Hảo mộng – Truyện ngắn của Vũ Anh Tuấn

Vanhaiphong: Bác Vũ Anh Tuấn là người gốc Hải Phòng, theo gia đình vào Nam lúc còn nhỏ. Bác là người viết văn và dịch giả tự do, có nhiều tác phẩm đã xuất bản hoặc công bố ở các tạp chí và Web văn chương. Khi biết  có trang Web của Hội Nhà văn HP bác rất nhiệt tình gửi các tác phẩm dịch  và sáng tác (thơ-văn) về cộng tác với thành phố quê hương. Ban BT sẽ giới thiệu dần dần các tác phẩm thích hợp. Rất cám ơn sự công tác của bác V.A. Tuấn và xin giới thiệu truyện ngắn Hảo mộng với bạn đọc…

.Vanhaiphong: Bác Vũ Anh Tuấn là người gốc Hải Phòng, theo gia đình vào Nam lúc còn nhỏ. Bác là người viết văn và dịch giả tự do, có nhiều tác phẩm đã xuất bản hoặc công bố ở các tạp chí và Web văn chương. Khi biết  có trang Web của Hội Nhà văn HP bác rất nhiệt tình gửi các tác phẩm dịch  và sáng tác (thơ-văn) về cộng tác với thành phố quê hương. Ban BT sẽ giới thiệu dần dần các tác phẩm thích hợp. Rất cám ơn sự công tác của bác V.A. Tuấn và xin giới thiệu truyện ngắn Hảo mộng với bạn đọc…

Chiếc taxi Bến Thành chở T. đến ngã tư Trần Huy Liệu – Hoàng Văn Thụ thì bị ách lại bởi một đám tang.

– Đám ma tay nào to dữ! T. nói với người lái xe.

– Vâng, to lắm chú ạ, mình đành phải chờ cho họ đi qua rồi mới đi tiếp được!

T. hạ tấm kiếng nhìn ra ngoài, chàng cũng chẳng biết gì hơn là xem đám ma, như những người đang đứng hai bên đường. Những lời bàn tán léo xéo lọt vào tai chàng: “Ôi cha này lắm vợ lắm, có đến hai chục bà mặc áo tang đi đưa!

– Đâu có! Mấy người em gái đấy!

– Không, chỉ có ba cô em thôi, tôi quen cô út mà!

– Trời thần ơi, vậy thì cha ấy có đến hai chục bà đi đưa thật, mà bà nào cũng khóc thút thít.

T. bỗng thấy mình tự nhiên bị câu chuyện đám tang thu hút hơn – đây cũng là một cách giết thì giờ, may mà sáng nay chàng không bận Những chiếc xích lô chở mấy chục vòng hoa cườm đã tiến vào khuôn viên nhà thờ Phú Nhuận, đậu dàn ra hai bên. Đứa nhỏ, chắc là cháu đích tôn, tay cầm di ảnh người quá cố đang tiến đến gần khung cửa. Tò mò T. liếc mắt nhìn vào bức di ảnh: Chàng thấy một người trung niên mặc bộ complet đen, đeo kính trắng, ngồi trước một cái tủ chứa đầy sách quý, sách đẹp.

I

Đột nhiên, T. cảm thấy choáng váng: Sao người trong di ảnh giống mình đến thế? Khoảng 30 năm trước T. cũng có chụp ở trước tủ sách của mình một tấm ảnh tương tự. T. còn nhớ chàng đã chụp hình đó năm chàng 56, 57 tuổi. Mà lạ nhất là không hiếu sao, cái tủ sách và những cuốn sách cũng giông giống như tủ sách của chàng.

Năm nay T. đã 86 tuổi. Mọi người khác ở tuổi này đã là một cụ già cổ lai hy, nhưng vì T. là típ người lãng tử phiêu lãng, nên chàng nhất quyết chỉ nhận mình là mới “20 tuổi… lần thứ 4”, và vì vậy cũng cương quyết không công nhận tuổi già. Bạn bè, con cháu lỡ miệng gọi chàng bằng “cụ” liền bị chàng lớn tiếng mắng ngay: “Mắc mớ gì mà anh, mà bay “vu” cho ta là già. Ta già hồi nào, chữ già không có trong tự điển của ta!”.

Nhờ có được tinh thần lạc quan yêu đời và sống phóng khoáng như vậy nên T. đã bước vào tuổi già một cách khỏe mạnh, dẻo dai, bọn trẻ thứ thiệt chưa chắc đã theo kịp. Nhiều người hỏi chàng bí quyết trẻ lâu, chẳng thấy chàng giải thích, mà chỉ nói khơi khơi: “Chẳng qua đó là ý trời hay định mệnh bắt trẻ hoài thì phải chịu chứ sao!”. Nhưng có lần chàng thổ lộ với một người bạn rất thân, là hồi trên 60 tuổi chàng có tinh luyện một thứ võ dưỡng sinh tên là “Nga công”. Khi được hỏi “Nga công” là gì, T. chỉ ngước mắt lên nhìn trời và nói” Thiên cơ bất khả lậu”.

Tuy nhiên tất cả bạn bè của chàng đều biết rõ là, ngoài thứ “Nga công” mà họ mơ hồ không biết là thứ võ gì, T. có được một nhân sinh quan rất đơn giản, bình dân, nhưng cực kỳ hữu hiệu. Đó là “Trong cuộc sống, khi gặp phải cái gì không hàn gắn, thay đổi, sửa chữa được thì cứ việc quên phắt nó đi, đừng thèm bận tâm làm gì cho… loét bao tử”. T. còn thường hay nói thêm “Ông trời cho mình nhiều, thì đôi lúc lão lấy lại một chút ít, hơi đâu mà buồn!”.

Chàng bảo người lái taxi: “Đằng nào cũng kẹt, chú xuống xem người quá cố là ai mà đám tang to quá, các bà đi đưa nhiều quá và khóc bạo quá. Chú vô nhà thờ một tí, chú ra ngay!”.

T. xuống xe đúng lúc chiếc xe tang vừa đi qua, và chàng thấy các bà mặc tang phục sắp thành hai hàng đi sát sau ngay linh cữu.

T. bỗng thấy choáng váng. Quái! Sao toàn những khuôn mặt và dáng hình thân quen, mặc dù khăn tang và voan che mặt không cho phép chàng nhìn rõ mặt từng người.

T. lẩm nhẩm đếm. Nhiều thật! Đúng là 2 tá, 24 bà… Bị trí tò mò kích thích mạnh, T. qua đường đi vào sân nhà thờ, hòa nhập với đám người lố nhố đứng đợi ở cửa.

Tờ cáo phó dán trên cột cửa chính bỗng đập vào mắt chàng. T. tự nhủ: “Thử xem cha này là ai, thọ bao nhiêu tuổi mà tốt số quá vậy?” Tuổi thọ và tên họ của người quá cố làm chàng đứng ngẩn người. Ôi, thật kỳ lạ: V.A.T, 86 tuổi. Cớ sao đã trùng tên họ, lại trùng cả tuổi đời? Trong khi di ảnh cũng giống nhiều với một tấm hình của chàng hồi 30 năm trước? T. đứng lặng người, suy nghĩ mông lung, và chàng giật bắn người khi còi xe taxi báo cho chàng biết đám tang đã đi qua.

Ngồi trong taxi, bao dấu hỏi quay cuồng trong đầu óc T. Thật quá kỳ dị, trùng tên họ, trùng cả tuổi, di ảnh lại giống y như một tấm ảnh cũ, thế là cái cóc khô gì?

Xe đậu trước cửa nhà Quỳnh, cô bạn kém chàng 20 tuổi, nghĩa là một quý bà vừa 66 cái xuân… xanh tuy chưa hề vàng úa!

Nhưng… T. bỗng thấy có bàn tay ai đập mạnh vào vai, kèm theo một tiếng quát lớn: “Ối cái ông lãng tử này, ngỏm rồi mà còn ham phiêu du. Tại sao ông không ở yên chỗ chờ bọn tôi tới rước, mà còn thót lên taxi đi thăm bạn gái? Báo hại bọn tôi bay muốn sút cánh luôn mới tóm được ông. Xin “chào thua” ông thật, ông ơi là ông!”.

T. ngoảnh lại, và chàng bỗng thấy choáng váng như muốn té: “Hai kẻ đứng đằng sau chàng, và bây giờ đang đối diện chàng là hai chú Quỷ Vô Thường, sứ giả của Diêm Vương: một đứa mặt xanh, một đứa mặt đỏ, răng nanh lởm chởm to như trái chuối, tóc tai bù xù. Tên mặt xanh vác một cái búa, tên mặt đỏ tay cầm một sợi dây thừng to đùng.

T. trấn tĩnh lại, chàng chợt vỡ lẽ, và ôm bụng cười ngất: “Ôi, té ra cuối cùng ta cũng đã “về thần” và cái đám tang của thằng cha đào hoa tốt số ta vừa chứng kiến lại là đám tang của chính ta, thảo nào cái gì cũng trùng, cũng giống! Ôi tức cười thật, quả là đáng tức cười!

Thì ra trong các bộ áo tang nọ, dưới các tấm khăn tang là Hồng, là Nguyệt, là Thanh, là Lan, là Châu, là Hạnh, là Liên, là Khanh v.v…

T. lấy lại bình tĩnh và bảo hai Quỷ Vô Thường: “Chào nhị vị huynh đệ, các vị khỏi phải tóm bắt gì cả, cứ để tại hạ tự nhiên cùng đi. Diêm vương, chủ nhân của hai vị, với tại hạ là chỗ thâm tình, không có gì phải sợ!” Nào, ta đi đi! Quỳnh đã ra mở cửa, và nàng, hay chính xác hơn là bà, đang nhìn quanh quẩn, không biết ai đã bấm chuông.

T. ngoái cổ nói vọng lại: “Tạm biệt Quỳnh, anh sẽ ghé thăm sau. Giờ anh phải đi gặp Diêm Vương có tí việc đã”.

Khác với những lần đi máy bay có các em nữ tiếp viên hàng không thơm như mít, lần này T. không được ngồi ghế êm ru ngắm người đẹp, mà chàng phải tự bay. Chàng thoải mái rẻ đất, bay xuống rất nhanh, nhưng cũng hơi bực mình là hai bên không phải là các em, mà chỉ có hai chú Quỷ Vô Thường! Hơi bực dọc chàng vận đủ mười thành công lực “Nga công” bay nhanh như gió, vượt bức tường âm thanh luôn. Báo hại hai tên Quỷ Vô Thường phải luôn miệng van xin: “Ối! Ối! Lãng tử xin giảm tốc, giảm tốc, sắp tới Diêm La Điện rồi”. Thấy chúng áo quần tả tơi, đôi cánh rã rời muốn rụng, chàng thu về bớt 4 thành “Nga công” và bay chậm lại – vả lại, chàng cũng vừa trông thấy cây cột mốc trên có ghi: “Diêm La Điện 600 kilômét”.

Thấy T. giảm tốc độ bay, hai tên Quỷ Vô Thường mừng húm, chúng leo lẻo cảm ơn: “Đa tạ lãng tử đã chiếu cố, đa tạ, đa taaạ!”. T. thầm nghĩ: “Với tốc độ vượt tường âm thanh, 1200 kilômét/giờ, chỉ khoảng nữa giờ thôi ta sẽ tới gặp ông bạn tốt”.

Chàng vuốt lại mái tóc, lấy gương ra soi, lấy lược chải đầu, cài lại cúc áo, cho áo vô thùng, thắt lại thắt lưng cho tề chỉnh.

Sở dĩ chàng phải cẩn thận như vậy, vì Diêm Vương, bạn chàng là kẻ rất khó tính về vấn đề trang phục. Ai ăn mặc bê bối là kiếm cách “đì” ngay. Hơn nữa, khi gặp Diêm Vương T. còn phải nhờ một chuyện thật quan trọng, một việc mà chàng đã ôm ấp trong lòng cả 30 năm trời.

Chưa đầy 30 phút nhau Diêm La Điện đã sừng sững trước mắt. Trong lòng đất Diêm La Điện vô cùng nguy nga, tráng lệ, nhưng vì mọi thứ đều quét sơn đỏ và đen sì nên cũng không kém phần âm u, ghê rợn. Là bạn thâm giao nên T. được Diêm Vương cho diện kiến ngay.

Chàng hiên ngang bước vào và nói lớn: “Kính chào Diêm Vương. Ngài khỏe không? Bây giờ tại hạ mới có dịp về thăm Ngài”.

– Xin chào Lãng tử, bản vương khỏe và nhớ tôn ông lắm. Nay đã tới, hãy chịu khó ở chơi với bản vương ít bữa, rồi bản vương sẽ cho làm thủ tục để tôn ông sớm được đi đầu thai chỗ tốt, cho tùy nghi lựa chọn, đừng lo gì nhé!

– Ôi Diêm Vương! Ngài biết đấy, cả đời tại hạ có biết lo là cái quái gì đâu? Tuy nhiên, vẫn xin đa tạ Ngài.

T. liếc mắt nhìn quanh các bức tường của Diêm La Điện, chàng bắt gặp nhiều tranh dầu của các bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Nguyễn Sáng và một bức vẽ vịnh Hạ Long cực kỳ đẹp của Võ Đoàn Giáp… Chàng khen:

– Chà! Diêm Vương có quá nhiều tranh đẹp và giá trị. Toàn tranh của các bậc thầy xuất thân từ trường mỹ thuật Đông Dương. Thế Diêm Vương không thích tranh trừu tượng à?

– Cái được gọi Áp-xtờ rét, áp-tờ-riếc gì đó phải không? Quả là bản vương rất ghét thứ đó: chúng chỉ là những bãi màu bọn vô tài vẽ bậy ra, và đặt cho chúng cái tên thật kêu, đó chỉ là trò bịp, bịp và bịp! Bản vương không thích, tôn ông nghĩ sao?

– Diêm Vương nói thật chí lý. Vả lại sự lựa chọn của Diêm Vương rất hợp lý, bức Hạ Long của Võ Đoàn Giáp đẹp quá!

– Thôi để bản vương cho làm cơm đãi tôn ông nhé. Tôn ông thích món gì đặc biệt, xin cho biết tôn ý.

– Tại hạ vừa bay từ Nhân Gian xuống cũng hơi mệt, xin Diêm Vương cho ăn đồ nhẹ. Xin cho ăn món cháo huyết, nấu bằng gan ruột tim phổi lũ nhà giàu lỏi, lũ thầy bói láu lỉnh, lũ gian thương bán tranh dỏm, lũ họa sĩ khoác lác, lũ lười biếng “thân cư thê, thân cư phụ mẫu”… thì tuyệt!

– Được, có ngay! Bay đâu?…

Diêm Vương bước lại gần chỗ T. đứng, lấy cái hốt đụng nhẹ vào vai T. và nói:

– Nè, đám tang tôn ông to lắm nhé, nhiều bà đi đưa lắm nhé, bản vương dùng thiên lý kính nhìn lên thấy rõ hết, tôn ông đào hoa quá, đến lượt bản vương đã chắc gì được nhiều người đẹp “vô cùng thương tiếc” như tôn ông?

– Đa tạ Diêm Vương quá khen, T. khiêm tốn đáp lời. Diêm Vương bỗng nhìn vào lưng chàng, sau đó lại “lăng ba vi bộ” sang một bên để nhìn nghiêng và phán: “Tốt lắm! Lưng tôn ông vẫn thẳng lắm. Tôn ông biết không, nhiều tên khi còn ở Nhân Gian hống hách vô cùng, nhưng khi xuống đây, bọn chúng đứa nào lưng cũng còng, như đã bị gù từ ba đời. Nhiều đứa ít còng, còn cố làm cho còng hơn, trông đến phát khiếp! Nhất là mấy thằng búi tó thân cư thê, thì không phải là còng mà là dẹp mới chết chứ, vì chúng nó nằm sóng soài xuống đất mà bò vào chầu, dễ ớn thiệt!

– Thế bọn họ bây giờ ở đâu?

– Một số nhẹ tội, bản vương đã cho đi đầu thai làm đồ gia dụng (giường, phản, ghế, nhất là ghế bành), phần còn lại bản vương nấu vạc dầu ráo trọi!

– Thôi xin xì tốp nói chuyện về bọn đó đi, chán mớ đời lắm.

– Thực ra bản vương rất muốn nghe tôn ông nói chuyện, Diêm Vương nói. Tôn ông biết không, năm thì mười họa mới có dịp nghe người bình thường, còn thì là toàn nghe bọn chúng van xin, kêu oan, thiếu điều điếc con ráy luôn!

– Thế nhỡ những người kêu oan đó oan thiệt thì sao?

– Oan à? Oan Thị Mầu ấy! Bản Vương đã quay phim và ghi âm cho vô đĩa CD Rom ráo trọi những gì chúng làm và nói trên đời, bằng chứng rành rành, cãi gì nổi?

– Trời! Thế Diêm Vương quay phim và ghi âm vô đĩa luôn cả tại hạ à? – Chứ sao! Tuy nhiên phim, băng và đĩa của Tôn ông thuộc loại tốt. Bản vương chưa từng thấy tôn ông xưng “em” với tên đực rựa nào, chỉ thấy tôn ông dùng chữ “em” ê hề với phái đẹp. Điều này tốt! Tuy nhiên tôn ông chửi bậy hơi nhiều, nhưng nể tình bằng hữu thâm giao, bản vương đã tự động xóa bớt, chỉ để lại những chuyện tếu thôi. Băng và đĩa của tôn ông bây giờ tốt lắm. Ngọc Đế có nghe qua, Ngài rất hài lòng và có phán: Thằng cha tếu dữ!…”

– Ôi, cảm ơn Diêm Vương quá, tại hạ biết lấy gì trả ơn ngài đây?

– Ơn huệ gì, bạn tốt với nhau mà… Thôi cùng đi dùng cơm rồi bản vương cho làm thủ tục để tôn ông đi đầu thai sớm. Sao? Kỳ này muốn ở Paris,Cali, hay Oakland… À, hay là tôn ông qua Bắc Kinh đi, cảnh đẹp lắm, lại có Xuân Hạnh (1)…

Thấy Diêm Vương nói tới cho đi đầu thai, T. chợt nhớ tới điều quan trọng sinh tử, mà chàng ấp ủ trong tim từ mấy chục năm nay mong gặp Diêm Vương xin giúp đỡ – nãy giờ vì mải vui chuyện chàng quên khuấy đi mất.

– Ấy chết, không được! Mà Diêm Vương có muốn tại hạ ở chơi lâu lâu với ngài không?

– Đương nhiên là bản vương muốn, nhưng sợ tôn ông buồn, vì âm phủ này thì có quái gì là vui, sợ ở ba bữa tôn ông đã chán ấy chứ. Còn nếu tôn ông ưng ở chơi lâu thì còn gì bằng.

T. cảm động đến muốn rơi lệ. Chàng sung sướng thổ lộ:

– Ôi lời nói của Diêm Vương làm cho tâm hồn tại hạ ngập tràn hạnh phúc. Chính vì tại hạ có một chuyện cực kỳ quan trọng muốn xin Diêm Vương giúp, nay hoàn cảnh vô cùng thuận lợi, xin được trình bày ngay: “Số là trong kiếp vừa qua tại hạ gặp gỡ và rất mến một nữ lang xinh đẹp, tài giỏi, đức hạnh, tiếc vì gặp nhau quá muộn, hoàn cảnh éo le, nên đành cắn răng chịu thua Định Mệnh. Nay xuống đây trước, tại hạ muốn xin Diêm Vương giúp kiếm cho một việc làm lẩm cẩm như dịch cổ thư, coi thư viện chẳng hạn, để được chờ tới ngày nàng xuống (chắc cũng chỉ phải chờ khoảng 20 năm thôi), khi đi sẽ xin Diêm Vương gia ân cho được cùng đi đầu thai, cùng ở một chỗ, nơi nào nhiều nước nhiều non, phong cảnh hữu tình, được làm lối xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng được lớn lên bên nhau, như vậy trong kiếp vị lai, tại hạ sẽ không thể mất nàng. Kính mong Diêm Vương vị tình bằng hữu thâm giao, vui lòng giúp đỡ.

– Như vậy tôn ông muốn ở lại chờ nữ lang đó – nghĩa là tôn ông ưng ở lại chơi với bản vương lâu lâu… Ôi, được! Được quá đi chứ!

Thấy ước nguyện 30 niên được thành tựu dễ dàng, T. thừa thắng xông lên, chàng vội xin thêm:

– “Diêm Vương đã chiếu cố cho được đồng sinh, xin hãy gia ân cho trót, mà cho tại hạ và nàng được đồng tử luôn, để nhiên hậu không ai phải khóc ai.

– Được, được luôn, miễn là tôn ông ở lại chơi với bản vương cho đỡ buồn, vả lại bản vương vô cùng cảm động và khâm phục thâm tình của ông đối với nữ lang tốt số đó! (2)

T. được Diêm Vương cho coi thư viện Diêm Đình, nhưng chàng làm việc thì ít, mà ngao du và trò chuyện với Diêm Vương thì nhiều. Tính khí yêu đời và tếu của chàng làm cảnh diêm đình vui nhộn hẳn lên, lũ Quỷ Vô Thường cũng bớt nhăn nhó, có đứa còn tập cười nữa…

Thư viện Âm phủ có rất nhiều cổ thư kỳ thư quý giá. Có những cuốn được đưa xuống từ hồi Tần Thủy Hoàng “phần thư” (3) (đốt sách) tính đến nay đã mấy ngàn năm. Là người yêu sách từ tấm bé, T. như cá gặp nước, chàng mập ra trông thấy, da dẻ hồng hào, tóc trắng bồng bềnh như tuyết… Sau những giờ du ngoạn, vui chơi, trò chuyện với Diêm Vương, T. thường ngồi mân mê những cuốn cổ thư và chàng đọc, đọc miên man, đợi ngày hạnh phúc…

Một ngày kia đang cầm trong tay cuốn Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi, cuốn sách mà tên gian hùng này đã từng rêu rao là ai sửa được của hắn một chữ sẽ được thưởng ngàn vàng, T. bỗng tuột tay làm rơi sách. Quá xót thương cuốn sách quý, chàng hét lên một tiếng vang cả Âm phủ…Hóa ra tất cả chỉ là một cơn hảo mộng. Khi tỉnh hẳn, T. thấy tóc mình bạc hơn một chút…

II

Trở lại với thực tế phủ phàng, T. vội vã đi nhuộm tóc lại cho đen. Từ lúc để tuột tay đánh rơi cuốn Lã Thị Xuân Thu, cho tới lúc đang ngồi viết những dòng chữ này T. vẫn mơ màng tự hỏi mình đang sống trong mộng tưởng hay trong thực tại. Vì biết lấy gì chứng minh được là, bây giờ khi đang ngồi viết những dòng này và lúc đánh rơi cuốn Lã Thị Xuân Thu rồi tỉnh dậy, chính là Thực và Mộng? Có lẽ chỉ có một cách duy nhất là tự cấu vào tay mình, để nếu thấy đau, thì biết là thật. Nhưng chuyện tự cấu vào tay mình để biết hư thực cũng rất có thể xảy ra trong mộng, và lấy gì để chứng minh rằng mình không phải đang ở trong mộng?

Tóm lại, mộng hay thực đều rất khó phân biệt, xác minh. Hơn nữa, dù thực hay mộng, mộng hay thực, thì kiếp sống phù du cũng chỉ 7, 8 chục năm, cùng lắm là 100 năm rồi… cát bụi lại trở về cát bụi. Trên đời này, từ người nghèo khổ cho đến lũ giàu sụ như Thạch Sùng, Vương Khải cũng đều phải chết. Vả lại, giả thử nếu cứ có tiền bạc, giàu có, là có thể mua được sự sống trường cửu, thì một ngày nào đó, thế giới này chỉ còn lại toàn lũ nhà giàu dơ bẩn, lúc đó T. chắc cũng chẳng ham gì sống chung với chúng!

Do đó, có thể vì ban ngày chàng mong ước quá mãnh liệt nên trong đêm các ước mơ đó tiếp tục kết thành hảo mộng, để T. lại tiếp tục cuộc hành trình vào xứ mộng của chàng.

Trong mộng, T. thấy mình hoạch định các bước tiếp nối như sau:

1. T. xuống ở chơi với Diêm Vương từ năm 2022 và chờ nàng xuống.

2. Nàng xuống năm 2042.

3. Hai người được trùng phùng, niềm vui không kể xiết, ở chơi với Diêm Vương ba ngày, sau đó làm thủ tục cùng đi đầu thai ở Vô Danh Động, một ngôi làng xinh đẹp ở Trung Quốc. Ngày họ tới thì Xuân Hạnh và Triệu Niên đều đã qua đời.

4. Họ được sinh ra cùng phút, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và được cùng lớn bên nhau, và cùng lập gia đình năm 2062, và lẽ cố nhiên là họ cưới nhau, chứ còn ai tranh được nữa!

5. Từ năm 2062 tới năm 2142, họ sống rất hạnh phúc bên nhau, có với nhau hai trai hai gái thật xinh đẹp. Cuộc sống không giàu có về vật chất, nhưng cực kỳ sung mãn về tinh thần, hai người hầu như mỗi ngày đều được dự những bữa tiệc tinh thần nho nhỏ bên nhau.

6. Cuối năm 2142, cả hai đều thọ đúng 100 tuổi và được cùng dắt tay nhau lìa đời trong cùng một phút một ngày. Họ trở lại thăm Diêm Vương ba ngày, ba người vui vẻ hàn huyên, thả sức kể chuyện tếu…

7. Lại đi đầu thai, lại trở lại làm hai trẻ sinh ra cùng phút, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm 2142, nhưng có khác là lần này ở Los Angeles, Hoa Kỳ.

8. Lại được sống bên nhau, cùng lớn lên bên nhau, và lại cùng nhau kết hôn năm 2162 cũng tại Los Angeles.

9. Từ 2162 đến 2242 chung sống tràn đầy hạnh phúc, chàng viết văn (4), dịch sách, nàng trông coi công ty thương mại.

10. Cuối năm 2242 cả hai lại được đồng tử, lại cùng trở về thăm nhà và ở chơi với Diêm Vương ba ngày trước khi lại cùng đi đầu thai, nhưng lần này ở Liechtenstein, một vương quốc xinh đẹp và thơ mộng ở phía Tây Trung Âu, trên bờ sông Rhin. Họ ở ngay thủ đô Vaduz. Ở quốc gia xinh đẹp chỉ có 27.000 người dân này, hai người trở thành rất nổi tiếng, được coi là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất… Rồi từ năm 2342 trở đi, cứ cách 100 năm hai người lại trở về thăm Diêm Vương, ở chơi ba ngày, rồi lại cùng đồng sinh, cùng chung sống hạnh phúc, cùng đồng tử. Cứ như vậy, họ đi đi về về, lại đi, đi mãi, đi khắp mọi nơi, cuối cùng chả còn nơi nào trên trái đất mà hai người chưa chung sống… Sau vài triệu năm, vài ngàn kiếp, sau khi đã đưa nhau đi khắp vũ trụ, cuối cùng hai người đã lại trở về đầu thai nơi quê mẹ là Việt Nam; họ tìm lại cho bằng được hai địa điểm đã sinh sống hồi năm 1998, một ở Phú Nhuận, một ở Sài Gòn.

