Kết hợp giữa Nhà văn và Doanh nhân tại sao không? -Nguyễn Đình Minh

Lịch sử Hải Phòng đã ghi nhận một mối quan hệ nổi tiếng: Trạng nguyên, Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết bạn và sau đó kết thông gia với Phạm Quỳnh, một người xuất thân từ lái buôn chè, sau làm đến Tiết chế Đông đạo, đại diện cho tập đoàn doanh thương tại triều Mạc Phúc Nguyên

 

Đất nước ta có một thời kỳ rất dài bị ảnh hưởng của Nho học, cho nên trong con mắt của người dân và giới trí thức, các bậc quân vương…đều lấy tư tưởng trọng văn làm đầu. Tất nhiên khái niệm văn không chỉ riêng văn chương, nhưng văn chương là một bộ phận hợp thành. Tư tưởng này, ngày nay vẫn còn cố kết ở không ít người, thậm chí ngay trong đội ngũ các Nhà văn vẫn có người coi mình là sĩ phu và tự đóng cửa quan hệ giao thiệp hoặc “kính nhi viễn chi” với các doanh nhân.

Lịch sử Hải Phòng đã ghi nhận một mối quan hệ nổi tiếng: Trạng nguyên, Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết bạn và sau đó kết thông gia với Phạm Quỳnh, một người xuất thân từ lái buôn chè, sau làm đến Tiết chế Đông đạo, đại diện cho tập đoàn doanh thương tại triều Mạc Phúc Nguyên (con trai Phạm Quỳnh là Phạm Dao làm Trấn thủ xứ Sơn Nam tức con rể ông). Chuyện xưa còn thế, ngày nay đất nước đã mở cửa hội nhập, nền kinh tế thị trường với tiết tấu sôi động từng giây trong cuộc sống hiện tại và vai trò của các doanh nghiệp đang là những “thế lực” góp phần cải biến xã hội. Đã xuất hiện rất nhiều quan hệ của các ngành với doanh nghiệp, ngay cả lĩnh vực quan trọng nhất là giáo dục mối quan hệ này cũng được thiết lập gắn kết và phát huy hiệu quả. Vậy văn chương, các Nhà văn sao không thể kết hợp với các Doanh nhân?

Nhìn từ phía nhu cầu kết hợp giữa Nhà văn và Doanh nhân tưởng rất xa vời nhưng lại là sự đương nhiên, sự tất yếu. Doanh nhân hiểu cách khái quát là người làm kinh tế; công việc ấy nhìn bề ngoài tưởng chừng như họ cần trang bị cho mình bộ óc tỉnh táo để thực hiện những phép tính khô khan chính xác cao của Doanh nghiệp mình; cần một nhóm “máu lạnh” để tỉnh táo sắt đá để quản lý nhân lực, để băng vượt những trở ngại, những đối thủ… Nhưng không hoàn toàn vậy! Doanh nhân trên hết vẫn là con người với nhu cầu tâm sinh lý bình thường có bộ óc tiếp nhận thế giới và trái tim yêu; Họ phải sống và bị chi phối bởi khí quyển văn hoá dân tộc, không gian chuẩn mực đạo đức và pháp luật của quốc gia…

Những nhu cầu ấy, văn chương giúp họ tiếp cận nhanh chóng nhất. Nếu các doanh nhân xem các tác phẩm Nhà thờ Đức Bà (V. Huygô ), Bá tước Mongto Krixto (Duy ma), Bố già (Mario Puzo), Đỏ và đen (Stendhal)…Thông qua những hình tượng văn học người ta có thể tự hình thành trong mình một nguyên mẫu mà hướng tới. Những tình tiết văn chương sẽ bồi đắp thêm kinh nghiệm sống giao tiếp  cách ứng xử…hướng thiện, diệt ác giúp họ tới thành công . Rồi những thế giới xa xôi, những phong tục trên các trang văn sẽ giúp Doanh nhân bớt công tìm hiểu thực tế, thậm chí còn nảy sinh sáng tạo vận trù vào hoạt động của mình.

Văn chương tự nó đã mang chức năng giải trí cao cấp, các Doanh nhân sau những giờ căng thẳng đối mặt với công việc sẽ đi về đâu nếu không là tìm đến văn chương hoặc nghệ thuật. Khía cạnh này văn chương sẽ thích ứng rất cao đối với các Doanh nhân từng trải lịch duyệt và tuổi đời bậc trung trở lên. Những vần thơ hay sẽ làm sang trọng phong cách của doanh nhân, thậm chí những câu thơ vui cũng làm cho không gian người với người của các Doanh nhân xích lại ấm áp hơn tạo ra tiền đề cho sự hợp tác phát triển.

