“Gió xanh từ cửa biển” – NXB Hội Nhà văn, 2023 là hợp tuyển Lý luận phê bình, truyện ngắn và thơ. Đây là tác phẩm do Ban Văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Hải Phòng nhiệm kỳ 2018-2023 tuyển chọn giới thiệu. Tập sách sum tụ 16 gương mặt các thành viên của Ban với 166 trang viết gồm 2 bài phê bình, 7 truyện ngắn, còn lại là thơ. Tác phẩm như một ngọn gió văn chương trẻ hòa vào giữa dòng gió văn chương vốn đã thổi lồng lộng rung một góc trời vùng đất đầu sóng, đầu gió nơi đây.
Trong phần lý luận có 2 nghiên cứu khá ấn tượng. Nếu Lương Kim Phương có một cái nhìn vừa tổng quan vừa thấu triệt về tiếng thơ của các nhà thơ nữ Hải Phòng mấy chục năm của thời kỳ đổi mới qua bài viết “Thơ nữ Hải Phòng sau 1986, trong dòng chảy thi ca đương đại”; thì Bùi Hải Yến lại đề cập tới tác phẩm đạt giải Nobel Văn học 2013 bằng nghiên cứu “Đặc sắc nghệ thuật trong Trốn chạy của Alice Munro”. Các cây bút lý luận đã chứng tỏ bản lĩnh của người phê bình chuyên nghiệp. Lối cấu trúc bài viết, các khía cạnh khai thác được đặt thành các vỉa tương ứng các luận điểm; ngôn ngữ hình ảnh, khái niệm mang tính chuyên môn… đã làm rõ vị trí và giá trị cống hiến của thơ nữ Hải Phòng thời kỳ văn đàn Việt đổi mới trong bài viết của Lương Kim Phương. Đồng thời Bùi Hải Yến nghiên cứu về “Trốn chạy” đã chỉ ra được sức mạnh thâm trầm của chủ đề, trong bộ truyện ngắn về những bí ẩn không thể giải gỡ trong tâm hồn người, đặc biệt là tâm hồn phụ nữ…
Về truyện ngắn, bên cạnh nhiều câu chuyện khá ấn tượng có thể kể đến tác phẩm “Người đàn bà Phù lá” của Cù Thị Thương. Truyện kể về cô gái người Phù lá người vượt qua lớp sương nghìn năm của văn hóa bộ tộc du mục để đến với ánh sáng rồi ngược về đấu tranh, cải tạo nó. Đây là ách nhìn mới, cách hành động mới của lứa thanh niên thời 4.0. Nhưng kết cục vẫn là nỗi buồn, không giải quyết thấu triệt được vấn đề… Truyện mang dáng dấp phiên bản “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Nó gợi nhiều ám ảnh về thực tế cuộc sống vẫn còn đang phát đi những tín hiệu SOS trên đất nước trong cõi người Việt trên những bản làng vùng cao.
Trần Ngọc Mỹ với truyện ngắn “Nắng ngoài ô cửa sổ” lại là câu chuyện đấu tranh để bảo vệ giá trị tình yêu ruột thịt, ngợi ca đạo lý và khẳng định tình yêu chiến thắng. Hình ảnh nắng dược sử dụng như một ẩn dụ để nói về ánh nắng trong lòng người xóa tan u ám vấn vương đời thường thế tục thời 4.0 đang có những đảo lộn để giữ nếp nhà trân quý yêu thương cha mẹ. Đây là kết cục có hậu nhân văn ấm áp.
Tập sách ghi lại tiếng thơ của 10 nhà thơ trẻ, trong số ấy có nhiều tác giả đã từng đoạt các giải của Tạp chí Văn nghệ quân đội, các giải thi chuyên môn toàn quốc và Hải Phòng về thơ ca như Lương Kim Phương, Nguyễn Thị Thùy Linh, Thy Nguyên, Phạm Thị Hồng Diên… Từ đây có thể thấy được sự sung sức của những cây bút thơ trẻ Hải Phòng.