Lần này, sau 100 năm sống ở quê mẹ, hai người lại được đồng tử, lại trở về thăm Diêm Vương và được Diêm Vương cho biết chả còn sót lại chỗ nào để cho đi nữa, nên Diêm Vương đề nghị hai người nên lên thẳng Thiên Đình sống bên nhau mãi mãi, thương yêu nhau mãi mãi, bằng một tình yêu vĩnh hằng… T. tỏ vẻ tiếc rằng nếu lên ở trên Thiên Đình thì sẽ khó về thăm người bạn tốt là Diêm Vương hàng mỗi trăm năm. Nghe chàng nói, Diêm Vương cười đến tía tai, đỏ mặt, và phán: “Tôn ông thật ngờ nghệch, Thiên Đình với Cõi Âm chẳng qua cũng chỉ như tầng lầu với tầng trệt của một căn nhà, nếu nhớ bản vương, hai vị xuống chơi lúc quái nào mà chả được”.

Nghe vậy, lần này T. và Nàng dắt nhau bay thẳng lên đỉnh trời… từ đấy họ chẳng bao giờ xa nhau nữa, chẳng bao giờ bớt yêu nhau, và vì vậy cả hai cứ trẻ mãi, trẻ mãi không già… mỗi khi có ai hỏi họ về tuổi tác, họ tươi cười trả lời: “Thưa, chúng tôi mới hai mươi tuổi… lần thứ gần 100 triệu…”

Ghi chép thêm về định nghĩa “Nga công”

Gọi “Nga công” là một thứ võ dưỡng sinh thì cũng tạm đúng, nhưng nếu chính xác hơn thì phải nói “Nga công” là một thứ võ Dưỡng tâm. Là một thứ võ không được tinh luyện bằng tay cầm đũa, chân đá banh (những thứ tầm thường trong con người) mà phải luyện bằng tâm hồn, bằng con tim (là tinh hoa của con người).

Nga công nhằm thánh hóa con người, làm con người và con tim trở nên dũng mãnh, không thể khóc hu hu hoặc van xin lải nhải. Với người giỏi Nga công, nếu có giận dữ lắm thì cũng chỉ “làm reo” trong ít bữa, nhưng với sự khôn ngoan do Nga công mà có, kẻ “làm reo” sẽ thấy rằng trong lúc làm reo hắn còn bận tâm nghĩ tới đối tượng nhiều hơn cả lúc không làm reo, cho nên hắn thôi không làm reo nữa và luôn luôn dịu dàng, vui vẻ. Đấy, công dụng của Nga công là như thế, và sau đây là một thí dụ khác quan trọng hơn:

Một nam tử nọ, trước khi có Nga công thường bỏ bê công việc, rong chơi, bài bạc, bồ bịch tùm lum, mỗi ngày thường có chuyện vắng nhà từ 6 giờ chiều cho tới mãi 11, 12 giờ khuya, nay vì có tinh luyện Nga công nên đã thay đổi nếp sống, lo ở nhà dịch thuật, sáng tác, ngõ hầu để lại dấu vết cho chuyến du hành qua cuộc đời này.

Tóm lại, Nga công có ma lực tử tế hóa cuộc đời, có thể giúp người tập minh mẫn, hăng say yêu đời mãi, trẻ mãi mãi không già. Nga công còn giúp người tập tự nâng cao tâm hồn, tự tạo cho chính mình một thời hoàng kim, trong đó đồng tiền không là tất cả, bởi vì không thể có một thời hoàng kim nào mà đồng tiền lại là tất cả, “đa kim ngân phá luật lệ” thì đó là thời “Hắc kim” không thể là Hoàng kim, theo đúng nghĩa của nó.

Tóm lại, có thể nói: NGA CÔNG CHÍNH LÀ LỜI TỎ TÌNH CỦA NHÂN LOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ…

16 tháng 12 năm 1998

V.A.T

…………………………….. 

(1) Cô gái can đảm ở Vô Danh Động.

(2) Không tốt số sao được vì chưa ra đời mà đã có người đặt cọc một cách thành khẩn

như vậy… (Lời bàn của Diêm Vương).

(3) Phần thư khanh nho (đốt sách chôn học trò).

(4) Chàng viết sách kể lại những giờ phút hạnh phúc bên nhau, những niềm vui bình thường nho nhỏ hai người được hưởng bên nhau…

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder