Còn Hà Nội có chiêu tuyết được không, đó lại là một chuyện khác. Nhỡ chúng ta đã bị làm hỏng tới mức không bao giờ có thể tạo ra một hình ảnh tốt đẹp tương đương với chính mình trong qúa khứ thì sao?…
Còn Hà Nội có chiêu tuyết được không, đó lại là một chuyện khác. Nhỡ chúng ta đã bị làm hỏng tới mức không bao giờ có thể tạo ra một hình ảnh tốt đẹp tương đương với chính mình trong qúa khứ thì sao?
Đã thành một thói quen, dân ta do đời sống quá buồn nên rất ngại nói chuyện buồn, và càng giả vui để tự lừa mình thì cuộc sống lại càng buồn hơn.
Vào những dịp phải vui như dịp đầu năm của cái năm chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long ngàn tuổi, hoặc lúc nhìn lại Hà Nội từ 10-1954 tới nay mà kể những chuyện buồn của Hà Nội chắc một số người e ngại.
Nhưng không chỉ riêng Nam Cao quan tâm tới Chuyện buồn giữa đêm vui ( tên ông đặt cho một truyện ngắn). Mà đó là tâm trạng phải đến với bất cứ ai khi muốn thẳng thắn đối diện với thời gian.
Hôm nay tôi muốn nhắc lại một ít chuyện buồn đã đến với Thủ đô trong quá khứ để thêm bằng lòng với Hà Nội đã là một cái gì không tách khỏi cuộc đời mình. Một tình yêu có nhiều trắc trở khó khăn, nhiều khi, lại mới là tình yêu sâu sắc.
Trong lịch sử có không ít trang bi đát
Các nhà lịch sử Thủ đô thời nay thường chỉ ghi những ngày đẹp trời. Nhưng đọc một bộ sử giá trị bậc nhất của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, – theo tôi tầm vóc của nó đáng được so sánh cỡ như Truyện Kiều –, chúng ta đã có thể biết tới nhiều thời điểm buồn của Thăng Long.
Thuở quân Nguyên xâm lược, từ năm 1285 đến năm 1288, ba lần giặc chiếm kinh thành, vua quan và dân chúng ba lần rút ra các vùng ngoại vi rồi ba lần trở lại.
Cuối thời Trần, quân Chiêm Thành từ phía nam đánh lên đốt phá.
Suốt chiều dài lịch sử, có thể đọc ra mức độ mọi biến động trong lòng Hà Nội qua sự bám trụ của bộ máy quyền lực nơi triều đình.
Hồ Quý Ly khi chuẩn bị chiếm ngôi, lập ra hẳn Tây Kinh (để đối lập với Đông Kinh tức Đông Đô ) và cho rời xa giá về đó.
Sau này, khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, Thanh Hóa lại là căn cứ tạm thời của các thế lực phù Lê, và chiến công trở lại Đông Đô được nhắc lại kèm với những cái tên như Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm để rồi mở đầu cho cả trăm năm nội chiến.
(Nhân đây xin phép tạt ngang để nhắc lại một nhận xét tổng quát. Cái mạch chính làm nên lịch sử Việt Nam chủ yếu không phải là lịch sử chống ngoại xâm mà là lịch sử những cuộc nội chiến liên miên đến mức có những lúc người ta đã tưởng đất nước này không sao thống nhất nổi. Số phận Hà Nội là một chứng minh cho kết luận đó)
Buồn nhất là suốt cả thế kỷ XIX, nhà Nguyễn dời đô về Phú Xuân, biến Hà Nội thành nơi cố quận. Đó cũng là thời mà mọi tầng lớp lưu manh bao gồm cả dân có cả một chút học hành như Ba Giai Tú Xuất mặc sức tung hoành.
Chỉ đến thế kỷ XX — theo những nguyên cớ nào mà tới nay chưa thấy ai có dịp lần lại — chúng ta mới thấy Hà Nội như hôm nay chúng ta hay nghĩ.
+ Hà Nội là nơi tụ họp tinh hoa bốn phương như người viết Chiếu dời đô năm 1010 ao ước.
+ Hà Nội đảm nhận vai trò của một đầu mối, để trên con đường hiện đại hóa, người Việt tự làm mới mình theo những chuẩn mực thế giới.
Không phải chỉ là vai trò của trái tim đất nước như nhiều người vẫn nghĩ. Mà cùng với thời gian, từ ấy, Hà Nội còn vai trò của một bộ óc.
Đằng sau cái được ngày hôm nay đã có không ít cái mất. Cái mất chốc lát và cái được lâu dài. Có vẻ như Hà Nội sở dĩ trở thành Hà Nội vì không gì có thể thay thế.
Một niềm tự hào rất khó khăn
Một khía cạnh khác của chuyện Hà Nội được mất tôi muốn nói hôm nay liên quan tới quan niệm về người Hà Nội thời đương đại.
Bây giờ kể lại chắc nhiều bạn trẻ không tin, nhưng quả thật là trong ký ức của lớp dân Thủ đô kỳ cựu, có một giai đoạn nay nghĩ lại phải gọi là hơi… buồn cười, cố nhiên là cười ra nước mắt.
Đó là những năm 50-60 của thế kỷ trước.
Từ những bài học trên ghế nhà trường và trong dư luận xã hội, điều mà lớp trẻ mới lớn lên những năm đó như chúng tôi tiếp nhận được là một cái gì hơi khó nói, phảng phất có ý phủ nhận.
Trong khi toàn dân kháng chiến, thì những năm 1946-1954, Hà Nội trong vòng chiếm đóng của người Pháp.
Những năm ấy, Hà Nội đã đóng quá lâu cái vai trò của một thành phố tiêu thụ, với bao nếp sống kẻ chợ hư hỏng. Thấp thoáng trong lòng mỗi người như là xấu hổ lại như là có lỗi.
“Hà Nội phải trở thành một thành phố của sản xuất” . Đằng sau cái khẩu hiệu ấy lả một mệnh lệnh, Hà Nội phải trở nên tầm thường nhếch nhác như mọi nơi khác
Những người Hà Nội cũ không dám sống theo cái nếp thanh lịch mà xã hội hiện đại đã rèn rũa cho họ.
Đóng vai trò chủ đạo của đời sống Hà Nội những năm ấy là lớp người mới nhập cư, những công dân Hà Nội thế hệ thứ nhất. Cùng với họ, một thứ khí hậu nông thôn bao trùm trong sinh hoạt ăn uống đi lại và trở thành một thứ chuẩn mực mà ngày hôm nay vẫn còn di lụy.
Tóm lại là thời ấy, khái niệm người Hà Nội nếu không bị phá vỡ thì cũng bị nhôm nhoam tầm thường hóa đi nhiều.
Đấy là một cái mất rõ rệt, mặc dù nhiều khi người ta cũng không biết mất gì nữa: những mày nét khía cạnh của người Hà Nội lâu nay thực ra mới chỉ được cảm thấy chứ đâu đã được tổng kết .
Mơ về một Hà Nội sang trọng
Nhưng rồi cái được lại tới. Cùng với thời gian, chính lớp người mới nhập cư những năm ấy lại thấy nhớ tới Hà Nội hôm qua hơn cả. Sau khi đã đi tới đủ mọi miền đất nước, nhất là được tiếp xúc với Sài gòn mà sự phát triển là ở trình độ cao hơn hẳn, người ta bắt đầu thấy phải trả về cho Hà Nội cái tinh thần của một thành phố hiện đại tức cũng là cái Hà Nội được gạn lọc, Hà Nội của tinh hoa, trí thức, Hà Nội quý phái sang trọng, rút ra từ kinh nghiệm sống của bao lớp người nhập cư các thế kỷ trước.
Một ý niệm mới về người Hà Nội lý tưởng bắt đầu hiện lên mờ ảo như một ước mơ, nhưng lại không thể xa rời tâm trí. Nó có mặt trong mỗi nghĩ suy của người ta về tương lai sẽ đến.
Tôi thầm ước ao có lúc nào đó rồi người ta phải viết về những thăng trầm của Hà Nội như vậy — thăng trầm như số phận của cái đẹp trong lịch sử.
Giai đoạn những năm 50-60 của thế kỷ trước cũng là thời thịnh trị của nghệ thuật chèo ở Việt Nam. Hồi đó có một diễn viên rất chín trong nghề là bà cả Tam.Theo như sự phân tích của các nhà nghiên cứu chèo như Hà Văn Cầu, Trần Bảng thì trong diễn xuất của bà Cả có một cái gì lung linh huyền ảo.
Có lần bà từng phát biểu một nguyên tắc làm nghề mà cũng là một nguyên tắc chi phối cách nhìn đời :
“Trong cái được có cái mất, trong cái vui có cái buồn, trong cái vô vọng có cái hy vọng.”
Nói theo chữ của triết học đó là một khái quát đầy chất biện chứng.
Câu nói thường trở lại trong tâm trí tôi mỗi lần nghĩ về Hà Nội.
Sự sang trọng của Thủ đô mà tôi nói ở trên đang được tìm lại, gây dựng lại.
Ít ra người ta cũng thấy nó là cần thiết, phải được mơ tới nghĩ tới.
Còn Hà Nội có chiêu tuyết được không, đó lại là một chuyện khác. Nhỡ chúng ta đã bị làm hỏng tới mức không bao giờ có thể tạo ra một hình ảnh tốt đẹp tương đương với chính mình trong qúa khứ thì sao?
VTN