Ông bà tôi sinh hạ được năm người con, hai trai ba gái. Bố tôi là con thứ tư của ông bà, nhưng trên bố tôi còn một người là bác Công, hy sinh ở miền Nam hồi Mậu Thân năm 68, nên bố tôi thành con trai độc tôn trong gia đình. Cũng nên nói đời cụ tôi sinh ra chỉ ông tôi là con trai, còn lại lộc ngộc năm bà con gái. Có lẽ điều ấy làm ông tôi bận tâm. Nên dẫu còn tới ba cô con gái và bố tôi là bốn, nhưng ông tôi ít lo lắng đến chuyện chồng con của mấy cô gái, trừ cô út bị thọt một chân do hồi bé cái tràng xay lúa đập vào, còn hai người chị của bố tôi đều đẹp người tốt nết, những trai làng chưa vợ cứ thấy hai cô tôi ở đâu là xoắn vào như ốc. Chỉ còn bố tôi, năm ấy mới mười sáu tuổi, nhưng ông bà nội tôi đã lo cuống cà kê về chuyện vợ con. Trong đầu ông tôi dường như nhớ tên tường mặt khắp lượt con gái trong làng trạc tuổi bố tôi. Có cô ông tôi còn bấm chính xác đến tận ngày sinh tháng đẻ. Nhưng chẳng biết duyên số thế nào, khắp lượt con gái trong làng ông tôi không chấm ai, lại chấm một cô gái ngoài xóm lẻ chân đê hơn bố tôi hai tuổi về làm dâu trong nhà. Ông tôi bảo lấy dâu là lấy giống. Cái tạng người cao ráo, thanh mảnh như thế là mắn đẻ, khéo nuôi con lắm. Ấy là lúc ông tôi bàn soạn với bà; còn với bố tôi ông chỉ nẹt mấy câu là y một phép.
Nhưng quả là ông tôi khéo chọn nàng dâu. Cưới vợ cho con trai năm trước, năm sau ông bà tôi đã có cháu đích tôn, là tôi, được chính ông tôi đặt tên là Nụ. Hẳn còn đến Hoa,Quả, Chín, Ngọt, Thơm gì gì nữa chưa biết. Chỉ biết khi mẹ tôi sinh con đầu lòng, tiếng là gái nhưng ông tôi lại rất mừng. Ruộng sâu, trâu nái, gái đầu lòng là như thế. Rồi giục bố tôi bắt con gà sống thiến cúng bà mụ cho tôi. Mẹ tôi suốt ba tháng nằm cữ hầu như không phải mó tay việc gì. Cơm ăn nước uống được ông tôi cắt bảo cô út bưng vào tận giường. Còn giặt giũ quần áo của mẹ, tã lót của con do hai bà cô ở trên bố tôi, lấy chồng cùng làng thay nhau đến giặt cho mợ. Ai cũng bảo mẹ tôi lấy được bố tôi khác nào chuột sa chĩnh gạo. Nhưng chĩnh gạo đầy hay vơi thì chẳng ai để mắt tới nữa.
Hơn năm sau mẹ tôi lại sinh đứa thứ hai. Cũng giống như lần trước, khi mẹ tôi mới nhâm nhi đau ông tôi đã sai bà và bố tôi đang đêm đi mời bà đỡ về tận nhà thăm thai, rồi chầu chực bên mẹ tôi suốt hai ngày đêm, đến khi mẹ tôi sinh xong mới về. Nhưng khác lần trước, khi mẹ tôi sinh mẹ tròn con vuông, ông tôi không giục bố tôi bắt con gà sống thiến cúng mụ, mà ông chỉ lặng lẽ ra bờ ao thẫn thờ nhìn mặt nước chốc chốc lại sủi lên. Đấy chẳng biết có phải là điềm báo trước điều gì nhưng mấy ngày sau ông trưởng họ Bùi nhà tôi phát bệnh. Việc trưởng họ đột ngột qua đời ngỡ chẳng lien quan gì đến nhà tôi. Vậy mà lại là rường cột câu chuyện tôi đang kể.
