Hành trang của người lính – Tản văn: Nguyễn Quốc Hùng

Những trận chiến ác liệt với chúng tôi, những người lính Vị Xuyên đã qua hơn ba mươi năm. Mọi người hay dùng câu “ám ảnh về cuộc chiến” hay “kí ức về một thời hoa lửa” để biểu đạt cho cảm xúc của người lính từ chiến trường trở về. Nhưng với tôi và tôi cũng chắc rằng không ít những đồng đội khác thì những từ ngữ đó như là chưa diễn đạt hết. Tôi muốn ví như thế này, một con người luôn phải mang vác trên vai những hành trang cần thiết cho quãng đường đời của mình. Những thứ đồ ấy có thể phải bỏ lại để mình đi chặng tiếp. Những thứ đồ bỏ lại ấy được nhớ lại bằng những kí ức, những ám ảnh và được kể lại cho người khác biết. Nhưng hành trang trên vai ba năm mà người lính giữ đất Vị Xuyên mang vác thì đến giờ vẫn còn nặng trên vai, chưa thể bỏ xuống được. Nó vẫn song hành cùng họ. Cảm xúc của những trận chiến, những gian khổ hy sinh bị dồn nén đến cùng cực, để rồi từ một trạng thái tinh thần đã chuyển sang khối vật chất đè nặng lên vai người lính trở về.

Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, gian khổ. Những chuyện đó nói nhiều rồi. Nhân ngày kỉ niệm 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi nhớ lại những chuyện vui vui một chút cho nhẹ lòng.

– Thằng Đạo quê Vĩnh Phú, lần đầu lên Tám mười hai, gặp pháo, nó nhao vào hầm nhưng ngồi ngoài. Thằng Bình ngồi trong đánh rắm, thằng Đạo tưởng pháo rít đẩy mọi người nhao tiếp vào trong. Vậy mà thằng Đạo không trở về. Nó hiền lắm.

– Đào hào trong nghìn mốt. Mưa tầm tã, 24/7. Mặc quần áo dính bết vào người khó chịu, lính mình khiêu khích ông trời bằng cách cũng 24/7 không quần áo. Sao ngày ấy không thằng nào nhìn thằng nào, cứ tự nhiên như được khoác bộ quần áo hoàng đế.

– Ngày ấy mình đã có ý định xem người lính nằm tránh pháo, tránh đạn thế nào, có giống phim không mà không thể thực hiện được.

– Một lần anh Ảm (người Thái), B trưởng 12 ly 7 ôm một bó “rau” đi qua hầm mình. Mọi người hỏi rau gì. Rau cải rừng (trông giống rau cải thật). Mọi người xin một ít nấu canh ăn. Hôm sau anh Ảm xuống hỏi, chúng mày vẫn sống à? Tao nhổ ở rừng, biết rau gì đâu. Ít ngày sau, chính anh Ảm cũng phải tìm thứ rau ấy để ăn (vì vận tải không lên được, cả tuần chỉ có muối trắng làm thức ăn)

– Cũng dạo ấy, hầm mình kiếm được bữa rau rừng. Đang ăn chiều ở ngoài cửa hang (chắc khoảng 2 giờ, vì hôm ấy mù trời) thì bị pháo quây. Trận địa tan hoang. Sau trận pháo, nồi rau vẫn còn nguyên. Chỉ tội bụi đất hất vào không ít. Tiếc của, ngấy lên cho đất lắng xuống, ăn tiếp.

Chuyện người lính kể không bao giờ hết. Hơn ba mươi năm rồi những hình ảnh ấy vẫn song hành với cuộc đời tôi.

Hơn ba mươi năm, cảnh vật thay đổi nhiều. Những “lò vôi thế kỉ” khi xưa giờ màu xanh đã phủ kín đá trắng. “Cối xay thịt” đã lên vàng óng màu lúa trên những thửa ruộng bậc thang. “Thung lũng tử thần” đã có nhà văn hóa, ủy ban xã tề tựu. Cảnh vật thật thanh bình.

Xương cốt đồng đội tôi còn nằm ở nơi nao!

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder