Vanhaiphong: Giới thiệu chùm tản văn của cộng tác viên Phan Nam, sinh năm 1995, hiện đang học Khoa Báo chí – Đại học sư Phạm Đà Nẵng…
Vanhaiphong: Giới thiệu chùm tản văn của cộng tác viên Phan Nam, sinh năm 1995, hiện đang học Khoa Báo chí – Đại học sư Phạm Đà Nẵng…
HƯƠNG BIỂN MẶN
Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất đầy nắng và gió của biển, nơi mà nhắm
mắt lại tôi vẫn thấy biển hiện ra trong giấc mơ.
Vùng biển quê tôi là vùng đất của hương đồng gió biển, của những con người siêng năng chăm chỉ trên dải đất hẹp Miền Trung. Từ biết bao đời nay người dân quê tôi luôn bám trụ vào vùng biển mênh mông của Tổ Quốc, nơi có sóng vỗ rì rào, nơi chứa đựng biết bao nguồn lợi phong phú, biển chính là khát vọng, là khát khao chinh phục của biết bao thế hệ ngư dân quê tôi. Không biết tự lúc nào những con sóng biển, những làn gió biển mát rượi đã đi vào trong tâm trí tôi nhẹ nhàng như lời ru của mẹ.
Vị mặn của biển như thấm vào từng thớ thịt, vị mặn ấy đã chìm sâu vào tiềm thức như hình ảnh của biển cả thiêng liêng. Bờ cát của biển chính là nơi tôi chập chững những bước đi đầu tiên, biển đã gắn bó với tôi từ khi mới cất tiếng khóc chào đời. Để giờ đây khi rời xa quê hương vị mặn thoang thoảng đậm đà của biển như chiếm hết cả tâm hồn, nhắm mắt lại tôi vẫn cảm nhận mùi vị mặn nồng của biển quê nhà. Biển là người anh, người chị, người bạn thân thiết của tôi, biển lắng nghe, biển thì thầm, biển đôi khi nhẹ nhàng có lúc lại dận dữ tựa như một người con gái trẻ tuổi xa xôi rất muốn một điều ngọt ngào sâu lắng. Tôi luôn có thói quen ngắm biển một mình, tôi tìm đến biển rất đơn sơ tự nhiên như vùng đất con người chân chất. Biển chính là người bạn tri kỉ của tôi, biển biết nói biết lắng nghe mọi niềm vui nỗi buồn. Biển cho tôi một tâm hồn mơ mộng, khát khao chinh phục những ước mơ xa xôi, biển cho tôi sự tin tưởng và mạnh mẽ hơn với quyết định của mình. Thuở nhở, tôi hay nghịch ngợm leo tót lên mái nhà để ngắm biển và lấy làm thích thú khoái chí lắm. Lúc ấy, mẹ tôi luôn nhẹ nhàng khuyên bảo: “Con xuống đi, nguy hiểm lắm. Chiều mẹ sẽ dẫn con đi đón ba mới vươn khơi xa trở về…”. Nghe lời mẹ tôi lại trở xuống nhưng tôi vẫn luôn thích hét thật to: “Biển ơi! Tao yêu mày”. Biển đã cho tôi nguồn sống, cho tôi cơm ăn, áo mặc, cho tôi được đến trường học tập.
Có đôi khi biển nổi giận làm mẹ tôi mất ăn mất ngủ, những lúc ấy mẹ tôi luôn hướng ra biển như hướng về trái tim dân tộc. Người dân quê tôi luôn tổ chức lễ hội cá Ông để tri ân những chuyến tàu đầy ắp cá tôm mà biển đã cho người dân quê tôi, đồng thời họ cũng mong muốn mưa thuận gió hoà, sóng nhỏ biển lặng để đi mưu sinh và cũng là hành trình bảo vệ chủ quyền dân tộc. Vị mặn của biển đã thấm sâu vào đôi môi, vào tâm hồn tôi như những nhọc nhằn của bố mỗi lần ra khơi xa. Tôi nhìn thấy vị mặn của những giọt mồ hôi luôn in sâu trên những nếp nhăn của bố, vị mặn của biển như thấm sâu vào từng tâm hồn dân tộc, từng tấc đất quê hương. Cả cuộc đời bố tôi gắn bó với biển như ngôi nhà thứ hai của mình.