Ở tác phẩm này, các bài thơ trong toàn bộ trình tập đã đề cập đến khá nhiều đề tài của cuộc sống đương đại từ những trạng huống rung cảm khác nhau của tâm hồn. Mỗi tác giả có một phong cách thể hiện riêng, nhưng nhìn chung các bài thơ của từng tác giả đều lưu lại một ấn tượng cho người đọc.
Trước nhất, khi đọc tác phẩm, dễ dàng nhận ra cảm thức về quê hương vẫn là một đề tài day trở với nhiều tác giả. Cảm thức ấy có thể là thể hiện trực tiếp trong tình cảnh chứng kiến, hay có thể là hoài niệm nhớ về, trong suy tư trong bình luận… Nhưng kết lại, quê hương vẫn là một phần máu thịt, một phần quá khứ gắn vào da thịt, kết vào tâm hồn. Ta có thể gặp điều ấy trong “Tháng Mười” của Nguyễn Tuấn với hình ảnh quê hương vần xoay trong gian khó và tấm tình tác giả gửi vào trong đó; hay trong “Mùa chim ngói” của Lương Kim Phương lại là nỗi tiếc nhớ xót xa người cũ cảnh xưa trong miền quê yêu dấu mà thời gian đã trôi qua. Trong cái nhớ, cái nghĩ rất mênh mang về quê hương đó, tập thơ để lại dấu ấn về gương mặt đất và người Hải Phòng vừa cụ thể vừa có sức gợi khái quát với bài thơ “Đảo Các Bà” của Phạm Thị Hồng Diên. Theo chiều sâu lịch sử và chứng kiến sự kiện diễn ra trên hòn đảo thành phố biển đau thương và anh dũng, bài thơ vừa nói được diễn biến thăng trầm trên mảnh đất đảo miền sóng, vừa là tiếng nói tự hào về quê hương đất Cảng.
Ở trong vỉa thơ này có những khúc trầm buồn. Ta gặp những nỗi niềm xót xa trong “Nón mê” của Nguyễn Văn Dương. Bài thơ “Hình cây lúa” của Nguyễn Văn Thắng lại mang một cảm giác âu lo về sự đe dọa mất gốc văn hóa quê hương và bời bời ám ảnh cảm thức âu lo trước thời cuộc tương lai.
Rất nhiều bài thơ là khúc ca về tính cảm tình yêu gia đình cất lên từ cõi lòng thẳm sâu và bằng cách nói khác biệt. Thy Nguyên trút lòng yêu và thương nhớ mẹ, trong “Xin tuổi cây cho mẹ”, hay Lương Kim phương nhận ra tình yêu và biết ơn bậc sinh thành từ những lời mắng mỏ, thậm chí làn roi quất của Bố.
Có một điều lạ là khúc ca của tình yêu đôi lứa không được cất lên nhiều ở tập thơ dù rằng các thi sĩ toàn là người trẻ. Mặc dầu vậy tập thơ vẫn kịp thời có tiếng ngân “Xốn xang hoa bưởi” của Nguyễn Văn Dương. Một tình yêu tháng Ba lung linh gắn với hương sắc quê thi vị. Ngược lại là tiếng buồn của cõi lòng sự thổn thức của trái tim thiếu nữ được gửi vào thơ thời “hậu tình yêu” của Lê Nhi trong chùm “Vu quy”, “Đời rêu”.
Có một sự mạnh mẽ bộc lộ cảm quan đời sống nhạy bén, tầm tư duy vươn xa ngoài cái thường nhật, nhỏ lẻ của đời sống là những bài thơ đề cập tới các vẫn đề mang tính xã hội rộng lớn. Ta gặp những đề tài này trong nhiều bài thơ, có thể kể đến: “Chiến tranh” của Nguyễn Tuấn, nhà thơ bắt đầu có suy ngẫm khá sâu sắc về mặt trái của chiến tranh khi nhìn dọc thời gian lịch sử. Ở Phạm Thị Hồng Diên trong thi phẩm “Chiều mưa thành cổ” thì nhìn vào dấu tích chiến tranh cụ thể, có thể nói đó là dấu tích của những cái chết để từ đó hồn thơ cất lên thông điệp, ước vọng tha thiết đó là khát vọng hòa bình. Sử dụng hình ảnh con chim bồ câu bị giam trong những chiếc lồng trong bài thơ “Ngõ vào nhà nữ sĩ”, Nguyễn Thị Thùy Linh đã phản ánh được một thực tế hòa bình vẫn đang là biểu tượng mà con người khao khát, nó chưa bay vào đời sống loài người.
