Sáng 05/03/2015 (tức 15 tháng Giêng, Ất Mùi), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc” đã khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Sáng 05/03/2015 (tức 15 tháng Giêng, Ất Mùi), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc” đã khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội chuyên ngành; đại diện lãnh đạo UBND, Sở VHTT, các Hội VHNT các tỉnh thành phố, các nhà văn trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam, các hội đồng nghệ thuật cùng 150 nhà thơ từ 43 quốc gia, các vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương. Các CLB thơ Hà Nội và cả nước, 5 đoàn nghệ thuật từ 5 trường đại học và hàng trăm nhà thơ, người yêu thơ đã đến dự.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII cùng lúc được khai mạc tại 100 địa điểm trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong diễn văn khai mạc đã nói: Trong buổi sáng hữu tình như buổi sáng hôm nay, và ở một nơi giàu ký ức lịch sử như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, thiên nhiên như muốn dành riêng để chúng ta nói về mùa Xuân, thơ ca và tình bạn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (bên trái) đọc diễn văn khai mạc – Ảnh internet
Tiếp theo thành công của Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2, điểm nổi bật của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII này là sự có mặt của các vị khách quốc tế tạo thành một sự kiện giao lưu văn hóa sôi nổi thắm tình đoàn kết, như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói: Sự kiện này thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà thơ đại diện năm châu đối với sự nghiệp thi ca và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam “muôn thuở non sông vững”.
Các nhà thơ quốc tế tham gia sân thơ- Ảnh internet
Tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần này, nhà thơ M. Salmawy, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập đã thay mặt đoàn khách quốc tế từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ chia sẻ một câu chuyện thú vị về giấc mơ gặp vị thần thi ca của Ai Cập của mình. Vị thần ấy là đại diện của cái đẹp, tình yêu, nghệ thuật, và tại đất nước của thi ca, hòa bình và tình yêu bao la như đất nước Việt Nam, vị thần ấy đã không muốn quay trở về Ai Cập.
Chủ tịch Hội Nhà văn Sudan, nhà thơ Gadour Omer đã đọc bài thơ “Hy vọng” của mình, và nói: Việt Nam là đất nước của những người anh hùng, và thơ ca. Tôi rất hân hạnh có mặt tại đây cùng các bạn, đặc biệt là được đọc thơ tại ngày thơ Việt Nam của các bạn.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII được chia làm hai sân thơ chính song hành với các tiết mục đọc thơ của các nhà thơ trong nước và quốc tế xen kẽ chương trình nghệ thuật chào mừng được dàn dựng công phu do Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật Sơn La và 5 đoàn nghệ thuật từ 5 trường đại học thực hiện. Các khu trưng bày sách, các ấn phẩm văn chương của nhiều nhà xuất bản, tạp chí, báo chí và gian hàng giao lưu nghệ thuật thơ ca của Hội VHNT các tỉnh thành trên cả nước cũng được tổ chức tại đây.
Kết thúc chương trình khai mạc, 50 câu thơ tài hoa, trong đó 25 câu thơ của thi nhân Việt Nam và 25 thơ của các thi nhân nổi tiếng thế giới đã được thả lên trời trong Lễ thả thơ long trọng.
Sau thành công của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII tại Hải Phòng (ngày 01/3/2015), Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã tổ chức cho các hội viên tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Ca khúc “Cát thờ” thơ Hữu Thỉnh, nhạc Nguyễn Kim do nhóm NS Hương Liên, Ngọc Sơn trình diễn tại sân Văn Miếu đã để lại ấn tượng cho người nghe. Tại quán thơ của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã trưng bày các ấn phẩm của Tạp chí Cửa Biển; các tập thơ mới xuất bản của các nhà thơ Mai Văn Phấn, Đinh Thường, Phạm Thúy Nga, Lương Thế Phiệt… Mô hình Tàu Titanic của nhà thơ Phạm Xuân Trường và đặc sản nước mắm Cát Hải của Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Cát Hải đã thu hút nhiều khách tham quan, giao lưu.
Ca khúc “Cát thờ” thơ Hữu Thỉnh, nhạc Nguyễn Kim
do nhóm NS Hương Liên, Ngọc Sơn biểu diễn (Ảnh Đinh Thường)
Nhà văn Trần Đức Tiến cùng khách quốc tế tham quan quán thơ Hải Phòng.
(Ảnh Đinh Thường)
Các nhà văn tham quan mô hình tàu Titanic của nhà thơ Phạm Xuân Trường
(Ảnh Đinh Thường)