Nhuận bút thực sự của tác giả thơ văn Việt Nam không chỉ dựa vào 10% nhân với giá bìa, nhân với số lượng phát hành in trên bìa mà nó nằm ở số lượng in thực tế, tuy nhiên số lượng in thực tế và số lượng in ghi trên bìa sách thì đa số là không giống nhau.
Trần Nhã Thụy cho rằng: “Nhân vụ Lê Hữu Nam khiếu kiện công ty sách Bách Việt, tôi nghĩ cái “bóng ma gian lận” kia càng khiến người ta ngờ vực. Nhưng rồi thì sẽ làm gì? Ai xử vụ này để phân rõ trắng, đen? Tôi rất mong là có một kết cục đàng hoàng…”.
“Nếu như quý vị kiếm miếng cơm thì cũng cho chúng tôi… chút cháo”
Nhận xét về tình hình xuất bản nói chung, Trần Nhã Thụy cho hay: “Chuyện sách lậu, sách in nối bản mà tác giả không hề biết, hoặc biết mà không thể làm gì, không phải bây giờ mới có, mà nó có từ xưa nay. Bản thân tôi là tác giả của hơn 10 đầu sách, cũng có một lượng độc giả tương đối, nhưng sách in ra số lượng chừng 2 ngàn đã là… kịch trần rồi. Tuy nhiên, in chừng ấy, nhưng lúc nào đi nhà sách vẫn thấy bán. Cái này biết vậy, rồi… nghi nghi vậy thôi, chứ biết kêu ai?
Tất nhiên là tôi cũng biết, kinh doanh sách không phải là “ngon ăn”, đặc biệt là mảng sách văn chương nội địa.
Người làm sách lâu nay vẫn lấy chỗ này bù chỗ nọ. Điều tôi muốn nói là: Nếu như quý vị kiếm miếng cơm thì cũng cho chúng tôi… chút cháo. Dẫu biết tiền nhuận bút là ít ỏi, nhưng cũng nên sòng phẳng, minh bạch để người viết cảm thấy được tôn trọng, được ứng xử văn minh…”.
Số lượng sách in rất quan trọng trong việc quyết định nhuận bút của nhà văn. Tuy nhiên, nhà văn ở ta không thể biết số lượng sách của mình in bao nhiêu. Hiện nay, gần như các đơn vị xuất bản đều có quy trình khép kín. Nghĩa là ngoài việc mua bản quyền của tác giả, các đơn vị xuất bản đều có nhà in của riêng mình. Các nhà văn không thể vào tận nhà in để kiểm tra số lượng sách in thực tế là bao nhiêu cuốn so với hợp đồng (số lượng in ghi trên bìa sách).
Nhà thơ Lê Minh Quốc, nói vui: “Chỉ còn cách kêu gọi đạo đức kinh doanh của họ mà thôi chứ chẳng làm được gì?”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cho rằng: “Quy định tác giả được hưởng nhuận bút 10% giá bìa mỗi cuốn sách, hoàn toàn hợp lý, nhưng lại rất khó… công bằng. Lý do, tác giả không thể nào kiểm soát số lượng in. Thời bao cấp, sách nào cũng rành mạch phát hành hàng vạn bản, nhuận bút 10% quả thật quá ngon lành. Bây giờ, nhuận bút 10% chỉ còn hấp dẫn ở những cuốn sách của NXB Giáo dục.
Có nên miễn cưỡng chấp nhận “mua đứt bán đoạn”?
Khi xuất bản đã được xã hội hóa, thì nhuận bút 10% xem ra hơi mơ hồ. Muốn giảm bớt chi phí sản xuất thì công ty sách buộc phải giải quyết khéo léo bài toán đầu tư. Phí cấp giấy phép xuất bản đã cố định, tiền in cũng cố định, tiền phần trăm phát hành cũng cố định… Chỗ dễ dàng vận dụng sự “khôn ngoan” nhất là… nhuận bút của tác giả. 10% trên hợp đồng khác hẳn 10% in thực tế.
Tác giả chỉ nhận được nhuận bút 10% nhân với giá bìa của 500 hoặc 1.000 (số lượng phát hành ghi trên bìa sách), nhưng trên thực tế thì số lượng in và phát hành đa số lớn hơn con số đó rất nhiều.
Vì vậy, nhuận bút 10% gần như là một khoản tiền vui vẻ để thể hiện sự tri ân của công ty sách với tác giả, chứ không hề có giá trị đền đáp thù lao sáng tạo.
“Thị trường sách hôm nay, giới phát hành đã ẵm trọn 45% giá bìa mỗi cuốn sách. Nhà xuất bản hay công ty sách cũng phải nghiêng mình trước quyền lực của giới phát hành.
Khi và chỉ khi ý thức con buôn của họ bị đè nén, thì tác giả sẽ được đối xử tử tế hơn.
Không thể phủ nhận, vẫn còn tồn tại tâm lý đầu tư xuất bản một cuốn sách đã là hành động… ban ơn cho tác giả. Tuy nhiên, những nhà làm sách thông minh (kể cả quốc doanh lẫn tư nhân) đã biết cách uyển chuyển hơn về nhuận bút. Thay vì nhà làm sách cứng nhắc trả 10% theo số lượng in mà tác giả không thể nào theo dõi được, nhuận bút thiết lập bằng thỏa thuận hợp tình hợp lý cả hai bên.
Chẳng hạn, tác giả giao bản thảo và nhận luôn vài chục triệu đồng, còn in bao nhiêu và giá bìa thế nào đều do nhà làm sách lo liệu. Trong bối cảnh hiện nay, mua đứt bán đoạn là giải pháp ít gây xung đột và có thể miễn cưỡng chấp nhận” – Lê Thiếu Nhơn đề xuất giải pháp chống nạn in hơn số hượng của hợp đồng khi nhà làm sách ký với nhà văn.
H. N.
(Nguồn Thể thao & Văn hóa)