Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV đã khép lại, nhưng dư âm của nó thì mãi còn lan toả khiến cho người yêu thơ luôn cảm thấy tiếc nuối khi chưa tận hưởng đến cùng không khí thi ca…
VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ “Gửi hương chị gió” để khép lại Ngày thơ như một lời tri ân bạn đọc.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV đã khép lại, nhưng dư âm của nó thì mãi còn lan toả khiến cho người yêu thơ luôn cảm thấy tiếc nuối khi chưa tận hưởng đến cùng không khí thi ca…
VHP trân trọng giới thiệu chùm thơ “Gửi hương chị gió” để khép lại Ngày thơ như một lời tri ân bạn đọc.
Bùi Thị Thu Hằng
GỬI HƯƠNG CHỊ GIÓ
Lúc lắc lúc la
Bắt chước hồng, na
Đu đủ nhẩn nha
Gửi hương chị gió
Gối vầng trăng tỏ
Lá nằm lim dim
Lặng nghe tiếng chim
Quả tròn mơ ngủ
Vàng xanh, lớn nhỏ
Ôm chặt mẹ cây
Con béo mẹ gầy
Bức tranh mẫu tử
Trái ôm vị ngọt
Đền ơn bàn tay
Mặt trời chín mọng
Niềm vui căng đầy.
Phạm Thuý Nga
LỜI RU CỦA MẸ
Này gió, này mưa, này trống tênh huơ hoắc
Không biết gọi tên các bạn là gì
Tôi đi về với hàng cây lặng phắc
Đêm vít chặt mặt người hình tam giác
Giữa có – không khăn gói ủ sương.
Phận số so le bám đất xạc xào
Rễ chùm nẩy mầm thành chữ
Mưa không xoáy mòn mà lá ngủ lại
Xoay xoay sáu mặt chớp lớp nở sinh
Thêm một nghìn hồng cầu.
Tôi gối đầu trên tay mẹ
À ơi lời ru gối đầu lên kho báu lời ru
Mẹ tôi gối đầu trên những câu thơ
Mọc lên từ những gió dông mỏng dính
Tôi uống nước suối nguồn cô đặc
Muốn tạm biệt tuổi mình bằng bản Beethoven.
Buổi sáng hôm sau từ ban công phát ra bản giao hưởng
Tôi bắt đầu vo tròn rót ngọt
Nơi mẹ giấu tôi cắm bình vỏ quế
Nơi mẹ gửi lại giấc mơ tôi thiếu tháng hoa lệ
Chở tôi đi qua những ngã năm phồng rộp
Những nghiêng ngả ngoài chữ.
Ơi bản thể tôi có bao đêm trong suốt?
Bao đêm vẩn đục?
Bao đêm ngực lép?
Mẹ thêu bước chân tôi sau từng lưu lạc
Chăm bón, tỉa cành, vẽ một tôi đồng thuận xoay xoay…
Nguyễn Hữu Kiên
EM ĐI
ngày nhổ mạ cấy bây giờ xa ngái
trở lại tìm em trong kí ức vạt cỏ mềm
mùi đồng quê thấm áo em lan toả đến những quả đồi còn nguyên bản
vốc nước lên mặt cầu mong mát mẻ một câu thơ vụng dại vị ngọt và mằn
mặn ngày em tắm
người dân làng anh như cây phảng phất nụ cười bùn đất
em đã về với mái nhà tranh ẩm ướt nỗi niềm lam lũ
thơ ngây như con mèo mặc áo len xanh thu lu bên bậu cửa chờ anh
và trong sáng như không thể nào trong sáng hơn
mấy chục năm rồi
không còn con đường gập ghềnh chân trâu ra đồng
không còn con đường phi lao cao vút
đã lâu, cũng không còn được nghe tiếng thông reo
em đi
cánh đồng mờ sương
hoa gạo bờ sông
nức nở câu thơ buồn tít tắp. . .
Vũ Châu Phối
TIẾNG GÀ
Trong khuya ấm hơn ánh lửa
Là tiếng gà nhẩm gáy chuyển canh
Tôi bồi hồi nhìn vì sao long lanh
Cháy cuối trời, soi một làng giặc phá
Cây gọi cây thiếu đi nhiều tán lá
Nhà gọi nhà vắng đôi mái nhà thân
Tôi nhẩm tính đôi phần mất mát
Nhìn làng đêm phía trước đợi chờ
Làng chiến tranh bỗng gióng tiếng gà
Từng ô mạ nương dâu xao động
Tôi lắng nghe từng tiếng gà quen thuộc
Giọng êm êm con mào cờ cuối xóm
Giọng trầm vang con hoa lổ chợ Đông
Tiếng gà vươn trong đêm rất trong
Làng như ngủ như mơ và như thức
Tôi thoáng cười bên nòng súng
Bâng khuâng trông mỗi vệt sao dài
Tiếng gà qua mỗi giọt sương rơi
Tiếng gà quét mầu trời thêm sáng…
Từ hoắm bom gốc đa yêu trẻ
Từ nách nhà đạn cắm mái hiên
Từ đau thương… tiếng gáy cất lên
Tiếng con quen, tiếng con vừa vỡ giọng
(Qua âm thanh dân gian một bức tranh làng hiện)
Có màu nâu không phải tình giềng xóm
Có màu xanh bốn tiết của tre
Có màu vàng rơm chung thuỷ mái nhà
Có đường nét chùa chiền dễ yêu như ca dao tục ngữ
Có hiện tại đứng lên từ quá khứ
Làng chiến tranh luôn sống một bức tranh
Màu phát triển – Tiếng gà làm bút vẽ.
Nguyễn Đình Di
SUỐI CHÌM
Con sóng xanh đã lặn vào đáy cát
Ngày vắng em gió cũng mỏi cánh rồi
Chiều mộng mị nối vầng trăng kiêu bạc
Hoàng hôn buồn bợt bạc bước rong chơi
Hoa cỏ lông chông chạy gằn trên bãi vắng
Những dối gian xam xám ám cuộc người
Mặt trời lạnh bầm vai em đỏ ối
Ngôi sao ban ngày run rẩy trước rụng rơi
Những giọt nhớ li ti ẩm sinh vào ký ức
Dùng dắng chở câu thơ hoang vắng của tuổi chiều
Ai hối hả quay về trong cõi lặng
Đang thầm thì ca khúc thuở say yêu
Nghe con sóng dẫu chìm trong cát trắng
Dưới tầng sâu máu vẫn chảy dịu dàng
Để rồi suối lại trào lên mặt đất
Lại đam mê “nhẩy lửa”* dưới trăng vàng.
________
* Phong tục của dân tộc Pà Thẻn mang niềm tin vui sống.