Họ Bùi nhà tôi chỉ có mấy chục nóc nhà, nhỏ nhất trong số bẩy dòng họ ở làng. Tiếng là nhỏ, nhưng họ Bùi bao đời nay vẫn giữ được gia phong họ tộc. Từ đường họ xây ba gian có hậu cung thờ tổ tiên không kém họ Phạm, họ Đỗ mấy trăm suất đinh. Còn trưởng họ bao giờ cũng được dành cho ngành cả trông coi từ đường, hương nhang tổ tiên, đôn đốc mọi công việc hàng họ, quyền hành chẳng kém trưởng thôn. Lâu nay theo tục lệ, cánh nhà ông Tộ vẫn giữ chân trưởng họ. Và cha truyền con nối, lẽ ra ông qua đời thì đến con trai ông nối dõi tong đường. Nhưng ông Tộ có hai người con trai đều công tác xa. Một người làm giám đốc gì đó ở Hà Nội, còn một làm mãi Sài Gòn. Cả hai đều có nhà cửa, vợ con ở đó, vài năm vợ chồng con cái mới chảo chớp đáo qua nhà thăm ông bà chốc lát. Hôm ông Tộ mất, anh con trai thứ hai tiếng là ở Hà Nội, lại có điện thoại nhà riêng, nhưng khi về tới quê thì quan viên trong họ không thể chờ được nữa, đã nhập quan cho ông cụ được mấy giờ đồng hồ. Còn vợ chồng anh con cả từ Sài Gòn ra vừa đúng lúc bưng mâm cơm cúng ba ngày bố. Sau đám tang ông trưởng họ, anh con cả ông Tộ có lời với quan viên họ rằng: “Lẽ ra việc trông coi từ đường, hương nhang tổ tiên từ nay an hem cháu phải thay cha gánh vác. Nhưng thời buổ này đâu làm ăn được đấy là quê hương, chúng cháu không có điều kiện đảm đương công việc họ tộc. Nên đã thống nhất nhờ chú Tôn cháu giúp trông nom công việc họ tộc”. Thật không còn cách lựa chọn nào hơn. “Sảy cha, cậy chú”, cha mất, con cái đi xa, tất phải nhờ cậy chú thờ cúng tổ tiên nối dõi tông đường. Thế là ông tôi một bước lên trưởng họ Bùi. Tiếng là không phải họ to vài trăm suất đinh, nhưng vẫn cứ là một trưởng họ vai vế không kém sáu vị trưởng họ khác trong làng.
Việc ông tôi lên chức trưởng họ là một sự kiện trọng đại trong gia đình, họ tộc nhà tôi. Ông tôi cho mổ con lợn hơn một tạ, làm mấy chục mâm cỗ, mời khắp lượt quan viên trong họ bất kể lớn bé, già trẻ cứ là đàn ông đều được mời. Người đến thì ăn cỗ, uống rượu thỏa sức; người không đến được thì cho mang phần về nhà, cả đứa trẻ ẵm ngửa cũng được gói phần to ụ. Cánh đàn ông trong họ phấn chấn ra mặt; còn những người đàn bà, dẫu là con cháu đích tôn của họ Bùi, cũng chỉ như người ngoài cuộc, nhìn những người đàn ông hớn hở kéo nhau vào từ đường mà thèm. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Niềm vui ông tôi lên chức trưởng họ kéo dài chưa trọn một tuần sau ngày ngả cỗ ăn khao, thì nhà tôi xảy ra một chuyện tày đình.
Tối ấy, mẹ con tôi xem nhờ ti vi bên hàng xóm về đến sân, thì nghe trong nhà tiếng ông vọng ra:
– Anh phải biết từ nay nhà này đã trở thành trưởng họ Bùi. Đời tôi, đời anh, đời con cháu anh nữa vẫn cứ là trưởng họ, chứ không thể như an hem thằng con ông Tộ mà chạy làng được đâu!
Ông tôi chắc đang giảng giải cho bố tôi về trọng trách duy trì dòng dõi tổ tông. Điều đó thì chẳng có gì hệ trọng đối với một đứa con gái như tôi. Tôi định rảo chân bước nhanh vào nhà, Trùm chăn ngủ kín. Nhưng mẹ tôi vội giật gấu áo ra hiệu bảo tôi dừng lại. Hai mẹ con đứng nép ở ngoài hiên. Giọng ông tôi rin rít, khiến tiêng nói như bật qua kẽ răng:
– Phải như ngày xưa tôi lấy ngay cho anh người vợ bé, chứ sao phải thu xếp làm cho chị ấy gian nhà vỏng ra ngoài xóm lẻ ven đê.
Tiếng bố tôi vội cắt ngang:
– Tôi không để cô ấy đi đâu cả. Ông bà không muốn cho vợ chồng tôi ở chung thì tôi xin xã miếng đất ra ở riêng.
– Xã nào cho anh đất. Nhà con trai một, thổ cư hàng sào, ai còn cấp đất cho anh nữa. – Bỗng ông tôi chuyển giọng: – Thôi, đừng có sĩ anh ạ. Cứ theo đường đi nước bước của tôi đã. Cho chị ấy ra ở ngoài chân đê ít lâu, thì rồi tốt cũng thành xấu. Gái không dưng lại bỏ chồng con ra ở một mình ngoài trại lẻ(?).
Tôi bỗng thấy giận ông tôi quá chừng. Định chạy bổ vào, thét lên: “Ông không được đổ tiếng ác cho mẹ cháu!”. Nhưng đã nghe tiếng mẹ tôi sụt sùi phía sau lưng. Lòng tôi bỗng dào lên long thương mẹ, tôi vội quay lại. Vừa lúc thấy mẹ tôi hai tay bưng mặt như kìm nén tiếng khóc, chân bước như chạy ra bờ ao. Tôi vừa lao theo mẹ, vừa bật ra tiếng gào thét: “Bố không được bỏ mẹ!”. Tôi chạy ra đến nơi, mẹ tôi đã gục đầu vào gốc dừa bờ ao khóc rấm rứt. Tôi ngồi xuống, ôm choàng lấy hai vai mẹ hỏi dồn: “Mẹ ơi, sao ông lại bắt mẹ ra ở trại lẻ. Tại sao bố mẹ lại phải xa nhau?”. Mẹ ôm riết tôi vào lòng, giọng kìm nén: “Con đừng hỏi mẹ như thế. Lớn lên con sẽ hiểu”.
Nhưng tôi không phải chờ lớn lên mới hiểu, mà ngay hôm sau …
Tôi đi học về đến đầu xóm thì gặp một bà đi gánh nước kéo tay tôi lại. Xoa đầu tôi mà giọng bà ta lại như hụt hẫng: “Mẹ cháu uống thuốc sâu, đưa đi cấp cứu rồi”. Tôi rụng rời chân tay, ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà. Vắng vẻ quá. Chỉ có mỗi cô út ngồi ủ rũ ở đầu giường của mẹ tôi. Thấy tôi khóc tru tréo chạy vào, cô út vội vội vàng vàng giấu tay ra sau lưng, như không muốn để tôi nhìn thấy vật gì cô vừa lấy ở giường mẹ tôi. Linh tính như mach bảo cái vật cô út đang cầm kia là của mẹ tôi, chứ không của ai khác, tôi nhào đến giằng lấy tay cô út: “Cô lấy cái gì của nẹ cháu, trả đây!”. Giọng cô út nghèn nghẹn, rõ là cô cũng đang nén tiếng khóc: “Không, cô không lấy… Thật mà … Nụ ơi!”. Nhưng một tay cô vẫn giấu vào cạp quần sau lưng, chứ không chịu buông ra. Tôi không hiểu sao giây phút ấy mình lại tỉnh táo và cảm thấy rất rõ cái vật cô út đang thủ trong tay kia như có liên quan đến cái chết của mẹ tôi. Tôi gào lên xỉa xối cô út: “Mẹ cháu còn chưa biết sống chết ra sao mà cô nỡ nào lục lọi, vơ vét của mẹ cháu như thế!”. Cô út tức thì ôm choàng lấy tôi. Và như để chứng minh là mình trong sáng, cô nói như thanh minh: “Cô là người đầu tiên chạy vào. Bấy giờ mẹ cháu đã níu cả lưỡi, nhưng vẫn làm hiệu cho cô có vật gì mẹ cháu giấu ở dưới chiếu. Cô vội bỏ vào túi. Giờ mọi người đã theo mẹ cháu lên bệnh viện, cô mới bỏ ra xem thì cháu về”. Cô út từ từ xòe tay ra. Tôi vội chộp lấy tờ giấy trong tay cô đã bị nhàu, vì cô út nắm tay giấu sau lưng quá chặt. Tờ giấy bị xé ở cuốn vở nào đó của tôi ra, viết bằng bút chì đen nhưng chữ khá nét, nhất là bốn chữ đầu viết kiểu chữ to, được mẹ tôi tô đi tô lại rất đậm. Rõ là mẹ tôi bình tâm, kĩ càng lắm khi viết bốn chữ này, để ai ai cũng đọc được: “Gửi người trần gian”.
“Khi tôi từ giã thế gian này, xin không ai phải nhọc công tra cứu gây phiền lụy đến người khác. Tôi từ giã cõi trần chanwgrqua là do tôi không thể chịu được sự khinh miệt, hắt hủi của người đời. Lâu nay tôi vẫn nghĩ, con người ta được sinh ra và tồn tại cho đến ngày nay, và mãi mãi sau này, đều khởi nguồn tự sự giao hợp giữa bà E-va và ông A-đam. Nên hễ là con người, dù là đấng đàn ông hay đàn bà, cũng đều là con của Chúa, được Chúa nuông chiều, dạy dỗ và ban cho một tên gọi chung: “Bầy con ngoan đạo”. Thế nhưng, không hiểu sao đến bây giờ người ta vẫn còn bày đặt bao tục lệ khắt khe ngay chỉ trong một gia đình, dòng họ. Tôi cũng không sao hiểu nổi, con người do Chúa sinh ra, nhưng cũng chính con người lại tự cho mình cái quyền tôn vinh đấng đàn ông lên tận mây xanh, cho họ một sức mạnh siêu phàm: duy trì dòng dõi tổ tong. Trong khi đó, ai cũng biết mọi người sinh ra sau nỗi đau chin tháng mười ngày của người đàn bà, mà bất kể đứa con nào, nam hay nữ cũng phải gọi bằng Mẹ. Vậy mà chính những người đàn bà lại bị người ta coi là không thể nối dõi tông đường, duy trì nòi giống tổ tong (?). Tôi sinh sau đẻ muộn không hiểu biết thói đời ngang trái ấy, nên tôi quyết đi gặp Chúa một lần hỏi cho rõ nguyên cớ sao tôi phải bỏ chồng và hai đứa con gái ra ở khuất nẻo ngoài xóm lẻ chân đê, để mang tiếng xấu với người đời là gái lộn chồng, cho bố tôi dễ bề lấy vợ khác cho con trai, với hy vọng người con dâu sau sẽ sinh cho ông đứa cháu trai nối dõi tông đường. Còn tôi là một người đàn bà xấu số, chỉ sinh con một bề, thì chẳng khác nào chiếc u nhọt làm mục ruỗng cơ thể nhà chồng(!). Nhưng sao trước lúc đi xa, tôi vẫn thấy luyến tiếc lắm lắm cuộc đời này. Nên tôi viết bức thư này gửi lại trần gian cầu chúc cho tất cả những người đàn bà như tôi không bao giờ phải chịu điều tai tiếng vì nỗi không duy trì được dòng dõi tổ tông…”.
Tôi chỉ có gan đọc bức thư của mẹ tôi đến đây, mà cũng phải dừng lại mấy lần. Mắt tôi cay xè, những giọt nước mắt cứ tuôn ra, rơi xuống tờ giấy nhiều chỗ ướt đẫm. Chao ôi! Sao đời người đàn bà như mẹ tôi lại khổ thế này. Ai, ai bày đặt ra cái tục lệ quái ác chỉ có đàn ông mới có quyền nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên? Tôi nhét vội bức thư vào túi, đứng bật dậy định lao ra ngoài thét lên câu đó. Nhưng cô út kịp kéo tôi lại, hai mắt cô cũng đỏ hoe:
– Tĩnh tâm lại, cháu ơi! Mẹ cháu còn đang cấp cứu ở bệnh viện, đã biết sống chết thế nào mà toáng lên. Biết đâu cái số của mẹ cháu lại không phải qua cái cầu ấy thì thật phúc đức cho nhà ta, cháu nhỉ.
Vâng, tôi cũng mong mẹ tôi không phải qua cái cầu ấy.