Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Hổ mun” của nhà văn Đặng Thư Cưu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Hổ mun” của nhà văn Đặng Thư Cưu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Nhà văn Đặng Thư Cưu
(1951-1991)
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: LÊ CÔNG TÂM. SINH NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 1951 TẠI THÀNH LỢI, THÀNH PHỐ CẦN THƠ. QUÊ QUÁN: XÃ PHÚ HỮU, HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH CẦN THƠ. MẤT NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 1991. SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC BỊ NGUỴ QUYỀN SÀI GÒN ĐỘNG VIÊN VÀO LÍNH TỪ NĂM 1972 ĐẾN NĂM 1975. THỜI HỌC SINH, ĐÃ VIẾT TRUYỆN NGẮN, TIỂU LUẬN VỚI BÚT DANH ƯU THỨC TRÊN CÁC BÁO VĂN HỌC, KHỞI HÀNH, THỜI TẬP, TIỂU THUYẾT THỨ NĂM… TỪ NĂM 1980 SÁNG TÁC TRỞ LẠI VÀ CÔNG TÁC TẠI HỘI VĂN NGHỆ KIÊN GIANG.
HỔ MUN
Ông Trì Gầm ngồi yên lặng như một gốc cây cổ thụ, đăm đăm nhìn mặt trời đỏ sậm màu máu, hạ chầm chậm xuống mặt đầm lầy mù mù chướng khí. Những tia nắng cuối cùng sáng rực, lấp lánh như nhiều mũi giáo nung già lửa trong lò, đâm xuyên qua làn sương trắng. Cánh rừng bao bọc chung quanh dần bắt đầu ngả màu đen sẫm. Gió đứng. Bầy muỗi bay lào xào, thỉnh thoảng va mạnh vô khuôn mặt sạm màu sắt, lạnh câm như đẽo trên tảng đá. Tiếng loài thú nhè sột soạt trong lùm bụi phía rừng chồi. Tiếng cá sấu thở cạnh bờ sông nghe như tiếng rên trầm trầm. Muỗi táp vô mặt ông mỗi lúc một nhiều bám đầy trên cái đầu cạo nhẵn. Ông hậm hực:
– Hổng ngồi yên được với cái đám muỗi rừng ôn dịch này.
Ông đứng dậy chậm rãi. Dáng cao lớn gù gù như một con gấu lực lưỡng. Bắp thịt ngực phồng to, chắc nịch loáng thoáng những vết sẹo dài, nổi vồng lên có màu tai tái. Ông Trì Gầm nhúm lửa bằng những nhánh bằng lăng khô. Ngọn lửa vàng cam hắt ánh sáng lên mặt ông, rung rinh, chờn chợn những nét vẻ kỳ quái. Chỉ có đôi mắt nhỏ và sâu, lạnh và bén, xọc thẳng vào màn đêm vừa chớm như mắt thú rừng. Đó là thứ vũ khí phòng vệ chắc chắn, đáng tin tưởng của những con người đặt chân lên vùng đất hoang vu ở phương Nam này.
– Sao ổng chặt mây lâu dữ vậy cà?
Như trả lời câu hỏi một mình của ông, một tiếng thú vang lên cuồn cuộn như tiếng bão. Nó chứa đựng một sức mạnh man dã, rừng rú. Nó trườn qua khu rừng, dội mạnh vào những gốc cây già, lướt trên chồi xanh, phá vỡ cái tịch mịch nặng nề của đầm lầy và sau cùng hoà tan vào những âm thanh rì rầm bất tận của dòng sông.
Ông Trì Gầm nhếch môi:
– Ông đã về.
Ông quay vào chòi lá lấy một tảng thịt rừng khô treo trên mặt đám than hồng. Phút chốc mùi thịt nướng ngọt đậm lan rộng. Cái giọng ngập ngừng nhưng sang sảng như tiếng đá vỡ:
– Chà… màn nguyên… màn nguyên… ta đói bụng quá.
– Tôi chờ ông từ hồi mặt trời còn ở trên đọt rừng bằng lăng.
– Hà… hà… màn nguyên… màn nguyên… Ta chém được cái đuôi của con tinh thù lỳ.
Người đàn ông xuất hiện nhẹ nhàng như một con beo đen. Ông liệng bó mây nước xuống sân và quăng trước mặt ông Trì Gầm một vật vằn vện dài hơn thước tay. Ông già lặng lẽ nhìn cái đuôi cọp mềm mại như còn rung động:
– Sao không chặt luôn ổng?
Người đàn ông cắm cây mác thông xuống đất, xếp bằng ngồi cạnh đống lửa:
– Ăn uống đi rồi… màn nguyên… ta kể cho nghe.
Ông già rót rượu ra chén, xé thịt nướng đưa cho người đàn ông. Ông ta uống đánh ực một hơi cạn chén, bỏ thịt vô miệng nhai ngồm ngoàm khoái chí. Đôi mắt to của người đàn ông rực lên như hai hòn than cháy.
Ông già yên lặng ngắm người bạn rừng. Chính ông cũng không biết rõ tuổi tác thật sự của người đàn ông là bao nhiêu? Với tấm thân đen bóng, dè dặt như các sớ gỗ mun cùng mái tóc rối bời bỏ xấp xoã ngang vai tạo cho người đàn ông một nét man dại cổ sơ.
Ông già đánh bạn với người đàn ông trên hai năm nay. Cũng là dân lưu lạc xuống vùng đất rừng hoang vu này, nghề nghiệp khác nhau, ông Trì Gầm chuyên nghề câu sấu đem bán ngoài xóm dân. Dụng cụ của ông là lao mun, là câu móc, là dây thừng. Người đàn ông là thợ săn cũng là người chặt mây rừng đem đổi chác ngoài xóm. Những lần dừng chân bên bờ sông, qua chén rượu, bên bếp lửa đêm, những thỏi thịt rừng, thịt cá sấu đã cho hai người cái tình bạn thật tự nhiên như cây rừng, như đầm nước. Nó không pha tạp một thứ gì hết. Nó trong vắt như nguồn sông nguyên khai. Nó đậm đà như mật ong mùa tháng giêng. Đất rừng hùng vĩ, phong phú nhưng cũng đầy nghiệt ngã, nguy hiểm. Trong cuộc sinh tồn đơn giản đó, họ thấy cần nhau, thương nhau một cách lặng lẽ.
Bằng cái giọng ngập ngừng, phải lót thêm tiếng đệm vô nghĩa nhưng quen thuộc, người đàn ông kể cho ông già việc ông chặt đứt đuôi cọp mà ông gọi là tinh thù lỳ. Khi vô tới khu vực có mây nước mù thì trời đã xế. Người đàn ông ăn gói cơm nắm xong tính đốn mây rồi về sớm vì đã hẹn với ông già uống rượu đêm naỵ. Ông lần vô cụm mây già đủ tuổi thì một con hổ vằn chặn đường. Có lẽ nó quá đói vì không tìm được mồi, chớ bình thường ít khi nó dám tấn công ông một cách trực diện như vậy. Con hổ gầm gừ, quật đuôi liên tục và ứa bọt miệng trắng xóa. Người đàn ông bực tức giơ cao ngọn mác thông:
– Màn nguyên… màn nguyên… ta chém chết bây giờ. Con hổ bươn tới chầm chậm vì cái đói cồn cào nơi bụng. Bất ngờ nó đập mạnh đuôi về phía trái. Theo kinh nghiệm, người đàn ông hiểu con dã thú sẽ tấn công bên mặt. Ông tràn ngang và ngọn mác thông sắc bén trên tay vớt ngược, dọc theo sườn con thú. Sức mạnh ghê gớm của người thợ rừng đã chém ngọt một phần đuôi con hổ vằn và thuận đà rẹp thêm mấy cây mây gai góc. Con hổ hộc lên một tiếng kinh hoàng, vụt vào bụi, lê theo mấy vết máu đỏ thẫm.
Ông Trì Gầm rót thêm rượu:
– Thiệt là may cho lão. Tui tin rằng ông sẽ chặt đứt hông lão chỉ với một nhát thôi.
Người đàn ông cười sằng sặc:
– Màn nguyên… ta cũng không muốn chặt lão chút nào hết… miễn là lão đừng động chạm tới ta.
Tảng thịt rừng còn trơ lại khúc xương bị gặm nham nhở. Ông già liệng thêm nhánh khô. Bếp lửa bùng cháy. Gió đêm bắt đầu hú ầm ào. Bầy muỗi rừng trốn biệt. Thật ra tiếng hổ gầm no mồi như uất nghẹn.
Đột ngột hai người thợ rừng im bặt, nghiêng đầu nghe ngóng, mắt quắc lên, rực lửa. Người đàn ông đứng dậy ngó ra bờ sông. Tấm thân cuồn cuộn bắp thịt sừng sững, hắt lên trong bóng lửa chập chờn như một hình thần linh. Giữa cái âm thanh rì rầm như than thở của dòng sông họ nghe rõ tiếng mái chèo rẽ nước. Ai dám vào tận cùng ngọn rạch sâu thẳm giờ này?
Tiếng động của chiếc ghe mỗi lúc một gần. Tiếng người nói chuyện thì thầm. Ông già bật dậy, lao ra bờ sông:
– Ai?
Trăng lùi lũi chui vào cụm mây mù. Góc rừng tối sầm lại như vừa có một cơn bão đen lướt qua thật chậm chạp. Bếp lửa chỉ còn những vụn than hồng. Ông già không nhóm thêm để lắng nghe người khách lạ kể chuyện. Cả ba ngồi quanh bếp than. Vụn than nổ lép bép, vụt sáng bừng, rọi lấp lánh lên mớ râu muối tiêu phất phơ dưới cằm của người khách lạ. Ông nâng chén rượu của bạn rừng mới, uống một hớp:
– Tôi và chiếc ghe này đi lang bạt giang hồ. Rất nhiều khu rừng phương Nam đã có dấu chân tôi. Tôi là dân ăn ong các bác à! Các bác có nghe chớ? – ông Trì Gầm và người thợ rừng nói lắp im lặng gật đầu.
– Nghề này không đụng chạm tới ai. Ong của rừng. Chỉ tội là phải lặn lội vất vả. Nhiều khi dân rừng không hiểu, hay nghi ngờ, làm khó dễ. Ong nhiều lắm. Ong là vị ngọt, là hương thơm của rừng. Mật không của riêng ai ông Trì Gầm nhếch môi:
– Tui nghe người ta nói mật của thần rừng.
Người khách lạ ngước mặt lên nhìn sâu vào thăm thẳm bóng đêm. Trăng vàng quạch phía rừng già:
– Dà. Bác đó nghe nói đến thần rừng là bác biết nghề của chúng tôi rồi. Nó như một lời nguyền truyền kiếp. Phải cúng tế, phải van vái. Nhiều dân ăn ong bỏ qua tập tục này, không tin tưởng thì suốt mấy tháng liền không kiếm được một giọt mật, rồi ốm đau liên miên, vốn liếng cạn sạch, thân sơ thất sở. Ghê gớm vậy đó bác.
Người thợ rừng nói lắp nãy giờ câm lặng như đêm, chợt lên tiếng:
– … Màn nguyên… mà cúng bằng gì?
Người khách chưa kịp hiểu câu nói của người thợ rừng. Lát sau, ông nghĩ ra, vui vẻ:
– Có gì cúng nấy bác à. Cái cần là do lòng thành của mình, lời hứa của mình. Khi thì heo quay, thủ vĩ luộc. Cũng có khi…
Người khách chợt cắt ngang câu nói. Âm thanh rơi hẫng vào màn đêm mất hút. Người khách quay đầu ngó xuống bờ sông. Ông Trì Gầm chợt nhớ ra lúc ra đón chiếc ghe, ông nhác thấy dáng một người thật nhỏ nhắn, lúi húi trong mui bằng lá chàm. Người khách quay lại:
– Nhiều khi cúng cả con cái mình.
Ông già ngạc nhiên:
– Ông nói thiệt hay nói giỡn?
– Rừng linh thiêng lắm, không nói chơi được. Nhiều khu rừng quá nặng ám lực huyền bí, cúng vật chết không làm ăn được phải tế bằng vật sống.
– Rồi con người bị cúng đó ra sao?
– Cũng về với gia đình thôi. Chưa thấy thần rừng nào nhận hết, nhưng không có lời van vái, thành thật thì không làm ăn được. Tôi cũng không hiểu.
Đêm đó khuya. Trăng khuất dưới tán rừng đen kịt. Tiếng thú kiếm ăn cũng vắng bặt, chỉ có đám côn trùng rì rì suốt đêm. Người khách từ giã hai người thợ rừng để xuống ghe.
– Tôi còn ở đây, mình còn nhiều dịp để tâm sự, nếu thần rừng ở đây cho phép tôi xin ít mật của rừng.
Ông Trì Gầm đứng lên, dúi vào tay người khách thỏi thịt rừng phơi khô và một nắm muối. Người khách nhìn ông, lòng cảm tạ ngập ngời trong ánh mắt. Ông Trì Gầm trở vô chòi. Người thợ rừng nói lắp đó nằm yên trên sàn lót bằng những thân gỗ tròn, bóc vỏ. Ông Trì Gầm nhồi thuốc vào cái vố bằng gốc tre, bước ra ngoài châm hút và đứng tựa ngó mông lung về dải rừng xa hun hút. Mảnh đất hoang vu này còn chứa biết bao nhiêu điều mà ông không thể hiểu hết. Đời người quá ngắn ngủi trước bí mật của thiên nhiên. Với ông thì ông có thể tự hào về sự am hiểu các bãi cạn, các vực xoáy, những con lạch đầy bùn dẫn vô đầm lầy, chỗ nghỉ ngơi của bầy cá sấu. Đánh bạn với người thợ rừng nói lắp, ông biết thêm về cây mây đầy gai, những con chồn làm ổ trong bụi chà là hay những cái trứng rắn hổ mây to lớn. Bây giờ nói chuyện với người khách lạ ăn ong, ông hiểu rừng chỉ mới ban phát cho ông một vài vấn đề thông thường. Còn nhiều cái chất chứa ngập trong lòng khối đen thẫm trước mặt, trong muôn ngàn âm thanh kỳ quái của rừng đêm… Nhất là thần rừng. Cái bí lực huyền hoặc đó có thật không? Có tham dự thật sự vào những đời sống đơn giản của những người thợ rừng hay không? Ông Trì Gầm nghe giữa ngực có một cái gì đó nặng như treo lên một khúc gỗ mun. Ông đằng hắng một tiếng lớn, khạc mấy sợi thuốc vướng trong cổ họng. Đêm lạnh câm đầy đe doạ. Bỗng nhiên đêm rừng nay khác hẳn mọi đêm khác. Nhiều dấu hỏi hiện ra trong đầu ông ngoằn nghèo như những con rắn hổ đất con vừa mới nở.
*
Hai cha con men theo ven đầm lầy đi một quãng khá xa mới tới vùng gò tranh. Mùi bùn, mùi nước đọng quanh năm, mùi cỏ ướt như quyện kín lớp không khí yên ả buổi sáng. Qua cánh đồng tranh, hai cha con bắt đầu đi vào vùng trời tím nhạt của cánh rừng bằng lăng đang độ trổ bông. Tiếng ong rỡ rầm không ngớt. Người cha hít thật sâu mùi hương ngây ngất. Đứa con gái hái một nhánh bông cầm nơi tay. Không ai có thể ngờ được rằng với những bước chân thong thả, nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi đó, hai cha con đang dẫn nhau đi tế thần rừng. Cuộc sống dềnh ra trước mặt bằng những bí ẩn chập chờn, bằng một sức mạnh mà con người chỉ thấy qua hơi thở. Rừng lặng im như chất chứa ngồn ngộn sức sống. Nó sẵn sàng dâng hiến và cũng sẵn sàng tiêu diệt.
Qua rừng bằng lăng, mặt đất đổ dốc, nghiêng xuống một dải rừng tràm mịt mùng không nhìn thấy giới hạn. Mùi bông sực nức trong gió và tiếng ong rộn rã một giai điệu bất tận. Người cha ngó đăm đăm vào rừng tràm mường tượng nhìn thấy một dòng mật màu hổ phách, trong suốt, đặc quánh chảy trong đó. Người cha nói với đứa con gái:
– Hãy thành tâm cầu nguyện với thần rừng cho cha con mình may mắn trong chuyến làm ăn này đi con. Đứa con gái ngước mắt nhìn dải đường có màu xanh yên bình. Nắng đọng thấp thoáng trên tán rừng những vệt màu hồng tươi. Cô ngửi thấy mùi hương bông, mùi mật đến mùa. Người cha đứng bên cạnh nói lớn:
– Xin thần rừng cho phép cha con tôi được ăn ong trong khu rừng này tròn một vòng trăng. Tôi hứa sẽ không phá hại của cải của rừng. Đêm trăng tròn tới tôi cho con gái tôi một trinh nữ mười tám đến tạ ơn thần rừng. Số phận của nó tùy ý quyết định của thần rừng.
