Nhà thơ Nguyễn Thị Loan vừa cho ra mắt tập thơ thứ hai “Chân Trời cỏ may”, với giọng thơ dịu dàng, giàu nữ tính, biểu cảm những vui buồn của cuộc đời… đã làm lay động tâm hồn người đọc.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vương Tâm về tập thơ này.
Nhà thơ Nguyễn Thị Loan vừa cho ra mắt tập thơ thứ hai “Chân Trời cỏ may”, với giọng dịu dàng, giàu nữ tính, biểu cảm những vui buồn của cuộc đời… đã làm lay động tâm hồn người đọc.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vương Tâm về tập thơ này.
Nhà thơ Nguyễn Thị Loan chuyển cho tôi tập bản thảo mới – “Chân trời cỏ may” và nói đọc cho vui. Nhưng thật bất ngờ, tôi không chỉ vui vì tập thơ có những nội lực mới về tâm thế thi ca, hình tượng thơ lắng đọng và còn làm cho tôi đồng cảm với nhiều góc chiếu của tâm hồn thi sĩ mà Nguyễn Thị Loan đã bày tỏ qua mỗi bài thơ.
Tôi ngỡ như được sống cùng nhà thơ qua những cảm xúc chân thành và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời. Cảm xúc trong tôi mỗi lúc một dâng đầy với những bài thơ của Nguyễn Thị Loan. Cho dù có những bài thơ chỉ có bốn câu thơ ngắn ngủi với hai mươi chữ nhưng lại chan chứa nỗi niềm và thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, gia đình và thế sự gần gũi trong cuộc sống.
Tôi xúc động với “Tình mẹ”, khi nhà thơ viết: “Bao năm giấc ngủ không tròn. Cắm sào bên lở mong con từng ngày” hay như câu kết gây xao xuyến lòng người đến không cùng: “Cuốc kêu rạc cả bờ tre. Nghe như tiếng mẹ đêm hè… gọi con”.
Hình ảnh mẹ cũng luôn luôn ám ảnh tâm hồn nhà thơ trong nỗi “Nhớ quê”: “Gió lùa khe cửa tái tê. Run run con chữ nhớ về ngày xưa” và khi đến “Bên mộ mẹ” thì nỗi niềm ấy càng thêm khắc khoải:
“Quanh năm lặn lội thân cò
Một mình mẹ, một con đò sang sông
Phận con là gái theo chồng
Chiều nay bên mẹ giữa đồng heo may”
Tình cảm dung dị, chân thành tạo nên những câu thơ nặng trĩu cõi lòng cho những ai cùng cảnh ngộ và gây cảm xúc sâu sắc cho bạn đọc. Ngay cả khi Nguyễn Thị Loan “Đến với thơ” cũng để lại ấn tượng vượt qua nỗi nhân tình thế thái và hướng tình cảm về con cái và những người thân để làm điểm tựa cho một tinh thần thơ ca, nhà thơ viết: “Đò dọc người rẽ bến ngang. Ôm con tôi giữa bạt ngàn cỏ lau”, cho dù đây đó và có lúc “Câu thơ như đốm than gầy. Thổi bùng ngọn lửa mắt đầy hoàng hôn” (Khi xa), Vậy mà khi viết thơ cho con gái trong “Bài thơ tặng con” những nỗi niềm về hoàng hôn đã biến mất, mà trái tim nhà thơ lại trong trẻo lạ thường với niềm an ủi dễ thương:
“Con gieo hạt để thành cây
Giảng đường quả chín, trường đầy tiếng chim
Mình nghèo, giàu có trái tim
Trồng cây đức để niềm tin sau này”
Đó là sự gửi gắm đầy tình yêu thương với gia đình và xã hội cũng là điểm bứt thoát mà Nguyễn Thị Loan đã gắng gỏi vượt lên bao ẩn ức trong cuộc sống và tình yêu.
Cùng với đó là những sự trăn trở, bộn bề trong tâm trạng nhà thơ luôn luôn được bày tỏ với những điều tưởng như tình cờ. Chính đây là điểm nổi bật của tập thơ “Chân trời cỏ may”. Giở bất cứ ở trang thơ nào, tôi cũng bắt gặp những cung đàn tâm hồn nhà thơ tấu lên làm xao xuyến lòng người. Một bông hoa ư? Một bức tranh thêu ư? Hay một con sông thấm đượm sắc màu quê hương, nhà thơ thường tạo nên những bất ngờ trong cảm xúc. Ngẫm về phận đàn bà Nguyễn Thị Loan gợi đến nỗi cảm thông chia sẻ:
“Đàn bà như chiếc lá sung
Rơi vào đâu giữa mịt mùng nhân gian
Buồn cho cái kiếp hồng nhan
Thương cho cái số đa đoan con người”
(Sáo lại sang sông)
Cái kiếp hồng nhan ấy là nỗi cô đơn chồng chất, hình ảnh một mình được
nhà thơ mô tả cô quạnh làm sao, đó là những câu thơ day dứt con tim:
“Ba mươi năm trước mình ơi
Áo tơi chung cả một trời mưa bay
Xưa em là rượu để say
Giờ như chiếc lá lắt lay cuối mùa”
(Bất ngờ)
Đúng! Đó là nỗi bất ngờ của một đời người khi người con gái tự bạch:
“Không dám gọi thành tên. Một niềm vui đã vỡ. Mùa xuân mùa đoàn tụ. Em một mình với xuân.” (Em một mình với xuân)
Hay chỉ chạm tới “Vách đá” thôi, vậy mà nhà thơ đã liên tưởng:
“Vách đá nhớ ai nở chùm hoa tím
Rủ nắng về nhuộm chín hoàng hôn
Vật vô tri mà đa tình đến thế
Em một mình bầm tím câu thơ”
Thêm nữa tôi lại càng say với biển của Nguyễn Thị Loan với tứ thơ cho dù mạnh mẽ hơn nhiều vẫn ngẫm ra ngọn sóng của nỗi cô đơn trong bài “Không đề”:
“Tìm dịu êm của biển
Nào có vơi nỗi đau
Nước mắt em
Tan vào biển mặn
Biển dịu êm
Em sóng thét gào”
Có thể nói trong những bài thơ ngắn về tình yêu của Nguyễn Thị Loan tạo được một mảng thơ độc đáo với tứ thơ dồi dào cảm xúc thì “Ru xa” là một tứ thơ rất hoàn chỉnh, nó rung động lòng người về nỗi cô đơn bất tử mà cái kiếp hồng nhan vướng bụi nợ trần. Bài thơ có những câu thơ hay có thể đứng độc lập thành những bài thơ tứ tuyệt, thảy lên khúc tấu “Nam ai” đầy nỗi niềm chia xa, hãy chỉ đọc bốn câu trong bài “Ru xa” :
“Sông kia vẫn đợi vẫn chờ
Câu thơ ai viết thẫn thờ đầu non
Không ru trăng khuyết vẫn tròn
Ru xa em lại mỏi mòn… vọng phu”
Hay như chỉ với hai câu đã tạo nên tứ thơ độc đáo:
“Bao năm chẳng một lời ru. Một mình ôm cuối chiều thu lá vàng”, hoặc kể cả hai câu dưới đó: “Bao năm thiếu một vòng tay. Lời ru nức nở vơi đầy giấc mơ” cũng là sự phát triển cảm xúc dâng trào về những khát vọng đầy bi ai, muốn bứt thoát khỏi nỗi cô đơn mà không thể. Nỗi cô đơn ấy còn được nhà thơ gửi gắm qua tiếng ve, tiếng ốc tù và, hay một bông hoa dại bên đường… và đặc biệt với “Chân trời cỏ may” tạo nên một bức tranh buồn, một nỗi buồn thánh thiện mà đậm nét đặc trưng cho hồn thơ Nguyễn Thị Loan. Nữ sĩ đã vận vào sự mất mát của cuộc đời mình:
“Đến cỏ còn có cỏ may
Đời em phận rủi cả ngày lẫn đêm
Thời gian như sợi chỉ mềm
Cỏ may khâu nhớ vào quên một đời
Con đường xưa đã chia đôi
Câu thơ ngồi vá chân trời cỏ may.”
Những liên tưởng của Nguyễn Thị Loan luôn luôn là sự bất ngờ và dựa vào nguồn cảm xúc mạnh mẽ về những nỗi niềm ẩn dấu trong cuộc đời mình. Những bài thơ tình của Nguyễn Thị Loan làm thổn thức lòng người qua những nỗi niềm chân thành và hồn nhiên ấy.
Tập thơ mới của nữ sĩ Nguyễn Thị Loan thể hiện, ngoài những liên tưởng độc đáo và những tứ thơ mới, còn có sự tìm tòi về ngôn ngữ nhất định tạo nên một phong cách thơ dần được hình thành. Ở nhiều bài thơ ta có thể đọc và cảm xúc với những câu thơ như: “Bởi tin tôi hóa lạc đường. Vườn xuân hoa héo và hương cũng tàn” (Đến với thơ) hay xót xa như: “Ngoài hiên thánh thót giọt mưa. Tôi và chiếc bóng giao thừa đón xuân” (Nhớ quê), hoặc chia sẻ nỗi niềm:
“Muốn buộc tiếng ve lại. Cho lòng thôi khát khao” (Tiếng ve) và đây là nỗi niềm chia xa: “Câu thơ như đốm than gầy. Thổi bùng ngọn lửa mắt đầy hoàng hôn” (Khi xa).
Một sức lay động rất mới trong tôi qua cảm xúc thơ của tập “Chân trời cỏ may”. Tôi yêu nét dịu dàng qua giọng thơ lục bát của Nguyễn Thị Loan và đó cũng là điểm mạnh về sự biểu hiện của một phong cách thơ đã dần hình thành
Tôi yêu cái bi kịch và nỗi đau trong sự bứt thoát của thi ca mà nhà thơ đã thể hiện. Đó là sự kìm nén của một tâm trạng muốn thét gào. Một nỗi đau không ai oán mà gợi nên sự sẻ chia thầm kín. Người đọc sẽ nhớ đến thơ Nguyễn Thị Loan ở những thành công đó trong tập thơ mới: “Chân trời cỏ may”. Xin chúc mừng cho sự bứt phá lần thứ hai của thơ Nguyễn Thị Loan.
Nhà thơ Vương Tâm
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam