Nhận mình là doanh nhân nhưng trong tâm trí bao giờ Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị cũng xác định mình là nhà sư phạm và hiệu trưởng một cơ sở giáo dục và đào tạo đại học. Ông luôn luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường – đấy là triết lý của Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Lưu Văn Khuê về Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị.
Nhận mình là doanh nhân nhưng trong tâm trí bao giờ Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị cũng xác định mình là nhà sư phạm và hiệu trưởng một cơ sở giáo dục và đào tạo đại học. Ông luôn luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường – đấy là triết lý của Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Lưu Văn Khuê về Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị.
GS,TS Trần Hữu Nghị dự buổi gặp mặt hội viên nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.2016)
do Hội Văn hóa Doanh nhân Hải Phòng tổ chức.
Có những điều ở Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị khiến ta nghĩ người như ông không nhiều. Học hàm học cao thường xuất thân trong gia đình trí thức hoặc khá giả, vậy mà ông lại sinh ra và lớn lên từ một làng chài và vào đời chỉ là người thợ. Trước khi nghỉ hưu ông là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải, sự nghiệp và chức danh như thế đã đủ để ông thanh thản với cuộc sống an nhàn, nếu không thì làm giáo sư thỉnh giảng dạy một số giờ ở trường đại học, vậy mà không, ông lại bắt đầu cho sự nghiệp mới: Thành lập Trường Đại học Dân lập và chính từ đây ông mới thỏa sức bộc lộ hết năng lực của mình. Nay sau gần 20 năm (1997 – 2016), sự nghiệp của Giáo sư Trần Hữu Nghị và Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã hoàn toàn được khẳng định. Điều gì đã làm nên con người Giáo sư Trần Hữu Nghị mà rất nhiều người có điều kiện hơn ông lại không làm được? Tìm hiểu về ông để giải đáp câu hỏi này không chỉ sáng tỏ về một trí tuệ, tầm nhìn, nghị lực và tấm lòng vì con người, vì sự nghiệp giáo dục mà còn có ích với mọi người trên đường đời của chính mình.
Nếu ví đời người như một cuốn sách thì mỗi trang đời của Giáo sư Trần Hữu Nghị đầy những chi tiết sinh động đáng để mọi người suy ngẫm và học hỏi. Ông quê ở Quảng Ngãi, cùng huyện Bình Sơn với nhà thơ Tế Hanh. Làng Bình Chánh quê ông và làng Bình Dương của Tế Hanh cách nhau chỉ con sông nhỏ và đều sát biển, dân cư lấy nghề đi biển làm kế sinh nhai và chính gia đình ông cũng sống bằng nghề chài lưới. Có thể hình dung quê ông qua bài thơ Quê hương của Tế Hanh: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá…”. Mỗi lần nói về quê hương và tuổi thơ mình, Giáo sư Trần Hữu Nghị trầm hẳn. Sinh năm 1938 và là con thứ 9 trong gia đình đông tới 10 anh chị em, ông lớn lên trong cảnh nghèo khó. Nếu người Thanh Hóa nói vui rằng rau má là “nhân sâm” của họ thì người Quảng Ngãi cũng có “nhân sâm” của mình, đấy là… khoai lang (!) Trong một lần phỏng vấn, có người hỏi Giáo sư Trần Hữu Nghị sẽ ước gì khi chỉ có một điều ước; câu trả lời thật nhanh chóng, bất ngờ với người phỏng vấn, tưởng như dí dỏm nhưng đầy tâm trạng vì nó đau đáu khôn nguôn trong trái tim ông: Ông ước được ăn khoai lang Bình Sơn! Bởi suốt những năm tháng tuổi thơ ông đã sống và lớn lên nhờ những củ khoai lang trên đất cát quê mình. Một lần khác, trong câu chuyện thân tình và cởi mở ông kể, nhà ông nghèo đến mức thuở bé muốn đến trường học có lần đã phải năn nỉ đứa cháu gái cho mượn quần để mặc, chiều về trả! Đã nghèo, Bình Sơn lại là “rốn bão” miền Trung! Dường như năm nào cũng bão. Và bão thường rất lớn! Muốn biết bão vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thế nào xin hãy tìm đọc những trang đầu tiểu thuyết Mẫn và tôi của Phan Tứ. Nhà văn đã tả khá chi tiết trận bão năm 1970 và dẫn tin của báo chí nước ngoài: “Theo tin nước ngoài, đã có ít nhất năm nghìn người chết, hai triệu người không còn nhà ở. Nhiều làng đã biến mất không còn dấu vết. Riêng tỉnh Quảng Tín, tức Nam Quảng Nam, đã có tám mươi phần trăm số nhà bị sập và nước cuốn trôi…”.
Người ta sống vì hôm nay và cho ngày mai nhưng không bao giờ nguôi ngoai quá khứ, trong đó ký ức tuổi thơ thường sâu sắc và ám ảnh, có người muốn lưu giữ mãi, có người muốn chối bỏ. Ở Trần Hữu Nghị, tuổi thơ với những sớm mai tiễn cha anh theo thuyền ra khơi và chiều hôm đón thuyền cá trở về, cùng củ khoai quê nghèo và những trận bão để lại trong ông bao điều trăn trở: Thấy ông có chí học hành, cha mẹ ông đã cố công để ông được đến trường cho dù cả nhà có phải ăn đói mặc khát, vậy nên ông thành người duy nhất trong các anh chị em được học hành chu đáo; cũng nhờ thế ông là người độc nhất trong gia đình được chính quyền cách mạng lựa chọn cho tập kết ra Bắc với hy vọng sau này sẽ trở thành “hạt giống đỏ” của quê hương và đất nước.
Một tuổi thơ nặng lòng như vậy nên sớm ấp ủ và khơi dậy trong người thanh niên Trần Hữu Nghị mong muốn được trả món nợ tình nghĩa với gia đình, với quê hương và đền đáp niềm ưu ái của cách mạng. Ông đã thực hiện điều tâm huyết đó không phải ngày một ngày hai, không hề tính năm tính tháng, không chỉ thuở tráng niên tràn đầy ước mơ và sức lực, mà cho đến suốt cuộc đời. Trong những năm đất nước bị chia cắt, không có điều kiện để thực hiện ước nguyện, không thể làm những điều tốt đẹp và thiết thực cho quê hương và gia đình, Trần Hữu Nghị đã chọn cách không ngừng rèn luyện, phấn đấu trong tu dưỡng, lao động và học tập để “trả món nợ lòng”. Gọi là được cha mẹ cố công cho ăn học chu đáo, đến nơi đến chốn nhưng thực ra cho đến ngày tập kết Trần Hữu Nghị mới học tới lớp 4! Vì vậy, trên công trường xây dựng đường sắt Hà Nội – Thanh Hóa những năm 1954, 1955, ban ngày cuốc đất, gánh đá, vác tà vẹt, tối đến ông quyết tâm và bền bỉ theo lớp bổ túc văn hóa và học tới lớp 7. Nhờ thế, sau đó ông đủ trình độ thi được vào Trường Trung cấp Giao thông Công chính (tiền thân của Trường Đại học Giao thông Vận tải) và học ngành đường thủy. Không dừng lại ở đấy, với kết quả học tập xuất sắc Trần Hữu Nghị được chọn sang Liên Xô học đại học. Vẫn chưa hết, lúc lên đường sang nước bạn chính ông cũng không ngờ mình lại ở Ôđétxa, Liên Xô đến 8 năm (1960 – 1968) chứ không phải 4 hay 5 năm như lệ thường, bởi sau đó ông được nhà trường giữ lại làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ. Vậy là chỉ trong 13 năm vừa làm vừa học, từ anh thợ 16 tuổi chưa qua bậc tiểu học Trần Hữu Nghị đã trở thành tiến sĩ khi mới 30 tuổi. Con đường tri thức thẳng băng ấy đủ nói lên trí tuệ và nghị lực của Trần Hữu Nghị mà sâu xa là cái tâm và tầm nhìn xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước. Sau này, khi nước nhà thống nhất, sự đền đáp cho quê hương ở Giáo sư Trần Hữu Nghị có điều kiện để trở thành hành động thiết thực. Cơn bão số 9 năm 2009 đã tàn phá nặng nề tỉnh Quảng Ngãi, nơi thiệt hại nhất chính là làng Bình Chánh, để chia sẻ đau thương mất mát với quê nhà ông đã vận động cán bộ giáo viên công nhân viên và sinh viên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng ủng hộ và chuyển tới đồng bào Bình Sơn, Quảng Ngãi 3,2 tấn gạo, hơn 100 triệu đồng và nhiều quần áo, chăn màn, trong đó phần đóng góp của gia đình ông rất lớn. Lần khác, trong một chuyến về quê ông đã mua sách giáo khoa tổng trị giá 45 triệu đồng tặng Trường Trung học cơ sở Vạn Tường cùng 20 suất học bổng cho học sinh. Không chỉ nặng lòng chia sẻ với quê hương, cứ mỗi khi đài báo đưa tin nơi nào đó bão lụt lớn là ông lại quặn lòng nên thường phát động cán bộ giáo viên công nhân viên trong trường quyên góp ủng hộ đồng bào gặp nạn.
Tuổi thơ của Giáo sư Trần Hữu Nghị còn gieo mầm trong ông khát vọng chinh phục biển. Những lần theo cha anh bơi thuyền ra khơi, trần mình dưới cái nắng cháy rát, vật vã cùng sóng gió, những khi khoang nặng cá đầy, những lúc tưởng chừng chẳng có lấy một tia hy vọng, nỗi tồn tại mong manh giữa sự sống và cái chết nơi trùng khơi bão tố, tất cả dù âm thầm hay day dứt đều mỗi lúc một mãnh liệt nên cho dù bước vào đời bằng nghề đường sắt những năm đầu tập kết ra Bắc, Trần Hữu Nghị đã chọn ngành đường thủy khi học Trường Trung cấp Giao thông Vận tải và điều đó cũng vô tình thành cơ duyên để khi sang Liên Xô ông tiếp tục theo ngành này. Cơ duyên ấy còn đưa ông về với Hải Phòng – thành phố biển.
Về Hải Phòng, Tiến sĩ Trần Hữu Nghị công tác ở Trường Đại học Đường thủy (tiền thân của Trường Đại học Hàng hải). Từ giảng viên ông trở thành Chủ nhiệm bộ môn Cơ khí thủy. Năm 1973 ông được điều lên Hà Nội làm Trưởng phòng Thiết kế máy tàu thủy Viện Thiết kế Bộ Giao thông Vận tải. Công tác trên Bộ và được ở Hà Nội là ước mơ của nhiều người nhưng Trần Hữu Nghị lại không nghĩ như vậy hoặc cái duyên của đời ông không là như vậy, ông chỉ ở Viện có ba năm rồi lại trở về Trường Đại học Hàng hải, làm Chủ nhiệm Khoa Máy sử dụng. Từ đó ông gắn bó hẳn với sự nghiệp đào tạo.
Cái duyên của Trần Hữu Nghị là duyên dạy học, duyên làm thầy, duyên đem nghề nghiệp đến cho người học. Ông “làm thầy” rất sớm, ngay từ những năm trên công trường đường sắt khi vừa làm vừa học lại vừa tham gia thanh toán nạn mù chữ cho anh em trong đội. Duyên dạy học còn giúp Tiến sĩ Trần Hữu Nghị trở thành Giáo sư. Nhưng chỉ nghĩ về ông như vậy là chưa đủ bởi ông không những là người thầy mà còn là nhà khoa học – nhà khoa đúng nghĩa. Nói “đúng nghĩa” vì trên đời này chẳng hiếm những tiến sĩ chưa thể gọi là nhà khoa học, bởi sau khi có được cái bằng tiến sĩ, họ không còn cống hiến được gì thêm cho khoa học. Rất bận với nhiệm vụ giảng dạy và giữ nhiều trọng trách nhưng Giáo sư Trần Hữu Nghị vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. Ông có tới 17 đầu sách được xuất bản, gồm các giáo trình, 60 công trình nghiên cứu, hàng chục bài viết đăng trên báo chí trong và ngoài nước, cùng nhiều sáng kiến, kinh nghiệm; trong đó nhiều công trình trở thành sách gối đầu giường cho những ai theo ngành máy thủy, nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế, đem lại cho ông và nhà trường những hợp đồng có giá trị. Người viết bài này trong một lần được gặp Giáo sư Trần Hữu Nghị đã thấy tận mắt một số công trình khoa học của ông, đó là những cuốn sách cỡ 100 trang 200 trang cầm nặng tay. Điều này cắt nghĩa vì sao ông lại trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải (năm 1979) phụ trách nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy cho sinh viên vừa tham gia đào tạo sau đại học và trên đại học; đồng thời giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kiêm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị tàu thủy, Ủy viên Hội đồng khoa học của Bộ Giao thông Vận tải và giữ chức vụ này cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ.
Người viết bài này ví cuộc đời như trang sách, không ngờ điều liên tưởng chợt đến ấy lại như một thần định khiến Giáo sư Trần Hữu Nghị hết sức tâm đắc. Bởi nó đúng với con người ông: Một người hết lòng gắn bó với sách báo, coi học hành và nghiên cứu khoa học, coi văn hóa đọc như cốt lõi của hàng trang đời mình.
Học trò của Giáo sư Trần Hữu Nghị không chỉ có mặt trên các con tàu, các nhà máy mà nhiều người sau này trở thành cán bộ cao cấp tại một số tỉnh và các Cục, Vụ, Viện, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa, Hiệu trưởng trường đại học, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú… Tiến sĩ Nguyễn Đại An, Chủ nhiệm khoa Máy sử dụng Trường Đại học Hàng hải nói: “Cho đến nay hầu hết giảng viên Khoa Máy chúng tôi đều là học trò của Giáo sư Trần Hữu Nghị – người thầy mẫu mực suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng đào tạo thế hệ trẻ, dìu dắt họ trên con đường khoa học”.
Đóng góp không ngừng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Tiến sĩ Trần Hữu Nghị đã đưa ông nhận được các danh hiệu cao quý: Phó giáo sư (1983), Giáo sư (1991), Nhà giáo ưu tú (1994).
Năm 1997 Giáo sư Trần Hữu Nghị được nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu người ta thường có hai lựa chọn: Một là nghỉ ngơi hoàn toàn; hai là tìm một nghề một nơi phù hợp để làm, vừa đỡ dần cảm giác hụt hẫng vừa kiếm thêm thu nhập. Giáo sư Trần Hữu Nghị gọi đó là “ngả rẽ”. Dù ngả rẽ nào thì cũng không thể như ngả đường đã đi trước đó. Vì, nếu ví cuộc đời như những trang sách thì với hầu hết mọi người nghỉ hưu cũng là lúc trang sách đời đã khép lại những dòng ý nghĩa nhất – dẫu đáng nhớ hoặc đáng quên, đáng vui hoặc đáng buồn thì cũng có ý nghĩa nhất, bởi sau đấy trang sách đời chỉ còn những dòng nhạt nhòa cho đến khi khép lại hẳn ở trang cuối cùng. “Ngả rẽ” của Giáo sư Trần Hữu Nghị không thuộc hai “ngả rẽ” ấy, nó là “ngả rẽ thứ ba”, cái “ngả rẽ” kỳ diệu đến không tưởng vì cuốn sách đời của Giáo sư Trần Hữu Nghị đến đây dường như mới bắt đầu những trang ý nghĩa và đáng nói nhất! Bởi từ đó, từ khi sáng lập và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng ông mới bộc lộ hết phẩm chất và năng lực của mình, bên cạnh năng lực của một người thầy, ở ông xuất hiện những năng lực mới. Đó là năng lực thuyết phục, vận động, quy tụ; năng lực quản lý; năng lực của một doanh nhân. Gọi là thế, tách bạch thì như vậy, thực ra những năng lực ấy không tách rời nhau, nó nằm tổng thể trong con người ông. Nhà văn Vũ Hoàng Lâm có lý khi tại một cuộc họp Ban chấp hành Hội Khuyến học thành phố tại Trường Đại học Dân lập đã thân mật nói với Giáo sư Trần Hữu Nghị và vợ ông là Tiến sĩ Trần Thị Mai rằng thời kỳ Giáo sư là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải, chức danh đó rồi sẽ bị lãng quên, các học hàm học vị của ông cũng sẽ lẫn với bao nhiêu người khác nhưng người ta sẽ nhớ mãi ông là người sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng.
Giáo sư Trần Hữu Nghị gây ấn tượng và chinh phục bất cứ ai ngay từ lần gặp đầu tiên. Phẩm chất trí thức, tính cách của nhà khoa học thể hiện ở đôi mắt sáng toát lên nội lực mạnh mẽ, ông lại rất nghệ sĩ với vầng trán rộng, mái tóc dài lãng tử. Trời còn phú cho ông khả năng truyền cảm, vâng, có thể nói ông có tố chất của một nhà hùng biện, cuốn hút người nghe từ nội dung đến thái độ và tác phong truyền đạt, nó rõ ràng, khúc triết và vừa đủ, lại thân mật, hồ hởi, sôi nổi và cả quyết; cùng với đó là giọng nói, một chất giọng trầm ấm đem đến cho người nghe về sự chân thành và tin tưởng. Có cảm tưởng những ai giá lạnh được gần ông cũng sẽ ấm nóng, những ai yếu đuối ở bên ông cũng trở nên mạnh mẽ.
Mở lối cho việc thành lập Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 về xã hội hóa giáo dục. Nhưng không quyết tâm, thiếu quyết đoán, không dám mạo hiểm không thể thành công và đưa trường được như ngày nay. Tất cả chứng tỏ trí tuệ, tầm nhìn, nghị lực và tài năng của Giáo sư Trần Hữu Nghị. Nhưng đó chỉ là bề nổi, là những gì nhìn thấy được bởi “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”, bản chất và chiều sâu của bề nổi ấy là lòng nhân ái với con người và tấm lòng đối với sự nghiệp giáo dục, là tình yêu Hải Phòng, nơi đã thành quê hương thứ hai của ông. Điều này mới thật trân trọng. Mà nó lại bắt nguồn giản dị vô cùng: Giáo sư cho rằng một thành phố lớn như Hải Phòng không thể chỉ có mỗi trường đại học là Trường Hàng hải! Ông đi hết nơi này nơi khác học tập những người đi trước, các trường đại học dân lập thành lập trước, tìm gặp những người cùng tâm huyết, có địa vị nhất định trong xã hội và khả năng kinh tế để mời vào Hội đồng sáng lập. Tờ trình và dự án thành lập Trường Đại học Dân lập của ông mang sức thuyết phục đến mức nhanh chóng được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chấp nhận. Rồi Bộ Giáo dục Đào tạo ký quyết định công nhận Hội đồng sáng lập nhà trường; Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép thành lập. Tất cả chỉ hơn 5 tháng, từ 4/1997 đến 9/1997, trong khi các trường trước đó thường phải mất tới hai năm với biết bao trầy trật, vật vã. Ngay sau khi nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lập tức Giáo sư Trần Hữu Nghị chuyển toàn bộ 200 triệu đồng dành dụm của cả một đời công chức mà cả hai vợ chồng đều là tiến sĩ vào ngân hàng làm vốn pháp định xây dựng trường. Việc làm quả quyết đó tác động mạnh, có sức lôi cuốn đặc biệt, giúp ông huy động nhanh chóng vốn từ các thành viên sáng lập, các cán bộ, giảng viên nhà trường.
Trường Đại học Dân lập Hải Phòng giữ được nhiều bức ảnh về trường – những bức đã bạc màu thời gian và những bức còn tươi màu năm tháng, nhìn sâu vào các bức ảnh ấy, đằng sau cái mỏng manh của giấy là cả một bề dày lịch sử, đó là những ngày vật lộn đòi hỏi ở người đứng đầu những phẩm chất và kỹ năng vượt khỏi năng lực của nhà sư phạm: Bức ghi lại hình ảnh Giáo sư Trần Hữu Nghị trình bày đề án thành lập Trường Đại học Dân lập với lãnh đạo thành phố Hải Phòng ngày 24/5/1997; ngày ấy cũng vầng trán rộng nhưng tóc ông còn xanh mướt; bức về dãy nhà văn phòng của trường những ngày đầu. Bức về lễ phát động thi đua lập thành tích chào mừng 2 năm thành lập trường, thầy và trò xo ro trên mảnh sân nhỏ bé. Bức chụp cảnh xây dựng khu giảng đường, khu Khách sạn sinh viên. Những bức ghi lại hình ảnh các vị lãnh đạo Trung ương và thành phố về thăm trường… Và những bài báo mà hai bài trên số ra ngày 11/11/1997 và 7/1/1998 của báo Hải Phòng là bài sớm nhất đưa tin về trường, ngày ấy chỉ vẻn vẹn 14 phòng học, 6 phòng làm việc và 1 phòng y tế nhưng trường đã mở 6 ngành học, tuyển 1200 sinh viên.
Ai đã từng đứng trước mảnh đất thôn 1 xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải trước năm 1997 đều không khỏi ngán ngẩm. Đó là mấy căn nhà cấp 4 tồi tàn, bãi cỏ um tùm, những ao bèo và lối vào lầy lội của một xí nghiệp dệt thảm bị phá sản. Nhưng với Trần Hữu Nghị, mua nó ông sẽ được – cái được duy nhất nhưng lại quan trọng nhất – ấy là nó rộng 6.303 m2, đủ để sau này xây dựng một nơi dạy và học tương đối rộng rãi. Ngày nay đấy là khu giảng đường 6 tầng với 140 phòng học, thư viện và các phòng làm việc trang bị hiện đại, còn con đường lầy lội phía trước giờ gọi là đường Dân Lập, một cái tên mang nhiều ý nghĩa.
Sinh viên cần có nơi nội trú , nhất là sinh viên các tỉnh xa. Giáo sư Trần Hữu Nghị đã nghĩ đến điều đó ngay từ đầu nhưng đến năm 2000 mới có điều kiện để mua mảnh đất thứ hai tại khu Quán Nam, phường Kênh Dương, cách khu giảng đường một con phố để làm ký túc xá sinh viên. Nơi này khi chưa đến tay Giáo sư thậm chí còn hoang dại hơn mảnh đất thôn 1 Dư Hàng Kênh, bởi ngoài đầm ao cỏ lác, còn “điểm thêm” những mồ mả (!), cái được – vẫn là cái được duy nhất nhưng hết sức quan trọng và đáng giá của mảnh đất ấy là nó rộng hơn 26.000 m2. Tại đây, ngày 4/1/2003 Trường đã long trọng làm lễ khánh thành Liên hợp thể thao – Khách sạn sinh viên. Khách sạn cao 6 tầng, gồm 240 phòng. Các phòng không có giường tầng nên không có cảnh “leo lên đầu nhau” như phần lớn các ký túc xá sinh viên vì mỗi người một giường, một bàn học, một tủ, một ổ điện; mỗi phòng một khu vệ sinh, một côngtơ điện, một đồng hồ đo nước; người đến ở chỉ cần mang theo quần áo, còn chiếu và chăn màn là của trường. Liên hợp thể thao gồm nhà luyện tập chức năng và khán đài đủ chỗ cho 2500 người, sân vận động trải cỏ nhân tạo để tổ chức những trận đá bóng, một bể bơi thông minh nước lúc nào cũng trong vắt nhìn thấy từng viên gạch dưới đáy. Nhà ăn tươm tất và khá hiện đại, có máy sấy khay bát. Sinh viên đến nhà ăn mỗi người một khay, thức ăn tự chọn; chiều chiều nếu không tới sân tập thể thao thì dạo chơi ở vườn hoa ngay giữa khách sạn.
Năm 2009 tại Khu Liên hợp thêm một công trình mới, đó là Trường Mầm non Hữu Nghị Quốc tế dành cho con cái giảng viên, nhân viên của trường và bà con trong khu vực. Gần đây Trường Mầm non được chuyển sang một số phòng tại tầng trệt Khách sạn sinh viên, dành chỗ cũ mở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hữu Nghị Quốc tế. Người viết bài này tháng 6/2016 đã được Giáo sư Trần Hữu Nghị dẫn tới thăm một lớp tiểu học. Cuối chiều nên phần đông trẻ đã về, chỉ còn vài cháu vẫn mải vui với một cô giáo người Anh. Xem ra cách dạy và học ở đây cũng như cách “Tây dạy” có khác: Cô với trò nhảy và hát bằng tiếng Anh theo bài hát và hình ảnh từ máy tính trước mặt. Trong lớp thì cả một dãy tủ toàn sách tiếng Anh, loại sách trang nào cũng có hình minh họa. Tôi lấy một cuốn, mở một trang, bảo cháu lớp 1 đang đứng cạnh đọc, cháu đọc rành rọt đến mức tôi chỉ còn biết tấm tắc! Chiều hôm ấy đang giữa mùa hè, một mùa hè nóng nực kỷ lục vậy mà gió từng luồng mát rượi, cứ như bao nhiêu gió từ Đồ Sơn đều dồn cả về đây!
Nói đến trường học, điều quan tâm số 1 là dạy và học. Uy tín của trường là ở đấy. Với trường đại học điều này càng quan trọng vì là nơi dạy nghề, nơi đào tạo những con người thẳng bước vào đời. Trong đề án thành lập trường đây là một nội dung quan trọng ngang với những tính toán về việc kêu gọi cổ đông và xây dựng trường sở. Đầu tiên, Giáo sư Trần Hữu Nghị tạo lập đội ngũ cán bộ cơ hữu 12 người, trong đó có 7 giảng viên, hình thành các khoa, các ngành đào tạo. Từ 12 người nay đội ngũ cơ hữu đã hơn 300 người, đảm nhận 70% khối lượng giảng dạy, gồm 15 giáo sư, phó giáo sư, 31 tiến sĩ, 15 nghiên cứu sinh, số còn lại đều có trình độ thạc sĩ. Hàng năm trường dành hàng tỉ đồng cho công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu.
Trường đại học là một cơ sở khoa học nên Giáo sư Trần Hữu Nghị rất quan tâm đến điều kiện cho việc dạy và học. Các phòng học đều được trang bị điều hòa nhiệt độ, máy chiếu projector và camera. Hàng chục phòng thí nghiệm, hàng trăm máy tính nối mạng nội bộ và Internet. Trung tâm thông tin – Thư viện được xây dựng theo phương châm “Là cầu nối giữa bạn đọc với kho tri thức nhân loại” nên được trang bị máy tính tốc độ cao, hàng chục vạn đầu sách và tài liệu điện tử. Chất lượng phục vụ của Thư viện đã được “Bảng xếp hạng website các trường đại học trên toàn thế giới” của Webometric, một tổ chức phi lợi nhuận của Đan Mạch đánh giá cao.
Tất cả có thể nói Trường Đại học Dân lập Hải Phòng có cơ sở vật chất sánh ngang với bất kỳ trường đại học lớn nào trên toàn quốc. Được như vậy là bởi Giáo sư Trần Hữu Nghị thấm nhuần lới dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, dựa vào dân, làm cho dân tin, lấy nhân dân làm nguồn lực. Dân ở đây là nhân dân nơi trường đặt cơ sở, là các cổ đông, là thầy và trò.
Trường Đại học Dân lập Hải Phòng có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, học viện và tổ chức quốc tế nên giảng viên của nhiều nước đã đến thăm và giảng dạy tại trường như các tình nguyên viên của Anh, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Philipines; trường cũng cử nhiều giảng viên và cấp học bổng cho một số sinh viên ưu tú du học.
Một trong những điều không thể không quan tâm là sinh viên tốt nghiệp sẽ kiếm việc làm ở đâu. Trường đại học ở ta quá nhiều, việc tuyển sinh thiếu kế hoạch, sinh viên tốt nghiệp hằng năm quá đông nên ra đời nhiều người không tìm được việc làm. Nhưng với uy tín về chất lượng đào tạo, hơn 15.000 cử nhân, kỹ sư tức là 93% sinh viên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng những năm qua đã tìm được việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường. Thạc sĩ Kiến trúc sư Minh Trí, giáo viên thỉnh giảng của trường đã nói về khoa mình: “Khoa Xây dựng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là địa chỉ đào tạo kiến trúc sư luôn dành sự quan tâm và ưu đãi trong học tập cùng cuộc sống với công việc ổn định khi ra trường.” Điều giúp sinh viên của trường khi tốt nghiệp đáp ứng được đòi hỏi của thị trường nhân lực là do họ được giáo dục và đào tạo toàn diện khi còn ở trường với phương châm sức khỏe là số 1, đạo đức là hàng đầu, kiến thức là sự đảm bảo cho nghề nghiệp, trách nhiệm và đam mê với xã hội và công việc là phẩm chất. Con người ta, theo ông, phải biết nhiều thứ chứ không chỉ có học và làm.
Có người băn khoăn việc Giáo sư Trần Hữu Nghị giao cho sinh viên tự quản lý nơi ăn chốn ở của mình. Có người lại bảo đã gọi là khách sạn thì phải có người phục vụ, không thể để khách tự phục vụ. Điều đó đúng, nhưng chưa hoàn toàn đúng khi khách lại là sinh viên. Theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, sinh viên vừa là chủ nhân khách sạn vừa là đối tượng cần được giáo dục về mọi mặt. Họ không chỉ đến trường để học nghề học chữ mà phải được rèn luyện ý thức tự chủ và tính kỷ luật để ra đời trở thành người toàn diện. Việc giao cho sinh viên tự quản nơi ở chứng tỏ lòng tin vào con người của Trần Hữu Nghị và đấy chính là năng lực quản lý đặc biệt ở ông. Chiều sâu của lòng tin ấy và năng lực ấy là tinh thần nhân văn nơi tâm khảm. Ông là người mạnh mẽ, quyết đoán nhưng nhân hậu, dễ xúc động trước người gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo. Tuổi thơ vất vả nơi mảnh đất lầm than thấm vào ông trở thành tình thương bao trùm tới mọi cảnh ngộ khó khăn. Ông quan tâm đến sinh viên nghèo tới mức có cảm tưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng là trường dành cho người nghèo! Ngay năm học đầu tiên, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhất là về tài chính, Giáo sư Trần Hữu Nghị vẫn quyết định miễn học phí cho 12 sinh viên diện gia đình chính sách, cấp học bổng cho 3 sinh viên giỏi. Đồng Thị Nga (sinh 1980) bị nhiễm chất độc màu da cam từ người cha vốn là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ đã được Giáo sư Trần Hữu Nghị miễn toàn bộ học phí suốt 4 năm học, khi tốt nghiệp được trường giữ lại và cấp tiếp 70 triệu để du học ở Malaysia và trở thành thạc sĩ, nay là giảng viên của trường. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (sinh 1981), cô gái tật nguyền năm 2 tuổi, từ sinh viên đã trở thành thạc sĩ giảng viên tiếng Anh của trường, “thủ lĩnh” nhóm Tình thân SOS gồm các sinh viên khuyết tật ở Hải Phòng. Lê Anh Phong, sinh viên người Quảng Bình cảm phục trước nghị lực của Quỳnh Hoa, đã làm thơ tặng cô: “Đôi chân em khó nhọc trên đường/ Vẫn nâng bổng trái tim giàu nhiệt huyết/ Những gì em làm, những gì em mơ ước/ Trái tim em/ Không khuyết tật bao giờ…”. Nghị lực ở Quỳnh Hoa là điều đã rõ nhưng nếu không có người thầy như Giáo sư Trần Hữu Nghị rất có thể cô không đủ nhiệt huyết và niềm tin để được như ngày nay.
Có người cho rằng các trường tư thục và dân lập chính là một doanh nghiệp do sự hùn vốn và có Hội đồng quản trị. Giáo sư Trần Hữu Nghị đồng ý như vậy nhưng ông thêm: Đó là loại doanh nghiệp đặc thù bởi lẽ sản phẩm của nó là sản phẩm đặc biệt: là con người, là những kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tương lai. Nói đầu tư vào giáo dục là đầu tư có lợi nhất, vậy thì về bản chất nó cũng không khác các trường công lập. Coi trường tư thục và dân lập là doanh nghiệp đặc thù nên có người muốn gọi Giáo sư Trần Hữu Nghị là doanh nhân. Ông không từ chối mà còn coi đó là một vinh dự vì được đánh giá cao, bởi theo ông, doanh nhân là người không chỉ biết lo làm giàu cho mình – làm giàu một cách chính đáng mà còn biết lo tạo công ăn việc làm cho người lao động, lo làm giàu cho đất nước; đã lo cái trước mắt lại lo cho mai sau. Có thể nói không ai phải lo nghĩ nhiều như doanh nhân, càng là doanh nhân ngoài quốc doanh càng lắm lo toan – họ như người luôn luôn đứng chênh vênh trên bờ vực, vững vàng thì thành công, sa sẩy là thất bại.
Nhận mình là doanh nhân nhưng trong tâm trí bao giờ Giáo sư Trần Hữu Nghị cũng xác định mình là nhà sư phạm và hiệu trưởng một cơ sở giáo dục và đào tạo đại học. Ông luôn luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường – đấy là triết lý của Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị. Mọi suy nghĩ, lo toan, vun đắp của ông cũng như mọi năng lực, từ năng lực thuyết phục, vận động, quy tụ, quản lý đến năng lực của một doanh nhân ở ông đều nhằm vào triết lý ấy và cho triết lý ấy. Giáo sư rất coi trọng chất lượng của đội ngũ giảng dạy nên không tiếc công sức và tiền của để giúp họ trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, điển hình là các cựu sinh viên của trường: Tiến sĩ Hồ Thị Hương Thơm, thạc sĩ Đồng Thị Nga, thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc chi nhánh Vietravel tại Hải Phòng, Nguyễn Thị Hà.
Cũng với cái lý các trường dân lập và tư thục là một doanh nghiệp, hoặc coi đó là một cái cớ, nhiều trường ít chú ý đến công tác Đảng. Giáo sư Trần Hữu Nghị không vậy, người đảng viên 55 năm tuổi Đảng ấy hiểu do đâu mà mình từ người chỉ học hết lớp 4, từ anh công nhân cuốc đất, đắp đường tàu hỏa lại trở thành giáo sư tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải và nay là Hiệu trưởng một trường đại học. Nên từ chỗ Trường Đại học Dân lập Hải Phòng chỉ 13 đảng viên ngày mới thành lập Chi bộ, nay đã có một Đảng bộ với hơn 200 đảng viên, có năm như năm 2010 trường phát triển tới 36 đảng viên mới. Đảng bộ nhà trường luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Với cái tâm như thế vậy mà con đường của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng và Giáo sư Trần Hữu Nghị không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ. Ông coi cán bộ nhân viên giáo viên của trường như những người làm chủ. Không ngờ điều đó lại làm cho ông điêu đứng, bởi một số thành viên trong Hội đồng quản trị lại quan niệm đấy chỉ là những người làm thuê cho họ! Vậy là diễn ra cuộc chiến dường như không cân sức giữa ông và một số thành viên trong Hội đồng quản trị. Sau 3 năm 9 tháng 11 ngày cuộc chiến ngã ngũ và thắng lợi về phía ông. Ông giành thắng lợi vì đã đứng về phía quyền lợi của cán bộ giảng viên cơ hữu, hay nói cách khác là đứng về phía nhân dân và vì quyền lợi của họ, đảm bảo vị thế của một trường học xã hội chủ nghĩa. Chỉ tiếc, nếu không xảy ra cuộc chiến ấy, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng còn tiến xa hơn nữa.
Gần 20 năm (1997 – 2016) chỉ là khoảng thời gian ngắn, vậy mà Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã tiến một bước dài, trở thành một trong 20 trường Đại học đầu tiên được Hội đồng Kiểm định quốc gia công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục toàn quốc; 1 trong 100 Thương hiệu Việt bền vững năm 2012; cùng rất nhiều danh hiệu cao quý khác.
Báo chí viết nhiều về Giáo sư Trần Hữu Nghị, gọi ông là “Vị thuyền trưởng của những giấc mơ”, là “gạch nối tương lai”, “một trí tuệ, một tâm hồn, một tầm nhìn, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục đại học”, là “nhà chiến lược giáo dục tầm vóc lớn”… Tất cả thiết nghĩ đều không nói hết về ông. Nhà thơ Đinh Thường viết: “Mảnh đất này kỳ diệu lắm ai ơi/ Ý tưởng thần tiên bắt đầu từ người thầy tâm huyết/ Mở cửa tương lai rạch ròi quyết liệt/ Giữ đức yêu thương, tin ở con người/ Trong muôn sự, học cũng là một con đường/ Biết đứng, biết đi sẽ về tới đích/ Cảm ơn thầy đã truyền cho sức mạnh/ Đại học Dân lập Hải Phòng – hướng mở phồn vinh”.
Quá khứ như vậy, hiện tại là thế. Còn sau này? Không chỉ sau này mà ngay ngày hôm nay Trường Đại học Dân lập Hải Phòng và Giáo sư Trần Hữu Nghị đã và đang đứng trước thử thách mới đầy khó khăn. Hè năm 1997, năm tuyển sinh đầu tiên 29641 thí sinh của 56 tỉnh thành phố náo nức đổ về Hải Phòng về dự thi, “dư sức” cho trường chọn lấy 1200 người, tức 1/20; cũng hồi đó cả nước mới có 113 trường đại học dân lập và tư thục, nay đã là 480 trường. Nghĩa là giờ đây các thí sinh đứng trước rất nhiều lựa chọn và diễn ra cuộc cạnh tranh không tuyên bố giữa các trường trong việc tuyển sinh. Đó là chưa nói trong tâm lý, người Việt Nam vẫn muốn làm việc tại các cơ quan Nhà nước và ưa chọn học các trường công lập. Từ lâu Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã chuẩn bị cho việc thành lập cơ sở 2 ở Minh Tân, Kiến Thụy; 13 tỉ đồng đã trả đền bù cho 12 hecta đất chỉ trong vòng 3 tháng. Nhưng từ đó đến nay chưa thêm một tiến triển nào vì để có nơi đảm bảo chất lượng dạy và học ngang tầm thế giới, đủ sức cạnh tranh với các trường đại học ở Asean như mong muốn phải cần ít nhất 1200 tỉ tiền xây dựng cơ sở vật chất; số tiền ấy hiện chưa thể có được. Và nhiều thử thách khác nữa. Câu “Thời cơ, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn thách thức không ít” vì được nghe quá nhiều nên thú thực người viết bài này đã gần như vô cảm, chỉ đến khi được gặp Giáo sư Trần Hữu Nghị cảm xúc mới nhen nhóm trở lại. Trong cái nóng gay gắt của mùa hè 2016 nghiệt ngã, lời nói, cử chỉ, sự sôi nổi thường thấy và những mệt mỏi mới chớm của Giáo sư đã làm câu nói kia trở nên sống động.
Ngày mai sẽ ra sao khi năm tháng mỗi lúc lại nhuộm bạc mái đầu vị Giáo sư Hiệu trưởng tài năng và tâm huyết? Những dòng nơi trang sách đời ông rồi sẽ như thế nào? Do dự mãi, cuối cùng tôi cũng mạnh dạn hỏi câu đáng lẽ không nên hỏi về nhân sự tương lai của trường, Giáo sư cho biết đã chuẩn bị từ mấy năm nay. Tôi tin tưởng ở sự chuẩn bị ấy nhưng cũng tin rằng lại được một người như ông không dễ.
20 tháng 6 năm 2016, một ngày nồng nực!
L.V.K
_______
Liên hệ: Nhà văn Lưu Văn Khuê
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
ĐT: 0906122526