Xét về nhu cầu tự thân của Doanh nhân, có nhiều người trong số họ cũng có tâm hồn nghệ sỹ. Họ có thể sáng tác và sáng tác hay tuy nhiên theo hướng tự phát. Họ cũng cần được đăng đàn, được sự tiếp nhận trao đổi của những nhà văn chuyên nghiệp. Vấn đề này rất quan trọng, tục ngữ có câu “Nằm trong chăn mới biết chăn có rận” ý nói không ai hiểu mình bằng chính mình hiểu mình. Những đề tài liên quan đến Doanh nghiệp nhà văn tất không hiểu bằng doanh nhân. Và câu hỏi đặt ra là: nếu Doanh nhân có thêm nghề viết thì trang viết của họ có xuất sắc không? Và nếu xét về nhiệm vụ đào tạo thì các nhà văn chuyên nghiệp nếu không phát triển nhân tố mới sẽ không chỉ vi phạm Quy chế Hội Nhà văn Việt Nam mà còn có lỗi với sự nghiệp văn chương.

Với các nhà văn chuyên nghiệp, nếu không kết hợp với Doanh nhân sẽ bỏ phí một mảng đề tài góc cạnh và mênh mông đó là hoạt động của doanh nghiệp, là những góc khuất, nẻo đời đày bão táp của các Doanh nhân. Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, đó vốn là một nguyên lý, do vậy nếu hiểu và cùng nếm trải vị ngọt và đắng của cuộc sống Doanh nhân, các trang viết của nhà văn không chỉ có biên độ mở rộng mà chiều sâu, sự sinh động chắc chắn sẽ rất cao. Và chính nhờ tham gia quá trình này, khi đạt thành tựu các nhà văn đã đạt được mục tiêu “hai trong một”: Hoàn thành sứ mạng của người cầm bút và hỗ trợ các doanh nghiệp, các doanh nhân với việc đưa họ trở thành hình tượng cuộc sống đi vào đời sống tâm hồn của con người.

Tác phẩm văn học, xét theo góc độ sản phẩm thì rất cần có người tiêu thụ. Sự tiêu thụ ở đây không chỉ hiểu giản đơn là bán theo đơn giá mà quan trọng hơn là thị trường đọc. Trong xu thế phát triển kinh tế như hiện nay, tỷ lệ người có học, người được đào tạo chất lượng cao sẽ tập trung tại các khu vực doanh nghiệp. Đây là một thị phần mà các nhà văn cần nhắm tới (thông qua các doanh nhân là chủ doanh nghiệp) với mục tiêu để tác phẩm của mình có đông đảo bạn đọc và những thông điệp của tác phẩm góp phần cải biến tri thức tâm hồn của con người trong khối sản xuất khổng lồ này. Đó chẳng phải là nhiệm vụ thiêng liêng của các cây bút văn chương?

Sẽ làm gì để gắn kết Nhà văn và Doanh nhân? từ thực tế của thành phố Hải Phòng có thể dễ dàng nhận thức được một điều: quan hệ này là quan hệ tự thân, hai khối sẽ tự tìm đến nhau trong xa lộ phát triển đồng hướng. Có điều nếu có sự tác động chủ ý của các nhà quản lý hai khối, sự hoà nhập sẽ mau chóng và tiến đúng hướng, phát huy hiệu quả đích thực hơn.

Để đạt tới cái đích ấy, thiết nghĩ những người đứng đầu hai khối sẽ cùng tư duy làm gì? làm như thế nào? để cùng vì nhau. Từ đây chúng ta xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể, duy trì nuôi dưỡng các nội dung ấy trên cơ sở rút kinh nghiệm, nâng cấp chất lượng hợp tác và có thể mở ra những nội dung hợp tác mới phù hợp.

Hải Phòng là thành phố đô thị loại I cấp quốc gia, trọng điểm kinh tế của vùng duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng cũng là thành phố của văn chương với vị trí thứ 3 toàn quốc. Số lượng doanh nhân nổi tiếng đông đảo, số lượng cây bút văn chương vang danh lại rất nhiều. Sự hợp tác quy mô lớn, nội dung sâu rộng, dựa trên cơ sở những nội dung hợp tác hiện thời chắc chắn nhìn thấy một bình minh tươi sáng.

Ván đề là Nhà văn nghĩ gì và Doanh nhân nghĩ gì? Xong quyết không thể coi đây là sự hợp tác bèo nước nhất thời thuần tuý giải trí, không là phong trào đánh chiêng gõ mõ và là những dòng khẩu hiệu rực rỡ trên nền đỏ chữ vàng, nhưng lại in trên giấy trước mưa nắng giông gió luôn dữ dội từng ngày.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder