Học sinh hỏi, Nhà văn trả lời

Nhân ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm phỏng vấn của các khán giả nhí với các nhà văn xoay quanh chủ đề văn chương.

Vanhaiphong- Nhân ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm phỏng vấn của các khán giả nhí với các nhà văn xoay quanh chủ đề văn chương. Những câu hỏi ngộ nghĩnh dấu những khát vọng thiên thần, hoặc những câu hỏi về một tình tiết văn chương của những em bé ngây thơ thông minh và câu trả lời của các nhà văn, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về con trẻ và văn chương.

1. Đỗ Huệ Chi học sinh lớp 6 A3 trường THCS  thị trấn Vũ Thư tỉnh Thái Bình hỏi, nhà thơ Nguyễn Hoàng sơn trả lời

Đỗ Huệ Chi hỏi:

Cháu rất thích học môn Văn, cháu vừa tham gia kì thi học sinh giỏi cấp huyện và đã đạt giải nhưng điểm số chưa phải là hoa hậu hay á hậu mà chỉ là tứ hậu trong đội tuyển 15 học sinh của trường cháu thôi! Tại sao vậy? Cháu muốn các nhà văn giúp cháu một phương pháp học môn Văn tốt nhất để sang năm cháu đạt kết quả cao hơn? Kính nhờ  vanvn.net chuyển thư này. Cháu xin cảm ơn!

Nhà thơ Nguyễn Hoàng sơn trả lời:

Cháu gái xinh xắn ra câu hỏi thật hay nhưng cũng thật…khó! Hồi bằng tuổi cháu, bác mới học lớp 4 (cũ), chưa từng được đi thi học sinh giỏi Văn như cháu, mong gì đạt được danh hiệu tương đương “tứ hậu” (đệ tứ hậu?) như cháu bây giờ? Nhưng lòng yêu thích văn chương thì có lẽ không kém? Bác đọc tất tật những gì đến được tay cầm. May cho bác có bố là sĩ quan quân đội đóng ở Thủ đô. Tối thứ bảy ông về nhà nghỉ, thế nào cũng cầm theo một tập sách mượn ở Thư viện Quân đội. Đối với bác – cậu học trò lớp 4, đêm ấy là một đêm không ngủ nhưng đầy niềm vui. Sau bữa ăn tối qua quýt, bác ôm quyển sách dày cộp, “thủ” một cây đèn dầu (hồi ấy làm gì đã có điện?) lảng vào một góc giường trong ngôi nhà cổ to tướng của tổ tiên để lại, chìm đắm vào những trang sách, thường là đến sáng bạch… Bác “xài” đủ thứ: tiểu thuyết “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan), “Phá vây” (Phù Thăng), một tiểu thuyết đầu tay gì đó của bác Nguyễn Quang Sáng mà bác quên tên, rồi truyện ngắn Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Dũng Hà… Và tiểu thuyết võ hiệp nữa chứ! “Tam quốc” (13 tập), “Thủy hử” (3 tập dày cộp!), “Đông Chu liệt quốc” (8 tập thì phải?)… Chính lòng yêu quý những trang sách đã dẫn dắt bác đến với nghề viết và chung thủy với nó cho đến  tận bây giờ! Các cháu ngày nay, nếu vẫn còn lòng yêu ấy thì tha hồ lựa chọn, dù là ở tận Vũ Thư, Thái Bình như cháu? Truyện Nguyễn Nhật Ánh, thơ Nguyễn Phong Việt, rồi báo Thiếu Niên, báo Nhi Đồng, thật vô số kể… nhớ tên cũng đủ mệt rồi! Nhưng hãy cứ đọc theo sở thích của mình, cháu nhé. Đọc và ngẫm nghĩ, đến một lúc nào đó, biết đâu đấy, cháu sẽ cầm lấy cây bút, và bắt đầu viết nên những trang văn đầu tiên của đời mình? Riêng câu hỏi “tại sao vậy?” mà đệ tứ hậu văn chương Vũ Thư (nhíu mày) đưa ra, bác sẽ trả lời thật cụ thể, nếu cháu gửi về vanvn.net bài thi của mình! Bác chờ đấy!

 

2. Bạn Nguyễn Lê Hoàng, lớp 4/2, trường TH Nguyễn Thanh Tuyền, TP. HỒ Chí Minh hỏi; Nhà văn Tô Hoài trả lời.

Nguyễn Lê Hoàng hỏi:

“Cháu đã đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông, và rất thích. Chắc ông thích động vật lắm nên mới sáng tác ra một thế giới động vật sinh động đến thế? Cháu cũng thích động vật, và cũng muốn viết một câu chuyện nho nhỏ về động vật nhưng không biết làm sao để sáng tác cho hay, cho thật. Ông giúp cháu với ạ. Cháu xin cảm ơn ông rất nhiều.”

Nhà văn Tô Hoài trả lời:

Tôi may mắn là đã có một tuổi thơ sống ở một vùng quê ven sông Tô. Đó là một miền quê thanh bình, với những bãi sông, làng ven sông, nơi mà có rất nhiều loài động vật bé nhỏ sinh sống. Thực tế ấy là một chất liệu sinh động, phong phú cho cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” sau này. Tôi cũng thích viết văn, từ những năm 9, 10 tuổi, rồi sau này, những câu chuyện như Gulliver du ký, truyện kịch “Con chim xanh” mà tôi được đọc, tôi rất thích. Khi tôi hai mươi tuổi, tham gia nhiều hoạt động sôi nổi của thanh niên, từ thực tế cuộc sống của tuổi thơ và tuổi thanh niên sôi nổi mà tôi đã viết câu chuyện về chú dế mèn phiêu lưu khắp nơi để cổ động cho một thế giới đại đồng. Cho đến nay, “Dế mèn phiêu lưu ký” đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới.

Tóm lại, muốn viết hay về thế giới động vật, cháu phải có kiến thức thực tế về chúng, cùng với óc quan sát tinh tế và suy nghĩ thật hóm hỉnh. Ngoài việc đọc nhiều sách truyện viết về thiên nhiên và con người, cháu cũng cần có một tâm hồn phong phú và lòng yêu thiên nhiên, rồi khi câu chuyện được viết ra giấy, thế giới động vật đó sẽ từ từ hiện lên một cách sinh động và tự nhiên.

Chúc cháu trở thành một nhà văn viết về thiên nhiên và thế giới động vật thật hay

3.Bạn Phạm Thị Thúy An (Học sinh lớp 3/3, trường Tiểu học Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) hỏi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký trả lời

Bạn Phạm Thị Thúy An  hỏi:

Kính gửi ông – Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký

Thưa ông, mới đây cháu có đọc được bài thơ “Số 5 kì diệu” của ông được đăng trên trang sáng tác văn học của báo Nhi Đồng TP. HCM số 22 ra ngày 31/05/2013. Cháu rất thích bài thơ ấy. Bài thơ ấy rất ngộ nghĩnh dễ thương, rất hồn nhiên và cũng rất trẻ con nữa. Cháu muốn biết bài thơ ấy được ông sáng tác vào hoàn cảnh nào, đã lâu chưa hay mới sáng tác gần đây vậy, thưa ông ? Ông ơi, cháu có thắc mắc nhỏ là trong bài thơ trên ông có viết “Trái đất em 5 châu” nhưng cháu vừa học lớp 3 xong, trong bài học cháu nhớ cô giáo và sách giáo khoa môn Tự nhiên và xã hội lớp 3 mách bảo cháu rằng bề mặt của trái đất có đến 6 châu lục kia mà, lần lượt là các châu: Á, Âu, Phi, Mĩ, Đại Dương, Nam Cực, sao ông lại bảo thế. Mong nhờ ông giải thích hộ cháu, cháu cảm ơn ông nhiều.

Số 5 kì diệu

Bàn tay em 5 ngón

Như 5 cánh hoa tươi

Khép vào là trái đất

Mở ra là bầu trời.

 

Ngôi sao vàng 5 cánh

Rực rỡ giữa trời son

Soi sáng đường mơ ước

Muôn dặm dài nước non.

 

Trái đất em 5 châu

Một bàn tay kết lại

Tất cả cùng đua nhau

Giữ bầu trời xanh mãi.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký trò truyện với học sinh trường THPT Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký trả lời:

Ông rất vui khi nhận được thư cháu. Rất cảm ơn cháu đã đọc, đã thích bài thơ SỐ 5 KỲ DIỆU của ông đăng báo Nhi Đồng TP HCM ngày 31-5 vừa qua. Bài thơ này ông đã viết lâu lâu rồi  nhưng nay mới có điều kiện “ra mắt” tuổi thơ  gần xa..

Trong bài thơ cháu thắc mác: Cô giáo cháu dạy trái đất có 6 châu, sao ông lại viết “Trái đất em 5 châu/ Một bàn tay khép lại/ Tất cả cùng đua nhau/ Giữ bầu trời xanh mãi”. Đúng là trái đất của chúng ta có 6 châu như cô giáo cháu dạy. Song trong đó chỉ có 5 châu là có người ở và có các quốc gia tọa lạc. Riêng cháu thứ 6 là châu Nam Cực chỉ có băng tuyết và không có người ở (ngoại trừ các đoàn thám hiểm). Chính vì thế cụm từ “5 châu 4 biển” lâu nay đã được dùng như một thành ngữ mặc định trong văn nói và viết phổ thông. Và đó chính là lý do ông đã viết trong bài thơ câu “Trái đất em năm châu” .

Cháu hiểu ý của ông rồi chứ? Mới học lớp Ba mà cháu đã có tư duy khoa học, hỏi những câu hỏi đậm chất khoa học như vậy là quý lắm, đáng trân trọng lắm. Chúc cháu luôn say học, say đọc sách báo nhiều nữa. Hy vọng các nhà văn, nhà thơ như ông sẽ có thêm nhiều dịp được trả lời những câu hỏi mới rất bất ngờ.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder