Hy vọng từ những tác giả trẻ trong mùa xuân mới – Phương Mai

Tuy nhiên với những gì mà các tác giả trẻ đã khẳng định được, chúng ta có quyền hi vọng vào một năm mới của những bùng nổ, đột phá từ những bạn trẻ ấy.

Sáng tạo văn chương vốn dĩ là vấn đề nội tâm của người cầm bút. Cũng bởi thế mà khó lòng lấy dấu mốc là năm cùng tháng tận của đất trời để định lượng chặng đường cầm bút của mỗi người bởi luôn ẩn chứa biết bao biến động trong đời cầm bút. Có người vừa hứa hẹn những tiềm năng đã lụi tàn bởi cạn kiện sáng tạo; lại có kẻ tưởng đã “cùng đường, tuyệt lộ” trong hướng đi này lại bông dưng lột xác đó sao. Nhưng dẫu sao, trước mỗi mùa xuân có ý nghĩa như một sự đổi thay mới mẻ cũng là dịp hay để sống chậm lại, lắng nghe những chuyển động trong đời sống văn chương mà thú vị nhất là từ những cây bút trẻ đang đầy ắp những khát khao.

Bền bỉ một dòng văn chương thuần Việt

Văn học vốn dĩ có một đời sống riêng nhưng bấy lâu nay, với sự ngây ngơ đến mức ngộ nhận của nhiều người, nó luôn bị chi phối bởi những hiện tượng tâm lí xã hội mang tính nhất thời. Dĩ nhiên, người viết văn luôn nhạy cảm trước những chuyển biến của thời đại và tiên liệu, dự cảm trước những đổi thay của xã hội và dân tộc. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là, văn chương cứ luôn phải đi tắt đón đầu trước các xu thế mà đón bắt thị hiếu nhất thời của người đọc. Những năm đầu của thế kỉ XXI, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của những sáng tạo văn chương bắt nhịp mau lẹ với sex, với tân hình thức trong cấu trúc thơ và một vài thể nghiệm sáng tạo. Từ lạ lẫm tới mức phản ứng quyết liệt hòng phủ nhận những Khát của Vi Thùy Linh, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đến hoang mang rồi âm thầm thừa nhận một hướng đi như thế trong văn chương với Thân xác của A Sáng, Dại tình của Bùi Bình Thi… mà có thể khái quát thành cuộc “thương lượng với cái cấm kỵ” (chữ dùng của Khải Trí). Dĩ nhiên, không có những thể nghiệm, không có những lần “dấy binh” để cách tân mà chỉ có những cứu vãn thoái trào thì văn chương sẽ đi vào sự tàn lụi. Những thể nghiệm đó qua thời gian dù được nhìn nhận lại như thế nào âu cũng là một hướng đi đáng để suy ngẫm.

Tuy nhiên, sau những cách tân đến mức phủ nhận quyết liệt từ hình thức nghệ thuật đến hình thức chất liệu, kết cấu thể tài đã may mắn xuất hiện những cây bút đi sau thức tỉnh những hướng sáng tạo đúng hướng đi vào bản chất của biểu tượng hơn là những sáng tạo về hình thức. Trong xu thế đó chúng ta dễ dàng nhận ra những câu thơ vẫn bước trên mặt đất của những cây bút mang hồn vía, cảm quan của con người phố thị như Phong Việt, Lương Đình Khoa, Nồng Nàn Phố hay đậm sắc núi rừng như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Kim Hòa.

Vẫn sử dụng những câu thơ với cú pháp quen thuộc, hình thức thơ tự do nhưng không “cực đoan” (với thói quen đọc thơ truyền thống) bằng những câu thơ văn xuôi, Phong Việt gây được thiện cảm ngay từ cái “vỏ” của những nhan đề tập thơ như Đi qua thương nhớ rồi Từ yêu đến thương. Và rồi, khi đọc vào những trang trong chúng ta bắt gặp: Cay đắng của mỗi người đều được giữ theo một cách riêng/ khi người này khóc, người này chờ người kia đi ngủ/ khi người kia đau, người kia xiết tay người này như một trò chơi thuở nhỏ/ Người nào thua phải tự mình nín thở/ tự mình giúp cho mình được chết đi (Đừng nói nữa, được không?). Nhưng câu thơ viết ra như từ những trải nghiệm từ cuộc sống mới của những người trẻ bằng sự nắm bắt những chuyển biến trong tâm lí xã hội, với sự cảm thông từ nhiều phía như một cách vận dụng các giá trị nhân văn tinh tế. Trong khi với Lương Đình Khoa hồn nhiên bằng như câu thơ để khiến độc giả tìm lại sự hồi sinh của thơ Việt sau những thể nghiệm tao tác: Tháng bảy ngủ rồi/ Lưng đồi tí tách/ Cỏ hôn mưa ngọt/ Xanh vào mắt nhau/ Mắt anh bắc cầu… (Nói với em về cổ tích tình yêu).

Trong khi văn chương hơn một thập kỉ qua chứng kiến sự chiếm ưu thế của các cây bút tập trung ở các thành phố lớn (nhất là ở thể loại thơ) thì vào những ngày cuối năm lại xuất hiện những cây bút trẻ với cách nhìn khá mới về chính mảnh đất của mình. Nơi đây vốn đã là mảnh đất của những cây bút lớn đã thành danh như Nông Quốc Chân, Y Phương, Dương Thuấn, Lò Cao Nhúm, Lê Va… Đôi lúc, chúng ta cũng ngỡ đó không còn đủ chỗ cho những thể nghiệm mới nhưng Hoàng Anh Tuấn vẫn bình thản và tự tin viết:

Váy hoa nở trên bờ rào vẫy gió

Lũ bướm non hau háu mắt khát thèm

Đám trai bản muốn hóa thành lũ bướm

Bay lạc vào miền thổ cẩm trong em

Chúng đâu biết anh đã thành con bướm

Của riêng em giữ nhịp váy đong đưa

Em chẻ củi, xe lanh hay cõng nước

Nhớ canh chừng cất váy kẻo trời mưa

Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ

Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà

Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố

Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?

(Mùa phơi váy)

Vẻ đẹp bài thơ ở chính hơi thở của nhịp sống mới của miền sơn cước: chàng trai theo bạn bè phiêu bạt mưu sinh đời thợ, gáng nặng cơm áo của ngày hôm nay như khoảng trống chen vào những mùa phơi váy ấy (Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà). Để rồi một ngày đi tắt đường về qua bản mới hay sự mất mát đến ngỡ ngàng. Thơ Hoàng Anh Tuấn đẹp bởi nó tha thiết với những tiết tấu truyền thống như trong thơ Hữu Loan, Vũ Cao nhưng lại mang hơi thở của thời đại mới.

Cũng sống và viết ở một địa phương khá xa các trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhưng Nguyễn Thị Kim Hòa đã khẳng định được nội lực trong ngòi bút của mình bằng những sáng tạo riêng. Không bị ngợp bởi cái bóng của Nguyễn Ngọc Tư- cây bút có cảm quan và phong cách viết đậm sắc vùng miền, cô gái của mảnh đất Ninh Thuận đã có những cách xây dựng hình tượng nhân vật khá lạ. Cô nâng tầm những đặc tính vùng miền thành những triết lí sâu sắc:

“Phải mẹ không mất sớm, Chất đã hỏi có phải ông bà ngoại hồi xưa đã đẻ cậu rớt trong một cái hố buồn. Cái hố đó chắc là sâu hun hút. Liệu có sâu bằng lỗ trũng ở rìa trái đồng cỏ? Lỗ trũng cát lấp bao nhiêu năm nhiêu tháng vẫn không đầy nổi, để bữa nọ rượt bầy cừu ngang qua Chất thấy cậu đang trầm ngâm nhìn xuống đó.

“Nửa khúc mình của cậu nằm dưới này!”

Cậu chỉ nói đúng một câu vậy. Rồi im bặt. Nhưng sửng sốt làm cái lỗ trũng và dáng thờ thẫn buồn rũ của cậu bên miệng lỗ ăn mòn vẹt cả những giấc mơ Chất.” – (Thôi mùa cỏ cháy- Nguyễn Thị Kim Hòa)

Phải thừa nhận rằng, một năm qua, những tín hiệu vui của văn chương Việt mới dừng ở số lượng ấn phẩm đến tay người đọc, ở sự tự tin và sáng tạo của các tác giả trong việc lựa chọn hướng đi chứ chưa có những thành tựu lớn về và đóng góp nhiều ở thi pháp. Tuy nhiên với những gì mà các tác giả trẻ đã khẳng định được, chúng ta có quyền hi vọng vào một năm mới của những bùng nổ, đột phá từ những bạn trẻ ấy.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder