triển.
GIAO LƯU VĂN HÓA BẰNG VĂN HỌC
Quy luật tiếp biến văn hóa đã chỉ ra lợi thế của văn học trong quá trình tiếp nhận, chuyển hóa lẫn nhau giữa những nền văn hóa có bản sắc, giá trị ngang nhau. Việt Nam đã từng tiếp biến các nền văn hóa lớn thông qua văn học (Nga, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ,…). Văn học là “nhịp cầu” nối những bến bờ vốn khác nhau về thể chế, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán. Trong phạm trù “Văn hóa Việt” thì, văn học nếu không nói là tất cả, là một bộ phận lớn, quan trọng. Đã nhiều năm thế giới biết đến văn học Việt, ngôn ngữ Việt thông qua nghệ thuật ngôn từ (những tác giả cổ điển Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh,..,.). Tương tự chúng ta biết đến văn hóa Nga qua văn học “thế kỷ vàng” (XIX) như A. Pu-skin, I. Lec-man-tôp, L. Tôn-xtôi, F. Đôt-xtôi-ep-xki, A. Sê-khôp và “thế kỷ bạc” (XX) với 5 nhà văn Giải Nobel văn học như I. Bu-nhin, M. Sô-lô-khôp, B. Pa-xtec-nac, A. Xôn-ze-nhít- xin, I. Brôt-xki.
Những năm gần đây Hội Nhà văn Việt Nam đẩy mạnh chương trình có tính chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Kết quả đáng lạc quan. Những Giải thưởng văn học ASEAN, Mêkông đã như một đường dẫn để văn học Việt Nam đi ra biển lớn nhân loại. Có thể nói, giải thưởng mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa nhận được như là một “đợt sóng thứ hai” dâng cao vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Trước đây có ai đó quá ưu thời mẫn thế mà ngậm ngùi về “sự cô đơn của tiếng Việt và văn học Việt” trong một thế giới phẳng bao la và…rợn ngợp (!?). Không phải không có lý. Nhưng khi thoát khỏi mặc cảm cố hữu đó, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường sáng phía trước của văn chương Việt trong biển lón nhân loại. Văn học, chính là tấm gương soi lớn, trong suốt để thế giới nhìn thấu vào tâm hồn, bản tính Việt vốn khoan dung, bác ái, luôn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”.
BẢN SẮC VIỆT NAM TRONG TẤM GƯƠNG NHÂN LOẠI
Văn học nói gì để thế giới nhận ra thấu đáo nhất về tâm hồn Việt? Trong cuộc chiến tranh mười nghìn ngày (1945-1975) chúng ta phải gồng mình lên vì “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu – Việt Nam máu và hoa). Trong thời khói lửa đạn bom, mỗi người Việt Nam đều “Yêu và căm hai đợt sóng ào ào/Vỗ trong lòng dội mãi tới trăng sao” (Xuân Diệu – Những đêm hành quân). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những tác phẩm (in bằng tiếng Anh và tiếng Hàn) như Bài hát về cố hương, Những người đàn bà gánh nước, Linh hồn con bò, Sự chuyển động của cái đẹp đã hiến tặng bạn bè quốc tế một “mâm cỗ tinh thần” trang trọng, phong phú, tinh tế. Nhà thơ ra đi từ “Làng Chùa” (một vùng thôn quê nổi tiếng của không gian “Hà Tây quê lụa”, tên một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ Nhật Lai), nên dẫu có đi khắp bốn phương trời cũng chẳng thể nào quên mùi rơm rạ, mùi khói bếp, mùi lúa lên đòng thơm hương sữa non; lại càng không quên cái cổng làng quanh năm mát rượi vì bóng tre ôm trùm, tiếng nghé ọ, tiếng gà đúng ngọ, tiếng vắt trâu trên ruộng,… Và nhớ hơn nữa con sông chảy qua làng nặng trĩu phù sa tươi tốt, màu mỡ làm nên bờ xuôi ruộng mật. Nhớ cảnh và nhớ người. Nhớ những người đàn bà ra sông gánh nước (họ là bà, là mẹ, là chị, là em, là bạn gái, là người yêu thưở hoa niên,…). Làng Chùa chứa đầy những “linh hồn” người, đã đành, còn có cả những “linh hồn con bò”. Thế giới hậu công nghiệp, thế giới số hóa đang nhốt con người vào trong các “boong-ke” (nhà kính, bê tông, phòng điều hòa máy lạnh,…). Con người đang mất tự do ngay chính nơi mình đứng – họ bị tách rời khỏi tự nhiên (do bị đồ vật hóa, số hóa, tự động hóa). Nhu cầu trở về với tự nhiên là khát vọng nung nấu, cháy bỏng của con người hiện đại khi nguy cơ nghèo nàn về đời sống tinh thần, khi mải miết chạy theo vật chất, tiện nghi kỹ thuật đang rình rập thường trực. Nghĩa là con người đang có nhu cầu tìm về cội rễ. Thơ Nguyễn Quang Thiều đã “điểm huyệt” đúng đời sống hiện đại. Thức ăn vật chất đến một mức nào đó thì bão hòa. Nhưng thức ăn tinh thần thì luôn luôn thiếu thốn với con người. Tương tự, người ta đang hướng tới du lịch – sinh thái, du lịch – văn hóa, du lịch – tâm linh hơn là những “sex tour”. Có thể nói, Nguyễn Quang Thiều đã mang Nàng Thơ của mình bay ra với thế giới, giúp thế giới biết đến một đất nước còn rất nghèo nhưng đang nỗ lực hết sức mình để gìn giữ hồn làng, hồn quê, hồn Việt.
Nhưng nếu độc giả (cả trong và ngoài nước) đọc văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ cảm nhận được điều gì nói về bản sắc Việt? Tập truyện Cánh đồng bất tận (2005, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006; Giải thưởng ASEAN, 2008) đã mang về vinh quang cho cây bút nữ vùng Đất Mũi Cà Mau – miền đất tận cùng Tổ quốc, nơi như thi sỹ Xuân Diệu đã viết “Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non/ Mấy trăm đời lấn luôn ra biển/ Phù sa vạn dặm tới đây tuôn/ Lắng lại, và chân người bước đến/ Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau” (Mũi Cà Mau, 1960). Sinh ra và lớn lên trong “thung thổ văn hóa Nam Bộ” nên Nguyễn Ngọc Tư đã ngấm từ nhỏ cái chất mênh mang, phóng khoáng, hào hiệp của cảnh và người một vùng đất mới đầy ắp phù sa màu mỡ, tràn trề sông nước. Nhưng, khi trưởng thành, khi ngòi bút đã có đủ năng lực thấu thị, thì cảm xúc và nhiệt hứng của nhà văn lại thiên về nỗi lo âu, khắc khoải bởi thiên nhiên đang bị chính con người trú ngụ trong đó tàn phá. Biểu tượng cánh đồng trong “Cánh đồng bất tận” không còn là những mênh mông thẳng cánh cò bay “mãi không thấy bờ” , hoặc giả những vụ mùa vàng liên tiếp bội thu,… Cũng có thể đổ lỗi cho “biến đổi khí hậu”. Nhưng thiên tai không bằng nhân tai. Có lẽ, trước khi viết Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã có nhiều ngày tháng bán lưng cho trời, bán mặt cho đất trên những thửa ruộng đang hao mòn dần màu mỡ phù sa của quê mình nên hiểu rõ cánh đồng bất tận mình đang đứng là bất tận nỗi gì “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ “Tao không thích học, chừng nào lớn tao đi chăn vịt”. Theo quan điểm “Phê bình sinh thái” (còn gọi là nghiên cứu xanh – green studies) thì phương pháp này tập trung “nghiên cứu văn học gắn liền với chủ đề môi trường” và “thiên về nhân chủng học và đặt bình diện xã hội làm trung tâm” (Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn, 2017, tr. 6-7). Như vậy là, tự phát hay tự giác thì Nguyễn Ngọc Tư cũng đã đi vào “tâm bão” của những vấn đề đặt ra cho văn học hiện đại thế giới và Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp đã viết “Muối của rừng”, “Thương nhớ đồng quê” – những tác phẩm ngắn nhưng có sức chứa tư tưởng lớn – về mối thảm họa khi con người tấn công thiên nhiên, xa rời thiên nhiên vốn được coi như một BÀ MẸ VĨ ĐẠI của nhân loại. Cánh đồng (trong truyện Cánh đồng bất tận), Nước (trong tiểu thuyết Sông) là những biểu tượng văn học quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Tài năng của nhà văn chính là thể hiện những dự cảm, tiên đoán đầy lo âu và trách nhiệm về sự băng hoại trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Viết như thế là tiến dần đến “mẫu số chung” của văn học/ văn hóa thế giới.
XUẤT KHẨU VĂN HỌC NHƯ LÀ CHIẾN LƯỢC QUẢNG BÁ VĂN HÓA VIỆT NAM RA THẾ GIỚI
Đã nhiều năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam tích cực thực hiện chương trình giới thiệu văn học dân tộc ra thế giới như là một chiến lược quảng bá văn học/ văn hóa Việt. Đã có một “đợt sóng thứ nhất” khi tác phẩm của các nhà văn Ma Văn Kháng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái,… được dịch và giới thiệu ở nước ngoài qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nay tiếp đến “đợt sóng thứ hai” khi các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư nhận các Giải thưởng văn học Quốc tế danh giá. Cái câu “hữu xạ tự nhiên hương” chúng ta quen dùng xem ra không còn thích hợp và không hiệu quả trong một thế giới phẳng. Ngày trước ta chỉ quen “mẹ hát con khen hay”. Nay không thể như thế. Xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế có nhiều cách. Bằng văn học là phương cách hữu hiệu và ít tốn kém nhất (!?). Nhưng đây là một bài toán khó. Đã đành cần xã hội hóa các hoạt động tinh thần, sáng tạo. Nhưng văn hóa luôn là “tay phanh” (trong khi kinh tế là “tay ga”). Không thể đem tư duy “nghiệp dư” để quảng bá văn học như một thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc. Cần thiết có sự hỗ trợ lớn và lâu dài của Nhà nước (về chính sách, về tài chính, về đánh giá), sự cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức văn hóa, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam. Ít nhất trong khu vực châu Á, chúng ta đã chứng kiến Hàn Quốc có chiến lược quảng bá văn hóa Hàn ra thế giới một cách điêu luyện đến mức nào. Nói đó là một “cuộc xâm lăng văn hóa” thì có lẽ quá lời. Nhưng nói đó là sức mạnh “mềm” để mê dụ đồng loại thì đúng. Vì sao phim Hàn, nhạc Hàn lại hút hồn lớp trẻ Việt trong khi chúng ta không thiếu nhân tài? Đúng như cổ nhân dạy “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Riêng Nguyễn Quang Thiều, ngoài tư cách là một nhà văn, độc giả còn thấy ông như là một “đại sứ văn hóa” miệt mài truyền bá văn học/ văn hóa Việt ra thế giới và ngược lại (trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á – Phi). Nếu chúng ta có thêm nhiều người nhiệt huyết và có kinh nghiệm như thế thì, tin tưởng trong tương lai gần, văn học/ văn hóa Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn nữa. Văn chương Việt Nam sẽ in đậm nét hơn nữa trên bản đồ văn chương thế giới.
Hà Nội, tháng 9-2018
B.V.T
(Nguồn báo Quân đội nhân dân cuối tuần ngày 2-8-2018)