Sự biến mất của Liên Xô trên bản đồ thế giới đã gây ra không ít tình trạng hỗn loạn trong đội ngũ nhà văn. Phải chăng đã đến lúc nhà nước Nga cần giúp đỡ các nhà văn thành lập một tổ chức thống nhất, hùng mạnh cần thiết cho một hoạt động sáng tạo vì lợi ích của đất nước đã, đang và sẽ là “thủ lĩnh tinh thần” của thế giới? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo Văn học của Nga đã gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng và đề nghị trả lời hai câu hỏi:…
Sự biến mất của Liên Xô trên bản đồ thế giới đã gây ra không ít tình trạng hỗn loạn trong đội ngũ nhà văn. Phải chăng đã đến lúc nhà nước Nga cần giúp đỡ các nhà văn thành lập một tổ chức thống nhất, hùng mạnh cần thiết cho một hoạt động sáng tạo vì lợi ích của đất nước đã, đang và sẽ là “thủ lĩnh tinh thần” của thế giới? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo Văn học của Nga đã gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng và đề nghị trả lời hai câu hỏi:
1. Ý nghĩa của Hội Nhà văn Liên Xô đối với ông?
2. Theo ông, mô hình hội nhà văn hiện nay nên như thế nào và liệu có cần một tổ chức tương tự như vậy không?
Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến của một số nhà văn.
Yury Bondarev, nhà văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Liên bang Nga từ 1990-1994:
1. Mỗi con người thường có không phải một, mà một vài tổ ấm: ngôi nhà, cơ quan, quê hương. Đối với tôi, Hội Nhà văn là một tổ ấm như vậy. Tôi coi nó như ngôi nhà thân yêu của mình (điều này liên quan tới Hội Nhà văn Liên Xô lẫn Hội Nhà văn Nga), cố gắng làm điều gì đó cho nó. Và tôi cảm thấy mình cũng đã kịp làm được điều gì đó.
2. Hội chắc chắn là cần thiết! Cần phải có một nơi để các nhà văn gặp gỡ và trình bày quan điểm của mình, tranh luận, đi đến thống nhất. Thời Hy Lạp cổ đại, đã tồn tại những cuộc tranh luận của các nhà triết học, nhà thơ! Đó cũng là Hội Nhà văn, cho dù chưa có tên gọi. Theo tôi, Hội Nhà văn của chúng ta cần được đổi mới. Cách đây không lâu, chúng ta còn được nghe nói về những tên tuổi mới trong Hội Nhà văn, về các tác giả trẻ tài năng, còn hiện nay thì sao? Không nghe thấy gì hết, tất cả trở nên im ắng, lúc nào cũng chỉ nghe nói tới những tên tuổi các nhà văn đáng kính, nhưng đã cao tuổi. Chúng ta cần tiến cử các nhà văn trẻ, đưa họ vào các cơ quan lãnh đạo! Hội phải sống không phải cuộc sống ẩn dật như hiện nay, nó phải biết các nhà văn sống như thế nào, họ có khó khăn gì, và giải quyết những khó khăn đó. Nếu không, sự tồn tại của Hội Nhà văn sẽ không có ý nghĩa.
Renta Kharis, nhà thơ nhân dân Tatarstan, giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga:
1. Như chúng ta biết, trong một khu rừng mà cây cối mọc thẳng tắp và cứng cáp thì những cây con cũng được bảo vệ chắc chắn. Ở đấy – giữa tập thể – mỗi cây đều có chỗ đứng của riêng mình. Hội Nhà văn Liên Xô đối với tôi là một khu rừng -tập thể tuyệt diệu như vậy, nó đã giúp tôi trở thành một nhân cách xã hội. Tự giới thiệu là hội viên Hội Nhà văn Liên Xô cũng gần như là viện sĩ Viện Hàn lâm. Trở thành hội viên Hội Nhà văn Liên Xô cũng khó như bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Hội Nhà văn Liên Xô là đối tượng của niềm tự hào và niềm vui đối với nhà văn. Đồng thời, Hội Nhà văn cũng là đỉnh cao của hệ thống tư tưởng – thẩm mỹ, đạo đức thống nhất, đa phần điều khiển quá trình văn học với sự hỗ trợ của Quỹ văn học, các ấn phẩm, nhà xuất bản, các thiết chế dịch văn học, phê bình văn học, phòng tuyên truyền, khen thưởng, v.v… Tất cả các nhà văn – Nga cũng như dân tộc, trẻ cũng như già – đều có cơ hội bình đẳng đối với Hội Nhà văn, nhưng độc giả chỉ tiếp cận được chủ yếu là những tác phẩm tài năng… Theo tôi, đó là điều tốt đẹp.
2. Hội Nhà văn vẫn sống hôm nay. Sẽ công bằng hơn, nếu tôi nói cuộc sống trong 10-20 năm gần đây của Hội Nhà văn là một sự tồn tại. Tuy nhiên, nhìn chung nó đã được thử thách bằng lửa, nước và kèn đồng trong 80 năm qua. Ở nước Cộng hòa Tatarstan chúng tôi, Hội Nhà văn trong những điều kiện không được nhà nước trực tiếp tài trợ, nhưng với sự ủng hộ của tổng thống nước cộng hòa và chính phủ, chúng tôi đang thực hiện nhiều công việc giáo dục thẩm mỹ và đạo đức cho nhân dân, cũng như cho chính các nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ. Chẳng cần sáng chế ra một cái xe đạp mới làm gì. Nó đã có, nhưng lâu nay nó không được sử dụng, và một số phụ tùng của nó, có thể, đã bị hao mòn, thậm chí hoen gỉ. Để Hội Nhà văn trở lại hoạt động, trở nên hữu ích đối với nhà nước, cần xác định vị thế của nó. Dù sao, Hội Nhà văn vẫn lớn hơn một tổ chức xã hội. Nó là một bộ phận rất đáng kể của phòng thiết kế, nơi người ta sáng tạo ra tâm hồn con người. Vì vậy, nhà nước phải quyết tâm xây dựng bộ luật về các hội sáng tạo.
Novella Matveeva, nhà thơ, ca sĩ hát rong:
1. Hội Nhà văn Liên Xô là một tổ chức hùng mạnh đã thực sự giúp đỡ nhiều nhà văn. Ví dụ, tôi được ủng hộ về tinh thần, và ngoài ra, các nhà lãnh đạo văn học, cụ thể là Feliks Kuznetsov, đã cứu tôi thoát khỏi Quỹ văn học, một tổ chức không làm cái việc cần thiết, mà toàn những chuyện kiện cáo, chính vì vậy hiện nay nó bị tai tiếng.
2.Tôi không hình dung được mô hình Hội Nhà văn. Nếu cần phải có một tổ chức nhà văn thì nó cần phải chính xác thế này: nó phải giúp đỡ nhà văn những gì cần thiết: ai đó cần xuất bản sách, ai đó cần hỗ trợ vật chất, nhưng điều chủ yếu là để nhà văn cảm thấy rằng tác phẩm của anh ta được trân trọng và cần thiết cho ai đó… Chỉ cần khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn những tên trùm dối trá thì mọi chuyện với tổ chức này sẽ đâu vào đấy.
Vladimir Kostrov, nhà thơ:
1. Tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô năm 1961, và kết nạp lần đầu tiên mà sách chưa in, mới chỉ ở dạng bản thảo. Điều đó, tất nhiên, có tác động rất lớn đến công việc viết văn của tôi. Ngoài ra, Hội Nhà văn đã giúp đỡ tôi về vật chất. Chẳng hạn, thông qua các đợt đi thực tế sáng tác. Nhờ chúng, tôi có dịp đến thăm những vùng xa xôi của đất nước, ở các nước cộng hòa của chúng ta. Các nhà văn chúng ta luôn luôn cảm nhận được sự quan tâm đối với những gì chúng ta đang viết, đó là một sự bảo trợ trên tinh thần bằng hữu. Nhân tiện xin nói, các nhà văn thuộc những khuynh hướng khác nhau vẫn song song tồn tại cạnh nhau, và nếu ai đó không được in ấn, thì chỉ là vì lý do chính trị, chứ không phải vì lý do thẩm mỹ. Dĩ nhiên, Hội Nhà văn Liên Xô là một tổ chức hết sức hùng hậu và mạnh mẽ, điều đó đã mang lại hiệu quả.
2. Tôi nghĩ rằng cần thành lập một mô hình Hội Nhà văn, giống như Nguyên lão viện, hay Ủy ban Goncourt. Tiền thân của tổ chức tương tự chính là Hội nghị văn học diễn ra năm ngoái tại Moskva. Chẳng hạn, có thể làm thế này: Mỗi Hội Nhà văn các nước cộng hòa cần trình danh sách những tác giả đương đại lớn nhất lên Bộ Văn hóa Nga. Còn sau đó, Bộ sẽ hoàn thiện các danh sách này và lập một danh sách thống nhất gồm 100 nhà văn xuất sắc nhất. Đó sẽ là Viện Nguyên lão giải quyết nhiều vấn đề đa dạng có liên quan tới đời sống nhà văn. Tất nhiên, sự giúp đỡ của nhà nước cũng sẽ rất cần thiết. Người Mỹ, chẳng hạn, họ làm như vậy. Khi còn làm việc ở tạp chí “Thế giới mới”, tôi được đón cháu họ của tỷ phú Rockefeller đến thăm tòa soạn, và bà ta giải thích rằng những tổ chức tương tự được thành lập ở Mỹ. Theo nguyên tắc: nhà nước kết hợp với các quỹ từ thiện, trong đó có quỹ Rockefeller, tài trợ cho tổ chức nhà văn. Hội các nhà văn Nga chủ yếu sẽ quyết định sự tham gia và ủng hộ của nhà nước vào số phận văn học, trong đó có số phận các nhà văn cụ thể