
Sáng 7/11 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức hội thảo ”Thơ Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ’’. Dự hội thảo, có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Đại diện Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng; đông đảo các nhà văn, nhà thơ và các cơ quan báo đài; cùng đại diện gia đình và bạn bè của nhà thơ Thanh Tùng
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại thôn Cầu Gia, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; lớn lên tại TP. Hải Phòng; mất năm 2017. Các tác phẩm chính đã xuất bản gồm có: Con sông chảy từ lòng thành phố, thơ – NXB Lao động; Cửa sông – NXB Tác phẩm mới 1971 (Tập thơ in chung cùng Thi Hoàng); Gió và chân trời, thơ, NXB Hải Phòng 1985; Thời hoa đỏ – NXB Văn học 2001… Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ được phổ nhạc, được công chúng yêu thích: Thời hoa đỏ – nhạc Nguyễn Đình Bảng; Người về, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em – nhạc Phú Quang…
Nhà thơ Thanh Tùng thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ cứu nước, ông đã từng đoạt các giải thưởng: Giải thưởng văn học về đề tài công nhân, Hội Nhà văn và Tổng Công đoàn Việt Nam; Chuyển mùa, thơ, Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng, 1991; Hà Nội, thơ, Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng, 1993; Giải thưởng cuộc thi thơ báo Người Hà nội, kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô (1954-1994).
Hội thảo đã thông qua trên 10 tham luận của các nhà văn và ý kiến phát biểu của các văn nghệ sĩ. Kết luận tại Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tóm lược những đóng góp của nhà thơ Thanh Tùng và nhấn mạnh Thanh Tùng đủ tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đặt tên đường mang tên nhà thơ Thanh Tùng.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã ấn hành tuyển thơ ”Thanh Tùng, còn đây một thời hoa đỏ’’.
V.H.P