Gần 450 năm trôi qua nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Uy-li-am Sếch-xpia…
Đại văn hào nước Anh Uy-li-am Sếch-xpia là tác giả của hàng trăm vở kịch, hàng trăm bài thơ son-nê, các bài tạp bút, các ghi chép… nổi tiếng trong suốt gần 5 thế kỷ nay, trong đó có các vở kịch nổi tiếng như Hăm-lét, Vua Lia, Ô-ten-lô, Mắc-bét, Cri-ô-lan, Chàng thương gia thành Vơ-ni-dơ, Chuyện không có gì mà ầm ĩ, Giấc mộng đêm hè…Và những bài thơ tình son-nê của ông đã dược dịch ra hàng chục thứ tiếng trên khắp thế giới. Trong đời mình, Shakespeare viết hơn 40 vở kịch, tất cả đều dưới dạng thơ, và được chia thành 3 loại : hài kịch, bi kịch và lịch sử. Gần 450 năm trôi qua nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Uy-li-am Sếch-xpia vẫn trường tồn thách thức với thời gian. Xin trân trọng giới thiệu một nghiên cứu nhỏ về thơ của Đại văn hào Anh quốc.
Vanhaiphong.com
Tìm hiểu gương mặt thời gian trong thơ sonnet Shakespeare không chỉ là tìm hiểu một hình tượng có giá trị thẩm mĩ, mà còn cho phép người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ.
1. Trong tòa lâu đài văn hóa nhân loại, rất hiếm có trường hợp nào như trường hợp của William Shakespeare. Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi rất nhiều về ông, họ không thể giải thích được tại sao một con người sinh ra trong một gia đình bình thường, kết thúc sự nghiệp học hành tại nhà trường ở tuổi 14, khởi nghiệp bằng chân giữ ngựa rồi nhắc vở tại một nhà hát lại có thể viết ra những tác phẩm làm thay đổi sân khấu kịch của một đất nước, một thời đại cùng những vần thơ say đắm lòng người bao thế hệ, lưu tên tuổi của mình đến muôn đời. Nhiều chi tiết về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Shakespeare vẫn còn là một bí ẩn, chỉ có một điều chắc chắn là ông đã sống hết mình và đón nhận luồng gió mát lành của thời đại Phục Hưng để viết nên những tác phẩm bất hủ. Nhắc đến Shakespeare, bên cạnh các kịch phẩm xuất sắc, ta không thể không nhắc đến mảng thơ sonnet như khu rừng giàu tài nguyên còn mời gọi những bước chân khám phá. Trong đó, hình tượng có sức ám ảnh lớn là hình tượng thời gian. Với Shakespeare, thời gian không chỉ là hình thức tồn tại của thế giới vật chất, mà đã trở thành một nhân vật có hình hài, bước đi, hành động… Tìm hiểu gương mặt thời gian trong thơ sonnet Shakespeare không chỉ là tìm hiểu một hình tượng có giá trị thẩm mĩ, mà còn cho phép người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ.2. Theo thống kê của Tiến sĩ James K. Lowers (Đại học Hawaii), “từ sonnet 1 đến sonnet 126 từ “time” được sử dụng 78 lần và không chỉ xuất hiện một lần trong các bài còn lại”(1). Đi theo những suy tư, trăn trở của nhà thơ, ta nhận ra được bước đi của thời gian, sức tàn phá của thời gian cùng tính hai mặt của nó.
2.1. Bước đi của thời gian.
Shakespeare đặc biệt nhạy cảm với bước đi của thời gian. Nhà thơ vẽ ra trước mắt người đọc một loạt các hình ảnh cụ thể, sinh động. Bước chân thời gian đi đến đâu là in hằn dấu vết đến đó trên cảnh vật qua hình hài, dáng vẻ, màu sắc. Nó không mơ hồ, huyền ảo mà được đo đếm chính xác qua tiếng tích tắc, tiếng chuông đồng hồ. Rất nhiều lần, nhà thơ chỉ ra những dấu hiệu mà có khi ít người để ý:
“Thy glass will show thee how thy beauties wear,
Thy dial how thy precious minutes waste”
(Tấm gương sẽ giúp chàng nhìn rõ vẻ đẹp đã phai tàn
Chiếc đồng hồ cho thấy bao thời giờ quý giá đã trôi đi vô nghĩa)
(Sonnet 77)
Chiếc gương soi, chiếc đồng hồ tái xuất hiện nhiều lần như một nhân chứng có khả năng phản chiếu, cụ thể hóa sự hiện diện của bước chân thời gian. Nhà thơ giống như một con người tỉ mẩn không ngừng đo đếm, chi chút từng phút từng giây. Không gì lọt ra khỏi con mắt quan sát của ông, không một tích tắc nào đi qua mà không để lại dấu vết. “Tên trộm” thời gian đã bị theo dõi, ghi lại mọi động tĩnh. Thời gian cũng được ghi nhận ở sự đổi thay các thế hệ:
“Thou art thy mother’s glass and she in thee
Calls back the lovely April of her prime;
So thou through windows of thine age shalt see,
Despite of wrinkles this thy golden time”
(Chàng là chiếc gương soi của mẹ, từ chàng mà mẹ mình
Nhớ lại thời thanh xuân rực rỡ
Cho nên, qua tấm kính thời gian chàng cũng thấy(2)
thời hoàng kim của chính mình, bất kể những nếp nhăn)
(Sonnet 3)
Dù thời gian hiện ra qua những tín hiệu nào thì nó cũng có đặc điểm chung là tính quá trình, không ngừng nghỉ. Thời trung cổ, người ta chia đời người thành các giai đoạn tương ứng với các thời kì trong Kinh thánh: “Theo Oguyxtanh, lịch sử có sáu thời đại từ lúc sáng tạo ra Ađam cho tới đại hồng thủy, từ đại hồng thủy cho tới Abraham, từ Abraham cho tới Đavit, từ Đavit cho tới sự cầm tù ở Babilon, từ cầm tù ở Babilon cho đến khi Kitô ra đời và cuối cùng từ Kitô cho đến tận thế. Những thời đại lịch sử thế giới này tương ứng với sáu thời kì của đời người: tuổi ấu thơ, tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, tuổi chín chắn, tuổi già” (3). Còn với Shakespeare, đời người chỉ có hai giai đoạn: thời huy hoàng và thời tàn tạ. Nhà thơ miêu tả hành trình của mặt trời từ lúc bắt đầu xuất hiện tới khi tắt ánh hào quang. Khi mới nhô lên với luồng ánh sáng rực rỡ bao bọc, anh ta thật uy nghi, lộng lẫy, tự tin, hăm hở bước vào chuyến đi. Tất cả mọi vật xung quanh dường như cũng bị cuốn hút, dõi theo ánh sáng ấy. Nhưng rất nhanh sau đó, mọi thứ thay đổi. Mặt trời mệt mỏi, rệu rã, tàn tạ dần và đi đến cuối cuộc hành trình. Đây cũng chính là vòng đời của một con người. Chỉ có điều, mặt trời mỗi sáng đều mọc để rồi lặn khi chiều xuống, còn con người chỉ có một cơ hội lên đường. Giống như cánh chim bay không biết mỏi, hay như gió thổi mây trôi, thời gian không đợi một người nào, cũng không bao giờ bị ngáng trở. Mạnh mẽ hơn, Shakespeare còn tưởng tượng tốc độ của nó như con sóng vỗ bờ:
“Like as the waves make towards the pebbled shore,
So do our minutes hasten to their end”
(Giống như những con sóng vỗ vào bờ cát
Sóng đời ta hối hả cập bờ hư vô)
(Sonnet 60)
Như có một lực đẩy vô hình, thời gian trong thơ sonnet Shakespeare lúc nào cũng gấp gáp, vội vã. Người xưa có câu “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Chàng “thiên nga sông Evon” có lẽ đã quý trọng từng giây phút sống và có một tâm hồn hết sức nhạy cảm. Cái nhìn của ông, có thể nói đậm màu sắc hiện đại. Bởi con người trong văn học cổ thường chỉ thấy ở thời gian sự tuần hoàn, mà đã tuần hoàn thì thường đều đặn, vì họ lấy thiên nhiên, vũ trụ làm tâm điểm. Còn Shakespeare dường như đứng từ góc độ con người trần thế: thời gian không còn mang tính khách quan mà trở thành thời – gian – của – mình cho nên mới vội vàng làm vậy.
Có một điều đáng chú ý là thông thường ở các xã hội thuần nông, sự nối tiếp đều đặn của các mùa vụ thường dẫn đến thái độ vô tư trước sự trôi chảy của thời gian, dẫn đến một nhịp sống khoan thai, đều đều, chậm rãi. Chỉ khi các đô thị bắt đầu phát triển, con người mới thực sự có nhu cầu đo đếm thời gian một cách chi li “Đô thị trở thành nhân tố mang thái độ mới đối với thế giới và do đó cũng mang thái độ mới đối với vấn đề thời gian. (…) ở đô thị đã hình thành một môi trường xã hội có thái độ đối với thời gian hoàn toàn khác thái độ của những đẳng cấp nông dân phong kiến. Đối với thương nhân, thời gian là tiền, nhà kinh doanh cần sự xác định giờ giấc trong xưởng của mình. (…) Thời gian có một giá trị lớn, nó biến thành một nhân tố cốt yếu của sự sản xuất” (4). Shakespeare sống ở đô thị trong thời kì những mầm mống của chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh mẽ, thái độ tính toán, chi chút từng mốc thời gian nhỏ ở ông phản ánh cách nghĩ của con người thời đại mình cũng như ý thức về giá trị đời sống.
2.2. Sức tàn phá của thời gian.
Không dừng lại ở việc mô tả những bước đi vô hình, người nghệ sĩ trong thơ mình đã cụ thể hóa hình ảnh thời gian bằng sức tàn phá khủng khiếp của nó. Với Shakespare thời gian đầy đe dọa bởi nó mang theo vũ khí. Có đến hơn 7 bài sonnet nhắc đến lưỡi hái, con dao quắm hay bàn tay rách tả tơi của nó. Bằng vũ khí ấy, đi đến đâu nó reo rắc nỗi sợ hãi, gây ra tàn tạ đến đó, cướp sự sống tựa như người gặt hái mùa màng.
Theo vòng quay vô tận của thời gian, những biến thiên vô chừng sẽ diễn ra. Giống như một bàn tay vô hình vận hành cỗ máy, thời gian len lỏi vào từng đường gân thớ thịt của con người, thay thế các tế bào đang tràn trề sinh lực bằng những cái tương tự nhưng cũ kĩ rệu rã. Trong thơ sonnet Shakespare, ta cảm nhận nỗi ám ảnh tuổi già – một nỗi đau dai dẳng. Hình ảnh lặp đi lặp lại trong thơ Shakespare là nếp nhăn trên vầng trán, khuôn mặt. Có 8 bài sonnet ông nhắc đến hình ảnh này một cách trực tiếp bằng những từ ngữ khác nhau (deep – sunken eyes, trench, wrinkle, furrow, the parallels in beauty’s brow) và nhiều bài khác nhắc đến nó một cách gián tiếp.
Nếp nhăn không chỉ thể hiện sự biến đổi bên ngoài mà còn là dấu hiệu của tuổi tác. Nhà thơ hình dung gương mặt người trẻ tuổi khi 40 mùa đông qua sẽ giống như một cánh đồng khô nứt nẻ, mọc đầy cỏ dại tả tơi, không còn giá trị để khai thác. Những rãnh sâu bị đào bới – vốn chẳng còn cơ hội được lấp đầy ngăn cách anh với “lusty day” – những ngày trẻ trung sôi nổi đầy nhiệt huyết. Gương mặt ấy “vốn là…. phần sống động nhất, nhạy cảm nhất (trung khu của các giác quan) mà dù muốn dù không, ta để cho người khác nhìn thấy, đó là cái “tôi” sâu kín đã bóc trần ra một phần, nói lên rất nhiều so với phần còn lại của thân thể” (5) cứ trở đi trở lại, khiến nhà thơ luôn phải nhắc nhở, sợ hãi. Ông lo sợ thời gian sẽ rút hết máu và phủ đầy vầng trán người yêu bằng những đường rãnh (nếp nhăn), như bình minh trên hành trình không thể ngừng lại tới hoàng hôn (Sonnet 63). Khi những nếp nhăn xuất hiện cũng là lúc con người có sự thay đổi địa vị khủng khiếp: từ buổi sáng trong lành thành đêm tối tăm, từ vị vua quyền uy giàu có thành kẻ trắng tay, từ mùa xuân sức sống sang mùa đông già cỗi. Bởi gương mặt kia đã chẳng còn nhiệt huyết sống, sinh lực. Thời gian tạo nên sự già nua: “Time doth transfix the flourish set on yout” (Thời gian cởi bỏ lớp phấn son tuổi trẻ – Sonnet 60). “The flourish set on youth” nhiều khi chỉ là lớp son phấn, đồ trang điểm có thể bị tước đi rất dễ dàng. Ngày tháng trôi qua, chúng bị thay thế bằng những nếp nhăn, quá trình ấy thuộc về bản chất của tự nhiên, như một bản án được định sẵn mà thời gian sẽ là kẻ thi hành. Nếp nhăn trên vầng trán người trẻ tuổi là dấu hiệu chắc chắn, không thể chối cãi của sự cằn cỗi cả thể xác lẫn tinh thần. Khi nhìn thấy những nếp nhăn nơi gương mặt người yêu cũng là lúc nhà thơ biết mình đã hết thời (Sonnet 22).
Với tuổi trẻ, thời gian là một thách thức, nhưng với tuổi già, nó trở thành kẻ thù – một kẻ thù quá mạnh. Bởi tuổi trẻ, cho dù nhiều khi đồng nghĩa với bồng bột, non nớt nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu, cánh cửa vừa mở ra, và cuộc hành trình vẫn hứa hẹn đầy bất ngờ. Ngược lại, tuổi già có thể đi đôi với từng trải, minh triết nhưng đó là khi người ta phải nghĩ tới sự khép lại. Con người, như vận động viên đến đoạn nước rút đã nhìn thấy đích, chỉ có điều nó không phải cái đích vinh quang, mà đúng hơn, như người tử tù trên con đường đến nơi thi hành án. Quỹ thời gian còn lại quá ngắn, họ bị đẩy về phía trước trong niềm tiếc nuối sống vô bờ.
Không giống như dòng sông có điểm nguồn và đích đến, dòng thời gian vô thủy vô chung mãi trôi vô tận. Có lẽ đời người như sông, bị gió thời gian cuốn xuôi dòng, sớm muộn gì cũng đi tới điểm kết thúc. Không dừng lại ở việc miêu tả cái già, cái tàn tạ, nhà thơ còn đẩy đến tận cùng sức tàn phá của thời gian – cái chết.
Ám ảnh cái chết xuất hiện nhiều lần trong thơ Shakespare như một điểm cáo chung, chấm dứt tất cả. Có khi nhà thơ gọi tên một cách trực tiếp (death), cũng có khi dùng cách diễn đạt khác (when thou feel thy blood cold). Nhưng trong phần lớn trường hợp, nhà thơ cụ thể hóa cái chết bằng nấm mộ tối tăm và những con giun khủng khiếp, sẽ thành bạn hay “người thừa kế” của người chết. Có tới 8 bài sonnet Shakespare nhắc đến nấm mộ (the tomb, grave, sepulchre) và 5 bài nhắc đến giun (worm). Bị chôn vùi dưới mộ sâu là điều không ai muốn. Nhà thơ dùng hình ảnh này như một lời cảnh báo người trẻ tuổi:
“Be not self-willed, for thou art much too fair
To be death’s conquest and make worms thine heir”
(Đừng bướng bỉnh, vì người đẹp thế
Sao có thể khuất phục tử thần và để những con giun làm người thừa kế của mình)
(Sonnet 6)
Nấm mộ là nơi lưu giữ những bí mật vĩnh viễn không bao giờ được hé lộ. Nhà thơ luôn băn khoăn liệu ai sẽ là người tin vào những bài thơ của mình khi thời gian qua đi. Giống như nấm mộ che kín mọi phần thân thể, thời gian tạo vực sâu ngăn cách, và các hình tượng đẹp trong thơ ông có thể bị người đời sau xem thường hay ngoảnh mặt làm ngơ vì họ không tin vào những điều họ không nhìn thấy (Sonnet 17).
Khi có chuyện đau buồn, người ta thường an ủi nhau: thời gian sẽ làm lành mọi vết thương, bởi thời gian là liều thuốc quên lãng, nó sẽ làm mờ nhạt rồi phôi phai tất cả. Không gì bền bỉ bằng nó. Nhà thơ đặt ra giả thiết: những gì là chân lí hiển nhiên của ngày hôm nay sẽ trở thành mối nghi ngờ xác đáng của ngày mai. Vì vẻ đẹp – cho dẫu của một con người – vốn mong manh, chóng tàn, chẳng thể bảo toàn vẹn nguyên hình dạng. Khi anh chết đi, bị chôn dưới mộ sâu, lòng đất giấu kín thân thể vốn có lẽ từng là khuôn mẫu của thời đại, thanh nhã xưa nay chưa từng có. Cả trời cũng không thể lên tiếng, không có gì chứng minh được một vẻ đẹp đến thế đã từng tồn tại trên trái đất này, bởi không có gì làm bằng chứng. Cho nên, nhà thơ luôn nghĩ về cái chết với một niềm lo sợ khôn nguôi: rằng thời gian sẽ mang đi tất cả, cả người yêu lẫn tình yêu. Nghĩ đến đó, ông chỉ còn biết khóc thương, tiếc nuối (Sonnet 64).
2.3. Tính hai mặt của thời gian.
Vì yêu đời, yêu cuộc sống, Shakespeare nhìn sự vật, hiện tượng và con người ở điểm khởi đầu rực rỡ của nó. Ông thường quan sát và ghi lại thời khắc tươi sáng, đầy sức thu hút của ngoại vật. Đến với sonnet Shakespeare, ta sẽ bắt gặp những bình minh – bắt đầu một ngày đầy hy vọng: khi mặt trời làm đẹp thêm cho đỉnh núi bằng đôi mắt mênh mông, và hôn lên những đồng cỏ xanh để phủ khắp thế gian một ánh sáng vàng kì diệu (Sonnet 33). Bình minh ấy gắn liền với niềm vui, sự hân hoan. Bởi vậy, tâm trạng của nhà thơ khi nhớ đến người mình yêu dấu được so sánh với chú chim chiền chiện lúc rạng đông thức dậy, từ mặt đất buồn rầu hát bài thánh ca trước cổng thiên đường (Sonnet 29).
Miêu tả con người, Shakespeare cũng làm bật lên ở họ tuổi thanh xuân, khi mọi thứ mới bắt đầu, tinh khôi, nguyên vẹn và trong trắng. Một số lượng lớn các bài sonnet của Shakespeare được viết để gửi cho “the fair youth” – người trẻ tuổi đẹp đẽ kết tinh trong mình mọi tiêu chuẩn thẩm mĩ của thời đại, thậm chí là hình mẫu cho tinh chất cái đẹp muôn đời. Có rất nhiều giả thiết về nguyên mẫu của nhân vật này. Tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi. Nhưng dù nhân vật ấy có nguồn gốc từ một con người thật ngoài đời hay chỉ là tưởng tượng của Shakespeare, ta đều thấy sức sống, nhiệt huyết tuổi trẻ là đề tài, là cảm hứng bất tận của nhà thơ. Ông ca ngợi chàng như một vật tô điểm cho thế gian, như sứ giả của mùa xuân rực rỡ (Sonnet 1) và có biết bao khu vườn trinh nữ đang mong chờ được gieo trồng để đơm hoa kết trái (Sonnet 16).
Cùng với tuổi trẻ là bầu nhiệt huyết sôi nổi và khát khao cháy bỏng được hưởng thụ hết mọi lạc thú trần gian. Những vần thơ của Shakespeare xôn xao trìu mến cuộc đời. Ông nhìn con người như một mầm non vươn ra trong nắng và nhìn tình yêu như một đứa trẻ (Sonnet 115).
Nhưng sự trẻ trung, mới mẻ ấy không phải chỉ có một chiều và càng không vĩnh viễn. Shakespeare thấy ở sự vật tính hai mặt của nó. Ngay trong buổi bình minh, ông đã hình dung ra lúc hoàng hôn, ngay khi con người còn trẻ, ông đã tiên đoán lúc về già, và cũng luôn luôn thấy trước sự phai nhạt, cằn cỗi của tình yêu.
Khi ánh sáng từ phương đông tỏa lan, tất cả đều ngưỡng mộ vẻ uy nghi thần thánh từ sự xuất hiện đầy mới mẻ của nó, nhưng ngay lập tức, vầng ánh sáng ấy quay cuồng xuống con dốc đồi thiên đường (Sonnet 7), cũng như vậy, ánh sáng bình minh rực rỡ kia sẽ nhanh chóng bị mây che phủ (Sonnet 33).
Người trẻ tuổi ngỡ giữ được mãi vẻ thanh tân (Sonnet 101), mà thực chất không phải thế, vẻ đẹp ấy giống như chiếc kim đồng hồ, người ta không nhìn thấy sự chuyển dời nhưng thực chất nó đang từng phút từng giây lặng lẽ nhúc nhích (Sonnet 104).
Nhà thơ luôn thấy hai quá trình song song: đứa con lớn lên nghĩa là người cha già đi, một sản phẩm mới ra đời nghĩa là có cái khác đang cũ mòn, cái tàn tạ song song với cái sinh sôi (Sonnet 2, Sonnet 11, Sonnet 12…).
Tình yêu có thể rất trẻ, không phải theo nghĩa đen mà trong tâm hồn con người, thậm chí hai người tự lừa dối nhau, lời lừa dối ngọt ngào rằng mình rất trẻ trung, thành thật (Sonnet 138), tuy vậy họ không thể tránh khỏi những dự cảm về già cỗi, tan vỡ: lúc họ khó chịu vì khuyết điểm của người kia, và không còn chào đón nhau bằng đôi mắt bừng lên ánh mặt trời (Sonnet 56).
Tuy nhiên, điều kì diệu của tình yêu là ở khả năng tái sinh. Trong tình yêu, Shakespeare cũng nhìn thấy tính hai mặt: sự nồng nhiệt thiết tha đi bên cái nhạt nhẽo chán nản, sự sôi nổi bồng bột đi cùng nguy cơ tắt nguội, ông kêu gọi: hãy để nỗi buồn tạm thời giống như đại dương chia thành các cửa biển để rồi niềm vui quay về mạnh mẽ hơn tựa sóng tràn bờ (Sonnet 56).
Vì tính hai mặt này, thời gian trong thơ Shakespeare rất trẻ trung, cường tráng. Hắn thường rất ồn ào, mạnh mẽ thực hiện nhiệm vụ trên mỗi bước đường mình đi qua. Với Shakespeare, thời gian là kẻ cho vay nặng lãi, đôi khi rất hào phóng, thứ nó cho vay chính là xuân sắc, tuổi trẻ cùng nhựa sống căng tràn. Tất nhiên, như một “nhà đầu tư” đầy tính toán, nó luôn luôn tính đến khoản lãi suất mà các con nợ sẽ bồi hoàn khi hết thời hạn, đó là muôn vạn mầm sống, nòi giống tốt sinh sôi nảy nở. Bởi tính thương mại này, khi cho vay, thời gian rộng rãi, hào phóng bao nhiêu thì khi đòi nợ, nó khắc nghiệt, lạnh lẽo, vô tình bấy nhiêu, không cho ai một cơ hội để gỡ lại. Đặc biệt, với những ai đã tiêu phí toàn bộ vốn liếng được thời gian tạm thời cấp cho mà không tạo ra thêm được gì, số phận của họ thật thảm hại. Trong trí tưởng tượng của thi nhân thời gian còn là “người đi gieo hạt và cũng đồng thời là ông chủ” với lưỡi hái sắc trong tay, thu hoạch mùa màng. Những bông hoa tươi thắm, những cây trái xum xuê, những con người bằng xương bằng thịt mang trong mình dòng máu nóng… đều sống, sinh trưởng dưới cùng một bầu trời, bị chi phối bởi cùng những điều kiện như nhau. Để rồi đến một ngày, dẫu ra hoa kết quả hay đơn độc tàn héo, chúng đều bị đưa lên chiếc xe tang theo bóng thời gian. Quá trính ấy diễn ra một cách hết sức tự nhiên và không gì đẩy lùi được nó. Như một tên bạo chúa đầy quyền uy, thời gian trong thơ Shakespeare vừa đóng vai trò là người sáng tạo vĩ đại đồng thời cũng chính là kẻ hủy diệt tàn bạo, khát máu nhất. Thời gian, bằng công việc hết sức công phu, nhẫn nại đã tạo ra những đôi mắt đẹp, những sinh vật rực rỡ tô điểm cho thế gian, những công trình kiến trúc tưởng đứng vững đến muôn đời… Thế rồi cũng chính nó lại ra tay hủy hoại không thương tiếc kho báu của mình để thay thế chúng bằng cái khác. Thời gian thúc đẩy, tạo điều kiện cho bệnh thối mục trong hoa có dịp hoành hành, nhấn chìm mọi tòa tháp, đánh đổ bất cứ chiếc cổng nào dù vững chắc nhất, đào rãnh sâu, khắc vết nhăn trên vầng trán, khuôn mặt người… để rồi sẽ vây phủ tất cả bằng cái chết. Khi tô điểm cho cái này, nó đang bào mòn tàn phá cái kia. Khi nhìn một nụ hoa chớm nở xinh tươi là ta biết một (hay nhiều) nụ hoa khác đang tàn úa. Không chỉ có thời gian, mọi vật đều được Shakespeare nhìn nhận trong tính tương đối của nó, không chỉ có một mặt, bên trong chúng luôn có những khía cạnh đối lập đấu tranh với nhau, ông quan niệm: hoa hồng có gai, ngay cả những con suối lấp lánh trong lòng vẫn chứa bùn, nên tất yếu mọi người đều mắc sai lầm, trong đó có ông (Sonnet 35).
Shakespeare sống trong thời kỳ Phục Hưng, thấm đẫm tư tưởng chủ nghĩa nhân văn, khi giai cấp tư sản trỗi dậy mạnh mẽ với khát khao vươn lên thoát khỏi bóng ma nhà thờ trung cổ. Chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng tìm thấy ở thời cổ đại những phát minh kỳ diệu, những quan niệm sống cởi mở, tiến bộ, những tri thức lỗi lạc cần được làm sống lại dù không phải rập khuôn nó một cách máy móc. Shakespeare tuy không được học hành nhiều nhưng đã sớm trải đời, tạo dựng một sự nghiệp huy hoàng. Ánh sáng thời đại cùng với sự thành công của bản thân thổi vào sáng tác của ông một niềm hân hoan, sảng khoái. Trong hình tượng thời gian ở thơ sonnet, ta thấy bóng dáng của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng, tinh thần thời đại Phục Hưng: trong cái lụi tàn có cái đang nảy nở, trong cái cũ có cái mới đang trồi ra, con người tự nhìn sâu vào đáy tâm hồn, vừa biết tự ngợi ca nhưng cũng biết chỉ ra cái xấu, cái hữu hạn, vừa tự hào ngẩng mặt với trăng sao vũ trụ, vừa cúi đầu trước giới hạn nhỏ nhoi, trong cái tốt chứa đựng mầm sống của cái đồi bại… Bởi vậy, trong thơ Shakespeare ta luôn gặp những cặp hình ảnh sóng đôi: mùa đông – mùa hè, bình minh – hoàng hôn, ngày – đêm…
Trong thơ sonnet, có mười bài Shakespeare nhắc đến mùa đông, 15 bài xuất hiện mùa hè, và hai hình ảnh này thường không đứng riêng rẽ mà đồng thời xuất hiện, soi chiếu cho nhau. Mùa đông, mùa hè là sự nối tiếp vòng quay thời gian trong năm, nhưng phần nhiều chúng là hình ảnh ẩn dụ cho những giai đoạn của cuộc đời con người. Mùa đông trong thơ Shakespeare thường đi kèm với sương tuyết, giá lạnh, sự cằn cỗi (Sonnet 13). Mùa đông vì vậy là biểu tượng của sự suy tàn, nên nói về tuổi tác Shakespeare dùng chữ “forty winters” (Sonnet 2), so sánh nỗi buồn như mùa đông (Sonnet 56). Trái lại mùa hè được xem là “the golden time” với màu xanh của cây cối, với nhiệt huyết tuổi trẻ và những bông hoa thơm ngát “mở những nụ còn phong nhụy” (When summer’s breath their masked buds diccloses – Sonnet 54)”, đi kèm với nó là niềm vui (Sonnet 56), tuổi thanh xuân chói sáng (Sonnet 3). Nói về một con người đẹp đẽ, Shakespeare muốn so sánh với một ngày hè (Sonnet 18), miêu tả niềm vui sáng tạo đỉnh điểm của người nghệ sĩ, ông cũng liên tưởng đến con chim sơn ca hót đầu hè và tắt tiếng khi mùa hết (Sonnet 102). Đông – hè không còn là một hiện tượng tự nhiên tách rời con người: khi xa cách người yêu, nhà thơ lúc nào cũng mường tượng mình đang ở trong mùa đông dằng dặc giá buốt và chỉ có thể thoát ra để bước sang hè bằng sự tái ngộ với giai nhân. Mùa hè trở thành đối tượng cho sự xâm chiếm của mùa đông như một thực tế phũ phàng đáng sợ, biểu hiện tính hai mặt của thời gian:
“For never-resting time leads summer on
To hideous winter, and confounds him there;
Sap checked with frost, and lusty leaves quite gone,
Beauty o’er-snowed and bareness every where”
(Bởi thời gian không bao giờ ngừng nghỉ đã khiến cho mùa hè
Đi vào mùa đông gớm ghiếc và làm tiêu tan nó ở đây
Nhựa sống tuôn trào (của mùa hè) bị ngăn cản bởi sương giá, những chiếc lá xanh lìa cành
Cái đẹp bị tuyết bao phủ và (phơi ra) vẻ trơ trụi ở khắp mọi nơi)
(Sonnet 5)
Bởi mùa đông chính là tuổi già, là sự cạn kiệt nguồn sinh lực trong khi mùa hè được xem như giai đoạn đẹp đẽ, trẻ trung, sung sức nhất của đời người (Sonnet 6).
Song song với cặp đối lập đông – hè là cặp ngày – đêm. Có 10 bài Shakespeare tả ngày và 13 bài miêu tả đêm. Cũng giống như mùa đông – mùa hè, hai hình ảnh này luôn cùng hiện diện, đổi thay qua lại. Ngày gắn liền với ánh sáng, do đó nó là biểu tượng của niềm vui, tuổi trẻ. Ngược lại, đêm tăm tối, mịt mù là lúc con người rơi vào điểm kết thúc của cuộc đời. Với nhà thơ, ngày có hình hài, bằng ánh sáng chói, nó ban ân huệ cho thế gian khi mây vấy bẩn bầu trời (Sonnet 28), còn đêm cũng có khuôn mặt – một khuôn mặt già cỗi “her old face” (Sonnet 27) và nước da đen (Sonnet 28). Hành trình của ngày lộng lẫy chìm vào đêm tăm tối (the brave day sunk in hideous night – Sonnet 12) cũng chính là hành trình con người dần đi hết tuổi thanh xuân, tới dốc bên kia của đời (when his youthful morn hath travell’d on to age’s steepy night – Sonnet 63). Ngược lại, sự thay đổi từ đêm sang ngày là khi quỷ sứ bị dồn đuổi về địa ngục, con người thoát ra khỏi tình trạng bi kịch, được cứu vớt (Sonnet 145).
Các cặp hình ảnh này tạo ra ấn tượng về sự vận động không ngừng của thời gian hai mặt.
Khi nhắc đến Anh quốc, người ta nhắc đến một đất nước ôn đới với sự phân chia các mùa rất rõ rệt, nhất là hai cực đông – hè. Vào mùa đông, nhiệt độ có khi xuống đến – 10º C, còn mùa hè thường không vượt quá 32ºC. Mùa đông với người Anh, do vậy thường gắn liền với sự khô cằn lạnh giá, mọi thứ đóng băng, nhiều hoạt động bị cản trở. Ngược lại, mùa hè là mùa con người cảm thấy dễ chịu nhất, mùa có nắng đẹp, thời tiết ấm áp, mọi thứ như bừng tỉnh sau giấc ngủ. Điều này để lại dấu ấn cả trong lời ăn tiếng nói, nhất là cách nói ẩn dụ của người Anh: “Khi trời có nắng, mặt trời đang chiếu sáng. Hầu hết mọi người nghĩ rằng thời tiết có nắng thật dễ chịu, và nó thường khiến con người cảm thấy vui vẻ hơn. “Sunny” được sử dụng như một ẩn dụ để miêu tả những người hoặc những tình huống vui vẻ, đáng mến. Người có tính cách sunny là người vui vẻ, thân thiện và khiến những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Nếu người nào đang trong tâm trạng sunny, họ thường lạc quan và hạnh phúc. Ta cũng có thể nói một triển vọng hay một tương lai sunny khi cảm thấy chắc chắn và lạc quan về nó(6)”. Cho nên khi nói “sunny girl” là ta nhắc đến một cô gái sống động, linh hoạt, nói “the sunny side of his character” là nói đến mặt lạc quan trong tính cách con người… Trái lại, “thời tiết lạnh bị xem là kém dễ chịu hơn thời tiết ấm áp. Những từ được sử dụng để nói về thời tiết lạnh thường là các ẩn dụ để miêu tả những người hay cách ứng xử gây khó chịu” (7) [7, tr.231]. Đây là một trong những lí do Shakespeare dùng cặp hình ảnh đối lập đông – hè như trên đã phân tích.
3. Thực ra, đây là vấn đề muôn thuở trong đời sống con người, vì ở thời đại nào, người ta cũng khao khát thấu hiểu mối quan hệ giữa bản thân với thế giới, rồi khi hiểu ra, họ sẽ nhận thấy sự nhỏ bé của mình trong trời đất vô cùng. Ý thức về thời gian thể hiện một con người cá nhân đang cựa quậy, không bằng lòng, tìm cách thích ứng với những quy chuẩn sẵn có mà đang oằn mình trong dự cảm đổi thay, tự tách mình ra khỏi thế giới để mà chiêm nghiệm, suy ngẫm, ngắm nghía. Nhưng ở Shakespeare, ta vẫn thấy nét độc đáo, riêng biệt. Thời gian trong thơ Shakespeare là “tên bạo chúa” hai mặt, mang bóng dáng của thần Dớt uy quyền trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng sáng tạo, đồng thời cũng có sức hủy diệt tới không ngờ. Nó thức tỉnh con người trước một quy luật nghiệt ngã, đồng thời cổ vũ họ sống cho hết mình, để khỏi lãng phí bầu nhiệt huyết và những ưu đãi mà bà mẹ tự nhiên đã ban cho.
Ng.Th. M
————————————-
Tài liệu tham khảo:
1.A. L. Rowse (1963), William Shakespeare – A Biography, Harper and Row Publishers, New York and Evanston.
2.Shakespeare (1996), Shakespeare’s sonnets, Yale University Press.
3.Helend vendler (1999), The art of Shakespeare’s sonnets, The Belknap Press of Harvard University Press.