Tiếng nói chậm rãi, gọn gàng từng âm một như liệng vào rừng yên ả những hòn sỏi của số mệnh. Thốt nhiên người con gái rùng mình. Cô cảm thấy có một nỗi bứt rứt kỳ lạ chạy rần rật trong máu. Cô nắm lấy tay người cha:
– Ba! Con thấy sợ.
Người cha quay trở lại:
– Con yên lòng. Mình chỉ dâng phần tinh thần cho rừng. Rừng không bắt con đâu. Như những lần trước.
– Nhưng đêm qua con chiêm bao.
– Con thấy gì?
– Con cỡi trên lưng một ông hổ bay vun vút, qua hết một dãy rừng thiệt dài. Sau đó con thấy mình hoá thành hoa rừng, một bụi hoa có màu đỏ như máu.
Người cha im lặng một lúc. Ông tin tưởng sự có mặt linh thiêng của thần rừng nhưng ông không ưa chiêm bao, mộng mị. Nó dễ làm cho người ta xiêu lòng. Ông an ủi con:
– Tại trước cảnh lạ, lòng con hốt hoảng hay nhìn thấy bậy bạ.
– Mấy bác thợ rừng nói ở đây có nhiều ông hổ.
– Thì cũng như mấy khu rừng miệt trên thôi. Cha tin ở con.
Hai cha con không nói chuyện gì với nhau khi đi qua đồng cỏ tranh. Phía đầm lầy mà sương còn quánh đặc, lơ lửng trên mặt đầm cái màn trắng mờ, rung rinh huyền ảo. Chợt người cha nói to một mình:
– Cầu nguyện với rừng, lần này làm ăn khấm khá, có một số vốn, cha con tôi sẽ định cư ngoài bờ sông. Không vào rừng nữa.
Bất ngờ một tiếng hổ gầm vang lên thật gần phía rừng bằng lăng như trả lời người cha. Âm thanh dội mạnh, kéo dài ra thành tiếng rền u u rồi lắng tan, đứa con gái siết chặt bàn tay người chạy ánh mắt trong sáng của cô vừa lướt qua một bóng mây hãi hùng.
*
Thời gian được tính bằng vòng cung mặt trời lên ở phương đông và lặn ở phương tây. Đơn giản như cuộc sống của những người thợ rừng, kể cả người khách lạ ăn ong. Mỗi người một việc. Họ không làm phiền nhau cũng như ít khi giúp lẫn nhau. Ông Trì Gầm thì mải mê với những con lạch đầy muỗi dẫn vô đầm lầy và tiếng sấu thở trầm trầm. Người thợ rừng nói lắp thì gắn bó với rừng mây đầy gai nhọn. Cha con người ăn ong lầm lũi về phía rừng tràm nức hương mật. Không biết do lời cầu nguyện đó đến tai thần rừng hay do nguồn mật dồi dào của cánh rừng hoang dã mà những lu, hũ của ông ta đã đầy ăm ắp?
Một đêm khi vòng trăng bắt đầu trở lại, người khách mang lên chòi một tảng mật lớn pha vào rượu. Đứa con gái lo nướng một con cheo bị bẫy. Họ ngồi túm tụm nhau như đêm đầu tiên bên bếp lửa nhóm bằng nhánh bằng lăng khô. Rượu rót đầy chén, thơm ngát mùi mật, ngọt đẫm đầu lưỡi và họ uống không biết say vì đêm nay có lẽ là đêm chia tay.
Ông Trì Gầm vẫn với cái nhìn lạnh căm như dòng nước đêm:
– Cha con ông có thể ra đi được rồi. Rừng quá rộng rãi với cha con ông.
– Vầng trăng đó trở lại. Thời hạn xin làm ăn ở đây đã hết. Chắc kỳ này tôi sẽ dành dụm làm vốn, định cư ngoài vàm sông và lo cho nó một tấm chồng.
Đứa con gái bẽn lẽn cúi mặt dấu vào mái tóc dài óng ả. Người thợ rừng nói lắp bật cười:
– Mắc cỡ làm chi con? Về xóm sống cho thoải mái. Rừng khắc nghiệt lắm con ơi. Ông Trì Gầm ngó mông lung về hướng rừng đêm.
– Còn lời cúng tế?
Người khách quấn một điếu thuốc lớn, nghiêng đầu châm vào bếp lửa:
– Phải trả chớ.
– Ông bỏ đi không được sao?
– Ồ không. Lời hứa vẫn là lời hứa. Số mệnh là số mệnh. Phụ lời nguyền tui không hiểu hậu quả sẽ ra sao?
– … Màn nguyên… nghĩa là ông giao con cho rừng?
– Phải vậy thôi. Đêm mai, đúng kỳ trăng tròn trở lại, tôi đưa con gái tôi vào trong rừng. Sau đó nếu thần rừng tha cho nó thì nó sẽ theo tôi về xóm.
– Thần rừng cho hổ ra đánh với con gái tôi. Nó đã thắng tất cả và như thế thì lời cúng tế của tôi như đã xong.
Hai người thợ rừng mở tròn mắt nhìn hết người khách đến cô gái bé nhỏ. Họ vẫn im lặng như câu chuyện đó thật bình thường, như việc dùng dao tre gạt cái túi mật căng tròn, tươm ra một dòng vàng sánh, óng ả.
– … Màn nguyên… thiệt à? Ta chưa nghe nói như vậy bao giờ?
Người khách nâng chén rượu uống một hơi dài. Cô gái vẫn nhìn vào bếp lửa. Thỉnh thoảng cô liệng vào một nhánh khô. Lửa bùng lên, uốn éo, soi rạng gương mặt trông dễ thương của cô gái.
– Đêm mai tôi mời hai ông chứng kiến một cuộc trả lễ. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ ra đi an toàn. Họa hoằn… đó là số mệnh…
Người khách không nói tiếp. Tiếng chim rừng rít lên thảm thiết ở một góc trời.
*
Đêm im sững không một chút gió. Trăng lên ngang đỉnh đầu, tròn vành vạnh, sáng loáng. Quãng đất trống ngăn vạt cỏ tranh và dải rừng già trắng lạnh. Ba người đàn ông dừng lại. Cô con gái bước tới sau lưng. Người khách quay đầu lại:
– Xong chưa con?
Cô gái gật đầu. Cô mặc bộ đồ đen. Quần túm ống. Một chiếc khăn buộc chặt ngang cái bụng nhỏ xíu. Mái tóc dài được bới cao gọn ghẽ. Cô cầm trong tay một cây roi vừa tầm làm bằng một thứ cây rừng vừa dẻo, vừa nặng. Người khách cùng cô con gái bước ra khoảng đất trống. Ông nói to, chậm rãi như ném tiếng vào rừng già:
– Thưa thần rừng linh thiêng, ngày trăng trở lại đã tới, tôi đã được ít mật của rừng cho. Như lời xin, đêm nay tôi đưa con tôi đến cho thần rừng, mong thần rừng thương nó còn bé bỏng. Số phận nó trong tay ngài. Tui chỉ trông cậy vào tình thương của ngài.
Hai người thợ rừng ngồi lại trong đám cỏ tranh. Lần đầu tiên họ rùng mình trước lời van vái khủng khiếp. Người khách quay lại ngồi với họ. Đêm rừng im phăng phắc. Cô gái chống roi đứng giữa vùng trăng sáng, rực rỡ như huyền thoại, ma quái và bí ẩn như đời rừng.
Đột nhiên tiếng chim lạ gào lên như âm thanh một tiếng khóc nức nở. Rồi tiếp theo là một tràng cú rúc kinh hoàng. Dáng nhỏ nhắn người con gái vẫn bất động. Phía rừng già vang ầm ào như có gió lốc xoáy lớn. Một tiếng gầm dũng mãnh ác độc và đe doạ ập tới như có thể sờ thấy nó lướt ngang mặt cỏ tranh sắc cạnh. Con hổ vằn to lớn vọt ra từ trong rừng già co người lại tụ hình trước mặt cô gái. Cụm lông bạc phía dưới hầu như phát sáng trong ánh trăng. Con hổ lom lom nhìn cô gái bằng cặp mắt hừng hực lửa. Cô gái vẫn đứng bất động. Cô đã chết đứng rồi chăng? Con hổ vẫn vươn mình, mềm mại, uyển chuyển thành cái bóng trườn dài ra, phớt tối như một ánh mây vừa che lấp mặt trăng. Và người ta nghe thấy tiếng roi vun vút, xé gió cuộn ánh trăng thành những chùm bông kim ngân tơi tả. Con hổ gầm gừ, vây phủ cô gái bằng những cái vuốt xoè ra và đôi nanh ướt đẫm. Cô gái như đã biến thành bóng khói nhẹ lướt êm như sương né tránh những cái vồ độc hiểm. Cô tiếp sát vào sườn con dã thú, ngọn roi đánh đúng vào xương sống rồi đốc roi hất ngược lên giữa ức con vật. Con hổ hộc lên một tiếng văng ra và biến vào màn đêm đen kịt.
Hai người thợ rừng thở phào. Họ nghe như cái khối nặng nãy giờ treo trên ngực đã được cất đi. Họ toan đứng lên nhưng người khách vội níu lấy vai họ dằn xuống, thì thào:
– Thần rừng mới thử sức thôi chưa đấu thật đâu.
Đúng như lời nói, khoảng đất trống lại xuất hiện một con hổ khác. Con này chỉ bằng bảy phần con hổ vằn, thong thả từng bước mềm oặt. Nó mang bộ lông màu xám trắng. Những vằn đen hằn mờ mờ. Con hổ xám có vẻ thận trọng và cô gái cũng không đứng thản nhiên như trước. Cô lùi lại cầm ngang ngọn roi. Con hổ xám tiến tới trước mặt cô gái. Nó chụm hai chân trước lại, thân hình vươn dài, áp sát xuống mặt đất như chờ đợi một sự âu yếm. Cái hung hãn, dữ dằn của nó chỉ ngập ngời trong ánh mắt biếc xanh.
Cô gái và con hổ nhìn nhau thật lâu như thôi miên, như tìm kiếm sơ hở, như uy hiếp tinh thần đối thủ. Một đám mây phớt qua ánh trăng. Con hổ hực một tiếng nhỏ nhưng sắc rồi chồm tới. Một chân nhắm vào bả vai, một chân nhắm vào cổ họng và cái miệng rộng ghê gớm sẵn sàng bẻ gẫy những đốt xương cổ của con mồi. Cái phóng mình của nó thật khát khao và lẹ như một tia chớp. Cô gái cuộn mình lăn tròn dưới ức con vật, lăn ra sau và dựng đầu roi đâm mạnh vào hạ bộ con vật. Ngón sát thủ trong đường tơ, kẽ tóc. Con hổ xám bây giờ mới chịu vang lên tiếng gầm nhưng là một âm thanh nghẹn đi của sự chiến bại. Nó rớt xuống đất và lết vào khu rừng già thật hèn hạ.
Người khách dợn mình muốn đứng lên. Ông nghĩ thần rừng đã thử sức với cái vật tế nhỏ nhoi đó. Nhưng thần rừng như đang giận dữ vì tài năng cô gái mỏng manh kia. Rừng không tha thứ. Con hổ thứ ba tiến ra. Đó là một con hổ mun, thật nhỏ, hiền hậu, nhút nhát và non nớt, nếu như nhìn thoáng qua vóc dáng bên ngoài của nó. Nó không thị uy bằng tiếng gầm giận dữ, bằng cái dáng điệu sẵn sàng uống máu con mồi. Con hổ mun tiến ra khoảng đất trống, rụt rè nhìn cô gái như một con vật nhỏ ngoan ngoãn. Nó đi vòng vòng chung quanh với những bước chân mềm mại, uyển chuyển. Cô gái chống cây roi, tấn công vững chắn như không quay đầu theo con hổ mun vì cô thừa hiểu đó là một cách phân tán sức lực của cô. Mồ hôi đẫm ướt chân tóc. Thần kinh cô căng thẳng dữ dội vì cô đang đối đầu với một đối thủ hết sức nguy hiểm. Cô gái không theo dõi con hổ mun bằng ánh mắt mà cô nghe ngóng bằng toàn thân, bằng xúc giác đang gợn lên trong làn da, bằng thính giác của một con người đứng bên bờ vực lắng nghe tiếng gió hú từ đáy sâu của cái chết. Con hổ mun bình thản như một con vật đang dạo chơi. Nó có vẻ như không chú ý tới cô gái.
Trăng sụp nhanh xuống mí rừng. Khoảng đất vụt tối. Con hổ mun lẹ làng tấn công từ phía sau lưng cô gái bằng cú vồ nhẹ nhàng không tiếng động. Cô gái xoay người như đó nhìn thấy bằng đôi mắt ẩn sau búi tóc. Ngọn roi đâm vào ức con vật. Nó uốn mình như một tay làm xiếc và rớt xuống bên phải cô gái nặng không hơn chiếc lá rụng. Cuộc chiến đấu thầm lặng. Những người ngồi quanh chỉ nghe thấy hơi thở nặng nề của cô gái. Nắm tay người khách siết chặt một gốc cỏ tranh và nhổ bật nó khỏi mặt đất.
Cô gái đã đuối sức vờn qua nhiều lần chiến đấu cũng như cách vờn mồi nguy hiểm của con hổ mun. Cô nhất quyết đánh đòn sau cùng. Cô rùn người xuống, xoay cây roi thành vòng tròn… Nhưng bất ngờ mái tóc dài óng mượt của cô sút ra, xổ tung và cuộn lấy một phần roi như một sợi thừng đen biếc. Cô gái lúng túng, vướng vít với chính mái tóc của cô. Con hổ mun chờ có vậy, nó chồm lên, trườn mình như một cơn gió đen.
– Cha ơi!…
– Cha ơi!…
Tiếng con hổ mun gầm lên thanh và sắc. Tiếng gào chiến thắng của nó biến mất như chưa hề xuất hiện. Cô gái nằm sõng xoài trên mặt đất. Người khách rùng mình chấn động. Ông Trì Gầm đứng vụt dậy. Người thợ rừng chụp lấy ngọn mác thông chồm người tới từ khi tiếng kêu vĩnh biệt, đau đớn của cô gái vang lên, từ khi con hổ mun còn há họng rú lên kiêu hãnh và ác độc. Nhưng người khách ấn tay lên vai ông, lắc đầu:
– Không. Phải giữ tròn lời hứa với thần rừng. Số mệnh là số mệnh.
– Con ông đã phải chống chọi quá sức.
Giọng người khách cố ngăn nỗi nghẹn ngào, ăm ắp trong cổ họng:
– Nó đã làm rạng danh. Nó đã hiên ngang chống chọi với mãnh lực của thần rừng. Hãy để nó ngủ yên với cái vinh quang của con nhà rừng và lời cúng tế. Số mệnh đã khép lại nơi mảnh đất xa lạ này.
Người đàn ông đứng lên tiến ra khoảng đất trống. Ông Trì Gầm thấy ông chợt già đi thêm mấy mươi năm. Nỗi đau đớn của người cha đang vật ngã ông từng bước. Rừng đã rộng rãi cho ông nhưng cũng hết sức khắc nghiệt khi cố tình cướp khỏi đời ông người con gái thân yêu, ông quỳ xuống, nhỏ bé hơn bao giờ hết.
Chiếc ghe của người khách ăn ong đó đi xa. Trên ghe chỉ còn một mình ông. Ông thật đơn côi và yếu đuối. Cô gái ở lại bên góc rừng. Nắm đất nhỏ nhoi cùng ngọn roi cắm đứng trước mộ như một tấm bia.
Nhiều lần ông Trì Gầm ra đứng trước mộ cô gái. Rừng vẫn vang động những âm thanh trầm trầm hoang vắng. Rừng chất chứa nghìn trùng bí ẩn vừa quyến rũ, vừa nghiệt ngã. Con người tới với rừng bằng sức lực mỏng manh, bằng trí khôn và cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Rừng không từ chối cũng không bao dung.
Ông ngó ngôi mộ và tự hỏi, không biết có con hổ mun thật không? Hay tất cả chỉ là một giấc chiêm bao?
Tháng 4/1989
Đ.T.C