Chùm những bài thơ này chứng minh sự già dặn của tư duy thơ không chỉ là hướng về chọn đề tài vượt thoát con đường mòn mà các bậc tiền bối đi qua để tự mở hướng đi mà còn thể hiện năng lực xử lý đề tài để hóa thân nó thành tứ thơ sáng tạo của các tác giả.
Tập sách cũng để lại những cảm nhận về sự đổi mới trong hình thức tác phẩm. Với 7 truyện ngắn, các tác giả đã viết về những đề tài không mới nhưng mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại với cái nhìn trẻ, đặc biệt cách giải quyết kết cục các câu chuyện khá bất ngờ và giàu chất nhân văn. Cách viết lối viết vừa cổ điển trong cốt truyện nhưng, cách tạo kết cấu, xây dựng tình tiết; đặc biệt tư tưởng chỉ đạo trong giải quyết tình huống truyện rất đời sống hiện đại và nhân văn.
Bên cạnh đó các tác phẩm thơ xuất hiện một số cách thể hiện khác với thơ
truyền thống. Hầu hết các bài thơ đều có giọng thơ tự do phóng khoáng không khuôn bó về vần, về cấu trúc số câu trong khổ. Một số bài thơ có cách dùng các câu thơ không viết hoa đầu dòng. Cũng xuất hiện những bài thơ đổi mới ngắt dòng nhịp lục bát để nhấn mạnh ý mong muốn của người viết như chùm lục bát Nguyễn Tuấn. Cần nói ngay rằng, những đổi mới này không phải là sáng tạo của Văn trẻ Hải Phòng mà đây là sự “vận dụng” linh hoạt các kết quả thể hiện của thi ca giai đoạn sau đổi mới. Điều “đổi mới” lớn nhất của các tác phẩm trong tập chính là tư tưởng tự do dám nói dám nghĩ và cách giải quyết nhiều vấn đề từ đời sống và nthể hiện nó bằng bản sắc cá thể của mỗi tác giả.
Đọc xong tập sách có cảm giác tác phẩm chưa bộc lộ hết những năng lực của các tác giả, nó cũng chưa thể hiện sự “bùng nổ” của các tác phẩm mà các nhà văn trẻ Hải Phòng đã có, đã từng gây tiếng vang trên nhiều văn đàn. Đây thực sự là điều đáng tiếc. Dấu ấn lịch sử chiến công và văn hóa của đất và người miền sóng bị mờ. Tập sách hầu như chỉ rõ nhất ở một bài thơ “Đảo Các Bà” của Phạm Thị Hồng Diên. Tập sách có sự vang vọng của tiếng đời. nhưng dấu ấn thời cuộc lại bị các cơn “Gió xanh” bay qua, đó là những đề tài về biển đảo của Tổ quốc, khi mà Hải Phòng là vùng biển đảo trọng yếu về cơn đại dịch covid không được đề cập…
Mặc dù còn những hạn chế, nhưng toàn bộ trình tập không có bài nghiên cứu, truyện ngắn hoặc bài thơ nào non lép. Trong bối cảnh văn chương hiện tại, các cây bút trẻ đang tầm phát triển mà đã trồng cấy được trên cánh đồng thơ văn của mình một mùa thu hoạch đẫm chất tươi xanh như vậy là một điều đáng mừng vui và trân trọng. Điều này cũng mở ra một niềm tin: nhịp sóng văn chương của vùng đất biển Hải Phòng vẫn vỗ động không ngừng. Theo nhịp sóng ấy, dù thời gian cứ trôi và cuộc đời vô thường biến đổi nhưng văn chương nơi đây bao giờ cũng có tiếng nói riêng, có những đỉnh cao xuất hiện trên văn đàn. Hy vọng Văn trẻ thành phố hoa phượng đỏ sớm tạo ra những luồng sóng mới./.
N.Đ.M