Còn tôi đứng trên những bờ cát ngắm những chuyến tàu vươn khơi xa trở về đầy ắp cá tôi, biển quê tôi thật tuyệt vời biết bao! Trong ngôi nhà ấm áp ấy luôn tràn ngập tình thương mà bố mẹ đã dành cho tôi, tràn ngập vị mặn của biển cả… Từ những con cá, con tôm đến những hạt muối của biển, vị mặn của những giọt mồ hôi của những ngư dân cần cù như bố tôi, vị mặn của bữa cơm gia đình thực sự ấm áp. Tôi yêu quê hương mình xuất phát từ những điều giản dị như vậy: vị mặn của biển.
MÙA LÀM ĐỒNG
Giữa trưa, đồng quê khô khốc một mùi rơm rạ. Nắng gắt chớm sang hạ. Lúa còn chưa kịp khô, rơm chưa kịp cháy hết, tàn tro còn màu đen sì dưới chân. Thì lúc đó một mùa làm đồng mới lại giục giã những bước chân chộn rộn của người nông dân chân lấm tay bùn.
Ruộng lầy, ngập hơn nửa bước chân người. Mùi bùn thơm rơm vương vấn đôi chân mãi không rời. Từng cuốc được khơi lên để làm sạch ruộng đồng. Nước mương quý giá đang được chắt chiu cho vụ mùa khát nắng, vụ hè thu. Bốn bề ai nấy đều ra đồng, còn tôi và từng cuốc vẫn lặng lẽ nhịp đều khua trên màu đất quê hương. Hồn đồng xa xưa cũ kĩ cứ thấm từng nhịp vào khắp trong người, đưa ta về với đồng. Đôi chân tê cứng, hai tay nắng trĩu trên sự cực nhọc bốn mùa bán lưng cho đất, bán lưng cho trời. Nắng rọi thẳng vào mắt, hắt vào vai, gió gào, nước nóng, thế nhưng ai cũng vui vẻ trên đồng, mặc kệ chân đứng đá mềm, bởi số phận của họ đã gắn chặt với cánh đồng quê hương. Hiu hiu gió gọi mây đến che ánh mặt trời, cho bóng mát phủ từng mảnh đời lam lũ.
Có một làn khói bay qua, phủ kín cánh đồng. Những cọng rơm cuối cùng được đốt lên, làm lòng người nao nao. Bức tranh đồng quê ngày càng đẹp bởi gió, bởi khói, bởi bóng người luôn luôn lắng nghe tiếng gọi mùa đồng mới. Hoa sim tím ngát đưa hương hồn xuống đồng, nhánh mua bên bờ cũng tím buồn, hoa sen đầu làng xoa tan mùi bùn, đưa ánh nắng rực rỡ trên giọt sương ban mai còn đọng lại.
Muôn đời vẫn như thế, vẫn cuốc, vẫn cào, vẫn khủa, vẫn gieo, vẫn mạ non mầm lúa. Rồi đây, đồng quê sẽ bát ngát một màu xanh của lúa non, rì rào đong đưa theo gió. Có vướng bận gì. Bước chân của người vẫn như thế, vẫn quay quắt với ruộng với đồng. Để tránh giáp hạt vào những ngày mưa thì vụ hè thu là rất quan trọng. Vì thế ai cũng phát quang, làm cỏ rất kì công, đảm bảo đất toả thơm nồng cho mầm lúa mới nhú lên. Vụ mùa mới ngày càng tấp nập để đảm bảo lịch thời vụ. Nhanh hơn.
Làm ruộng lầy, phải chắc tay cuốc. Sống còn với mùa qua những mùa hoa, luôn thay đổi sắc màu. Cuốc từ sáng đến chiều, cũng chỉ mong có con cá, con lươn nào mắc cạn. Ngay từ đầu mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một chiếc bình nhỏ, có lươn có cá là bỏ vào. Cuốc càng sâu càng kĩ, lươn càng dễ bị phát hiện. Những chú lươn trơn lởn dưới sâu đất bùn nhanh chóng được đôi tay thoăn thoắt của mẹ tôi tóm gọn. Những chú cá nhét không thể chịu được cái nóng của nước nên cứ nổi lên, tóm luôn là có bữa trưa cá đồng tươi ngon. Một trái thơm, vài con lươn, con cá là có ngay một nồi canh chua. Phải ăn mới có sức làm tiếp…
TIẾNG VỌNG NGÕ ĐÁ “XỨ TIÊN”
Tuổi thơ tôi được gắn bó với một vùng quê yên bình của vùng đất xứ Quảng. Làng cổ Lộc Yên thuộc huyện Tiên Phước nơi tôi sinh ra và lớn lên được đặc trưng bởi một hình ảnh vô cùng bình dị: ngõ đá.
Bước chân vào cổng trường đại học đã hai năm nhưng tôi không nguôi nhớ về ngõ đá đã gắn bó với tôi trong suốt quãng đời ấu thơ. Trong tâm khảm của tôi luôn chất chứa những hình ảnh quen thuộc mà có lẽ sẽ đi theo tôi trong suốt cuộc đời. Xin mời bạn hãy một lần đặt chân đến vùng đất quê tôi để ngắm nhìn vẻ đẹp kì diệu của ngõ đá tưởng chừng như vô tri vô giác. Ngõ đá quê tôi đặc biệt bởi sự tài hoa của cha ông đã sắp xếp những phiến đá thật hài hòa với những hình thù lạ mắt. Chắc chắn, bạn sẽ ngỡ ngàng nếu một lần nhìn thấy con đường làng với những viên đá thẳng tắp, những bậc đá cao được chất cao vút. Tôi đã nhiều lần rảo bước trên con đường làng lắng nghe bản nhạc của làng quê với những lặng tre xanh rì rào, những chú ve sầu ngân nga da diết xen lẫn với lời ru của mẹ trong buổi trưa hè. Thật nhẹ nhàng và sâu lắng! Duy chỉ ngõ đá vẫn trơ ra đó với vòng quay của cuộc sống…
Những ngôi nhà cổ có tuổi đời lên tới 200 năm thấp thoáng dưới làng sương mờ của triền đồi vùng trung du. Tôi còn nhớ lúc chập chững những bước đi đầu tiên dưới ngõ đá. Những lần vấp ngã đầu đời đã được in vết dưới ngõ đá. Ngõ đá đã theo tôi suốt quãng đời tuổi thơ với những trò chơi dân gian với đám bạn: ô ăn quan, chơi kít, chơi nẻ, rồng rắn lên mây… Ngõ đá rêu phong vẫn lặng lẽ lắng nghe nhịp sống lam lũ của những người dân quê chất phác chân lấm tay bùn. Những buổi trưa hè, tôi rất thích cảm giác được tựa lưng vào những phiến đế rồi ngủ thiếp đi dưới lời ru của ngõ đá quê hương. Lời thì thầm của ngõ đá khiến người dân quê tôi quyết tâm giữ gìn làng cổ cuối cùng của vùng đất “xứ Tiên”. Dường như hình ảnh ngõ đá đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân quê khiến họ một tất không đi, một ly không rời. Làng cổ nơi tôi sinh ra và lớn lên đã nuôi dưỡng tâm hồn của tôi, đã che chở muôn đời cho những kiếp người nhỏ bé luôn gắn bó với ruộng
đồng và làng cổ của quê hương.
Tiếng vọng ngõ đá như đưa tôi trở về với những kí ức tươi đẹp và những khát vọng mà tôi mãi đi tìm. Trái tim tôi không thể “hóa đá” bởi tôi luôn có một tình yêu bất diệt với ngõ đá thân thương. Đôi khi ta muốn đi tìm một điều lớn lao trong cuộc sống mà không hề biết rằng tình yêu trong trái tim luôn bắt nguồn từ những điều bình dị nhất: ngõ đá quê hương.
P. N