HAI VỊ QUAN TẾ TỬU TRƯỜNG QUỐC TỬ GIÁM QUÊ Ở TIÊN LÃNG
Các triều đại phong kiến tự chủ nước ta coi trọng việc đào tạo nhân tài phục vụ việc xây dựng triều đình, xây dựng, bảo vệ đất nước. Vì vậy, hệ thống giáo dục được hình thành từ triều đình đến phủ, huyện và làng xã, đặc biệt là trường Quốc tử giám, tức trường đại học chính quy quốc gia. Chính sử ghi: Tháng 4 năm Bính Thìn (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc tử giám, tuyển chọn các văn thần có văn học vào giảng dạy các giám sinh là con cháu vua, quan. Như vậy, nước ta có trường đại học quốc gia khá sớm so với nhiều nước trên thế giới và đã đào tạo được khá nhiều nhân tài góp phần xây dựng các triều Lý – Trần văn minh, cường thịnh, khiến vua quan các triều Tống, Nguyên, Minh của Trung Quốc phải nể phục.
Sau khi đánh đuổi sạch bọn đô hộ nhà Minh bạo ngược về nước, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế vào ngày 15 tháng tư năm Mậu Thân (1428). Ngài ban hành nhiều chính lệnh để hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, giữ gìn biên ải. Về giáo dục, Ngài mở lại trường Quốc tử giám, trường học đến các lộ, các phủ.
Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng như vậy, nên nhà vua đặt bộ máy điều hành, quản lý và bổ nhiệm học quan giảng dạy Quốc tử giám gồm: Đời Trần đặt chức Tư nghiệp, đời Lê đặt chức Tế Tửu (Giám đốc), Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ, Ngũ kinh Bác sĩ (các giáo sư chuyên giảng 5 kinh: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu). Tất cả các chức vị trên đều là người học vấn uyên thâm, đạo cao đức trọng, nếp sống mẫu mực.
Theo thống kê của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu – Quốc tử giám:
– Quốc tử giám Thăng Long từ đời Trần đến hết đời Lê Trung Hưng có 97 vị Tế tửu, Tư nghiệp
– Quốc tử giám Huế (nhà Nguyễn đặt kinh đô ở Huế nên Quốc tử giám đặt ở đây – Quốc tử giám Thăng Long chuyển thành Học đường tỉnh Hà Nội) có 66 vị Tế tửu, Tư nghiệp
Quốc tử giám Thăng Long với 703 năm lịch sử (1076 – 1789), các chức Tế tửu, Tư nghiệp, học quan phải đỗ đại khoa. Địa bàn thành phố Hải Phòng ngày nay có gần 100 người đỗ đại khoa đủ cả 3 giáp Tiến sĩ, nhưng chỉ có 2 vị Hoàng giáp người Tiên Lãng được trao chức Tế tửu Quốc tử giám là:
1-Phạm Bá: Không rõ năm sinh, năm mất, người làng Phác Xuyên, huyện Tiên Minh nay là thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng. Khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời vua Lê Thánh Tông ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân còn gọi Hoàng giáp. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên, tức Xuyên Quận công, về trí sĩ ở quê. Đỗ đầu, làm quan to, giữ chức trọng, lãnh đạo Đại học quốc gia, vào hầu giảng sách cho một ông vua nổi tiếng hay chữ. Từ đường thờ ông ở quê, trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) đã bị quân Pháp đốt, tư liệu sắc phong đều bị cháy. Gần đây, con cháu ông đã làm lại, UBND thành phố đã xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.
2. Trần Bân: Không rõ năm sinh, năm mất; người làng Lô Đông, huyện Tiên Minh, nay là thôn Lô Đông, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng. Khoa thi năm Đinh Mùi (1487) niên hiệu Hồng Đức thứ 15 đời vua Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Đô ngự sử. Theo sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo thì Trần Bân làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu. Danh sách các Tế tửu ở Quốc tử giám Thăng Long ghi rõ ông giữ chức Tế tửu. Trong kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), nhà thờ ông ở quê bị đốt phá nên tư liệu mất hết. Do đó, ít người biết đến.
Thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, ngành Giáo dục – Đào tạo Hải Phòng cần có hình thức vinh danh hai nhà mô phạm đáng kính Phạm Bá – Trần Bân.
Ngô Đăng Lợi