Hộp thư dự thi số 07

Cuộc thi thơ năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng phát động vừa tròn một tháng. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, BTC đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các tác giả gửi bài tham gia dự thi mà còn nhận được sự khích lệ, động viên của công chúng yêu thơ. Một số tác giả đã có bài viết cảm nhận về các bài thơ dự thi. Điều này phần nào chứng tỏ sự lan tỏa của cuộc thi đối với bạn đọc. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu một trong số những bài như thế.

Cuộc thi thơ năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng phát động vừa tròn một tháng. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, BTC đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các tác giả gửi bài tham gia dự thi mà còn nhận được sự khích lệ, động viên của công chúng yêu thơ. Một số tác giả đã có bài viết cảm nhận về các bài thơ dự thi. Điều này phần nào chứng tỏ sự lan tỏa của cuộc thi đối với bạn đọc. Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu một trong số những bài như thế.

 

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “BÌNH MINH” CỦA TÁC GIẢ LÊ HOÀNG THẢO

 

Tình cờ lướt mạng, tôi gặp bài thơ:  BÌNH MINH của tác giả Lê Hoàng Thảo Hải Phòng, bài dự thi năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng phát động. Bài thơ viết năm 2013 nói về đề tài môi trường sống hiện nay, một vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm trong thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mở đầu bài thơ tác giả viết:

Có gì tiếng chim gọi bình minh

Bóng liêu xiêu gánh ngôi nhà đi lặng lẽ

Những đứa trẻ hồn phiêu vùi giấc ngủ

Nhịp phập phồng từng bước mẹ đi

“Có gì tiếng chim gọi bình minh” đây là câu hỏi hay câu tự trả lời? Có lẽ là cả hai, hãy cứ để cái ý lấp lửng đó lại ta hãy xem toàn bộ bài thơ tác giả nói gì. Bóng liêu xiêu gánh ngôi nhà đi lặng lẽ, những đứa trẻ hồn phiêu vùi giấc ngủ, nhịp phập phồng theo từng bước mẹ đi. Câu thơ tả người mẹ không nhà không cửa gánh con đi, (gánh cả ngôi nhà) thật gợi cảm. Mẹ gánh con đi đâu, đi nơi nào, để làm gì? Vì sao không còn nhà cửa? Do chiến tranh ư? Hay do thiên tai giáng họa?… Tác giả để người đọc tự suy nghĩ. Ba câu thơ bình dị nhưng ý nghĩa sâu sắc gợi cho người đọc cảm thông trăn trở về nỗi thống khổ của kiếp người lam lũ. “Bóng liêu xiêu gánh ngôi nhà đi lặng lẽ” là câu thơ hay giàu hình tượng.

Nắng đổ mặt đường giẫy lên

Cháy bỏng khát khao cuộc sống

Xiết vào thời gian tiếng rít

Chìm nổi luân hồi mưu sinh…

Bốn câu thơ tiếp theo tác giả khắc họa rõ nét phù họa cho khổ thơ đầu – cuộc sống mưu sinh của con người chìm nổi gian truân khổ cực, nhưng khát khao cuộc sống vẫn cố vươn lên vượt qua. Những từ: xiết, rít, chìm nổi, được tác giả sử dụng ám chỉ điều đó; “Nắng đổ mặt đường giẫy lên”, nắng đến đâu thì mặt đường cũng không thể giẫy lên được chỉ có bàn chân người mẹ gánh ngôi nhà là bỏng giẫy lên mà vẫn lặng lẽ bước đi. Câu thơ ẩn dụ hay.

Hiện lên mặt hồ Ông Bụt

Chúng sinh thả hồn cơn khát

Lét leo tiếng kinh cầu

Mơ một ngày cứu đỗi thương đau

Trong cuộc sống khi gặp phải nhiều khó khăn, bí tắc không lối thoát người ta thường tìm đến thế giới tâm linh huyền ảo. Ông Bụt trong truyện cổ tích Việt Nam là nhân vật từ bi tài giỏi, có nhiều phép nhiệm màu luôn hiện lên đúng lúc cứu giải và ban hạnh phúc cho người nghèo khổ. Nhưng chuyện cổ tích  là chuyện cổ tích, nào ai đã thấy Bụt bao giờ, nhưng họ vẫn  khao khát leo lét kinh kệ cầu nguyện mơ một ngày Bụt hiện lên cứu đỗi thương đau, thật là mê muội mong manh. Họ nào biết nguyên nhân sâu sa của những tai ương chướng họa kia. Nắng hạn cháy rừng, mưa gió bão giông, vòi Rồng lốc xoáy, lũ lụt, sập cầu lở đất… triền miên ập xuống cướp đi bao tài sản, bao sinh mạng con người bởi khí hậu khắc nghiệt điêu linh; Con người thật nhỏ bé trước những hung thần thiên nhiên huyền bí. Và hoang đường lại thả vào cõi hư vô ngày một hư vô:

Trầm tích dòng sông chết nghẹn

Những vong hồn lang thang chưa hóa kiếp

Cuộc kiếm tìm giành giật bão giông

Trả vào hư vô những hoang đường

Tác giả dùng hình tượng “Dòng sông chết nghẹn” và “Những vong hồn lang thang chưa hóa kiếp” để diễn đạt ý thơ sinh động về hậu quả thiên tai cũng như suy nghĩ của con người về thiên tai. Lê Hoàng Thảo rất khéo dùng hình tượng để diễn đạt ý thơ, có lẽ đây là sở trường của anh? Buộc người đọc phải suy nghĩ kỹ mới thấy cái hay, cái sâu của bài thơ. Những câu thơ tác giả nói về chiến tranh lên án chiến tranh cũng vậy:

Tạo hóa sinh vội muôn loài

Quên yểm bùa hoàn lương Trái Đất

Đặt thanh gươm vào tay kẻ vô lương đa sát

Chất núi hận thù, nước mắt thành sông

Không một từ “chiến tranh” nào trong đoạn thơ trên mà ta vẫn hiểu đó là chiến tranh, câu thơ rất sinh động khoáng đạt, hài ước bởi sự khéo léo chọn lọc hình tượng của tác giả. Chiến tranh và thiên tai là tai họa khủng khiếp nhất của loài người mà tác giả muốn nói đến trong bài thơ, nó gần gũi hiện thực ngay trước mắt, nhà thơ như muốn đặt một dấu hỏi – do đâu? Câu trả lời lại dành cho người đọc tự luận. Trong khi đó người ta lại quá lo xa về những chuyện xa vời của vũ trụ, sự tồn vong của Trái Đất bởi “ngày tận số” bởi những “Hố đen” hoang tưởng chập chờn đe dọa loài người đã tồn tại hàng triệu năm nay; Để rồi lại cầu mong thần linh, Phật tổ cứu giúp, Phật ở đâu liệu có cứu giúp được không? Khi mà rừng đã xác xơ, muông thú hết nơi sinh sống nằm chờ chết, những dòng sông ô nhiễm, nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt, khói bụi từ các công trường nhà máy, ô tô ngày đêm ngùn ngụt cuồn cuộn nhả khói lên trời; Lỗ hổng tầng ô rôn ngày càng rộng, tạo nên những biến đổi khí hâu của Trái Đất bất thường, nguy hiểm. Động đất, sóng thần, mưa đá, siêu bão… cứ ngang ngược hành hạ sinh linh và con người vẫn cứ mặc nhiên đốt rừng phá rẫy làm nương, rừng phòng hộ đầu nguồn luôn bị triệt phá bởi lâm tặc hoành hành vì lợi nhuận mưu sinh. Một vòng cuồng loạn luẩn quẩn của con người, có biết đâu đó chính là hành động tự đào hố để chôn mình, đâu có phải hung thần ác quỷ nào gây ra, Trời Phật nào cứu thế khi loài người văn minh đang hủy hoại môi trường. Những câu cuối của bài thơ đã nói lên nguyên nhân sâu thẳm đó:

Con người lang thang triệu năm trong rừng

Những hóa thạch chìm lắng

Trái Đất ngập cơn mê hoang tưởng

Chập chờn những hố đen

Dưới chân núi tín đồ chiêm Phật nhìn lên

Tiếng chuông lạc cánh đồng vắng

Rừng xác xơ, muông thú nằm chờ chết

Dòng sông đổ bệnh chờ tắt thở trước bình minh

Giẫm lên thân xác của mình

Những nhát cuốc đào mồ tự sát

Con người của nền văn minh cuồng loạn

Có lắng nghe tiếng chim gọi bình minh?

Đoạn kết của bài thơ thật hùng hồn mạnh mẽ, nhưng cũng trăn trở xót xa. Tác giả  khẳng định: Thảm họa chiến tranh và thiên tai đều do chính bản thân con người gây ra, hãy thức tỉnh, đừng mù quáng hoang tưởng, hãy dừng ngay “Những nhát cuốc đào mồ tự sát” cứu lấy Trái Đất, bảo vệ môi trường sống của nhân loại, mang lại bình minh thực sự tươi đẹp cho muôn loài.

Bài thơ “Bình Minh” của tác giả Lê Hoàng Thảo viết theo thể thơ tự do, ý thơ phóng khoáng, dùng hình tượng để biểu đạt ý thơ sâu sắc phong phú, là bài thơ hay; Một lời cảnh tỉnh sắc sảo.

 

Hải Phòng, tháng 5 năm 2014

Vũ Hạ

(ĐT: 01698387187)

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder