Giáo dục luôn là then chốt nâng cao dân trí – GS.TSKH Vũ Minh Giang

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh – câu này của Phan Châu Trinh thật minh triết cho mọi quốc gia, thời đại. Đầu tư toàn diện cho giáo dục chính là chuẩn bị vững chắc cho tương lai”
Được biết đến là nhà giáo dục uy tín lớn, Sử gia đầu ngành của Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TSKH, NGND Vũ Minh Giang còn toả uy tín quốc tế khi được mời giảng dạy và dự các hội thảo lớn. Là TSKH Lịch sử đầu tiên của Việt Nam nhận 2 bằng tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (MGU) năm 1986, GS Vũ Minh Giang đã từng là giảng viên của Trường ĐH danh tiếng này trước khi trở lại ĐH Tổng hợp Hà Nội (nơi ông từng học) làm người thầy mẫu mực. Vừa về từ Seoul trong vai trò thành viên EPG (của Bộ Ngoại giao), GS Vũ Minh Giang đã dành cho Dân Việt cuộc phỏng vấn.
Kinh tế là động lực phát triển, nhưng để có một cuộc sống hạnh phúc, chất lượng thì văn hóa, giáo dục là chìa khóa tới tương lai. Với tầm nhìn của nhà sử học uyên bác, GS Giang khái quát và dẫn giải sinh động về dự án ông đang tâm huyết hợp tác với Hàn Quốc trong bộn bề công việc cống hiến của một học giả tuổi 72 chỉ cho mình ngủ 4 tiếng/ngày.
GS Vũ Minh Giang (phải) và Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hàn Quốc kiêm Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc- Hong Hyun Ik tại HVNG ở Seoul chiều 15/6/2022. Ảnh: NVCC

* EPG (Eminent Persons Group) là gì? EPG quan hệ ngoại giao Việt – Hàn (EPG VH) có chức năng nhiệm vụ gì?
– EPG là nhóm những người ưu tú, nổi tiếng trong một lĩnh vực hay trên một phương diện nào đó. Họ hiểu biết sâu sắc và có công lao đóng góp cho quan hệ Việt – Hàn phát triển được thành lập vào đầu năm 2022, theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao hai nước nhân kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao, có chức năng tư vấn cho Chính phủ về 3 lĩnh vực: Chính trị – Ngoại giao, Kinh tế, Văn hoá – giáo dục góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Đây thực chất là 1 think tank (nhóm tư vấn) quốc tế trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao sẽ hoạt động lâu dài. Kinh phí hoạt động do Bộ Ngoại giao 2 nước cấp thông qua Học viện Ngoại giao.
Mục tiêu trọng tâm của nhóm EPG là thúc đẩy trao đổi liên ngành giữa các chuyên gia hai nước, xây dựng các kiến nghị chính sách cụ thể, khả thi cho Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Trong thời gian qua, EPG Việt Nam đã tiến hành các phiên họp ở Hà Nội và Seoul nhằm đánh giá các thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác Việt – Hàn, đề xuất các ý tưởng tư vấn cho Chính phủ nhằm phát triển hơn nữa quan hệ này. Trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, tôi đã nêu những đóng góp của ĐH Quốc gia Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng mối quan hệ Việt Hàn và những tiềm năng đóng góp cho việc phát triển quan hệ giữa 2 quốc gia nói chung và giữa ĐH Quốc gia Hà Nội với các đối tác Hàn Quốc nói riêng.

* Thưa GS Vũ Minh Giang, EPG đã làm gì trong thời gian qua?
– Tháng 5, EPG họp trực tuyến để thảo luận về các nội dung cần tập trung dây dựng báo cáo tư vấn. Ngày 15/6/2022, EPG tiếp hành họp trực tiếp tại Seoul để thảo luận nhằm đánh giá các thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác Việt – Hàn, đề xuất các ý tưởng tư vấn cho Chính phủ nhằm phát triển hơn nữa quan hệ này. Trong phiên họp này, các thành viên EPG hai bên đã đưa ra những nhận định quan trọng:
Đến nay, 2 nước đã đạt được những thành tự to lớn, quan trọng nhất là sự tin cậy chính trị hình thành trên các chính sách xuất phát từ “thực lòng” muốn thúc đẩy quan hệ phát triển, từ những hiệu quả do hợp tác, nhất là trong kinh tế, đem lại và có cơ sở từ tương đồng văn hoá.
Từ trái sang phải: Hồng Ngọc (cán bộ Học viện Ngoại giao), TS Phan Hữu Thắng, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, nguyên Đại sứ Nguyễn Phú Bình, PGS.TS Phạm Quý Long. Ảnh: NVCC

Nhờ nỗ lực của hai bên, “hố ngăn cách” về lịch sử và sự khác biệt thể chế chính trị về cơ bản đã khắc phục. Trên tinh thần “bắc cầu qua hố ngăn cách”, các vấn đề lịch đã được giải quyết theo hướng không giấu che nhưng không khoét sâu làm ảnh hưởng đến quan hệ mà tôn trọng lịch sử khách quan, coi đó là bài học xương máu để quý trọng hơn tình hữu nghị. Giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa hai dân tộc là một thành tựu quan trọng, làm nền tảng cho phát triển bền vững quan hệ hai nước. Trong kinh tế, quan hệ Việt Hàn có vị trí hàng đầu trong hợp tác của cả 2 nước ở khu vực châu Á.

* Ấn tượng mạnh nhất của GS Hàn Quốc là gì?
– Tôi đã giảng dạy ở 4 đại học danh tiếng: Tokyo (Nhật Bản), Berkerly (Mỹ), Sorbone (Paris 7, Pháp), Seoul, tôi ấn tượng mạnh về ý chí Hàn Quốc.
Từ cuối thời Lý đã có hai nhân vật từ Đại Việt đến Cao Ly (tên của quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, từ TK 9 – 14) là Lý Long Tường và Lý Dương Côn đều là dòng dõi vua Lý. Hai nhân vật rất nổi tiếng ở xứ sở kim chi. Người thứ nhất là Lý Long Tường – danh tướng đánh thắng quân Nguyên ở Cao Ly. Người thứ hai là Lý Dương Côn có hậu duệ thứ 6 làm Tể tướng triều Cao Ly. Hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường có doanh nhân Lý Xương Căn đã về Việt Nam đầu tư và được nhập quốc tịch Việt Nam.
Tôi ấn tượng với người đàn ông thép Park Tae Joon (1927 -2011), vì tôi được gặp ông nhiều lần. Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội chúng tôi đã mời và đón ông sang giao lưu hôm 29/1/2009 khi ông 82 tuổi. Sáng lập ra Posco 1/4/1968, Park là Chủ tịch đưa Tập đoàn hùng mạnh có lúc đứng đầu thế giới. 40 năm quâm ngũ, hàm Thiếu tướng, quân nhân Park thành ngôi sao lớn của doanh nhân Hàn Quốc. Ông thành lập ĐH Postech (ĐH nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc), ĐH Công nghệ Pohang, đội bóng Pohang Steers, Quỹ Posco TJ Park. Đi qua chiến tranh, nghèo đói, ngài Park luôn tâm niệm: “Hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc bất diệt. Không lúc nào không nghĩ về tương lai cuộc đời và Tổ quốc mình”. Coi giáo dục là sự nghiệp công ích lớn nhất thiên hạ, ông nỗ lực chấn hưng giáo dục bằng mục tiêu “Giáo dục báo quốc”. Người bạn lớn của tôi còn đầu tư cho ĐH Quốc gia Hà Nội. Ý chí, khát vọng của Park Tae Joon, 11 năm sau khi ông đi xa, vẫn còn sức nóng: “Hiện đại hóa đất nước, biến thời đại của thách thức thành thời đại của vinh quang”.
TS Kim Jong Ouk – Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, ĐH Chungwoon (trái) – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội do GS Vũ Minh Giang hướng dẫn, chụp tại Nhà Xanh – Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

* Kế hoạch tiếp theo của EPG thế nào, thưa GS?
– EPG đã có phiên họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến tháng 3 vừa qua. Chúng tôi đã gặp nhau tại Seoul, họp 3 phiên/ngày vào trung tuần tháng 6. Tháng 9 tới, 5 thành viên EPG phía Hàn Quốc sẽ bay sang Hà Nội họp với 6 thành viên Việt Nam. Như vậy, mỗi quý, mỗi mùa, EPG đều gặp nhau để kiểm định công việc đã làm, rút kinh nghiệm và bàn nhiệm vụ tiếp theo.
Thưa Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, nửa thế kỉ tận hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, GS nghĩ sao khi nền giáo dục Việt Nam hiện nay chưa được như mong mỏi và khát vọng của nhân dân. Phải chăng chúng ta quá chú trọng kinh tế mà chưa mãnh liệt quyết tâm thúc đẩy nội lực thượng tầng xã hội bằng nâng cao dân trí. Câu của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 – 1926) tự thán năm 1903 cũng là con đường Duy Tân mà Cụ Phan trăn trở, chưa khi nào vơi giảm độ nóng ý nghĩa?
GS Vũ Minh Giang tại sảnh khách sạn quốc tế Lotte Seoul. Ảnh: NVCC.

– Chí sĩ, nhà yêu nước Phan Châu Trinh nhận thức được sự nguyên do mất nước là vì dân thua kém: “Dân khí yếu hèn, dân trí mờ tối, ví với các nước Châu Âu, Châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm”. Cụ mở trường, cổ động nhân dân học chữ, để thay đổi nhận thức mà cứu mình, cứu nước. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, câu này của Phan Châu Trinh thật minh triết cho mọi quốc gia, thời đại. Đầu tư toàn diện cho giáo dục chính là chuẩn bị vững chắc cho tương lai. Tôi vẫn đang từng ngày dành trí lực cho giáo dục, không chỉ trong vai trò giảng dạy đại học, sau đại học, Tổng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử các cấp, mà còn nhiệt huyết tư vấn, đóng góp cho các quyết sách giáo dục từ cụ thể (như môn Lịch sử ở cấp THPT) đến chiến lược vĩ mô.
* Trân trọng cảm ơn GS về cống hiến đa dạng của ông và cuộc trao đổi quý báu này.
GS Vũ Minh Giang hiện là Ủy viên hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch hội đồng Giáo sư liên ngành Lịch sử – Khảo cổ – Dân tộc học. Sau 2 khoá là Phó Chủ tịch, nay GS Giang là uỷ viên hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch hội đồng Khoa học & Đào tạo Viện Trần Nhân Tông; uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Việt Nam; uỷ viên hội đồng Chính sách KHCN quốc gia, GS Giang còn là một yếu nhân của tổ chức BESETOHA (hợp tác nghiên cứu, đào tạo của 4 đại học quốc gia đóng tại thủ đô 4 nước: Bắc Kinh, Seoul, Tokyo, Hà Nội, GS Giang hàng nỗ lực mấy thập niên vì sớm thấy lợi hại của chiến lược văn hóa – giáo dục.
GS.TSKH Vũ Minh Giang đương kim Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Trung tâm hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á.
GS. Vũ Minh Giang là thành viên nhóm EPG Việt Nam.

Gia Huy
(Nguồn danviet.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder